Hôm nay,  

Tội Ác: Cô Ueta Miyuki, Thủ Phạm Của 6 Vụ Án Bí Ẩn

21/03/201000:00:00(Xem: 4514)

Tội ác: Cô Ueta Miyuki, thủ phạm của 6 vụ án Bí Ẩn - Vũ Hải

Vào ngày 5/3/2010 vừa qua, tin tức về cuộc thẩm vấn nữ nghi phạm Ueta Miyuki (36 tuổi) tại Viện Công Tố tỉnh Tottori đã thu hút toàn bộ sự quan tâm của giới truyền thông và dư luận Nhật Bản. Từ khoảng 7 giờ sáng cùng ngày, hơn 70 phóng viên ký giả của giới báo chí, truyền thanh và truyền hình đã đứng chờ trước sở cảnh sát tỉnh Tottori, nơi giam giữ nghi phạm Ueta Miyuki đang bị điều tra về tội danh lường gạt tiền bạc, cướp đoạt tài sản và giết hại 3 người đàn ông trung niên cũng như có liên quan đến 3 vụ án sát nhân khác. Sau đó khoảng 2 tiếng đồng hồ, Ueda Miyuki được các nhân viên cảnh sát áp tải lên chiếc xe Wagon màu trắng để đi đến Viện Công Tố Tottori. Với thân hình đẫy đà không khác gì lúc trước khi bị bắt, Ueta Miyuki xuất hiện trong bộ quần áo màu đen, hai tay bị còng, đầu cúi gầm xuống, tỏ vẻ trầm ngâm.
Tính đến thời điểm hiện tại, tức trải qua hơn ba tháng kể từ khi bị bắt giam vào ngày 2/11/2009, Ueta Miyuki vẫn giữ thái độ im lặng hoặc phủ nhận tội trạng trong mọi cuộc thẩm vấn của phía cảnh sát và công tố viên khiến vụ án càng trở nên phức tạp với nhiều điểm nghi vấn chồng chất. Tuy nhiên, dựa vào kết quả điều tra lý lịch của các nạn nhân, nhà chức trách tỉnh Tottori vẫn có thể suy đoán được động cơ gây án qua mối liên hệ về tiền bạc giữa họ và nghi phạm Ueta Miyuki.
Đây là vụ án sát nhân gây chấn động dư luận Nhật Bản trong năm qua, được giới truyền thông xứ Phù Tang gọi là “Tottri Renzoku Fushinshi Jiken” (vụ án của hàng loạt cái chết khả nghi liên tục tại Tottori) với những diễn tiến ly kỳ và nhiều tình tiết bí ẩn về tình trạng tử vong của các nạn nhân.
Tottori là một đơn vị hành chính có dân số ít nhất trong số 47 tỉnh của Nhật Bản với khoảng 590.430 cư dân và nhiều danh lam thắng cảnh như núi Đại Sơn (Daisen) hoặc hồ Hồ Sơn (Koyama) nhưng nổi tiếng nhất chính là đồi cát Tottori (Tottori Shakyu) trải dài theo ven biển. Vốn được thiên nhiên ưu đãi về địa thế với phía Bắc tiếp giáp biển Nhật Bản (Nihon Kai) và ba mặt còn lại nằm trong vùng Tứ Quốc (Shikoku) với nhiều dãy núi trùng điệp xen giữa những khu vực đồng bằng phì nhiêu, nên Tottori còn là một địa điểm kinh tế trù phú về nông, lâm, ngư nghiệp và ngành du lịch. Trong khung cảnh thanh bình với cuộc sống hiền hòa, hiếu khách của người dân nơi đây thì đột nhiên Tottori lại trở thành một địa danh được dư luận toàn quốc chú ý đặc biệt và đề cập thường xuyên về tình trạng tử vong đầy bí ẩn của 3 người đàn ông xảy ra liên tục từ tháng 4/2009 đến tháng 10/2009.
Đầu tiên, vào ngày 11/4/2009, xác chết của người đàn ông làm nghề lái xe vận tải tên Yabe Kazumi (đương thời 47 tuổi) được một ngư dân vớt rong phát hiện tại vùng biển Nihon Kai tiếp giáp với quận Hokuei Cho, đã khiến cho nhà chức trách Tottori nghi ngờ đây là một vụ mưu sát vì tuy nạn nhân được coi như qua đời vì tình trạng chết đuối nhưng trong hai lá phổi lại chứa đầy cát và trên người còn để lại những vết thương. Từ đó, phía cảnh sát đi đến kết luận rằng nạn nhân bị đánh đập nhiều lần và tắt thở trước khi bị nhận chìm xuống biển. Trước đó khoảng một tuần, thân nhân của ông Kazumi từng đến sở cảnh sát địa phương trình báo về việc ông đột nhiên bị mất tích.
Kế đến, tử thi của người đàn ông tên Maruyama Hideki (đương thời 57 tuổi) được tìm thấy vào ngày 7/10/2009 tại con sông Mani trong thành phố Tottori lại càng gia tăng mối hoài nghi của cảnh sát về sự liên hệ với vụ án trước đó qua suy đoán đây là một vụ án giết người hàng loạt có cùng thủ phạm. Bởi vì thi thể của ông Hideki cũng được phát hiện trong tình trạng bí ẩn với tư thế nằm úp mặt ở mực nước chỉ cao khoảng 20cm trong khi kết quả khám nghiệm pháp y chứng tỏ ông bị chết vì ngộp thở. Ngoài ra, trên khuôn mặt của ông Hideki cũng có những vết thương cho thấy ông bị đánh nhiều cú rất mạnh. Hơn nữa, trên cơ thể của ông Hideki còn để lại nhiều vết trầy trụa đã giúp cho cảnh sát có dữ kiện để suy luận được thủ pháp giết người của hung thủ. Đó là sau khi đánh vào mặt ông Hideki rồi bóp cổ cho ông tắt thở, hung thủ đã cố gắng lôi kéo và nhận chìm nạn nhân xuống đáy sông nhưng không hiểu vì lý do nào đó thi hài của ông Hideki lại nổi lên nơi vùng đất cạn.
Theo lời khai của gia đình nạn nhân thì ông Hideki làm nghề thợ điện và buôn bán các sản phẩm đồ điện gia dụng. Vào buổi sáng ngày 6/10/2009, tức đúng một ngày trước khi phát hiện vụ án, ông Hideki đã nhận được cú điện thoại từ máy di động rồi nói với người thân rằng ông đi thu tiền xong sẽ trở về nhà. Từ chi tiết quan trọng này, cảnh sát nhanh chóng tiến hành cuộc điều tra và biết được ông Hideki đi thu món tiền lên đến gần 1 triệu yen (khoảng 10 ngàn mỹ kim) về khoản phí tổn vật liệu đồ điện gia dụng mà ông ứng trước để lắp ráp tại căn phòng của người đàn ông tên Ando (46 tuổi) ở một khu chung cư trong thành phố Tottori. Ando chính là tình nhân của nữ nghi phạm Ueta Miyuki và tuy có địa chỉ ở ngay bên cạnh phòng của Miyuki nhưng trên thực tế họ đã chung sống với nhau từ lâu. Qua đầu mối này, cảnh sát bắt đầu “dòm ngó” đến Miyuki, bởi vì cô cũng là người quen biết với hai nạn nhân Hideki và Yabe Kazumi.
Tiếp đến là cái chết của nạn nhân thứ ba tên Taguchi Kazumi (đương thời 58 tuổi) được phát hiện vào ngày 27/10/2009 tại phòng riêng trong cùng khu chung cư với Miyuki. Theo lời khai của người chủ khu chưng cư này, ông Taguchi Kazumi bị chứng tai biến mạch máu não từ tháng 6/2009 nên không còn khả năng làm việc, sau đó hai tháng ông được nhận tiền trợ cấp sinh hoạt. Đồng thời, cũng có người từng nhìn thấy Miyuki mang thức ăn đến phòng ông Taguchi Kazumi nhiều lần cũng như từng chứng kiến cảnh cãi vã gây gổ giữa hai người vì những chuyện bất hòa trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, Miyuki bảo với người chủ nhà rằng: “Ông Taguchi Kazumi rất đau khổ vì tình trạng cơ thể bất động nên muốn được chết sớm”.
Cuối cùng, sau khi tổng hợp kết quả điều tra về ba cái chết đầy nghi vấn của các nạn nhân, phía cảnh sát đã tìm được một điểm chung là trong di thể của họ đều có chứa một lượng thuốc ngủ và thuốc cảm đáng kể. Hơn nữa cả ba nạn nhân đều có liên hệ trực tiếp đến Miyuki và tình nhân Ando của cô nên hai người bị đặt vào danh sách nghi phạm hàng đầu của cảnh sát. Tuy nhiên, ở vào thời điểm này cảnh sát vẫn chưa nắm được những chứng cớ cụ thể để xin trát tòa bắt giữ cặp tình nhân Miyuki- Ando nên đành nhẫn nhịn chờ đợi cơ hội.
May mắn là ngay sau đó, các nhân viên trong ban điều tra vụ án “những cái chết khả nghi liên tục tại Tottori” tình cờ phát hiện được một vụ lường gạt tiền bạc do Miyuki chủ mưu. Đó là sự kiện Miyuki thông đồng cùng người con trai của một phụ nữ 57 tuổi để đoạt lấy số tiền 1 triệu 260 ngàn yen của bà ta. Miyuki đã đến gặp phụ nữ này và nói rằng: “Con trai của bà đang mắc nợ một tổ chức xã hội đen 1 triệu 460 ngàn yen nên nhờ tôi giúp đỡ trả nợ. Do là chỗ quen thân nên tôi chỉ giúp được 200 ngàn yen, còn lại số tiền 1 triệu 260 ngàn yen thì bà hãy tự lo liệu”. Sau đó, Miyuki đưa cho phụ nữ này 200 ngàn yen tiền mặt rồi bảo bà làm thủ tục gửi tất cả số tiền 1 triệu 460 ngàn yen vào trương mục của con trai bà ta. Cuối cùng, sự kiện bị phát giác và lực lượng cảnh sát thành phố Tottori đã bắt giữ Miyuki cùng Ando với tội danh lường gạt tiền bạc vào ngày 2/11/2009.


Mặt khác, qua kết quả khám xét căn phòng của Miyuki cùng Ando trong ngày 4/11/2009 cảnh sát còn tìm được nhiều bằng chứng cho thấy cặp tình nhân mưu mô xảo quyệt này chuyên nhắm vào đối tượng là những người cao niên hoặc nhẹ dạ để làm tiền và từng đồng mưu với nhau gây ra hàng loạt vụ lường gạt tiền bạc trong quá khứ. Do đó, qua quá trình thu thập chứng cớ tính đến ngày 13/1/2010 phía Viện Công Tố Tottori đã truy tố Miyuki lẫn Ando đến 4 lần với cùng tội danh lường gạt. Trên thực tế, những vụ truy tố về tội danh lường gạt của Miyuki và Ando chỉ là bề nổi của sự kiện để cảnh sát có thêm thời gian thành lập chứng cớ cáo buộc Miyuki về những cái chết bí ẩn của ba người đàn ông nhằm làm sáng tỏ vụ án. Thế nhưng, ngoài thái độ im lặng, Miyuki vẫn một mực khai rằng: “Hoàn toàn không liên can và không hay biết về cái chết của Yabe Kazumi, Maruyama Hideki và Taguchi Kazumi”.
Chính vì vậy, mãi cho đến ngày 28/1/2010, Viện Công Tố Tottori mới hoàn thành thủ tục truy tố Miyuki và Ando về tội danh cướp đoạt tài sản. Riêng nghi phạm Miyuki còn bị tình nghi tội danh giết người. Bởi lẽ, có nhiều bằng chứng cho thấy Miyuki chính là người chủ mưu trong kế hoạch sát hại ông Maruyama Hideki với động cơ là khỏi phải thanh toán số tiền vật dụng đồ điện khoảng 1 triệu yen. Trong khi đó, Ando là người tòng phạm vì đứng tên làm khách hàng nhờ ông Maruyama Hideki lắp ráp đồ điện nhưng thực chất những vật dụng này được lắp ráp tại căn phòng của Miyuki. Sau đó, vào ngày 18/2/2010, Miyuki chính thức bị truy tố về tội danh cướp đoạt tài sản và sát hại nạn nhân Maruyama Hideki. Mặt khác, diễn tiến của vụ án ly kỳ này còn đưa đến một bước ngoặc quan trọng hơn khi phía cảnh sát tìm được vài người nhân chứng và một số chứng cớ liên quan đến việc Miyuki từng thiếu nợ nạn nhân Yabe Kazumi một số tiền lớn nên vào ngày 5/3/2010 Viện Công Tố Tottori đã chính thức thành lập hồ sơ truy tố cô về sự kiện này.
Trong khi đó, cái chết của nạn nhân Taguchi Kazumi cũng được xem là có liên quan trực tiếp với Miyuki nên thủ tục truy tố chính thức chỉ còn là vấn đề thời gian. Bởi vì Miyuki là người cuối cùng tiếp xúc với ông ta cũng như căn cứ vào loại thuốc ngủ và thuốc cảm tìm được trong di thể của ông Taguchi Kazumi phù hợp với tình trạng của hai nạn nhân Yabe Kazumi cùng Maruyama Hideki, đã cho thấy ba cái chết đều do cùng thủ phạm gây ra.
Trước khi bị bắt, Miyuki làm nghề chiêu đãi viên tại một quán snack bar có tên là “Debu Sen” (Debu: mập béo; Sen: chuyên ngành) nghĩa là nơi chuyên mướn những cô gái có thân hình mập mạp, đẫy đà để tiếp khách. Cô sống cùng 5 người con tại căn phòng chật hẹp của khu chung cư mà theo lời diễn tả của một số bạn gái đồng nghiệp thì: “Không thể hiểu nổi Miyuki làm thế nào sống được với gia đình 6 người trong một căn phòng vừa chật chội vừa đầy rác rưởi như vậy”. Miyuki sinh tại quận Daiei Cho, ngày nay đổi thành Hokuei Cho thuộc thành phố Tottori. Cô được miêu tả là có cá tính hay trang điểm lòe loẹt giống hệt người mẹ và nhất là có thân hình mập béo với chiều cao khoảng 1.50m. Từ thuở bé, Miyuki nổi tiếng là một học sinh phá phách, nghịch ngợm, thường tự ý đi vào nhà hàng xóm lục lọi, ăn cắp vặt. Do đó, cô thường bị bạn học cô lập và gọi bằng biệt danh “đứa trẻ xấu tính” (Akudo).
Sau khi tốt nghiệp Trung Học Cấp Hai, Miyuki rời Tottori đến thành phố Osaka sinh sống bằng nghề chiêu đãi viên trong các quán bar. Tại đây, cô sớm kết hôn với một thanh niên trẻ tuổi làm việc trong căn cứ Tự Vệ Đội Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân cũng nhanh chóng đi đến tan vỡ do chứng nghiện rượu và thuốc lá của Miyuki. Sau đó, cô dẫn hai người con trở về Tottori và kết hôn lần thứ hai nhưng sau đó lại gặp cảnh chia tay. Từ khoảng 5 năm trước, Miyuki cùng các con chuyển đến khu chung cư là nơi xảy ra cái chết của nạn nhân Taguchi Kazumi. Theo lời kể của những người chung quanh, thì sau khi dọn về khu chung cư này, Miyuki đã cặp kè với người đàn ông ở phòng kế bên tên Ando. Đôi bên qua lại được vài năm thì họ chính thức chung sống với nhau từ khoảng tháng 8/2008.
Cũng theo lời tường thuật của những phụ nữ quen biết Miyuki thì cô là một người khéo nói chuyện với tính cách ve vãn và dụ dỗ đối phương bằng những lời đường mật, bùi tai. Từ đó, những người chung quanh đều nghe được nhiều tiếng đồn đãi về “thành tích” lường gạt tiền bạc của Miyuki nên thường gọi cô bằng biệt danh “độc phụ”, (dokufu) theo nghĩa tiếng Nhật là người đàn bà nguy hiểm. Qua đó, trong số những người khách đến uống rượu giải sầu tại quán bar “Debu Sen” tức nơi làm việc của Miyuki, có khoảng năm, sáu người thú nhận rằng đã cho cô vay mượn tiền bạc với tổng số lên đến khoảng 6 triệu yen và hầu như cô chưa hoàn trả lại một yen nào cho họ.
Cho đến nay, phía cảnh sát vẫn chưa chính thức công bố những chi tiết cụ thể liên quan đến ba vụ án được tình nghi là do Miyuki gây ra vì lý do sự kiện vẫn còn nằm trong thời gian điều tra. Ngay cả hình chụp của Miyuki cũng bị hạn chế đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Do đó, có rất nhiều nguồn tin cho rằng ngoài động cơ tránh né số tiền nợ của ba nạn nhân, có lẽ Miyuki cũng có kế hoạch lường gạt các khoản tiền bảo hiểm của họ nên mới ra tay giết người một cách tàn độc và liên tục như vậy. Cũng vì vậy, Miyuki bị cảnh sát tình nghi là chủ mưu và bị truy tố nhiều tội danh có nhiều khả năng lãnh án tử hình.
Sau khi xảy ra ba vụ án bí ẩn, phía cảnh sát còn lật ngược hồ sơ ba vụ án khác từng xảy ra trước đây tại Tottori kèm theo những dấu hỏi to lớn về sự liên quan đến nhân vật Miyuki.
Thứ nhất là vụ một nam ký giả 47 tuổi tê Seo Akira của tờ báo Yomiuri nằm trong thùng giấy đặt trên đường rầy xe điện bị tông chết vào tháng 5/2004. Tuy sự kiện này được cảnh sát phán đoán là một vụ tự sát vì lý do khủng hoảng tinh thần trước món nợ 10 triệu yen không có khả năng hoàn trả, nhưng trong quyển sổ ghi chép để lại, người ký giả này đã nêu tên tên Ueta Miyuki với những lời lẽ: “Lý ra anh phải bảo vệ em nhưng anh chỉ làm những điều ngược lại”. Theo nhận định lúc đương thời của cảnh sát Tottori thì các chi tiết ghi trong quyển sổ này không được coi là bằng chứng hữu hiệu, hơn nữa có rất nhiều phụ nữ mang tên Ueya Miyuki.
Thứ hai là vụ chết đuối của một thanh niên làm nghề bảo an tên Furuta Shinichi (đương thời 27 tuổi) xảy ra vào rạng sáng ngày 27/8/2007 tại bãi biển dọc theo đồi cát Tottori ở quận Fukube Cho. Yoshida Shinichi là bạn trai trước đây của Miyuki và từng sống chung với cô từ năm 2005. Hôm xảy ra sự kiện, Shinichi vừa làm xong ca đêm thì Miyuki rủ anh đi đến bãi biển bắt sò. Sau đó, Miyuki về trước còn thi thể của Shinichi được phát hiện tại vùng biển sâu rất nguy hiểm mà ngay cả ngư dân địa phương cũng không dám bơi lặn đến đó. Hơn nữa, Shinichi cũng không phải là tay bơi xuất sắc. Theo kết quả điều tra của cảnh sát thì Shinichi từng gửi vào trương mục của Miyuki số tiền 1 triệu yen và cô khai đó là số tiền trợ cấp phụ dưỡng cho các con trong thời gian hai người sống chung.
Thứ ba là vụ treo cổ tự vận của một nhân viên cảnh sát ngay trong sở cảnh sát thành phố Tottori vào tháng 2/2008 và người này được biết có nhiều quan hệ thân mật với Miyuki qua những lần đến uống rượu giải sầu tại quán “Debu Sen”.
Hiện nay, Miyuki đang đối diện với nhiều tội danh mà trong đó nghiêm trọng nhất là tội cưỡng đoạt tài sản- sát nhân trong ba vụ án, bởi vì chỉ cần bồi thẩm đoàn và quan tòa xác định tội phạm của Miyuki trong hai vụ thì cô sẽ phải đứng trước ngưỡng cửa của án tử hình. Đồng thời, dù cho diễn tiến của các phiên tòa có xảy ra ở tình trạng nào đi chăng nữa thì một điều chắc chắn là Miyuki sẽ không còn cơ hội để bước ra khỏi nhà tù.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.