Hôm nay,  

Phát Biểu Về Ba Tác Phẩm Của LS Lâm Lễ Trinh

21/04/200700:00:00(Xem: 7448)

Phát Biểu Về Ba Tác Phẩm Của LS Lâm Lễ Trinh “Về Nguồn, Thức Tỉnh Và Vietnam, A Painful Transition” 

GS Nguyễn Đăng Trúc

   (Sau đây là bài của Giáo Sư Nguyễn Đăng Trúc sẽ đọc trong buổi giới thiệu tác phẩm của Luật Sư Lâm Lễ Trinh vào ngày 21 tháng 4 năm 2007 tại Quận Cam.)

Nhân dịp chuyến đi thăm gia đình tại Hoa-Kỳ, tôi được LS Lâm Lể Trinh đề nghị phát biểu cảm nghĩ của mình trong dịp ra mắt ba cuốn sách vừa được liên tục xuất bản “Về nguồn, Thức tỉnh và Vietnam, a painful transition”.

 Thực tình tôi rất ái ngại. Ái ngại không phải vì đã chưa từng nghe biết tác giả, hoặc chưa từng đọc những trang sách nầy. Nhưng ái ngại vì tác giả và tôi thuộc những thế hệ khác nhau; hoàn cảnh sống, lãnh vực nghiên cứu và sinh hoạt nghề nghiệp đôi bên cũng không thể gọi là gần gũi. Và mặc dù như đã thân thuộc từ lâu qua sách vỡ báo chí, hôm nay là lần đầu tiên tôi được vinh dự gặp mặt tác giả.

Ái ngại hơn nữa, là vì sứ điệp văn hóa của ba tác phẩm mà tác giả gợi ý cho tôi phát biểu, thoạt nghe qua tưởng chừng như là một chuyện gượng ép, giả tạo.

Nhưng, thưa quí thân hữu, sau chỉ một giây ngập ngừng, tôi đã nhận lời với tất cả niềm hảnh diện và xác tín thâm sâu của tôi. Và tôi sẽ cùng chia sẻ với quí vị lý do tại sao lại có sự thay đổi kỳù lạ như thế.

Chúng ta thừa biết rằng nhờ tiến bộ kỷ thuật, việc phổ biến các tài liệu, việc in thành sách những mảnh kinh nghiệm đời mình đã trở thành phổ biến trong cộng đồng người Việt chúng ta ở hải ngoại từ những thập niên vừa qua. Không thiếu người viết; và người ta viết nhiều, viết vội vàng, viết bất cứ cái gì xảy ra trước mắt, viết để tôn vinh mình và phe mình, để nguyền rủa người mình không thích. Chữ nghĩa trước đây là vùng đất thiêng liêng của thánh hiền, của kè sĩ nay đối với nhiều người tưởng chừng như là phương tiên chuyên chở và phô trương điều mà Pascal gọi là ‘cái tôi đáng ghét’.

Chúng ta đang ở trong cảnh tranh tối tranh sáng giữa tự do và rối loạn, giữa việc làm chứng chân thành những điều mắt thấy tai nghe hầu tôn vinh đạo nghĩa với việc níu lấy một vài thành tích hư ảo nhằm khoe khoang hoặc biện minh cho quá khứ bất cập của mình.

Trong bầu khí sinh hoạt nhập nhằng như thế, ba bộ sách của tác giả đã chọn lối đi riêng của mình. Trong đoạn văn ‘Thay lời phi lộ’, tác giả viết:  “Những tài liệu và nhận xét trong sách không ra ngoài chủ đích trả lại sự thật cho lịch sử hầu phá vỡ những huyền thoại”.

Đến đây, người đọc tự hỏi: Sự thật nào và huyền thoại nào khi ngay những chuyện kinh hoàng xảy ra trước mắt, mỗi người, mỗi phe pháp chính trị, mỗi ý hệ … nhìn, mô tả và đánh giá, không những khác nhau, mà còn mâu thuẩn nhau"

Câu trả lời về ý nghĩa của sự thật của lịch sử xét về mặt văn hóa hẳn không phải số lượng các chi tiết có căn cứ về thời gian không gian …Hẳn nhiên sự chính xác của các dữ kiện thuộc lãnh vực khoa học lịch sử là mức độ tối thiểu của liêm sĩ trí thức; chắc chắn tác giả đã không thể không lưu ý khía cạnh đó, và người đọc ở một trình độ nào đó hẳn không thể không nhận ra. Nhưng như học giả Lê Văn Siêu trong cuốn Việt Nam Văn Minh Sử Cương đã từng nhận xét, khi nói đến sự thật về mặt văn hóa của một dân tộc mà chỉ biết ghi lại những sự kiện từng ngày của quá khứ, bới đào những vết tích khảo cổ thì “chỉ lưu ý tới phần xác của nó lắm khi khô khan và trơ trẽn” .

Trong ba tác phẩm nầy, tác giả không dành một chương nào trong sách để trình bày một cách hàn lâm và minh nhiên về cái hồn của văn hóa, về những chuẩn mực của sự thật để nhìn và phê phán lịch sử, nhưng văn phong, sự nhất quán của toàn bộ bản văn, và các tựa đề “Về nguồn, Thức tỉnh và Vietnam, a painful transition” đã đưa đọc giả tiếp cận với hồn thiêng ấy.

Thật đúng như thế, qua từng tài liệu ghi lại, từng bài nhận định, tác giả không lôi giật người đọc quay lại nhìn và tôn vinh cái tôi của mình, suy tôn hoặc chà đạp người mình đề cập, nhưng muốn kêu mời đọc cùng ý thức điều ác, cùng nhận ra những lừa lọc gian manh để ghê tởm, cùng khám phá những công lao và giá trị để ghi nhớ và phát huy. Những khác biệt về lập trường chính trị, về phương cách lập, suy tư đã không uốn ngòi bút tác giả đi đến những phê phán hồ đồ, thiên kiến; các mối tương giao bằng hữu, thân thuộc, thầy trò … được trân trọng nhắc nhỡ một cách hết sức cảm động, nhưng không che mờ tiếng nói của lương tri. Đi vào lời văn của các tác phẩm, chia sẻ tâm tình của tác giả trước những biến cố, đối thoại với tác giả qua những nhận định thời cuộc, độc giả được đưa ‘về nguồn’, về quê hương văn hóa truyền thống của những kẻ sĩ như Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Nguyễn Trải, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu  v. v.. Nơi quê hương văn hóa ấy, chữ gắn liền với nghĩa.

Không minh nhiên gọi tên hồn của văn hóa, nhưng tác giả đã mặc cho những bài viết của mình vào một đặc điểm chung: về nguồn, thức tỉnh và vượt qua trong gian khổ. Về nguồn là trở về thời ăn lông ở lỗ, thời khăn đống áo dài, thời phong kiến, thời đệ nhất hay đệ nhị cộng hoà chăng" (Dường như vì nhu cầu thương mại, người ta đang tìm lối về nguồn đó để phát huy cuộc sống văn hóa). Sau khi đọc toàn bộ ba cuốn sách của tác giả, tựa đề về nguồn làm tôi nghe vọng lại ngay bài thơ Thề Non Nước của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Về nguồn như một lời kêu mời vì:

“Nước non nặng một lời thề,

Nước đi đi mãi, không về cùng non

Nhớ lời ‘nguyện ước thề non’,

Nước đi chưa lại, non còn đứng không.

Non cao những ngóng cùng trông,

 Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày …”

Nước là bước đi dong dài của lịch sử mà những mảnh chuyện được tác giả ghi lại qua kinh nghiệm trung thực của đời mình.

Nhưng Nguồn, Non Cao là gì mà con người chìm trong cơn lốc lịch sử cần quay về để tiếp được ánh sáng, để  nhận được ra sai trái quá khứ cần phải vượt qua, để định hướng cho tương lai"

Trong bài ‘Hoài Niệm Nguyễn Khắc Hoạch’ (trang 333) tác giả cho chúng ta một gợi ý khi kết luận lời từ biệt người bạn chân tình của mình: “Một Nhà văn dấn thân.  Như một CON NGƯỜI. Con Người trung thực.  Đúng theo ý nghĩa cao quýù và toàn vẹn của từ.”

Đây là sự nhất quán, là hồn thiêng làm nên sự thật để đánh giá lịch sử. Đây là Nguồn, là Non Cao đang chờ mỗi người, mỗi tập thể con người quay về để thức tĩnh. Toàn bộ các bài viết chìm ngập trong ánh sáng soi đường ấy; và cũng chính vì thế khi đọc những trang giấy của ba cuốn sách, chúng ta cảm thấy trở về mạnh đất quê hương văn hóa ngàn đời của chúng ta. Chúng ta đi vào Đại Ký Ức mà vào năm 1492 kẻ sĩ  Vũ Quỳnh đã nêu lên để định cái khung văn hóa chúng ta khi viết lời Tựa cho Cuốn Lĩnh nam Chích Quái mà ông hiệu chính:

“Than ôi! Lĩnh Nam có nhiều kỳ trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ ràng ở long người, bia truyền ở miệng người, ông già con trẻ thảy đều thông suốt, đem lòng ái mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương thường, quan ở phong tục, há có phải ít bổ ích đâu"”

Nguồn hay Đại Ký Ức được tổ tiên người Việt nhắc nhở qua chuyện Bánh Dày Bánh Chưng. Lương thực văn hóa mà mỗi gia đình chúng ta dùng trong ngày đầu khai trương lịch sử cho một năm sống. Lương thực văn hóa, nguồn mà lịch sự cần quay về để mang ý nghĩa,  là Đại Ký Ức nhăùc một chân lý căn cơ mà thôi: con người. Con đường vương đạo, kẻ xứng nối ngôi vua là Lang Liệu. Lang Liệu không tìm của con vật lạ, nói như người hôm nay, thì ông không tìm giai cấp, tiến bộ hay một ý niệm tưởng chừng như cao đẹp nào khác, nhưng ông chỉ biết vâng lời Thần Linh làm nên bánh Dày tượng trưng cho Trời, bánh Chưng tượng trưng cho Đất. Ông chỉ biết làm người trong mối giao thoa Đất -Trời đó.

- Không phải vì muốn phát huy đường lối đề cao phẩm giá nhân vị con người mà rất sớm vào tuổi thanh niên tác giả đã dấn thân vào chính trường hay sao"

- Không phải vì Nguồn ‘linh ưu vạn vật đó’ mà mà tác giả đã dùng những ngằy tuổi hưu của mình cho chính nghĩa cổ võ nhân quyền hay sao"

- Không phải vì Nhân Đạo mà tác giả đã bỏ cộng biên soạn và phổ biến ba bộ sách nầy hay sao"

Về Nguồn, quay lại với Nhân Đạo theo lời kêu mời của Non Cao, để Thức Tĩnh, đễ Vượt Qua Trong Gian Khổ để hoàn thành nhân tính, với lời kêu gọi đó, tác giả đưa chúng ta về lại với với điều mà Vũ Quỳnh gọi là Cương Thường làm khung cho văn hóa.

Nếu văn hóa cũng là một danh xưng mà cha ông chúng ta gọi là học thì tôi xin dùng lại những lời nầy của cụ Sào Nam Phan Bội Châu trong Phàm lệ giới thiệu về cuốn Khổng Học Đăng do nhà chí sĩ biên soạn cách nay gần 80 năm, để nói về bộ sách của LS Lâm Lệ Trinh:

"Cái danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân đai đâu" Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hốt gạt mề đay kim-khánh đâu...!

Hễ ai đọc bản sách nầy, trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng: "Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (Platon), ta là Khang Đức (Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền; ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thơi. Có chí khí ấy thời đọc quyển sách nầy mới thích.

Nếu ai chưa đọc sách nầy mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay thời xin chớ đọc"…

"Mục đích người làm bản sách nầy là cốt phù trì nhân đạo; nếu ai khơng để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc"  .

Nhân đạo, nền tảng đời đời của văn hóa, là nguồn mà tác giả của ba bộ sách gọi ta quay về, là ánh sáng giúp ta thức tĩnh và vượt qua trong gian khổ để hoàn thành nghĩa vụ làm người; nhân đạo ấy là Non Cao luôn mãi tồn tại vượt lên trên những thăng trầm nổi trôi của lịch sử, những cuồng vọng của các ý hệ. Và như lời của như thi hào R.M. RILKE, đó là hồn thiêng cao cả duy nhất đủ sức khai tâm tất cả chúng ta .

Đến đây tôi hy vọng chia sẽ được quí vị lý do tại sao chỉ cần đọc qua các bản văn tôi đã trở thành thân thuộc với tác giả, tại sao tôi không còn vướng mắt một tơ vương ái ngại nào nữa khi phát biểu về giá trị văn hóa của ba bộ sách của LS Lâm Lễ Trinh trong ngày hôm nay.

Kính cám ơn tác giả và trân trọng kính chào quí vị.

NOTE:

1- LÊ Văn SIÊU, Việt Nam Văn Minh Sử Cương, Nhóm Khởi Hành, Đức Quốc, tái bản 1990, tr. 23.

2- VŨ Quỳnh, Tựa cuốn Lĩnh nam Chích Quái , bàn dịch Lê Hữu Mục, Huế 1960

3- Sào Nam Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, Khai Trí, Sàigòn xb, 1973, Phàm Lệ (1929).

 4- R.M. RILKE, Sonnets  à Orphée, 1, 22, trad J.F.Angelloz : "Chỉ có cái gì tồn tại mới khai tâm chúng ta".

(Ghi Chú về Diễn Giả:

Nguyễn Đăng Trúc - Sinh 1947 tại Quảng Trị, Tiến Sĩ Triết Học tại Pháp, Giáo Sư Triết Học PK Nhân Văn và Nghệ Thuật, ĐH Minh Đức , Sàigòn , Việt nam; Hội trưởng  Hội Văn Hóa TRUNG TÂM  NGUYỄN-TRƯỜNG-TỘ, Chủ nhiệm Tập san Định Hướng và Định Hướng Tùng thư, Giáo sư  Phân khoa Thần học công giáo,  ĐH Strasbourg, Pháp                      

 Các tác phẩm đã xuất bản:

-   Nhớ Nguồn 1995

-   Văn Hiến, nền tảng của minh triết    1996

-   Bài giảng trên núi   1996

-   Trong Đức Kitô, Giáo hội cầu nguyện : Lạy cha chúng con  1997

-   Tiếp cận tư tưởng Việt Nam : Vấn đề triết học  1999

-   Tiếp cận tư tưởng Việt nam : Tư tưởng Nguyễn Du qua Đoạn Trường Tân Thanh 1999

-    Le conflit entre le Soi et la Vérité -  L’humanité de l’homme chez les penseurs grecs anciens 2007.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.