Hôm nay,  

Truyện Ngắn Xuân Bính Tuất: Tâm Sự Con Chó Già

31/01/200600:00:00(Xem: 7727)
Tôi sinh ra đời năm 1973, được ông chủ đặt cho một cái tên rất bình dân và rất Việt Nam: Ba Tô. Tính cho đến nay, năm 1998, tôi đã được 25 tuổi, tương đương với một con người thọ 90 tuổi. Cuộc đời của tôi thật là sôi nổi, vui sướng cũng lắm mà buồn phiền cũng nhiều. Hôm nay đã gần đất xa trời, sống xa chủ, tôi giãi bày những tâm sự của tôi với các bạn cho vơi bớt nỗi cô đơn...
Lúc ra đời mới được có một tháng, vẫn còn đang bú mẹ thì tôi đã phải xa lìa mẹ tôi. Lý do vì tôi có bộ lông đẹp và có nhiều tướng tốt! Sở dĩ tôi biết tôi có nhiều tướng tốt là vì khi mới về nhà ông chủ, mọi người trong nhà đã đổ xô ra nhìn tôi, rồi bình luận loạn xạ:
- Ái chà, chó lông vàng, mặt đen, đốm tứ túc!
- Coi tướng lực lưỡng quá, ngực nở, bốn chân thật to và chắc!
- A ha, nó có "bốn mắt"! (Chả là tôi có hai đốm vàng trên mắt mà)
- Cái mõm thật là to, ngữ này chắc là sủa lớn lắm đây!
- Tướng này cắn lộn thì phải biết!
- Trông nó giống con gấu quá, cái đầu to bè bè!
Ông chủ cạy miệng tôi ra, chỉ cho mọi người xem:
- Con chó này đốm lưỡi nhá!
Thằng Tý con ông chủ liền thắc mắc hỏi:
- Đốm lưỡi là sao vậy bố"
Ông chủ giải thích:
- Chó đốm lưỡi là chó khôn và trung thành với chủ. Nó cũng "chữa bệnh" hay lắm. Ai mà bị ghẻ, đưa cho nó liếm là hết ngay!
Ông hàng xóm nhấc bổng tôi lên và nhìn vào háng tôi:
- Ái chà, cu cậu là chó đực, có đốm ở háng nữa chứ! Ngữ này thì "hào hoa" phải biết!
Thôi thì đủ thứ bình luận hết. Thật tôi không ngờ tôi lại có nhiều tướng tốt đến như vậy! Có lẽ chính vì thế mà tôi đã phải xa lìa mẹ tôi và các anh em thật là sớm, lúc mới được có một tháng tuổi!
Nhưng cũng may cho tôi vì nhà ông chủ tôi chỉ cách nơi mẹ tôi ở có vài con đường, tôi ở xóm trên còn mẹ tôi ở xóm dưới. Sau này lớn lên, lúc chạy đi chơi rông ngoài đường, tôi vẫn thường gặp lại mẹ. Bà thường đến khuyên nhủ tôi nhiều điều, mà sau này, những lời khuyên đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống.
Có lẽ những lời nhận xét của mọi người về tôi là rất đúng, bởi vì khi đến tuổi trưởng thành, tôi bắt đầu trổ mã và phát tướng "đẹp trai" hơn lúc bé rất nhiều. Người tôi to lớn, vạm vỡ, tiếng sủa rất lớn, bộ lông thì vàng mượt, có pha sắc nâu, mõm ngắn, mặt đen. Tôi có khuynh hướng phát triển bề ngang nhiều hơn, bốn chân của tôi thật to, ngực nở và chắc nịch. Có lẽ vì thế mà tôi hơi bị "lùn"! Nhiều người nói tôi giống con gấu, thật đúng lắm lắm! Nhờ có bộ mã "đẹp trai", hào hoa phong nhã mà tôi có bạn gái thật là nhiều, trải dài từ làng trên xuống xóm dưới, biết bao nhiêu nàng mê tôi lăn lóc! Nhưng càng yêu nhiều thì càng khổ nhiều, tôi sẽ kể cho các bạn nghe những khổ lụy vì tình của tôi!
Sau khi ra mắt mọi người trong nhà xong, việc làm đầu tiên của ông chủ là cạy miệng tôi ra, nhổ một bãi nước miếng vào đó. Ông ta giải thích rằng làm như vậy để tôi khỏi có đi lạc! Còn bà chủ thì bẻ một cọng chổi chà, đo cái đuôi ngắn cũn cỡn của tôi, rồi ngắt cọng chổi, đem liệng ra ngoài đường. Bà ta nói rằng làm như vậy để tôi khỏi có ỉa bậy ở trong nhà, khi ỉa thì sẽ ra ngoài đường mà ỉa! Lúc ấy tôi mới được có một tháng tuổi nên được ông bà chủ cho uống sữa bò. Độ một tháng sau, tôi bắt đầu ăn cơm và rồi tôi lớn lên rất nhanh, khoảng tám tháng sau, tôi đã trở thành một chàng thanh niên cường tráng, khỏe mạnh. Phải nói rằng tôi có phước được về làm tôi tớ cho ông bà chủ, bởi vì suốt cuộc đời niên thiếu của tôi là những chuỗi ngày dài tràn đầy hạnh phúc. Ông bà chủ rất thương tôi, cho tôi ăn uống rất no đủ, thậm chí rất dư thừa nữa là khác. Ở nhà có cái tô bị mẻ miệng, thế là ông chủ cho tôi làm của riêng. Phần ăn hàng ngày của tôi được đựng trong đó chớ không đến nỗi phải đổ xuống đất như những con chó nhà nghèo khác. Khi đến tuổi choai choai, sức ăn của tôi nhiều hơn, ông chủ lại sắm cho tôi cái thau nhựa lớn hơn để tôi ăn cho vừa sức. Đến mùa mưa lạnh, bà chủ dọn cho tôi một cái ổ để ngủ cho ấm: bà lấy cái áo nhà binh đã cũ rách của ông chủ ra, lót trong một thùng giấy lớn và để ở phía trước nhà. Vào những đêm mưa gió bão bùng, trời lạnh như cắt, tôi chui vào đó ngủ thật là ấm áp, sướng mê tơi.
Những dịp cuối tuần, bà chủ thường nấu nướng nhiều món ăn rất ngon cho cả nhà ăn, tôi tha hồ được hưởng "sái", ngồi chầu rìa dưới gầm bàn mà gặm xương đủ loại cứ vất tới tấp xuống dưới đất, lượm ăn không kịp! Tôi thích nhất là món phở và bún bò vì hai món này có nhiều xương. Cứ mỗi lần bà chủ nấu các món này là tôi trúng mánh: xương gặm cấm cắc mấy ngày cũng chưa hết! Ông bà chủ cũng thường bắt ve cho tôi nữa. Mỗi khi thấy người tôi dơ vì đi lùi đất cát ở ngoài đường thì hai ông bà lại tắm cho tôi bằng xà bông bột. Tắm xong, họ cột tôi vào gốc cây sa-bô-chê trên sân xi măng phía trước nhà, cho tôi phơi nắng cho khô lông. Ông chủ có chiếc xe jeep, đến mùa hè ông chở vợ con đi tắm biển và dĩ nhiên là tôi cũng được đi theo. Phía sau nhà ông chủ có một khu vườn, nơi đó ông ta có trồng mười mấy bụi sả. Ông thường nói với mọi người trong gia đình:
- Mình trồng sả một công đôi chuyện, khi bị cảm, nhổ vài cây sả, nấu nồi nước xông là khỏi! Ngoài ra, đó cũng là "thuốc" trị bá bệnh của loài chó. Mỗi khi bị trái gió trở trời, chúng thường ăn lá sả là hết bệnh.
Lời nói của ông chủ rất trùng hợp với những lời dạy của mẹ tôi. Sau này khi lớn lên, có lần tôi tình cờ gặp bà ta ở ngoài đường, bà đã truyền lại kinh nghiệm tự chữa bệnh cho tôi như sau: " Bất cứ khi nào bị bệnh, con hãy tìm lá sả mà ăn. Hết bệnh ngay lập tức!" Chính bản thân tôi cũng đã thí nghiệm "thuốc" lá sả vài lần, thấy rất hiệu nghiệm. Khi ăn xong, tôi thấy trong người nóng râm ran, bụng sôi èo ẽo, rồi tôi đi ngủ. Khi ngủ dậy, tôi vội phóng ra đường, thải ra vài... bãi, thế là xong! Cơ thể tôi lại mạnh khỏe, hoạt động bình thường trở lại! Chính vì vậy mà tôi rất mang ơn vợ chồng ông chủ, đã nuôi nấng tôi thật là chu đáo, ngoài việc cho tôi ăn uống rất đầy đủ, lo chỗ ngủ cho tôi, rồi lại còn lo luôn cả việc thuốc thang chữa bệnh cho tôi nữa.
Nói tóm lại, thời ấu thơ và thanh niên của tôi là tràn đầy hạnh phúc, cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Tôi được xem như một thành viên trong gia đình của ông bà chủ gồm có ba đứa con, thằng Tý lớn nhất 10 tuổi, thằng Tèo 5 tuổi và con Thúy 2 tuổi...
Thế nhưng bỗng một ngày kia, vào khoảng tháng ba năm 1975, người ở đâu kéo đến nhà ông bà chủ thật là đông. Họ sống chen chúc trong nhà tới mấy chục người, nằm ngủ la liệt, bò lê bò càng ở dưới đất, nằm ngủ luôn cả ngoài sân, kế bên cái "giường" của tôi. Họ bàn tán xôn xao, vẻ mặt ai nấy đều nhuốm màu rất sợ hãi. Hình như họ bàn tính chuyện rủ nhau đi trốn đến một nơi nào xa xôi lắm. Chắc là có một thứ ma quỷ gì rất ghê gớm tràn về thành phố làm cho người ta phải sợ hãi mà bỏ chạy hàng loạt như vậy" Sau đó thì mọi người lại tất bật xách gói ra đi, không hiểu họ đi đâu"
Riêng ông bà chủ thì cũng rất là lo sợ, cứ thì thầm bàn tán suốt đêm! Rồi một hôm nọ, tôi thấy ông chủ xếp đồ đạc vào chiếc ba lô và mang theo 10 ngày gạo, vẻ mặt buồn và lo lắng vô hạn. Ông ta đi biến luôn kể từ hôm đó, cả mấy năm trời cũng không thấy về nhà. Con Thúy lúc đó mới có hai tuổi rưỡi, nhớ bố, nó cứ thường khóc hoài. Nó cứ hỏi:"Mẹ ơi, bố đâu rồi"" Cứ mỗi lần nó hỏi, bà chủ lại đáp: "Bố đi học đại học, con à!" Con Thúy lại hỏi: "Chừng nào bố về"" Bà chủ lại đáp: "Sắp về rồi!"
Tôi nhớ đến giữa năm 1980, ông chủ mới trở về. Gặp lại ông, tôi mừng vô hạn, chạy đến liếm tay, chồm lên liếm ngực và mặt ông. Nhưng lần này gặp lại ông, tôi thấy ông lạ quá: người ông ốm nhom, già cằn cỗi và đen cháy như củ tam thất! Trước đây ông rất là trắng trẻo, mập mạp và đẹp trai chớ đâu có đến nỗi đen và quá xấu xí như bây giờ" Quái lạ, ông đi học "đại học" gì mà ghê gớm đến như vậy" Tôi "nói" thật là nhiều nhưng những tiếng nói của tôi chỉ là những tiếng ư ứ, hi hí mà tôi biết chắc ông chủ không thể nào hiểu được "ngôn ngữ" của loài chó chúng tôi! Trái lại, khi ông bà chủ nói chuyện, tôi nghe đều hiểu hết, chỉ tiếc là tôi nói... tiếng người không được mà thôi! Ông chủ xoa đầu tôi thật nhiều. Ông vỗ vỗ vào người tôi rồi nói với bàchủ:
- Con Tô dạo này sao ốm quá!
Bà chủ trả lời:
- Mọi người ai cũng ốm hết, đâu riêng gì nó. Có gì ăn đâu mà mập cho được! Riêng em bị sụt hết tám kí lô!
À quên, để tôi kể nghe những chuyện xảy ra ở nhà khi ông chủ đi học "đại học". Từ khi ông chủ đi, cuộc sống tự nhiên bị đảo lộn tất cả. Gia đình mình bị nghèo đi rõ rệt, đồ ăn thức uống không còn dồi dào như xưa nữa. Gạo trở nên rất hiếm hoi, chỉ dành cho người ăn còn không đủ, còn loài chó như tôi thì phải ăn khoai mì dài dài! Thật ra, theo tôi biết, mọi người trong nhà cũng không có đủ gạo mà ăn, phải ăn cơm độn với khoai mì! Không hiểu khoai mì ở đâu mà nhiều thế, tôi đi lang thang trong xóm thấy nhà nào cũng đua nhau xắt những củ khoai mì thành từng lát rồi đem phơi khô. Khi nấu cơm, họ bốc những lát khoai mì đó bỏ chung vào nồi để ăn độn! Chỉ tội cho những người già và trẻ em răng yếu ăn không nổi vì khoai mì nấu chung với cơm vẫn còn cứng lắm. Đã vậy ăn khoai mì nhiều thì "nóng", ỉa mắc đít, con Thúy cứ kêu khóc cả ngày. Riêng đối với tôi thì sao cũng được, có cơm thì ăn cơm, còn không thì cứ khoai mì, khoai lang ăn cả đời cũng được. Bao tử của tôi tốt lắm, hơn nữa tôi biết thân phận mình là... chó, đâu dám đòi hỏi gì nhiều. Được bà chủ cho ăn ngày hai bữa khoai là phước lắm rồi!
Ăn uống thì khổ cực, còn đồ đạc trong nhà thì bà chủ đem ra chợ trời bán gần hết! Bà ta đem bán hết quạt máy, ti vi, tủ lạnh, máy cát xét, tủ giường, bàn ghế v..v.. Đến nỗi trong nhà chỉ còn lại có một cái giường cũ dành cho bà chủ, còn ba anh em thằng Tý, Tèo và con Thúy thì ngủ dưới đất! Chưa hết, bà ta còn đem bán luôn cả quần áo nữa. Toàn bộ quần áo mới phải lần lượt theo nhau ra chợ trời, những người trong nhà chỉ còn mặc toàn quần áo cũ, vá víu. Tệ nhất là cái áo lính cũ của ông chủ cho tôi để lót ổ chó, làm chỗ ngủ cho tôi hằng đêm, cũng bị một người quen của bà chủ đến xin. Nghe bà chủ nói người này trốn ở vùng kinh tế mới về! Còn cái thau nhựa dành cho tôi ăn cơm thì cũng đã bị bà chủ thu gom đem bán ve chai cùng với nhiều thứ lặt vặt khác trong nhà. Thế là toàn bộ "gia tài" của tôi gồm chiếc áo lính cũ và cái thau nhựa cũng đi mất. Tôi chẳng còn gì nữa hết ngoài bộ lông dính trên người và tấm lòng trung thành vô hạn với chủ.
Cuộc sống vật chất trở nên nghèo nàn và nhiều chuyện tinh thần khác cũng đổi thay luôn. Tôi còn nhớ một hôm có một người đàn ông ăn mặc luộm thuộm, người vô cùng hôi hám, dơ dáy, bên hông đeo một chiếc cặp da, đầu đội nón cối, đến gõ cửa nhà mình. Tôi tưởng là người ăn xin nên sủa tới tấp và xua đuổi ông ta ra khỏi nhà. Thực phẩm dạo này đã thiếu thốn rồi mà còn đến ăn xin thì còn gì cho... chó như tôi. Thế nhưng bà chủ vội vã chạy ra quát nạt tôi và mời ông ta vào nhà với vẻ sợ hãi, lo âu. Ông này ngồi nói chuyện với bà chủ một hồi rồi ra về. Kể từ đó có nhiều người đàn ông, đàn bà, hôi hám tương tự như vậy cứ thường ghé nhà mình. Tôi vẫn cứ sủa và xua đuổi họ và bà chủ thì cứ quát nạt, ngăn cản tôi. Lạ quá, cứ theo như "công thức" cha truyền con nối của giòng họ chó của tôi thì những người ăn mặc rách rưới, dơ dáy là những người xấu, cần phải xua đuổi, còn những ai ăn mặc sang trọng là người tốt, chỉ cần sủa lấy lệ. Chính ông bà chủ trước đây cũng đã huấn luyện cho tôi điều này. Vậy mà bây giờ bà chủ không cho tôi sủa những người này. Tôi nghe bà ta gọi họ là "cán bộ"! Chắc đây là những con người có quyền thế ghê lắm. Có một lần, một thằng cán bộ đã đến nhà nói với bà chủ:
- Này chị Sương, tôi muốn chị đổi cho tôi con chó lấy sáu ký gạo được không"
Bà chủ đáp:
- Dạ không được đâu anh Tám. Tôi chỉ có một mình nó để giữ nhà.
Thằng cán bộ nói một cách đểu cáng:
- Nhà chị còn đồ đạc gì nữa đâu mà giữ! Gạo thóc bây giờ đang hiếm, đổi quách nó đi kiếm mấy ký gạo cho con ăn, có phải hơn không"
Bà chủ cố vẫn cố bảo vệ tôi:
- Dạ, anh Tám thông cảm. Con chó này nó khôn, tôi thương nó lắm!
Thằng cán bộ đưa cặp mắt nhìn tôi một cách thèm thuồng:
- Tôi khoái con này vì nó đứng hàng thứ nhì trong "nhất mực, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm"! Làm chả chìa, rựa mận thì hết ý!
À thì ra thằng cán bộ này muốn ăn thịt tôi! Nghe hắn nói như vậy, tôi tức giận run người. Tôi lừ mắt nhìn hắn rồi thừa lúc hắn không để ý, tôi phóng tới táp vào bắp chân hắn một phát. Nhưng may cho hắn, nhờ rút cẳng lại kịp nên tôi đã táp hụt, tuy vậy cũng làm hắn bị trầy da rướm máu. Bà chủ lập tức cầm cây chổi chà đập túi bụi vào người tôi và la lớn:
- Ba Tô, Ba Tô...
Cắn xong, tôi bỏ chạy ra ngoài đường. Lúc ngoái cổ nhìn lại, tôi thấy thằng cán bộ đang vén ống quần ka ki lên, để lộ khúc cẳng gầy đét ra cho bà chủ xức dầu. Sau này cũng thằng cán bộ đó lại tới nhà mình thường xuyên hơn. Mỗi lần đến, hắn lại "ăn vạ", vẻ mặt nhăn nhó, vén quần lên cho bà chủ băng bó và xức dầu! Tôi nghe bà chủ nói hắn tên là Tám Sanh, cán bộ, trưởng Ban Kinh tế mới của Phường Phước Tân. Tên Tám Sanh lại tiếp tục gạ gẫm:
- Chị đổi cho tôi con chó lấy mười ba ký gạo được không "
Bà chủ không dám từ chối thẳng nhưng bà ta lắc đầu. Tên Tám Sanh bèn nói bằng giọng giận dỗi:
- Mười ba ký gạo là cả một tháng lương thực của tôi đó. Tôi dám "chơi đẹp" với chị như vậy mà chị tiếc con chó với tôi à" Chưa nói tới cái tội nó cắn trộm tôi lần trước !
Bà chủ phải năn nỉ tên cán bộ:
- Anh Tám thông cảm cho... Em nuôi nó lâu rồi nên không muốn xa rời nó!
Lần đầu tiên tôi nghe bà chủ xưng "em" với thằng cán bộ. Tên Tám lại tiếp tục dọa dẫm:
- Đúng ra nó là con chó hung dữ, dám cắn cán bộ Phường là tôi có thể xin lệnh trên để đem nó đi... xử lý. Nể mặt chị, tôi còn để cho nó sống tới giờ này đó! Chị phải biết... điều!
Nói xong hắn móc trong túi xách ra một quyển sổ, hý hoáy viết gì đó rồi xé một tờ đưa cho bà chủ:
- Đây là giấy mời, ngày mai đúng tám giờ sáng chị phải lên phường gặp tôi để... "làm việc"! Nhà chị thuộc diện ngụy quân, ngụy quyền, có chồng đi cải tạo cho nên "được" có tên trong danh sách đi xây dựng vùng kinh tế mới. Căn nhà của chị sẽ do nhà nước quản lý!
Nghe hắn nói xong, bà chủ mặt tái mét, cắt không còn hột máu. Không hiểu "kinh tếmới" là gì mà bà chủ lại sợ đến như vậy" Bà chủ ơi, nếu đi thế được, tôi sẵn sàng đi thế cho bà! Bà có biết là tôi cảm động quá nên đã khóc không" Nước mắt của tôi đã ứa ra khi thấy bà dám liều lĩnh từ chối mười ba ký gạo của thằng cán bộ để bảo vệ tôi, cho tôi được sống! Tôi biết mười ba ký gạo, vào thời điểm đó là rất quý vì ai cũng đói dài dài. Vậy mà bà đã dám từ chối. Bây giờ nếu cần hy sinh cả tánh mạng của tôi cho gia đình bà, tôi cũng sẵn sàng!
Kể từ đó, tôi thấy thằng Tám Sanh năng lui tới nhà mình hơn. Nhìn cái điệu bộ của nó là tôi biết nó muốn... thả dê bà chủ! Tôi cũng đã từng đi "dê" nhiều rồi nên tôi biết! Thằng Tám là người nhỏ con, lùn xủn, ốm nhách như con khỉ. Đã vậy hắn còn xấu trai nữa chớ, răng thì hô, vàng khè, mặt chuột, tai dơi. Trong khi đó bà chủ là người cao lớn, xinh đẹp, đứng cao hơn thằng Tám tới nửa cái đầu! Hắn có giọng cười rất "dê" và đểu cáng, tiếng cười cứ ri rí, ri rí trong cuống họng, nghe như loài rắn rít gió vậy! Có vài lần tôi thấy thằng Tám kêu bà chủ đi "làm việc" vào ban... đêm. Thấy vậy, tôi rất là lo buồn! Nhưng thật là may khi bà chủ trở về, tôi không ngửi thấy mùi của thằng Tám! Tôi còn nhớ trước đây ông chủ đã giảng cho thằng Tý, thằng Tèo rằng loài chó có thể phân biệt được mấy ngàn mùi khác nhau và nghe được siêu âm. Đúng là như vậy đó, ông chủ. Tôi có thể ngửi một mùi, xong rồi đưa vào "bộ nhớ" của tôi là nhớ luôn tới chết cũng không quên! Tụi cán bộ có một mùi chung là dơ dáy, hôi hám nên rất dễ nhớ. Đặc biệt là trong cái mùi hôi hám đó, tôi còn ngửi thấy mùi bạc ác và bất nhân, bất nghĩa nữa! Thế cho nên khi bà chủ về nhà, tôi chỉ cần nghếch mũi lên ngửi là biết là bà ta đi đâu đó, chớ không phải đi gặp thằng Tám. Sau này, có lần ông bà chủ đã cãi lộn kịch liệt vì ông chủ nghe lời đồn là bà chủ có đi lại với thằng Tám, thế mới khổ. Thưa ông chủ, tôi xin lấy tư cách... chó ra để xác minh rằng bà chủ không hề... ngủ với thằng Tám! Tiếc là tôi không nói được tiếng người nên khi nghe ông bà chủ cãi lộn, tôi không làm sao thanh minh cho bà ta được. Tôi chỉ biết rít lên bằng tiếng chó: Oan cho bà ta lắm, tội nghiệp cho bà ta lắm, ông ơi!
Kể từ khi thằng Tám Sanh đòi ăn thịt tôi, tôi đâm ra căm thù và luôn đề phòng tụi cán bộ. Ấy vậy mà lại thêm một lần nữa tôi suýt chết vì chúng, tất cả cũng chỉ vì cái tật ham gái! Trước khi kể về tình tiết này, tôi phải kể cho các bạn về sự kiện tôi được gặp cha tôi vì nó có liên quan đến việc tôi thoát chết khỏi bàn tay của tụi cán bộ cộng sản răng hô, chuyên ăn thịt chó. Số là hôm đó tôi đang chạy rông chơi ngoài đường với thằng bạn thân cùng xóm của tôi, tên là Mi Nô. Bỗng thằng bạn gọi tôi:
- Ê, Ba Tô, cha của mày kìa!
Tôi ngạc nhiên:
- Cha của tao" Đâu nào"
Thằng Mi Nô hất mỏ về phía cuối đường, chỉ cho tôi:
- Đó, ổng đang đứng... đái đó!
Tôi nhìn theo hướng chỉ của Mi Nô thì quả nhiên thấy một "ông" chó thật to lớn, lông xám tro, tướng hùng dũng, oai phong như một con gấu, đang đứng... tè ở gốc cây me. Tướng tôi đã to con rồi mà tướng ổng còn to hơn nữa! Lúc đó tôi đang còn phân vân không biết đó có phải là cha của mình hay không, vì từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ được thấy mặt ông ta. Thấy tôi có vẻ hồ nghi, thằng Mi Nô nói:
- Cha mày có biệt hiệu là "Ki Già", tổ sư bồ đề cắn lộn ở xóm dưới đó. Bất cứ con chó nào nghe đến danh tiếng ổng đều khiếp vía, bỏ chạy!
Tuy vậy tôi vẫn còn hồ nghi:
- Cha tao lông màu xám, còn tao lông màu vàng...
Thằng Mi Nô giải thích:
- Mày có lông vàng giống mẹ mày. Còn cái tướng "gấu" của mày thì giống ổng y chang, chỉ có điều mày hơi lùn hơn ổng một chút!
Mi Nô vừa nói xong thì nhanh như một mũi tên xẹt, "ông" Ki đã phóng tới ngay trước mặt chúng tôi, đứng xoạc cẳng ra và nghếch mặt lên... kên "xì po"! Ông đưa mũi ngửi hai đứa tôi, mắt nhìn chúng tôi trừng trừng như muốn nói: "Hai thằng nhóc này ở đâu tới đây " Tại sao dám vào lãnh địa của tao " Có biết tao là ai không""
Tôi sợ quá, co rúm người lại, đuôi quặp vào giữa háng, đầu cúi gầm xuống, không dám nhìn ông. Ông Ki ngửi tôi một lát, rồi như đã nhận ra tôi, ông cất giọng ồm ồm nói:
- Thằng con của cha. Cha đã nhận ra con. Hôm nay cha sẽ truyền cho con một vài miếng võ để hộ thân. Cha biết con có cái tật ham gái, có ngày sẽ bị tụi cán bộ bắt ăn thịt! Trước hết , cha truyền cho con một miếng võ để cắn lộn, con sẽ trở thành vô địch. Đã là chó đực thì phải cắn lộn, không cắn lộn thì không phải là chó đực! Tiếp theo cha truyền cho con một miếng võ rất độc, dùng để tấn công người. Miếng võ này rất là ác hiểm, có thể làm chết người, cho nên con chỉ dùng khi nào tính mạng bị lâm nguy mà thôi!
Nói xong, ông ngửi vào đỉnh đầu của tôi. Lạ quá, tự nhiên tôi thấy người hơi tê tê, rồi cảm thấy chất "võ" nó ngấm dần vào người tôi. Một lát sau, ông ta ngừng và nói:
- Xong rồi. Vậy là từ nay con đã có hai miếng võ độc đáo để hộ thân. Thôi con hãy đi đi, chúc con nhiều may mắn!

Đúng như lời ông nói, kể từ đó tôi trở thành vô địch cắn lộn ở xóm trên. Danh tiếng Ba Tô trở nên vang lừng, không có anh chó nào dám ra mặt thách đấu. Sẵn trớn đó, tôi đi "thả dê" loạn xạ. Hầu như em nào "mướt" cũng đều phải qua tay tôi! Khi đã hưởng thụ chán những "bông hoa" trong xóm rồi, tôi nổi máu giang hồ, muốn tìm thêm của lạ. Thế là tôi bắt đầu đi rà qua xóm bên cạnh. Một hôm, đang đi lang bang trên con đường Mạnh Tử, bỗng tôi thấy một em thật là mướt. Em này thuộc giống chó Nhật, người bé nhỏ, lông trắng muốt, mũi đỏ, coi xinh xắn hết biết! Tôi bèn bang tới làm quen liền nhưng em hãi quá, chạy tọt vào trong nhà. Coi bộ em thuộc con nhà quý phái vì nhà em thật là to lớn, kín cổng cao tường. Tuy nhiên tôi vẫn không nản chí, ngày nào tôi cũng đến chầu rìa ngay trước cổng nhà em để xin tí... tình yêu! Tôi đã để lại hàng chục "lá thơ tình" bằng cách xón ra một chút nước đái ngay trước cổng. Cô nàng đã nhận được lời nhắn "anh yêu em" rồi, nên cũng ra chiều cảm động lắm lắm. Nàng cũng tỏ tình bằng ba "chữ" "Em yêu anh" ngay trước cổng. Sau khi "đọc" được "thơ" của nàng, tôi yên chí lớn và quyết tâm bám trụ, theo đuổi mục tiêu cho kỳ được. Nhìn qua khe hở hàng rào, tôi thấy cái "lá đa" của nàng ửng đỏ và trơn ướt, chứng tỏ nàng đã muốn lắm rồi! Nhưng kẹt một nỗi là nàng bị xích cả ngày, chỉ có đến chiều tối mới được người nhà dắt ra ngoài đường hóng gió đôi chút, rồi lại bị dắt về nhà xích lại! Nhà của nàng tường rào rất kín, không có cách nào chui qua lọt, còn hai cách cổng sắt thì như cánh cửa tù, lúc nào cũng đóng kín mít. Tôi có ý tìm hiểu thì được biết tên nàng là Mi Mi. Ôi cái tên thật là tình tứ và đáng yêu làm sao! Tôi vẫn kiên nhẫn bám trụ cho đến một hôm tôi bỗng thấy cái hàng rào kẽm gai nhà nàng có một lỗ hổng lớn bằng cái thau ngay sát mặt đất, thật là thuận tiện cho việc chui rào. Quái lạ, ai lại làm sẵn lỗ cho mình chui vậy" Mừng rơn, tôi vội vàng chui qua lỗ chó thì thấy ngay người yêu đang mòn mỏi chờ đợi tôi ngay trước sân nhà. Nàng bị xích vào gốc cây mãng cầu, nhác thấy tôi, nàng hí lên vô cùng mừng rỡ! Tôi phóng ngay tới bên nàng, tuôn ra hàng tràng những lời yêu đương nóng bỏng và chuẩn bị... trèo lên người nàng. Lúc ấy vì quá đam mê nên tôi đã hoàn toàn mất hết cảnh giác, quên tuốt luốt hết những lời căn dặn của cha tôi. Tôi có ngờ đâu, ngay lúc ấy, có một vài bóng đen đang từ từ tiến đến ngay sau lưng tôi. Thế rồi vụt một cái, một cái thòng lọng đã tròng vào cổ tôi, xiết chặt lại. Tôi hốt hoảng vùng vẫy thật mạnh để tẩu thoát nhưng càng vùng vẫy thì thòng lọng càng xiết chặt. Cùng lúc ấy tôi nghe nhiều tiếng nói láo nháo:
- Xong ngay, kéo nó ra sau nhà, trấn nước!
- Đ. mẹ, phải mượn con chó cái nhà thằng thượng uý Bảy để nhử nó cả tuần lễ mới được đấy!
Tôi bị lôi xềnh xệch ra phía sau nhà, cái thòng lọng xiết thật chặt làm tôi muốn ngạt thở. Thôi thế là hết, cuộc đời của tôi kể từ nay là bế mạc! Tôi đã ngửi ra mùi "cán bộ" của bọn này nhưng khi biết được thì đã quá muộn! Tôi quá hối hận vì đã không nghe theo lời khuyên của cha tôi nên bây giờ mới ra nông nỗi như vầy! Rồi bỗng nhiên tôi nhớ đến ông bà chủ, đến mấy đứa con của ông, đến các bạn bè của tôi và các "người yêu" của tôi, nước mắt của tôi tuôn ra dầm dề. Tôi đã khóc trong nỗi niềm uất ức và tuyệt vọng. Trời ơi, tôi còn yêu đời lắm, tôi chưa muốn chết! Ông bà chủ ơi, xin hãy cứu tôi. Ơn nghĩa của ông bà đối với tôi là trời là bể, là vô hạn, tôi chưa đem sức khuyển mã ra đền đáp được gì thì bây giờ tôi phải lìa đời. Đau đớn cho tôi biết chừng nào! Bọn đồ tể cán bộ lại thi nhau bàn tán:
- Để tớ đập cho nó một búa vào đầu là xong, khỏi cần trấn nước!
- Không được, đập đầu nó bị ứ huyết, ăn mất ngon. Cái đầu của nó phải nấu cháo đậu xanh mà lị!
- Phải đấy, trấn nước rồi chọc tiết. Món tiết canh là quan trọng nhất!
- Chuẩn bị nồi nước sôi nhanh lên, để cạo lông!
- Nói khẽ chứ, con chó này là của nhà mụ Sương ở đường kế bên đấy!
Trong giây phút thập tử nhất sanh đó, bỗng nhiên tôi nhớ lại toàn bộ những lời dạy của cha tôi lúc ông truyền cho tôi miếng võ để thoát thân: "Khi con bị sa vào bẫy của bọn bắt chó, tốt nhất là con hãy giả chết. Con hãy há miệng ra, thè lưỡi ra, đùn nước dãi ra, mắt trợn trừng và nằm bất động, làm như là đã chết thật rồi vậy. Làm như thế thì những thằng đánh bẫy con sẽ không đề phòng nữa, chúng nó sẽ nới taỵ Tụi nó thường dùng một khúc cây có cột sợi giây thòng lọng để bắt con. Khi bị thòng lọng siết cổ, con không nên vùng vẫy nhiều vì càng vùng vẫy, nó càng siết chặt, sẽ ngạt thở. Tiếp theo đó, con hãy rình chờ cơ hội. Nếu thằng đồ tể đang ngồi gần con, tay cầm dao hoặc búa thì con hãy táp vào tay nó thật mạnh rồi vùng lên, bỏ chạy. Nếu nó đang đứng thì hãy táp vào... dái của nó, rồi bỏ chạy. Đây là chỗ hiểm, nếu con táp trúng thì nó sẽ gục ngay tại chỗ, không thể nào rượt đuổi con được. Mấy thằng khác phải lo cấp cứu đồng bọn, con sẽ có cơ hội để tẩu thoát...." Thế là tôi liền áp dụng ngay tức khắc kế sách thoát hiểm của cha tôi... Bọn đồ tể thấy tôi thè lưỡi, sùi bọp mép, liền nhao nhao:
- Nới giây thừng ra, nó chết rồi!
- Thế cũng được, đỡ phải trấn nước!
- Nào, đưa tớ con dao lê để chọc tiết.
Một tên đồ tể ngồi xuống cạnh tôi tháo sợi giây thòng lọng ra khỏi cổ. Tôi vẫn nín thở nằm im cho hắn tháo. Tiếp theo, hắn cầm con dao lê sáng loáng chuẩn bị để cắt cổ tôi. Hắn nói với đồng bọn:
- Nắm hai chân sau của nó thật chặt, nhấc bổng lên. Hứng cái thau nhựa vào!
Đúng vào lúc này, bất thình lình tôi vùng dậy táp thật mạnh vào bàn tay cầm dao của thằng cán bộ. Hắn chỉ kịp la lên "Ối giời ơi" rồi buông dao. Theo phản ứng tự nhiên, một tên đứng bên cạnh đá mạnh vào người tôi. Bị trúng cú đá, tôi hơi loạng quạng nhưng cũng đủ kịp nhanh nhẹn phóng tới, táp luôn vào... háng của hắn một phát. Tên này ôm háng ngã lăn ngay ra đất, kêu thật lớn: "Ối giời ơi". Thế là tôi vùng lên chạy một mạch ra phía trước nhà, chui qua lỗ hàng rào, thoát về nhà. Chết hụt lần đó, tôi tởn tới già, tuyệt đối không còn dám léng phéng đến những xóm lạ, nơi có nhiều tụi cán bộ ở nữa. Nhờ vậy mà hôm nay tôi mới còn đây để kể cho các bạn nghe về cuộc đời của tôi.
Tôi nhớ sau khi ông chủ đi học "đại học" được khoảng hai năm thì lương thực bị khan hiếm quá, tôi thường xuyên bị đói thê thảm. Có nhiều ngày tôi chỉ được ăn có một bữa, gồm vài củ khoai lang hoặc khoai mì, đa số đã bị sùng hoặc bị thối. Tôi phải thường xuyên chạy rông ngoài đường, đi... bới thùng rác để "cải thiện" thêm! Đằng sau nhà mình có một khu vườn. Hồi còn lái xe jeep, ông chủ đã làm một cái hồ cá thật lớn, nuôi cá trê, cá lóc, có trồng sen và có hòn non bộ thật là đẹp. Trong vườn ông chủ trồng thật nhiều các loài hoa, như hoa hồng, hoa thược dược, hoa mười giờ. Đặc biệt tôi thích nhất là giàn hoa thiên lý và giàn bầu. Vào những ngày hè oi bức, tôi thường ra sau vườn nằm nghỉ mát dưới giàn thiên lý hoặc giàn bầu, mát rười rượi, thật là đã quá!
Nhưng về sau này, khi ông chủ đi học, bà chủ đã kêu người tới bán trọn vẹn số cá trong hồ. Toàn bộ sen đều nhổ bỏ và cái hồ cá cũng bị đập phá tan hoang. Giàn thiên lý và toàn bộ các chậu hoa trong vườn cũng bị phá bỏ. Khu vườn biến thành một mảnh đất trống và bà chủ đã nai lưng ra, cùng thằng Tèo và thằng Tí, cuốc đất lên vồng để trồng khoai lang, khoai mì! Tôi thấy tụi cán bộ thường tới nhà nói bà chủ phải "tăng gia sản xuất"! Phía sau vườn chỉ còn lại có giàn bầu nhưng thường xuyên bị khô héo vì thiếu nước. Cái máy bơm nước bà chủ cũng đem bán mất rồi! Bà ta không đủ sức gánh nước để tưới nguyên giàn bầu lẫn mười mấy luống khoai. Thằng Tèo và thằng Tí thì còn nhỏ quá cũng không giúp gì được cho mẹ. Ông chủ ơi, đói ăn vụng, túng làm càn. Tôi xin thưa thật với ông chủ là nhiều lúc đói quá, tôi cứ rình chờ con Thúy ra ngoài vườn đi... ỉa là tôi đến.... xơi tái luôn cho đỡ đói!
Phải như ông đừng có đi học "đại học" thì tôi đâu có đến nỗi thê thảm như vậy! Con Thúy lúc đó mới có ba tuổi nên nó thường ra ngoài vườn, nhờ đó mà tôi có thêm nhiều dịp để "cải thiện"! Thế nhưng vào một ngày kia, thằng cán bộ Tám Sanh đã đến tranh mất phần ăn của tôi. Số là lúc đó nó đang đứng trong vườn nói chuyện với bà chủ thì con Thúy đi ra ngoài luống khoai ngồi ỉa. Thấy vậy, tôi vội vàng bang tới, chuẩn bị để làm "nghĩa vụ lao động", thì thằng Tám Sanh trông thấy, vội la bai bải:
- Ê, ê, đừng cho con chó ăn c...!
Bà chủ còn đang lúng túng chưa biết nói gì thì thằng Tám Sanh lại nói tiếp:
- Chị kiếm cho tôi cái bọc nylon đi chị Sương...
Bà chủ kiếm cái bọc nylon đưa cho hắn và hỏi:
- Chi vậy anh"
Thằng Tám cười hì hì:
- Hốt đống cứt đó đem về trồng rau!
Nói xong hắn đưa cái bọc lại cho bà chủ và nói khéo:
- Tôi đang bận... hút thuốc. Chị hốt giùm tôi đi!
Sau khi bà chủ đưa cho hắn cái bọc... cứt, hắn lại cười giả lả và làm ra vẻ quan trọng:
- Dùng "phân bắc" để trồng rau, tăng gia sản xuất, ấy chính là chính sách của Đảng và nhà nước đấy nhé, không phải là chuyện đùa!
Thế là "khẩu phần ăn" của tôi đã bị thằng Tám tranh mất! Đến cứt người mà tụi cán bộ còn tranh mất của tôi thì thử hỏi tôi còn gì để sống! Chưa hết, sau đó thằng Tám còn nói:
- Chị hãy kiếm một cái thùng hay cái thau nhựa để đằng sau vườn. Khi nào chị mắc đái... thì đái vào đó, rồi đem nước đái đó tưới rau, cũng tốt không thua gì phân u rê! Hồi ở trong chiến khu tụi tôi thường làm như vậy. Mình phải biết "phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, khắc phục khó khăn"!!! Mấy thằng nhóc ưa đứng đái bậy ngoài đường. Nói tụi nó khi nào mắc đái thì chịu khó ra sau vườn đái vô cái thau!
Thế rồi đến năm 1980, ông chủ "tốt nghiệp đại học" trở về nhà. Lần này tôi thấy ông ốm nhom và đen thui như cột nhà cháy. Tính tình ông cũng thay đổi khánhiều. Hồi trước ông thường ca hát, yêu đời, ưa lấy xe jeep chở vợ con đi tắm biển. Còn bây giờ thì ông lầm lì ít nói, suốt ngày cứ cặm cụi ở khu vườn sau nhà để cuốc đất, trồng khoai lang, khoai mì. Cái xe jeep của ông đã biến đi đâu mất. Bây giờ thì tôi chỉ thấy ông cong lưng ra đạp xe ba gác! Kỳ lạ quá, ông đã "tốt nghiệp đại học" thì cuộc sống phải khá hơn chứ sao lại nghèo khổ hơn" Cuộc sống cứ thế mà trôi qua, tôi cứ "trường kỳ kháng chiến" với khoai lang, khoai mì, bo bo, dài dài cho đến năm 1985 mới tạm được ăn cơm trở lại. Lúc này thằng Tèo đã lớn, 20 tuổi, bị kêu đi nghĩa vụ quân sự. Nó học xong trung học, đi làm cho công ty cầu đường được hai năm thì có tên trên "bảng vàng", vinh dự trúng tuyển nghĩa vụ quân sự! Ngày nó đi, bà chủ khóc rất nhiều. Tôi cũng bịn rịn đi theo nó đến tận ủy ban nhân dân phường để đưa tiễn. Thằng Tèo là người bạn rất tốt và rất thân với tôi. Lúc còn nhỏ nó thường cỡi trên lưng tôi, giả làm cao bồi chăn bò, bắn súng miệng pằng pằng! Sau năm 1975, có nhiều lúc tôi đói thê thảm, nó đã nhịn bớt phần khoai của nó, chia cho tôi thêm vài củ. Ôi khoai lang của ông chủ con mới ngon làm sao, ngọt lịm, ăn thật là sướng! Khoai lang dành cho chó đa số là bị sùng, ăn cay xè. Còn khoai lang thối thì đầy những mối mọt. Nhưng biết nói sao, thân phận tôi là chó, chủ cho gì ăn nấy, đâu dám đòi hỏi gìnhiều.
Đến năm 1990, một hôm tôi thấy một ông ăn mặc sang trọng, cỡi chiếc xe Honda Nữ Hoàng, tới nhà tìm ông chủ. Lập tức tôi sủa và xua đuổi ông ta. Tôi đã thuộc làu bài học sau năm 1975 như vầy: ăn mặc dơ dáy, hôi hám là cán bộ, là người có quyền thế, tôi chỉ sủa dè chừng vì ông bà chủ sợ những người này. Còn ăn mặc sạch sẽ là không phải cán bộ, cứ sủa xả láng! Hai điều này hoàn toàn ngược lại với bài học tôi đã được ông bà chủ dạy hồi trước năm 1975! Thế nhưng sau đó ông chủ vội vã chạy ra quát mắng tôi. Và rồi ông ta vồn vã lên tiếng:
- Chào anh Ba Trung! Mời anh vào!
Ông Ba Trung mặc bộ quần áo Jean của Mỹ loại đắt tiền, đeo kính râm Thái Lan, đầu chải brillantine thơm lừng. Ông ta vừa dựng chiếc xe cúp Nữ Hoàng vừa nói:
- Coi chừng con chó giùm tôi. Tướng nó coi dữ dằn quá!
Ông chủ xua đuổi tôi một lần nữa rồi hai người bước vào nhà. Tôi cũng đi theo vào để... nghe lóm xem họ nói những gì! Như tôi đã kể cho các bạn hồi nãy, tôi nghe tiếng người thì hiểu hết, chỉ có cái nói thì tôi nói không được mà thôi! Chắc có lẽ vì cái lưỡi của tôi dài quá cho nên phát âm tiếng người không được" Ông chủ rót trà mời khách, đồng thời đưa gói thuốc Hoa Mai ra:
- Anh tới bất ngờ quá làm tôi chuẩn bị không kịp! Mời anh hút tạm điếu Hoa Mai!
Ông Ba Trung cầm gói thuốc Hoa Mai lên rồi lại liệng đánh phạch lên mặt bàn:
- Thuốc lá gì mà hai đầu giống nhau, không biết hút đầu nào hết!
Ông chủ tái mặt vội kêu con Thúy:
- Thúy ơi, con chạy ra đầu ngõ, quán bà Gác, mua cho ba gói thuốc cán đi....
Rồi ông hỏi ông Ba Trung:
- "Gu" của anh là loại gì"
Ba Trung đáp có vẻ sành sỏi:
- Tôi chuyên chơi loại "Ang Lê" thôi. Ba số 555 hoặc Dunhill!
Ông chủ nói với con Thúy:
- Con lấy cho ba gói Dunhill nghen. Cứ ghi sổ rồi ba sẽ ra tính tiền!
Lúc này Ba Trung mới nhập đề:
- Hồ sơ của anh tôi đã lấy số thứ tự xong rồi. Bây giờ anh phải làm thêm một số giấy tờ bổ sung nữa, sau đó sẽ chuyển vào Sở Ngoại Vụ ở Sài Gòn, khi nào có giấy báo phỏng vấn, tôi sẽ cho anh hay...
Ông chủ hỏi thăm dò:
- Chờ lâu không anh"
Ba Trung đáp lơ lửng:
- Còn tùy trường hợp nhưng chắc là phải mất cả năm...
Ông chủ lại hỏi:
- Còn cái nhà này của tôi thì sao "
Ba Trung đáp tỉnh bơ:
- Thì nhà nước... quản lý chớ làm sao! Ối dào, qua được nước Mỹ rồi thì anh mua mười cái nhà cũng được, tiếc gì căn nhà này!
Ông chủ còn đang ú ớ chưa biết nói sao thì Ba Trung tiếp tục thuyết giảng:
- Anh phải làm các loại giấy sau đây: Trước tiên là giấy... "tình nguyện" hiến nhà cho nhà nước, rồi giấy xác nhận là không có thiếu nợ nhà nước (!), giấy chứng nhận hạnh kiểm tốt (!), giấy ... "tình nguyện" đóng góp cho quỹ phúc lợi của Uy ban tỉnh, thị xã và phường, giấy cam kết với Mặt trận Tổ quốc khi làm Việt kiều hồi hương sẽ đóng góp cho quỹ xây dựng tổ quốc.... rồi giấy...
Ông chủ chới với vì hàng chục loại giấy tờ mà Ba Trung vừa kể. Ông đưa gói thuốc Dunhill ra mời:
- Thôi trăm sự nhờ anh, chớ giấy tờ của nhà nước thì tôi không rành! Không biết có hy vọng gì không anh "
Ba Trung rút một điếu Dunhill, mồi lửa, xong xuôi hắn tỉnh bơ bỏ luôn gói thuốc vào túi áo:
- Diện của anh nhà nước gọi là diện HO, tức là những người "được" học tập cải tạo từ ba năm trở lên, nhà nước "nhân đạo" cứu xét cho đi Mỹ! Thời gian học tập của anh là 5 năm sáu tháng, anh có nhiều hy vọng!
Nói xong Ba Trung đứng dậy:
- Thôi tôi đi đây, bữa sau ghé lại tôi sẽ đưa cho anh các mẫu đơn để điền. Có thắc mắc gì anh cứ nhắn với thằng Sáu Nhỏ, đệ tử của tôi, nó sẽ cho tôi hay..
A, thì ra tên đó là cán bộ! Nhưng lạ quá, sao bây giờ tụi cán bộ lại ăn mặc khác hồi trước, chơi toàn đồ Jean Mỹ, đi xe gắn máy sang trọng" Tiêu chuẩn đánh giá con người cứ thay đổi hoài hoài làm tôi cảm thấy mệt quá! Nhưng buồn nhất là tin gia đình ông chủ sắp đi Mỹ. Không biết nước Mỹ ở đâu, có xa không, ở đó có sướng không mà gia đình ông chủ nỡ bỏ căn nhà này ra đi. Ông chủ ơi, ông nỡ bỏ tôi hay sao" Tôi đã phục vụ gia đình ông được 17 năm rồi. Ông ra đi, tụi cán bộ sẽ tiếp thu căn nhà này, tụi nó sẽ bắt tôi làm thịt!

* * *

Đến năm 1993 thì cả gia đình ông chủ lên đường đi Mỹ. Trước khi đi độ một tháng, ông đã đem tôi tới chợ Xóm Mới, gởi tôi tại nhà chú Quang, em ruột của ông. Ông dặn chú Quang thật kỹ:
- Cả nhà anh đều rất thương con Ba Tô. Tiếc là anh không đem nó đi được. Chúchăm sóc nó cẩn thận giùm anh. Nó đã ở với gia đình anh suốt 20 năm nay, xa nó anh tiếc lắm!...
Ông chủ ơi, nghe ông chủ nói xong tôi cảm động quá, đã ứa nước mắt ra khóc! Phải rồi, tôi đã sống với gia đình ông chủ suốt 20 năm trời, sung sướng có mà gian khổ cũng thật nhiều. Có rất nhiều ngày tôi ôm bụng đói meo, phải đi rình ăn cứt con Thúy, hoặc đi bắt chuột ăn cho đỡ đói. Nhưng dù gian khổ thế nào đi nữa, tôi cũng không bao giờ bỏ chủ, quyết không làm cái trò "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản" như một số phường phản bội trong giới loài người. Tôi thường nghe ông chủ nói: "Khuyển mã chí tình", câu này thật rất đúng!
Hôm cả nhà ông chủ ra phi trường Nha Trang để bay vào Sài Gòn, tôi được một vinh dự rất lớn là được đi theo đưa tiễn cả nhà! Ông chủ nhờ một người bạn đạp xe ba gác, bỏ sáu cái vali lên xe và tôi cũng được lên ngồi ké để giữ đồ! Khi đến phi trường ông chủ xoa đầu tôi rồi nói:
- Ba Tô, mai mốt tao sẽ về lại thăm mày, dẫn mày đi tắm biển!
Mọi người trong nhà đều xoa đầu tôi, nói lời tạm biệt. Ai cũng ứa nước mắt, còn riêng tôi thì tôi khóc thật nhiều. Tôi biết ơn ông bà chủ là những người chủ rất tốt. Nhất là bà chủ đã quyết tâm bảo vệ tôi đến cùng khi thằng cán bộ Tám Sanh đến đòi đổi tôi lấy 13 ký gạo để về làm thịt, hồi năm 1977. Thằng Tèo bây giờ đã 28 tuổi, thằng Tý 23, con Thúy 21. Tôi đã từng đem sức khuyển mã ra làm "ngựa" cho tụi nó cỡi khi còn nhỏ. Tụi nó cỡi trên lưng tôi rồi nắm hai tai tôi giật giật làm như giây cương cỡi ngựa vậy! Tụi nó cũng rất tốt, dám san sẻ bớt phần khoai lang cho tôi khi tôi đói. Có những lúc tôi bị bệnh, bà chủ dám cho tôi uống thuốc Tylenol là loại thuốc quý hiếm vào những năm trước 1985. Tụi nhỏ đè ngửa tôi ra, chận cây đũa bếp ngang miệng, nhét viên thuốc vô và chế chút nước, tôi nuốt đánh ực, thế là xong! Thật không ngờ thân phận làm chó như tôi mà mỗi khi "cẩu thể bất an", lại được chữa bệnh bằng thuốc của Mỹ, thật là vinh dự quá, dù có chết cũng được mãn nguyện.
Ông chủ ơi, kể từ ngày gia đình ông chủ ra đi, tính đến nay đã được 5 năm, không ngày nào mà tôi không nhớ tới mọi người. Mấy ngày đầu tôi đã bỏ cơm vì quá buồn bã! Được cái chú Quang em ông cũng rất tốt. Chú dọn ổ cho tôi nằm và cho tôi ăn uống rất đầy đủ. Bây giờ tôi đã già lắm rồi, không còn lanh lẹn như hồi còn trẻ nhưng trí óc tôi vẫn còn rất sáng suốt. Ở Việt Nam bây giờ thay đổi nhiều lắm. Tụi cán bộ bây giờ ăn mặc rất sang trọng, xức nước hoa thơm lừng, chớ không phải dơ dáy hôi hám như cách đây mấy chục năm. Nhưng cái mùi bạc ác, bất nhân, bất nghĩa thì vẫn còn y nguyên, tôi vẫn còn ngửi được rất rõ qua từng thằng! Nhờ vậy mà tôi mới phân biệt được chúng với người Việt hải ngoại về chơi vì hai giới này đều ăn mặc sang trọng như nhau!
Các bạn thân mến, tôi vừa kể cho các bạn nghe về cuộc đời... chó má của tôi. Hôm nay tôi đã gần đất xa trời, không bao lâu nữa sẽ trở về với cát bụi. Tôi tự hào là đã sống xứng đáng cho ra con chó, khuyển mã chí tình, tuyệt đối trung thành với chủ. Chỉ tiếc là sau 5 năm chờ đợi mà tôi vẫn không thấy người nào trong gia đình ông chủ trở về. Con rơi con rớt của tôi thì rất nhiều, trải dài từ làng trên xuống xóm dưới. Trong số đo, tôi thương nhất là con Mi Sa, con gái tôi, sinh năm 1985. Tôi đã gặp nó và kể cho nó biết hết về "cuộc đời ái tình và sự nghiệp" của tôi. Sau khi tôi chết, nó sẽ thay mặt tôi kể tiếp cho các bạn nghe về bọn cán bộ mà nó đã từng biết, cũng như về cuộc đời làm... chó của nó. Tôi cũng đã dặn dò nó, và tất cả con đàn, cháu đống của tôi: Dù thời thế có thay đổi, đói khổ có thế nào đi nữa, thì cũng phải tâm tâm niệm một điều, là đừng bao giờ "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản". Xin chào giã biệt tất cả các bạn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.