Hôm nay,  

2005: Những Anh Hùng Thầm Lặng Của Á & Âu

24/01/200600:00:00(Xem: 5988)
Mọi xã hội, mọi thời đại đều cần có anh hùng. Và mỗi xã hội, mỗi thời đại đều không thiếu người xứng danh anh hùng. Thông thường, khi nghĩ đến anh hùng, ta thường nghĩ đến những người đội đá vá trời, những người dũng cảm không hề run sợ trước những khó khăn nguy hiểm chập chùng, những người phi thường đã làm những việc không ai có thể làm được trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhưng bên cạnh những anh hùng đó, còn rất nhiều người anh hùng khác sống giữa chúng ta, âm thầm làm những việc mà họ cảm thấy cần làm, phải làm, không cần ai biết đến, không cần ai ghi nhận, nhưng đã góp phần không ít trong việc cải thiện đời sống của người khác. Hiểu được giá trị đó, mỗi năm, tạp chí Time ấn bản Á Châu và Âu Châu đều dành trọn một số báo để vinh danh những người anh hùng thầm lặng.Sau đây, mời quý độc giả tìm hiểu thêm về một số người đã được Time chọn làm anh hùng của năm 2005.

Zaeema Ismail là một thiếu nữ 14 tuổi sanh ra và lớn lên trên một hòn đảo nhỏ giữa Ấn Độ Dương tên gọi Gemendhoo - thuộc quần đảo Maldives - với dân số vỏn vẹn 400 người, em sống với mẹ cùng các em nhỏ và bà ngoại. Khi Gemendhoo bị ngọn sóng thần tàn phá hủy hoại, em và mẹ cứu được ba đứa em nhỏ nhưng không cứu được bà ngoại. Sự mất mát quá to lớn này khiến mẹ em và cậu em trai của em bị một cú sốc nặng nề, nên trở thành câm nín như những xác vô hồn. Tuy ít học thức và chưa bao giờ biết đến từ "khủng hoảng", nhưng em biết được cả gia đình đang bị một loại quái vật vô hình hủy hoại dần dần. Với hy vọng sẽ gặp được bác sĩ để nhờ chữa trị cho mẹ và em trai, Zaeema ghi nhận tất cả những triệu chứng mà mẹ và em trải qua, như việc cậu bé bị mất ngủ vì nhiều cơn ác mộng, như việc mẹ câm nín, bỏ ăn, từ chối không nhìn nhận bà ngoại đã qua đời, như việc hai đứa em gái hồi hộp toát mồ hôi khi nghe tiếng gió ù ù qua tàng lá. Sau đó, khi phái đoàn của UNICEF đến đảo để mở chương trình giúp đỡ người dân đối phó với sự khủng hoảng thì Zaeema tìm đến học hỏi rồi dùng phương pháp này để giúp mẹ và em vượt qua cơn khủng hoảng. Nhờ vậy, mẹ em đã có thể ăn uống, nói chuyện bình thường, em trai không còn bị ác mộng nữa và tiếng cười đã trở lại trong túp lều của gia đình em. Tuy Zaeema không làm chuyện đội đá vá trời, không phải đương đầu với bạo quyền, em chỉ là một bé gái đơn thuần, làm những việc thật đơn giản nhưng em đã đạt được thành quả phi thường: em đã giữ cho gia đình không bị tan vỡ sau trận sóng thần của thế kỷ, em đã giúp cho mẹ và em của em thoát khỏi vực thẳm sâu hút của tuyệt vọng. Vì thế, em được Time Asia chọn làm người hùng tiêu biểu cho khả năng vượt gian khó, sức chịu đựng bền bỉ, tình thương yêu gia đình cùng tính vị tha vô bờ bến của những dân tộc ở Á Châu luôn trỗi dậy dể sinh tồn sau bao nhiêu khốn khó.

Sangduen "Lek" Chailert là một thiếu phụ 44 tuổi, điều hành hai trang trại ở phía Bắc Chiang Mai, Thái Lan vốn chuyên chú vào việc bảo vệ và chăm sóc cho những con voi đã bị chủ nhân của chúng đánh đập, đả thương, đâm, chém, bắn hoặc để cho chết giữa rừng sau những tai nạn lúc làm việc. Bà mang những con voi bị thương tật này về Elephant Nature Park để nhân viên của bà - bao gồm nài voi, thú y sĩ cùng những người thiện nguyện, điều trị chữa chạy cho lành lặn lại rồi sau đó mang chúng về Elephant Haven, một khu đất rộng hơn 2,000 mẫu tây, để chúng sống ung dung tự tại. Hiện nay có 26 con voi đã được bà cứu và đang sinh sống ở Elephant Haven. Oái oăm thay, những việc làm từ thiện như thế lại khiến cho bà bị nguy hiểm. Vì bà lên tiếng báo động trên toàn quốc cũng như trước thế giới về những vấn nạn của loài voi Thái Lan - hiện chỉ còn khoảng 2,500 con so với 100,000 con ở thế kỷ trước - bà đã bị những tờ báo địa phương chụp cho cái mũ phản quốc và bị những chủ voi ác ôn hăm dọa, hành hung.

Ông Chen Guidi và bà Wu Chuntao là hai vợ chồng đã can đảm cầm bút viết một trường thiên phóng sự vạch trần sự tham nhũng thối nát của hàng ngũ chính quyền cộng sản Trung Hoa cùng những thảm họa mà nông dân Trung Hoa phải gánh chịu. Vào năm 2001, khi Bắc Kinh tuyên bố chính sách mới nhằm giải tỏa cái ách sưu cao thuế nặng cho nông dân thì hai vợ chồng ông Guidi - vốn xuất thân từ gia đình nông dân - quyết định làm một thiên phóng sự điều tra để xem chính sách này có thực sự giúp đỡ cho nông dân nghèo khổ hay không. Họ bỏ ra hai năm nghiên cứu khắp vùng Anhui, quê cũ của ông Guidi. Năm 2004 quyển sách "Một Cuộc Điều Tra về Nông Dân Trung Hoa" được phát hành. Chưa đầy hai tháng sau khi xuất bản thì đã bán được trên 200,000 quyển. Sách thuật lại nhiều chuyện bi thảm về những thôn làng bị tàn phá hủy hoại vì sự nghèo khổ, đói rách cùng sự tham nhũng quá độ của giai cấp lãnh đạo, chuyện nông dân nghèo bị thảm sát vì cố chống lại tham quan ô lại quyền thế, chuyện nông dân lên tiếng phản đối thuế cao thì bị công an bắt vào đồn hành hạ tra tấn đến chết, tất cả những chuyện mà các cơ quan thông tin của Trung cộng đều cố bưng bít. Sách miêu tả chính quyền trung ương ở Bắc Kinh như một lũ bất lực vì tất cả mọi chính sách, luật pháp được ban hành đều bị chính quyền cấp địa phương bỏ lơ không thi hành, không giúp dân nghèo. Khi sách vừa được phát hành, nhiều người trong giới trí thức cho rằng hai vợ chồng ông Guidi đã được giới lãnh đạo trung ương "bật đèn xanh" cho viết sách. Nhưng chỉ hai tháng sau khi phát hành, Bắc Kinh ra lệnh thu hồi tất cả những cuốn sách còn ở tiệm chưa được bán và ra lệnh cấm in thêm. Trong năm qua, hơn 8 triệu quyển đã được in lậu lưu hành trong dân gian, chưa kể đến những trang web sao chép lại toàn bộ cuốn sách để phổ biến rộng rãi. Hai vợ chồng ông Guidi và bà Chuntao được trao giải thưởng văn học Đức Lettre Ulysses Award. Ấn bản tiếng Anh sẽ được phát hành trong khoảng đầu năm 2006.

Charm Tong là một thiếu phụ tuy mới có 24 tuổi nhưng đã là một nhà tranh đấu lão luyện nhiều năm kinh nghiệm trong việc đấu tranh đòi hỏi nhân quyền cho đồng bào của cô. Cô là người Shan, sắc dân thiểu số lớn nhất của Miến Điện, vốn từ nhiều thập niên qua bị nhà cầm quyền quân phiệt Miến điện đàn áp dã man vì luôn đòi được quyền tự trị. Thuở còn ấu thơ Charm Tong được cha mẹ gởi vào một cô nhi viện ở biên giới Thái Miến do một nữ tu Công giáo người Shan điều hành và mỗi năm chỉ được gặp cha mẹ một lần. Tại đây, cô được học Anh ngữ, Hoa ngữ và đồng thời được đến trường học chung với trẻ em Thái Lan. Đến năm 16 tuổi thì cô bắt đầu làm việc với những nhóm bảo vệ nhân quyền, phỏng vấn những phụ nữ Shan phải làm điếm, những người di dân lậu, những nạn nhân của các vụ hiếp dâm có tổ chức của binh lính Miến điện.v.v. Năm lên 17 tuổi, Charm Tong được mời làm diễn giả tại một đại hội quốc tế do ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Genève. Đề tài thuyết trình là chiến dịch khủng bố đàn áp dân tộc Shan của quân đội Miến điện. Trong hàng ngũ khán giả có đại diện của chính quyền quân sự Miến. Năm 21 tuổi, cô mở trường huấn luyện đào tạo giới trẻ, không những thuộc dân tộc Shan mà còn từ những sắc dân thiểu số khác ở Miến điện. Trong một khóa học dài 9 tháng, những người trẻ này được chính cô cùng một số những người thiện nguyện khác dạy Anh Văn, dạy cách sử dụng máy điện toán, dạy về những phương pháp hữu hiệu để tranh đấu cho nhân quyền, chẳng hạn như phương cách thâu thập lời khai của nhân chứng, cách viết báo cáo phúc trình.v.v...
Suciwati Munir, 37 tuổi, góa phụ của nhà tranh đấu cho nhân quyền Nam Dương Munir Said Thalib (chết vì bị chuốc độc trên một chuyến bay từ Nam Dương sang Hòa Lan khoảng tháng 10 năm 2004), đã không ngừng vận động tranh đấu để đòi công đạo cho chồng, đưa đến việc viên phi công của chuyến bay Garuda bị truy tố với tội đã ám sát chồng bà. Tuy nhiên, bà vẫn cho rằng giới lãnh đạo quân đội Nam Dương mới thật là những kẻ chủ mưu, nấp trong bóng tối, và cương quyết tiếp tục tranh đấu để đưa thủ phạm đích thực ra trước công luận.

Bernard Krisher, 74 tuổi, là một cựu ký giả người Hoa Kỳ hiện sinh sống ở Đông Kinh, là người khởi xướng một công trình vĩ đại ở Cao Miên: xây dựng 275 trường học với 100 trường được trang bị máy điện toán và có thể sử dụng mạng internet. Điểm đáng nói là gần như phần lớn tài chính để thiết lập và trang bị các trường này đều do ông Krisher dùng uy tín của chính mình để nài nỉ, van xin, thôi thúc bạn bè, người quen quyên góp. Sau đó thì Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (Asian Development Bank) mới tài trợ thêm trên căn bản "quyên được bao nhiêu sẽ tài trợ bấy nhiêu" (matching fund). Đến bây giờ ông vẫn luôn tiếp tục tìm thêm người bảo trợ. Ông đã thuyết phục được bà J.K. Rowling - tác giả trường thiên tiểu thuyết thiếu nhi danh tiếng "Harry Potter" - để bà cho phép in ấn loạt truyện này bằng tiếng Miên mà không đòi tiền tác quyền. Sau đó, ông thuyết phục được một doanh nhân Nhật đài thọ tiền in ấn khoảng $15,000 Mỹ Kim, để các gia đình ở Cao Miên có thể mua sách với giá chưa đến 50 xu.

Sania Mirza, ngôi sao quần vợt đang lên của Ấn độ, tuy chỉ mới 18 tuổi nhưng đã biến thành một biểu tượng cho sự độc lập của phụ nữ đối với hàng triệu phụ nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi tôn giáo và mọi lứa tuổi ở quốc gia đông dân thứ nhì thế giới. Xã hội Ấn độ vốn đã bảo thủ, những người theo đạo Hồi tại đấy lại càng bảo thủ hơn nữa. Và vì thế, phụ nữ Ấn theo đạo Hồi thường bị gò bó trong nhiều khuôn khổ nghiêm nhặt thái quá và thường phải cư xử hành sự theo một phương hướng mà xã hội và tôn giáo đã vạch ra từ ngàn xưa. Thế nhưng, Sania Mirza, xuất thân từ thành phố Hydarabad, pháo lũy kiên cường của Hồi Giáo ở Ấn độ, lại dám phá vỡ những hàng rào cổ hủ ấy để trước hết chọn quần vợt làm sự nghiệp, và đã thăng tiến vượt bực trong nghề nghiệp, từ hạng 114 nhảy vọt lên hạng 32.

Asma Maria Andraos, 34 tuổi, một nữ doanh gia khá thành công ở Lebanon không hề để ý đến các vấn đề chính trị của đất nước vì quá bận rộn với thương nghiệp cho đến tháng 2/05, khi cựu thủ tướng Hariri bị ám sát bằng mìn ngay tại thủ đô Beirut, nơi cô đặt trụ sở thương nghiệp. Sức ép của vụ nổ làm vỡ tan kính cửa sổ văn phòng cô, khiến cô bỗng bừng tỉnh và thấm được nỗi đau chung của dân tộc. Cô và một số bạn bè rủ nhau cùng ngồi trước nghĩa trang nơi ông được an táng như một cách biểu hiện sự phản kháng trầm lặng. Và ngẫu hứng, họ bắt đầu yêu cầu người qua đường ký vào kháng thư đòi chính phủ Lebanon phải từ nhiệm. Chính phủ này vốn thuộc phe thân Syria, những kẻ được cho là chủ mưu ám sát ông Hariri. Chỉ bốn ngày sau, họ đã có một cuộn giấy đầy chữ ký, dài hơn 40 thước, và trở thành hạt nhân cho phong trào phản kháng kéo hơn 1 triệu người dân xuống quảng trường chính ở thủ đô để phản đối chính phủ. Đến tháng 4/05 thì chính phủ từ nhiệm và quân đội Syria rút khỏi Lebanon.

Nikolai & Tatyana Shchur, là hai vợ chồng những người Nga đầy lý tưởng muốn góp phần vào công cuộc làm đẹp xã hội, đóng góp tích cực cho đất nước. Vào những năm đầu của thập niên 1990, khi Mikhail Gorbachev bắt đầu chính sách cởi mở "perestroika" thì hai vợ chồng mở một phòng thí nghiệm độc lập để quan sát và theo dõi những vụ ô nhiễm môi sinh, đặc biệt là những vụ ô nhiễm vì phóng xạ nguyên tử. Không bao lâu sau, cả hai vợ chồng bị chính quyền địa phương truy tố với tội biển thủ công quỹ và ông Nikolai bị tống giam mất 6 tháng trời trong lúc chờ ngày được xét xử, và cuối cùng ông bà thắng kiện. Trong thời gian này, ông soạn thảo một tập hướng dẫn nhan đề "Làm Cách Nào Để Sống Còn Trong Hệ Thống Pháp Lý" (Survival In The Legal System) để hướng dẫn những người vừa bị bắt lần đầu về những bước tiến tuần tự trong trình tự bị bắt, bị tống giam.v.v. Năm 1997, hai vợ chồng thành lập Quỹ từ thiện Helping Hand Foundation để giúp đỡ dân chúng trong những vấn đề pháp lý và đồng thời vận động cải thiện hệ thống cải huấn ở Nga. Một trong những chương trình của hai vợ chồng họ từ năm 2002 đến giờ là việc giúp đỡ dân thiểu số Tartar ở một ngôi làng phía Nam rặng Urals đòi chính phủ bồi thường thiệt hại. Cách đây hơn 50 năm, tất cả dân chúng gốc Nga trong vùng đều được di tản đi nơi khác sau một tai nạn tại lò nguyên tử Mayak, cách đấy 50 cây số. Những người Tartar bị để lại và sinh sống mà không hề biết toàn thể đất đai, không khí, nước uống ở đó bị nhiễm phóng xạ nặng, và dân chúng bị đủ loại tật bệnh, bị yểu tử mà không rõ lý do. Cho đến bây giờ họ vẫn chưa được bồi thường. Hai vợ chồng ông bà Shchur cũng mở những khóa huấn luyện về nhân quyền cho sinh viên ký giả và nhân viên cai ngục.

Serge & Nicole Roetheli là hai vợ chồng người Thụy Sĩ trong năm 2005 đã hoàn tất một cuộc du hành vòng quanh thế giới dài 5 năm, chồng chạy bộ, vợ lái xe gắn máy tháp tùng, để gây quỹ cho một số dự án ý tế xã hội ở nhiều nơi trên thế giới, như cô nhi viện ở Colombia hoặc dưỡng đường mổ hột cườm mắt cho người nghèo ở Malawi và Nepal. Họ đã phải trải qua nhiều gian khổ nguy khốn trong suốt 5 năm trời: ông Serge bị sốt rét ngã nước gần chết ở Togo, bị dập nát cùi chỏ ở Ấn độ, bị rắn độc cắn ở Madagascar, bà Nicole bị mê man bất tỉnh suốt 2 tuần ở Phi Châu và trong suốt chuyến du hành dài đăng đẳng này vẫn thường xuyên bị đau răng, ăn uống thất thường. Thế nhưng họ vẫn không hề bỏ cuộc và cuối cùng đã gây được hơn $220,000 Mỹ Kim. Trong suốt cuộc hành trình, bà Roetheli thường xuyên đăng tải nhật ký lên trang web của họ là runforkids.org, và trang web này thường được giới giáo chức ở Pháp và Thụy Sĩ sử dụng trong những giờ địa lý hoặc nhân văn xã hội. Tuy phải bán gần hết của cải để có thể tổ chức cuộc du hành gây quỹ nhưng ông Serge vẫn vui vẻ tuyên bố khi về đến đích: "Tuy chúng tôi không có tiền bạc, nhưng chúng tôi rất giầu có".

Leena Kaartinen, 63 tuổi, là một nữ bác sĩ Nhi Khoa người Phần Lan đã hiến hơn 35 năm của đời mình để làm việc với các tổ chức thiện nguyện phi chính phủ như International Assistance Mission, Oxfam.v.v., đi đến những nơi hoang vu, hẻo lánh, thậm chí những vùng chiến tranh sôi động, để cứu người. Từ năm 1985 bà đã mở một dưỡng đường phụ khoa và nhi khoa ở Kabul để giúp người dân A Phú Hãn. Trong 9 năm qua, bà sống trong căn nhà bằng đất sét ọp ẹp tại vùng núi non hiểm trở ở miền Trung A Phú Hãn, để giúp đỡ cho dân chúng thuộc bộ lạc Hazara nghèo khổ lạc hậu ở những thôn làng quanh đấy.w

Irina Khalip là phụ tá chủ bút của một tờ bán tuần báo tư nhân ở Cộng Hòa Belarus, một quốc gia vốn thuộc về Liên Bang Sô Viết thuở xưa và hiện giờ vẫn bị cai trị dưới thể chế độc tài của chủ tịch nhà nước Alexander Lukashenko. Là một nhà báo có nhiệt tâm, có lòng yêu nước, chuộng tự do dân chủ, từ năm 1997 cô đã trở thành một nhà đối kháng, chuyên làm những bài phóng sự nhằm tố cáo sự tham nhũng của giới lãnh đạo, cho dù cô đã nhiều lần bị công an mang về đồn tra vấn suốt đêm.

Bà Silvano Fucito: Quyền lực mạnh của những băng đảng tội phạm ở Ý - thí dụ như Mafia ở Sicily hay Camorra ở Naples - còn đáng ghê sợ hơn sức mạnh của chính phủ, thế nhưng, bà Silvano Fucito, một thiếu phụ trung niên, dáng vóc nhỏ thó, đã đứng dậy, với sự quả cảm bất ngờ để chống lại Camorra và đã đạt được một số thắng lợi tuy nhỏ, nhưng rất đáng kể trong năm qua. Hai vợ chồng bà Fucito vốn là chủ một tiệm sơn nhỏ ở Naples. Như tất cả mọi tiểu thương khác trong thành phố, cách đây 4 năm họ bị Camorra buộc phải đóng tiền bảo kê. Thoạt tiên, họ cố tìm cách thoái thác, đưa cho chúng những món "quà" bé bé, hoặc cho chúng "mượn" những số tiền nho nhỏ. Thế rồi, khi một tên côn đồ cầm súng xông vào đòi "đổi tiền", đưa một ngân phiếu trị giá gần 100,000 Euro rồi hăm dọa đủ điều, mặc cho hai ông bà cố vài vỉ rằng họ không đủ khả năng, chúng hăm dọa hung tợn hơn nữa. Thế là bà bước ra, xỉa xói, mắng chửi và đuổi chúng chạy khỏi tiệm. Đêm hôm đó, cả cơ nghiệp của ông bà bị kẻ lạ mặt tưới xăng đốt sạch. Hàng xóm chẳng những không an ủi mà còn quay sang trách móc hai vợ chồng đã khiến cho họ bị vạ lây. Khi ấy, bà nhận thức được rằng sự sợ hãi đã làm cho người ta quên mất tất cả lẽ phải. Và thế là bà Fucito bèn sáng lập tổ chức San Giovanni Anti-Racket Association - Hiệp Hội Chống Tống Tiền San Giovanni, để khuyến khích và yểm trợ các tiểu thương khác chống lại sự đe dọa của Camorra, không đóng "hụi chết" cho chúng và tố cáo với cảnh sát những hành vi phạm pháp ấy.

Natalya Dmitruk có thể được xem là một trong những hạt nhân quan trọng trong cuộc cách mạng ôn hòa ở Ukraine hồi cuối năm 2004, mặc dù bà chỉ làm một việc rất khiêm tốn: nói lên sự thực. Lúc ấy, cuộc đầu phiếu vòng nhì để bầu tổng thống bắt đầu được công bố. Tất cả các đài truyền hình đều loan tin theo sự chỉ đạo của chính quyền rằng ứng cử viên Yanukovich (lúc bấy giờ là thủ tướng và được sự yểm trợ của tổng thống vừa mãn nhiệm) đã hạ ƯCV đối lập Yushchenko và đắc cử vẻ vang. Cũng trong lúc ấy thì có rất nhiều bằng chứng cho thấy có sự gian lận trắng trợn trong cuộc bầu cử và kiểm phiếu. Là người dịch tin trên đài truyền hình quốc gia UT1 cho khán giả câm điếc, thay vì dịch theo lời chỉ đạo của chính quyền rằng Yushchenko đã thất cử, bà can đảm nói lên sự thật: "Yushchenko là tổng thống của chúng ta. Đừng tin vào ủy Ban Bầu Cử Trung Ương. Chúng nó đã nói dối". Sự dũng cảm bất ngờ của bà đã khiến các ký giả khác trên đài noi gương, từ chối không đọc bản tin chính thức do nhà nước chỉ đạo. Kế đến, tất cả các đài truyền hình khác cũng theo chân. Và chỉ trong vòng 24 giờ sau đó, cả nước Ukraine đã biết được sự thật cho dù nhà cầm quyền cố sức bưng bít. Với lòng yêu sự thật, bà Dmitruk đã đi vào lịch sử như là một nữ anh thư.

Đức Giám Mục Kevin Dowling, chủ chiên ở giáo phận Rustenburg, Nam Phi, cũng đã có can đảm đi ngược lại giáo điều của Giáo Hội vì muốn cứu mạng cho hàng triệu người dân Phi Châu thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo AIDS. Từ xưa, giáo hội vốn xem đời sống con người là thiêng liêng, sự giao hợp giữa người nam và người nữ được xem như là một nhiệm vụ thiêng liêng, và vì thế, tất cả mọi phương pháp ngừa thai đều bị nghiêm cấm, kể cả việc sử dụng bao cao su condom. Thế nhưng, trong suốt bảy năm qua, từ khi ngài thành lập một dưỡng đường trong giáo phận để chăm sóc sức khỏe cho dân nghèo ở đấy thì ngài đã bị chấn động nặng nề vì sự đau khổ của muôn ngàn bệnh nhân. Ngài đã phải chừng kiến việc vô số thiếu nữ bị vướng AIDS chỉ vì nhà nghèo phải bán thân. Ngài nhận thức được rằng bao cao su condom có thể ngăn chận được những cái chết vô nghĩa lý như thế. Cách đây bốn năm, ngài là vị giám mục đầu tiên ở Phi Châu lên tiếng khẩn cầu Giáo Hội suy nghĩ lại về bao cao su condom, không xem nó như một dụng cụ ngừa thai mà là một phương pháp để bảo toàn mạng sống cho vô số người để có thể rút lại lệnh cấm sử dụng nó tại những nơi có cuộc sống khốn khó.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.