Hôm nay,  

Bổ Túc Vài Điều Về Họ Ngoại Của Cố Hồng Y Thuận

08/09/200500:00:00(Xem: 5953)
- Nhân Ngày Mãn Tang Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (16-09-2002 đến 16-09-2005)
LTS: Cộng đồng công giáo miền Tây Nam Hoa Kỳ sẽ tổ chức lễ giỗ Mãn Tang Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, nguyên chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, vào lúc 09:30 giờ sáng thứ Bảy 17-9- 2005 tại Nhà thờ Blessed Sacrament 14072 Olive St, Westminster, CA 92683, Tel: (714) 893-3059. Bài của GS Nguyễn Lý Tưởng sẽ trình bày thêm một số chi tiết về Đức Hồng Y Thuận. Một vài câu sẽ được cắt ngắn để tránh các tranh luận có thể xảy ra về tôn giáo không cần thiết. Bài như sau.
(Tài liệu nầy trích từ tác phẩm "Đưa Em Tới Chốn Nhà Hồ" của Nguyễn Lý-Tưởng, đề cập đến nhiều nhân vật lịch sử với những tài liệu rất đặc biệt, trong đó có Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002), sẽ phát hành tại Hoa Kỳ vào tháng 09/2005 nhân kỷ niệm 03 năm Mãn Tang của Ngài).

Từ ngày Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua đời (16-09-2002), báo chí, sách vở viết về dòng họ của Ngài rất nhiều. Đa số đều trích dẫn lại những tài liệu đã công bố từ hơn mười năm nay ở hải ngoại, trong đó hãy còn nhiều điều thiếu sót và sai lầm mà không thấy đính chính, bổ túc.
Mới đây, vào tháng 03 năm 2005, chúng tôi lại đọc thấy trên các báo bài viết về Cụ Bà Cụ Bà Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp, thân mẫu của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (sau khi được tin Bà Cố qua đời tại Sydney, Australia ngày 27-01-2005).
Chúng tôi nhận thấy trong các tài liệu đã được công bố về dòng họ ngoại của Đức Cố Hồng Y...đặc biệt về Ôngï Ngô Đình Khả và Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm có một số sai lầm về năm sinh, năm mất của Ông Ngô Đình Khả, (sinh năm 1857 chứ không phải 1856; năm mất là 1923 chứ không phải 1914,v.v...) về vai vế trong gia đình của những người con của Ông Ngô Đình Khả (bà Ngô Thị Giao là Chị của Ông Ngô Đình Khôi và Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục...) và một số chi tiết khác...Chúng tôi đã căn cứ vào Sổ Rửa Tội, Sổ Hôn Phối và Sổ Khai Tử của giáo xứ Phủ Cam (GP Huế) hiện còn lưu trữ tại nhà Cha Xứ...Mặc dù có những tài liệu gốc chính xác và giá trị, nhưng rất ít người quan tâm tìm hiểu tới nơi tới chốn. Cũng cần lưu ý rằng từ trước tới nay, đa số sách báo đều nói về họ Ngoại của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận mà chưa ai nói về họ Nội của Ngài. Điều đó cũng để hiểu vì họ ngoại của ngài có những nhân vật lớn đã đi vào lịch sử...
Tháng 09-2002, sau khi được tin Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê qua đời, chúng tôi có viết một bài về họ Nội của Đức Hồng Y (đăng trên Hiệp Nhất tháng 10/2002 xuất bản tại Santa Ana, California). Nay nhân dịp "Mãn Tang ba Năm" của Ngài, chúng tôi xin bổ túc một số chi tiết về họ Ngoại của Ngài.

1.- Dòng họ Ngoại của Đức Hồng Y:
Mẹ của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là Bà Isave Ngô Thị Hiệp con thứ 5 của Ông Micae Ngô Đình Khả và Bà Anna Phạm Thị Thân. Trong Sổ Rửa Tội ghi tên của Bà là Isave Ngô Thị Hiệp chứ không phải Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp như sách báo bây giờ viết. (Tên Thánh Elizabeth tiếng Việt đọc là I-sa-ve). Theo tài liệu về lý lịch của các Linh Mục Giáo Phận Huế (do Tòa Giám Mục Huế ấn hành, Linh Mục F.X Nguyễn Văn Thuận là 01 trong những tác giả đã góp phần biên soạn tài liệu nầy) tập 2, in Roneo, số thứ tự 280 về lý lịch của Linh Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ghi rõ tên Cha là Nguyễn Văn Ấm, Mẹ là Ngô Thị Hiệp.
Ông Ngô Đình Khả có 02 đời vợ: Người thứ nhất là Mađalêna Trĩu. Người thứ hai là Bà Anna Phạm Thị Thân. Cả hai đều là người gốc Phủ Cam hoặc đến lập cư ở Phủ Cam. Các con của Ông Bà Ngô Đình Khả - Phạm Thị Thân đều sinh ra và lớn lên ở Phủ Cam, trong Sổ Rửa Tội có ghi rõ ràng tên và ngày sinh, ngày chịu Phép Rửa Tội...của từng người. Con trai thì lấy họ Ngô Đình như Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm...Con gái thì lấy họ Ngô Thị như Ngô Thị Giao, Ngô Thị Hiệp, Ngô Thị Hoàng. Giấy khai sinh, giấy căn cước (ID) của những người nầy trước 1975 cũng ghi rõ như vậy. Dòng họ Ngô Đình...(Ông Ngô Đình Khả) gốc làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nhưng đối với những người con của Ông Ngô Đình Khả, thì Quê Ngoại của họ (giáo xứ Phủ Cam (làng Phước Quả, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên) mới là nơi họ sinh ra và lớn lên; là nơi họ gắn bó với bao kỷ niệm thời thơ ấu.
Về Ông Ngô Đình Khả, tờ hôn thú lần thứ nhất lập ngày 25 tháng 02 năm 1887 do Linh Mục Chánh xứ Phủ Cam là Eugène Allys ký tên (LM Allys sau nầy là Giám Mục Huế, thường gọi là Đức Cha Lý) nguyên văn như sau:
"Năm 1887, ngày 25 tháng Hai...Micae Khả con của Giacôbê Niêm và Ursula Khoa ở Phủ Cam, và Mađalêna Trĩu, con gái của Micae Quê và Agnatia Quy, ở họ Phủ Cam..."
Bà Mađalêna Trĩu chết sớm, không có con.
Hai năm sau, vào tháng 03-1889, Ông Ngô Đình Khả tục huyền với Bà Anna Phạm Thị Thân, con Ông Phaolô Huyên và Bà Anna Bùi người gốc làng Vân Dương, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, gia đình nầy cũng đến lập nghiệp tại Phủ Cam. (sổ hôn phối lập năm 1889, tờ 27 tại giáo xứ Phủ Cam do Linh Mục Eugène Allys ký tên).
Ông Ngô Đình Khả và Bà Phạm Thị Thân có tất cả 09 người con: 06 trai, 03 gái theo thứ tự như sau:
-Ngô Thị Giao (chồng là Trương Đình Tùng)
-Ngô Đình Khôi (vợ là Nguyễn Thị Giang con Ông Nguyễn Hữu Bài)
-Ngô Đình Thục (Tổng Giám Mục, Huế)
-Ngô Đình Diệm (Tổng Thống VNCH)
-Ngô Thị Hiệp (chồng là Nguyễn Văn Ấm sinh ra Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận)
-Ngô Thị Hoàng (chồng là Nguyễn Văn Lễ, tức Cả Lễ)
-Ngô Đình Nhu (vợ là Trần Lệ Xuân con gái LS Trần Văn Chương)
-Ngô Đình Cẩn
-Ngô Đình Luyện
Xin lưu ý: Người con đầu của Ông Bà Ngô Đình Khả là Ngô Thị Giao chứ không phải Ông Ngô Đình Khôi và người con út là Ngô Đình Luyện chứ không phải Ngô Đình Cẩn. Sau tháng 11/1963, báo chí ở Sài Gòn thường gọi Ông Ngô Đình Cẩn là "Cậu Út" hay "Út Trầu" là sai. Về năm mất của Ông Ngô Đình Khả là ngày 18 tháng 02 năm 1923 nhằm ngày 03 Tết năm Quý Hợi chứ không phải 1914 như nhiều sách báo đã ghi. Ở Huế, ai cũng biết ngày giỗ của Ông Ngô Đình Khả hằng năm đúng vào ngày 03 Tết. Đối chiếu từ Dương lịch qua Âm lịch thì ngày 18 tháng 02 năm 1923 mới đúng vào ngày 03 Tết Quý Hợi. Có lẽ các sách báo nói trên đã căn cứ vào tài liệu phổ biến từ hơn mười năm nay nói rằng "Ông Ngô Đình Khả mất năm 1914"...
Một người bạn của chúng tôi là Giáo Sư Lê Ngọc Bích, hiện ở Việt Nam, đã đích thân đến nhà thờ Phủ Cam (Huế) và đã xác nhận: Theo "sổ khai tử" năm 1923 số thứ tự 237 hiện còn tại giáo xứ Phủ Cam Ông Ngô Đình Khả qua đời ngày 18 tháng 02 năm 1923 (nhằm ngày 03 Tết năm Quý Hợi). Nguyên văn như sau:
"Năm Thiên Chúa 1923, ngày 18 tháng Hai, Micae Ngô Đình Khả, ông Thượng, đã về với Chúa, năm sinh 1857, an táng tại Phủ Cam" ký tên Linh Mục T.A.Stoeffler.
Tài liệu nầy nói rõ: "Ông Ngô Đình Khả sinh năm 1857 và qua đời năm 1923". Nhiều sách báo ghi "Ông Ngô Đình Khả sinh năm 1856 và qua đời năm 1914" là không đúng.

2.- Ông Ngô Đình Khả và dòng họ Ngô Đình:
Ông Ngô Đình Khả sinh năm 1857 tại làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, theo đạo Công Giáo, tên Thánh Micae, con Ông Giacôbê Ngô Đình Niêm và Bàø Ursula Khoa. Những người Công Giáo ở làng Đại Phong thuộc Giáo xứ Mỹ Duyệt, (tổng Thạch Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) do một Linh Mục người Pháp trông coi. Mỹ Duyệt là một xứ đạo lâu đời, năm 1885 nhiều người bị chết Tử Đạo (do Phong Trào Văn Thân gây ra sau vụ "thất thủ Kinh đô" ngày 23 tháng 5 Ất Dậu tức đêm 4 rạng ngày 5 tháng 7, 1885) dưới thời vua Hàm Nghi. Gần Mỹ Duyệt có xứ đạo Mỹ Hương là quê quán của LM Nguyễn Hữu Thơ (1835- 1890) là một nhà thông thái dưới thời vua Tự Đức, đã từng du học Pénang và Pháp. Ngài được vua Tự Đức mời làm quan giúp việc cho triều đình (thông ngôn), ngài cũng là thầy dạy tiếng Pháp cho hoàng tử Ưng Chân (vua Dục Đức). Theo lời kể lại của Linh Mục Dương Văn Nguyên (đã từng làm Cha Xứ họ đạo Mỹ Hương) thì chính Linh Mục Nguyễn Hữu Thơ là người dạy cho Ông Ngô Đình Khả học chữ Quốc ngữ, chữ Hán và tiếng Pháp. Linh Mục Thơ sinh năm 1835, Ông Khả sinh năm 1857, kém thua LM Thơ 22 tuổi. Ngài đã nhờ vị LM người Pháp ở Giáo xứ Mỹ Duyệt, bảo trợ cho Ông Khả vào tu học tại Tiểu Chủng Viện. (xem "Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu của Nguyễn Lý-Tưởng, trang 428- 429).
Theo GS Lê Ngọc Bích thì chính thân phụ của Ông Ngô Đình Khả đã nhờ vị LM người Pháp ở Mỹ Duyệt bảo trợ cho Ông Khả vào Tiểu Chủng viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị. Sau đó, Đức Giám Mục Caspar (Đức Cha Lộc: 1841-1917) gởi Ông Ngô Đình Khả qua học ở Chủng Viện Pénang (nước Mã Lai) là nơi đào tạo Linh Mục vùng Đông Nam Á. Được 8 năm (1870-1878) thì ông trở về nước, làm giáo sư ở Tiểu Chủng viện, sau đó, xin hồi tục. Giáo Sư Ngô Đình Chương (Hiện ở San Jose), cùng họ với Ông Ngô Đình Khả, thuộc gia đình "không Công Giáo" cho biết: Vào thời điểm đó cũng như bây giờ, đại đa số những người trong dòng họ Ngô Đình không theo Công Giáo, trường hợp Ông Ngô Đình Khả rất cá biệt. Như thế có nghĩa là dòng họ Ngô Đình mới theo đạo từ thời Ông Ngô Đình Khả, hay sớm hơn, từ thời Ông Ngô Đình Niêm (thân phụ của Ông Ngô Đình Khả). Nhưng theo một nhà báo California: dòng họ Ngô Đình theo đạo từ thời Alexandre de Rhodes (1628). Trước Ông Ngô Đình Khả, dòng họ Ngô Đình chưa có người nào làm quan lớn lưu lại tên tuổi trong sử sách.


Vào khoảng 1880 (sau khi trở về nước và xin hồi tục), Ông Ngô Đình Khả được các Linh Mục người Pháp giới thiệu vào làm thông ngôn tại Tòa Khâm Sứ Pháp ở Huế vì lúc bấy giờ cả hai bên Pháp-Việt đều cần những người vừa giỏi tiếng Pháp vừa giỏi chữ Hán. Năm 1888, Khâm Sứ Pháp tại Huế là Pierre Rheinart bổ nhiệm Ông Ngô Đình Khả làm Chánh Phòng Thông Sự Dinh Khâm Sứ (ngạch thông ngôn chính thức của Pháp), sau đó ông được cải ngạch qua làm việc cho Nam triều. Từ 1893 đến 1895, ông được cử đi theo Nguyễn Thân (Khâm Mạng Tiết Chế Quân Vụ) đem quân ra Bắc đánh dẹp các phong trào yêu nước chống Pháp như Phan Đình Phùng và các cuộc loạn lạc ở ngoài Bắc (dư đảng Cờ Đen, Cờ Vàng, Cờ Trắng),v.v... Sau đó, Nguyễn Thân được đưa lên làm Thượng Thư Bộ Lại, Phụ Chính đại thần (1897). Ông Ngô Đình Khả được về Huế làm Phụ Đạo (dạy cho vua Thành Thái học). Thời gian nầy, ông vận động thành lập trường Quốc Học (lấy tên là Pháp Tự Quốc Học Trường) vào tháng 8, 1896. Vua Thành Thái đã ban hành Đạo Dụ ngày 30-10-1896 thành lập trường Quốc Học. Lúc đầu, Ông Ngô Đình Khả được cử làm Hiệu Trưởng (Chưởng giáo), sau đó, Toàn Quyền Pháp đã cử Ông Edmond Nordemann làm Hiệu Trưởng và Ông Ngô Đình Khả làm Phó Hiệu Trưởng (Chưởng giáo tiếng Pháp các niên khóa từ 1896-1902). Cụ Phó bảng Nguyễn Mại làm Chưởng giáo môn chữ Hán...Năm 1904, ông được cử làm Tổng Quản Cấm Thành, lo bảo vệ an ninh cho khu vực Tử cấm thành. Theo GS Lê Ngọc Bích "Ông Ngô Đình Khả được thăng đến Thượng Thư bộ Công". Năm 1907, Pháp lấy lý do vua Thành Thái bị điên nên đã ra lệnh cho Ông Trương Như Cương (Thượng Thư Bộ Lại) vận động các vị Thượng Thư khác ký tên xin vua Thanh Thái thoái vị. Ông Ngô Đình Khả không chịu ký và trả lời đại ý " Ngườøi điên thì không thể làm vua. Điều đó hợp lý. Nhưng người điên thì có tội gì mà phải bị lưu đày "" (Xem Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu" của Nguyễn Lý-Tưởng, trang 431- 432). Vì thế, từ Thượng Thư (hàng chánh nhị phẩm), Ông Ngô Đình Khả bị giáng xuống Án Sát (hàng tứ phẩm) và sau đó cho về hưu không được lãnh tiền hưu dưỡng, chẳng khác nào người bị "an trí tại gia" (một hình thức tù). Trong dân gian còn lưu truyền câu:" Đày vua không Khả, đào mả không Bài "(11) Sau khi mất chức, ông về sống tại Phủ Cam, lo dạy các con về Pháp văn, Latin, Hán văn và giúp gia đình sống tự túc. Ông qua đời tại tư gia (Phủ Cam) ngày 18 tháng 2 năm 1923 (tức ngày mồng Ba tháng Giêng năm Quý Hợi), thọ 66 tuổi.

3.-Các Con Của Ông Bà Ngô Đình Khả - Phạm Thị Thân:
-Ông Ngô Đình Khôi (1895-1945) : Tốt nghiệp trường Quốc Tử Giám ở Huế, năm 1910, bắt đầu làm việc ở Bộ Binh dưới quyền Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài và cưới con gái Ông Nguyễn Hữu Bài là Nguyễn Thị Giang làm vợ. Ông tiến dần đến Tổng Đốc Nam-Ngãi (1930) và Tổng Kinh Lược các tỉnh miền Nam Trung Kỳ (1933). Năm 1943 vì hoạt động ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để nên bị Pháp bắt buộc phải từ chức. Năm 1945, sau khi Nhật dầu hàng, Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, Ông Ngô Đình Khôi khuyên vua Bảo Đại đừng trao chính quyền cho Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo và nên yêu cầu quân Nhật giúp duy trì an ninh trật tự, đánh dẹp phong trào Việt Minh... Vì lý do đó, ngày 28-08-1945, ông bị Việt Minh bắt đem đi thủ tiêu cùng với con trai của ông là Ngô Đình Huân.
-Đức TGM Ngô Đình Thục (1897-1985) : Năm 1909, nhập Tiểu Chủng viện An Ninh, Cửa Tùng (Quảng Trị).-Năm 1917, vào Đại Chủng viện Phú Xuân, Huế. Từ 1919-1927 du học Roma: Tiến sĩ Triết học (1922), Tiến sĩ Thần học (1926), Tiến sĩ Giáo luật (1927). Qua Pháp học Đại Học Công Giáo Paris: Cử nhân Triết học (1929). Về nước làm Giáo sư tại Dòng Thánh Tâm, Đại Chủng Viện Phú Xuân và trường Thiên Hựu (Huế). Giám Mục Vĩnh Long (08 tháng 01-1938), Tổng Giám Mục Huế (1960). Năm 1963, đi họp Công Đồng Vaticano II và ở lại Roma không trở về nước vì lý do xảy ra biến cố 01 tháng 11-1963, phe quân nhân lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn. Năm 1984, qua Hoa Kỳ, ở hưu dưỡng tại Dòng Đồng Công (Missouri), qua đời ngày ngày 13 tháng 12 năm 1985, hưởng thọ 87 tuổi, an táng tại nghĩa trang của Dòng Đồng Công.
-Ông Ngô Đình Diệm (1901-1963): Năm 1918 thi vào trường Hậu Bổ, sau 03 năm tốt nghiệp, lần lượt giữ các chức vụ từ Tri huyện Hương Thủy (1922 ), Tri huyện Quảng Điền (1923), Tri phủ Hải lăng (1925), Quản đạo Ninh Thuận (1927), Tuần vũ Bình Thuận (1930), Thượng Thư Bộ Lại (1933) được hơn 02 tháng thì từ chức...Năm 1945 bị Việt Minh bắt sau nhờ Đức Giám Mục Lê Hữu Từ can thiệp, được trả tự do. Năm 1950 qua Roma rồi qua Hoa Kỳ. Ngày 07-07-1954 về nước chấp chánh giữ chức Thủ Tướng toàn quyền do Quốc Trưởng Bảo Đại chỉ định. Sau cuộc "trưng cầu dân ý" tháng 10-1955, dược dân bầu lên làm Quốc Trưởng rồi Tổng Thống tại Miền Nam VN đối lập với chế độ Cộng Sản tại Hà Nội do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ông có công ổn định tình hình, thống nhất quân đội, phát triển kinh tế, mở mang giáo dục, xây dựng dân chủ,v.v...Rất tiếc, ngày 01 tháng 11 năm 1963 ông bị phe quân nhân (theo lệnh Mỹ) làm đảo chính lật đổ và bị thảm sát ngày 02 tháng 11 năm 1963.
-Ông Ngô Đình Nhu (1910- 1963), lúc nhỏ đi tu tại Tiểu Chủng viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị đựơc mấy năm thì hồi tục, du học Pháp, tốt nghiệp Ecole Nationale des Chartres (trường khảo cổ danh tiếng của Pháp) vào năm 1938 với tiểu luận "Moeurs et coutumes des Tonkinois aux XVIIè et XVIIIè siècles d'après les voyageurs et missionaires" (Phong tục tập quán của ngừơi Bắc kỳ vào thế kỷ thứ 17 và 18 theo du khách và các nhà truyền giáo). Về nước, làm Quản thủ Văn khố Toà Khâm Sứ Huế (1943), sau ra Hà Nội làm tại Thư Viện Trường Viễn Đông Bác Cổ và Tổng Văn Khố Quốc Gia (1945, thời Thủ Tướng Trần Trọng Kim). Khi chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ (cuối 1946), ông chạy về ẩn náu ở Phát Diệm. Sau đó, ông tìm đường trốn vào Sài Gòn rồi lên Đà Lạt (1947-1951). Sau khi Ông Ngô Đình Diệm qua Mỹ (1950), ông Ngô Đình Nhu về Sài Gòn liên lạc với các tôn giáo, đảng phái, xuất bản nguyệt san Xã Hội, phổ biến tư tưởng chính trị của ông. Tháng 09-1953, ông tham gia Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hoà Bình với tư cách đại diện Công Giáo (Phong Trào họp tại Sài Gòn ngày 6-09-1953 gồm Công Giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên, Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng và một số nhân sĩ, trí thức Trung, Nam, Bắc...tất cả 65 đại biểu) (xem "Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu" của Nguyễn Lý-Tưởng tr.445 về Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hoà Bình). Năm 1954, trước tình hình nghiêm trọng, sau khi căn cứ Điện Biên Phủ của Pháp bị thất thủ ( 08-05-1954), Quốc Trưởng Bảo Đại đã cử Ông Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng (toàn quyền): ngày 07-07-1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trình diện Tân Chính phủ tại Sài Gòn, Ông Ngô Đình Nhu là Cố Vấn Chính Trị cho Ông Diệm. Ông Nhu là một lý thuyết gia (chủ nghĩa Nhân Vị) và là một nhà chiến lược chính trị sâu sắc, đã giúp Ông Diệm ổn định tình hình, đối phó với các tổ chức chính trị đối lập tại miền Nam, nhất là Cộng Sản...Trong cuộc đảo chánh ngày 01-11-1963 do phe quân nhân chủ động (theo lệnh của Mỹ) ông Nhu đã bị thảm sát cùng một lần với Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 02-11-1963...
-Ông Ngô Đình Cẩn (1912- 1964): lúc nhỏ học ở nhà với thân phụ, mới hơn 10 tuổi thì mồ côi cha, tự học và lo phụng dưỡng mẹ già, không đỗ đạt hoặc giữ chức vụ gì quan trọng trong xã hội như anh em của ông. Thời gian Ông Ngô Đình Diệm qua Mỹ (1950 -1954), một số nhân sĩ ở Huế thường tiếp xúc với Ông Ngô Đình Cẩn để biết tin tức thời sự và tình hình chính trị cũng như sinh hoạt của Ông Ngô Đình Diệm ở nước ngoài. Sau khi Ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh thì Ông Ngô Đình Cẩn giữ vai trò "Cố Vấn Chỉ Đạo" tại miền Trung và là người có ảnh hưởng rất lớn đối với các cấp hành chánh, quân sự trong chính quyền miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1963 (đặc biệt tại miền Trung). Sau khi Ông Ngô Đình Diệm và Ông Ngô Đình Nhu bị thảm sát (02 tháng 11 năm 1963) , Ông Ngô Đình Cẩn bị Tướng Đỗ Cao Trí bắt giải vôâ Sài Gòn và bị xử tử. Nhiều sách báo cứ gọi Ông Cẩn là "Cậu Út Trầu" điều đó không đúng.
-Ông Ngô Đình Luyện (1914- 1990) là con út trong gia đình họ Ngô, du học Pháp, đậu kỹ sư. Sau khi Ông Ngô Đình Diệm lên làm Thủ Tướng (07-07-1954), Ông Ngô Đình Luyện được bổ nhiệm Đại Sứ tại Anh quốc. Năm 1985, Ông qua Mỹ thăm Đức TGM Ngô Đình Thục và bà con bạn bè. Ông qua đời tại Anh.
Ba người con gái của Ông Ngô Đình Khả:
-Bà Ngô Thị Giao là con đầu của Ông Bà Ngô Đình Khả, chị của Ông Ngô Đình Khôi, có chồng là Ông Trường Đình Tùng, người Phủ Cam. Bà qua đời vì bệnh lao phổi (1944). Hai người con của Ông Bà Trương Đình Tùng - Ngô Thị Giao được nhiều người biết là Ông Trương Đình Ban (trước 1975 làm thầu khoán, địa chỉ 19 Phùng Khắc Khoan, Sài Gòn, mới qua đời tại Nam California, Hoa Kỳ năm 2005, thọ 86 tuổi) và Nữ Tu Trương Thị Lý (Bề trên Dòng Mến Thánh Giá, Huế ). Tháng 7-1985, Chị Lý bị Công An bắt và bị buộc tội "gián điệp" vì đã mang thư của Đức TGM Nguyễn Kim Điền vào Sài Gòn để nhờ chuyển qua cho Tòa Thánh Vatican...
-Bà Ngô Thị Hiệp ( 1903-2005) có chồng là Ông Nguyễn Văn Ấm, người Phủ Cam. Ông Bà sinh được 09 người con: 04 trai, 05 gái: Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Thị Niềm, Nguyễn Linh Tuyên, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Thị Hàm Tiếu, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Thủy Tiên, Nguyễn Thị Thu Hồng. (Ông Nguyễn Văn Xuân là con trưởng của Ông Bà Nguyễn Văn Ấm - Ngô Thị Hiệp, chết sớm khi mới được 03 tuổi. Vì thế nhiều người lầm tưởng Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là con trưởng và nhiều sách báo cho biết Ông Bà Nguyễn Văn Ấm sinh được 03 trai và 05 gái. Vì đa số không biết đến người anh cả của Đức Hồng Y là Ông Nguyễn Văn Xuân chết sớm).
- Bà Ngô Thị Hoàng lấy chồng là Ông Nguyễn Văn Lễ (tức Cả Lễ) con Ông Bà Nguyễn Văn Nghi (Hội Nghi) ở Phủ Cam. Chồng chết sớm, chỉ có một người con gái (cô Kim Anh là vợ của Ông Trần Trung Dung, Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, năm 1967 đắc cử Nghị Sĩ Thượng Nghị Viện VNCH. Sau 1975, bị tù dưới chế độ CSVN tất cả gần 13 năm, qua đời tại Hoa Kỳ)
Chúng tôi công bố các chi tiết trên đây với ước mong các văn nhân, học giả khi nghiên cứu viết sách, viết báo có liên quan đến lý lịch của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận...nên điều chỉnh lại cho chính xác hoặc khi tái bản sách nên bổ túc, đính chính cho đầy đủ trong tinh thần tôn trọng sự thực lịch sử. Xin thành thật cám ơn.
s
NLT

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.