Hôm nay,  

Ra Sức Học Tiếng Anh

06/12/200900:00:00(Xem: 6872)

Ra Sức Học Tiếng Anh

Trần Khải
Học tiếng Anh đang trở thành một phong trào lớn tại quê nhà. Đó là một điều để vui mừng, bởi vì trong thời toàn cầu hóa, không giỏi tiếng Anh sẽ chỉ thiệt thòi trăm đường, mà đất nước không thể nào tiến lên. Tuy nhiên, đời người có hạn, sức người có hạn, cơ hội học cũng tùy trường hợp, và thời lượng để học cũng không chắc lâu dài như ý mình muốn, cho nên học cần chọn phương pháp và hoàn cảnh tối ưu trong trường hợp riêng từng người.
Ngay tới quan chức Hà Nội cũng có nhiều vị đi học tiếng Anh. Nhưng vì là quan, cho nên đi học bằng tiền của dân. Mà là vô số tiền. Bản tin trên báo TelegraphJournal.com mới tuần qua, nhan đề “Education Group in Saint John for six-month English language course” (Một nhóm học viên tới thành phố Saint John, Canada, để học khóa tiếng Anh trong 6 tháng).
Bản tin cho biết một nhóm 40 cán bộ cao cấp do Hà Nội gửi tới học khóa tiếng Anh dài 6 tháng tại Đại Học University of New Brunswick Saint John. Họ mới được tiếp đón chiều Thứ Ba, sẽ học trong 2 lớp, mỗi lớp 20 quan chức. Khóa học không phải abc, mà là lớp dạy theo chương trình cho sinh viên chuẩn bị vào MBA (chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh). Trưởng đoàn cán bộ đi học là Phó Giám Đốc Bộ Y Tế Việt Nam. Chức vụ này dịch không chính xác, và khó đoán được quan chức này là ai, vì bản tin gốc tiếng Anh ghi là: “deputy director of the contry’s department of health.”
Các quan đi học có đáng tiền không" Thực tế, không bổ chiều ngang, cũng bổ chiều dọc, nói theo kiểu ông bà mình. Tuy nhiên, đáng tiền hay không thì chưa chắc. Chắc chắn, các quan sẽ học một số ngữ vựng và văn phạm cần thiết, nhưng cách phát âm của các giaó sư Canada hẳn nhiên là sẽ khác một ít với giọng nói của người Mỹ, người Anh, người Úc. Như vậy, các quan sau này cũng cần phải về tự học thêm các âm giọng vùng khác. Tuy nhiên, lớp học có thể tiết kiệm hơn: tại sao không thực hiện qua video conference (hội thoại video), qua trực tuyến online, hay là tập trung các quan này lại một nơi ở VN và mời một giáo sư Anh văn sang  dạy" Hay chỉ là hình thức tặng thưởng du lịch 6 tháng cho quan chức"
Điều quan ngại của Việt Nam là, tuy học tiếng Anh đã trở thành phong trào, nhưng điểm “đầu vào” tiếng Anh đã giảm sút. Đó là một lời báo động từ báo Người Lao Động hôm Thứ Sáu 4-12-2009, trích:
“Điểm “đầu vào” tiếng Anh giảm sút
Trình độ tiếng Anh thấp ảnh hưởng không tốt đến chất lượng đào tạo thạc sĩ và nghiên cứu sinh Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: Ba năm qua (từ năm 2007 – 2009) trong điều kiện cấu trúc đề thi không đổi, sử dụng câu hỏi trong cùng một ngân hàng đề thi đã xây dựng từ trước với độ khó tương đương nhau, thế nhưng điểm đầu vào tiếng Anh của thí sinh dự thi sau ĐH vào ĐH Quốc gia TPHCM giảm đáng kể. Thực trạng này không chỉ khiến số lượng nguồn tuyển ngày càng hạn chế mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo sau ĐH của các trường ĐH hiện nay.
Chỉ 20,79% đạt điểm trung bình
Thi theo dạng thức TOEFL hoặc IELTS và cách tính điểm đợt 1 năm 2007, tỉ lệ thí sinh dự thi thạc sĩ vào các trường thuộc ĐH Quốc gia TPHCM đạt 50 điểm trở lên chiếm 62,13% nhưng đợt 1 năm 2008 chỉ đạt 50,76%.
Trong đó, một số trường đạt tỉ lệ rất thấp, như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, số thí sinh đạt 50 điểm trở lên đợt 1 năm 2008 chỉ đạt 19,38%. Đợt 2 năm 2008, tỉ lệ thí sinh đạt điểm trung bình còn thấp hơn khi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM chỉ có 18,09% thí sinh đạt, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM chỉ có 9,95%... Đợt 1 năm 2009, tiếp tục ghi nhận sự xuống dốc về điểm thi tiếng Anh sau ĐH khi chỉ có 20,79% thí sinh đạt điểm trung bình, trong đó Khoa Kinh tế chỉ có 29,58% thí sinh đạt, tỉ lệ này ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM là 9,76%.
Trước tình hình đó, ĐH Quốc gia TPHCM đã quyết định giảm dần điểm chuẩn môn tiếng Anh. Nếu năm 2008 và đợt 1 năm 2009, điểm chuẩn môn tiếng Anh là 45 điểm thì đợt 2 năm 2009 điểm chuẩn giảm xuống còn 40 điểm theo thang điểm quy đổi...” (hết trích)
Tại sao phương tiện Internet ngày càng lan rộng, tinh thần dân Việt ngày càng hiếu học, mà trình độ tiếng Anh lại giảm sút" Như thế, chính phủ đã làm gì để giúp dân chúng học tiếng Anh thêm, hay là chỉ tập trung tiền cho một số quan chức đi học"
Một khuynh hướng mới của người có tiền tại VN là cho con học trường quốc tế. Nhưng, học phí thì quá cao, mà trường cũng có khi dạy dở hơn trường phổ thông. Bản tin báo Phụ Nữ đăng lại trên báo Xã Luận cho thấy, trích:
“...Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện TP có gần 50 trường mang danh nghĩa QT mà theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn đều không đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Trường tiểu học châu Á - Thái Bình Dương (Đinh Tiên Hoàng, Q.1), nhìn từ ngoài vào hệt như một cái hộp. Trường không có cổng, không sân chơi, cũng chẳng có sân tập thể dục... (...)


Mức học phí cũng như chương trình (CT) học của các trường mang danh nghĩa QT cũng mỗi trường mỗi kiểu. Cụ thể, Trường Châu Á - Thái Bình Dương, sáng dạy theo CT "quốc tế"; chiều dạy CT tiếng Việt của Bộ GD-ĐT. Học phí bậc tiểu học là 400 USD/tháng, bậc THPT: 600 USD/tháng (chưa kể các khoản: tiền ăn trưa (100 USD/tháng), tiền xe đưa rước (200 USD/ tháng)...); Trường THPT Nam Mỹ, nếu học CT tú tài Việt thì khoảng 7triệu/tháng cộng thêm 300 USD cho CT tiếng Anh; nếu học CT trung học Hoa Kỳ (bỏ luôn CT của Bộ GD-ĐT Việt Nam, vì CT này học bốn năm, từ lớp 9 đến lớp 12) khoảng 650 USD/tháng; hệ thống  trường dân lập quốc tế Việt - Úc thì vừa dạy CT của Bộ GD-ĐT lại vừa dạy CT quốc tế hoàn toàn bằng tiếng Anh, theo khung chuẩn phổ thông của Anh Quốc. Học phí cũng ngấp nghé 400 USD/tháng cho bậc tiểu học và 500-600 USD/tháng cho bậc THCS, THPT.
Chấp nhận cho con vào học ở những ngôi trường QT này thì chuyện học phí với phụ huynh không phải là vấn đề. Điều nhiều phụ huynh trăn trở là chất lượng đào tạo nếu không xứng tầm QT, thì chí ít cũng phải "ngang ngửa" với một vài trường công lập. Chị Nguyễn Thị B.T., một phụ huynh tâm sự: "Năm lớp 10, con tôi  học trường song ngữ quốc tế H. học lực của cháu đạt loại giỏi, nhưng tìm hiểu tôi thấy kiến thức của cháu hổng nhiều nên xin chuyển cháu về Trường Bùi Thị Xuân, cố gắng mãi mà cháu vẫn không theo kịp các bạn trong lớp"...”(hết trích)
Học phí 650 USD/tháng cho một học trò bậc trung học" Mà lại dạy dở" Trong khi đó, lương công nhân Việt trung bình mỗi tháng khoảng 50 USD. Nhưng tình hình này cũng cho biết là dân Việt muốn con mình giỏi tiếng Anh và có điều kiện học cao hơn.
Nhìn chung, học tiếng Anh là phong trào. Và nhiều phương tiện công cũng như tư đều tìm cách giúp thêm cho học tiếng Anh trở thành phong trào.
Bản tin báo Thanh Niên hôm 27-11-2009 nói về buổi “Hội thảo dạy tiếng Anh tiểu học” trong đó viết:
“... Ngày 27.11, tại trụ sở Thông tấn xã VN (TP.HCM) diễn ra Hội thảo Dạy tiếng Anh Phonics Learning Box UK. Đây là hội thảo do Sở GD-ĐT TP.HCM và đại diện Phonics Learning Box UK tại VN phối hợp tổ chức nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cấp tiểu học.
Hội thảo giới thiệu chương trình cung cấp những kỹ năng phát âm chuẩn dạy tiếng Anh Phonics Learning Box UK, dành cho học sinh cấp tiểu học, gồm 6 cấp độ...”
Chương trình từ năm 2008, bắt đầu được dạy thí điểm tại các địa phương ở TP.Sài Gòn và đã được thẩm định về chất lượng. Tiếng Anh trong chương trình đó tất nhiên là  nói theo giọng Anh Quốc. Nếu học tiếng Anh từ bậc tiểu học thì sẽ có lợi hơn là để trễ mới học. Tuy nhiên, thời trứơc 1975, học trò Miền Nam bắt buộc phải chọn học tiếng Anh hoặc tiếng Pháp từ lớp 6 trung học.  Giọng đọc phải học theo thầy cô, đương nhiên là giọng tiếng Anh kiểu Sài Gòn, Hà Nội, Huế nối vòng tay lớn. May mắn, ai học ở Hội Việt Mỹ thì nghe đúng giọng tiếng Mỹ.
Một phương tiện học tiếng Anh là trực tuyến qua Internet. Bản tin trên báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Sáu 27-11-2009 cho biết:
“Hỗ trợ sinh viên học tiếng Anh trực tuyến
Khoa kinh tế (ĐHQG TP.HCM) và NSW AMES - cơ quan trực thuộc Bộ GD-ĐT bang New South Wales (Úc) vừa ký kết hỗ trợ sinh viên của khoa học tiếng Anh thông qua chương trình học tiếng Anh trực tuyến NSW AMES.
Chương trình bao gồm các khóa học tiếng Anh tổng quát giúp phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc và viết, đặc biệt chú trọng các kỹ năng mềm áp dụng trong công việc và tình huống thực tế như dịch vụ khách hàng, đàm phán, tìm việc...” (hết trích)
Như thế, là học tiếng Anh theo giọng  người Úc. Nhưng dạy trực tuyến thực ra là tiết kiệm nhất, và hiệu quả không thể nào nói là dở hơn các phương pháp học khác. Cũng còn đỡ hơn học nhiều trường quốc tế  tại Sài Gòn, vừa tốn tiền, vừa thắc mắc không biết ông giáo Tây Ba Lô của mình có phải là người Pháp hay Ý mới di dân và rồi nhập tịch Mỹ năm hay bảy năm qua hay không" Nếu là Tây Ba Lô thì trình độ tiếng Anh và khả năng giảng dạy sẽ còn tùy. Trong khi dạy trực tuyến, mời một thầy cô Mỹ gốc Việt sinh trưởng tại California dạy thì có lợi biết là bao nhiêu, mà sẽ học giọng tiếng Anh ngay nơi những người từ khi mới biết bỏ chập chững đã được học tiếng Anh qua các phim Disney. Tuy nhiên, nếu người trong nước muốn học trực tuyến, nên vào học hàng ngày ở hai trang web của Đài VOA và BBC, với những bài học cụ thể, chuẩn mực, tuyệt vời, và theo giọng nói của hai nước lớn này.
Nhưng học tiếng Anh phảỉ học hàng ngày, học không thôi, mới giỏi được. Trên Báo Đất Việt hôm 30-11-2009, với bản tin “Tôi Biết Ơn Người Đọc,” có kể về trường hợp dịch giả Nguyễn Bích Lan tự học tiếng Anh. Bản tin viết, trích:
“...Nghỉ học từ năm 14 tuổi do mắc bệnh nan y, nhưng trong khi chống chọi với bệnh tật, dịch giả Nguyễn Bích Lan tự học tiếng Anh, và đến nay, đã dịch 16 tác phẩm văn chương, mới nhất là Triệu phú khu ổ chuột và Người đàn ông hoàn hảo.  Nguyễn Bích Lan nói chị biết ơn độc giả vì đã đọc sách dịch của chị một cách nghiêm túc...” (hết trích)
Thực thế, không có gì hơn là học hàng giờ, hàng ngày,  hàng tuần. Cũng như người học võ, phải tập võ hàng ngày trong nhiều năm, mới lên nổi đai đen. Mà trong giới võ sư đai đen cũng còn nhiều thứ bậc tuỳ theo võ phái, lại tốn thêm nhiều năm học nữa, mới có thể đi dạy. Không kể là võ Bình Định, Vovinam, Karate, Taekwondo, Aikido... học tới mức giỏi thì cũng đủ có sức khỏe, tự tin và tự vệ.
Học tiếng Anh cũng như thế. Nên học hàng ngày, không thầy thì tự học, nhất là bây giờ đã có Internet, cố gắng là sẽ thành công. Không chịu học tiếng Anh, sau này bị ép học tiếng Tàu thì ráng mà chịu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.