Hôm nay,  

Truyện kinh dị: Người Vợ Câm

18/06/200700:00:00(Xem: 3610)

(Tiếp theo... và hết)

Thật kỳ lạ, đám cháy phát ra từ căn phòng ngủ của huyện Luông, bọn sen đầm từ Qui Nhơn lên điều tra chỉ tìm được những cái mảnh thủy tinh vỡ của chiếc đèn dầu mà họ đưa ra giả thiết rằng có thể là nguyên nhân của cơn hỏa hoạn. Nhưng huyện Luông đã lơ đễnh như thế nào mà có thể làm rơi chiếc đèn lên sàn nhà đến nỗi làm nó bắt lửa và trở thành một cái lò thiêu xác người. Cậu Dương cùng Ngọc Phụng với bọn tôi tớ trong nhà ngủ ở bên một gian nhà khác nên tuy lửa có cháy bén tới và làm đổ nát ít nhiều, nhưng tất cả đều chạy ra khỏi được. Mấy bà hầu của huyện Luông ngủ trong những căn phòng gần bên cũng thoát chết. Huyện Luông có cái lệ không chung chăn chiếu với mấy bà vợ, mây mưa ân ái xong, thì hắn cho mấy bà về phòng. Cậu Dương cả quyết với những viên thanh tra, rằng chính bọn trai An Đệ là những thủ phạm phóng hỏa, vì họ muốn trả thù huyện Luông cái án lưu đày Côn Đảo. Tuy nhiên, bọn thanh tra Pháp không tìm thấy một chứng cớ khả dĩ nào có liên quan đến những người tù từ Côn Đảo về, nên đã xếp hồ sơ điều tra với lời phê: "Huyện Luông bất cẩn tự gây hỏa hoạn, không có dấu vết phản loạn".
Cậu Dương hậm hực lắm, trong lòng đinh ninh những người tù đã giết cha mình để rửa hận, nhưng giờ cậu như một con cọp đã cụt móng, cha chết, cậu đâu còn uy quyền của một gã cường hào ác bá như ngày trước nữa. Núp dưới bóng huyện Luông, cậu Dương như một con hùm xám gieo rắc biết bao nhiêu sự khủng khiếp lên đầu người dân sinh sống trong những thôn làng nằm trong huyện An Khê, nhưng tình thế bây giờ đã đảo ngược rồi, cái hàm bá hộ của hắn chỉ để khoa trương chứ chẳng có quyền lực gì. Cậu Dương căm hận bọn sen đầm Pháp lười biếng không làm tròn trách nhiệm điều tra, để cha hắn chết tức tưởi trong một nỗi... oan ức ngút trời. Hoặc vả chúng chờ đợi cậu Dương đút lót rồi mới chịu tiến hành công việc, nhưng cậu Dương trong cơn bối rối đã quên khuấy đi chuyện đó. Điều mà cậu Dương có thể làm được cho cha, là tổ chức trai đàn mời nhiều sư và ni dưới Qui Nhơn lên tụng kinh siêu độ cho huyện Luông. Dân huyện người ta xầm xì che miệng cười với nhau, giờ này hẳn cái hồn đầy tội nghiệt của huyện Luông đã được bị quỷ vô thường dẫn xuống nhốt vào đáy ngục A Tỳ thọ cực hình đời đời kiếp kiếp, còn trông mong siêu thăng được sao.
Chỉ có đám trai làng An Đệ, mà giờ đây người nào người ấy cũng đã trở thành những chàng tráng niên trên ba mươi tuổi hết rồi, là biết rõ cái chết của huyện Luông đã xảy ra như thế nào. Cái bí mật ấy, cả bọn chôn chặt tận đáy lòng và đem theo xuống mộ huyệt khi từ giã cõi trần gian. Có gì ghê gớm lắm đâu, trong đêm tối như hũ nút, đưa bàn tay ra ngay trước mắt cũng không thấy, hai thanh niên gan dạ và khôn ngoan nhất đã bò vào được đến khung cửa sổ căn phòng huyện Luông một cách rất dễ dàng xuyên qua hai gã lính dõng gà gật cầm giáo đứng canh ngoài cửa huyện đường. Một chàng thanh niên nhẹ nhàng giở tấm liếp cửa sổ lên trườn người vào, khéo léo và êm ái như một con trăn gió. Chàng trai dán sát người bò trên mặt đất cố không gây một tiếng động dù khe khẽ. Khi đã bò được đến bên chân giường, chàng trai thận trọng chỏi tay đỡ một nửa thân hình tựa vào thành gỗ, từ từ thò đầu vào nhìn. Thấp thoáng sau tấm mùng lưới vải the trắng, huyện Luông nằm thẳng đờ trong giấc ngủ đậm sâu, hai tay đặt tréo lên ngực. Chàng trai nhẹ nhàng giở tấm vải mùng lên, mũi kim tẩm chất cực độc trong tay chậm rãi đưa tới cắm ngập vào cái mạch máu đang phập phồng dưới làn da cổ của huyện Luông. Gã quan huyện bị đau giật mình muốn chồm dậy, nhưng bàn tay to lớn của chàng thanh niên đã bóp chặt lấy miệng hắn ấn xuống, chàng chỉ cần vài giây ngắn ngủi nữa thôi thì gã tham quan sẽ chết cứng. Huyện Luông mở to mắt trợn trừng nhìn cái bóng người hư ảo sau làn vải trắng, hai chân hắn đạp lung tung trong cơn dẫy chết tuyệt vọng, từ cổ họng phát ra những âm thanh nghèn nghẹn kinh hoàng, đôi tròng láo liên xoay tròn như muốn tìm kiếm người vào cứu. Nhưng đã quá muộn, chất độc chạy lên não, toàn thân huyện Luông tê liệt, tay chân hắn chỉ còn co giật nhè nhẹ trong cơn hấp hối.
Chàng trai cẩn thận rút mũi kim ra quấn vào một cái khăn tay. Nhìn lại cái xác chết lần cuối để chắc chắn rằng huyện Luông đã tắt thở, chàng thanh niên gật gù thỏa nguyện, chàng bước đến bên cái bàn tròn hãy còn xếp chồng chất nhiều tờ công văn, nhấc chiếc đèn lên ném mạnh xuống đất cho nó vỡ ra. Lửa bắt vào vũng dầu đang chảy tràn trên sàn nhà bùng lên thành một khối lửa nóng đỏ, nó nhanh chóng bén lấy bức mành vải vén hai bên giường và chiếc mùng the. Chờ cho chiếc giường của huyện Luông đã thực sự chìm trong một cái lò lửa, chàng trai nhanh chóng phóng người ra khỏi khung cửa sổ, cùng người bạn biến mất vào cõi đêm, bỏ lại đằng sau lưng tiếng kèo cột rạn nứt răng rắc trong ánh lửa hồng.
Cậu Dương không học hành nhiều và chẳng có tài năng gì đặc biệt, nên viên công sứ làm phúc trình về Huế, tòa bảo hộ đề nghị triều đình nhà Nguyễn cử một viên huyện lệnh An Khê khác vào. Nói là đề nghị, chứ tình thực thì nó có giá trị như một cái lệnh buộc triều đình tuân theo, chứ không còn bàn cãi gì. Cậu Dương đành tom góp tài sản dẫn vợ con và bọn tôi tớ rời khỏi huyện tìm mua được mấy mươi mẫu đất bên chân đèo Bình Khê, cuộc sống không được phong lưu như ngày xưa, nhưng gia tư cũng dư dả hơn chòm xóm chung quanh. Lại thêm vào của hồi môn ông phủ Quảng Ngãi cho cô Ngọc Phụng rất nhiều, nên chẳng mấy chốc mà dòng họ Phan lại phất lên, dân trong vùng cung kính gọi vợ chồng cậu Dương là ông bà bá hộ. Mười mấy năm sau, Việt Minh dậy lên cướp chính quyền đòi xử tử bọn cường hào ác bá, bá hộ Dương lạy lục xin hiến dâng gần hết gia sản, ruộng đất mới được tạm tha. Việt Minh hùng cứ làm mưa làm gió trên đất Bình Định mới được có một năm thì quân Pháp đã lò mò đổ bộ trở lại Việt Nam, bọn du kích kéo nhau trốn sâu vào rừng, chạy dạt về biên giới Lào và Miên. Bá hộ Dương như một người sắp chết đuối vớ được cái phao, những tưởng thế nào cũng bị Việt Minh đấu tố, có thể bị chúng chém đầu cũng không biết chừng, giờ đây tuy thực dân Pháp sung công mấy mươi mẫu đất của hắn hiến cho Việt Minh, bá hộ Dương cũng chẳng lấy gì làm phàn nàn, giữ được cái đầu trên cổ là phước ba mươi đời của hắn rồi. Nào ngờ đâu, an bình chưa được mấy nỗi thì tiểu thư Ngọc Phụng lâm cơn bệnh nặng rồi qua đời, bỏ cậu Dương với cả Nhơn và cô ba Dung ở lại cõi trần gian. Thật khốn khổ cho cậu Dương, từ ngày mẹ chết rồi thì cậu cả Nhơn đâm ra bẳn gắt, hằn học với hắn như hai kẻ thù không bằng, tình cha con nhợt nhạt và căng thẳng như sợi dây đàn bị căng cứng đến hết mức. Bá hộ Dương chỉ còn tìm thấy được tình thương dịu dàng của cô ba Dung dành cho hắn làm sự an ủi. Nhưng cũng chẳng lâu la gì, một hôm cõi không gian chìm trong một màu xám xịt u ám, trời sắp chuyển mưa, một cơn gió lạ nồng nặc mùi thối rửa tràn vào phòng khách giữa lúc Dung đang bưng trà ra cho cha giải khát. Con gió bỗng xoát tít thành một con trốt đen ngòm quấn chặt lấy Dung. Cô gái trẻ quay long lóc trong cơn gió cuốn như một chiếc lá khô, nàng chỉ kịp kêu thất thanh:
-Cha ơi... cứu con...
Cái mâm trên tay rơi xuống đất, chiếc bình sứ và cái chung trà vỡ tan tành. Bá hộ Dương kinh hoảng nhảy đến ôm chặt lấy con, giành giật cái thân xác đã mềm nhũn của Dung với con trốt ma quái. Thình lình, con trốt xoay ngược vòng, hất Dung ngã sóng soài vào lòng ông già. Bá hộ Dương kéo con ra xa, trong lúc con gió uốn éo phóng ra khỏi khung cửa sổ như một con rắn đã chán mồi. Khi được người nhà cho uống nước gừng ấm, Dung tỉnh dậy, nhưng nàng không còn nhận ra cha nữa. Còn hơn thế nữa, nàng vùng ra khỏi vòng tay của bá hộ Dương, những ngón tay bấu mạnh vào cổ ông già, từ miệng nàng phát ra tràng tiếng khò khè kỳ dị. Cậu cả Nhơn và bọn tôi tớ kéo mãi mới rứt được hai bàn tay Dung ra khỏi cha nàng. Từ khoảnh khắc ấy, Dung không còn cô Dung xinh đẹp với nụ cười tươi luôn nở trên môi, nàng đã trở nên thành một cô gái ủ ê sầu muộn, dở tỉnh dở điên và không còn muốn nói nữa. Thỉnh thoảng, cậu cả Nhơn có gặng hỏi lắm, thì Dung chỉ vào miệng, ú ớ những âm thanh vô nghĩa.
Người dân thôn xóm chung quanh thầm thì bàn tán với nhau, rằng ngôi nhà của giòng họ Phan bị tà ma nhập. Ông bá hộ Dương trúng gió bị liệt nửa người nằm một chỗ mười mấy năm không mấy người xót xa, người ta chỉ dành lòng ái ngại nhiều cho Dung, một cô gái duyên dáng dễ thương, làng trên xóm dưới ai cũng ngợi khen, nhiều chỗ danh giá đang nhờ mai mối xin cưới nàng về làm dâu, thì tai họa đổ sập xuống thật tàn nhẫn lên tấm thân nhỏ bé của nàng. Mấy năm đầu cậu cả Nhơn có sai người đi tìm nhiều thầy bà về chữa trị bệnh tà cho em gái, nhưng tiền của cứ ùn ùn đội nón ra đi, mà bệnh tình Dung ngày càng nặng, người anh chán nản cùng cực. Đến lúc Dung xé quần áo, la hét như một người điên và bỏ chạy vào rừng, thì cậu Nhơn đành thúc thủ không còn có thể làm được gì hơn cho em gái nữa, hắn bỏ mặc nàng lang thang ngoài đường, đói khát cũng không để ý, nhưng nếu em gái có về thì hắn cũng cho người đem cơm nước tử tế. Càng kỳ dị hơn nữa, cứ mỗi lần chạm mặt bá hộ Dương, thì Dung lao tới muốn cấu xé cha nàng ra thành trăm ngàn mảnh, Nhơn buộc phải cho nàng ra ở ngoài cái chuồng ngựa theo ý muốn của vợ hắn.
Đó là tất cả những gì đã xảy đến cho gia đình Dung mà mấy ngày qua Sáu đã tìm hiểu và được nghe kể từ người dân trong làng. Giờ đây, đối diện với một ông già tàn tạ, héo hon như một cái xác chết còn sống, Sáu cũng thấy mủi lòng, bởi dẫu sao, từ tận thâm tâm, anh vẫn còn xem bá Dương như là một người cha và hãy còn mang mối ân nghĩa ông đã cưu mang anh trong mười mấy năm dài. Dung cứ cựa quậy mãi trong vòng tay của Sáu, đôi mắt rực lửa chiếu vào mặt cha, nàng chỉ muốn nhảy đến cắn xé hắn. Bá hộ Dương thở dài não nuột:
-Sáu à, mầy về thật đúng lúc, ông có chết bây giờ cũng mãn nguyện.
Sáu giật mình xua tay:
-Ông đừng nói vậy không nên.
Những lời nói gỡ của ông già, rờn rợn chẳng khác nào những lời trăn trối. Bá hộ Dương gục đầu thảm não:
-Nằm liệt mười mấy năm dài, ông đã có thì giờ suy nghĩ nhiều rồi thằng Sáu mầy. Ông biết ông tội nghiệt đã nhiều, nhưng ông nấn ná chờ đến giây phút này, khi mầy về đến thì ông biết ông phải trả hết món nợ đã vay...
Sáu nghẹn ngào vuốt vai ông già:
-Ông hãy cố sống…...
-Vô ích, chỉ có cái chết mới giải thoát ông ra khỏi cái cực hình này.
Ông già chợt ngẩng lên nhìn thẳng vào đôi mắt căm hờn của con gái ôn tồn:
-Nàng Hương, mười mấy năm nay ta bị dày vò vì tội ác mà ta đã làm cho vợ chồng nàng. Cái cực hình liệt nửa người này ta đã trả lại cho Phạm Dõng, giờ đây ta sẽ trả nốt món nợ máu cho riêng nàng. Ta chỉ tha thiết van xin nàng, sau khi ta đã chết rồi thì nàng hãy buông tha cho con bé Dung, vì nó chẳng có tội tình gì. Tội ta làm thì ta chịu. Nếu nàng rộng lượng ưng thuận thì hãy cho ta dấu hiệu đi...
Sáu chăm chăm nhìn vào khuôn mặt lúc tái xanh, lúc tím thẫm của cô gái để xem phản ứng của nàng. Thật kỳ dị, cô gái cắn môi suy nghĩ như cân nhắc một quyết định. Trước những cặp mắt chờ đợi của hai người đàn ông, đột nhiên, trời ơi, nàng chầm chậm gật đầu. Bá hộ Dương vỗ tay thở ra một hơi dài, ông ân cần dặn dò Sáu:
-Sáu con, khi ông đã trả xong món nợ thì con hãy dắt vợ con đi cho thật xa, đừng bao giờ trở lại nơi này nữa, vì ở đây chỉ toàn những kỷ niệm đau buồn. Bé Dung nó yếu đuối lắm, con hãy vì ta mà yêu thương và chăm sóc cho nó đến trọn đời, con hãy hứa với ông đi.
Sáu ngẩn ngơ không hiểu ông già định làm gì để trả món nợ oan cừu cho nàng Hương, nhưng anh vẫn gật đầu:
-Dù ông không bảo thì con cũng có bổn phận phải bảo bọc em Dung.
Từ khóe mắt ông già ứa ra mấy giọt lệ chảy thành một đường dài trên đôi má nhăn nheo:
-Như vậy là ông yên lòng lắm rồi, ông... cho hai đứa bây vật này...
Bá hộ Dương mày mò tìm dưới tấm mền đắp rút ra một chiếc hộp đồng nhỏ chạm trổ rất đẹp:
-Con giữ lấy, cái này là của mẹ vợ con, ông cố giữ chờ ngày trao lại cho vợ con, coi như là của hồi môn của cha với mẹ tặng cho hai con.
Trong lúc Sáu còn đang bồi hồi nhìn chiếc hộp trong lòng bàn tay, thì bá hộ Dương chống hai tay ngồi tựa lên thành giường nói với người đàn bà:
-Nàng Hương, xin hãy đón nhận món nợ mà ta trả cho vợ chồng nàng.…
Sáu thảng thốt nhìn lên, trong một phần mười cái tích tắc, anh chưa kịp nhận hiểu hay phản ứng gì thì ông già đã nhanh như một làn chớp giật, một bàn tay ông bợ lấy càm hất lên, bàn tay kia đưa cao lên nện mạnh xuống đỉnh đầu, chiếc lưỡi thè dài ra. Chỉ nghe đánh bốp một tiếng vang dội như một lưỡi búa chém sâu vào cột gỗ mun, người đàn bà ôm ngực rú lên khủng khiếp:
-Á...
Một luồng máu tươi ồng ộc chảy tràn ra khỏi đôi môi tái nhợt của ông bá hộ Dương, Sáu rụng rời, tay chân bủn rủn nhìn một nửa chiếc lưỡi của ông lặt lìa giữa hai hàm răng. Dung ngã vào lòng Sáu khóc nấc lên. Nhận lại món nợ đeo đuổi mười mấy năm dài, đáng lẽ nàng Hương phải mãn nguyện hân hoan hơn là khóc. Có phải chăng cái mầm thiện trong linh hồn nàng vẫn thắng thế hơn những chất chứa oán hờn, và con tim nàng vẫn còn xúc cảm xót xa trước nỗi bi thương của một con người sắp chết. Giữa buổi trưa mà căn phòng chìm trong một cõi mờ nhạt, âm u, khuôn mặt bá Dương đẫm đầy máu, trông như một con quỷ vừa trỗi dậy từ đáy địa ngục. Ông già thò tay dưới mền đưa cao lên một mũi dao sáng lóa, mà Sáu nhận ra là con dao gọt cam bá Dương bảo thằng Cọt đem vào lúc sáng. Sáu xô Dung ngã qua một bên nhảy đến giật con dao trong tay ông già. Nhưng đã quá muộn, mũi dao nhọn đã cắm ngập sâu vào giữa cuống họng. Ông già đã chọn đúng điểm chết để tự vẫn, chỉ một cú đâm, cái đầu tóc bạc lơ thơ của ông gãy gập xuống, máu phún ra thành vòi ướt đỏ một khoảng ngực. Sáu chỉ còn có thể ôm lấy người cha già khóc nức nở:
-Ông ơi...
Chứng kiến cái chết rùng rợn của cậu Dương, người đàn bà trong thể xác của Dung rơi vào một trạng thái kinh hoàng, từ đôi môi vỡ òa một tiếng rú kỳ dị, rồi nàng ngã đổ nhào nằm sóng soài trên sàn nhà bên chân giường kẻ thù ngất lịm...

*

Mấy năm sau, theo vợ chồng kỹ sư Đạt từ Pleiku về Sài Gòn, sau khi Đạt đã hoàn tất nhiệm vụ khảo sát địa chất ở cao nguyên, cùng đi trên đoàn công voa quân đội trên quốc lộ đổ xuống Bình Định, Sáu chạnh lòng nhớ lại những kỷ niệm cũ bên chân đèo Bình Khê, anh nói với Đạt và Vân:
-Cậu mợ về Sài Gòn trước, tui dẫn Dung ghé thăm quê vài ngày rồi vào sau.
Vân tỏ vẻ không hài lòng:
-Dung đang mang thai cháu bé, đáng lẽ nên về Sài Gòn sớm để nghỉ ngơi là hơn.
Dung ửng hồng đôi má thẹn thùng:
-Cám ơn mợ lo lắng, nhưng xin mợ cho tụi em về thăm nơi chôn nhau cắt rún một đôi ngày, vì em cũng nhớ lắm. Tụi em phải ra thắp nhang trước phần mộ cha mẹ và anh cả.


Dung trìu mến đưa tay chạm nhẹ lên khuôn mặt trắng mịn của thằng bé Đức đang ngồi lọt thỏm trong lòng Vân, liên tưởng đến một ngày nàng cũng bế trong lòng một đứa trẻ đẹp đẽ như thế này. Dung úp bàn tay lên chiếc bụng mum múp, lắng nghe nhịp chuyển động khe khẽ của cái bào thai, từ đáy tim bồi hồi dâng trào một niềm thương yêu dạt dào.
Khi chiếc xe nhà binh dừng lại bên con đường dưới chân đèo dẫn vào làng cũ, Dung gục đầu vào vai chồng thổn thức:
-Chỉ có mấy năm mà em cứ tưởng là đang từ trong cơn mộng dài trở về.
Sáu bùi ngùi nắm lấy bàn tay xanh xao của vợ:
-Ừ, anh cũng như em, đây là quê hương của mình, dù có đi đến đâu thì mình cũng trở lại, như lá rụng về cội.
Sáu cùng vợ tần ngần đứng nhìn theo chiếc xe chạy xa dần, cho đến khi nó chỉ còn là một cái chấm nhỏ khuất sau triền đèo. Sáu nắm tay Dung dẫn nàng đi trên con đường trải đá, đến khúc sông trắng bạc sáng lóa dưới ánh mặt trời ban trưa, tảng đá lớn giữa giòng nước cạn nổi lên lù lù như một cái mai rùa. Kỷ niệm cũ rùng rùng hiện ra như một đoạn phim cũ, Sáu cười cười hỏi vợ:
-Em có nhớ trên tảng đá này ba năm trước em đã muốn móc mắt anh bằng chiếc lược đồi mồi không"
Dung đỏ bừng mặt véo nhẹ vào cánh tay cứng như đá của chồng:
-Hứ, làm sao mà nhớ, lúc đó người ta đâu phải là bé Dung của anh!
Sau khi cùng cậu cả Nhơn an táng thi hài ông bá Dương trong phần mộ cạnh nơi an nghỉ của tiểu thư Ngọc Phụng, để hai ông bà được ấm áp bên nhau, Sáu từ giã cậu Nhơn:
-Dung còn ngây dại lắm, ông chủ phú thác Dung cho tôi chăm sóc, cậu là quyền huynh thế phụ nên tui cũng phải xin phép cậu cho tui đem Dung đi vào Sài Gòn trị dứt bệnh.
Ông bá hộ Dương đã chết rồi, thì bỗng dưng cậu cả Nhơn cũng bớt đi vẻ lạnh lùng, cậu ủ rủ gật đầu:
-Anh cứ đem em tôi đi và bảo bọc đời nó, tôi trông cậy vào anh.
Nhơn móc ra trong túi một gói giấy dầy ấn vào tay ông em rể, đôi mắt rưng lệ:
-Sáu hãy nhận lấy cái này, coi như là món quà của anh cả tặng cho em gái.
Sáu đặt trả gói giấy vào tay Nhơn:
-Tui làm cho nhà nước đã có đủ dùng rồi, cậu mợ cũng không dư dả gì, cậu giữ lấy để xoay xở.
Nhơn ôm lấy đứa em gái đang giương đôi mắt ngơ ngác nhìn đăm đăm lên những áng mây đang trôi lảng đảng trền nền trời xanh trong nghẹn ngào:
-Tội nghiệp em tôi. Dung, em tha thứ cho anh, anh không xứng đáng là anh của em.
Dung lạ lùng đẩy cậu Nhơn ra xa, lắp bắp những chuỗi âm thanh đứt khoảng. Nhơn u sầu nhìn Sáu:
-Cha tôi đã chết rồi mà cái oan hồn vẫn còn chưa chịu ra đi, Sáu gắng cứu chữa cho em Dung.
Sáu đem vợ vào Sài Gòn tìm đến Cục Địa Chất Quốc Gia hỏi cậu mợ Đạt và Vân thì nhân viên người ta cho biết Đạt đã nhận lệnh lên Pleiku công tác. Sáu xin được tạm trú ngụ trong một căn nhà kho cũ thuộc tòa cao ốc hai tầng của Cục Địa Chất. Nhân lúc đang thiếu người trông coi cơ sở về đêm, ông chánh văn phòng Cục chấp nhận ngay, bởi Sáu cũng là nhân viên Cục và là người tín cẩn của kỹ sư Đạt, mà chính ông đã trình ông Cục trưởng ký công lệnh đề cử Đạt lên cao nguyên. Đêm đầu tiên ở thành phố mà người ta gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông, Sáu giăng mùng trên chiếc giường sắt nhỏ một người ngủ kiểu quân đội Pháp. Anh không có ý định xúc phạm đến thân thể của Dung, vì cái oan hồn của nàng Hương dường như vẫn chưa chịu rời bỏ Dung để ra đi. Sợ rằng người đàn bà lẻn trốn ra khỏi phòng, Sáu kê chiếc bàn chắn ngang cửa ra vào, rồi anh nằm lên, chỉ một tiếng động khẽ là Sáu tỉnh thức liền. Ngủ yên được mấy đêm, Dung không có dấu hiệu kỳ lạ nào lộ cho Sáu biết rằng nàng muốn bỏ đi, Sáu cũng thấy an tâm. Suốt chuyến đi từ Bình Định về Sài Gòn, Sáu cứ suy nghĩ mãi mà không tìm ra lời giải đáp, đến nỗi đầu chàng nhức bong bong như có ai khõ búa lên. Bá hộ Dương đã chết rồi, nàng Hương có nhiều thay đổi, tính tình thuần dịu dần, không còn hung dữ quấy phá như một người điên nữa. Cái vong hồn của nàng Hương đã chiếm ngụ cái thân xác của Dung, linh hồn của cô gái trẻ bị đẩy ra ngoài không còn nơi nương tựa, chẳng biết đang lang thang ở những thế giới nào, dù nàng Hương có xuất ra khỏi Dung, thì chưa hẳn linh hồn Dung biết mà tìm đường trở về xác thân cũ.
Khi ông chánh văn phòng báo cho Sáu biết là Cục đã ký sự vụ lệnh cho anh lên Pleiku làm việc với Đạt, vui thì có vui nhưng mà Sáu lo lắng vô cùng. Đường dài thiên lý mà Dung bệnh hoạn ngây dại như thế này, những chông gai trắc trở nào đang chực chờ ở phía trước. Đêm cuối cùng ở thành phố Sài Gòn, Sáu nằm vắt tay lên trán suy nghĩ mãi, anh lăn trở trên chiếc bàn gỗ cứng như người ta trở cá trên chiếc chảo nóng mà vẫn không tìm ra được một con đường nào để khu trục cái vong hồn của nàng Hương ra khỏi thân xác Dung. Chiếc đèn dầu nhỏ đặt trên chiếc ghế ngồi hắt ra những tia sáng vàng vọt ảm đạm, như muốn chia sẻ mối lo buồn của Sáu. Thấp thoáng đằng sau màn vải mùng, Dung nằm xoáy mặt vào vách im lìm, chắc là trong cơn ngủ say. Sáu lắng nghe tiếng thở nhè nhẹ của Dung, trong lòng dâng trào một nỗi phiền muộn tái tê, bàn tay chèn dưới đầu bỗng chạm thấy một vật dài cồm cộm trong chiếc ba lô mà anh dùng làm gối ngủ. Như có một linh tính kỳ dị thôi thúc, Sáu ngồi bật dậy mở ba lô cho tay vào khoắng lấy. Chợt Sáu kêu lên khe khẽ, bàn tay anh đã nắm lấy con dao trủy thủ của vị sư thầy. Một tia sáng bừng lên trong đầu Sáu, như một tia chớp lóe sau cơn sấm rền giữa đêm đen. Sáu vỗ đầu rên rỉ:
-Trời ơi, mình đã quên khuấy đi mất lời thầy dặn...
Sáu cho con dao trở vào chiếc ba lô, đầu gối lên đánh một giấc đậm sâu hết khoảng thời gian còn lại của đêm...
Sáng hôm sau, vai mang ba lô, tay xách chiếc va li nhỏ chứa quần áo và vật dụng của Dung, tay dắt nàng, Sáu từ giã những người bạn cùng sở Địa Chất đi Pleiku. Ông chánh văn phòng ân cần đưa tiễn vợ chồng Sáu ra đến bên con đường đại lộ chúc hai người lên đường bình an. Ông đã tử tế bảo ban lương bổng ứng trước một tháng tiền lương để Sáu có tiền chi dụng trong cuộc hành trình dài thăm thẳm lên miền cao nguyên. Nhưng Sáu không vội ra bến xe, anh kêu một chiếc taxi chở  vợ chồng anh vào Chợ Lớn. Khi đã ngồi an ổn trên cái băng ghế êm ái của chiếc Renault, Sáu hỏi anh tài xế ngay:
-Anh biết có một cái chùa nào trong Chợ Lớn gọi là chùa Phước Hải không"
Người tài xế nhăn trán suy nghĩ, chợt anh reo lên:
-Chùa Phước Hải, tôi đã nhớ ra rồi, nó nằm phía bên kia cầu Chữ Y, để tôi đưa anh chị đến đó.
Khi chiếc taxi ghé vào bên lề một con đường nhỏ, Sáu nhìn ra khung cửa đã trông thấy cái cổng chùa bằng gạch cũ kỹ, chắc cũng phải nửa thế kỷ, bên trên có gắn một tấm bảng gỗ mun khắc hàng chữ Tàu mà Sáu đọc được ngay là Phước Hải Tự. Sáu dẫn Dung bước qua cái cổng gạch đã loang lở nhiều, nắng mưa và thời gian đã làm lộ ra giữa những viên gạch mòn gần nửa, chất vữa làm bằng vôi trắng trộn cát mà khi chạm nhẹ ngón tay vào, nó mũn ra thành bột rơi lả tả xuống đất. Ngôi chùa nhỏ mái ngói mọc đầy rêu xanh nằm ẩn náu giữa những tàng cây bồ đề tàng lá rì rào theo từng cơn gió nhẹ, ở giữa một khung cảnh hoang sơ tịch mịch của vùng ngoại ô Chợ Lớn, mùi hương trầm lảng bên những khóm hoa mọc bên tường, gợi cho khách một cảm giác êm ả, lâng lâng thoát tục, như đang đặt bước vào một cõi huyền hoặc của một thế giới khác.
Một hồi chuông công phu từ bên trong ngân nga vọng ra, Dung tái mặt nép vào phái sau người đàn ông, Sáu nắm chặt tay nàng trấn an:
-Bà đừng sợ, tôi đem bà đến đây là chỉ muốn giúp cho bà được siêu thăng không còn làm kiếp hồn oan vất vưởng trên cõi trần nữa..
Cánh cửa gỗ sơn đỏ cũ mục bỗng cựa mình phát ra những âm thanh kẽo kẹt, một chú tiểu đầu tròn nhẵn có ba cái vá tóc thò đầu ra đảo mắt nhìn quanh. Sáu vội kéo Dung tiến đến hỏi:
-Chào em, em cho anh biết thầy Viên Pháp còn trụ trì ở đây không"
Chú tiểu không trả lời, nó hỏi ngược trở lại:
-Chú là chú Sáu phải không"
Sáu giật mình tưởng nghe lầm, làm sao mà thằng bé ba chỏm tóc này lần đầu gặp nhau mà đã gọi đúng tên anh. Sáu còn ngẩn ngơ thì chú bé đã mở rộng cửa khoanh tay lễ phép:
-Nếu chú là chú Sáu thì xin mời vào, thầy con chờ chú từ lúc sáng...
Sáu bối rối:
-Tại sao thầy em lại biết anh đã đến"
Chú tiểu nheo mắt hóm hĩnh:
-Con không rõ, nhưng con biết sư phụ có phép thần thông nhìn thấu quá khứ và vị lai...
Sáu rùng mình ớn lạnh, nhưng trong lòng cuồn cuộn dậy lên một nỗi mừng vui vô tả. Trời ơi, nếu hòa thượng Viên Pháp là một vị cao tăng như thế thì em Dung được cứu rồi.
Sư Viên Pháp, một ông già người Tàu có chòm râu dài bạc trắng muốt, ánh mắt hiền từ ẩn dưới hai hàng chân mày dầy rậm, chiếc mũi to quá khổ như một trái cà chua treo trên khuôn mặt phương phi, nhưng đôi dái tai lớn thòng dài xuống tận bên hàm đã lấy lại được sự quân bình. Vị hòa thượng ngồi trên một cái bồ đoàn đan bằng những sợi mây rừng bọc bằng một lớp vải thô vàng đã sờn cũ. Sáu cùng Dung phủ phục lạy sư Viên Pháp, vị sư già đưa tay ra, đôi môi nở một nụ cười bao dung:
-Hai vị đừng đa lễ, xin ngồi lên đàm đạo.
Hòa thượng là người Trung Hoa sang dựng chùa giảng pháp mấy mươi năm, ông biết Sáu có thể trò chuyện với ông bằng tiếng quan thoại, nhưng vẫn nói tiếng Việt để Dung cùng nghe. Khi hai người khách đã an tọa trên hai chiếc bồ đoàn đối diện, ở giữa là một chiếc bàn thấp mà chú tiểu đã đặt lên một cái mâm thau với bình trà và ba cái chung sứ nhỏ. Sáu chấp tay cúi gập người đảnh lễ vị sư già lần nữa:
-Đệ tử là Lê Văn Sáu xin tham bái sư thúc.
Viên Pháp gật đầu đưa tay ra:
-Sư thúc miễn lễ, cháu và cô nương dùng trà.
Bắt gặp tia nhìn loang loáng đầy thần khí của nhà sư, cô gái co rúm người nằm mọp úp mặt xuống đất. Viên Pháp vuốt râu gật gù:
-Oan oan tương báo, oán oán chất chồng biết bao giờ mới cởi mở được. Lành thay, hôm nay ta sẽ giúp cho bà được siêu thăng.
Dẫu đã biết vị hòa thượng sư đệ của sư phụ chàng, Viên Huệ, là một bậc cao tăng đã chứng ngộ được nhiều quyền năng, nhưng Sáu vẫn hãi kinh trong lòng, bởi anh chưa nói một lời cầu xin nào hay kể chuyện nàng Hương, nhà sư chỉ nói có mấy câu ngắn ngủi ẩn chứa nhiều ý nghĩa thâm sâu của Phật pháp, Sáu tự thấy không cần phải nói gì thêm nữa. Sáu sửa lại tư thế ngồi kiết già, lưng thẳng, tay bắt ấn, tụng mật chú. Viên Pháp đặt tay lên đầu Dung với một dáng vẻ hiền hòa của một người cha dịu dàng với đứa con:
-Nữ thí chủ chưa tìm ra lối đi phải không. Từ nay oán thù phải xả bỏ, cái tâm có thanh thản thì cái thân kiếp sau mới được nhiều phước báu. Ta cho con một đạo bùa làm cẩm nang đưa đường cho con đi, quỷ ma không bức hại, thánh thần theo phò trợ cho con thác sanh vào chỗ phú quý. Phải nhớ dù là ở kiếp nào con cũng phải luôn siêng năng trau dồi tâm linh để được thăng hoa lên một cảnh giới giải thoát cao hơn, rồi cuối cùng cũng được siêu thoát về cõi Tây Phương của Phật A Di Đà.
Sư Viên Pháp rút từ trong tay áo một mảnh giấy dài hình chữ nhật màu vàng có mấy hàng chữ Tàu đỏ như son, ngài trịnh trọng bỏ mảnh giấy vào cái lò đồng nghi ngút khói hương trầm thơm ngát. Mảnh giấy cháy bùng lên trong một ngọn lửa xanh biếc. Thật huyền diệu, đã cháy hết rồi mà mảnh giấy vẫn còn giữ nguyên hình dáng buổi ban đầu, từ cái nền tro đen nổi lên những hàng chữ Tàu màu xám. Người đàn bà sì sụp lạy. Đột nhiên, suýt nữa Sáu đã nhảy nhổm lên, khi nàng Hương trong thân xác Dung cất giọng nói trong trẻo:
-Con đội ơn thầy giải thoát cho linh hồn con, từ nay con đã biết nẻo đi về. Con kính nhờ thầy nói lại với cô Dung, xin cô tha thứ cái lòng thù hận sân si của con làm hại đến cô mười mấy năm dài. Con lạy thầy con đi...
Vị sư già gật đầu mỉm cười:
-Ừ con đi đi, ta chúc lành cho con!
Dung ngồi thẳng người, chân xếp chéo vào nhau, đôi mắt nhắm nghiền. Sáu xúc động chăm chăm nhìn sang, chờ đợi khoảnh khắc xuất hồn của nàng Hương. Bỗng cô gái mở bừng mắt ra mấp máy môi muốn nói, nhưng sư Viên Pháp đã phẩy tay:
-Phạm Dõng đang chờ con. Kiếp này duyên tình dang dở thì luật bù trừ của bánh xe luân hồi sẽ dành sự tương ngộ cho các con ở kiếp sau. Thôi con hãy đi đi...
Dung sụp xuống khóc nức nở:
-Con... con... cảm đội ơn thầy... con nhớ thương anh Dõng lắm...
Vị sư già thở dài:
-Ôi, sợi dây tình ái cột chặt cái tâm Phật của mỗi chúng sinh, cái màn vô minh che lấp con mắt huệ, biết đến khi nào mới thấy niết bàn.
Dung ngã người nằm dài trên sàn phòng bất động. Sáu hốt hoảng muốn đỡ lấy thì sư Viên Pháp đã ngăn lại:
-Cứ để cho nữ thí chủ nằm nghỉ một chút, ta đốt thêm một đạo bùa gọi hồn cô về. Hà, cái hồn cô gái này đang vất vưởng loanh quanh ở ngưỡng cửa địa ngục, nhưng không được cho vào, vì nữ thí chủ đã chết đâu.
Lá bùa đã cháy tàn trong chiếc lư trầm, Sáu sốt ruột như đang ngồi trên lửa. Thời gian như ngừng trôi. Những cây nhang cắm trong chiếc lư đồng lụn dần. Đến một lúc, Dung mở mắt ra ngơ ngác nhìn quanh, nàng yếu ớt chống tay ngồi dậy, Sáu vội quàng tay muốn giúp nàng, cô gái tái mặt đẩy người đàn ông lạ ra xa:
-Cái ông này là ai mà sàm sỡ vậy, cha tôi đâu, anh tôi đâu rồi, sao tôi lại ở đây"
Sáu mừng đến rơi lệ, anh đưa tay ra tha thiết:
-Dung, em không nhận ra anh là Sáu đây sao
Dung ngơ ngác nhìn Sáu, cái trán mịn màng của nàng nhăn tít:
-Không, ông đâu phải là Sáu của tôi, anh Sáu nhỏ xíu cỡi trâu chứ đâu có lớn như ông vậy"
Sáu không thể không phì cười:
-Thì anh là thằng Sáu chăn trâu đây, nhưng mà anh với em đã thành người lớn hết rồi, đâu còn là trẻ con nữa.
Sáu nhích đến gần Dung chìa đầu cho nàng xem:
-Em hãy sờ đầu anh tìm cái thẹo mà ngày xưa anh bị em phạng cho một cục đá gần chết, thì biết anh là Sáu của em.
Đôi má Dung ửng hồng, xấu hổ vì Sáu nhắc lại cái hành động ác độc của nàng ngày xưa. Đôi bàn tay nàng run run len vào mớ tóc rậm cứng như những sợi rễ tre của người đàn ông, bỗng nhiên nàng rú lên:
-Trời ơi, đúng là vết sẹo ngày ấy đây mà, anh chính là anh Sáu của Dung rồi...

*

Vợ chồng Sáu bồi hồi đứng lặng nhìn những mảnh giấy tiền âm phủ cháy thành tro bị những cơn gió núi thổi bay tán loạn trước những nấm mồ nầm câm nín ở một góc làng. Làn khói trắng xám mỏng mảnh, ẻo lả từ những cây hương cháy đỏ bốc lên là đà dưới những chòm cây thấp mọc bên chân mộ.
Sau khi an táng cho ông bá hộ Dương nằm bên cạnh phần mộ của mẹ, mấy ngày sau cậu cả Nhơn chẳng có bệnh hoạn gì mà đột nhiên một buổi sáng mợ cả thức giấc, chạm phải cái thây đã lạnh cứng của chồng nằm bên, mụ nổi gai ốc tốc mùng nhảy ra ngoài kêu rú rầm rĩ:
-Trời ơi, ma... ma... cái thây ma...
Trong buổi chiều tàn, sương sa xuống dầy đặc bao trùm khắp cõi không gian. Những nấm mồ thấp thoáng, ẩn hiện giữa khối mây mù trắng đục như sữa. Một cơn gió đùa tới, tấm màn sương trước mộ xoáy tròn, lung linh dật dờ như những bóng ma hiện lên từ cõi âm. Dung rùng mình nép vào cánh tay chồng tìm hơi ấm và sự che chở. Sáu dìu vợ bước trở ra con đường làng. Những cây nhang cháy lụn đến gốc, chỉ còn le lói mấy đóm lửa nhỏ. Mấy con đom đóm ăn đêm, ánh hồng còn chưa tàn sau đỉnh núi mà chúng đã lập lòe ánh sáng xanh biếc đậu trên đỉnh những bia mộ, luyến tiếc nhìn theo hai cái bóng người đang phai nhạt dần ở cuối đường...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.