Hôm nay,  

Vinashin Đe Doạ Các Chủ Nợ: Không Hoãn Nợ Sẽ Mất Hết

09/12/201000:00:00(Xem: 5201)

Vinashin Đe Doạ Các chủ Nợ: Không Hoãn Nợ Sẽ Mất Hết; IMF báo nguy về VN: Dự trữ ngoaị tệ VN xuống thấp nguy kịch

Vinashin bắt bí các chủ nợ quốc tế: nếu không cho hoãn nợ là mất hết, vì Vinashin không có gì thế chấp; nếu cho hoàn nợ sẽ còn chút ít. Bản tin này đăng trên thông tấn Diễn Đàn Doanh Nghiệp VN (VEF).
Tuy nhiên, bản tin IFRAsia.com cho biết, Vinashin dự tính tách rời ít nhất 3 chi nhánh để bảo đảm khoản vay nợ 600 triệu đôla Mỹ, tình hình này làm các chủ nợ đòi hỏi làm sáng tỏ việc tái cấu trúc trong khi thời hạn trả khoản nợï đầu tiên sắp tới.
Mặt khác hôm Thứ Tư, đài RFI từ Paris cho biết dự trữ ngoaị tệ của VN đã xuống thấp thê thảm.
Tuy nhiên cũng có một tin lạc quan cho VN: Hội nghị nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2010, đã kết thúc và ra thông cáo báo chí cho biết "các đối tác phát triển cam kết 7,9 tỷ đô la Mỹ vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA để giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung vào các khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững"...
Bản tin từ thông tấn VEF cho biết các chủ nợ đã khước từ đề xuất hoãn nợ của Vinashin. Bản tin nói, các chủ nợ quốc tế của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam Vinashin đã tuyên bố không chính thức vào hôm qua, thứ ba, rằng họ sẽ từ chối đề xuất hoãn khoản thanh toán lần đầu tiên vào 20/12 tới.
Một nguồn tin thân cận của Credit Suisse đại diện cho liên hợp các chủ nợ cho biết: "sẽ không sẵn lòng gia hạn việc trả nợ 60 triệu đôla đầu tiên."
Nếu việc này được khẳng định một cách chính thức, sự từ chối trên nhiều khả năng sẽ tạo ra một giai đoạn "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa Vinashin và các chủ nợ nước ngoài, kéo theo đó làm ảnh hưởng tiêu cực tới sự tín nhiệm của chính phủ Việt Nam và tăng chỉ số đánh giá rủi ro đầu tư của toàn bộ đất nước.
Vinashin đã phát hành trái phiếu 600 triệu đôla thông qua Credit Suisse năm 2007. Vào ngày 29 tháng 11 vừa qua, tập đoàn này đề nghị được gia hạn lần trả đầu tiên trong tổng số 10 lần trả nợ, mỗi lần cách nhau 6 tháng.
Lời đề nghị trên bị từ chối nghĩa là "Vinashin bị coi là vỡ nợ", nguồn tin cho biết. Điều này sẽ "tạo ra hệ lụy rất xấu cho khả năng vay nợ nước ngoài của Việt Nam trong nhiều năm tiếp theo."
"Đặc biệt ảnh hưởng khi chính phủ Việt Nam đang có ý định tìm kiếm các khoản vay từ thị trường quốc tế để trang trải các dự án cơ sở hạ tầng đủ loại."
Việc Vinashin vỡ nợ là khó bởi chính phủ Việt Nam đã cam kết đảm bảo các khoản nợ của Vinashin sau khi các vấn đề liên quan đến dòng tiền trong Tập đoàn và khoản nợ khổng lồ này tạo ra chuỗi scandal hồi giữa năm.
Nhưng một quan chức cấp cao của Vinashin xin giấu tên đã nói rằng các chủ nợ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc chấp nhận việc hoãn nợ.


"Không có khoản ký quỹ nào cho khoản vay này." Quan chức trên cho biết. "Nói một cách thẳng thắn, nếu họ thực sự muốn đàm phán, họ sẽ nhận được điều gì đó, còn nếu không, họ sẽ không nhận được gì cả."
Liên hợp các chủ nợ sẽ trả lời chính thức vào hôm nay, thứ 4.
Cho dù quyết định có thế nào, các quan chức nước ngoài tại Việt Nam đều cho biết vụ Vinashin đã tác động tiêu cực tới tâm lý của giới đầu tư quốc tế.
Không chỉ Credit Suisse, các chủ nợ quốc tế bị ảnh hưởng bởi vụ việc này bao gồm Ngân hàng Standard Charter Anh Quốc, Ngân hàng Đức Ai Len PLC và Ngân hàng Quốc gia Kuwait SAK.
Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận, rằng theo IMF, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam xuống thấp.
Lời báo động của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế được đưa ra hôm 07/12 tại Hội nghị thường niên các nhà tài trợ cho Việt Nam, diễn ra trong 2 ngày (7-8/12) tại Hà Nội. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tính đến tháng 9 vừa qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã xuống đến mức chỉ còn bảo đảm được không đầy 2 tháng nhập khẩu.
Trong tham luận tại hội nghị, ông Masato Miyazaki, đại diện cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, không cho biết số liệu cụ thể về dự trữ ngoại tệ của Việt Nam, mà chỉ ghi nhận rằng : “Dự trữ quốc tế của Việt Nam đã ổn định trong năm nay nhưng vẫn còn ở mức thấp, khoảng 1,8 tháng nhập khẩu tính đến tháng Chín năm nay”.
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, vào tháng 9 vừa qua, chính IMF đã dự báo rằng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có thể tăng lên khoảng 15,4 tỷ đô la vào cuối năm nay, cao hơn mức 14,1 tỷ vào cuối năm 2009. Cũng theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, mức dự trữ vào tháng 12 năm ngoái chỉ bảo đảm được không đầy 2,5 tháng nhập khẩu mà thôi.
Dự trữ ngoại tệ thấp, theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nằm trong một loạt các chỉ số đang đặt ra cho Việt Nam « những thách thức chính sách trước mắt ». IMF đã liệt kê :
- tình trạng lạm phát gia tăng : "có thể sẽ lên mức hai con số trong năm nay so với cùng kỳ năm trước"
- tăng trưởng tín dụng quá cao : "vượt quá mục tiêu năm nay là 25%"
- thâm hụt thương mại tăng lên mức 1,3 tỷ đô la trong tháng 11 và thâm hụt tài khoản vãng lai "vẫn còn rất lớn (dù) ở mức dưới 7% của GDP"
- đồng nội tệ Việt Nam bị "áp lực mất giá liên tục."...
Bản tin khác của RFI cho biết:
“...Sau hai ngày họp tại Hà Nội, hôm 8/12/2010, Hội nghị nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2010, đã kết thúc và ra thông cáo báo chí cho biết "các đối tác phát triển cam kết 7,9 tỷ đô la Mỹ vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA để giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung vào các khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững".
Cụ thể, Ngân hàng Thế giới cam kết tài trợ 2,6 tỷ, Nhật Bản hơn 1,7 tỷ, Ngân hàng Phát triển châu Á 1,5 tỷ, Pháp hơn 220 triệu v.v. Nguồn vốn tài trợ cho 2011 sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng, giao thông, đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Năm ngoái, tổng số vốn cam kết của các nhà tài trợ là hơn 8 tỷ đô la...”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.