Hôm nay,  

New Orleans – Ngày Trở Lại

03/09/200500:00:00(Xem: 5112)
New Orleans bị bỏ trống – cho đến bao giờ"

Sau bài viết hôm qua Thứ Năm mùng một (Vì sao New Orleans bị trấn nước"), nhiều độc giả đã nêu câu hỏi: “Đã như vậy, vì sao Hoa Kỳ lại lập ra thành phố này"”
Câu trả lời rất dài sau đây là lời chia buồn với cư dân, nhưng cũng là lời cầu chúc cho New Orleans.


New Orleans là nước Mỹ thâm sâu

Khi chọn một nơi để định cư, lập nghiệp rồi biến nơi đó thành một làng xã rồi thị trấn, những cư dân đầu tiên có thể mặc nhiên chọn lựa vì lý do kinh tế và an toàn nhờ địa dư hình thể. Sau đấy, khi chính quyền theo bước chân của dân địa phương mà xây dựng ra một thành phố, có khi chọn lựa làm kinh đô hay thủ đô, người ta quyết định theo những tiêu chuẩn kinh tế, an ninh và nhất là an toàn chính trị cho giới lãnh đạo. Chẳng hạn, từ Hoa Lư lên Đại La, thành Thăng Long rồi Hà Nội, từ Phú Xuân thành ra Huế, hay Gia Đình thành ra Sàigòn, v.v… dân ta có nhìn ra quy luật ấy: kinh tế đi trước, chính trị đi sau.
Tổng hợp lại, ta gọi đó là những yếu tố lịch sử.
Trường hợp của Hoa Kỳ hơi khác.
Vào thời lập quốc, thủ đô chính trị Hoa Kỳ có thể là Philadelphia, nhưng sự sung mãn kinh tế của xứ này tùy thuộc vào những vùng đất canh tác chạy dài về hướng Tây, cho đến rặng Rockies. Di dân đầu tiên vào Mỹ đã khai thác vùng đất bát ngát ấy và lợi tức của họ đã giúp cho việc phát triển rồi kỹ nghệ hóa Hoa Kỳ. Nhưng, giá trị kinh tế của các khu vực này tùy thuộc trước tiên vào địa dư hình thể và khí hậu.
Suốt một vùng Trung-Tây (Midwest) của Mỹ – nước Mỹ thâm sâu và thầm lặng ngày nay – đã góp phần lập ra Hiệp chủng quốc và vùng này lệ thuộc vào một con sông lớn nhất, tiếp nhận mọi con sông khác. Đó là sông Mississippi. Con sông huyết mạch ấy chảy qua 10 tiểu bang, tiếp nhận và phân phối tài nguyên từ các giang cảng để dồn vào một cửa khẩu quan trọng nhất, đó là New Orleans.
Trước khi thế giới biết đến New York như một trung tâm thương mại và tài chánh lớn nhất Hoa Kỳ thì New Orleans thực sự đã là thủ đô kinh tế thương mại của Hoa Kỳ. Không có New Orleans thì không có chuyện Hoa Kỳ mua lại xứ Louisiana và trở thành nước Mỹ ngày nay. Khi quân al-Qaeda tấn công New York, họ tấn công vào một trung tâm đầy biểu tượng của nền tư bản Mỹ, nhưng nếu có khả năng, họ mà tấn công vào New Orleans và làm gián đoạn giao thông trên dòng Mississippi, thì thiệt hại kinh tế còn lớn hơn cho cả nước Mỹ và thế giới: ít nhất là một phần ba nền kinh tế Hoa Kỳ lệ thuộc vào đấy, mà kinh tế Mỹ chi phối đến 60% đà tăng trưởng của kinh tế thế giới.


Ảnh hưởng thiệt hại

Không phải quân khủng bố mà trận bão Katrina đã ra tay.
Nhìn trên toàn cảnh, và từ giác độ kinh tế chính trị, New Orleans bị thiệt hại không khác gì như vừa lãnh một trái bom nguyên tử: bị tàn phá về vật chất, rồi tổ chức sản xuất và xã hội bị tê liệt trong một thời gian khá lâu.
Khi tin tức ban đầu được loan ra, người ta ước đoán mức độ thiệt hại theo những tính toán của các tổ hợp đầu tư, căn cứ trên số lượng tài sản được bảo hiểm. Vì vậy, từ chín tỷ, số thiệt hại được dự đoán là sẽ lên tới 16, rồi 25 rồi 35 tỷ, và người ta so sánh với trận bão Andrew tại Florida năm 1992 (21 tỷ) hay vụ khủng bố 9-11 năm 2001 (khoảng 100 tỷ).
Lối tính đó quá sơ sài đơn giản: tính trung bình, nếu một cư dân tại New Orleans và vùng phụ cận (tổng cộng khoảng một triệu rưởi người) bị mất hết tài sản ước lượng khoảng 70 ngàn Mỹ kim, thì 100 tỷ đã tan trong bọt nước; con số được bảo hiểm bồi thường chỉ là một phần mà thôi. Sau đấy, họ cần chừng 10 ngàn một người để tạm sống qua một tháng, trong khi chờ đợi được tái định cư và trở lại sản xuất, nếu kịp trong vòng một tháng. Dù số tiền ấy có do ngân sách liên bang, tiểu bang hay thiện nguyện chu cấp thì cũng là một thiệt hại – vì đáng lẽ có thể được dùng vào việc khác.
Suốt thời gian vong gia thất thổ ấy, cư dân New Orleans không thể tham gia vào sản xuất, hoặc không làm những công việc theo đúng khả năng bình thường (nhân viên bàn giấy nay phụ làm thợ mộc hay phân phát thực phẩm) và đấy cũng là thiệt hại kinh tế do Katrina gây ra.
Vì vậy, mức thiệt hại của Katrina sẽ lớn hơn rất nhiều. Chưa kể vai trò của New Orleans.
Kỹ nghệ hóa dầu (hóa chất và dầu khí) bị ảnh hưởng nặng, việc vận tải trên sông Mississippi ra tới vịnh Mexico bị gián đoạn, riêng thành phố này coi như không còn hiện hữu về kinh tế, chưa biết đến bao giờ. Càng chậm ổn định để tái thiết thì nước lụt càng hủy hoại hạ tầng – đường xá, cống rãnh, bê-tông, điện, nước – và càng khiến New Orleans mất vai trò trọng yếu của mình.
Trong vùng phụ cận của New Orleans, Hoa Kỳ có hải cảng lớn nhất nước và đứng hàng thứ năm thế giới kể về sức trọng tải, đó là cửa khẩu South Louisiana (POSL), nguồn xuất cảng hơn 50 triệu tấn hàng một năm, phân nửa là nông sản và lương thực thu mua suốt dọc Trung-Tây như bắp, bột mì, đậu nành, thịt. Nơi đây cũng là trạm tiếp nhận các tầu hàng và tầu dầu khổng lồ, một năm gần 60 triệu tấn, chở dầu thô, sắt thép, hóa chất, xi măng, phân bón, than đá, v.v… Nói cho gọn, New Orleans là cửa ra của nông phẩm Mỹ bán cho thế giới và cửa vào cho nguyên nhiên vật liệu cần thiết cho kỹ nghệ Hoa Kỳ.
Bây giờ, khi thành phố kiêm giang hải cảng ấy bị xoá sổ và tê liệt, kinh tế toàn cầu tất nhiên là bị hậu quả tai hại. Thương phẩm phục vụ cho kỹ nghệ thực phẩm của thế giới sẽ lên giá và nếu việc cung cấp bị gián đoạn quá lâu, kỹ nghệ thực phẩm của các nước sẽ được bố trí lại, theo phương thức và nguồn cung cấp khác. Bên trong, kỹ nghệ xe hơi hoặc chế biến đồ gia dụng cũng bị trở ngại vì thiếu sắt thép, và các cơ sở sản xuất trên tận Detroit sẽ phải tính lại…
Dù tính theo cách nào đi nữa, người ta cũng đụng vào một thực tế là các loại thương phẩm (thuật ngữ kinh tế gọi là “commodities”) là loại hàng cồng kềnh, vận chuyển theo lối “để xá” (bulk, en vrac): tiện lợi và rẻ nhất vẫn bằng đường thủy, qua phà chạy trên sông và tầu hàng chạy ngoài biển. Đường hỏa xa hay lộ vận không thể rẻ bằng, mà không phải nơi nào cũng có.


Cơn mê sảng xăng dầu

Trong mấy ngày qua, truyền thông và dư luận chỉ chú ý đến chuyện xăng dầu và nạn làm giá khi việc cung cấp và phân phối bị gián đoạn bởi Katrina. Vấn đề này có trầm trọng, nhưng không nguy ngập và không thể kéo dài, các công ty dầu hỏa mà trục lợi bằng cách lên giá vô tội vạ quả là đã phạm tội bất lương. Sau đây là những lý do…
Các nhà bình luận, nhất là quanh các tập đoàn dầu khí hoặc theo xu hướng tự do tuyệt đối (libertarian) đều nhấn mạnh đến những sự kiện sau đây vè cung cầu:
- Sản lượng dầu hỏa từ vùng vịnh Mexico bị mất đến 90% vì các cơ sở sản xuất bị tê liệt, nghĩa là thị trường bỗng thiếu mất bảy triệu thùng.
- Hơn một chục nhà máy lọc dầu tê liệt vì bị trấn nước hay mất điện, chỉ còn ba nhà máy là tạm hoạt động lại để cung cấp xăng dầu cho nhu cầu của thị trường.


- Thiên tai lại xảy ra ngay sau một mùa hè đặc biệt nóng, khi kho dự trữ dầu đang sụt vào mức thấp.
- Ngoài khơi, có gần 60 dàn khoan bị hủy hoại hay hư hại.
- Hải cảng Louisiana Offshore Oil Port (gọi tắt là LOOP – Lúp) – cửa khẩu nhập dầu lớn nhất Hoa Kỳ đã ngưng cung cấp dầu cho các nhà máy chế biến xăng dầu trong sáu ngày liên tiếp và chưa biết là bị tê liệt đến mức nào.
- Tai họa lại xảy ra khi giá dầu thô lên tới 65 đồng một thùng, xăng lên tới gần hai đồng một ga lông, vì vậy, nếu giá xăng có vọt lên “mức kỷ lục” thì cũng chỉ vì quy luật cung cầu, tức là phải đạo kinh tế.
Thực ra, ngần ấy lý do dù chính đáng không thể đưa tới kết luận là Hoa Kỳ thiếu xăng dầu, một kết luận sai lầm nhưng được thổi phồng để biện minh cho việc bốc giá xăng lên trời.
Trên toàn quốc thì lượng tồn kho về xăng dầu của các cơ sở thương mại hiện đang ở trên 190 triệu thùng, thừa sức bù cho số xăng dầu không thể chế biến tại vùng Vịnh trong nhiều tuần, nếu không nói là nhiều tháng. Việc cung cấp chỉ có thể bị gián đoạn nếu các vùng bị thiệt hại lại là vùng cung cấp chứ không phải tiêu thụ xăng dầu. Trong trường hợp ấy, người ta phải tìm ra đường vận chuyển khác. Vì vậy, vấn đề nguy ngập trong ngắn hạn không nằm ở chỗ các nhà máy lọc dầu thành xăng nằm tại ba tiểu bang bị nạn Alabama, Louisiana và Mississippi, mà nằm ở các ống dẫn dầu thô vào các nhà máy chế biến nằm sâu hơn trong đất liền, ở nơi khác (vùng Midwest, Mid-Atlantic hay các tiểu bang miền Trung-Đông Hoa Kỳ).
Thực tế thì một số ống dẫn dầu có thể bị hư hại trong vùng Vịnh vì trận bão, nhưng đây không là tình trạng chung của mọi ống dẫn dầu. Tại vùng Vịnh, điện khí bắt đầu được phục hoạt và tương đối nhanh, để không cản trở việc bơm dầu qua nơi khác. Vì vậy dù việc cung cấp có trở ngại trong ngắn hạn khiến xăng tăng giá tại một số nơi, việc tăng giá xăng đồng loạt ở các nơi khác là điều không chính đáng về cung cầu. Và không phải đạo.
Khi chính quyền Bush ra lệnh cấm không cho các hãng dầu tăng giá bất chính thì đấy là một quyết định chính đáng, chứ không phải là tùy tiện can thiệp vào thị trường, và làm đảo lộn quy luật cung cầu để lấy lòng dân.

Trở lại New Orleans

Vì vị trí trong yếu của của Louisiana và Mississippi đối với khu vực năng lượng (dầu thô, khi đốt và xăng), khi nói về tổn thất, truyền thông nói nhiều nhất đến chuyện xăng dầu – sau các thống kê dằng dặc của các hãng bảo hiểm. Nhưng, xăng dầu không là thiệt hại duy nhất.
Trước tiên, về chuyện năng lượng ấy, hải cảng LOOP có bị gián đoạn hoạt động trong mấy ngày nhưng không bị hư hại, cửa khẩu kia là Port Fourchon có bị hư hại nhưng không nhiều và có thể hoạt động lại trong những ngày tới. Đây là một tin mừng đáng kể. Ưu lo nếu còn là về tình trạng chung của các dàn khoan ngoài khơi mà thôi.
Điều đáng mừng thứ hai và quan trọng hơn cả, là dòng Mississippi không bị ảnh hưởng nặng, các con đê ven sông vẫn nguyên vẹn: sông không đổi lòng. Đã vậy, lòng sông không bị đọng bùn và cần khai thông bằng tầu vét bùn, bằng xáng. Việc vận chuyển bằng phà hay giang thuyền không bị cản trở nặng như người ta đã lo ngại trong mấy ngày đầu.
Nhưng, và chúng ta trở lại New Orleans, cửa khẩu then chốt của con sông này và của vùng Vịnh nay không còn. New Orleans đang rơi vào hỗn loạn và việc cấp cứu lẫn trị an đang trình bày những hình ảnh thương tâm.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn trên bình diện kinh tế và địa dư chính trị thì số phận của những người bị kẹt lại bên trong không đáng chú ý bằng những người đã thoát ra ngoài. Mà tương lai New Orleans lại tùy thuộc vào đấy. Chúng ta nghe và nhìn thấy biết bao đổ vỡ tại New Orleans, nhưng thành phần đã mau chóng di tản thực ra là những người đã tạo nên sức mạnh kinh tế và tổ chức sản xuất cho New Orleans. Bây giờ họ đang ở đâu" Bao giờ họ sẽ trở về, và còn muốn trở về không"
Quả thật vậy, nguồn tài nguyên lớn nhất, sự giàu có đáng kể nhất của New Orleans không phải là cầu tầu, dàn khoan mà là nhân lực về tổ chức, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật của thành phố. Nguồn tài nguyên ấy đã rời xa. Mà họ cần mái ấm, trường học, nhà thương, chợ búa cho bản thân và gia đình. Họ phải giải quyết nhu cầu này ở nơi tạm cư, ở nơi khác. Trong khi chờ đợi…
Trong khi chờ đợi, New Orleans là thành phố hấp hối, nơi thiện ác đang thi đua để cứu người. Việc cứu trợ rồi tái thiết sẽ đòi hỏi không phải vài tuần, vài tháng mà nhiều năm.
Và những người đã ra đi sẽ không thể thấp thỏm chờ đợi ngày trở về đó. Người Mỹ không tính toán như chúng ta. Nếu lấy được tiền bảo hiểm hay trợ cấp, họ phải làm lại cuộc đời ở nơi tạm cư từ nay có thể trở thành thường trực hơn. Họ sẽ tìm việc làm, trường học và mái ấm ở nơi khác, sẽ đóng góp cho sự thịnh vượng của các vùng khác, từ Texas tới Florida hay còn xa hơn.. Nghĩa là trong khi New Orleans thiếu người phục hoạt các cơ sở kinh tế, hành chánh, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật thì cả triệu cư dân của thành phố đang thành cư dân của địa phương khác. Tình hình kinh tế toàn khu vực miền Nam Hoa Kỳ sẽ đổi thay vì Katrina.
New Orleans đang mất vị trí kinh tế chính trị trọng yếu của xã hội Hoa Kỳ vì mất người.


Tái thiết New Orleans

Hoa Kỳ sẽ làm gì trước một vấn nạn bất ngờ như vậy"
Một hải cảng lớn nhất của quốc gia không thể hoạt động nếu không có người, không có thị trấn hay thành phố vây quanh. Nền kinh tế xứ này tùy thuộc rất nhiều vào việc vận tải trên sông Mississippi và từ cửa khẩu New Orleans ra đến nước ngoài. Mất New Orleans, coi như Hoa Kỳ mất yết hầu quan trọng cho lá phổi trải dọc từ Canada xuống vịnh Mexico. Mất New Orleans, con sông vĩ đại Mississippi mất hẳn một phần công dụng về kinh tế.
Vì những lý do ấy và dù New Orleans là một bồn nước bị dìm dưới nước và thường xuyên bị đe dọa bởi bão lụt, Hoa Kỳ không thể không tái thiết hải cảng và thành phố này. Không một lãnh tụ nào của nước Mỹ, từ cấp liên bang đến tiểu bang, lại dám chống lại quyết định ấy. Dù Dennis Haster, Trưởng khối Cộng hòa và Chủ tịch Hạ viện có nêu câu hỏi về việc có nên dùng công quỹ liên bang để tái thiết New Orleans hay chăng, hôm qua, mùng hai tháng Chín, Tổng thống Bush đã khẳng định quyết tâm là New Orleans sẽ lại vươn lên.
Cho nên, cùng với việc giải quyết bài toán trị an và cứu trợ, người ta phải nghĩ ngay đến việc khôi phục hoạt động của các cảng – mùa gặt hái đang lên tới cao điểm vào tuần tới – và sau đó thiết kế lại nguyên một thành phố ở vào vị trí éo le nhất về địa dư hình thể và kinh tế chính trị. Tất nhiên, những bài học của quá khứ sẽ là kinh nghiệm cần thiết cho việc thiết kế này, để New Orleans có thể tồn tại sau một trận bão cấp năm.
Sau một cơn thiên tai nặng tựa bom nguyên tử, đây mới là một thách đố về tổ chức và kỹ thuật ngang tầm Hoa Kỳ.
Sau đấy, rất lâu, ta mới nghe lại nhạc Jazz, trên cung bậc “New Orleans, ngày ta trở lại”…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.