Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

28/02/201000:00:00(Xem: 3474)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Còn tiếp...)

Sau khi thấy có thể cùng đi một đường, cùng nhìn về một hướng, tôi cởi cái bọc "anh ách" hãy còn nóng hổi ở trong lòng, với cô Hoa. Tôi đã cầm tay Hoa, nhẹ nhàng hỏi:
- Thế cái buổi chiều hôm ấy, ngoài giếng em không nhìn thấy anh ư"
Hoa hơi bóp ngón tay tôi, rồi nói nhẹ như gió xuân đầu mùa:
- Em không nhìn, nhưng em biết!
Ngạc nhiên, tôi hỏi cho bằng thỏa, để rồi em Hoa phải thú thật là đã để ý đến tôi, từ mấy tháng trước. Một buổi họp liên tổ Dân Phòng, bà Vinh với bà Chức (mẹ Hoa) đi họp về nói chuyện. Tên Long to lớn, thường ngang tàng hống hách trong xóm. Y mượn của anh Bình cái kính, dùng xong rồi đút vào túi, coi như quên. Anh Bình đường hoàng đến rút cái kính, rồi về chỗ ngồi, không nói năng gì. Bà Vinh còn nói: "Con ông bà cụ ít nói, nhưng không dễ bắt nạt." Em ngồi học, nghe được, rồi em cứ nghĩ đến anh.
Tôi đã cảm ơn em Hoa, cho tôi biết một sự thật. Mắt tôi lơ đãng dõi theo hai con thiên nga, đang sóng đôi bay về phương trời. Tâm tư của tôi lại chạy ngược về buổi chiều, gặp cụ Lưu Linh hôm ấy, tôi kéo đầu Hoa lại gần. Nói với Hoa, mà mắt tôi vẫn ôm chặt đôi thiên nga, đã mờ dần xa vút:
- Nếu hôm ấy, em không nhìn anh bằng một giác quan đặc biệt, thì đã không có buổi hẹn hò hôm nay. Và em có đồng ý với anh rằng: Đời là kỳ diệu"
Hoa đã bóp chặt tay tôi hơn, rồi gục đầu vào tay tôi, thầm thì:
- Em đồng ý!
Và cũng trong buổi tối hôm ấy, chúng tôi quyết định, tiến tới hôn nhân.
Ba mươi sáu: Cái áo nhân dân
Sau buổi nói chuyện với cô Hoa, tôi đã về trình bày chi tiết lại với thầy mẹ tôi. Mẹ tôi mừng ra mặt, người tươi như có một nguồn sinh lực mới, người sai tôi đi mời mợ Út vào để người nói chuyện.
Mợ Út vừa vui, vừa ngạc nhiên: Vui vì tôi đã chịu lập gia đình, lớn tuổi mà còn lận đận, long đong mãi. Ngạc nhiên vì so với bốn đám kia thì tôi có điều kiện để bay, nhẩy sau này nhiều hơn, nhưng một khi đã nói: Đời là kỳ diệu, vợ chồng là duyên số thì xin ngừng lại đây.
Chuyện lấy vợ của tôi cũng không đơn giản, bình thường. Tôi còn bị mất quyền công dân năm năm, cho nên tôi phải chạy lên Thành, xuống Quận; ra Ủy Ban Quản Lý Những Người Học Tập Được Về, vào Phường còn phải đến báo cáo cả cô Ngọc Anh, công an khu vực nữa. Không phải một lần mà xong, chúng bắt tôi chạy đi, chạy về nhiều lần. Hạch hỏi, cả những điều tôi không hề nghĩ tới, như: Anh quen với cô Hoa này do đường dây nào" Anh có chủ trương gì với cô Hoa sau này"
Tôi nóng cả người lên, tôi đã định trả lời theo cái ngang bướng cố hữu khi bị ép đè là: "Tôi có chủ trương sẽ đẻ con với cô Hoa! Và sẽ phong cho cô ấy, chức Nội Tướng sau này". Nhưng thôi, phải nín thở qua đò, thì mới có thể làm được những việc mình muốn, nên tôi đã trả lời, ngoan ngoãn ngây thơ:
- Thưa ông, chủ trương nào cơ" Tôi chỉ muốn lấy cô ấy làm vợ thôi!
Chỉ có cô Ngọc Anh làm cho tôi ngạc nhiên. Một buổi tối, tôi đến trình diện xin chữ ký của cô mỗi ngày, hôm nay sau khi làm những điều thường nhật xong, tôi nói luôn:
- Thưa cô, tôi và cô... Hoa sẽ chuẩn bị tiến đến hôn nhân, vợ chồng!
Con ngươi của cô đang là mầu xanh lam hình bầu dục, cô ngửng lên nhìn tôi. Con ngươi của cô mở to dần thành tròn, rồi ưỡn ra, chuyển thành mầu nâu. Không nói một lời, cô quay ngoắt vào trong.
Thấy vậy, tôi đứng lên, khẽ chào, rồi tôi ra về. Mợ út đã vào nhà tôi nhiều lần, cùng với mẹ tôi, có cả bà Chức. Các bà đều đã chuẩn bị sắp xếp vào ngày chủ Nhật này, có cả ông Chức từ trên Phương Lâm về. Như một ngày chính thức dạm hỏi, để rồi ấn định ngày cưới, ngày vào cha cho một lễ cưới đơn giản, theo điều kiện và hoàn cảnh của gia đình đôi bên, ở giai đoạn ấy. Vợ chồng Lợi và Đạt hoan nghênh tích cực, chuẩn bị cho đám cưới của tôi.
Mấy ngày sau, chị Hai Công ở Hồng Ngự đã xuống và chị đã thực hiện lời chị nói là, cho tôi một cây vàng lá Kim Thành. "Tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống". Phải thừa nhận lạng vàng của chị Hai, đã giải quyết những khó khăn chính, trong giai đoạn này của tôi.
Tôi nhớ có một bữa cơm họp mặt, mấy bạn bè trên nhà thằng Lợi trước ngày đám cưới của tôi. Bữa cơm hôm ấy có năm sáu người bạn hoặc liên quan họ hàng: Anh Trần đình Lộc (anh rể của Lợi) Đạt, Lợi, tôi, ông Long và anh Bùi văn Đệ. Bữa cơm họp bạn bè giữa năm 1981, đã hằn vào tiềm thức của tôi.
Những ai ở Sài Gòn trong giai đoạn này, đều đã thấy: Hầu hết cuộc đời của mỗi người, đều không biết ngày mai sẽ ra sao" Đầy trăn trở, lắng lo; đầy thấp thỏm ngơ ngác nhìn ngày mai với những khó khăn, chất chồng trước mặt. Vì thế bữa cơm này, dù tâm trạng mỗi người khác nhau, nhưng đều muốn uống mà không cần kìm giữ. Trong sáu người này, người nhiều tuổi nhất có lẽ là ông Long, ông đã từng là một người điều hành kỹ thuật, của một cơ xưởng mộc xuất khẩu của Sài Gòn trước và cả sau 1975.
Trong khi người nào cụ Lưu Linh cũng đã đến thăm, có nhiều chuyện được đề cập. Tôi hiểu tuy là bạn bè nhưng mỗi người đều có những nỗi niềm riêng, tôi cũng có niềm riêng. Tôi còn có một cái tôi tin rằng, khác với năm người kia. Tôi có muốn gặp cụ Lưu Linh, nhưng cái túi nó đã ngăn tôi lại, hôm nay có điều kiện, nên tôi đã nói chuyện với cụ hơi lâu, hơi nhiều. Bỗng nghe thằng Đạt nói như sừng sộ:
"Ôngï Hồ có tên trong tự điển Larousse".
Rồi tiếng ông Long cũng sôi nổi:
"Ông Hồ Chí Minh tuy có một số điểm sai, nhưng chúng ta phải thừa nhận, ông ta đã cả một cuộc đời yêu quê hương dân tộc ".
Anh Đệ ngồi mãi phía cuối bàn, cũng khàn khàn lên tiếng:
"Rất tiếc, nếu ông Hồ còn sống, thì người dân không khổ cực, như bây giờ ".
Tôi nghe, và tôi cũng không hiểu tại vì sao các bạn lại đưa cái đề tài HCM ra, để tranh luận" Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn ngồi im, cho hồn đưa võng với cụ Lưu Linh. Tôi hiểu mấy người bạn của tôi, đều là người Bắc di cư. Cùng ở dưới chế độ VNCH và đều đã là công chức dưới chế độ đó, đều không ưa gì CS, mà còn nhận định về Hồ Chí Minh như vậy, thì còn nói chi đến người dân khác!


Nghe như vậy, nhưng lòng tôi còn rối rắm nhiều sự việc, sáng mai phải đưa bản kiểm điểm lên tiểu ban Quản Lý Những Người Học Tập Được Về. Họ có tha thứ, chấp nhận cho tôi được gia hạn ba tháng, tạm trú nhà bố mẹ của tôi không đây" Tuần trước, tiểu ban này gửi giấy gọi lên, bắt tôi làm kiểm điểm đã vi phạm thời gian tạm trú. Lý do, khi tôi lên Thành CA, sáu tháng trước trình diện. Tôi có xin gia hạn tạm trú, nhưng CA Thành bảo vấn đề tạm trú đã giao về địa phương. Tôi hiểu địa phương là phường 6; phường của tôi ở, và CA khu vực, mà hai nơi này thì hàng ngày tôi đều có mặt trình diện rồi.
Bữa cơm họp bạn ở nhà Nguyễn Hữu Lợi, gồm 6 người của năm 1981. Hiện nay 2005. Trừ ô. Nguyễn Phan Long còn ở VN. Năm người kia thì 3 ở Hoa Kỳ là Trần đình Lộc, Bùi văn Đệ và tôi. Hai người ở Australia là Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Hữu Lợi. Bằng phương tiện khác nhau, thời gian khác nhau nhưng đều đã ở hải ngoại. Điều này đã nói rõ: Đời là kỳ diệu!
Sau bữa cơm, tôi đã rủ, mời cụ Lưu Linh cùng về. Chiếc cầu Kinh chiều nay trắng quá! Tôi ngừng lại, ghé ra thành cầu. Sao lạ lùng thế! Từ trên cao của thành cầu nhìn xuống, hôm nay nước xanh ngắt một mầu lam mát mắt. Tôi nhìn thấy cả mặt một anh chàng "ngố" cũng đang nhìn tôi. Tôi cứ ngạc nhiên ngắm nhìn anh ta mãi. Trông mặt mũi anh ta, tôi cũng thấy cảm tình, gần gũi dễ mến. Cho tới khi tôi tỉnh dần, rồi tỉnh hẳn, để biết anh chàng "ngố" đó cũng chính là tôi.
 Trời trong xanh, không một làn gió, cảnh vật yên ắng của một buổi chiều êm ả. Một vài tiếng quang quác như tiếng chào hỏi của một đàn vạc vừa bay ngang, làm tôi phải ngửng đầu lên nhìn theo. À…thì ra bầu trời hôm nay không có một vẩn mây. Cái mầu lam xanh yêu đương ấy, đã nhuộm cả mặt nước dưới chân cầu.
Tôi đã ghệ chiếc xe đạp vào thành cầu, rồi đứng lên, kiễng chân. Tôi đã thấy nhiều mây trắng lắm dưới chân trời. Tôi có cảm tưởng cái vung xanh kỳ vĩ của bầu trời, đã lắc lư rúng động sao đó. Bao nhiêu những miếng bông gòn trắng rải rác, đã tụt hết xuống riềm chiếc vung, thành từng đống.
Con sông Thanh Đa nằm phơi mình ưỡn ẹo, hai bên bờ cây lá xanh um trườm ra, như những vết mực đen loang lổ. Cụ Lưu Linh cũng đã từ giã tôi, để đi về một phương trời. Tôi cũng nhấn mạnh bàn đạp, để kịp giờ trình diện của ngày hôm nay, với CA.

Ba mươi bẩy: Hợp duyên đời

Ngày chủ Nhật, mợ Út và tôi đã sang nhà ông bà Chức, tôi đã được gặp ông Chức từ trên Phương Lâm về. Tôi cũng đã được gặp một số anh chị em của cô Hoa, cuối cùng đám cưới sẽ được cử hành vào ngày 28 tháng 9, như thế chỉ còn hơn hai tháng nữa.
Phải nói, do tình thương yêu đùm bọc của bà con bạn bè, nên đám cưới được chuẩn bị dù giản dị, trong điều kiện và hoàn cảnh của giai đoạn ấy, nhưng cũng tạm đủ những truyền thống, tập tục của quê hương. Tôi không thể quên được nghĩa tình của họ hàng, bà con, bạn bè:Anh chị Hiền (anh họ của tôi) đã cho mượn một cái giường đôi một tháng. Mẹ của anh Mai văn Học (một biệt kích nhẩy toán ra Bắc) mới được tha, nhận sẽ mua cau tươi cho đám cưới. Cô Thu và cháu Thanh Lan, đi lo đặt mua một số bánh phu thê (xu xê) và bánh cốm. Cô Oanh, bạn của cháu Thanh Lan đã cho mượn một bộ quần áo, và giầy của người anh trai mới cưới vợ. Con trai (Hùng), con gái, con rể (Vợ chồng Uy+ Lý) của anh Nguyễn Huy Lân (toán trưởng toán Boone) chưa được về. Đến chuẩn bị nhà cửa, giúp đỡ tôi trong đám cưới.
Để xác định rõ ràng, tôi ra phường hỏi rõ ông Nguyễn quốc Văn chủ tịch phường và ông trung úy Mậu trưởng CA, về lá đơn tôi xin trở lại tù, bây giờ ra sao" Đã được chấp nhận chưa"
Theo ông Văn và ông Mậu, lá đơn của tôi đã chuyển lên thành rồi, được chấp nhận hay không, các ông ấy cũng không biết. Tôi định lên hẳn đường Trần Hưng Đạo, CA thành để hỏi cho ra sự việc. Tôi tin rằng, tôi chỉ mất công thăm hỏi với sự nhã nhặn đúng mức, thì rồi tôi sẽ tìm ra được diễn tiến của sự việc, nhưng tôi chẳng còn một thời gian nào cả, để kiếm miếng cơm hàng ngày, tôi đã làm việc cật lực. Kỳ này điện thành phố bị tắt thường xuyên (thành phố thiếu điện) vì thế tôi lao động bất kể ngày đêm, kể cả thứ Bẩy, Chủ Nhật, cứ khi nào có điện, tôi lại lao vào cưa, bào, đục, xẻ.
Mệt nhọc và căng thẳng tinh thần; tôi đâm ì mặc cho ra sao! Thế nào cũng chấp nhận. Tôi đã hình dung chuẩn bị tư tưởng, nếu đang đám cưới mà có lệnh đưa tôi trở lại tù, tôi cũng sẵn sàng ra đi, vì tôi đã tự nguyện. Trước mắt tôi cứ gạt điều đó ra một bên, để tâm trí vào việc chuẩn bị lo cho đám cưới. Dù gì cũng phải tôn trọng cô Hoa nữa, mới chạm vào đời tôi một chút, mà đã để cho cô phải lao đao với tôi"
Theo ý của các cô Thu, Xuân và chị Công, đám cưới dứt khoát phải chụp hình, ít nhất là ở nhà thờ. Giai đoạn này chụp hình hãy còn nhiều khó khăn, nhất là hình màu thì thật là tốn phí, ai cũng nói, nó là những tấm hình kỷ niệm của một đời người.
Tôi cũng hiểu như vậy, chỉ vì hoàn cảnh và túi tiền, cuối cùng tôi quyết định chỉ chụp bốn tấm hình màu ở nhà thờ với cha Bình (đầu người bạc trắng, dù người còn trẻ) giá 100 đồng, là tiền công của tôi làm mộc 10 ngày cật lực, ở tổ mộc Thành Công thuộc phường 7 Quận Phú Nhuận. Tôi đã nhẩm tính, dự trù một số người tôi sẽ mời tham dự đám cưới trong thời gian quản chế, mất quyền công dân, rồi tôi làm một lá đơn xin phép ngày tổ chức đám cưới tại nhà vào khoảng bốn chục người. Lá đơn xin phép không những ra Phường, mà còn phải ra tiểu ban quản lý người tù cải tạo, và quận Tân Bình.
Khi vào gặp tên Bội, trong tiểu ban QLNNHTĐV, y lấy bút đỏ gạc con số 40 mà viết số 20, y nói:
- Sao đám cưới lại đông thế"
Tôi nghĩ ngay anh em họ hàng trong nhà cũng đã hai chục người rồi, vậy y không cho mời khách ư" Người tôi lại ngứa ngáy, tôi định nói những lời phản đối. Y lại nói tiếp:
- Những người không phải anh em ruột thịt đều là khách, chỉ giới hạn hai mươi người, nếu anh không chấp hành, anh sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tôi nhìn y trừng trừng, miệng tôi không cười, nhưng tôi cười bằng mắt, như muốn nói với y: "Tôi đã làm đơn chịu trách nhiệm rồi, tôi còn coi ra gì cái trách nhiệm này", thấy y có vẻ không hiểu cái cười mắt có lồng ý của tôi, nên tôi nói thẳng:
- Thưa ông hơn hai tháng trước, tôi đã làm đơn xin tự nguyện trở vào tù rồi mà"
Y cau mặt, quay ra hỏi tôi:
- Anh làm đơn khi nào"
Tôi chợt ngạc nhiên, nên nói mà như hỏi:
- Hơn hai tháng trước! Ở dưới phường ông Văn nói đã nộp lên quận, lên thành rồi"
Đầu y hơi nhúc nhích như lắc, miệng y hỏi tiếp như không tin:
- Tại sao anh làm đơn, xin vào tù"
Nhìn y chừng hơn bốn chục tuổi, không đeo lon nên tôi không xác định được. Giọng Nghệ An của y nghe như giã gạo; nhưng từ tốn hơn khi nãy, nên tôi điềm đạm nói sơ lược lý do:
- Thưa ông, từ ngày tôi đi tù về, tôi đã tích cực chấp hành mọi quy định với địa phương: tôi đã lên thành, và tiểu ban quận trình diện nhiều lần. Hàng tuần mỗi thứ Hai ra trình diện tại phường, mỗi ngày tôi trình diện CA khu vực để xin chữ ký, hàng ngày tôi phải lao động tại tổ mành trúc 19/5 bên cạnh phường 6. Hơn bảy tháng tôi không có gạo, không có lương, bố mẹ của tôi già yếu, mù lòa. Tôi phải ăn bám vào các người, làm cho các người càng thiếu đói, khổ cực. Tôi đã nỗ lực làm lại cuộc đời nhưng cho tới nay, tôi không còn muốn sống nữa. Mẹ tôi 74 tuổi mù lòa từ 17 năm, nay người lại mắc thêm bệnh phổi thường ho ra máu, tôi đã phải đưa người vào bệnh viện Hồng Bàng mấy lần. Không còn một lối nào để tôi sống, nên tôi đã làm đơn xin Đảng và nhà nước, cho tôi được trở lại nhà tù, tôi xin tự nguyện ở tù cho tới hết đời.
Y ngồi nghe tôi từ tốn trình bày, mặt y nhợt trắng ra, không xám đen như lúc đầu, y hỏi như băn khoăn thắc mắc:
- Thế, sao bây giờ anh còn lấy vợ"
Tôi trả lời ngắn gọn:
- Để nếu được Đảng và chính phủ ra ân cho tôi vào tù, thì có người đỡ đần bố mẹ tôi!
Y đứng dậy, hơi hất hàm nói nhẹ nhàng:
- Thôi, anh về đi, lo cho ông bà già! Đừng bi quan qúa!
Tôi cầm tờ giấy cho phép tổ chức đám cưới ra về mà lòng nặng trĩu. Đi qua rạp ciné Đại Lợi cũ, cạnh đấy là một building to lớn, nay đã trở thành nhà tù. Một thoáng tôi liên tưởng về miền Bắc: Nhà tù đã mọc lên khắp nơi, cả những nơi vui chơi, du hí của quần chúng cũng trở thành một trại giam. Hẳn các quý vị đã nhìn thấy những cái lắt léo, lật lọng của những người chủ trương. Còn lý do thì vô vàn: Ngược thành xuôi, ngang thành dọc, phải thành trái: Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là tại thiên tài Đảng ta.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.