Góp Ý Cộng Đồng: Bầu Cử Sơ Bộ Ngày 8-6 Sẽ Nói Với Cđ Việt Tị Nạn Điều Gì"
Chu Tất Tiến
Ngày thứ Ba 8 tháng 6 tới đây, một cuộc bầu cử sơ bộ để chọn một số ứng cử viên tranh các chức vụ dân cử thuộc Liên Bang và Tiểu Bang. Cuộc bầu cử này chia làm hai phần: tranh cử trong nội bộ đảng (Partisan) để được đảng đề cử ra tranh cử với ứng cử viên của đảng khác và tranh cử các chức vụ không có tính cách đảng phái (Nonpartisan), nghĩa là ai ứng cử cũng được, và nếu thắng cử là thắng luôn, không cần phải tranh cử một lần thứ hai nữa.
Về các ứng viên tranh chức trong nội bộ đảng, có các ứng cử viên Thống Đốc (Governor), Phó Thống Đốc (Lieutenant Governor), Tổng thư Ký Tiểu Bang (Secretary of State), Kiểm soát Viên (Controller), Bộ Trưởng Tư Pháp Tiểu Bang (Attorney General), Ủy Viên Bảo Hiểm (Insurance Commissioner), Ủy Viên Thuế Vụ và Lợi Tức (State Board of Equalization). Đặc biệt là bầu lại Thượng Nghị Sĩ Liên Bang, Dân Biểu Liên Bang, Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang, và Dân Biểu Tiểu Bang. Các ứng viên này phải được đa số phiếu của các đảng viên thuộc đảng mình để được đảng chính thức đề cử ra tranh với ứng viên của đảng khác trong kỳ bầu cử toàn diện vào tháng 11 năm nay.
Về các chức vụ không cần đảng phái đề cử, có các chức vụ thẩm phán, và các chức vụ khác liên quan đến giáo dục, thư ký quận hạt và thuế vụ. Ngoài ra, còn có vài Dự Luật liên quan đến đời sống người dân như luật về thuế vụ, luật bầu cử, và bảo hiểm.
Như thế, tuy kỳ bầu cử này không mang tính chất quan trọng như cuộc bầu cử Tổng Thống, nhưng cũng tạo ra tầm vóc lớn, đặc biệt với người Việt tị nạn vì những điểm sau đây:
1- Người Việt càng ngày càng tiến sâu vào dòng chính: Không chỉ có một người Việt Nam làm Dân Biểu Tiểu Bang ở California, ngày 12 tháng 1 năm 2009, người Việt ở Texas đã phấn khởi thấy một người Việt khác đã đắc cử vẻ vang chức Dân Biểu Tiểu Bang: Dân Biểu Hubert Võ. Sau đó, Luật Sư Joseph Cao Quang Ánh cũng đã đắc cử ngày 6 tháng 12 năm 2008 tại một vị trí cao trọng trong ngành Lập Pháp Hoa Kỳ: Dân Biểu tại Hạ Viện Liên Bang. Đến ngày hôm nay, thêm một người Việt khác ra tranh chức Dân Biểu Hạ Viện Liên Bang: Dân Biểu Tiểu Bang Trần Thái Văn. Đồng thời, hai người thuộc thế hệ thứ hai, anh Nguyễn Phú và Đỗ Vinh cùng ra tranh chức Dân Biểu Tiểu Bang California. Ngoài ra, một chức vụ khá quan trọng trong ngành Hành Pháp Quận Hạt là chức vụ Thư Ký cũng có một người Việt ra tranh cử: anh Hugh Nguyễn. Tuy không ai tiên đoán được những người Việt nào sẽ thắng trong cuộc chạy đua gay cấn này, nhưng chỉ riêng sự việc có những người trẻ tham gia tích cực vào dòng chính, đã làm cho danh dự người Việt tị nạn thêm củng cố. Bất kể thắng cử hay không, những chính trị gia Hoa Kỳ phải kiêng nể người Việt tị nạn, khi thấy những lá phiếu có mang tên Nguyễn, Lê, Trần, Hoàng, Chu, Lý… Từ đó, những dự luật liên quan đến người Việt gốc Mỹ phải được nghiên cứu cẩn thận. Từ đó, những đòi hỏi chính đáng của cộng đồng Việt phải được đáp ứng một cách mạnh mẽ. Các chính trị gia Mỹ phải luôn quan tâm đến sinh hoạt của cộng đồng Việt nếu không muốn mất phiếu và thất cử.
2- Ghi danh thì nhiều, đi bầu thì ít: Để được đắc cử, các ứng viên Việt Nam cần có thêm những lá phiếu của người Mỹ và các cộng đồng bạn, vì tình hình chung thực tế cho thấy, chỉ một phần nào dân Mỹ, Mễ, và các cộng đồng thiểu số đi bầu. Tỷ lệ đi bầu ít khi cao hơn 80%. Thường thì với những cuộc bầu cử quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống dân Mỹ như bầu Tổng Thống cũng chỉ có 60 – 70%. Riêng với người Việt gốc Mỹ thì nếu được trên 50% là thắng lợi lớn. Như ở quận Cam, theo thống kê năm 2006, có tới 135.548 người, nhưng số người đi bầu, kể cả phiếu ủy quyền, chưa thấy đếm tới một nửa dân số đó, tức là 65,000 phiếu. Trong cuộc bầu cử chức vụ Giám Sát Viên Quận Cam, tổng số phiếu bầu cho cả hai ứng cử viên Việt chưa tới 50,000 phiếu. Đó là kể cả người Mỹ và Mễ đã bầu cho hai ứng cử viên này. Vậy, trong tương lai, nếu muốn có người Việt đắc cử vào dòng chính cao cấp, người Việt phải chịu khó đi bầu đông hơn. Trường hợp vì bận công việc, nên dùng phiếu ủy quyền, thì vẫn có thể ở nhà mà lá phiếu bầu của mình đã được trân trọng bỏ vào thùng. Đi bầu chính là sự thụ hưởng một cách trân trọng Quyền Tự Do phát biểu của mỗi người dân Mỹ, một quyền mà tại đất nước Việt Nam, người dân tha thiết mong mỏi mà không có, mặc dù có khi phải đổi cả sinh mạng mình.