Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen (08/06/2007)

06/08/200700:00:00(Xem: 2637)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Tên Đức chỉ tay bảo tôi ngồi. Xong, hắn nói tiếp, vẻ trang trọng, đưa mắt về phía người mặc áo “vét”...
- Đây là Đồng Chí Hồng, Trưởng phòng “44”, Phòng chấp pháp Chính trị. Đồng chí có nhã ý gặp anh. Vậy, anh có điều gì cần, cứ đề bạt.
Tên Hồng cười xã giao:
- Anh có khỏe không" Anh có cần gì, tôi cho phép anh phát biểu.
Tôi nghĩ bụng: Tôi cần gì ư" Một điều mà tôi cần, nếu anh mà thực hiện, anh không còn chỗ ngồi này đâu! Tôi liếc nhìn tấm ảnh Hồ Chí Minh lớn treo trên tường, phía sau lưng y. Tôi chăm chú nhìn vào đôi mắt chó sói của tấm ảnh. Con ngươi vàng ửng như đang đong đưa đổi màu nhìn tôi. Tự nhiên hai mắt tôi nóng rát lên như có lửa, làm cho hai con ngươi của tấm hình như thu nhỏ lại, cụp xuống. Một ý nghĩ ngắn gọn: “Tôi cần cái đầu của người trong tấm hình kia!”. Cuối cùng, tôi nói:
- Xin cảm ơn ông, tôi không cần gì cả. Chỉ đề nghị ông giải quyết sớm sự việc của tôi.
Y cười nửa miệng:
- Anh không chịu khai báo sự thật. Anh không khai báo tốt thì giải quyết sớm thế nào"
Tôi hiểu, điều chính là nó muốn xuống nhìn trực tiếp con người của tôi mà thôi. Còn, chỉ là những câu nói phất phơ.
Giữa lúc ấy, tôi thoáng thấy một bóng người đi vào cửa, phía ngang chéo sau lưng tôi. Tôi quay lại nhìn ra, một người mặc quần áo nâu cũ và một tên công an áo vàng đi phía sau. Tên công an lùi ra. Tên Đức đứng dậy chỉ cho người áo nâu đến một chiếc ghế dài cạnh tường ngồi, quay mặt về phía tôi và buya rô. Người áo nâu dáng to khỏe, nhưng nước da xám tái, đi chân đất, gấu quần nâu lua tua rách mướp.
Khi tôi vừa thoáng quay ra cửa nhìn, tim tôi hơi bóp lại. Người áo nâu cũng nhìn thoáng tôi. Phản xạ cấp thời, tôi chỉ thấy bộ mặt quen quen. Khi người áo nâu vào ngồi ghế nhìn tôi, và nhìn các người ngồi ở bàn giấy, tôi đã nhận ra.
Chắc rằng lúc đó mắt tôi phải đờ đẫn vì ngạc nhiên. Tôi không thể tưởng tượng nổi con người tiều tụy, khúm núm, rụt rè, lấm lét ngồi gần tôi kia là …Trung Úy Nghĩa. Con người mà hình ảnh đó đã in sâu trong óc tôi, đẹp trai, khỏe mạnh ngang tàng, hiển hách một thời của Bình Xuyên 1954-1955 bây giờ là đây.
Không khí im lặng, không ai nói một lời. Tôi biết chúng đang bám sát thái độ của Nghĩa và tôi. Chừng 3 phút sau, tên Đức ra hiệu, tên công an bên ngoài vào dẫn Nghĩa ra. Sau đó, chúng nhìn tôi như hỏi bằng ánh mắt. Tôi cúi đầu xuống, im lặng và suy nghĩ với bao nhiêu hỗn loạn trong đầu.
Nghĩa là một người trước đây 8 năm tôi thù hận. Suốt 8 năm trường, sau khi Bình Xuyên tan hàng rã đám, tôi đã nhờ bạn bè và chính tôi cố ý đi tìm Nghĩa để trả mối hận thù mà Nghĩa vẫn biệt vô âm tín. Ai ngờ đâu, chỉ vì một sự thử thách vô tình của tôi với tên Lê Văn Hoàn, bây giờ tôi mới được gặp Nghĩa trong cảnh ngộ này. Phải nói, tôi không ngờ được, mà cả ngay Nghĩa cũng không thể biết trước được, có một ngày chúng tôi lại gặp nhau, trong cái giây phút chết lòng. Lòng tôi dâng lên một chút ân hận giầy vò. Dù muốn hay không, giờ đây Nghĩa cũng là một chiến hữu của tôi. Người chiến hữu cùng trong một cảnh ngộ sa cơ, rơi vào tủi cực của cả một kiếp người. Càng hình dung đến hình ảnh tiều tụy của Nghĩa lúc nãy, lòng tôi càng xáo trộn vừa tình thuơng yêu chiến hữu, vừa lòng ân hận lay lắt, đã xóa tan hoang mối hận thù lâu dài, vẫn nằm trong một ngách nhỏ của con tim.
Thấy tôi cứ cúi đầu, tên Đức lên tiếng:
- Thế nào, anh có nhận ra ai không"
Tôi chậm chạp:
- Dạ… Nghĩa Bình Xuyên…
Tên Đức vừa cười nhạt, vừa hỏi tiếp:
- Anh thấy thế nào"
Tôi có vẻ hí hửng:
- Tôi không ngờ!...
Y bóng gió đe dọa:
- Anh sẽ còn gặp nhiều chuyện không ngờ nữa!
Rồi y đứng dậy:
- Thôi, bây giờ cho anh về!
Một người ngồi ghế phía sát cửa đi ra một lúc, mụ Hoa rảo bước vào. Tôi theo mụ về xà lim.
Trên đường về, đầu tôi đầy những suy nghĩ, tính toán nên quên cả đôi bàn chân sưng buốt. Cứ tập tễnh bước đi mà lòng nặng trĩu tơ vò.
Tôi nghĩ, Nghĩa ở trong một toán biệt kích, hoặc đi cá nhân như tôi. Nghĩa đã ra Bắc từ lâu, và cũng bị bắt từ lâu, hiện đang ở trong một trại giam Trung Ương nào đó để lao động cải tạo. Có thể trước đây, Nghĩa không khai báo đến thời gian ở Bình Xuyên. Bây giờ, mãi 1962, tôi mới ra, do một sự vô tình tôi đã nói đến Nghĩa ở đó. Như vậy, chúng cho rằng Nghĩa còn che giấu nhiều vấn đề. Vì thế, Nghĩa bị lấy về Hỏa Lò để điều tra lại và cho tôi trông thấy, nhưng không cho hai bên nói chuyện với nhau. Vậy là chúng đã gián tiếp đe dọa cả Nghĩa và tôi: "Các anh còn những điều gì nữa mà chưa khai, thì các anh tự liệu”. Bất cứ một ai, khi đã ở trong tay chúng rồi, điều chúng đã biết mà anh không khai, chỉ còn một cách là anh tự tử ngay đi mới thoát. Tôi nghĩ, Nghĩa đang lo sốt vó, và có thể đang oán hận tôi nữa, nếu Nghĩa không hiểu quán triệt sự việc. Ngược lại, tôi chả có cái cóc khô gì phải lo cả. Nghĩa có biết gì về tôi đâu. Còn giai đoạn ở Bình Xuyên, tôi đã khai thật. Câu chuyện đó không tiền, khoáng hậu đối với cuộc đời hoạt động của tôi mà.
Ba mươi mốt:
Nghĩa “Bình Xuyên”…..
Để làm sáng tỏ phần nào cuộc đời của Nghĩa. Tôi xin tường thuật lại sự việc cũng dính dáng đến một đoạn đời của tôi và một góc bối cảnh ngang ngửa của quê hương…
Sự việc xẩy ra vào khoảng tháng 8 năm 1954 tại Bệnh Viện Bình Dân, khi ấy là đường Général Lizé (đường Phan Thanh Giản Sài Gòn sau này). Giai đoạn đó, bệnh viện vừa mới xây xong nên chính quyền, tạm thời dùng làm trại tiếp đón đồng bào di cư từ Bắc vào Nam theo hội nghị Genève. Như tôi đã nói đến phần đầu. Tôi, một thanh niên 16 tuổi mới vào thành đô. Ngay ngày đầu, sống giữa cái ồn ào, hỗn tạp, xô bồ của giòng người đủ mọi thành phần tại bệnh viện này, chẳng biết cuộc đời mình sẽ trôi dạt về đâu.
Lúc đó, tuy mới 16 tuổi, nhưng nhờ thích thể dục thể thao, nên người tôi trông cũng nẩy nở cứng rắn. Tôi cũng đã đấm đá nhiều, vì bị ảnh hưởng của phong trào “càn” của học sinh Hà Nội thời 53-54. Khi vào Sài Gòn, tôi mang theo một lạng vàng, đúc thành một cục. Tôi luôn luôn để trong một cái túi nhỏ, khâu kín ở bên trong quần lót. Giữa lúc đó, tôi gặp một “băng” 3 cậu cũng là học sinh “càn” ở Ngõ Huyện Hà Nội: Tuyển, Luân, An, độ 16, 17 tuổi, trốn nhà vào Sài Gòn, và cũng chẳng quen biết ai như tôi. Trông cậu nào cũng ngổ ngáo, dữ tướng, tay to, ngực nở. Thôi thì cùng hội, cùng thuyền, 4 đứa thường nằm chung với nhau một chỗ. 3 cậu kia thuộc loại không cần ngày mai, có đồng nào tiêu hết đồng ấy, lần lượt đồng hồ, rồi quần áo cũng bán dần.
Giai đoạn này, theo nguyên tắc từ Tổng Ủy Di Cư. Mỗi đồng bào, mỗi ngày được cấp phát 4 đồng rưỡi, nhưng tên trưởng trại Nhuận, cũng giống như nhiều người khác, mang sẵn trong mình dòng máu tham nhũng, thối nát của một bối cảnh lịch sử đất nước lúc bấy giờ, nên y đớp hết. Gia đình đồng bào nào không có thân nhân ở ngoài, không có tiền riêng mang theo, đều lâm vào cảnh thiếu đói. Cũng vì thế, khi Tuyển, Luân và An gặp tôi, các cậu đang ngang ngửa từng ngày, nằm queo từ sáng đến chiều, không có gì trong bụng. Tôi thông cảm, nên lúc thì tôi nói có 200 đồng, lúc thì bảo mới gặp người quen xin được 100 đồng… để các cậu có cái ăn. Khốn một điều là các cậu thuộc loại tiêu tiền không cần tính. Hai trăm đồng nếu mua cơm bữa ăn, 4 người dè xẻn cũng được cả tuần lễ, hoặc mươi ngày. Đây lại vào hiệu gọi phở xào, uống bia, nên chỉ một ngày là nhẵn. Tôi thấy cứ như thế này thì làm sao mà kham cho nổi, nên cũng đành nhiều khi phải nhịn đói cùng nhau, dù tôi có tiền. Họ biết thế, nên tôi đi đâu họ cũng không bỏ rời. Nhiều lúc, chính tôi cũng đói quá không chịu được, tôi lại phải vờ gặp được người quen cho tiền.
Giữa cảnh sống dở chết dở đó. Mà đồng bào lại cứ kéo vào ùn ùn. Nằm la liệt đầy cả lối đi, lẫn trong nhà xí, bẩn thỉu, hôi thối, nhưng không còn chỗ. Vì là bệnh viện mới xây, chưa có giường, phản nên tất cả đều nằm xuống nền nhà. Có chiếu, có vải trải ra thì tốt, nếu không, phủi sạch nền mà ngả lưng, chật như nêm cối.
Buổi sáng ra, 4 tên, trông ngoài thì có vẻ ‘cậu”, nhưng trong bụng cậu nào cũng có cuộc biểu tình kịch liệt. Chưa biết lấy cái gì cho vào, để dẹp các cuộc biểu tình này. Giữa phòng người đầy ắp chen ra, chen vào. Bất chợt tôi nhìn thấy một anh Trung Úy, quần áo là thẳng tắp, đội mũ sĩ quan, huy hiệu vàng chóe hình nước Việt Nam. Trông anh đầy phong độ, hồng hào đẹp trai, cao khỏe. Mắt tôi chạm mắt anh sĩ quan đó, cùng sáng lên ngỡ ngàng. Tôi ngỡ ngàng vì đây là Nghĩa. Tôi nhớ không lầm, chỉ mới cách đó 6 tháng trước, Nghĩa còn đứng gác soát vé cho rạp hát Kim Chung ở Hàng Bạc Hà Nội. Thường vẫn nể “pha vơ” cho tôi vào xem “cọp”; thế mà giờ đây lại đeo lon Trung Úy, loại Trung Úy rất hách.
Nghĩa lúc đó khoảng 28, 29 tuổi. Trước thế và cảnh này, thôi mình tạm thời làm đàn em vậy! Tôi và Nghĩa cùng chạy lại bắt tay nhau rối rít. Tôi mừng khác, và Nghĩa mừng khác, nhưng cuối cùng hai cái mừng đều gặp nhau ở một điểm: "Giải quyết cái mình muốn”. Nghĩa vồn vã:
- Bình vào bao giờ đấy" Bố mẹ có vào không"
Tôi hân hoan:
- Em vào một mình, ông bà “bô” sẽ vào sau.
Nghĩa chỉ về phía Tuyển, Luân, An:
- Bạn của Bình đấy à! Cũng như Bình chứ"
Tôi gật và nhìn lên lon, lên mũ của Nghĩa. Hiểu ý, Nghĩa hạ giọng:


- Nói thực với Bình, tôi có ông chú làm Đại Tá trong Bình Xuyên, vì thế, tôi vào, được đề bạt đặc biệt. Tôi đã biết Bình, ngang tàng như Bình ở đấy rất hợp. Bình Xuyên là một đảng lớn. Sài Gòn, Chợ Lớn hầu như do toàn quyền kiểm soát của Bình Xuyên. Cảnh sát, công an đều do Bình Xuyên nắm giữ. Quân Đội Quốc Gia, không có một cá nhân nào, từ Tướng trở xuống dám ho he nói động đến Bình Xuyên. Nói động đến là “củ” liền. Riêng với Bình, tôi sẽ về nói với chú tôi trả cho Bình Thiếu Úy. Chúng ta là người Bắc, phải có “băng” với nhau. Khi Bình đã vào Bình Xuyên mang lon Thiếu Úy rồi, sẽ được phát cho một cái đầu hổ, dấu hiệu của đảng.
Nghĩa vạch luôn trong ve áo cho tôi nhìn. Một cái đầu hổ bé tí, đường kính độ 2 phân, bằng đồng, sơn màu xanh xám, đúc rất sắc sảo; cái mồm há ngoác đỏ lòm, giơ mấy cái răng nanh trắng hếu. Nghĩa nói tiếp:
- Bất cứ Bình căm tức, thù ghét thằng nào bên quân đội Quốc Gia, từ Đại Úy trở xuống, Bình cứ “nốc ao” nó tự do. Nếu thua Bình chỉ lật ve áo giơ dấu hiệu của đảng, sẽ có nhiều người chung quanh (người của đảng) xông vào đánh thằng đó chết tươi ngay. Còn nếu Bình cảm thấy không đủ sức đánh nó, hãy vờ rủ nó về gần cầu chữ “Y”, Bình rút súng ra cho nó một phát, rồi chạy sang bên kia cầu, sẽ bảo đảm an toàn.
Nghe Nghĩa nói, và với cái nhìn thực tế của tôi lúc đó ở Sài Gòn, tôi thừa nhận lời Nghĩa nói có giá trị. Ngay trong bảng đá khắc tên những ân nhân tặng tiền xây bệnh viện Bình Dân, cũng thấy tên Lê Văn Viễn đứng đầu. Đâu đâu, người Sài Gòn, Chợ Lớn cũng nể sợ Bình Xuyên. Tướng, Tá của quân đội Quốc Gia cũng nể, bởi vì Bình Xuyên có đoàn ám sát cảm tử khát máu.
Lúc đó, tôi chỉ là một thanh niên mới lớn, nhìn cuộc đời còn đầy ấu trĩ; hơn nữa, vì cái tính ngang tàng thích đấm đá, phải nói Bình Xuyên là đất dụng võ. Do đấy, tôi đồng ý ngay. Nghĩa rất hớn hở:
- Thế còn mấy người bạn của Bình thì sao"
Muốn có thời gian bàn thảo, trước khi quyết định, tôi nói:
- Để em hỏi, chắc các bạn cũng thích như em.
Nghĩa nói có việc bận một chút và bảo tôi nửa giờ nữa, ra gặp Nghĩa ở trước bệnh viện.
Tuyển, Luân, và An khi biết sự việc đã mừng quýnh, trước hết giải quyết cái dạ dầy đã. Thế là cả 4 tên đều đồng ý lát nữa ra gặp Nghĩa.
Khi gặp Nghĩa, 3 cậu cũng cứ rối rít anh anh, em em coi như đây là một cơ hội ngàn năm đổi hướng cuộc đời. Theo hẹn ước, 8 giờ sáng hôm sau, Nghĩa sẽ đem xe tới đón. Ngày và đêm hôm đó, chúng tôi bàn tán ồn ào. Lòng tôi cũng hân hoan phấn chấn, cho nên, tôi vờ vào nhà cầu. Khi ra, tôi đưa ra một tờ 200 đồng, mặt dầu dầu tình cảm:
- Tao chỉ còn duy nhất 200 đồng này, tao định cất kỹ phòng hờ. Vậy, chúng ta phải ăn dè, tối nay 50 đồng, sáng mai 50 đồng, còn 100 đồng thì đưa cho thằng Luân, ở lại trên này, giữ 2 cái va li: một của tao, và một của 3 chúng mày.
Quay lại phía thằng Luân, tôi căn dặn:
- Chúng ta chưa biết rõ Bình Xuyên thế nào, vậy cứ xuống người không đã. Nếu có gì không thích, chuồn ra dễ dàng hơn; còn nếu thấy “hẩu”, ba bốn ngày sau, chúng tao sẽ ra đón mày vào.
Tôi bàn như vậy, chúng nó thấy hợp lý nên đồng ý ngay, Vả lại, từ ít lâu nay chúng nó vẫn thường nghe theo ý kiến của tôi.
Sáng hôm sau, mãi 8 giờ Nghĩa mới lái xe “díp” đến, theo sau là một xe dodge 4, do một Trung sĩ lái. Khi chỉ thấy có 3 chúng tôi, Nghĩa nhìn tôi hỏi ngay:
- Còn anh kia nữa đâu"
Đã dự trù trước nên tôi tình cảm:
- Anh Nghĩa à, lẽ ra 4 chúng em cùng đi một lượt, nhưng vì còn 3 người bạn nữa ở Hà Nội sắp tới, chúng em để Luân ở lại chờ, đón rồi cùng vào luôn.
Nhìn thấy tôi vẻ hoan hỉ, Nghĩa cũng tin tưởng, nên y gật đầu:
- Được!
Từ hôm qua tới nay, tôi đã hiểu Nghĩa lên các trại đón tiếp đồng bào di cư, để dụ dỗ người vào Bình Xuyên. Tùy theo tầng lớp và loại người, Nghĩa hứa hẹn nào phát ruộng, cho đi học, vào hãng xưởng làm việc, làm văn phòng, vào Bình Xuyên có nhiều quyền lợi v.v… Mục đích càng đón được nhiều người, càng tốt. Nhất là những gia đình, có vợ chồng con cái. Dân có đông, thế mới mạnh, lực mới lớn.
Cùng lên xe dodge 4 với chúng tôi, có hai gia đình của mấy anh Địa Phương Quân, bồng bế cả vợ con. Nghĩa đặt tay lên vai tôi:
- Bình và các anh em về trước, tôi bận chút việc, sẽ về sau.
Xe dodge chuyển bánh, chúng tôi chưa hề biết gì về chung quanh Sài Gòn. Nhất là vùng Bình Xuyên, và ngay cả hai tiếng “Bình Xuyên” cũng đầu tiên trong cuộc đời nghe thấy. Chúng tôi thấy xe chạy vòng vèo mãi. Khi xe qua một chiếc cầu, mà sau này tôi biết là cầu chữ “Y”. Tôi thấy ngay giữa cầu, một chòi gác rất xinh xắn, một Quân Cảnh cũng giầy, ghệt, găng tay, mũ sắt trắng, nhấc cây chặn đường xe qua. Xe đi qua một khu phà lớn gồm nhiều phố xá với cái cổng to mang 3 chữ lớn: “TỔNG HÀNH DINH”. Nhìn thoáng bên trong, cũng cột cờ, lính tráng đi lại. Hai khẩu đại bác 105 ly còn mới toanh, với hàng dẫy xe GMC. Tôi có cảm nghĩ, như thế này có khác gì quân đội Quốc Gia! Xe đi qua khu Tổng Hành Dinh, rồi đi mãi qua một số phố xá, đến khu ruộng đồng. Tới chỗ có mấy căn nhà to, có hàng rào giây thép gai, có lính gác, xe đi tuột vào trong.
Chúng tôi xuống xe. Mấy gia đình, hòm xiểng chăn màn, bồng bế nhau vào ngồi một chỗ, còn chúng tôi đi lang thang trong sân chờ Nghĩa về. Điều đầu tiên làm cho tôi suy nghĩ mãi, là ở giữa sân có hai cột cờ cao, sơn trắng với hai lá cờ đang tung bay phất phới: Một lá cờ ba sọc Quốc Gia, còn lá cờ kia là cờ đỏ sao vàng. Chỉ khác với cờ Việt cộng là có một nền vuông mầu xanh bọc chung quanh ngôi sao. Tại sao cờ Bình Xuyên lại như vậy"
Tôi băn khoăn và muốn tìm hiểu. Tôi lân la làm quen với một anh lính nhỏ. Được biết anh là liên lạc của Trung úy Tư, Trưởng đồn, người miền Nam, và Trung úy Nghĩa là phó. Anh có tên là “Ba Nhỏ”. Qua một số chuyện trò, Ba Nhỏ rất thích chúng tôi. Anh tỏ vẻ hiểu biết, chỉ ra phía cột cờ:
- Mới cách đây mươi bữa, ở chỗ đó xử tử hai tên do thám của Hòa Hảo!
Tôi mở to mắt ngạc nhiên. Anh nói tiếp như chứng minh:
- Ở đây, bắn chết người là thường!
Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng những điều Ba Nhỏ nói chuyện đã làm cho tôi suy nghĩ không ít. Gần trưa cũng không thấy Nghĩa về. Một người lính ra gọi chúng tôi vào một ngôi nhà lớn. Trong nhà rộng thênh thang, những tranh ảnh treo chung quanh tường, chứng tỏ là một nơi huấn luyện quân đội. Mãi trong cùng, nơi một số bàn làm việc, có một Trung úy, một Chuẩn úy và một Trung sĩ. Tên Trung úy hỏi tên chúng tôi. Sau khi biết chúng tôi là người của Nghĩa, chờ Nghĩa về giải quyết, y chỉ ghi tên chúng tôi để làm sổ ăn. Cuối cùng, một tên Trung sĩ ra hiệu:
- Bây giờ các anh ra ngoài chờ. Trung úy Nghĩa có thể chiều mới về. 12 giờ trưa các anh ra Câu Lạc Bộ Sĩ Quan ăn cơm.
Chúng tôi ra sân, mắt nhìn nhau đều sáng lên, nhất là Tuyển và An. Hai cậu được giải quyết ngay cái khâu dạ dầy, mà lại ở Câu Lạc Bộ Sĩ Quan cơ. Đúng trưa, theo Ba Nhỏ chỉ, chúng tôi đến Câu Lạc Bộ ở gần mé sông. Câu Lạc Bộ gì mà làm tôi ngạc nhiên. Một cái nhà lá dài, trống trơn, không vách, dọc theo ở giữa nhà là những tấm gỗ ghép lại thành một cái bàn dài. Một thúng cơm nhỏ để chỏn vỏn trên bàn, bên cạnh là một bát canh to đầy nước, trong có ba con cá mòi nhỏ, nấu muối. Tôi thử một tí nước tanh đến buồn nôn. Cơm vàng lợt, nguội tanh, có mấy vừng cơm nhão như cháo đặc. Tôi không thể ăn nổi. An và Tuyển vì đói nên cố gắng ăn. Phần tôi, vì trong người vẫn còn tiền, hơn nữa, lúc lang thanh trong trại, tôi đã nhìn thấy nơi gia đình binh sĩ có một hàng cơm nhỏ, nấu ngon lành. Nên, tôi bảo An, Tuyển hãy thông cảm, tôi ra ăn mấy đồng cơm hàng. Buổi chiều cũng không gì hơn, Tuyển và An vẫn phải cố gắng nuốt, vì cơm còn khê nữa.
Chúng tôi cứ lang thanh trong khu vực trại. Để xem thế nào, một lần, chúng tôi coi như không để ý, thả bước về phía cổng trại để ra đường. Một anh Trung sĩ chạy ra, lịch sự:
- Các anh thông cảm, hãy đi vào trong. Khi làm giấy tờ xong tha hồ muốn đi đâu cũng được.
Như vậy là chúng tôi coi như bị giam lỏng rồi. Mãi gần tối, Nghĩa mới về, chúng tôi tíu tít chạy lại đón ngay khi xe díp vào sân, còn chưa tắt máy. Nghĩa cũng tỏ ra rất hưng phấn, tươi tỉnh. Nghĩa cũng hiểu rằng, tuy chúng tôi nhỏ tuổi, nhưng là người đang đi học, có ít nhiều hiểu biết, và cũng ngang tàng bạt mạng. Vậy, nếu thu phục được chúng tôi, cũng có nhiều điều lợi. Nghĩa nói là bận lắm, dù vậy tối nay Nghĩa sẽ xuống ngủ với chúng tôi, để gọi là anh em hàn huyên tình nghĩa.
Chúng tôi được dẫn vào một căn nhà lớn khác. Trong trại, có hai căn nhà to. Theo Ba Nhỏ, đây là hai cái kho của tụi Nhật ngày trước. Căn nhà chúng tôi ở có 4 dẫy sàn rộng thênh thang. Ở mỗi góc, lèo tèo dăm gia đình, hoặc là Địa phương quân hay nông dân miền Bắc. Vì biết có Trung úy Nghĩa xuống ngủ, nên mấy tên lính chuẩn bị quét dọn phía đàng góc này, rồi trải chiếu v.v…
Trời đã tối, mãi 8 giờ Nghĩa mới xuống. Tên Ba Nhỏ vì thấy vui cũng xuống nằm. Nghĩa huênh hoang chuyện trò có vẻ rất tự mãn về mình, chúng tôi cũng đẩy đưa câu chuyện cho qua. Tôi hiểu, hiện nay đồng bào di cư đang vào nhiều, Nghĩa có trách nhiệm mời đón, càng được nhiều, uy tín càng lớn.Trong lúc Nghĩa nói chuyện, thỉnh thoảng trên mái ngói cao tít, tiếng một con cắc kè rống vang lên trong căn nhà rộng, làm cho câu chuyện cũng ngập ngừng. Một ngọn đèn 60 watts treo lủng lẳng ở giữa, toàn căn nhà vẫn tối om, chỉ có một đốm sáng lửng lơ là ngọn đèn. Vì thế, nghe tiếng cắc kè kêu, chúng tôi đều cảm thấy hoang vắng gợi sầu. Tỏ vẻ bực bội, Nghĩa sai tên Ba Nhỏ lên phòng cầm cho y cái đèn “pin”. Một lúc sau Ba Nhỏ cầm đèn pin về. Chờ lúc cắc kè kêu, Nghĩa chiếu lên mái, nó nằm chếch ở một cái xà gỗ. Nghĩa đưa đèn cho tôi rọi, rồi rút khẩu súng ngắn ở bên hông, lên đạn. Mọi người đều đứng hết cả dậy hồi hộp theo dõi. Một tiếng nổ chát chúa vang ngân lên trong đêm khuya, làm giật mình mọi người. Đạn chả trúng cắc kè, nhưng làm tung ra mấy viên ngói, rơi xuống sàn gỗ rào rào.
Từ đấy, chú cắc kè cũng im bặt; nhưng Nghĩa thì tỏ ra nghênh ngang, truớc sự thán phục của Tuyển, An và Ba Nhỏ. Đối với tôi, nhìn việc này, tôi thấy đây là một việc làm hỗn độn, chỉ có trong một cái đảng lộn xà ngầu.
Sáng hôm sau, 8 giờ, một tiểu đội bồng súng, một Thiếu úy người Bắc hô chào cờ. Có cả Nghĩa và chúng tôi. Hai người lính đều trang nghiêm kéo hai lá cờ lên. Tên Thiếu úy vừa hô nghỉ xong, chưa kịp hô giải tán, Nghĩa đã tiến đến người Thiếu úy:
- Yêu cầu Thiếu úy đưa trả cái “permission” cho tôi!
Người Thiếu úy trẻ, nhưng thấp hơn Nghĩa, quay lại:
- Tôi đã nói với anh là “permission” do Đại tá cấp cho tôi. Chỉ Đại tá mới có quyền thu lại.
Nghĩa chỉ tay vào mặt người Thiếu úy, sừng sộ:
- Anh có đưa “permission” cho tôi không"
Người Thiếu úy, mặt tím bầm lại, hai hàm bạnh ra gằn giọng:
- Nghĩa à, mày đừng lên chân, vì trên vai mày có hai vạch…
Mắt long lên sòng sọc. Nghĩa cởi phăng ngay áo ra, phô bộ ngực và cánh tay nở nang, quay lại quẳng chiếc áo về phía tôi, lẹ tay tôi bắt lấy. Nghĩa đi đến gần người Thiếu úy, chỉ tay:
- Khánh! Một, mày có đưa không" Hai, mày có đưa không"
Khánh liếc nhìn chung quanh, 12 người lính và chúng tôi, rồi nhìn Nghĩa, nghiến răng lắc đầu:
- Không thể…
Y mới nói được hai tiếng “không thể” thì “bốp”, một cái “crochet” ghim ngay vào quai hàm. Tôi chỉ thấy Khánh đưa một tay lên bịt miệng, rồi đổ nằm dài xuống sân cát.
Nghĩa rút khẩu súng ngắn đeo bên hông ra, lên đạn, chĩa vào Khánh đang nằm im lìm giữa sân. Y đi chung quanh, môi bậm lại. Trước những con mắt mở to của 12 người lính và 3 chúng tôi, chừng 3 phút sau, Khánh từ tứ bò dậy, mở tay ra, máu đầy tay, chảy dài đỏ thắm chiếc áo lính. Y quay lại Nghĩa, nói trong tiếng gầm gừ:
- Nghĩa à, đời còn dài!...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.