Tật Hay Cắn Người Của Bé: Bạn Có Cách Nào Để Chữa"
Nhớ hồi các con còn nhỏ, trong đại gia đình tôi, bà ngoại đã gom đám cháu nội cháu ngoại chăm nom săn sóc trong thời gian cha mẹ còn lo đi làm kiếm tiền nuôi gia đình.
Bầy cháu nội ngoại 5 đứa thì 4 cháu con trai, chỉ có một mụn con gái, nên nhỏ đó được bà ngoại chăm chút thương yêu cách riêng.
Các cháu bé đều còn ở tuổi chưa đi học được, cở tuổi phá phách như "quỉ sống", mà ăn thì bà ngọai phải năn nỉ, phải dụ dỗ bằng đủ mọi cách mới chịu ngồi vô bàn ăn uống đàng hòang.
Ở với bà ngoại, bà nội trong thời gian cha mẹ đi làm là một phước báu vô cùng trong xã hội nầy. Vậy mà, chiều hôm nào tới nhà má để rước thằng con trai đầu lòng, tôi cũng xót xa trong dạ, nhưng thiệt tình không dám phiền hà má một tiếng, là vì công ơn má nuôi dưỡng dạy dỗ đám cháu cực quá sức má. Xót xa, là vì hôm nào tắm cho thằng nhỏ, cũng thấy vài dấu răng cắn màu còn ửng đỏ hằn dấu nhỏ xíu, tròn vo để lại trên cánh tay, nhiều khi còn nguyên dấu ngay trên cái má bầu bỉnh hồng hào của thằng "Yo Yo" nhỏ.
Ai cắn vậy kìa"
Thì còn ai khác hơn cô công chúa nhỏ trong đám cháu mà má tôi cưng hơn vàng hơn ngọc.
Nhớ hồi xưa, mình còn nhỏ, nhà có tới 7 nàng công chúa, mà vỏn vẹn chỉ một hòang tử gần út ít, đã được ba má hĩ hả thương nó nhứt nhà, đẩy lùi cả bầy con gái 7 đứa.
Thuở đó đã xa lắc xa lơ. Qua nước Mỹ, đám cháu nội ngoại lần lượt ra đời toàn là con trai, thành ra tình thế lại đổi ngược, con gái quí như vàng là phải. Cái gì hiếm thì quí vậy mà.
Được bà ngoại đặc biệt, cho nên nàng công chúa nhỏ càng ngày càng nổi tánh du côn, muốn chiếm hữu bà ngoại cho riêng mình. Do vậy, đứa nào mom men dám tới gần "bà ngoại con" là hỏng được, nhứt là tên con chai mủm mĩm như con búp bê YoYo Nhựt Bổn mới biết bò đó. Những dấu răng để lại trên cánh tay thằng nhỏ khi công chúa nhỏ nổi cơn ghen, khi thấy bà ngoại ẵm bồng thằng nhỏ, còn nhỏ hơn nó, nựng nịu cho bú mớm, là công chúa nhỏ tỏ lòng ghen tức chiếm hữu bằng cách "cắn" khi bà ngoại vừa ngó chỗ khác.
Nếu bạn sống vào thời mấy chục năm về trước, có thể sẽ được khuyên giải là "nó cắn, thì cứ …cắn lại nó, cho nó đau, nó hiểu không được làm cho người khác đau như vậy". Ngày nay, bạn sẽ không được làm như vậy với những công chúa hoàng tử con, và cũng không được làm như vậy với người lớn nữa.
Theo bác sĩ, hiện tượng "cắn" là một thói quen tự nhiên của một số em bé. Bản năng nầy thường xuất hiện ở những em bé trong khoảng tuổi từ 2 tới 9, 10 tuổi.
Cắn, là một bản năng của con nít, khi muốn làm cho người khác luôn chú ý tới mình, chớ không phải vì muốn làm cho em bé khác đau. Ở cái tuổi mới biết nói chuyện, em bé không biết cách suy nghĩ nầy. Khi em bé cắn em bé khác, là để gây sự chú ý tới mình, hay muốn tỏ là mình có quyền lực được yêu thương hơn đứa khác, hay khi em bé sợ hãi chuyện gì. Đó là bản năng tự nhiên. Nhưng bản năng tự nhiên, nếu không được uốn nắn, dạy dỗ sớm, sẽ trở thành thói quen không tốt. Cắn, là bản năng nặng hơn sự xô đẩy bằng tay, hay dùng chân đá em bé khác.
Ở các vườn trẻ, những em bé hay cắn em khác thường hay bị phạt cách ly với những em khác là một cách dạy dỗ cho em bé hiểu không được làm như vậy nữa. Thầy cô hay cha mẹ cần phải giải thích cho em bé hiểu là răng được dùng để ăn, để nhai thức ăn, miệng dùng để nói chuyện, để ca hát, chớ không phải dùng để cắn người khác. Dạy em bé khi muốn điều gì thì nói ra, xin bằng lời nói, chứ không bằng răng. Và khi em bé xin, cha mẹ nên thỏa mãn bằng lời khen thưởng, nếu hứa thì phải có, để em bé có cảm giác an toàn. Em bé sẽ cần đuợc dạy dỗ nhiều hơn là sự phạt, để bản năng đó không có dịp phát triển, khi lớn lên, thành thói quen xấu và có hại cho riêng em, và cho người chung quanh.
Chúc các bạn một tuần lễ vui vẻ, hạnh phúc.