Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

23/08/200900:00:00(Xem: 3602)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Khi tôi đến gần, y chỉ tên Trung úy hỏi:
- Anh có biết ông cán bộ này, là ai không"
- Thưa, tôi không biết ạ!
Tên Toàn trực trại, gằn giọng hách dịch:
- Đây là ông trưởng ban giáo dục của trại này, thế mà sáng nay anh gặp ông, anh lại quay đi không chào phải không"
Đã suy nghĩ và đã có chuẩn bị, tôi nhìn thẳng tên trưởng ban giáo dục, rồi nhìn tên trực trại:
- Đúng, tôi không có chào, thưa ông, nhưng ông có cho phép tôi nói lý do tại sao không ạ"
Cả 3 tên đều nhìn tôi chằm chằm, với thái độ trấn áp ra mặt:
- Được! Cho anh nói!
Lối nào thì cũng dẫn đến một kết qủa, tôi đường hoàng, dõng dạc:
- Trước hết tôi xin cảm ơn các cán bộ, đã cho tôi được nói hôm nay. Tôi đã được chuyển về trại này gần 2 tháng, đã từ lâu quan điểm của tôi là: Bất cứ ai, cuộc sống của mỗi người đều có những khó khăn riêng. Vì thế, nếu gặp nhau nên hòa nhã cởi mở, để cho phần nào vơi đi những nỗi niềm trong lòng. Tuân theo lời ông bà dậy: "Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau". Vì mang quan điểm ấy, nên bất cứ ai tôi gặp, nhất là cán bộ của trại, những người trực tiếp giáo dục, dậy bảo mình nữa. Tôi gặp, tôi thường nhã nhặn chào, nhưng cũng nhiều lần, tôi về buồng, bực tức và buồn vời vợi. Cán bộ không nói thì ít ra cũng gật đầu, để tôi biết là ông ấy đã nghe thấy tôi chào. Ở đây, hầu hết đều yên phăng phắc, không tỏ một thái độ gì, để rồi tôi vừa đi, vừa mang một nỗi buồn và tiếc. Tôi buồn: Vì mình là tù nên các cán bộ không thèm trả lời mình, tiếc là mình đã mất công chào vô ích. Nỗi buồn tiếc ấy thường theo tôi về đến buồng tù. Đã có lần tôi cũng đã thổ lộ với anh Lê văn Kinh, có khi cậu Hoàng Mạnh Hùng. Cũng đã có lần tôi ca thán cả với anh Nguyễn Huy Lân là đội trưởng như: Buồn qúa anh Lân ơi! Hôm nay mình gặp một ông cán bộ, mình lễ phép chào mà ông ấy chẳng nói năng hay gật đầu! Lần khác và lần khác nữa, để rồi một lần tôi tự nhủ: Thôi, từ nay hãy biết thân phận là tù, đừng có với cao nữa, và từ đấy, mỗi khi bất ngờ gặp cán bộ, tôi tránh hoặc nhìn đi nơi khác.
Tôi nhìn cả 3 tên, nói cao giọng hơn:
- Bất ngờ nhất, ngay bây giờ các cán bộ gọi những anh tôi vừa nhắc tên, cán bộ sẽ biết rõ.
Tôi vừa nói tới đó, thì có mấy tiếng nói to ở dưới hàng, đội đứng:
- Thưa cán bộ, anh Bình đã nói đúng ạ!
- Thưa cán bộ, tôi cũng bị như anh Bình, nhiều lần như thế ạ!
Mặt cả 3 tên cán bộ như bị hụt, hẫng; không còn cái khí thế hừng hừng, như lúc mới vào. Tên Trung úy Trưởng ban giáo dục (sau này tôi mới biết tên là Thông), khoát tay nhìn tôi:
- Cho anh về chỗ!
Rồi y tiến dần đến các đội, hai tay y giơ cao, giọng ôn tồn:
- Đây là một sự hiểu lầm đáng tiếc! Tôi cũng vui thấy các anh có ý thức hòa nhã giữa người với người. Các anh cũng phải luôn xác định: Chúng tôi là những cán bộ của nhà nước, đang thực thi trách nhiệm giáo dục, uốn nắn những sai trái trước đây của các anh. Phần chúng tôi, sẽ nhắc nhở cán bộ nâng cao ý thức về thái độ, vai trò của mỗi người. - Miệng y nở một nụ cười hài lòng, hai tay y lại hất lên - Cho các anh giải tán!
Anh em quay lại nhìn tôi, đa số đều cười bằng mắt!
Qua sự việc này đã củng cố cho tôi thêm 2 điều, tôi đã học: 1) Phương pháp quan trọng hơn nội dung. 2) Hãy đứng thẳng và đứng vững, bằng chính đôi chân của mình.
Đội mộc kỳ này lại nhận một kế hoạch hơi đặc biệt. Đóng 200 chiếc hộp, theo quy cách độc đáo từ trước đến giờ. Bằng những miếng gỗ rời, dầy 2, 5 phân, dài 1m60, rộng 0m15. Không cần bào, đóng thành những chiếc hộp 1m60 x 1m20 x 1m00, đóng bằng đinh 5 phân, đóng những miếng gỗ hở cách nhau một phân. Điều khác thường là, sau khi làm xong, tất cả đều sơn, quét hắc ín.
Để thực thi kế hoạch này, cho kịp thời gian 10 ngày. Cả đội mộc đều ngưng công việc đang làm, để cùng làm 200 chiếc hộp này. Không một ai suy đoán ra đóng hộp như vậy để làm gì" Dù chính trị địa phương (miền Bắc) hay biệt kích đã tù lâu. Ai cũng tự hiểu, những việc như thế này, để khỏi lo âu hậu họa, tốt nhất là đậy cho kỹ cái miệng mình lại. Tôi cũng hiểu vì có những đường giây ngầm, nên cán bộ chuyên trách, sẽ biết tù bàn tán, suy đoán ra sao"
Đóng những chiếc hộp được khoảng 5 ngày. Một buổi tối, sau khi sinh hoạt đội xong, tôi đến chỗ Lân Mều, ngoài những câu chuyện thông thường, tôi nhẹ giọng hỏi Lân:
- Lân có biết họ đóng hộp này, để làm gì không"
Tôi và Lân đã có nhiều chuyện không thể nói với nhiều người, Lân liếc nhìn một anh nằm cạnh rồi nói khẽ:
- Tao cũng lạ! Suy đoán mãi mà chưa ra! Có lẽ mày đã đoán ra rồi phải không"
Tôi cười nhẹ và cũng nói nhỏ:
- Cứ làm như tôi có "bửu bối" không bằng! Tôi cũng đã suy luận mấy ngày rồi! Rõ ràng là hộp này di chuyển trong đêm tối. Tôi đã nghĩ tới vũ khí, nhưng miền Nam đã xong rồi, chả lẽ Miên, Lào, hay Thái Lan" Để giữ an ninh cho mình, có thể họ sẽ chơi Miên. Từ ít lâu nay biên giới Miên, miền Nam nhiều lộn xộn những vụ "Cáp Zuồn". Đài và báo chí đã nhiều lần phản đối. Bí mật chuyển vũ khí, đạn dược, làm hộp này không có đâu kín được bằng trong trại tù, có tên nào được ra ngoài đâu!
Mười ngày sau, chúng tôi đã làm đúng theo chỉ tiêu. Chúng tôi cũng phải khuân xếp ra đường đi phía trước lán. Tay chân anh nào cũng đen nhẻm, xà phòng rửa cũng không đi. Cán bộ phải cho người về trại xin được nửa lít dầu hỏa, mới giải quyết được. Nửa đêm chúng tôi nghe nhiều tiếng xe cam nhông, chạy rầm rì. Sáng chúng tôi ra lán, thì những chiếc hộp đã được chuyển đi hết rồi.
Có những sự việc đã nhiều lần tôi không muốn tường thuật lại. Đó là sự tiếp tế qúa dồi dào của các gia đình Z ở miền Nam. Có lẽ vì mình chả bao giờ có tiếp tế, nhưng phải nói, cái chính là tôi có một chút lòng tự trọng lẩn quẩn trong đấy. Mãi hôm qua, khi đội đi làm trưa, về qua cổng trại tôi thấy hai chiếc xe ba gác đầy đồ tiếp tế, ì - ạch hai người đẩy. Mỗi xe một người kéo, một người đẩy, mì gói, lạp xưởng, bánh kẹo, thịt quay v.v… Không những đã làm phiền mắt và phiền lòng chúng tôi, mà còn khiến mọi người bàn tán nhiều, dai dẳng đến cả tuần. Huống chi lũ cán bộ, cả đời chưa bao giờ nhìn thấy, nên trố mắt thô lố ra nhìn theo.
Giai đoạn này, khu biệt kích được lệnh ra hẳn ngoài sân trại chung, để xuất trại đi lao động. Ba đội biệt kích được xếp hàng ngay trước cổng của khu, cái sân trại qúa rộng lớn, thế mà đầy là tù Z. Từ chỗ biệt kích ngồi xếp hàng đến chỗ các đội Z khoảng cách đến 40 - 60 mét, nhưng cũng nhìn tương đối rõ mặt. Chứng cớ thỉnh thoảng có anh biệt kích hoặc một anh Z, đã giơ tay vời chào nhau, vì gặp lại. Do đấy sáng, trưa khi xếp hàng đi làm, bên khu biệt kích cũng như bên khu Z đa số đều dõi mắt về phía nhau.
Có thể vừa tò mò, vừa muốn tìm người quen. Riêng với tôi và một vài anh nữa đã bị nằm ấp từ 1961- 1962 đến nay, đã 16 - 17 năm rồi. Ngay ngoài đời gặp nhau cũng khó ai nhận ra ai, huống chi ở trong tù. Chẳng có một dịp ngồi với nhau, rồi cùng nói về một chuyện, từ đấy mới có thể nhận ra. Đa số các anh biệt kích ra sau từ 1964- 1968, nhiều cậu biệt kích kể lại, đã nhìn thấy ông Thiếu tá A, ông Đại úy B v.v… Ngày xưa đã chỉ huy cậu ta, hoặc có quen biết.
Một hôm ở ngoài lán mộc thủ công, sau khi chúng tôi lao động được một lúc. Bỗng thấy có 2 toán Z từ cổng khu thủ công đi vào. Vì thấy có nhiều cái đầu muối tiêu hoặc, muối nhiều hơn tiêu nên tôi xin gọi là các anh, các bác. Vì đã ở cùng trại mấy tháng, nên hẳn đã đều nghe nói về nhau. Như thế, hẳn các anh, các bác cũng biết chúng tôi đã tù hơn chục năm rồi, cá biệt có anh 16- 17 năm đã trôi qua cửa sổ. Hai bên nhìn nhau đều có thiện cảm đặc biệt. Chúng tôi qúy mến các anh, như tôi đã có lần trình bầy rồi. Các anh, các bác nhìn chúng tôi có chút thương cảm, mình mới tù đây mà đã thấy khổ, họ (biệt kích) đã tù từ lâu. Khi miền Nam hãy còn phây phây, thì họ đã tù rồi. Hơn nữa, cái tù của họ, phải bị hành hạ nhiều hơn.


Các anh, các bác rải rác nhặt cỏ ngoài sân của khu thủ công. Tuy có cán bộ và công an võ trang coi mỗi đội, nhưng phần vì trời nắng, phần khác chả lẽ đứng giữa sân mãi sao" Nên các bác vào những gốc cây, hoặc mái hiên hút thuốc. Chúng tôi cắm cúi bào, đục, cưa, thỉnh thoảng nhìn ra các anh, các bác, hai bên đều cười với nhau.
Tay tôi vẫn thao tác theo nghề nghiệp, nhưng giòng tư tưởng của tôi cứ chảy ra lênh láng, nhiều sự việc. Lòng tôi đã lạnh mấy tháng rồi, giờ nhìn những mái đầu đều bạc, cặm cụi ngoài sân mà vẫn còn xót xa thương các anh, các bác. Tôi hiểu, hai đội của các bác, các anh đều là Đại Tá mà tôi đã nghe, đã nhìn từ những ngày đầu đến trại này. Chợt nghĩ đến tuổi thanh xuân của tôi, hoa mộng của một đời người, đã tan theo mây chiều mất hút. Một luồng hơi nóng, từ trong trái tim đang rỉ máu, bốc lên đầu.
Tôi không kìm được nữa, liếc nhìn mấy tên áo vàng đang cười nói, ở một mái hiên phía bên kia. Tôi làm như đi tiểu, chỗ quây tấm cót dành cho đội thủ công, không cao hơn đầu người. Tôi đi qua giữa sân để qua, gần sát các bác, các anh. Đi ngang, mấy bác đều ngửng lên cười như chào, tôi cũng cúi đầu như chào các bác, các anh. Tôi nhẹ nói nhưng rất rõ ràng:
- Tôi thương các anh, các bác lắm! Nhưng các bác, các anh giờ đây có tư cách như thế này cũng xứng đáng lắm!
Nói rồi tôi bước lẹ vào chỗ tấm cót. Tôi còn xúc động chưa đi tiểu được, thì có 2 anh đầu cũng đã muối tiêu cũng đi vào đi tiểu, một anh để một tay lên vai tôi rồi dịu dàng:
- Anh thông cảm, tụi Mỹ nó đã bỏ mình!
Một luồng hơi nóng khác, lại xộc lên từ trái tim cằn của tôi. Tôi đã cầm lấy tay của bác đó, nhưng mắt tôi không còn dịu hiền:
- Tại vì mình đã không đứng bằng đôi chân của mình!
Liếc nhìn mấy tên áo vàng, từ xa đang nhìn chúng tôi. Tôi phải vào trước, vì ra đã lâu. Đấy là 2 câu đối đáp duy nhất trong những năm tháng thương đau của tôi, với những chiến hữu cùng phụng sự, một lá cờ vàng 3 sọc đỏ.
Cho tới bây giờ tôi đang ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn chưa được biết hai anh đó là ai" Một chút khao khát trong lòng! Ước gì bây giờ ở trên xứ người này, tôi được ngồi với 2 anh để uống một ly nước, như uống ly nước mắt của quê hương, chẳng biết hai anh còn trên dương thế" Vì tôi cũng đã về chiều rồi.
Dù cho các anh ở cảnh ngộ nào, mà không đến tôi được. Nếu tôi có địa chỉ của các anh, dù bất cứ ở đâu (trừ ở Việt Nam), tôi sẽ tìm cách mò mẫm đến, để thỏa lòng khao khát của tôi, và cho tình người, tình đồng bào thêm hoa, thêm trái.
Chiều hôm qua có anh Cao văn Gion bị ngất ở trong buồng. Anh em một mặt ra cổng gào, báo cáo với trực trại, một mặt lo lấy dầu nóng tíu tít xoa bóp, làm hồi sinh cấp cứu cho anh. Thật là may! Cho tới khi bà y tá, trung sĩ đến. Theo sau có một ông cao cao, đầu đã bạc bưng khay thuốc, thì anh đã tỉnh lại. Thấy một ông đầu đã có nhiều sương trắng, lại đi theo một trung sĩ y tá. Anh em cho biết: Cái ông đầu có nhiều sương trắng ấy là bộ trưởng y tế của chính quyền VNCH khi đứt phim. Được làm vua, thua làm tay sai! Đời là thế!.... Ngày xưa.... Một cô y tá, làm sao đến gần được, một ông bộ trưởng"
Tối hôm đó tôi đã đến thăm hỏi để chia xẻ với anh Cao Văn Gion. Tôi được biết sơ lược: Anh trong một toán biệt kích, đa số là người Lào. Tên toán là EASY gồm 7 người nhẩy ở dẫy Fan- si - Pan (Hoàng Liên Sơn), ngày 9 - 8- 1963: Vàng Cha, Vàng Giơ, Vàng Vàng (ba người Lào, của tướng Vàng Pao), Cao Văn Gion. Đã chết cuối 1978 trong tù, Lầu Chí Lù hiện nay không rõ,  Đèo Văn Luyện Truyền tin (Mất tích), Đèo Văn Tuyển Toán trưởng (Hiện nay ở Atlanta).
Anh Luyện là truyền tin, bị áp lực đầu súng gí vào lưng. VC bắt anh gọi vào Nam, báo là toán đã bình yên. Xin tiếp tế và gửi tiếp các toán khác ra tăng cường v.v… Lợi dụng một lúc mấy tên VC sơ hở, anh Đèo văn Luyện, đã cướp súng rồi chạy vào rừng, chúng bắn theo và truy nã gắt gao. Buổi chiều, chúng tuyên bố là anh Luyện, đã "đền tội".
Một ngày cuối tuần, gần cuối tháng đó. Buổi chiều muộn, cô Văn Thư Trung Sĩ ôm hai cuốn sổ rất dầy, đi vào khu biệt kích. Chúng tôi hơi lạ, biết đấy là cô văn thư của trại. Mọi khi chúng tôi là những người từ trong hiệp nghị Paris (Chắc là Mỹ thỏa thuận, có quỹ đài thọ) mỗi biệt kích được lĩnh 3 đồng một tháng. Chúng tôi vẫn cứ lần lượt ký vào cuốn sổ, do cô văn thư chỉ từng chỗ, và ngồi chứng kiến. Sau khi ký xong; một vài ngày sau anh đội trưởng lấy tiền âm phủ (tiền trại) về, theo danh sách phát cho mỗi người.
Sau này, tôi được biết cô văn thư có cái tên rất là mộng, tên cô là Mơ. Cô Mơ vào nói gì với đội trưởng Nguyễn Huy Lân, cô đưa một cuốn sổ dầy cho Lân, rồi tất tả đi ra.
Được Lân giải thích: Cô Mơ đi phép về trễ 2 ngày nên không kịp, cô đưa sổ cho anh em ký, sáng sớm mai cô sẽ đến lấy. Anh em vây lấy Lân Mều, tranh nhau ký. Mãi gần cuối, tôi mới đến ký. Tôi lật cuốn sổ cả mấy trăm trang, nhiều những tên ký nhận nhập, xuất tiền tiếp tế, tiền gửi v.v… Hầu hết là của bên các anh Z. Đặc biệt tôi giở đến một chỗ, thoáng thấy cũng ký nhận 3 đồng như chúng tôi. Thì ra toàn của các ông bộ trưởng, tướng tá, ở trong khu kiên giam, mãi phía bên kia sân trại. Không hiểu sao, các ông này cũng được lĩnh 3 đồng như chúng tôi" Tôi và Lân nhìn những chữ ký của các ông: Trần trung Dung, Lý trung Dung, Nguyễn hữu Có, Lê minh Đảo, Nguyễn vĩnh Nghi, Lam sơn Phạm Phú Thứ, Lý tòng Bá, Lê Trung Tường v.v…
Tôi chợt có một ý nghĩ, tôi ghé vào tai Lân:
- Tao cần ghi toàn bộ 42 vị này. Đêm nay khi anh em ngủ, mày canh cho tao ghi nhé!
Lân khẽ gật đầu. Tôi lợi dụng ngay bút mực của cô Mơ, nhưng còn giấy" Tôi đã định tìm cách xé một tờ trong cuốn sổ, nhưng đều đã có chữ, hơn nữa đã đánh số từng trang. Tôi vắt óc suy tính, nghĩ đến mấy cái riềm, của tờ báo Nhân Dân và Quân đội Nhân Dân. Khéo léo, tôi đã có những miếng giấy dài mà nhỏ để ghi tên, tôi nháy mắt với Lân là đi ngủ sớm để đêm dậy. Tôi hiểu đây là một việc làm nguy hiểm, ghi những bộ trưởng, tướng tá, mà VC đang giấu để làm gì" Đầu 1978 không ai biết, các vị lãnh đạo của chính quyền VNCH, Việt Cộng giam giữ bí mật ở đâu" Tôi không nghĩ gì cả! Điều kiện đến thì tôi cứ làm, biết đâu ngày mai" Điều này thì không thể một ai biết được! Những người trong Nam ra tiếp tế v.v…
Cái danh sách bí mật này, Nguyễn huy Lân là người canh gác, chứ cũng chưa đọc đến. Mãi đầu năm 1980, do một dịp cùng nghỉ bịnh, tôi đã "ghếch" cho một người duy nhất, đọc cái danh sách này ở trại Thanh Phong, Thanh Hóa. Đó là anh Nguyễn Hữu Luyện, hiện nay anh cùng ở Boston với tôi.
Tôi còn đang cắm cúi thẳm một cái vai của một cái bàn gỗ "gụ" thì Lân Mều, từ buồng ông cán bộ Tài chạy đến. Mắt Lân lóe lên long lanh, vẻ hớn hở:
- Chiều nay đội mình được cải thiện bồi dưỡng!
Mấy cầu bào bên cạnh cũng bu lại, với những bộ mặt phởn phơ như mẹ sắp cho kẹo, ngày xưa. Từ cái ngày đội mộc nỗ lực làm đạt thành tích, 200 chiếc hộp. Ban giám thị trại đặc cách, thưởng cho đội mộc, 4 kg ngô đã xay. Nếu đem bung hay hấp, chia cho 43 người thì chả được bao nhiêu. Chủ trương của cán bộ Tài, đã bàn với Huy Lân, trại kỳ này thiếu rau, thường chỉ ăn với muối rang, ai cũng khao khát thèm rau. Ông Tài đã ngoại giao với cán bộ đội rau từ lâu, hôm nay đội rau thu hoạch rau muống, cho cán bộ và công an võ trang của trại. Cán bộ đội rau đã đồng ý tặng đội mộc, một sào gốc rau muống. Trại vừa thu hoạch rau xong, trước đây là phần của khu chăn nuôi, cơ quan (cho lợn, gà, vịt).
Cả đội rầm rầm vỗ tay ngay ở lán mộc, làm cho tên Tài cũng phải thò cái mặt hưng phấn lây, ra ngó. Ngay khi đó chỉ định 2 anh, theo cán bộ ra đội rau, là anh Hứa viết Khìm và anh Vương Văn Can. Gần trưa các anh về cho biết cái công đào gốc rau muống thì nhanh, nhưng cái công xuống suối rửa cát đất ở gốc rau, thì không thể mau được. Phải để buổi chiều ra sẽ tiếp tục, rau còn đang ngâm ở suối cho đất cát rời ra, dễ rửa.
Do đói, và qúa thèm khát chất rau, nên chỉ là gốc của rau muống, cũng làm cho anh em đội mộc tinh thần hưng phấn hẳn lên. Thế mà cũng ngót nghét 2 gánh rau muống, sau khi đã luộc rồi, với một sọt con ngô xay bung, để ở góc lán. Từ đám gốc rau luộc này, khói hương bay nghi ngút, anh em cả đội mộc tâm trí buổi chiều ấy, bị 4 sọt rau muống luộc hút hết vào. Chúng cũng kéo mắt của các anh phải luôn luôn ngắm nhìn chúng. Chúng cũng phì hơi thơm ra, như khao khát, được vinh hạnh chui vào lòng, của những người thương. Tên Tài ra đứng ngoài cửa gian buồng con của y, nét mặt y đăm chiêu nhìn, niềm hưng phấn của đội mộc, trong đầu óc của y nghĩ gì thì làm sao tôi biết. Hẳn có lúc y phải nghĩ: Niềm vui hân hoan của 43 tên tù này, có bàn tay ban phát của y.
Đội có 3 anh bịnh ở nhà, 40 người đi lao động, nhưng anh em nhất trí sẽ chia đều cho cả 3 anh bịnh. Nhìn mấy sọt gốc rau muống, nếu chia đều mỗi anh cũng được ngót nghét 2 lạng chứ không ít đâu. Còn sọt ngô xay bung, phải mỗi người cũng gần một lạng. Điều chắc chắn chiều nay đội mộc sẽ "bành" hả hê rồi.
Gần lúc đội về lại có ý kiến: Đây là một đặc ân của trời ban cho, nên hãy chia đều cho cả khu biệt kích gồm 132 người. Nghe như vậy, hầu hết đội mộc đều sôi nổi đồng ý, làm cho tên cán bộ Tài mở to mắt. Y không tin được, trong lúc thiếu đói của đôi mộc, mà y là chứng nhân" Vì y không tin! Cho nên, tới khi đội mộc vào trại, y rủ theo một tên Thiếu úy vũ trang, vào trong khu biệt kích. Chúng muốn chứng kiến cảnh chia rau, chia ngô cho đều 132 suất, mỗi suất chỉ còn hơn 1 lạng cả gốc rau lẫn ngô xay. Trước khi tên Tài và tên Thiếu úy quay ra cổng, tên Tài nhìn khắp lượt, lắc đầu nói:
- Tôi không hiểu nổi các anh!
Đặc biệt, một sự việc hãy còn hằn vào lòng tôi, vẫn chưa phai. Ngoài sân, trong đội còn đang ồn ào với ngô xay, với gốc rau muống luộc, thì anh Hứa Viết Khìm đã mang suất của anh lại chỗ tôi, nói giọng nồng nàn:
- Anh Bình hãy ăn thêm suất này! Tôi, hôm nay khó chịu không muốn ăn!
Tôi ngạc nhiên, anh và tôi đã nói chuyện với nhau một vài lần, nhưng chưa thân lắm, tôi nhìn anh dịu dàng:
- Cảm ơn anh Khìm! Anh cũng đói như tôi vậy!
Anh quay lại tôi, giọng khẳng khái... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.