Hôm nay,  

Thời Sự Úc: Bệnh Mập Phì, Nguy Cơ Xã Hội! – Hoàng Đ.thư

29/08/200500:00:00(Xem: 5293)
So với một thập niên về trước thì hiện nay số trẻ em bị bệnh phì nộn ở Úc nhiều gấp ba lần. Y Sĩ Đoàn Úc (Australian Medical Association - AMA) tiên đoán, chỉ trong vòng 20 năm tới, gần phân nửa thanh thiếu niên Úc sẽ bị mập quá mức (overweight). Chẳng những thế, hiện người ta ước lượng khoảng 1.5 triệu thiếu niên nam nữ Úc dưới 18 tuổi bị mập quá mức hoặc bị bệnh phì nộn và khoảng 2.4 triệu người lớn Úc cũng ở trường hợp tương tự. Vì thế, Bộ trưởng Y Tế Victoria, bà Bronwyn Pike, gần đây đã nhận xét một cách đúng đắn, bệnh phì nộn sẽ là một thử thách y tế khó khăn và lớn lao nhất của thời đại này.
Điều đáng nói là hiện nay không có một phương pháp thần diệu nào để đương đầu với trận dịch mới này.
Bệnh phì nộn (obesity) thường được xác định bằng Chỉ Số Trọng Khối Thân Thể (Body Mass Index - BMI). Chỉ số BMI được đo lường bằng cách dùng sức nặng của một người chia cho bình phương của chiều cao của người ấy. Và nếu chỉ số này hơn 30kg/m2 thì có nghĩa là người ấy bị bệnh phì nộn. Chỉ số BMI khoảng 25 có nghĩa là người ấy bị mập quá độ.
Vấn nạn giới trẻ bị phì nộn bắt nguồn từ những chuyển biến trong xã hội Úc trong nhiều thập niên qua, và vì thế, bất kỳ một giải pháp nào cũng phải đáp ứng được với những chuyển biến này. Thứ nhất, nước Úc ngày nay là một trong những quốc gia có mức độ thành thị hóa (urbanised) cao nhất ở Tây Phương. Khoảng một thế kỷ về trước thì chỉ có khoảng chừng phân nửa dân số sống ở thành thị. Ngày nay, hơn 90% dân chúng tập trung ở các thành phố.
Đời sống thành thị thì ngày lại càng trở nên thụ động, dân chúng (đặc biệt là trẻ em) ít đi bộ ra xóm, ra đầu phố hơn xưa, một phần vì những mối lo ngại - có thực hoặc tưởng tượng - cho an toàn cá nhân, một phần vì dùng xe hơi thì dễ dàng, nhanh chóng hơn. Trẻ em ngày nay cũng có nhiều trò giải trí thụ động hơn xưa, chẳng hạn như truyền hình, máy điện toán, trò chơi điện tử và ngay cả điện thoại di động nữa. Thêm vào đó, chúng cũng dễ dàng tìm và mua được nhiều thức ăn rẻ tiền và đầy dầu mỡ, chất ngọt.v.v.
Bệnh trẻ em phì nộn chắc chắn không phải chỉ là vấn nạn riêng của Úc hoặc của thế giới Tây Phương. Ngay cả Trung Hoa, một quốc gia đã từng phải vất vả vì nạn đói, hiện cũng phải đương đầu với trận dịch trẻ em phì nộn trong giới trung lưu ở thành thị. ở Hoa Kỳ, hơn 60% người lớn trên 18 tuổi mắc bệnh phì nộn hoặc bị mập quá độ.
Tuy nhiên, ở Úc, cho đến bây giờ, bệnh phì nộn vẫn được xem như là một vấn đề thuần túy về thẩm mỹ - mập thì không đẹp bằng ốm - hơn là một vấn đề y tế công cộng cần phải được giới thẩm quyền quan tâm đến. Thế nhưng, hiện nay, nước Úc đang nuôi dưỡng một thế hệ chắc chắn sẽ bị nhiều khó khăn về sức khỏe trong tương lai chẳng hạn như áp huyết cao, hen suyễn, sạn thận, bệnh về xương (orthopedics problems), bệnh tim, hiếm muộn, đứt mạch máu.v.v. Rồi thêm vào đó là những chứng bệnh liên quan đến tinh thần, chẳng hạn như trầm cảm, tự ti. Tất cả những khó khăn này sẽ tạo ra thật nhiều phí tổn về y tế cũng như về những vấn nạn xã hội liên hệ.
Giáo sư nhi khoa Zoe McCallum thuộc bệnh viện Royal Children’s Hospital ở Melbourne cho biết hiện nay xã hội Úc đang ở trước vấn nạn trẻ em phì nộn tương đương với vấn nạn về thuốc lá cách đây 20 năm. Thế nhưng, tai hại hơn nữa là hiện nay có quá nhiều chướng ngại để có thể có hành động thiết thực nhằm hóa giải vấn nạn này, thậm chí nhiều hơn những chướng ngại trong việc giải trừ vấn nạn thuốc lá nữa.

Kỹ nghệ bán đồ ăn “fast food” cùng với kỹ nghệ thực phẩm là cả một khối vận động (lobby group) nhiều quyền lực và tài chánh hơn cả kỹ nghệ thuốc lá. Trẻ em hàng ngày bị tấn công tới tấp bởi các quảng cáo đủ loại, đủ thể dạng cùng những thủ thuật khuyến mãi thâm hiểm khiến chúng thèm muốn, tìm tòi, vòi vĩnh để có thể ăn những thứ thực phẩm không đáp ứng được bất kỳ một tiêu chuẩn nào về dinh dưỡng (healthy and nutritious criteria) cả.
Cơ cấu trong gia đình cũng có nhiều thay đổi khác xưa. Và kiến thức về phép dinh dưỡng căn bản cũng như quan điểm của người ta về các loại thực phẩm cũng thay đổi. Chuyện mà cả gia đình cùng ngồi vào bàn ăn để thưởng thức những món ăn do một người lớn có một ít kiến thức cơ bản về dinh dưỡng chuẩn bị và nấu nướng ngày càng trở nên hiếm hoi. Thêm vào đó là khoảng cách giữa những người thuộc giai cấp giàu có (the haves) và những người thuộc giai cấp nghèo khổ (the have nots) ngày càng gia tăng, đặc biệt là về mặt phẩm lượng của thực phẩm cũng như cơ hội và thời giờ để có thể tập thể dục điều dưỡng sức khỏe.
Chính vì lo ngại về nguy cơ trẻ em phì nộn trở thành một bệnh dịch trầm kha mà những người có lòng, có thiện chí, chẳng hạn như nữ ký giả chuyên viết về thực phẩm Stephanie Alexander, đã luôn luôn nhấn mạnh về nhu cầu giáo dục trẻ em để chúng có thêm kiến thức về những loại thực phẩm bổ dưỡng cũng như về những thứ thức ăn không bổ dưỡng, nếu không nói là nguy hiểm, mà chúng ăn, để chúng có thể biết được những món ăn đầy dinh dưỡng ngon như thế nào và những món ăn tân thời “fastfood” tệ hại như thế nào.
ở Anh, tay đầu bếp lừng danh Jamie Oliver đã không ngừng vận động khiến chính phủ Anh buộc các trường học phải nghiên cứu lại đường lối của nhà trường về thực phẩm được bán ở trường học.
ở Úc thì chính phủ NSW và chính phủ Queensland gần đây có đưa ra danh sách những thứ thực phẩm nào mà canteen của trường học được quyền bán và thứ nào không nên bán. Tại một số trường tiểu học ở NSW gần đây có đề ra một chương trình khá lý thú nhằm khuyến khích học sinh mang trái cây đi học. Nhà trường chọn một ngày cố định trong tuần và cho thêm 5 phút giải lao phụ trội cho học sinh nào có đem trái cây để các em có thể ăn trái cây.
ở Victoria thì mặc dù chính phủ có đưa ra một số kim chỉ nam về các loại thực phẩm cần được bán, thế nhưng, canteen của trường học vẫn có quyền tự do muốn bán thứ gì thì bán. Và những thứ họ muốn bán là những thứ đồ ăn mà khách hàng tí hon của họ ưa thích. Thêm vào đó, những thứ này thường mang lại nhiều lợi nhuận cho họ hơn là những thực phẩm có dinh dưỡng. Từ đó đưa đến một tình trạng vô cùng mâu thuẫn: trong lớp học thầy cô giảng dạy về những thứ đồ ăn bổ dưỡng, về cách giữ gìn sức khỏe, không ăn kẹo, ít ăn đồ dầu mỡ.v.v. ăn nhiều rau cải, trái cây.v.v. nhưng đến giờ ăn trưa thì canteen lại làm ngược hẳn những lời giảng dạy ấy.
Nhưng trách nhiệm tối hậu về vấn đề dinh dưỡng của trẻ em vẫn thuộc về phụ huynh. Oái oăm thay, ở Úc, vấn đề then chốt của vấn nạn trẻ em phì nộn đã trở thành một cái vòng lẩn quẩn oan nghiệt vì chính giới phụ huynh cũng không biết gì nhiều về phương pháp dinh dưỡng cả. Vì thế, không thể nào có một giải pháp đơn giản dễ dàng về vấn nạn này. Để có thể giải quyết vấn nạn một cách rốt ráo cần có sự thay đổi từ gốc rễ: cấm quảng cáo các loại thực phẩm không có dinh dưỡng (junk food) như thuốc lá bị cấm quảng cáo, tạo nhiều cơ hội cũng như phương pháp để khuyến khích trẻ em tập thể dục, cải tiến hệ thống giao thông công cộng.v.v.
Giải pháp này rất tốn kém và có thể sẽ không được nhiều sự ủng hộ, nếu không nói là sẽ gặp nhiều chống đối từ kỹ nghệ thực phẩm “fastfood”, và có thể các nhà chính trị gia vẫn e dè, ngại ngùng vì sợ mất lòng dân. Thế nhưng, để cho thế hệ tương lai bị thảm sát bằng thực phẩm thì quá ư tệ hại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.