Hôm nay,  

Năm Mới, Số Mới

04/01/200700:00:00(Xem: 3909)

Năm Mới, Số Mới

Đêm Giao thừa Dương lịch tại "Quảng trường Thời gian" New York người ta đã nhìn thấy con số 2007 sáng chói báo tin vui nhân loại đã bước qua năm mới. Nhưng lòng người dân Mỹ lại ngậm ngùi nghĩ đến con số chẵn 3,000. Đó là con số lính Mỹ chết trận Iraq, tính từ ngày khởi chiến tháng 3 năm 2003 cho đến cuối năm 2006. Điều đáng buồn là con số năm 2007 chỉ nhảy thêm mỗi năm có một lần, con số 3,000 có thể nhẩy thêm bất cứ lúc nào, từng giờ từng phút. Những tin tức mới nhất về cuộc chiến Iraq cho thấy không có gì đáng lạc quan.

Saddam Hussein đã bị xử tử thắt cổ chết vào ngày cuối năm như thể tống khứ một kẻ độc tài về bên kia thế giới kết thúc một năm đen tối, để dân Iraq được sống trong ổn định. Nhưng mộng ước đó có vẻ còn xa thực tế. Sau khi hình ảnh cuộc xử giảo và Saddam nằm chết bị lén quay phim video rồi đưa lên Internet để dân Iraq và cả thế giới cùng xem, dân Hồi giáo Sun-ni biểu tình phản đối. Họ đã phá vỡ khóa cửa một ngôi đền của người Shi-a, đem vào đó chiếc quan tài giả cùng với bức hình của Saddam và lồng lộn đòi trả thù. Ngôi đền này có nóc vàng rất quan trọng đối với người Shi-a ở Iraq, 10 tháng trước đây đã bị những kẻ cực đoan Sun-ni gài bom phá hoại. Từ đó cuộc tương tàn đẫm máu ghê rợn liên tục xẩy ra giữa hai hệ phái Shi-a và Sun-ni.

Đoạn phim video xử giảo chụp được cả lúc những kẻ chứng kiến vụ hành quyết đã chửi bới Saddam khi ông ta bị choàng thòng lọng vào cổ, thêm màn nhẩy núa tại chỗ hoan hô "Muqtada"..."Muqtada", tức Giáo sĩ Shi-a Muqtada Al-Sadr, người chỉ huy đám dân quân Mahdi 60,000 người, khét tiếng tàn bạo trong các vụ giết dân Sun-ni trong những tháng qua. Điều đáng chú ý, ba kẻ làm nhiệm vụ treo cổ đều mặc đồ đen và bịt mặt y hệt đám dân quân Mahdi vẫn tuần tiễu ngoài đường phố ở thị trấn al-Sadr sát bên thủ đô Baghdad. Đầu tuần này, hàng trăm người tụ tập ở khu người Sun-ni ngoại thành Baghdad, làm lễ để tang Saddam Hussein. Một số người công khai ca ngợi đảng Baath đã bị Mỹ giải tán sau khi chế độ Hussein đã bị lật đổ. Tại Dor, cách Baghdad 77 dậm về phía Bắc, hơn mấy trăm người diễn hành tiến về khu bức tường lớn có hình Saddam Hussein làm bằng đá ghép nhiều mầu xây dở dang lúc quân Mỹ đánh vào Iraq. Tại một đền thờ Hồi giáo Sun-ni ở Tikrit, thành phố quê hương của Saddam, những người làm lễ đã giết một con trừu làm vật hy sinh cúng tế. Trên bức tường ngôi đền gắn đầy những tấm thiệp phân ưu của những người Á rập Sun-ni từ miền Nam Iraq và nước Jordan gửi về vì họ không thể đi đến Tikrit để dự lễ.

Một số giới chức cho rằng cần phải thi hành án tử Saddam thật sớm, vì họ hy vọng sau khi Saddam chết, dân Á rập Sun-ni cũng như dư đảng của Baath sẽ quên ông ta, sớm chấm dứt vụ nổi loạn và hết hợp tác với khủng bố al-Qaida. Nhưng sự thật đã trái lại. Vụ hành quyết Saddam Hussein đã làm hai hệ phái Sun-ni và Shi-a hận thù nhau thêm. Sau khi bầu cử Quốc hội, Iraq có chính phủ mới, người Á rập Sun-ni ở Iraq chỉ mong có cuộc sống yên, dù đa số Shi-a nay đã cầm quyền, họ không có cảm tình với phe tàn dư đảng Baath, không muốn giữ vai trò ủng hộ trực tiếp cho phe bạo loạn hay khủng bố. Nhưng nay nhìn thấy hình ảnh Saddam chết và phe dân quân Mahdi bịt mặt nhẩy múa reo hò, họ đã quay ngược lại tình cảm của họ. Điều này cho thấy cuộc chém giết tương tàn giữa hai hệ phái sẽ thảm khốc hơn nữa.

Vậy ai đã muốn giết chết Saddam không trì hoãn" Trước hết về phía Mỹ, TT Bush đã tuyên bố vụ xử Saddam Hussein là do người Iraq quyết định. Về phía Iraq, Tổng Thống Talabani, Sun-ni gốc Kurd nói ông chống án tử hình, nhưng trong vụ Saddam Hussein, ông không có ý kiến. Thủ tướng Iraq Maliki (Shi-a) đã bác bỏ mọi đề nghị hoãn hành quyết vài tuần. Maliki là người được Giáo sĩ al-Sadr và các bộ trưởng của chính đảng do al-Sadr lập ra đã ủng hộ Maliki lên làm Thủ tướng. Ở đây có một điểm đáng ghi nhận, Talabani hệ phái Sun-ni, nhưng lại là người có cảm tình với nước Iran Hồi giáo Shi-a.

Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq năm xưa, người Kurd ở Bắc Iraq đã ngầm liên minh với Iran để chống Saddam Hussein. Người Kurd vẫn mong có khu vực tự trị riêng của họ để cách biệt với Á Rập Sun-ni. Mới đây Talabni người Sun-ni đằu tiên được tiếp đón long trọng ở Teheran, nhất là được lãnh tụ tối cao của Iran là Đại Trưởng giáo Ali Khameini cho tiếp kiến, một vinh dự hiếm có cho khách lạ từ bên ngoài đến. Thành ra cả hai ông Tổng Thống và Thủ tướng Iraq đều có chung một lập trường cùng ghét Saddam Hussein, cùng thích Iran. Saddam mau chết là đúng, vì Saddam là kẻ đại thù của Iran.

Nước Mỹ đã tốn bao nhiêu xương máu và tiền của để giúp Iraq xây dựng một chế độ dân chủ. Nay ông Thủ tướng của chế độ này đã có vẻ cai trị bằng mầu sắc của lá cờ hệ phái tôn giáo, thay vì bằng mầu sắc quốc kỳ Iraq. Trong những ngày tới, các cuộc xung đột hệ phái Shi-a và Sun-ni gia tăng thêm cường độ, các nước láng giềng của Iraq sẽ nghĩ sao" Iran sẽ xoa tay khoan khoái, bởi vì Mỹ đã giết giùm cho họ một kẻ thù độc hại nhất là Saddam Hussein. Hơn nữa Mỹ còn giúp thành lập một chính quyền Iraq mà đa số là Shi-a đồng đạo với Iran. Chính quyền Maliki ngày càng tỏ ra cách biệt với Mỹ. Iran đã ngỏ lời sẵn sàng giúp ổn định tình hình Iraq. Nếu Iran giúp, cố nhiên chính quyền Iraq sẽ hết cái vỏ dân chủ để trở thành chính quyền độc đoán của Shi-a, lúc đó thiểu số Sun-ni sẽ là một thứ công dân hạng 2 của Iraq. Các nước Á Rập Sun-ni như Saudi Arabia và Jordan sẽ kinh hoàng vì ảnh hưởng của Iran Shi-a đến tận cửa biên thùy của họ. Còn Sun-ni Syria cũng cay đắng chịu phận làm đàn em của Shi-a.

Vấn đề Iraq không có hy vọng sớm giải quyết, khó khăn ngày càng chồng chất, di họa đến các thế hệ tương lai. Đêm Giao thừa ở New York đã qua, quả cầu sáng rực đã tắt, chỉ còn rác rưởi người đi xem bỏ lại chất đầy ngoài đường, lớn gấp bội phần quả cầu báo hiệu năm mới. Chỉ khổ người đi hốt rác.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.