Hôm nay,  

Phỏng Vấn Bs Nguyễn Đỗ Thanh Phong, Bs Chuyên Khoa Tim

24/01/200600:00:00(Xem: 6595)
LGT: Trong cơ thể con người, tim đóng vai trò quan trọng đặc biệt, cung cấp máu nuôi toàn cơ thể. Một khi tim không hoạt động bình thường, cả cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, và trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể chết trong vài phút đồng hồ. Tại Mỹ, những bệnh về tim là thủ phạm số một gây tử vong cho khoảng 1 triệu bệnh nhân mỗi năm, chiếm 40% tổng số tử vong vì bệnh trên toàn nước Mỹ. Hiện ở Mỹ, với tỷ lệ 15% trẻ em bị mập phì; 4 triệu trẻ em có áp suất máu bất bình thường; 27 triệu trẻ em bị cao mỡ trong máu; viễn ảnh tử vong vì bệnh tim tại Mỹ chắc chắn sẽ gia tăng trong những năm tới. Và thực tế nguy hiểm tại Mỹ là thực tế chung tại các quốc gia có nền kỹ nghệ tiên tiến, trong đó có Úc. Nhưng song song với thực tế đáng lo ngại trên, trong thời gian gần đây, cùng với những tiến bộ của khoa học trong lĩnh vực y khoa, vai trò tích cực của chính phủ và các tổ chức thiện nguyện trong việc phòng chống bệnh tim, và đặc biệt ý thức của người dân đối với bệnh tim ngày càng nâng cao, đã khiến số lượng người bị tử vong vì bệnh tim được giảm thiểu tại nhiều vùng, nhiều quốc gia. Cụ thể, theo thống kê gần đây của bộ y tế Tây Úc (Western Australian Health Department), số người tử vong vì bệnh tim của tiểu bang vào năm 1983, trung bình cứ 100,000 người có 259 người; đến năm 2003, con số tử vong vì bệnh tim chỉ còn 110 người, giảm 60% so với 20 năm trước. Điều này cho thấy, trong cuộc chiến chống lại bệnh tim, nhân loại đang chiến thắng. Để có thể hiểu rõ hơn những bệnh về tim, cùng các phương thức trị liệu phổ thông hiện nay, sau đây, Sàigòn Times xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài phỏng vấn BS Nguyễn Đỗ Thanh Phong, BS chuyên khoa về tim, đồng thời cũng là một người Việt tích cực tham gia các sinh hoạt đấu tranh của cộng đồng người Việt tại Úc trong suốt nhiều năm qua. BS Phong hiện làm việc tại bệnh viện Liverpool, bệnh viện Campbelltown, và để thuận tiện trong việc phục vụ quý đồng hương, BS cũng có hai phòng mạch chuyên khoa tim tại Campbelltown (Suite 6, 4 Browne St. Tel: 02 - 46281122) và Cabramatta (59A Hill St. Tel: 97257259).

*

SGT: Kính chào BS Phong. Trước hết, BS có thể cho độc giả Sàigòn Times biết tóm tắt tiểu sử của BS"
BS Phong: Kính chào ông Hữu Nguyên và quý đọc giả của Báo Sàigòn Times. Sau khi đến Úc năm 1986, tôi đã theo học Anh Văn tại trường Milpera Special School dành cho những người chuẩn bị vào các trường trung học và cao đẳng. Sau 6 tháng thì tôi vào học lớp 11 và sau khi xong lớp 12, thì tôi vào Đại Học Queensland học về nghành Kỹ Sư. Tuy nhiên, sau 1 năm tôi cảm thấy nghành Kỹ Sư không thích hợp cho cá nhân tôi, do đó tôi đã chuyển qua nghành Y Khoa và đã tốt nghiệp năm 1995. Sau đó tôi làm việc nội trú tại các bịnh viện Princess Alexandra và Greenslopes tại Queensland và đã thi để theo học chuyên khoa về Tim. Sau khi đã được nhận vào học chuyên khoa Tim, tôi đã xin đi học tu nghiệp tại các bịnh viện như: The Canberra Hospital, Liverpool Hospital và Prince of Wales Hospital tại New South Wales. Tôi đã tốt nghiệp chuyên khoa Tim vào năm 2003 tại Sydney và sau đó đã xin tu học thêm về môn Thông và Siêu Âm Tim (Intervention and Echocardiography) tại bịnh viện Prince of Wales, Sydney. Hiện nay, tôi đang làm việc tại bịnh viện Liverpool và Campbelltown. Ngoài những giờ làm việc trong bịnh viện thì tôi cũng có làm thêm tại các phòng mạch ở Campbelltown và Cabramatta.

SGT: 30 năm trước, vào thời điểm 30-4-75, BS đang làm gì, ở đâu, và BS đã đến Úc trong hoàn cảnh nào"
BS Phong: Vào thời điểm 30/4/75, tôi còn nhỏ vì thế tôi không biết nhiều về tình hình chiến sự lúc bấy giờ, tuy nhiên tôi nhớ rất rõ những cảnh huyên náo, chạy loạn, những tiếng súng văng vẳng ở Sài Gòn. Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam thì cũng như mọi gia đình khác, chúng tôi cũng đã gặp mọi khó khăn từ sự áp đảo tinh thần cho đến những gánh nặng về sinh kế qua những chính sách đối xử khác biệt và sai lầm của nhà cầm quyền CS Hà Nội. Sau 3 lần cùng gia đình cố gắng vượt biên tìm tự do, bị bắt, ở tù nhiều lần và mất hết tài sản, cuối cùng thì tôi đã cùng với người em trai kế và người cậu vượt biển thành công đến trại tị nạn Indonesia tháng 12/1984 và đến Úc vào tháng 3 năm 1986. Bảy năm sau khi rời quê hương thì chúng tôi đã bảo lãnh được cha mẹ và hai em sang Úc đoàn tụ gia đình.

SGT: Là một BS chuyên khoa về tim, BS thấy vai trò của BS toàn khoa (gia đình), BS chuyên khoa (như BS), và bệnh viện, trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh tim giống và khác nhau thế nào"
BS Phong: Hệ thống y tế của Úc hiện nay mặc dù có một số vấn đề mà có lẽ quý vị cũng đã nghe nói đến nhiều trong thời gian gần đây qua báo chí và truyền hình, tuy nhiên nếu so với các nước khác trên thế giới, thì Úc là một trong những quốc gia quan tâm rất nhiều đến sức khoẻ của người dân và có một hệ thống y tế phục vụ khá tốt. Vì có hệ thống ổn định và tốt, do đó các vai trò đều được xác định khá rõ trong phần vụ của mình. Quan niệm trị bịnh hoặc chăm sóc sức khoẻ cho bịnh nhân hiện nay là quan niệm "team efforts", có nghĩa là nó phải được sự phối hợp của nhiều người từ BS toàn khoa đến chuyên khoa, từ vai trò của bịnh viện đến phòng mạch tư. Tất cả đều đóng một vai trò quan trọng. BS gia đình thường là "tuyến tiền phong", là nơi phát giác hoặc nghi là có bịnh và sau đó là gửi đến BS chuyên khoa (khi cần) để trị những bịnh có tính cách chuyên môn. Và ngay cả trong lúc trị những bịnh có tính cách chuyên môn này, người bịnh nhân cần phải được theo dõi và chăm sóc bởi cả hai BS gia đình và chuyên khoa. Điều này sẽ đảm bảo được rằng bịnh nhân sẽ được theo dõi kỹ lưỡng và cả hai có thể bổ sung cho nhau. Vì điều kiện gặp gỡ BS gia đình dù sao cũng dễ dàng hơn, do đó tôi thường hay khuyên bịnh nhân nên gặp lại BS gia đình sau khi đi chuyên khoa để được theo dõi một cách chu đáo cho đến khi hết bịnh. Vai trò của bịnh viện thì cũng không khác chi với vai trò của vị BS chuyên khoa, tức là trong những trường hợp cấp cứu, khẩn cấp, hay cần thiết nhập viện theo nhận định của BS thì người bịnh thường được gửi vào bịnh viện để giải quyết, sau đó thì người bịnh đó được trao cho một lá thư sau khi xuất viện để về trao cho người BS gia đình để tiếp tục theo dõi. Đối với những BS chuyên khoa mà cũng làm việc trong bịnh viện thì có điểm lợi là có thể tiếp tục theo dõi hoặc trị bịnh nhân của mình sau khi bịnh nhân nhập viện.

SGT: Với nhiều năm kinh nghiệm của một bác sĩ chuyên khoa về tim, xin BS cho biết, tầm quan trọng của tim đối với cơ thể như thế nào"
BS Phong: Thưa hầu như tất cả mọi bộ phận trong cơ thể con người đều có một vai trò và vị trí quan trọng. Hầu hết đều có những chức năng riêng, tuy nhiên rất liên đới với nhau. Do đó, khi một bộ phận bị trở ngại thì ít nhiều bộ phận đó sẽ có những ảnh hưởng đến một hay nhiều bộ phận liên quan. Điều khác biệt có chăng là cường độ và tốc độ tác hại ảnh hưởng đến cơ thể và các bộ phận khác. Thường tim là một bộ phận có tầm ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể và có một tốc độ tác hại khá nhanh, nguyên nhân chính là vì chức năng của nó. Vì tim đóng vai trò dẫn máu lên não và để nuôi các bộ phận khác trong cơ thể, do thế thường chúng ta thấy người bị bịnh tim, nhất là chứng nhồi máu cơ tim nếu không cấp cứu kịp có thể gây đến tử vong trong vòng tích tắc.

SGT: Thưa BS, bệnh tim là nguyên nhân số một gây ra tử vong tại các quốc gia kỹ nghệ tây phương. Như vậy, so sánh giữa người Việt tại Úc với người ngoại quốc tại Úc, thì nguy cơ mắc bệnh, cách chẩn đoán phát hiện bệnh, và mức độ điều trị thành công về bệnh tim của người Việt có khác biệt gì không" Nếu có, đâu là nguyên nhân"
BS Phong: Trong thời gian gần đây, vì tôi có được cơ hội làm việc trong những khu bịnh viện có mức độ dân số sinh sống cao của người Việt cũng như những người Á Đông khác có cùng khoảng thời gian định cư tại Úc với chúng ta như: người Hoa, người Cam Bốt, Lào, Mã Lai, Ấn... do đó tôi có dịp theo dõi và nhận thấy tỷ lệ người di dân bị bịnh tim, trong đó có người Việt, không thua gì những người Úc. Có một vài nghiên cứu cho thấy một trong những nguyên nhân chính mà thành phần di dân thuộc thế hệ thứ nhất bị bịnh tim nhiều là vì cơ thể chưa thích ứng được đúng mức với những thức ăn phương Tây (Western diet), mà trong đó có nhiều chất bơ, mỡ, đường và đạm. Vì vậy mà đã dẫn đến nhiều bịnh cao mỡ, phì nộn, tiểu đường.... Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm là nói chung tỷ lệ hút thuốc lá của đàn ông Việt Nam khá cao và điều này cũng nâng cao mức độ nguy cơ dẫn đến các bịnh tim mạch.
Nói chung, hệ thống y tế tại đây tương đối đặt nhiều trọng tâm đến việc phòng bịnh do đó mức độ hiểu biết về những nguy cơ và nguy hại của bịnh tim qua những chương trình truyền thanh, truyền hình, những quảng cáo của chính phủ cũng như qua các sự truyền đạt của các BS gia đình, nhân viên y tế cộng đồng... tương đối tốt. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ yếu tố ngôn ngữ vẫn phần nào là yếu tố cản trở cho các bậc lão niên trong cộng đồng chúng ta. Về phương diện điều trị thành công thì trên lãnh vực kỹ thuật tức uống thuốc, thông tim và mổ tim thì theo tôi không có gì khác biệt với cộng đồng Úc. Tôi luôn khuyến khích và cố gắng giúp các em sinh viên hoặc các BS đi sau tôi, mạnh dạn chọn mọi nghành chuyên môn mình thích, từ toàn khoa cho đến chuyên khoa để chúng ta có một đội ngũ BS đa dạng hầu có thể phục vụ các đồng hương Việt Nam và dĩ nhiên quan trọng hơn hết là để hướng dẫn và canh tân đất nước chúng ta sau này khi chế độ độc tài CS bị sụp đổ.

SGT: Được biết, BS vừa khai trương Phòng mạch Chuyên Khoa Tim tại Cabramatta và campbel- town. Vậy xin BS cho biết các dịch vụ chủ yếu như siêu âm tim, đo biểu đồ tim, 24hrs Holter Monitoring, soi tim, thông tim... khác nhau như thế nào"
BS Phong: Thưa ngoài những trách nhiệm trong bịnh viện tôi hiện cũng đang có làm tại phòng mạch riêng vài ngày trong tuần nhằm để có thể phục vụ thêm cho nhiều đồng hương. Ngoài việc chuẩn bịnh và trị bịnh, chúng tôi cũng có những dịch vụ để giúp chuẩn và trị bịnh. Những dịch vụ này như: 1. Đo biểu đồ tim và đo 24 tiếng Holter: Biểu đồ tim là một trong những thử nghiệm căn bản nhất mà mỗi người bịnh nhân đi khám bịnh tim đều phải có, vì nó sẽ giúp người BS hiểu rõ hơn về tình trạng tổng quát của người bịnh cũng như giúp để chuẩn những căn bịnh khẩn cấp. Holter là một cái máy nhỏ bằng một cái máy cassette được gắn để đo tất cả nhịp tim trong suốt 24 tiếng, trong đó nó sẽ giúp để chuẩn các chứng bịnh loạn nhịp tim. 2. Siêu âm tim (Echo): Đây là phương pháp dùng siêu âm để theo dõi và kiểm tra các cơ phận tim như cơ tim và các valve tim. 3. Exercise Stress Test (Chạy máy thể dục): Mục đích điều tra xem bịnh nhân có những triệu chứng bịnh nhồi máu cơ tim hay không. 4. Rọi mạch vành tim và thông tim (Coronary angiogram and Angioplasty): Phần này tôi không làm tại phòng mạch mà phải làm trong bịnh viện vì phải phụ thuộc vào một số dụng cụ trong đó và tôi thường làm tại bịnh viện Liverpool.

SGT: Thưa BS, bệnh nhồi máu cơ tim và loạn nhịp tim có nguyên nhân, triệu chứng, và cách điều trị thế nào"
BS Phong: Bịnh nhồi máu cơ tim và loạn nhịp tim thuộc hai lãnh vực khác nhau mà tôi xin được tóm gọn như sau: Thứ nhất, bịnh nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân của căn bịnh này là do chứng thiếu máu cơ tim vì bị nghẽn mạch vành tim. Tùy thuộc vào mức độ và số lượng mạch tim bị nghẽn, người bịnh sẽ có những triệu chứng như: đau, tức hoặc nặng ngực, khó thở, chóng mặt, đôi khi người bịnh cảm thấy đau bả vai trái hoặc đau chân cổ họng. Những triệu chứng này không nhất thiết là sẽ xảy ra cho mọi người và đôi khi những triệu chứng như buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi hơn bình thường cũng có thể do tim gây ra. Trên nguyên tắc chung thì phương thức trị gồm 3 phần: uống thuốc, có những trường hợp cần phải thông tim và nếu nặng hơn thì cần phải mổ. Ngoài ra, còn có một số phương cách khác mà có lẽ vì giới hạn của bài này, tôi sẽ xin được trình bày trong dịp sau.


Thứ hai là bịnh loạn nhịp tim. Khi nói đến bịnh loạn nhịp tim thì có rất nhiều loại bịnh loạn nhịp tim và mỗi loại đều có nguyên nhân và cách trị bịnh riêng. Tôi xin không đi vào chi tiết ở đây vì nó khá nhiều, nhưng nói chung khi nói đến loạn nhịp tim thì chúng ta nói đến các bịnh mà nhịp tim đập không bình thường, có thể nhanh hay chậm. Thường thì người bịnh cảm thấy chóng mặt, muốn xỉu hoặc bị xỉu vì lượng máu thoát ra không đủ lên não bộ. Đôi khi trong trường hợp tim đập nhanh, người bịnh có thể cảm thấy được tim đập nhanh và mạnh. Tùy theo loại bịnh mà cách trị sẽ phải được dùng khác nhau. Trên nguyên tắc chung thì khi nhịp tim đập loạn nhanh thì người bịnh cần phải được cho thuốc điều hòa nhịp tim càng sớm càng tốt và khi nhịp tim đập loạn chậm thì cần phải cho thuốc để tim có thể đập nhanh hơn hoặc đôi khi phải cần dùng pace maker (xin tạm dịch là máy điều nhịp tim nhân tạo) để giúp tim đập nhanh.

SGT: Được biết, bên cạnh tình trạng tim đập bất thường quá chậm, hay qua nhanh, loạn nhịp tim còn có tình trạng tim đập tới trên 300 nhịp trong một phút mệnh danh là ventricular fibrillation (VF). Xin BS giải thích rõ hơn về trường hợp này, cũng như phương pháp ICD (This implantable cardioverter defibrillator), hoặc AED (automatic external defibrillator) trong trường hợp khẩn cấp"
BS Phong: Thưa trường hợp ventricular fibrillation (xin được dịch tạm là bịnh Rung Tâm Thất) là một trường hợp khẩn cấp. Thường nếu như trong trường hợp đó mà người bịnh nhân không được cấp cứu ngay thì sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Đây là trường hợp loạn nhịp tim mà xuất phát là từ đại tâm thất. Trong trường này vì tim đập quá nhanh do đó không đủ máu bơm lên não và trong một vài phút ngắn ngủi nếu không chữa kịp sẽ đưa đến tử vong hoặc nếu cứu trễ sẽ có thể đưa đến việc hư não bộ.
Phương pháp ICD hay nói vắn tắt là Defibrillator (máy khử rung) là một cái máy nhỏ kích thước khoảng lớn hơn cái hộp quẹt một chút nhưng mỏng hơn, được gắn vào người bịnh nhân với các giây được cắm vào cơ tim. Mục đích của máy là dùng để nhận ra mỗi khi nhịp tim đập loạn như trường hợp ventricular tachycardia (VT) hay ventricular fibrillation (VF), để có thể cứu được người một cách kịp thời bằng cách tự phát ra một làn sóng điện để shock giúp trái tim trở lại làm việc bình thường. Máy defrillator sẽ tiếp tục shock cho đến khi nào nhịp tim hết bị loạn. Người bịnh lúc đó sẽ cảm thấy như bị điện giật nhẹ và mục đích là sẽ cứu ngay bịnh nhân. Máy này thường rất mắc và được dùng cho những bịnh nhân chọn lọc nào mà Bác Sĩ nghĩ rằng có nguy cơ cao bị chứng bịnh loạn tim nguy hiểm này.
Riêng về AED là máy có nhiệm vụ tương tự tuy nhiên nó không phải gắn vào người mà là dùng ở bên ngoài. Thường thì máy này được để ở các phòng cấp cứu hoặc trong xe Ambulance và tại phòng mạch của tôi cũng được trang bị máy này. Đây là loại máy mà chúng ta thường hay được thấy ở trong các phim về y tế khi BS cầm trên hai tay để trên ngực bịnh nhân khi shock (cho giựt điện). Làn điện khi được phát ra sẽ chạy ngang qua ngực và đi thẳng vào tim, không như Defibrillator ở trên khi làn điện được đưa vào tim qua các sợi giây. Vì chức năng của nó là để dùng trong các phòng cấp cứu, do đó nó có thể được di động khi cần thiết và có thể dùng cho bất cứ người nào mà không cần phải mổ để gắn vào người đó.

SGT: Được biết, trong lĩnh vực chẩn và trị bệnh tim, có một phương pháp mà tiếng Anh gọi là "cardiac catheterization". Xin BS mô tả tóm tắt tiến trình thực hiện, và côngdụng của phương pháp này"
BS Phong: Cardiac catheterization là một phương pháp mà tôi thường giải thích một cách giản dị cho bịnh nhân là "rọi mạch vành tim". Công dụng của phương pháp này là để chuẩn xem trong mạch vành tim có bị nghẽn hay không và mức độ nghẽn như thế nào. Nghẽn mạch tim là nguyên nhân chính đưa đến bịnh nhồi máu cơ tim. Phương pháp này phải được thực hiện trong bịnh viện. Sau khi người bịnh được chuẩn bị xong thì BS đặt người bịnh nằm trên một cái giường di động được cấu trúc đặc biệt với hệ thống máy hình, dùng quang tuyến để chụp các mạch vành tim. BS sẽ dùng thuốc tê để chích làm tê phần ngoài da chỗ động mạch xương đùi ngay háng. Sau đó, BS sẽ dùng kim để qua đó dẫn ống thông vào bên trong động mạch đưa lên mạch vành tim. BS sẽ lần lượt chụp những hình mạch vành tim dùng chất contrast medium, dưới nhiều góc độ khác nhau (vì thế nên cần giường di động) để đảm bảo là không bị sơ sót. Bởi vì có những chỗ mà góc độ này nhìn thấy rõ hơn góc độ khác, vì thế nó cũng sẽ giúp người BS có những xác định chính xác về mức độ nghẽn nặng nhẹ như thế nào của mạch tim.

SGT: BS vừa đề cập đến chất contrast medium. Chất này dùng để làm gì, thưa BS"
BS Phong: Contrast medium là một danh từ nói chung cho những loại chất thuốc dùng khi chụp quang tuyến những mạch vành tim. Những loại thuốc contrast này sẽ giúp làm nổi bật mạch tim và vì thế nếu giả sử mạch nào đó bị nghẽn thì nó sẽ được hiện rõ ra sau khi chụp. Mỗi lần chụp là mỗi lần người BS phải bơm loại thuốc này vào mạch vành tim đó.

SGT: Khi nào thì dùng phương pháp rọi mạch vành tim, và có giới hạn gì về tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe của người bệnh" Và thưa BS, người bệnh có cần nội trú, và phải được gây mê hay chỉ cần gây tê (local anesthetic)"
BS Phong: Phương pháp rọi mạch vành tim này thường được dành cho những bịnh nhân nào có nguy cơ bị bịnh nhồi máu cơ tim qua các cuộc thử nghiệm hoặc dành cho những bịnh nhân đã bị "heart attack". Sau khi làm và nhận định rõ tình trạng bịnh và mức độ bị nghẽn tim, BS qua đó sẽ có thể quyết định người bịnh đó có cần phải thông hay / hoặc mổ tim. Tuổi tác hoặc giới tính thường không phải là vấn đề giới hạn cho phương pháp này. Gần đây tôi đã rọi và sau đó thông tim ngay cho một cụ 85 tuổi sau khi cụ bị chứng nhồi máu cơ tim cấp tính. Vấn đề giới hạn chính yếu là tình trạng sức khoẻ của người bịnh. Có những người tuy tuổi đã cao nhưng sức khoẻ còn tốt thì vẫn có thể làm được và cũng có những người tuổi trẻ hơn nhưng vì sức yếu, do đó sẽ dẫn đến những do dự cho BS khi quyết định làm vì có thể đưa đến những nguy hiểm. Những tỷ lệ nguy hiểm thường được dùng là 1 trên 1000 trường hợp là sẽ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não, bị nhồi máu cơ tim, bị tổn thương đến động mạch đùi khi dùng kim chích vào và dĩ nhiên nguy cơ bị tử vong. Đây là một tỷ lệ rất thấp, và đối với một người BS kinh nghiệm thì tỷ lệ này còn có thể thấp hơn nữa. Hầu như khắp các bịnh viện ở trên toàn Úc có phòng mổ để rọi mạch tim đều làm theo hình thức ngoại trú, có nghĩa là người bịnh có thể về nhà ngay chiều hôm đó sau khi làm xong vì chỉ dùng thuốc tê mà không cần dùng thuốc gây mê.

SGT: Trước khi dùng phương pháp rọi mạch vành tim, người bệnh phải làm gì" Liệu những người bị dị ứng với tôm cá (shellfish), có cần phải bàn bạc với BS hay không"
BS Phong: Trước khi được rọi mạch tim thì người bịnh cần phải được thử máu và chụp hình phổi. Đây là những thử nghiệm căn bản để BS có thể thẩm định được tình trạng sức khỏe của bịnh nhân, nhất là để xem bịnh nhân có bị yếu thận hay không, vì chất contrast có thể làm hại thận hơn nữa. Nếu bịnh nhân đã bị dị ứng đối với chất contrast trong quá khứ hoặc bị dị ứng với đồ biển thì cần phải cho BS biết trước để BS có thể cho thuốc phòng ngừa trước khi làm. Một số nhỏ trường hợp bị dị ứng nặng và cấp tính có thể đưa đến nguy hiểm tính mạng trong lúc làm.

SGT: Cách đây mấy tháng, vào ngày 19-8-2005, tòa án Texas đi đến phán quyết buộc công ty dược phẩm Mỹ Merck and Co. phải bồi thường 253.4 triệu Mỹ kim cho bà Carol Ernst vì chồng bà đã chết vì bệnh tim sau khi uống thuốc trị viêm khớp Vioxx của công ty. Trước đó không lâu, giáo sư Les Cleland thuộc Bệnh viện Hoàng gia Adelaide cũng cho biết thuốc Vioxx là nguyên nhân gây bệnh đau tim và đột quỵ khiến 300 công dân Úc bị tử vong. Qua hai sự kiện này, xin hỏi BS 2 câu hỏi cuối cùng. Một, tại sao một người tim khỏe mạnh, chỉ vì uống thuốc viêm khớp Vioxx, người đó lại có thể bị bệnh tim" Hai, thuốc Vioxx này được chấp thuận bán trên thị trường thế giới từ năm 1999, nhưng mãi đến năm 2004 mới bị cấm. Như vậy làm sao các BS và người bệnh có thể ngừa được những tai nạn tương tự trong tương lai"
BS Phong: Thưa đây là một trong những câu hỏi mà rất nhiều bịnh nhân đã có hỏi tôi trong thời gian qua. Thuốc Vioxx ( Rofecoxib) và những loại tương tự thuộc gia đình COX 2 inhibitors, như Celebrex (Celecoxib), Bextra (Valdecoxib) mà bên Hoa Kỳ họ dùng nhiều được tung ra thị trường năm 1999 như là những cứu tinh cho những người bị bịnh đau thấp khớp kinh niên, vì chẳng những nó giúp chống sưng, giảm đau các khớp xương mà nó còn có một lợi điểm quan trọng khác nữa là mức độ tác hại bao tử nó rất ít so với các loại thuốc chống sưng cổ điển. Đây là một trong những phản ứng phụ của các loại thuốc chống sưng mà nó làm cho người bịnh nhân bị thấp khớp rất khổ sở vì cần dùng thuốc kinh niên mà không dùng được vì bị đau và loét bao tử. Do đó, khi các loại thuốc này được tung ra, nhờ mức độ tác hại đến bao tử rất ít, nên mức độ tiêu thụ tăng cao dường như vượt kỷ lục. Tuy nhiên, sau nhiều năm dùng thuốc các nhà nghiên cứu và các BS mới để ý và nghiên cứu thấy rằng số lượng bịnh nhân tử vong vì bịnh tim mạch rất cao cho những người dùng các loại thuốc này so với những người không dùng thuốc đó. Qua nhiều quá trình nghiên cứu, thì hiện nay các dữ kiện về sự tác hại của các loại thuộc này đến tim mạch ngày càng rõ hơn, nhất là đối với những người đã và đang, (i) bị bịnh tim; (ii) dùng thuốc này lâu ngày; (iii) và dùng liều lượng thuốc cao. Mới đây nhất cũng đã có một số nghiên cứu cho thấy là các loại thuốc chống sưng cổ điển (tức là non- selective NSAID) như thuốc Indocid, Sulindac, Meloxicam, Ibuprofen, Naproxen... cũng có nguy cơ tác hại đến tim, tuy nhiên ở mức độ thấp hơn.
Trả lời câu hỏi tại sao uống thuốc viêm khớp Vioxx, người đó lại có thể bị bệnh tim, thì trong thời gian qua, có một số giả thuyết cho rằng những người dùng các loại thuốc này có nguy cơ cao bị chứng huyết khối (promote thrombosis) và nhất là chứng huyết khối động mạch vành. Lý do là vì COX 2 có góp phần trong sự hóa hợp prostacyclin và do đó đưa đến chứng huyết khối và có thể làm mất ổn định hoặc vỡ các vữa xơ động mạch (destabilizing atherosclerotic plagues), dẫn đến chứng nhồi máu cơ tim.
Thông thường thì trước khi một loại thuốc nào được công nhận xử dụng cho các bịnh nhân đều trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu, có khi đến hàng chục năm, từ thử trong phòng thí nghiệm cho đến thử với các loài vật, rồi tới người và sau khi kết quả được rõ ràng thì phải trải qua sự thẩm định của cơ quan y tế rồi cuối cùng phải được thông qua bởi chính phủ. Tuy nhiên, cũng có những loại thuốc mà sau khi dùng một thời gian thì mới nhận thức rõ được thêm những phản ứng phụ của nó. Có lẽ chính yếu là vì sự tiến bộ của khoa học theo thời gian nên vì thế những nhà nghiên cứu học, những vị BS hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ của nó. Về trường hợp loại thuốc này thì vào thời điểm 1999, đã có nhiều công trình nghiên cứu nhưng kết quả về tác hại tim lại không thể hiện rõ, do đó thuốc đã được cho phép dùng.
Để có thể ngăn ngừa được phần nào những tai nạn tương tự, thì tôi nghĩ bài học cần phải được ghi nhận qua sự kiện này là cho dù bất cứ loại thuốc nào khi được dùng, cả người bịnh nhân lẫn BS đều phải luôn theo dõi kỹ lưỡng về tác dụng cũng như tác hại của thuốc, và luôn sẵn sàng cởi mở để nhận thức ngay những nguy hại cho dù thuốc đã được dùng bao lâu đi chăng nữa. Chúng ta cũng nên hiểu, khoa học luôn tiến triển không ngừng, do đó chúng ta cần phải luôn dành thời gian cập nhật để kiến thức và tay nghề mình luôn vững vàng để có thể phục vụ một cách hữu ích cho tha nhân. Xin chân thành cám ơn Ông Hữu Nguyên và Báo SaiGon Times đã cho tôi có dịp hầu chuyện cùng quý đọc giả.

SGT: Chân thành cảm ơn thì giờ quý báu của BS.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.