Hôm nay,  

Trang Phạm Phong Dinh: Giòng Đời Cát Bụi

10/09/200700:00:00(Xem: 3058)

(Tiếp theo...)

Hằng không bao giờ có thể quên được lần gặp gỡ đầu tiên với Lãm trong bệnh viện và mối ân tình hào hiệp của chàng dành cho nàng. Mai sau, dù cho cuộc đời có dời đổi bể dâu đến thế nào, Hằng nguyện với lòng, rằng cái ký ức êm đềm  mà rất lạ lùng ấy sẽ vĩnh viễn khắc sâu vào tận đáy tim nàng. Khi được người y tá báo cho hay, rằng có hai người thân sẽ vào phòng thăm nàng, Hằng ngơ ngác không tin là nàng có những người thân nào sống trong thành phố. Hay cũng có thể là những cô bạn gái cùng hãng với nàng chăng. Hằng mệt nhọc hỏi cô y tá:
-Chị làm ơn cho biết có phải là mấy cô gái bạn tôi không"
Người y tá lắc đầu:
-Không phải đâu, là...
-Hay là một ông già chừng năm lăm, sáu mươi"
Cô y tá cười xòa vì cái đoán người sai bét của bệnh nhân, cùng cái cái tính tò mò của đàn bà:
-Có một ông già nhưng còn trẻ, tuổi ước chừng chưa quá bốn mươi, nhưng trông còn... công tử bột lắm, khoảng ba mươi, ba lăm là cùng, và một ông cụ nhỏ khoảng chừng mười mấy tuổi...
Trong người hãy còn yếu ớt lắm mà Hằng cũng phải cưới phì trước câu pha trò hóm hỉnh của cô gái:
-Chị vui tính quá, em cám ơn các chị đã cứu sống và chăm sóc em trong những ngày qua.
Người y tá ngồi ghé vào bên giường vui vẻ:
-Ơn nghĩa gì chị ơi, nhiệm vụ của chúng tôi là thế mà...
Bất chợt nàng rầu rầu nét mặt:
-Tôi biết ngày nay người dân chán ghét những cái bệnh viện của chúng tôi lắm, bản thân tôi mà còn không thích làm việc trong này, ở giữa những thứ người ngợm đã mất hết nhân tính...
Hằng đưa tay lên ngăn lại, vì e người chung quanh nghe thấy thì phiền cho cô gái:
-Chị nói thế nào, chứ em nằm trong bệnh viện được các chị chăm sóc tận tụy và ân cần lắm, em rất biết ơn.
Cô y tá bĩu môi lắc đầu:
-Tiền bạc cả không đấy chị ơi, người ta trả tiền hậu hỉ để chúng tôi chăm sóc chị cẩn thận hơn, tôi tự thấy hỗ thẹn lắm nhưng mà tôi không còn con đường nào khác để chọn lựa, đi làm ở đâu thì cũng thế thôi...
Hằng cố nhỏm dậy dựa lưng vào thành giường, chỉ xê dịch có ngần ấy mà nàng đã phải ôm ngực trong từng hơi thở ngắn:
-Ai mà người ta có tấm lòng nhân từ thế hở chị, em từ Bắc vào đây nào có thân nhân gì.
-Thì chính là cái anh chàng hào hoa nghĩa hiệp sắp vào thăm chị đấy. Thôi, chị nằm đây để em chạy ra hỏi chị Lý xem anh ấy và cậu bé con vào được chưa.
Cô y tá đứng dậy xoay người bước ra ngoài, thì Hằng đã gọi với theo:
-Chị ơi, em chưa được biết tên của chị"
Cô gái quay lại nhìn Hằng bằng ánh mắt dịu dàng:
-Chị cứ gọi em là Trinh.
Hằng đan hai bàn tay vào nhau ấp ủ lên ngực gật đầu:
-Em sẽ nhớ mãi tên chị...
Cô gái đã bước đến bên cửa, bỗng Hằng giật mình gọi theo một lần nữa:
-Chị Trinh ơi, chị làm ơn trông hộ em, xem... em có... nhàu nát lắm không, em sợ người ta cười...
Cô y tá nhìn đăm đăm lên đôi má đỏ au vì thẹn của người bệnh, gục gặc đầu mỉm cười trấn an nàng:
-Chị trông... được lắm. Đang nằm bệnh mà chị còn xinh thế, nay mai đây xuất viện rồi, chị còn đẹp đến đâu nữa.
Là một cô gái như hàng trăm nghìn cô gái khác, được người ta khen thì có cô nào không cảm thấy sung sướng như nở hoa trong lòng, Hằng cúi đầu xuống tránh ánh mắt của Trinh, con tim rộn rã một nỗi hân hoan:
-Chị nói thế, chứ em biết em vừa già vừa xấu, nếu có một người nào ở trong phòng này xinh và đẹp, thì người ấy chính là... chị đấy!
Trinh ôm bụng cười hì hì:
-Thôi, thôi, chị em mình nịnh nhau như thế là đủ rồi, chị để  cho em ra nói người ta vào đây...
Chẳng biết là Trinh có khen thật lòng hay không, chứ Hằng ngao ngán nhìn hai cánh tay gầy guộc của nàng, chỉ là hai khúc xương được bọc bằng lớp da xám xịt héo úa, những mạch máu màu xanh nổi lên trên lưng bàn tay, chằng chịt như những con kênh thủy lợi mùa khô, trông chán ghê. Hằng kéo hai ống tay áo phủ lấp cái phần xấu xí ấy đi, nàng ngồi thẳng lên đưa tay vuốt lại làn tóc rối xác xơ vì mấy ngày không gội rửa. Trong ý nghĩ của Hằng, nàng cố hình dung ra hai con người sắp vào đến đây, không rõ là những con người  thế nào mà lại có tấm lòng từ ái quan hoài đến nàng như thế.
Tiếng bước chân của nhiều người tiến đến bên khung cửa cắt đứt giòng tư tưởng của Hằng, nàng nhìn lên, bối rối và luống cuống với cái hình dạng thảm hại của mình. Khuôn mặt trẻ thơ của một thằng bé thò vào nhìn quanh, đôi mắt đen to, ngơ ngác. Thằng bé trông thấy Hằng ngồi trên giường trông ra, hai ánh mắt hướng vào nhau, nó ngượng ngập bước đến gần:
-Chị... là chị Hằng con của bác Tuần phải không"
Hằng chưa kịp trả lời thằng nhỏ, thì một người đàn ông trông hãy còn khá trẻ có khuôn mặt chữ điền đã hiện ra bên khung cửa cùng bước vào với cô y tá. Trinh vui vẻ giới thiệu:
-Chị Trinh ơi, đây là cái ông muốn vào thăm chị đó. Thôi, để em ra ngoài, mọi người cứ tự nhiên nói chuyện với nhau, khách ở lại bao lâu cũng được, chế độ đãi ngộ đặc biệt...
Lực tiến đến gần bên giường, ánh mắt rụt rè nhìn vào gương mặt Hằng, nó muốn tìm một vài nét quen thuộc nào đó qua hình ảnh của bác Tuần:
-Chị Hằng phải không" Em là Lực là con của bà Hựu trong thôn Quảng Lộc của mình, chị nhận ra em không, em trông chị giống bác Tuần lắm"
Hằng gượng gạo nở một nụ cười:
-Em là Lực à... Chị... biết bác Hựu chứ, nhưng... chị không nhận ra được em...
Bất chợt Lực co ngón tay đưa lên tự ký vào đầu nó một cái đánh cốc, rồi bẻn lẻn cười:
-Em quên mất, ngày chị vào Nam em hãy còn nằm khóc trên giường cơ!
Nó quay sang nắm lấy tay Lãm kéo đến gần bên Hằng:
-Chị Hằng ơi, đây là anh Lãm, anh ấy tốt lắm... Anh Lãm ơi, còn đây là chị Hằng của em, mà cũng là người láng giềng làng bên của anh đấy.
Hằng e thẹn tránh ánh mắt sáng lóng lánh của chàng trai, nhưng rồi cũng buộc phải ngước lên nhìn thẳng vào Lãm để nói lời cảm ơn:
-Chào anh Lãm... Anh tốt với em quá, em thật không biết nói lời gì để cảm ơn anh... Em... em... còn sống được là... là... nhờ anh, em sẽ... em luôn... nhớ...
Cố gắng chỉ được ngần ấy, Hằng tự biết nàng gần như đứt hơi không còn có thể suy nghĩ nói năng gì được nữa, làn da tái xanh trên khuôn mặt hừng lên một màu hồng, đẹp như ánh nắng chiều, làm cho Lãm cũng ngẩn ngơ theo, chàng vội đưa tay ra trong một cử chỉ khiêm tốn:
-Không có gì, không có gì... cô Hằng đừng quá bận tâm chuyện ấy. Dẫu sao thì chúng ta... tôi... với cô cũng có cái tình đồng hương mà.
Lực hí hửng ngồi bên chân chị Hằng:
-Phải đấy chị, anh Lãm ở bên thôn Quảng Nhiêu, chị em mình ở Quảng Lộc, hai thôn chỉ cách nhau một cánh đồng, chẳng đồng hương là gì.
Lực muốn giới thiệu với chị Hằng, anh Lãm là người Việt ở ngoại quốc, nhưng Lãm đã dặn trước nó không được hé lộ thân thế của chàng. Hằng khẽ bảo thằng em cùng làng:
-Em nhắc ghế mời anh Lãm ngồi giùm chị.
Lực phóng xuống kéo chiếc ghế đặt sát bên cái bàn nhỏ cạnh vách vào gần giường hơn, nó nhìn Lãm cười hóm hĩnh:
-Chị Hằng mời anh Lãm ngồi...
Lãm ghé vào ngồi lên ghế:
-Cám ơn cô Hằng.
Chàng đặt lên bàn một cái gói nhỏ, dịu dàng nói với cô gái:
-Anh em tôi có mấy quả cam, cô Hằng dùng cho khỏe.
Lãm ngây ngất nhìn đôi má càng đỏ nhừ hơn của Hằng, giọng nàng nhẹ như tơ:
-Trời ơi, em không dám nhận đâu, em làm phiền anh quá nhiều rồi, em... em... không dám... em đâu có xứng đáng được như vậy chứ...
Lãm tươi cười tìm lời an ủi:
-Chỉ là chút quà nhỏ thôi cô Hằng, để tôi bảo cu Lực xẻ cam cho cô ăn nhé.
-Dạ... dạ... anh cứ để em tự xẻ lấy cũng được.
Thằng Lực nào đâu để cho Hằng làm việc ấy, nó nhanh nhẹn rút con dao gọt cam trong cái bọc ra, lấy một quả đặt lên cái dĩa trống của Trinh đặt sẵn trên bàn, rồi xẻ quả cam ra thành nhiều miếng. Thằng bé khéo tay, nó chia trái cam ra thành nhiều miếng rất đều, màu cam vàng ối bóng mướt rất quyến rũ. Lực bóc một miếng đưa cho Hằng:
-Chị xơi cam đi, anh Lãm chở em ra ngoài chợ Bến Thành chọn mua đấy.
Hằng ngượng tê tái cả người, nàng bảo nhỏ thằng bé:
-Em mời anh Lãm ăn trước đi.
Lực không hiểu ý chị Hằng, nó gãi đầu nói to lên:
-Anh Lãm ăn làm gì, người bệnh như chị mới cần ăn chứ.
Thằng bé ngô nghê càng đưa Hằng và một tình thế bối rối, như một cô gà nhỏ vướng tóc trên sân, chẳng nhẽ cứ nhẩn nha xơi cam trước mặt Lãm, Hằng thấy xấu hổ lắm. Lãm xoa đầu thằng bé:
-Chị Hằng đã nói thế thì anh em mình với chị Hằng cùng ăn cho chị được vui lòng.
Lãm nhón lấy một miếng cam trao cho Hằng:
-Cô Hằng ăn cam  cho khỏe người.
Hằng cảm động nhận lấy miếng cam ân tình ấp úng:
-Dạ mời anh cùng xơi ạ.
Từ đầu, Lãm đã định đưa thằng bé vào gặp chị Hằng của nó, rồi chàng tìm cách cáo từ ra về, để mặt chị em nhận nhau, xem như  chàng không còn công việc gì để nấn ná ở lại nữa và hoàn toàn hết trách nhiệm. Nhưng cái dáng người ốm gầy xanh xao của cô gái với đôi mắt sâu thẳm chứa đựng những tia buồn ảo não làm con tim Lãm chùng xuống, một nỗi xót xa thương cảm nhè nhẹ dâng lên như những con sóng thủy triều vỗ tí tách vào ghềnh đá. Trong ý nghĩ của chàng bừng lên câu chuyện thương tâm của Hằng cùng những cô bạn công nhân bị bọn chủ bức hiếp và đuổi việc một cách tàn nhẫn. Cô gái ấy đang nằm ủ ê trước mặt chàng trong một dáng vẻ cam chịu thật tội nghiệp, Lãm mủi lòng biết rằng chàng không còn có thể bỏ rơi hai chị em Hằng trong một tình trạng tồi tàn như thế này, như thế thì nhẫn tâm và vô tình quá. Thôi thì, Lãm tự nhủ với lòng, làm ơn thì làm ơn cho trót, chàng phải giúp Hằng trở về nhà ổn định lại cuộc sống, rồi lúc ấy nói lời giã biệt cũng không muộn.
Hằng và Lãm, mỗi người chỉ ăn một ít múi cam rồi thôi, thằng bé Lực đã rất nhiều năm không được xơi cam, nó nhẩn nha bóc hết cam trong dĩa cho vào miệng, đê mê nhắm mắt tận hưởng chất nước ngọt lịm trôi xuống cổ họng, quên mất rằng cam anh Lãm mua là dành cho người bệnh. Dĩa cam đã hết mà cái hương vị thơm ngát, nồng nàn của cam vẫn còn đọng lại trên lưỡi, Lực đứng dậy liếm chất ngọt dính trên môi, nó rút lá thư trong túi ra đưa cho Hằng:
-Chị Hằng ơi, đây là thư của bác Tuần gửi cho chị, chị đọc đi.
Hằng run run đón lấy bức thư của người cha kính yêu mà nhiều năm dài nàng chưa có dịp về thăm ông. Mắt nhòa lệ, Hằng nuốt từng giòng chữ thân thương của bố. Hằng ngước lên nhìn Lực:
-Từ nay em về ở với chị, chị em mình đùm bọc lấy nhau.
Lực hớn hở khoe với chị Hằng:
-Chị cứ yên tâm nằm trong này cho khỏe, em đi làm nuôi chị...
Hằng nhìn lên, bắt gặp ánh mắt của Lãm, cả hai cùng mĩm cười, Hằng vuốt tóc thằng em:
-Em tôi giỏi thế cơ à, nuôi được cả chị Hằng nữa. Bố chị gửi gắm em cho chị trông nom giùm, chị chưa làm được gì, hóa ra em lại trông nom chị, chị thật vô dụng quá.


Lực nắm lấy bàn tay gầy của Hằng:
-Miễn là em được ở với chị thì em sung sướng hạnh phúc lắm, cực khổ mấy em cũng chịu được.
Thằng bé đã nói thật những gì nó ấp ủ từ đáy lòng. Một thân một mình từ Bắc và Nam, trải qua những ngày sóng gió giồi giập, Lực kinh hãi lắm. Nó như một chiếc lá xanh non sớm lìa cành, rồi rơi vào một vùng biển bão tố với hàng hàng lớp lớp những con sóng dữ muốn đập nó dập nát ra thành muôn mảnh. Chị Hằng như một chiếc phao cứu sinh đến với Lực, giữa lúc nó tuyệt vọng tưởng đã chịu buông xuôi cho con xoáy nước cuốn xuống tận đáy vực thẳm. Hai anh em Lãm ngồi trò chuyện với Hằng mãi đến lúc bệnh viện người ta báo hết giờ, anh em chàng dắt nhau ra về. Tuy Trinh có vào bảo anh em Lãm cứ ở lại bao lâu tùy ý, nhưng trông Hằng có vẻ mệt mỏi lắm, Lãm xin được ra về để Hằng nghỉ ngơi. Hằng vẫy Lực đến gần bảo nhỏ:
-Bên hiên nhà có một chậu hoa cúc nhỏ, dưới chậu cúc có cái chìa khóa nhà. Trong bếp còn một ít gạo và dầu hôi, em cứ tự nhiên nấu lấy mà ăn...
Lực cầm tay chị Hằng rưng rưng:
-Chị tốt quá, nhưng mà em cũng không cần ăn cơm đâu, ngày hai buổi em ăn phở ngoài quán chị Năm rồi.
Hằng bật cười:
-Ăn phở hoài ngán không, không thèm cơm sao"
Lực lắc đầu cười toe toét:
-Không, em mê phở lắm, em quên cơm rồi, chị Năm có cho em ăn phở tới già em vẫn cứ ăn.
Lãm vỗ đầu thằng bé cười với Hằng:
-Thôi đừng có ba xạo quá ông ơi, tôi thì tôi cứ xoay bữa cho chắc bụng, ăn mãi một thứ tôi điên lên mất. Thôi, anh em mình về cho chị Hằng nghĩ...
Ngồi phía sau Lãm trên chiếc xe gắn máy, Lực nghĩ đến anh em thằng Hiền, trong lòng tự nhủ chắc là phải gọi anh em nó đến ăn chung, mỗi đứa bỏ một ít tiền mua bù gạo lại cho chị Hằng. Đến cái khoản ngủ thì càng phải kêu anh em Lành đến qua đêm cùng nhau, chứ eo ơi, Lực chẳng dám ngủ một mình trong căn nhà trống, ở giữa một cái nghĩa trang đầy những mồ mả ghê gớm, mà chưa gì nó đã rờn rợn tưởng tượng đến những bóng ma trồi lên từ đáy huyệt sâu, chập chờn phiêu phưởng trên đầu những ngọn cỏ giữa đêm hoang lạnh, kêu khóc rên than bên những tấm bia đá lạnh lẽo, cùng với tiếng gió hú rền rỉ từ trên đỉnh đồi vọng xuống.
Thật khốn khổ cho Hằng, nàng đâu có nghỉ ngơi được gì. Suốt đêm hôm ấy, nàng cứ trằn trọc day trở mãi, như người ta trở cá rán trên chảo, cố dỗ giấc ngủ mà không được. Bởi cuộc tao ngộ lúc ban chiều với hai người đồng hương ở Quảng Ninh đã khắc sâu vào lòng nàng một ấn tượng thật mạnh mẽ, mà giờ đây nằm cô quạnh một mình, Hằng cứ cho đó chỉ là một cơn mộng đẹp, chứ không phải là thực. Hằng không tin rằng, ở giữa một xã hội mà người ta không mấy ai còn giữ được lòng thuần lương nữa, chuyện một người hoàn toàn xa lạ bỏ ra một món tiền lớn giúp đỡ cho Hằng là một điều phi lý. Trong cái cuộc đời trọng vật chất, tiền tài hơn nhân nghĩa này, không ai sẵn lòng cho không người khác một cái gì mà không nhận được lại chút gì đền trả. Nghĩ đến đấy, Hằng tự nhủ lòng, rồi đây, dẫu sao mặc lòng, nàng phải dành dụm tiền trả lại cho anh ấy. Chìm dần vào giấc ngủ, trong cơn mơ màng, bất giác khuôn mặt khả ái, đôi mắt sáng quắc của chàng trai bỗng hiện ra, cùng với nụ cười, mà Hằng xốn xang biết rằng suốt đời, hình bóng ấy sẽ không bao giờ phai nhạt trong tim nàng...

*

Đứng trước tấm bảng đen nhỏ treo trên vách giảng bài cho bọn học trò hàng xóm, nhưng lòng Hằng thì cứ trông mãi qua khung cửa xuyên vào cõi đêm đen ngoài hiên. Tiếng xe cộ ầm ì vọng từ con đường lớn vào, mà thính giác Hằng cứ ngỡ là đã nghe thấy tiếng nổ êm ái của chiếc xe gắn máy quen thuộc, nàng chờ đợi sẽ được trông thấy cái con người ấy xuất hiện bên cánh cửa, chàng đến đứng lặng thinh tươi cười nhìn vào lớp học nhỏ bé của nàng. Hằng cố để tâm lắng nghe tiếng bánh xe nghiến trên con đường đất, rồi ánh đèn sáng lóa lên giữa màn tối đen như những chùm tơ vàng kỳ diệu. Nhưng càng chờ trông thì Hằng cay đắng nhận ra rằng chỉ hoài công. Ai người ta bận tâm làm gì đến một cô gái già lỡ thì, trong khi chung quanh có biết bao cô gái trẻ, đẹp, duyên dáng và quyến rũ gấp trăm, nghìn lần hơn.
Trong lúc suy nghĩ miên man như thế, thì chợt có một ánh đèn xe lóe lên từ phía cuối con đường đất đàng xa, trái tim Hằng lại nện thình thình trong một nhịp điệu hớn hở. Tiếng máy xe lớn dần, lớn dần, âm thanh đã dồn dập ở ngay trước hiên nhà. Hằng không thể không đưa tay ôm lấy ngực nhìn ra, trong lòng dậy lên một nỗi ao ước điên rồ, nếu đúng là chàng đã đến, thì Hằng sẽ sung sướng biết bao. Nhưng không như lòng mơ, ánh đèn xe đã tàn nhẫn hướng vào một ngã rẽ khác, rồi nó mất hút trong bóng đêm mịt mùng. Hằng cố nén tiếng thở dài, tránh nhìn vào đôi mắt mở to của thằng bé Lực nhìn theo, bởi nó cũng cùng tâm trạng chờ đợi cùng một con người như nàng. Hằng hít vào một hơi dài trấn áp nổi sầu muộn mà nàng tự gây cho chính mình:
-Các em tiếp tục làm bài tập đi nhé, em nào làm xong thì đem lên đặt trên bàn rồi về...
Hằng ngồi xuống chiếc ghế đằng sau bàn giả vờ hí hoáy với chồng sách học trong lúc bọn trẻ cắm cúi làm bài, nhưng tình thực thì Hằng chẳng làm gì cả. Những ngón tay của nàng lật từng trang sách một một trạng thái vô hồn, nàng chẳng đọc, chẳng trông thấy gì, đầu óc suy nghĩ miên man, càng lúc càng chìm vào trong một cõi sương mù dầy đặc. Thẫn thờ đến nỗi Hằng không nghe được tiếng máy xe đã dừng ngay trước cửa, rồi loáng thoáng có tiếng kêu của Lực:
-Chị Hằng ơi, có khách đến kìa!
Hằng giật mình nhìn lên mừng rỡ đứng dậy bước ra, nhưng nàng đã đứng sửng đằng sau chiếc bàn trong một nỗi thất vọng tê tái. Một người đàn ông lạ trong độ tuổi trên dưới ba mươi lạ mặc áo sơ mi bỏ trong chiếc quần tây đen, trên vai mang một chiếc xắc làm việc. Người đàn ông đưa mắt nhìn quanh căn phòng với tia nhìn soi mói, bắt gặp ánh mắt của Hằng, anh ta đằng hắng lên tiếng chào:
-Chào cô, cô có phải là cô Hằng"
Hằng bỡ ngỡ bước ra, trong lòng trỗi lên một niềm hy vọng, rằng người đàn ông này đem tin lành đến cho nàng. Có phải chăng anh Công bí thư công đoàn đã gởi người này đến để gọi nàng đi làm việc lại. Nghĩ đến đó, lòng tràn ngập niềm vui, Hằng tươi cười gật đầu:
-Thưa đúng ạ, em là Hằng, còn anh là...
-Cô cứ gọi tôi là Hai.
-Dạ chào anh Hai, anh đến tìm em có việc gì ạ"
Hai hắng giọng, anh ta đang tìm cách vào đề:
-Cô là cô giáo mở lớp học này"
Hằng ngẩn người bối rối, hóa ra Hai không phải là người công đoàn:
-Dạ...
Hai đảo mắt nhìn vào đám trẻ, mà chúng cũng đang mở to mắt trông vào anh ta, bởi anh là một người lạ hoàn toàn.
-Cô làm ơn cho mấy em này về rồi chúng ta làm việc.
Hằng rùng mình, trái tim chùng xuống trong một nỗi băn khoăn lẫn âu lo. Hằng rất quen thuộc với hai tiếng "làm việc", chúng chẳng đem đến cho người được làm việc với chuyện tốt lành gì. Hằng đành gượng gạo đưa tay ra hiệu:
-Chị Hằng có khách, mấy em đem vở về nhà làm bài tiếp nhé. Ngày mai đến chị em mình cùng sửa bài với nhau.
Thằng Lực nhắc một chiếc ghế đem đến mời người khách lạ:
-Mời chú ngồi.
Hai nắm lấy đầu ghế kéo lại gần ngồi lên làm mặt nghiêm:
-Ừ, tốt.
Lực ngơ ngác bước thụt lùi, trong lòng đoán già đoán non, rằng người khách này với thái độ hách dịch ấy, chắc không phải là người tốt rồi. Linh tính của thằng bé báo cho nó biết một chuyện chẳng lành, nhưng xấu đến mức độ nào thì nó không thể giải đoán được. Người đàn ông móc trong túi áo một gói thuốc, rút một điếu và bật lửa, mùi thuốc lá thơm lừng tỏa ra khắp phòng. Hằng không chịu được mùi khói, nàng đưa tay lên miệng húng hắng ho. Hai dường như chẳng quan tâm mấy chuyện ấy, anh ta vừa phì phèo thuốc vừa nhìn bọn trẻ khoanh tay cúi đầu chào cô giáo ra về. Khi đứa trẻ cuối cùng đã chìm lẫn vào bóng đêm, Hằng bảo Lực với anh em Lành:
-Mấy em sang nhà chị Liên chơi chút, khi nào xong việc thì chị gọi về ngủ.
Hai đứng dậy kéo chiếc ghế đến trước chiếc bàn. Điếu thuốc cũng vừa tàn, anh ném mảnh thuốc xuống đất, chiếc xăng đan anh mang trong chân dí lên.
-Mời chị ngồi xuống ta cùng làm việc.
Thái độ trịnh trọng và lạnh lùng của Hai làm cho Hằng kinh hoảng, nàng tái mặt lắp bắp:
-Làm... làm... việc... gì ạ"
Hai đặt một cuốn tập dầy lên bàn, giở ra mấy trang, ngụ ý anh ta đang làm việc.
-Cô mở cái lớp học này được bao lâu rồi"
Hai bàn tay Hằng đặt trên mặt bàn đan vào nhau bối rối:
-Dạ anh hỏi thế có việc gì không ạ"
-Có việc tôi mới hỏi, tôi hỏi chị cứ trả lời.
-Nhưng... ít nhất anh Hai cũng cho tôi biết là làm việc gì chứ"
Hai nhìn người đối diện trừng trừng, như muốn áp đảo tinh thần:
-Tôi là nhân viên phòng thuế của huyện xuống làm việc về lớp học của chị. Thôi để tôi nói ngay, ta làm việc nhanh rồi chị nghĩ...
Hằng không để ý Hai đã thay đổi danh xưng với nàng, từ cô sang chị, bởi trong đầu nàng đang dậy lên dấu hỏi lớn cùng một nỗi lo lắng tràn ngập trong lòng.
-Phòng thuế vụ huyện biết chị đã mở lớp học này được đúng một tháng, có phải không"
Hằng rụt rè đáp:
-Dạ đúng thế ạ"
Hai nghiêm giọng, phong cách giống như quan tòa hỏi cung tội nhân:
-Tại sao chị không làm đơn khai báo với chính quyền huyện, như vậy là vi phạm luật pháp nhà nước, có thể bị truy tố ra tòa hình sự...
Hai còn phun ra thêm một tràng dài, viện dẫn luật pháp và hiến pháp của nước "cộng hòa xã hội chủ nghĩa", nhưng Hằng không còn nghe được gì nữa. Sợ hãi lẫn choáng váng, suýt nữa Hằng đã gục đầu lên bàn ngất đi. Như con chim đã một lần bị tên, chỉ trông thấy chiếc ná là đã đủ để Hằng rụng rời cả thân thể. Ở bệnh viện về được một vài tuần, Hằng tự biết mình còn mỏi mệt yếu đuối lắm, công việc nhà đều bỏ mặc cho bé Lực làm gì thì làm. Giờ đây lại va chạm với một thứ quyền lực ghê gớm khác, có khi còn hơn cả tổ công đoàn của Công, Hằng biết mình đã vướng vào một vụ rắc rối lớn, nàng gượng gạo run run hỏi:
-Thế bây giờ anh bảo tôi phải làm gì"
Hai chìa ra mấy tờ giấy:
-Rất dễ, chị có hai tùy chọn. Thứ nhứt, nếu chị muốn mở lớp học tiếp thì điền vào đơn này, chịu phạt hành chánh và đóng thuế hàng tháng.
-Còn điều kiện thứ hai"
Gã thuế vụ nhìn xoáy vào mắt cô gái để lượng định phản ứng của nàng:
-Cũng rất dễ, chị đóng tiền phạt hành chánh và đóng cửa lớp học vĩnh viễn.
Hằng suýt kêu lên, nàng thảng thốt đưa mấy ngón tay lên môi ghìm lại những âm thanh uất nghẹn. Tuy là đang tái tê vì cơn khủng khoảng là thế, nhưng bản tính tò mò của người đàn bà giục Hằng hỏi cho rõ:
-Xin anh nói cho biết trong mỗi trường hợp tôi phải trả tiền như thế nào" (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
An Xá Quốc Tế vừa phát hành một bản cáo trạng gay gắt đối với những tập đoàn internet thống trị thế giới. Tổ chức có trụ sở tại London này cho rằng Facebook và Google cần phải bị bắt buộc từ bỏ mô hình kinh doanh dựa trên sự giám sát của mình, vì điều này là vi phạm nhân quyền.
Theo tin từ CBS: Cơ Quan An Toàn Giao Thông (TSA) hiện nay đang thử nghiệm những kỹ thuật mới, giúp cho việc kiểm tra an ninh tại các phi trường nhanh chóng hơn, giúp hành khách đỡ phải xếp hàng dài và chờ đợi lâu.
Theo CNN, hơn 1,000 bệnh nhân tại Bệnh Viện Goshen tiểu bang Indiana có thể đã phải tiếp xúc với vi khuẩn HIV, hepatitis C, hepatitis B, sau khi một lỗi sơ sót trong quá trình làm vệ sinh thiết bị phẫu thuật đã xảy ra.
WASHINGTON - Theo bản chép điều trần kín mới công bố ngày 26-11, nhân viên chuyên môn của phòng quản trị ngân sách (OMB) thuộc Bạch Ốc là Mark Sandy được 2 đồng sự cho hay “họ thôi việc tại OMB 1 phần vì hoang mang thấy quân việc Ukraine bị đình hoãn”.
WASHINGTON - 2 người thông thạo biết TT Trump đã được thông báo khiếu nại của “người thổi còi” về các thương lượng với Ukraine khi ngưng quyết định đình hoãn quân viện” hồi Tháng 9.
Cho tới gần đây, thăm dò dân ý mới nhất của CNN ghi nhận: 50% công dân Mỹ thấy là nên luận tội và truất phế Trump.
WASHINGTON - Thăm dò mới của CNN ghi: cựu PTT Joe Biden nhận được hậu thuẫn của 28% cử tri, là cao nhất trong các dự ứng viên TT của đảng Dân Chủ.
WASHINGTON - Thị trường việc qua cuối năm thứ 3 nhiệm kỳ TT của Donald Trump tiếp tục vững mạnh. Nhưng giới nghiên cứu nhận thấy điểm tiêu cực là việc làm chỉ tăng ở các vị trí lương thấp.
WASHINGTON - TT Trump tuyên bố hôm 27/11: băng đảng ma túy Sinaloa là khủng bố, có nghĩa là có thể bị tấn công bằng phi cơ không người lái UAV.
Việt Nam sẽ có 104 triệu dân vào năm 2030, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết hôm Thứ Tư.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.