Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 43)

21/02/200700:00:00(Xem: 5431)

- Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Với sự hiện diện của mấy người cán bộ của nhà nước địa phương, không khí trong nhà bỗng dưng khác hẳn. Chiếc đèn hoa kỳ tù mù được thay thế bằng chiếc đèn lớn hơn, tỏa ánh sáng nhiều hơn và rộng hơn. Chiếc đèn này bình thường được ngự trị trên tủ cao. Chỉ khi nào nhà có "khách quý" thuộc loại chức sắc của nhà nước, nó mới được hạ phong để ngắm nghía dung nhan những vị khách lạ. Chiếc ấm trà cũng được đem ra xúc rửa sạch sẽ. Một phong trà mới tinh được mở ra trước mặt những vị "khách quý". Bao thuốc lá Tam đảo cũng được ông anh tôi trịnh trọng đặt lên bàn. Tiếng chào hỏi của mọi người nghe rôm rả, vui vẻ và thân mật, nhưng không giấu nổi sự căng thẳng, nhất là khi có mặt của hai người du kích trang bị súng ống.
Quanh chiếc bàn chỉ có 4 chiếc ghế. Anh tôi và tôi ngồi hai chiếc. Còn hai chiếc dành cho chủ tịch xã và bí thư đảng uỷ xã. Mấy chiếc ghế đẩu được mang ra cho xã đội trưởng và hai người du kích. Ngay lúc đó, bí thư đảng uỷ xã ghé tai xã đội trưởng thì thầm, xã đội trưởng gật đầu, rồi quay sang bảo hai người du kích ra ngoài hiên đứng.
Vì chuyện xảy ra đã lâu ngày, nên tôi không nhớ tên một ai trong số những vị "khách quý" đến nhà hôm đó. Nhưng tất cả những người cán bộ cộng sản từ cấp xã ấp cho đến trung ương, bao giờ cũng nói chuyện với luận điệu tuyên truyền, áp đảo.
Sau những câu chào hỏi xã giao, bí thư đảng uỷ xã, ngồi ở ghế đối diện với anh tôi, cất tiếng hỏi:
- Hôm nay chúng tôi trong ủy ban xã và đảng uỷ xã đến đây trước hết là thăm hỏi gia đình và "đồng chí" Chí vì được tin báo là "đồng chí" vừa mới ghé thăm nhà. Sau là chúng tôi cũng muốn biết "đồng chí" Chí về thăm nhà lần này có giấy phép của đơn vị hay không"
Anh tôi lễ pháp đáp:
- Thay mặt cho gia đình, tôi xin có lời cảm ơn các "đồng chí" đã ghé thăm. Đêm hôm như thế này, mà các "đồng chí" không quản ngại thời gian, đường xá xa xôi, ghé thăm gia đình chúng tôi, khiến chúng tôi rất cảm động. Còn về chú Chí thì cũng xin được "báo cáo" với các "đồng chí" là chú trên đường đi công tác, có ghé thăm nhà trước khi chú trở lại đơn vị để lên đường đi B chiến đấu. Chú có giấy đi công tác đầy đủ. - Quay sang tôi, anh nói tiếp - Chú trình giấy tờ công tác cho các "đồng chí" kiểm tra...
Tôi rút tờ giấy công tác để xuống mặt bàn rồi đẩy về phía bí thư đảng uỷ xã. Bí thư đảng uỷ xã cầm tờ giấy đưa cho chủ tịch xã đọc, rồi nhìn tôi, y hắng giọng:
- "Đồng chí" Chí đi công tác, nhân tiện ghé thăm nhà, trước khi lên đường đi B chiến đấu là điều đảng uỷ và uỷ ban rất hoan nghênh tinh thần chiến đấu của "đồng chí". Chúng tôi ở hậu phương sẽ hết sức yểm trợ tiền tuyến. Chúng tôi sẽ cố gắng làm đầy đủ bổn phận theo đúng chính sách đãi ngộ của đảng và nhà nước đối với những người đi B cũng như những gia đình có con em đi B. Nhưng trước khi nói đến chính sách đãi ngộ, chúng tôi cũng nói thẳng để "đồng chí" biết, hai tuần trước, ủy ban có nhận được bức điện tín từ đơn vị của "đồng chí", báo tin là "đồng chí" đã đào ngũ. Ngay sau khi nhận được, "đồng chí" chủ tịch đã đến gặp tôi, và cả hai chúng tôi đã đến nhà "đồng chí" tìm hiểu tình hình thì được biết là "đồng chí" không hề về nhà. Bây giờ nghe "đồng chí" cho biết là "đồng chí" đi công tác, có giấy phép đàng hoàng thì chúng tôi lại càng hoan nghênh, nếu đó là sự thực. Nhưng cho đến bây giờ thì chúng tôi không biết thực hư thế nào, yêu cầu "đồng chí" giải thích"
Trước khi quyết định trở lại quê nhà, tôi đã lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra, và đã nghĩ đến cách thức để đối phó. Tôi biết, toàn bộ mạng lưới cầm quyền địa phương, từ quận xuống đến xã ấp, của nông thôn Miền Bắc luôn luôn nhường nhịn những người bộ đội đi B. Những câu chuyện, bộ đội đi B ngang ngược phá phách, hành hung công an, cán bộ địa phương, tại các tiệm ăn, bến xe, cửa hàng bách hóa... khá phổ biến ở Miền Bắc vào thời bấy giờ. Thậm chí có cả những thanh niên, bị cán bộ xã ấp o ép, hành hạ trong suốt nhiều năm, đã chọn giải pháp "tình nguyện" đi bộ đội, để có dịp "đội nón cối, đi dép râu" trở lại quê nhà trả thù... Vì vậy, đối với nhà cầm quyền CS ở làng xóm thôn quê Miền Bắc, khi có một người bộ đội về thăm quê, chuẩn bị lên đường đi B, bao giờ họ cũng phải tìm cách chiều chuộng, cho mọi sự êm đẹp, trước khi "chúng đi cho khuất mắt".
Hiểu rõ tâm lý của mấy người cán bộ xã, và biết được thế thượng phong của mình, tôi trả lời ngắn gọn:
- Tôi không biết "đồng chí" yêu cầu giải thích điều gì"
Viên xã đội trưởng sẵng giọng, nói chõ vô:
- "Đồng chí" đảo ngũ, có giấy tờ của đơn vị gửi về rõ rành rành. Bây giờ "đồng chí" lại bảo đi công tác là thế nào"
Tôi nhìn thẳng vào mặt viên xã đội trưởng, nói:


- Tôi bảo tôi đi công tác là tôi có giấy tờ chứng minh đàng hoàng. Giấy đi công tác do sư đoàn cấp, có đóng dấu và chữ ký của sư đoàn trưởng. "Đồng chí" bảo tôi đảo ngũ, có phải "đồng chí" bảo giấy đi công tác của tôi là giấy giả"
Quay sang phía chủ tịch xã, tôi nói:
- "Đồng chí" chủ tịch đã xem giấy công tác của tôi, xin cho biết, đó là giấy giả hay thiệt"
Xã đội trưởng định nói gì, nhưng bí thư đảng uỷ xã trừng mắt nhìn, nên y hậm hực im lặng. Dưới gầm bàn, tôi thấy bàn chân của anh tôi dẫm nhẹ, ra hiệu. Tôi hiểu ý, anh muốn tôi ăn nói phải lễ phép. Tôi thực tâm cũng không muốn cứng rắn với họ làm gì. Nhưng tôi hiểu, nếu tôi không cứng rắn, tôi sẽ bị rơi vào thế kẹt, nguy hiểm. Trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, tôi phải lấy công làm thủ.
Chủ tịch xã nhìn tờ giấy công tác, gật gù nói, giọng hiểu biết:
- Với kinh nghiệm và "lập trường" của tôi, tôi không thấy tờ giấy công tác này có dấu hiệu gì là giả. Họ tên, địa chỉ, thời gian công tác đều rõ ràng. Dưới có đầy đủ chữ ký và tên của sư đoàn trưởng. Lại có cả con dấu của sư đoàn nữa. Với trình độ tiên tiến của ta hiện nay, làm được tờ giấy công tác loại này thì tôi dám đảm bảo không có ai làm giả được. Chỉ có điều.... Chỉ có điều...
Khi nói câu "chỉ có điều..." hai lần, viên chủ tịch xã nhìn thẳng vô mắt tôi rồi bỏ lửng không nói. Bí thư đảng uỷ đỡ lời:
- Chỉ có điều... là tờ điện tín báo tin "đồng chí" đảo ngũ cũng không thể là giả.
Tôi hỏi:
- Các "đồng chí" có thể cho tôi xem tờ điện tín đó được không"
Chủ tịch xã quay nhìn bí thư đảng uỷ. Bí thư gật đầu. Chủ tịch xã lôi trong xà cột ra tờ giấy màu vàng gấp tư, đưa cho tôi. Mở tờ giấy ra coi, tôi thấy phía trên ghi tên người gửi vỏn vẹn có mấy chữ dính liền. Phía dưới là người nhận và địa chỉ. Nội dung bức điện tín chỉ có một câu chạy dài. Lâu ngày, tôi không còn nhớ chi tiết, nhưng đại khái báo tin cho ủy ban xã biết, Nguyễn Hữu Chí đã đảo ngũ ngày... tháng... năm... Yêu cầu các đồng chí hữu trách áp dụng những biện pháp cần thiết để đương sự trở lại đơn vị gấp.
Gấp tờ điện tín lại làm tư, trao lại cho chủ tịch xã, tôi nói:
- Thú thực với các "đồng chí" tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao lại có bức điện tín này. Các "đồng chí" có thể cho tôi biết, người đánh bức điện tín là ai" Cấp bậc, chức vụ của người đó là gì được không"
Chủ tịch xã ú ớ nhìn bí thư đảng uỷ. Cả hai đều không thể ngờ, tôi hỏi câu đó. Thông thường, gửi một bức điện tín, người gửi bao giờ cũng tiết kiệm tiền bằng cách đánh thật ngắn gọn, nên ít khi ghi đầy đủ tên họ, địa chỉ của mình. Hơn nữa, vì là điện tín, nên trong một bức điện, không có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ, tên họ, chức vụ của người đánh là thật. Nắm được những điểm quan trọng này, tôi mềm mỏng nói:
- Thưa các "đồng chí", tôi đi công tác có giấy tờ đàng hoàng do sư đoàn cấp. Nếu các "đồng chí" cần, tôi có thể cung cấp đầy đủ tên họ, cấp bậc, chức vụ, địa chỉ và số điện thoại của người chịu trách nhiệm, để các đồng chí ra bưu điện gọi điện thoại về đơn vị của tôi phối kiểm cho rõ ràng. Còn tờ điện tín này, tôi không biết ai gửi và vì sao gửi, nhưng tôi dám cam đoan, đó là tờ điện tín giả mạo, mà bất cứ ai ra bưu điện cũng làm được....
Bí thư đảng uỷ ngắt lời:
- Nhưng không phải bất cứ ai cũng biết rõ họ tên, địa chỉ của "đồng chí", mà họ gửi"
Tôi đồng ý:
- "Đồng chí" nhận xét rất đúng. "Bất cứ ai" ở đây phải là người biết rõ tôi. Người đó có thể ở trong cùng đơn vị của tôi, hoặc ở một đơn khác, nhưng biết rõ tôi...
Bí thư đảng uỷ nhăn mặt:
- Tại sao họ biết rõ "đồng chí" mà họ lại đánh điện tín nói "đồng chí" đào ngũ"
Tôi tỏ vẻ thận trọng:
- Cho đến bây giờ tôi cũng không biết tại sao họ lại làm như vậy. Nhưng tôi đoán, có thể người đó không ưa tôi, hoặc vì chuyện gì đó, họ có thù oán với tôi. Chuyện này như thế nào, sau khi trở lại đơn vị, tôi sẽ tìm hiểu thật kỹ lưỡng, rồi sẽ "báo cáo" đầy đủ với các "đồng chí". Nếu cần, tôi sẽ yêu cầu đơn vị viết thư cho các "đồng chí" tường trình đầu đuôi mọi chuyện.
Nghe tôi nói đến đó, bí thư đảng uỷ và chủ tịch xã đều gật gù ra vẻ thoả mãn. Riêng xã đội trưởng vẫn ngồi im, thái độ không thân thiện, nhưng vì vị thế thấp kém, nên y không tiện phát tác. Tôi giáng tiếp một đòn tâm lý:
- Thưa các "đồng chí", tôi đi công tác có giấy tờ đầy đủ, và các "đồng chí" đã xem xét giấy tờ đó kỹ lưỡng. Tôi biết, khi đi công tác đáng lẽ tôi không được phép ghé thăm nhà. Vì vậy, nếu các "đồng chí" không thể thông cảm cho phép tôi ở lại với gia đình trong vài ngày, thì ngay sáng mai, tôi sẽ lên đường trở lại đơn vị.
Bí thư đảng uỷ cười lớn, tay xua lấy xua để:
- Thông cảm, thông cảm, hoàn toàn thông cảm. "Đồng chí" cứ thoải mái ở lại đây cho đến khi nào hết phép thì trở lại đơn vị. "Đồng chí" cũng thông cảm cho chúng tôi vì phải thi hành nhiệm vụ nên đã làm phiền "đồng chí" và gia đình. Bây giờ mọi chuyện đã rõ ràng, chúng tôi rất an tâm, không còn phải lo ngại gì nữa. Còn về chính sách đãi ngộ bộ đội đi B khi về thăm nhà thì "đồng chí" chủ tịch xã sẽ làm việc với "đồng chí" thật đầy đủ và xứng đáng...
Chủ tịch xã vui vẻ tiếp lời:
- Theo chính sách của đảng và nhà nước, mỗi người bộ đội đi B về thăm nhà đều được xã cấp cho một cây thuốc lá, nửa ký lô đường, và tem phiếu để mua 2 kí lô gạo nếp, 2 kí lô gạo tẻ, 1 kí lô thịt lợn. "Đồng chí" cứ yên tâm, sáng mai đến văn phòng ủy ban xã, chúng tôi sẽ cho người trao cho "đồng chí" đầy đủ. Trong thời gian ở lại đây, nếu "đồng chí" cần chúng tôi giúp đỡ thêm gì, cứ mạnh dạn "đề xuất" với chúng tôi.
Nói xong, chủ tịch xã, bí thư xã, xã đội, đứng dậy vui vẻ bắt tay hai anh em chúng tôi, rồi cùng với hai người du kích bước ra khỏi nhà. Khi mấy cái bóng đen khuất sau hàng rào dâm bụt, rồi chìm hẳn trong bóng tối, anh tôi đưa tay quệt mồ hôi trán, rồi thở dài mệt nhọc, không nói một câu. Tôi lặng lẽ bước ra ngoài sân, hít một hơi thở thật sâu, nhìn lên bầu trời đầy sao, và bâng khuâng nhận ra cái thân phận mỏng manh, con sâu con kiến, của một kiếp người trong guồng máy khổng lồ, dán nhãn hiệu cộng sản... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.