Hôm nay,  

Chị Em Ta Biểu Tình Chống Kỳ Thị!

13/06/201000:00:00(Xem: 4858)

CHỊ EM TA BIỂU TÌNH CHỐNG KỲ THỊ!

SYDNEY: Giới chị em ta cuối tuần qua đã diễn hành trên đường phố Sydney để đòi hỏi xã hội chấm dứt những thái độ “kỳ thị gái điếm” (whore-phobic) cũng như yêu cầu được bảo vệ nhiều hơn chiếu theo luật chống kỳ thị.
Đoàn biểu tình đòi quyền bình đẳng khoảng 100 người này diễn hành từ Opera House xuyên suốt Sydney, hô hào lớn các khẩu hiệu “Quyền của người mãi dâm là nhân quyền” (sex worker rights are human rights) và “không có gái điếm xấu xa, chỉ có luật pháp xấu xa” .
Rất nhiều người cầm dù đỏ, dấu hiệu của phong trào đòi quyền sống toàn cầu của giới mãi dâm, trong lúc những người khác mặc áo thun với các khẩu hiệu “Sức Mạnh Của Gái Điếm” (Whore Power) và “Dâm Nữ Đoàn Kết Lại” (Sluts Unite).
Cô Julie Bates, một gái làng chơi với hơn 30 năm trong nghề tuyên bố: “Chúng tôi là con người, chúng tôi cũng là người bình thường như mọi người. Chúng tôi làm một công việc và chúng tôi luôn luôn bị lăng mạ, bị phỉ báng”.
Cô cũng đưa ra nhận xét rằng trong suốt hơn 30 năm qua thì thái độ của xã hội cũng chẳng thay đổi gì nhiều về những người làm việc trong ngành nghề này. Cô tuyên bố: “Vì thế, trong lúc chúng tôi vẫn liên tục bị dồn vào thế phải câm nín, hôm nay là cơ hội cho chúng tôi để nói với xã hội, để chúng tôi có thể có được tiếng nói. Điều mà chúng tôi muốn xã hội phải thấy được rằng làm việc trong kỹ nghệ mãi dâm là một công việc thật cực nhọc, và chúng tôi cũng chỉ cung cấp một dịch vụ, như bao nhiêu kỹ nghệ khác mà thôi.
Cuộc biểu tình này được tổ chức bởi Scarlet Alliance, tổ chức đại diện cho khoảng 20.000 người làm việc trong ngành mãi dâm trên toàn nước Úc. Đây là một trong một loạt những cuộc biểu tình tại mọi thành phố lớn ở Úc để kỷ niệm Ngày Gái Điếm Quốc Tế (International Whores Day) là ngày 2/6.


Tổ chức Scarlet Alliance muốn dùng dịp này để vận động với các chính phủ tiểu bang tu bổ luật lệ hiện hành về kỹ nghệ mãi dâm này.
Chiến dịch vận động này nhắm vào tiểu bang NSW, một nơi tuy vốn có mật độ cao nhất về số người làm việc trong kỹ nghệ này- khoảng 8.000 người- nhưng lại có luật chống kỳ thị yếu kém nhất so với các tiểu bang khác. Ở ACT. Queensland và Tasmania thì luật pháp bảo vệ chống kỳ thị dựa trên căn bản nghề nghiệp và những hoạt động tình dục hợp pháp, và qua đó, tạo cho những người bán dâm bị ngược đãi một phương tiện để được bảo vệ.
Những trường hợp bị kỳ thị thông thường nhất được báo cáo với Scarlet Alliance xảy ra khi làm đơn mướn nhà, mượn tiền ngân hàng hoặc làm thẻ tín dụng. Những người bán dâm cũng bị buộc phải trả tiền quảng cáo báo chí cao gấp 5 lần những người quảng cáo khác và thường gặp khó khăn khi phải tiếp xúc với cảnh sát và tòa án.
Và chuyện kỳ thị này cũng thường được thấy khi các phụ nữ bị thua kiện trong các vụ tranh chấp giành quyền nuôi con vì những quan điểm tiêu cực về nghề nghiệp của họ.
Chủ tịch Scarlet Alliance, cô Elena Jeffreys cho biết một phần của vấn nạn này bắt nguồn từ những thái độ vốn đã bắt rễ thật sâu trong chính phủ cũng như trong các công sở. Cô nói: “Họ nghĩ rằng người bán dâm không phải là một phần tử của  xã hội. Chúng tôi thực tình đã chịu không nổi nữa với những thái độ “kỳ thị gái điếm” này. Mãi dâm là một công việc đã được hợp pháp hóa và phi tội phạm hóa, các thanh lâu được điều hành một cách minh bạch và chuyên nghiệp và những người mãi dâm là những người đóng góp lớn lao cho xã hội, ấy vậy mà chúng tôi vẫn phải đối diện với sự kỳ thị này hàng ngày. Đây là một chuyện không thể nào chấp nhận được nữa và chúng tôi đòi hỏi nó phải thay đổi”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.