Hôm nay,  

Tâm Tình Hạnh Phúc – Thảo Hiền Phụ Trách

08/11/200900:00:00(Xem: 2286)

Tâm Tình Hạnh Phúc – Thảo Hiền Phụ trách

Bình thường, cuộc sống của mỗi người, mỗi đôi trai gái yêu nhau, cũng như mỗi gia đình, đều có những khó khăn trắc trở về tình cảm, mà người trong cuộc, vì cứ để lý lẽ của con tim làm mờ cả lý trí, nên dễ chìm đắm trong tối tăm, sa lầy trong đau khổ. Do đó, việc tìm đến các cố vấn tâm lý, các chuyên viên hôn nhân, hoặc viết thư cho báo chí, tâm sự với bạn bè... để tâm tình và tìm sự giải đáp, ngày càng phổ biến trong các xã hội văn minh. Đặc biệt hơn, tại hải ngoại, do dị biệt về văn hóa, phong tục, tập quán,... đời sống của người Việt càng dễ gặp phải những chuyện khó khăn trong tình cảm và hạnh phúc gia đình. Vì vậy, nhu cầu tâm sự để tìm sự đồng cảm và cách giải quyết cho những éo le tình cảm, đối với người Việt lại càng lớn lao hơn. Nhận thức được nhu cầu quan trọng này, và để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo độc giả, kể từ số báo tuần này, Thảo Hiền sẽ phụ trách mục "Tâm Tình Hạnh Phúc", để mọi người cùng theo dõi những tâm sự éo le, những chuyện vui buồn của bạn đọc; và cùng với Thảo Hiền, các bạn sẽ tâm tình an ủi, đóng góp ý kiến, để giúp người trong cuộc phần nào sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn, trên con đường giải quyết những khổ đau éo le của mình. Thảo Hiền mong các bạn, nếu có niềm vui hay nỗi buồn gì, hãy viết thư cho Thảo Hiền đề cùng chia sẻ và giải quyết, trong tinh thần:

Mỗi người mỗi ngả đường đời
Kinh nghiệm chia sẻ những lời khuyên nhau
Giúp cho những bạn khổ đau
Tơ lòng tháo gỡ phần nào nhẹ vơi
Mong sao các bạn góp lời
Tâm Tình Hạnh Phúc kính mời tham gia.

Mọi thư từ xin gửi email: thaohientthp@gmail.comhoặc qua bưu điện: Thảo Hiền Tâm Tình Hạnh Phúc, PO Box 409 Bankstown NSW 1885.

*

Kính thưa quý độc giả. Được hân hạnh tái ngộ cùng quý vị từ số báo tuần trước, Thảo Hiền rất vui mừng vì có dịp trao đổi và tâm sự sau những năm tháng xa cách. Tuần trước, Thảo Hiền đã giới thiệu lá thư của "Người Vợ Thuỷ Chung nhưng Đau Khổ" của cô Tr. Sự thuỷ chung và tấm lòng yêu thương chồng con của cô cùng hoàn cảnh đau khổ của cô, vì tương lai của con mà phải sống bên cạnh người chồng phản bội, đã khiến nhiều độc giả tức giận, phẫn nộ. Bên cạnh sự phẫn nộ của các bà, các cô, còn có cả sự tức giận của một nam độc giả. Bên cạnh sự phẫn nội, độc giả cũng đóng góp ý kiến để cô Tr. giải quyết sự khó khăn "vì tương lai của con phải sống với người chồng phản bội". Đặc biệt, một nữ độc giả trẻ hiện đang đi học, còn tặng cho cô Tr. một tấm hình, mệnh danh là "bánh ly dị" để cô có thể sống hạnh phúc trong quãng đời còn lại sau khi chia tay người chồng phản bội. Sau đây, Thảo Hiền xin giới thiệu những ý kiến đóng góp đó của độc giả.

*

Bà Huỳnh Thị Tâm (Cabramatta): Cô Trâm thân mến. Đọc lá thư của cô mà tôi thấy thương cô và tủi thân cho tôi. Tôi rất thông cảm với hoàn cảnh đau khổ của cô, vì chính bản thân tôi cũng đã từng trải qua cảnh chông gai giống cô vậy. Vì lẽ đó, tôi có lời khuyên cô, từ nay trở đi cô đừng bao giờ tin vào tụi đàn ông con trai. Chúng càng đẹp trai, lịch sự, lời lẽ ngon ngọt bao nhiêu là chúng càng che đậy cái tính sở khanh của chúng bấy nhiêu. Khi mà chúng chưa lấy được mình, chưa yêu được mình thì chúng chiều chuộng khỏi chê. Nhưng một khi chúng đã lấy được mình rồi thì khỏi vòng cong đuôi, mình lúc đó giống như cá cắn câu, như chim vào lồng, nên chúng biết tỏng, chúng càng lộng hành. Tôi có thằng chồng tên V. Khi yêu nhau nó tặng cho tôi không thiếu thứ gì. Cả sợi dây chuyền bằng platin có hình trái tim và hai chữ VT lồng vào nhau thật đẹp, rồi cái vòng bằng cẩm thạch cũng khắc chữ VT, hầm bà làng xí cấu, cái gì cũng chữ VT. Bây giờ, khi thằng chả phản bội, tôi quăng hết, vì mỗi khi nhìn đến chúng thì lại nhớ đến những lời ngon ngọt của gã và hiểu được đàn ông con trai, tất cả chung một phường dối trá hết. Bà bác sĩ gia đình của tôi đó, bà cũng ở vậy, chẳng thèm lấy chồng, vì bà bảo, phải chọn lựa trong cả ngàn thằng đàn ông, may ra mới có nổi một thằng đáng mặt là chồng. Mà làm sao chọn lựa cả ngàn thằng cho được" Lúc mình còn con gái, xinh đẹp, duyên dáng thì thằng nào cũng ngon ngọt dễ thương, làm sao biết thực hư, tốt xấu. Phải sống trong chăn mới biết chăn có rận. Vậy chả lẽ phải lấy cả ngàn thằng để kiếm một thằng làm chồng hay sao" Cho nên bả bảo thôi thì cũng sống giống như cây gạo, nếu làm bạn với mây không được thì cũng chẳng dại gì phải hạ mình làm bạn với cỏ. Không lấy được người chồng xứng đáng thì chẳng dại gì phải hạ mình lấy phường sở khanh, giá áo túi cơm, để rồi mang hận "bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu". Tui bây giờ cũng vậy. Độc thân lần nữa nhưng lần này là độc thân vĩnh viễn. Thà bạn gái mình chơi với nhau còn hạnh phúc hơn sống bên cạnh phường sở khanh. Lời khuyên cuối cùng, tốt nhất em nên ly dị chồng của em càng sớm càng tốt. Nếu làm được ngay bây giờ là tốt nhất.

*

Cô Thanh Vũ (Bankstown): Chị Thảo Hiền quý mến. Không biết chị còn nhớ em không" Em là Thanh trước làm xã hội đã có lần nói chuyện với chị ở Marrickville khi chị còn giữ mục Gỡ Rối ở tạp chí SGT đó" Trời ơi, vậy mà đã gần 15 năm rồi.... Isn't it amazing how time flies, Dear" Hôm nay em viết thư này trước tiên là xin có lời hỏi thăm sức khoẻ của chị, sau xin chị cho phép em có vài dòng tâm tình chia sẻ với Người vợ thuỷ chung nhưng đau khổ "Vì tương lai của con phải sống với chồng phản bội"" Người vợ thuỷ chung thân mến! Tôi không biết chị năm nay bao nhiêu tuổi, nhưng tôi đoán chị cũng cỡ tuổi tôi nên nỗi đau khổ của chị cũng là nỗi đau khổ của tôi, nếu không nói là nỗi đau chung của phụ nữ Việt Nam chúng ta. Gia giáo lễ nghĩa mấy nghìn năm của dân tộc VN đã dậy chúng ta thật nhiều bổn phận đối với chồng con, nhưng dậy người đàn ông rất ít về bổn phận đối với vợ con, phải không chị" Cả một guồng máy gia đình, trường lớp, làng xóm, xã hội, kết hợp với giáo dục, văn chương, sách vở, rồi truyền thống, phong tục tập quán, lễ giáo mấy ngàn năm của dân tộc VN, cùng bủa vây người phụ nữ chúng ta tầng tầng lớp lớp. Vì thế nên người đàn ông có năm thê bảy thiếp là người đàn ông giỏi hào hoa, còn con gái chúng mình chính chuyên thì chỉ có một chồng. Nhưng nếu được người chồng cho ra chồng, thì chính chuyên là điều hạnh phúc vô cùng. Chẳng may gặp phải thằng chồng mèo mỡ, năm bảy lá gan, mà bảo mình chính chuyên thì có đúng là dại dột và nó fair không nào. Chị Thảo Hiền đã có lời khuyên chị rất đúng khi trích dẫn câu nói của thi hào Tagore: "Liệu ta có khôn ngoan không khi mình tiếp tục yêu thương một người đã ngoảnh mặt nhìn về một hướng khác". Chị Tr. thân mến. Khi chồng chị đã công khai phản bội chị, và phản bội suốt cả một thời gian dài mấy chục năm như vậy, thì tôi nghĩ chị nên thẳng thắn cắt đứt mối quan hệ vợ chồng để sống với chính mình và sống cho con. Tôi tin tưởng là sau khi ly dị, chị sẽ sống không những hạnh phúc hơn mà còn có nhiều thì giờ để chăm lo hạnh phúc cho con hơn. Vả lại, nếu chị tiếp tục sống bên cạnh người chồng phản bội, thì tấm gương xấu xa của chồng sẽ ảnh hưởng đến con của chị, không nhiều thì ít. Rất mong chị nghĩ kỹ và hành động ngay trước khi quá trễ.

*

Cô Phạm Thị Hằng (UNSW): Cháu sang Úc du học, ở Úc chưa lâu và cháu còn rất trẻ, chỉ mới có bạn trai, nhưng đọc truyện của cô Thảo Hiền nói về người vợ phải sống bên chồng phản bội mình cả mấy chục năm, cháu thấy ghê sợ quá. Đời người chỉ sống có một lần, người con gái chỉ lên xe hoa có một lần để một lần có chồng, vậy mà có được người chồng như cô Tr. thì thật là mất hết cả ý nghĩa cuộc đời. Cháu có đem chuyện của cô hỏi mấy nhỏ bạn của cháu, chúng đều bảo tốt nhất là ly dị ngay. Đừng bao giờ sống với hào quang giả tạo "gia đình hạnh phúc" để tự đầy đọa mình. Cô cũng đừng nghĩ cô tiếp tục sống với chồng phản bội là mang lại hạnh phúc cho các con. Nếu chúng sau này biết được sự hy sinh như vậy của cô, chắc chúng sẽ đau khổ và ân hận lắm. Chúng sẽ càng hận ông bố nữa đó. Vì thế, cô đừng tin vào cái cớ mà chú nêu ra là vì tương lai hạnh phúc của con, cô phải sống với chú cho đến năm con út của cô chú 18 tuổi. Chú chỉ kiếm cớ như vậy để được cô lo lắng chăm sóc chú trong các sinh hoạt hàng ngày để chú rảnh thì giờ đi chơi với bồ thôi đó. Trước khi dừng bút, cháu xin tặng cô "chiếc bánh ly dị". Bây giờ chiếc bánh chỉ là tấm hình, khi nào cô ly dị, cháu sẽ gửi tặng cô chiếc bánh thiệt, thật ngon.
Ông Trần Đức Trung (Melbourne): Cô H.Tr. thân mến. Tôi năm nay tuổi đã ngoài 60 nên kinh nghiệm sống cũng tạm đủ. Thêm nữa, đọc thư của cô tôi rất tâm cảm và xúc động, thương cô bằng cả một tấm lòng của người anh cả. Đó là lý do khiến tôi mạnh dạn gửi thư này tâm sự với cô. Tôi đồng ý với cô, người mẹ khi thương con thì luôn luôn hy sinh cho con. Nay hoàn cảnh của cô như vậy, cô cũng chỉ muốn gia đình êm ấm, để con cái hạnh phúc, yên tâm học hành, thi cử. Người mẹ nào cũng muốn cho con mình như vậy cả, phải không cô" Nhưng muốn là một chuyện, còn thực tế có được như vậy không, thưa cô" Trước hết, cô phải đồng ý cái cảnh gia đình êm ấm, vợ chồng hạnh phúc mà cô muốn duy trì cho các cháu chỉ là bề ngoài, là hình thức để che đậy sự thực tan nát, đổ vỡ bên trong. Tại sao cô lại phải tự lừa dối mình rồi lừa dối các cháu như vậy" Các cháu sau này biết được, liệu chúng sẽ nghĩ gì về cha mẹ của chúng" Chúng thương cô, biết ơn sự hy sinh của cô, nhưng chắc chắn chúng sẽ giận cô vì cô đã lừa dối chúng. Hơn thế nữa, chúng còn mang nặng một món nợ ân tình, vì chúng mà cô phải sống bên người chồng phản bội ngần đó năm trời. Cô đã trao cho chúng một gánh nặng tình cảm vĩnh viễn chúng không bao giờ trả nổi. Thêm vào đó, đã chắc gì 5, 6 năm nữa cô vẫn có thể chịu đựng được sự phản bội của chồng như cô đã chịu đựng trong thời gian qua. Mọi chuyện có thể thay đổi, chồng của cô, bạn gái của cô sẽ tiếp tục leo thang, có những cử chỉ, ngôn ngữ trái tai gai mắt, khiến cô nổi khùng, làm những điều đáng tiếc thì sao. Rồi cô nghĩ sao nếu các con của cô phát hiện ra chuyện ngoại tình của bố" Điểm nữa là hiện tại, cô chưa có hình bóng một người đàn ông nào khác nên cô yên tâm với ý định hy sinh vì con để sống bên người chồng phản bội. Nhưng nếu tương lai vài tháng hay một năm nữa, cô gặp được người đàn ông nào đó quý mến cô, thì cô nghĩ sao" Tiếp tục sống bên người chồng phản bội hay đổi ý, ly dị chồng" Nếu vậy thì tại sao cô không ly dị ngay từ bây giờ để rảnh rang đi tìm một hạnh phúc mới khi cô còn trẻ" Đàn ông không phải ai cũng hư hỏng như chồng cô đâu. Nhất là những người đàn ông đã một lần gẫy đổ như tôi, bao giờ cũng suy nghĩ chín chắn hơn, biết thương hoa tiếc ngọc hơn, và hiểu rõ được giá trị của đời sống gia đình hơn những người đàn ông, có vợ con đàng hoàng mà không hiểu được giá trị của sự thuỷ chung, đi tìm sung sướng chốc lát trong vòng tay những người đàn bà không phải là vợ mình. Vài lời chân tình, rất mong cô lưu tâm.

*

Giữa Mẹ và Hôn Thê, Yêu Ai Bỏ Ai"

Kính thưa quý độc giả. Trên đây là những ý kiến đóng góp của độc giả. Cô H.Tr. sẽ cho biết quyết định của cô trong vài tuần tới. Trong thời gian chờ đợi, quý độc giả nên tiếp tục đóng góp cho ý kiến, vì hoàn cảnh của H.Tr. cũng là hoàn ảnh chúng của nhiều bạn gái chúng ta. Tuần này, Thảo Hiền xin giới thiệu cùng quý vị lá thư cảm động của “một người cháu cô đơn” tên Ng. V.T. mà Thảo Hiền vừa nhận được trong tuần qua. Với tựa đề “Giữa Mẹ và Hôn Thê, Yêu Ai Bỏ Ai"” mà Thảo Hiền tạm đặt cho trường hợp lần này, xin mời quý vị cùng theo dõi và đóng góp ý kiến qua nội dung là thư như sau...

*

Kính thưa các cô các chú. Cháu sinh ra trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát nhưng nhờ vậy, cháu có được cái may mắn hiểu được tình thương vô bờ bến của Mẹ, sự đau đớn trong tuyệt vọng của em gái cháu trước khi chết, sự bạc bẽo vô cảm của Cha và sự tàn nhẫn của cô bạn gái, người cháu đã thuỷ chung một lòng một dạ yêu thương chiều chuộng suốt cả 8 năm nay… Hiện tại, cháu cảm thấy hoàn toàn bế tắc, rất chán nản, mà không biết tin tưởng một ai để có thể tâm tình. Thôi thì cháu chỉ biết tìm đến các cô, các chú là những người hoàn toàn xa lạ để tâm sự, vì chỉ có những người xa lạ không biết cháu là ai, cháu mới có đủ can đảm giãi bầy tất cả những đau đớn sầu tủi của lòng mình.
Cha Mẹ cháu lấy nhau được một năm thì VC chiếm Sàigòn. Một năm sau Cha Mẹ cháu vượt biên nhưng không thành, bị VC bắt và bỏ tù. Mẹ cháu bị tù 9 tháng, còn ba cháu thì bị bỏ tù tới 2 năm rưỡi. Sau cuộc vượt biên bất thành và những ngày tháng kinh hoàng trong tù đầy, Mẹ cháu quá sợ hãi nên thề sẽ không bao giờ dám vượt biên lần thứ hai. Sau khi ra tù, Mẹ cháu tiếp tục buôn bán ở chợ trời để kiếm tiền vừa nuôi ông bà nội vừa nuôi ba cháu ở trong tù, khổ sở không sao kể xiết. Ba cháu ra tù được mấy năm thì Mẹ cháu sinh cháu và hai năm sau thì em gái cháu ra đời. Đến năm cháu lên 5, ba cháu vượt biên lần nữa và lần này thì thành công, ba cháu được định cư tại Úc. Mẹ cháu vì sợ vượt biên, sợ tù đầy, phần nữa vì thương ông bà nội và chúng cháu còn nhỏ, nên Mẹ cháu chỉ lo thu vén cho ba cháu đi, còn Mẹ cháu và chúng cháu ở lại Việt Nam tiếp tục sống trong cảnh rau cháu đùm bọc nhau. Đến khi nhận được tin Ba cháu đã đến Úc định cư, Mẹ cháu mừng lắm vì đinh ninh sớm muộn gì Ba cháu cũng sẽ gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Trong những năm đó, gia đình cháu sống khổ cực không sao tả xiết. Đã có lúc Mẹ cháu phải đi ăn xin để nuôi gia đình, nhưng giấu không cho ai biết nên cháu cũng không biết gì. Sau có thằng bạn học cùng lớp nó trông thấy Mẹ cháu đi ăn xin, nó nói cho cháu biết. Lúc đầu nghe nó nói, cháu không tin, tính dộng cho nó một trận. Sau nó rủ cháu trốn học đi theo nó coi, cháu mới chính mắt nhìn thấy Mẹ cháu đi ăn xin. Thấy cảnh đó cháu đau lòng và xấu hổ với bạn bè vô cùng nên cháu phải bỏ học, đi ăn xin để giúp Mẹ. Cháu cũng giấu không nói cho Mẹ biết những gì cháu đã biết. Nhưng cháu đi ăn xin được có mấy tháng thì bị công ăn bắt, giải về tận nhà làm Mẹ cháu khóc quá trời. Lúc đó, ông bà nội cũng khốn khổ, đói rách lắm. Vậy mà Ba cháu không hề gửi về cho một đồng xu cắc bạc nào. Quà cáp vải vóc cũng không hề gửi. Thư từ cũng vậy, ngoại trừ lá thư đầu tiên ở đảo, Ba gửi về báo tin được Úc nhận cho định cư, còn sau đó Ba cháu không hề gửi một lá thư nào khác. Đến năm cháu được 12 tuổi, thì em gái cháu bị bệnh không có thuốc chữa trị nên chết vật vã vì đau đớn trong tay Mẹ cháu. Một năm sau, Mẹ cháu gửi cháu theo ông bác đi vượt biên cho dù cháu nằng nặc xin được ở lại với Mẹ. Năm 15 tuổi, cháu được đến Úc ở với gia đình ông bác, ai cũng khuyên cháu nên đi học thành tài giúp Mẹ. Nhưng cháu nghĩ ở Việt Nam cháu đã bỏ học, đi học lại làm sao cháu theo nổi. Còn đi học nghề phải mất mấy năm, trong khi ở Việt Nam, Mẹ cháu và ông bà nội đang sống khốn khổ thì cháu không thể nào chịu nổi. Cứ nghĩ đến cảnh ông bà và Mẹ con cháu rau cháo qua ngày là cháu lại ứa nước mắt. Vì vậy, cháu quyết đi làm. Vì lúc đó cháu còn nhỏ tuổi, xin làm ở hãng xưởng không được nên phải đi làm lậu. Cháu đến một tiệm ăn của người Việt kể lể hoàn cảnh đáng thương của Mẹ của ông bà còn ở Việt Nam để xin việc. Ông bà chủ nghe xong, thương cháu nhận cháu vô làm. Tuần lễ đầu tiên ông bà chủ trả cho cháu 150 đô và cho cháu vay thêm 150 đô nữa để cháu gửi về cho Mẹ. Cầm trong tay 300 đô Úc gửi về cho Mẹ, cháu đã khóc vì cảm động và biết ơn ông bà chủ vô cùng.


Một năm sau khi tới Úc, cháu được tin Ba cháu đã lập gia đình với một người đàn bà Úc và đã có 3 con. Theo lời của ông bác cháu kể, thì trước khi lấy vợ Úc, Ba cháu đã sống với một người đàn bà khác ông gặp ở trại tỵ nạn. Nghe lời khuyên của mọi người, cháu có đến gặp Ba cháu một lần, nhưng Ba cháu lạnh lùng đuổi cháu đi. Hôm đó trời mưa tầm tã giống hệt những cơn mưa giông tháng 6 ở Sàigòn, mà lòng cháu thì ngập lụt những điều đau đớn còn hơn cả trời mưa. Cháu đi trong trời mưa, cả người ướt như chuột lột và lần đầu tiên cháu có ý định tự tử. Nhưng sau nghĩ tới hình ảnh người em gái quằn quại đau đớn trước khi chết, rồi nghĩ đến Mẹ đang sống thiếu thốn ở nhà, cháu đã bỏ ý định điên rồ đó.
Suốt 8 năm qua, cháu có một cô bạn gái rất dễ thương. Cô kém cháu 2 tuổi, học hành đàng hoàng, nghề nghiệp vững chắc, gia đình tuy nghèo nhưng rất nề nếp. Chúng cháu yêu thương nhau say đắm nên cách đây một năm, cả hai đã tính đến chuyện làm đám cưới. Khi đó, bạn gái cháu mới bàn chuyện mua nhà, và hỏi cháu về lương bổng, tiền bạc cháu để dành. Cháu nói thật hoàn cảnh của cháu vì phải giúp đỡ ông bà nội và Mẹ ở Việt Nam, nên tiền bạc làm được bao nhiêu, sau khi trừ tiền ăn, tiền nhà, tiền xe cộ xăng nhớt, cháu gửi về cho Mẹ. Nghe cháu nói, T. (cháu tạm gọi cô ta là T cho dễ viết) rất buồn và giận. T. nói cháu phải nghĩ đến tương lai của hai đứa và con cái sau này. T. bảo mỗi năm gửi về cho Mẹ khoảng $1000 là đủ. Nhưng cháu nghĩ tiền bạc bây giờ ở Việt Nam, Mẹ cháu với ông bà nội đã già bệnh tật liên miên thì mỗi tháng một hai triệu làm sao đủ. Ít nhất phải 5 triệu là tằn tiện lắm đó. Mà 5 triệu mỗi tháng thì bên này cháu phải gửi về mỗi năm khoảng năm, sáu ngàn đô Úc. Cháu có nói điều đó với T. thì T. giận dữ, khóc lóc và nói cháu chỉ biết nghĩ đến Mẹ mà chẳng nghĩ đến T. Cháu thì cháu biết, cháu nghĩ đến cả hai người vì Mẹ cháu và T. là hai người thân yêu nhất của cháu trên cõi đời này. Nhưng nếu ông bà nội và Mẹ cháu sống thiếu thốn, chỉ cần sự giúp đỡ của cháu để ăn đủ no, mặc đủ ấm thì đâu có gì là sai trái. Còn cháu và T. ở bên này nếu có thiếu là thiếu tiền tiêu sài, mua sắm để ăn ngon mặc đẹp, chứ đâu có thiếu đến độ ăn đói mặc rét. T. nói cháu chỉ có thể chọn một trong hai, hoặc là Mẹ hoặc là T. Cháu thì cháu muốn cả hai, nhưng T. nhất định chỉ cho cháu chọn một. Vậy các cô các chú nghĩ cháu nên chọn ai" Trong thâm tâm cháu biết, nếu cháu chỉ chọn T. thì sau này dù T. có chiều chuộng cháu thế nào đi nữa, cháu cũng không tài nào có được hạnh phúc. Còn nếu bỏ T. thì cháu nghĩ là cháu không thể nào tìm được tình yêu của bất cứ người con gái nào khác. Không biết cháu nghĩ vậy có đúng hay không" Nhiều người bảo cháu, chỉ cần về Việt Nam thăm Mẹ cháu một chuyến là cháu sẽ quên T. ngay. Điều này có đúng không"...
T. cũng bảo cháu yêu má cháu tha thiết như vậy là do cháu mang mặc cảm Oedipus (Oedipus complex). Chuyện này thực hư như thế nào" Cháu mong các cô các chú giúp cháu.

Một người cháu cô đơn. Nguyễn V. T.

*

Phần Góp Ý của Thảo Hiền

Cháu Nguyen V. T. thân mến. Hoàn cảnh bi đát của gia đình cháu là một trường hợp điển hình của rất nhiều gia đình bị rơi vào thảm cảnh chia lìa người thân, mất trắng tất cả mọi thứ từ tinh thần đến vật chất kể từ sau biến cố tháng 4/75. Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng hiện nay ở Việt Nam vẫn còn có nhiều người sống lây lất trong cảnh nghèo đói đến độ phải đi ăn xin như mẹ cháu ngày xưa, và thậm chí phải bán máu để nuôi con. Chẳng thế mà trong dân gian VN có câu ca dao cải biên “Cái cò lặn lội bờ ao, Bán giọt máu đào nuôi dưỡng đàn con”.
Lòng hy sinh vô bờ bến đến quên thân mình vì hạnh phúc của chồng con là đức tính muôn đời của người phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, bàng bạc trong ca dao, tục ngữ cũng như văn thơ. Ngày trước khi còn bé dại, thấy cảnh mẹ đi ăn xin cháu xấu hổ với bạn bè đến phải bỏ học. Ngày nay khi đã lớn khôn, cháu kể lại cho mọi người nghe vì cháu hiểu cháu đã rất may mắn có được một người mẹ can đảm sẵn sàng “lặn lội thân cò khi quãng vắng”, vượt qua mọi trở ngại và nghịch cảnh để chu toàn cho các con.
Về thái độ của ba cháu thì có lẽ cũng không nên bàn nhiều vì ba cháu đã chọn cho mình một đời sống riêng, cắt đứt quá khứ và tình ruột thịt. Đến cha mẹ già và con thơ mà ông còn đành lòng dứt bỏ thì ân tình với mẹ cháu coi như bát nước đã đổ tràn, làm sao hốt cho đầy lại được.
Cháu không nói rõ hiện nay đời sống của mẹ cháu và ông bà nội ra sao, nhưng cô đoán đã bớt cơ cực hơn trước sau khi cháu đến Úc làm lụng vất vả để có tiền gửi về cho mẹ trong suốt mười mấy năm qua. Cháu đến Úc năm 15 tuổi, có người yêu được 8 năm nên cô đoán tuổi cháu năm nay cũng phải trên dưới 30. Người đàn ông ở tuổi này không thành công thì cũng thành nhân, đã đủ chín chắn để quyết định hướng đi cho tương lai. Dù thương mẹ ở quê nhà đến đâu chăng nữa, đương nhiên là cháu phải nghĩ đến hạnh phúc bản thân, tạo lập cho mình một mái ấm gia đình với người mình chọn làm ý trung nhân. Cháu sống ở Úc một thân một mình, tất nhiên cần có một tình cảm chân thật để đời sống tinh thần có thêm ý nghĩa. Cháu có một cô bạn gái dễ thương, hai người yêu nhau trong suốt 8 năm qua và tính chuyện ăn đời ở kiếp với nhau. Theo lời cháu kể thì cô bạn của cháu tên T. là người học hành đàng hoàng, gia đình tuy nghèo nhưng nề nếp, lại có nghề nghiệp vững chắc. Một người con gái như T. hẳn nhiên phải là mẫu người vợ lý tưởng đối với cháu. Trong suốt bằng ấy năm trời yêu nhau, có thể cho là khá dài, hai người phải hiểu nhau thật rõ, thông cảm nhau thật nhiều mới quyết định tiến đến hôn nhân. Nhưng khi bàn đến chuyện lâu dài thì lại sinh ra rắc rối về tiền bạc. T. không đồng ý với số tiền hàng năm cháu gửi về cho mẹ và ông bà nội mà T. cho là nhiều quá. Và T. giận cháu chỉ biết nghĩ đến mẹ, không nghĩ đến cô ấy, không nghĩ đến tương lai của hai người và những đứa con sau này. Vế phần cháu thì cháu muốn có cả hai, cháu không thể bỏ mẹ và ông bà nhưng cũng không có đủ can đảm xa T. vì cháu yêu cô ấy tha thiết. Quả thật, “Bên tình bên hiếu biết chọn bên nào” vẫn muôn đời là một câu hỏi hóc búa cho người trong cuộc.
Cô là người ngoài cuộc, lại có kinh nghiệm nên có thể nhìn thấy một số góc cạnh khác nhau, vậy hãy thử phân tích nan đề của cháu xem sao nhé. Trước hết cô đoán T. có đầy đủ cha mẹ ở Úc, không phải lo việc gửi tiền về VN nuôi cha mẹ. Cha mẹ cô ấy dù không đi làm hay đã về hưu cũng được hưởng tiền trợ cấp của chính phủ, cùng với các dịch vụ an sinh phúc lợi trong mọi lãnh vực. Vì thế cuộc sống của T. tương đối an toàn để chỉ tập trung lo toan cho cuộc sống riêng tư sau khi có được nghề nghiệp vững chắc. Có thể T. đến Úc trước cháu khi còn trong tuổi ấu thơ, hấp thụ bản sắc văn hoá Âu Mỹ thời đại ngày nay vốn đề cao chủ nghĩa cá nhân, đặt nặng mối liên hệ tiểu gia đình, tức chỉ bao gồm vợ chồng con cái. Thông thường mục tiêu ưu tiên trong cuộc sống của những người chủ trương chủ nghĩa cá nhân là đạt thành quả cho riêng bản thân chứ không phải cho gia đình hay vì gia đình. Khái niệm này đi ngược với văn hóa Á Đông đề cao mối liên hệ đại gia đình (extended family) và chủ nghĩa tập thể (collectivism) trong đó có họ hàng xa gần, người cùng làng xã.
Tất cả những khái niệm trên của cả Đông lẫn Tây đều có cái hay và cái dở. Hay và hữu ích nếu biết áp dụng cái mới đúng mức và đúng cách, dở nếu cứ khư khư ôm giữ tư tưởng thủ cựu đáng lẽ phải bị đào thải vì không còn hợp với những khái niệm về bình đẳng và nhân quyền trong xã hội tự do dân chủ thời nay. Ngược lại với T. , mối ràng buộc trong liên hệ đại gia đình rất quan trọng đối với cháu. Cháu đã trải qua nghịch cảnh bi đát, đã chứng kiến nỗi đau khổ của gia đình, đã biết thế nào là cảnh đói nghèo trong nhà, tất nhiên lương tâm không cho phép cháu bỏ quên mẹ và ông bà. Làm sao cháu có thể ngoảnh mặt quay lưng như ba cháu, vì thế điều kiện mà T. đưa ra dĩ nhiên phải làm cho cháu nhức đầu nhức óc.
T. là người thực tế, nên câu “túp lều tranh hai quả tim vàng, cháo rau cơm nhạt thiếp chàng bên nhau” không đủ sức thuyết phục T. để cô ấy bằng lòng “đi đâu có thiếp theo chàng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”. T. không hẳn là người tàn nhẫn hay ích kỷ nhưng cô ấy nghiêng về chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn. Đối với T., ưu tiên chính là hai vợ chồng phải có đủ khả năng tài chánh để bảo đảm một cuộc sống vật chất cho tiểu gia đình. Nếu cháu yêu T quá và cũng thương mẹ nhiều, không thể chọn một bỏ một thì giải pháp duy nhất là: bàn thảo và điều đình với T. về số tiền hàng tháng gửi về VN sao cho hợp lý, mỗi người nhường nhau một bước để đạt đến một thoả hiệp, số tiền có thể không nhiều như hiện nay nhưng phải đủ để lo cho đời sống của mẹ và ông bà nội được tươm tất. Và nếu như cháu nói với mẹ rằng, vì cháu lập gia đình, trong tương lai có con cái nên không gửi tiền về giúp mẹ nhiều như trước được nữa, cô Thảo Hiền tin là mẹ cháu sẽ không buồn phiền chút nào. Đây là một giải pháp vuông tròn nếu T. chịu thỏa hiệp.
Tuy nhiên cháu nhớ nhé, đàn bà thường hay được đàng chân lấn đằng đầu. Khi gạo đã thổi thành cơm, con cái đùm đề thì có thể T. sẽ mè nheo đưa ra những yêu sách khác buộc cháu phải nghe theo vì nể vợ thương con. Hiện nay T. không ngăn cản cháu gửi tiền về cho mẹ, chỉ yêu cầu cháu gửi ít hơn, nhưng mai sau biết đâu cô ấy sẽ không cho cháu gửi tiền về nữa, viện lý do không có đủ tiền lo cho con. Đến lúc đó thì cháu chỉ có một lựa chọn duy nhất là “vợ kêu chồng dạ, thưa nàng anh đây”. Trong cộng đồng chúng ta đã từng có những gia đình tan vỡ chỉ vì hai vợ chồng không thỏa hiệp được với nhau về chuyện tiền bạc gửi về VN giúp đỡ gia đình. Người nào cũng biết thương gia đình mình nhưng lại không thông cảm được với tình thương gia đình của người kia. Nếu T. chọn hình thức hôn nhân theo khuôn mẫu mà đa số những cặp vợ chồng trẻ ở Úc thường áp dụng thì không chừng “mỗi người có một… ắc cao (account), phần ai nấy trả miễn sao vuông tròn”. Lúc đó liệu cháu có còn đủ khả năng để dành riêng ra một số tiền gửi về nuôi mẹ nữa hay không, sau khi chi trả cho những tờ bills điện nước, tiền nợ nhà, nợ credit cards, vân vân và vân vân…
Trong trường hợp T. cương quyết không thỏa hiệp, nhất định chỉ cho cháu chọn một thì quả thật là nan giải cho cháu! Điều này sẽ cho cháu hiểu thêm về T. rằng cô ấy rõ ràng là một cô gái có cá tính mạnh, độc lập và độc đoán. Và hãy tự đặt câu hỏi, nếu T. thực lòng yêu cháu thì cô ấy đã phải nghĩ đến hạnh phúc của cháu. Mà hạnh phúc của cháu là gì" Là ngoài tình yêu dành cho T., cháu còn có tình yêu đối với gia đình. Được đền đáp công ơn người đã mang nặng đẻ đau, đã dưỡng dục cháu nên người là niềm vui sống của cháu. Hơn nữaT. phải biết quý trọng cháu hơn vì cháu biết trọng ơn nghĩa, hiếu thảo với gia đình.
Nếu T. là người có một siêu ngã (superego) thì khó lòng cho cô ấy nghĩ đến người khác hay chịu nhường bước vì lợi ích của đôi bên. Cuộc sống hôn nhân luôn đòi hỏi một chút thua thiệt, một chút hy sinh của cả hai người mới có thể giữ vững mái ấm gia đình.
Cháu viết rằng “nếu bỏ T thì cháu nghĩ là cháu không thể nào tìm được tình yêu của bất cứ người con gái nào khác”. Cô Thảo Hiền không hỏi tại sao cháu yêu T. ghê gớm đến thế, vì tình yêu khó định nghĩa lắm. Nhưng nói như ông nhạc sĩ Từ Công Phụng là “nếu có điều gì vĩnh cửu trên đời thì đó là tình yêu chúng ta” thì cô cho là ông nhạc sĩ họ Từ là một trong những người may mắn nhất trên đời. Tình cảm vốn vô thường. Trên thế gian hiếm có người chỉ yêu một lần duy nhất trong đời. Nếu hai người yêu nhau và không lấy được nhau thì họ sẽ nhớ đến nhau trong một thời gian rất dài. Thói đời bao giờ cũng thế, cái gì mình không sở hữu được thì luôn thèm muốn và tiếc nuối. Nhưng nhớ đến nhau là nhớ những kỷ niệm đã có với nhau, nuối tiếc cái cảm giác yêu đương đã trao cho nhau. Mười năm sau gặp lại như người tình “10 năm tình cũ” của ông nhạc sĩ Trần Quảng Nam, đã chắc gì tình xưa còn nóng hổi như mười năm trước. Thời gian trôi nhanh với biết bao vật đổi sao dời, không ai mang theo mãi trên người những hành trang lỉnh kỉnh của quá khứ vốn chỉ khiến người ta thêm nặng lòng và làm vướng chân trên bước đường đời.
Nếu cháu nhớ mẹ và ông bà muốn về VN thăm thì phải xem đây là chuyện tình cảm gia đình riêng tư, mỗi người mỗi hoàn cảnh mỗi quan điểm khác nhau. Nhưng nếu vì có “nhiều người bảo cháu chỉ cần về thăm mẹ một chuyến thì sẽ quên được T. ngay” thì không nên mượn tình thương của mẹ để trám vào mối tình tan vỡ. Hãy để cho thời gian chữa lành vết thương một cách tự nhiên. Cháu là một thanh niên trẻ, có thể tìm quên qua nhiều cách như tham gia những công tác thiện nguyện mang lại lợi ích cho xã hội và tha nhân, cũng như tạo thêm ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc sống của chính mình. Hoặc dùng thời gian còn lại sau giờ làm việc để học một nghề chuyên môn. Hoặc tìm quen thêm những bạn mới cùng lứa, tạo cho mình những thú vui giải trí lành mạnh. Một ngày nào đó, quay đầu nhìn lại, cháu sẽ thấy tất cả những gì đã qua đều là những kỷ niệm đẹp.
Cháu kể rằng T. nói cháu yêu mẹ cháu tha thiết là do mặc cảm Oedipus và cháu hỏi thực hư như thế nào. Bước vào phạm trù phân tâm học của Freud sẽ đòi hỏi nhiều bút mực và khả năng chuyên môn, nên ở đây cô Thảo Hiền chỉ giải thích một cách tổng quát như sau. “Mặc cảm Oedipus” (Oediplus Complex) là một đặc điểm tâm lý thể hiện nơi những đứa trẻ trai thường yêu mến gần gũi với mẹ để tranh giành tình cảm với cha mình. Nhà phân tâm học nổi tiếng người Đức là Sigmund Freud (1856- 1939) đã mượn nhân vật “Oedipus” trong chuyện thần thoại Hy Lạp để đặt tên cho tâm lý này. Theo Freud thì giai đoạn từ 3 đến 5 tuổi là lúc Oedipal stage phát triển, khi đứa trẻ trai trở nên gắn bó với mẹ để cố chiếm lấy tình yêu mà mẹ dành cho cha, và cùng lúc trong vô thức lại cảm thấy thù nghịch người cha. Đó cũng là giai đoạn mà đứa trẻ trai ý thức được sự khác biệt về giới tính giữa em với mẹ và Freud gọi đó là sự tỉnh thức về tình dục (sexual awakening).
Theo truyền thuyết Hy Lạp, Oedipus là con trai của vua Laius và hoàng hậu Jocasta thành Thebes . Sau khi có lời sấm tiên đoánOedipus sẽ giết cha và lấy mẹ, vua Laius sai thuộc hạ đem bỏ cậu bé lên núi. Tuy nhiên Oedipus được người này giao lại cho vua Polybus và hoàng hậu Merope của xứ Corinthe và được nhận làm con nuôi.
Khi Oedipus lớn khôn, lại nghe được lời tiên tri là mình sẽ giết cha lấy mẹ. Tin rằng vua Polybus và hoàng hậu Merope là cha mẹ ruột nên Oedipus bỏ trốn khỏi xứ Corinthe. Trên đường đi Oedipus tình cờ gặp vua Laius. Hai bên gây chiến và Oedipus giết Laius mà không hề biết đó là cha ruột của mình. Oedipus đến xứ Thebes, đấu trí với một con nhân sư (Sphinx) và thắng cuộc, trở thành vị anh hùng của xứ Thebes, thành hôn với hoàng hậu Jocasta là mẹ của mình mà chàng không hề biết. Một ngày nọ, viên cận thần xưa kia của vua Laius cho hoàng hậu Jocasta và Oedipus biết rõ sự thật. Hoàng hậu quá đau khổ và xấu hổ nên tự sát, còn Oedipus cũng tự trừng phạt bằng cách lấy chiếc trâm của hoàng hậu đâm mù đôi mắt. Nói tóm lại, tình thương mà cháu dành cho mẹ chỉ thuần túy là tình mẹ con đùm bọc lẫn nhau, chẳng ăn nhập gì đến mặc cảm Oedipus. Cháu đền trả công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ là một hành động tự nhiên không có gì là trái đạo. Cô nghĩ, có lẽ bạn gái cháu đã đánh giá tình cảm của cháu dành cho Mẹ quá méo mó, hoặc bạn gái cháu chỉ nói đùa cho vui thôi. Muốn biết chắc cháu có bị mặc cảm Oedipus hay không, có lẽ phải nhờ đến một nhà phân tâm học chuyên môn để thẩm định tình trạng tâm lý của cháu.
Nhưng tại sao lại phải gieo vào đầu những thắc mắc không cần thiết để làm cho mớ chỉ đã rối càng thêm rối" Cô Thảo Hiền chúc cháu có nhiều nghị lực và niềm tin để tự chọn lấy con đường nào đem lại ít đau khổ nhất cho cháu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.