Hôm nay,  

Giỗ Tổ Và Đền Hùng

28/03/201000:00:00(Xem: 2862)

Giỗ Tổ và Đền Hùng - Hồ Đình Chữ

LGT: Mỗi năm, đến tháng 3 âm lịch, dù ở bất cứ nơi đâu, người Việt yêu nước đều nhớ đến ngày Giỗ Tổ trong tâm niệm đầy ân nghĩa: "cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông". Cũng trong tâm niệm đó, xuyên suốt lịch sử 4000 năm, dù trong bất cứ triều đại phong kiến nào, người Việt cũng long trọng tổ chức ngày Giỗ Tổ. Thậm chí, ngay cả khi bị Tàu, Pháp đô hộ, hay trong những năm tháng chiến tranh, khởi nghĩa, chống lại sự đô hộ của Tàu, Pháp, nghi lễ Giỗ Tổ vẫn được người Việt tổ chức một cách trang nghiêm trên khắp mọi miền đất nước, cũng như tại hải ngoại. Sau năm 1954, đất nước bị chia đôi, tại Miền Nam tự do, dù bị Việt cộng gieo rắc chiến tranh xâm lăng trên khắp mọi vùng từ thành thị đến thôn quê, ngày Giỗ Tổ vẫn được chính quyền từ trung ương phủ bộ các cấp, cho đến các tỉnh huyện, làng xóm,... long trọng tổ chức với sự tham dự đông đảo của quân dân cán chính, nam phụ lão ấu. Trái lại, tại Miền Bắc, với chủ nghĩa cộng sản tam vô, chế độ VC đã không những không hề tổ chức ngày Giỗ Tổ, chúng còn cấm đoán hoặc ngăn cản mọi hình thức giỗ chạp, lễ lậy, dù là tôn giáo hay phong tục tập quán gia đình. Ngoại trừ một số nơi được VC dùng để tuyên truyền, còn lại hầu hết các chùa chiền, nhà thờ, đình miếu, các nơi thờ phụng, bao gồm cả Đền Hùng, đều bị VC thẳng tay tàn phá, trưng dụng làm kho đụn cho nhà nước, hoặc bị cấm sửa sang, cấm bảo trì, cấm hương khói trong suốt nửa thế kỷ qua.
Tuy nhiên, trong khoảng trên dưới một thập niên trở lại đây, trước những biến chuyển của thời cuộc thế giới và trong nước, VC đã khôn ngoan và xảo quyệt đưa ra những chính sách buôn thần, bán thánh, để một mặt bòn rút tiền bạc của dân, của ngoại quốc; một mặt giả nhân giả nghĩa, che đậy bỏ bộ mặt tam vô của chế độ. Trong chiều hướng này, VC đã xảo quyệt cho tân trang Đền Hùng, đồng thời cho tổ chức thật long trọng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, để thu hút người Việt trong và ngoài nước, đồng thời đánh bóng cho chế độ, ngỏ hầu che giấu bản chất bán nước, làm nô lệ cho Tàu cộng của VC. Ngoài ra, VC cũng bí mật giật dây cho một số bồi bút của chế độ, viết bài, viết sách để bề ngoài ca ngợi ngày Giỗ Tổ, ca ngợi Đền Hùng, nhưng thực chất bên trong là gián tiếp ca ngợi chế độ VC, nhằm tạo cho người đọc ấn tượng "VC cũng là những người biết uống nước nhớ nguồn".
Là những người Việt tỵ nạn cộng sản, lại được may mắn sống trong các quốc gia tự do dân chủ suốt mấy chục năm qua, chúng ta hiểu rõ bản chất thối nát tam vô của VC hơn ai hết. Vì vậy, mỗi khi tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hay viết sách, ra mắt sách có liên quan đến Giỗ Tổ và Đền Hùng, chúng ta phải có bổn phận làm sáng tỏ những sự thật quan trọng này, để mọi người, nhất là giới trẻ VN hải ngoại, biết phân biệt được, cũng tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, cũng viết sách về Đền Hùng, nhưng người Việt yêu nước làm là xuất phát từ sự thành tâm, thành ý; còn VC làm là để bòn rút tiền bạc của dân, để tuyên truyền cho chế độ và che giấu bản chất bán nước, nô lệ cho Tàu cộng của chúng.
Trong tinh thần minh bạch và niềm hy vọng tha thiết đó, sau đây Sàigòn Times xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần "Giỗ Tổ và Đền Hùng", trích trong tác phẩm "Tìm Hiểu Thần Thoại Và Cổ Tích Thời Hùng Vương", của Giáo Sư Tiến Sĩ Hồ Đình Chữ, một người đã thành tâm thành ý đóng góp nhiều công lao cho văn hóa Việt tại Miền Nam trước 1975, cũng như tại hải ngoại sau 1975, nhân dịp tác phẩm của GS được phát hành vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010, tại Trung Tâm VH&SH Cộng Đồng. (Bài và hình ảnh cùng phụ chú là do tác giả cung cấp)

*

Trong tác phẩm Việt Nam và Cội Nguồn Trăm Họ, Bùi Văn Nguyên đã viết "Theo quyển Bách Việt Ngọc Phả Truyền Thư tại nhà thờ họ Nguyễn gốc ở thôn Vân Lôi thuộc đất cố đô cổ ở Phong Châu, nay là làng Vân Nội ở huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây, thì vị Hoàng Đế họ Phục Hy đã có công khai sáng đất nước ta từ buổi đầu ở vùng rừng núi phía Tây dãy núi Ba Vì (tức là dãy núi Tản Viên), tính đến thời đại chúng ta, đã trên 7000 năm". Phục Hy Đế Thiên truyền ngôi cho Thần Nông Đế Thần, Thần Nông truyền cho Đế Triết rồi Đế Triết truyền cho Đế Thừa. Đế Thừa sinh Đế Minh, Đế Nghi, Long Cảnh giao cho Đế Nghi cai quản phía Bắc Trường Giang, Đế Minh cai quản phía Nam Trường Giang. Lộc Tục Kinh Dương Vương là vị vua đầu tiên được vua cha Đế Minh truyền ngôi cho cai quản vùng đất Cổ Nam có quốc hiệu là Xích Quỷ, trong khi Đế Nghi cai quản vùng đất Cổ Bắc và về sau đến đời Đế Du Võng đất Cổ Bắc bị mất vào tay Hoàng Đế Hiên Viên, con cháu của Phục Hy, Thần Nông ở Cổ Bắc bị Hán hoá... Kinh Dương Vương truyền ngôi cho Sùng Lãm Lạc Long Quân, Lạc Long Quân truyền ngôi cho Hùng Quốc Vương Lân. Theo Bùi Văn Nguyên, Hùng Quốc Vương là vị vua đứng đầu các vua Hùng trong 18 ngành (thập bát diệp) gồm 118 đời vua được thờ ở Đền Hùng trên núi Hy Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trên bàn thờ tổ, ở giữa là bài vị vua Hùng Quốc Vương được truy tặng là Khai Quốc Hồng Đồ Đột Ngột Cao Sơn, gọi tắt là Đột Ngột Cao Sơn. Bên trái bài vị Quốc Vương là bài vị con trưởng của Quốc Vương là Hùng Việp (hoặc Diệp) Vương, huý là Bảo Lang được truy tặng là Viễn Sơn Thánh Vương. Bên phải bài vị Quốc Vương, là bài vị Hùng Hy Vương huý là Viên Lang, con trưởng của Việp Vương tức cháu trưởng của Hùng Quốc Vương. Hùng Hy Vương được truy tặng là Ất Sơn Thánh Vương. Ba bài vị trên là ba vua Hùng đứng đầu 118 vua Hùng họ Hồng Bàng của dân tộc Việt Nam.
Ngôi mộ vua Hùng ở Đền Hùng là ngôi mộ tượng trưng cho cả ba vị Vua Hùng. Mộ thật của Hùng Quốc Vương và các vị Đế Thừa Sở Minh Công, Đế Minh Nguyễn Minh Khiết, Lộc Tục Kinh Dương Vương, đều ở động Hoa Cái thuộc Nghĩa Lĩnh, thôn Cổ Lôi, tức là Vân Lôi (nay là Vân Nội) thuộc huyện Thanh Oai, Hà Tây. Mộ của bà Vụ Tiên Đỗ Đoan Trang, mẹ của Kinh Dương Vương ở tại ngôi chùa Bà La Môn Đại Lôi Âm Tự và ngôi chùa Đại Bi do Kinh Dương xây dựng để mẹ tu hành, tất cả đều đã bị phá huỷ, hiện nay ở cạnh đường cái Ba la bông, ở Bình Đà (1). Theo Vũ Kim Biên, ở Đền Thượng "vua Hùng lập miếu thờ Trời "Kính Thiên Lĩnh Điện" thờ ba ngọn núi thiêng là Đột Ngột Cao Sơn (núi Hùng), Áp Sơn (núi Trọc), Viễn Sơn (núi Vặn), thờ Thần Lúa (có mảnh võ trấu bằng chiếc thuyền thúng mới mất trong khoảng kháng chiến chống Pháp), thờ Thánh Gióng là tướng Nhà Trời giúp đuổi giặc Ân"(2).
Trong tác phẩm Thời Hùng Vương Và Bí Ẩn Lục Thập Hoa Giáp, Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã giải thích ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3 như sau:
"... Ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 là con số của trung cung Hà Đồ tức là ngôi Hoàng cực. Tháng 3 là tháng Thìn (tượng là Rồng) biểu tượng của Hoàng Đế Lạc Long Quân (Giống Rồng) chính là tháng 5 kể từ tháng Tí (tháng 11 Âm lịch năm trước). (3)
Thực ra, theo hai tấm bia đá trên Đền Thượng Đền Hùng thì quốc Giỗ Tổ Hùng Vương thường là vào mùa thu, chọn vào ngày tốt. Đến năm 1917, tức là năm Khải Định thứ 2, mới được định vào ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm. Tấm bia đá thứ nhất là "Hùng Vương Điển Lệ Bi" do Hội đồng Kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập năm Khải Định thứ 8, tức là năm 1923, gồm hai phần:
Phần thứ nhất chép lại công văn của bộ Lễ, ngày 25-7-1917, tức là năm Khải Định thứ nhất, gửi tỉnh Phú Thọ: "Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao, có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày 11 tháng 3, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng, sự thể nầy dẫn tới chỗ thường hứng bất kỳ, hội  họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi...


Vì thế nay cẩn trọng định lại rằng, từ nay về sau lấy ngày mồng 10 tháng 3, lấy tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày Hội Tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái."
Phần thứ hai quy định nghi lễ kỷ niệm hàng năm: "Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc lễ tại Miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3. Chiều ngày mồng 9 tháng 3 hàng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh cùng các quan viên trong các phủ huyện của tỉnh đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau tới miếu kính tế."
Tấm bia đá thứ hai là bia "Hùng Vương Từ Khảo" do quan Tham Tri Bùi Ngọc Hoàn - Tuần phủ tỉnh Phú Thọ lập năm Bảo Đại thứ 15, tức là năm 1940, cũng đặt ở Đền Thượng, ghi rằng: "Trước đây ngày quốc lễ lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ 2, tức năm 1917, Tuần Phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày quốc lễ, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ 11 tháng 3 do dân sở tại làm lễ"(4). Và ca dao Việt Nam, từ đó có những câu:
Dù ai đi gần về xa,
Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng ba mồng mười.
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba.

Tháng giêng giỗ Thánh Sóc Sơn,
Tháng ba giỗ Tổ Hùng Vương nhớ về.
Từ năm Khải Định thứ 2, 1917 trở về xưa trước, lễ giỗ tổ Hùng Vương đã được tổ chức vào mùa thu, nhưng từ năm 1917 trở đi, được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 và được thực hiện là ngày Quốc lễ. Nhân dân các địa phương các tỉnh trong nước đều tổ chức lễ này. Riêng tại đền thờ chính ở trên núi Nghĩa Lĩnh, rừng Hy Cương, thôn Cổ Tích, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, đúng vào ngày Quốc lễ này, triều đình đều có cử đại thần đến làm chủ tế.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 4, Tỉnh Sơn Tây, chép Núi Hùng Vương "ở xã Hy Cương cách huyện Sơn Vi 12 dặm về phía Đông, cũng gọi là núi Hy Cương, lại gọi là núi Bảo Thứu, hình thế tròn trĩnh, xanh tốt lạ thường. Xưa vua Hùng Vương dựng cung điện ở đây, nay trên núi có miếu Hùng Vương, bên cạnh miếu có hai cột đá, lại có chùa Thiên Quang (4).
Sau đây là sơ lược quang cảnh đền Hùng: Núi Nghĩa Lĩnh còn được gọi là Núi Hùng có dáng rồng vươn về phương Nam. Đứng trên đỉnh nhìn ra phía trước là Ngã Ba Hạc, nhìn về phía Đông là dãy núi Tam Đảo. Về phía Nam là núi Cánh Phượng, chính là núi Ba Vì, còn gọi là núi Tản Viên, thuộc tỉnh Sơn Tây. Giữa hai cánh núi hùng vĩ ấy là hai dòng sông Lô và sông Thao, nước cuồn cuộn chảy và gặp nhau ở Bạch Hạc, cố đô Phong Châu đối diện với thành phố Việt Trì rất ngoạn mục.
Cổng Đại Môn uy nghi, trên cao có bức đại tự "Cao Sơn Cảnh Hàng" (Núi cao đường lớn), hai bên có hai câu đối:
Thác thuỷ khai cơ tứ cố sơn hà quy bản tịch,
Đăng cao viễn vọng quần phong la liệt tự nhi tôn
  
(Mở lối đắp nền bốn mặt non sông quy một mối
Lên cao nhìn rộng nghìn trùng đồi núi tựa đàn con)
Vượt 225 bậc xi măng, chúng ta tới Đền Hạ ở độ cao 80 mét. Tương truyền rằng Đền Hạ là nơi Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm con. Hiện nay, Đền Hạ vẫn còn thờ hai hòn đá tròn, đường kính khoảng 40cm đặt giữa các long ngai, tượng trưng cho bọc trăm trứng của bà Âu Cơ. Vượt thêm 168 bậc nữa là tới Đền Trung ở độ cao 120 mét. Đền Trung thờ phụng các vua Hùng và dòng dõi, có cả bệ thờ công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa. Theo tương truyền, Đền Trung là nơi các vua Hùng và Lạc Hầu thường đi lại ngắm cảnh và bàn việc nước với các Lạc Tướng. Chính nơi đây Lang Liêu đã dâng kiến vua cha những chiếc bánh chưng, bánh dầy do mình làm ra. Về sau vua Hùng Vương thứ sáu đã truyền ngôi cho Lang Liêu cũng tại nơi này. Đền Trung còn được coi là một trung tâm của nước Văn Lang thuở trước.
Gian giữa Đền Trung treo bức đại tự: Hùng Vương Tổ Miếu (Miếu thờ Tổ Hùng Vương).
Gian bên phải treo bức: Tiên Tổ Nam bang (Tổ muôn đời của nước Nam).
Gian bên trái treo bức: Hùng Vương linh tích (Vết tích linh thiêng của Vua Hùng).
Lại vượt 102 bậc nữa là chúng ta lên tới Đền Thượng ở độ cao 175 mét. Trước đền, chếch về phía bên phải có cột đá cao trên 1 mét, đường kính khoảng 30cm, theo truyền thuyết là cột đá thề. Thục An Dương Vương khi lên ngôi vua, trước vong linh tiên tổ đã thề trọn đời giữ gìn giang sơn của vua Hùng. Đền Thượng xây bốn nếp nhà liên hoàn theo bốn cấp cao dần, gồm: nhà chuông trống, nhà Đại Bái, nhà Tiền tế, Cung Thờ... Từ Đền Thượng, phóng tầm mắt về phía trước, chúng ta chiêm ngưỡng được 99 ngọn núi lớn nhỏ, hình dáng giống bầy voi quỳ hướng về núi mẹ là Nghĩa Lĩnh uy nghiêm.
Trở xuống Đền Hạ, chếch về phía Đông là Đền Giếng. Từ Đền Hạ xuống đến Đền Giếng có 44 bậc cấp. Trong Đền có giếng Ngọc, tục truyền xưa kia hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương thứ 18, hằng ngày tới ngồi trên miệng giếng soi bóng mình để chải tóc và vấn khăn. Giếng sâu 2m 50, mức nước thường xuyên trên 1m, đường kính của giếng 90cm. (6).
Lễ Giỗ Tổ hàng năm cũng là ngày hội. Ba làng sở tại là Cổ Tích, Vi (Vi Cương), Trẹo (Triệu Phú) cùng tổ chức đám rước tới đền. Những năm được mùa, các làng Chu Hoà, Sơn Vi, Do Nghĩa, Trung Đức, An Thái, Diễm Lâu, Tiệm Cát, có khoảng trên 40 làng ở vùng lân cận và bên kia sông Lô cũng nô nức rước ngai thờ của làng về dự lễ. Tất cả đều được đặt ở chân núi để chấm giải. Kiệu nào nhất thì lần sau được rước lên Đền Thượng. Kiệu được rước lên kỳ này đã chiếm giải nhất ở kỳ trước. Được thay mặt cả đoàn kiệu đứng tế Tổ rước lên Đền Thượng là rất vinh dự. Lễ vật thì mỗi làng một loại cỗ. Riêng làng Cổ Tích, ngoài hoa quả, bánh chưng, bánh dầy, còn có tục lệ dâng ba loại xôi màu trắng, đỏ, tím nhằm mục đích nhắc lại những giống lúa khác nhau được trồng từ thời vua Hùng dựng nước. Ngoài ra còn có lễ đánh trống đồng ở Đền Thượng, lễ đốt đuốc ở đền Hạ. Trong ngày hội này cũng có đám rước diễn lại trận đánh giặc Ân và chiến thắng của Thánh Dóng.
Sau khi tế lễ ở Đền Thượng, bên ngoài sân Đền Hạ có những trò chơi vui và hồn nhiên như trò đu tiên của những thiếu nữ Mường thật duyên dáng, ăn mặc tuyệt đẹp. Các thiếu nữ đu quay như guồng nước chảy. Các cô vừa đu vừa hát: Này lên! Này lên! Này lên! Lên non Cổ Tích, lên đền Hùng Vương...
Còn có nhiều cuộc chơi truyền thống khác như ném còn, bắn nỏ, đấu vật, chơi cờ, múa kiếm, múa rối... Xưa kia, người Mường còn biểu diễn trống, đâm trống đồng Chàm Thau, do năm thanh niên biểu diễn và lối giã gạo chàm đuống do các thiếu nữ trình tấu (7).

CHÚ THÍCH
(1) Bùi Văn Nguyên. Việt Nam Và Cội Nguồn Trăm Họ, trg. 21, trg 108.
(2) Vũ Kim Biên. Giới Thiệu Khu Di Tích Lịch Sử Đền Hùng, trg. 6. Văn Hoá Thông Tin Phú Thọ 2004.
(3) Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Thời Hùng Vương Và Bí Ẩn Lục Thập Hoa Giáp, trg. 136. Văn Hoá Thông Tin 1997.
(4) Nguyễn Xuân Khoan. Khởi Thảo Kinh Thư Việt Nam, trg. 53-54. Lạc Việt 2005.
(5) Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập 4, trg. 217. Thuận Hoá 1992.
(6) Phạm Côn Sơn. Văn Hoá Phong Tục Việt Nam, trg.442-444, trg. 447-448. Văn Hoá Dân Tộc 2002. Lưu Minh Trị. Danh Thắng, Di Tích Và Lễ Hội Truyền Thống Việt Nam, trg. 512-514, trg. 550-553. Hội Bảo Tàng Di Sản Văn Hoá Thăng Long 2004. Vũ Kim Biên. Giới Thiệu Khu Di Tích Lịch Sử Đền Hùng, trg. 6-10, trg48-50. Văn Hoá Thông Tin Phú Thọ 2004. Soạn giả khảo sát điền dã tháng 3 năm 2005.
(7) Vũ Ngọc Khánh. Đền Miếu Việt Nam trg. 22-28. Thanh Niên 2007.

Ý kiến bạn đọc
06/12/201522:43:03
Khách
Ngày 18/2/1946, hơn 5 tháng sau ngày đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 22 CNV/CC cho công chức cả nước được nghỉ ngày Giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ tổ tiên. Ngày 18/9/1954, trước Đền Hạ thuộc Đền Hùng, Phú Thọ, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”! Lời Bác dạy không chỉ đối với quân đội, mà còn đối với toàn Đảng, toàn dân. Ngày nay, càng suy ngẫm lời Bác, chúng ta càng thấm thía tâm huyết của Người đối với đất nước và dân tộc, càng thấy tầm nhìn xa trông rộng của vị lãnh tụ thiên tài!
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.