Hôm nay,  

Tiền Tệ Trung Quốc: Thả Mà Không Nổi

27/07/200500:00:00(Xem: 4705)
Trò ảo hóa "thả nổi đồng bạc" của Bắc Kinh không lừa nổi một tuần trăng.
Trung Quốc đã mà mắt được thế giới trong vỏn vẹn chưa đầy một tuần. Sau cơn hồ hởi sảng, thị trường bắt đầu tỉnh giấc và kết luận rằng Bắc Kinh chưa thả nổi đồng bạc. Kế tiếp, giới chính trị Hoa Kỳ sẽ lại trở về gây áp lực, và các đấng con trời đỏ sẽ phải tìm ra trò khác, trong một hoàn cảnh còn khó khăn hơn gấp bội.
Đầu đuôi câu chuyện rất chuyên môn này có nhiều khúc mắc mà có khi người ta không giải thích cho rõ nên dư luận chưa hiểu ra những nhập nhằng chính trị lồng trong kinh tế.
Từ năm 1994, Bắc Kinh neo giá đồng "nhân dân tệ" (đồng "Yuan", gọi là đồng "Nguyên" hay "Viên" theo lối viết mới và cũ của Trung Quốc) vào đồng Mỹ kim với lý do chính thức là để ổn định thị trường hối đối của họ, thay vì cho đồng bạc được tự do giao hốn trao đổi theo quy luật cung cầu. Sự ổn định ấy kéo dài được tám năm và vượt qua những sóng gió tài chánh của vụ khủng hoảng Đông-Á năm 1997-1998. Lý do thực tế là họ muốn thu hút tối đa đầu tư từ nước ngoài để tạo ra công ăn việc làm ở trong nước. Sự ổn định tài chánh và đà tăng trưởng cao của kinh tế nhờ đầu tư sẽ giúp chế độ ổn định về chính trị. Đó là về bối cảnh chung.
Nhưng, từ đầu năm 2002, Mỹ kim bắt đầu sụt giá khi kinh tế Mỹ bị bội chi ngân sách từ cuối năm 2001, và cán cân chi phó bị khiếm hụt vì nhập siêu quá nặng. Nhập siêu là khi kinh tế nhập nhiều hơn xuất cảng, và kinh tế Mỹ bị nhập siêu trong luồng giao dịch ngoại thương với Trung Quốc. Năm ngối, số khiếm hụt ngoại thương với Hoa lục đã vượt quá 160 tỷ Mỹ kim.
Khi tiền Mỹ sụt giá thì hàng Mỹ thành rẻ hơn, dễ bán hơn và hàng ngoại thành đắt hơn, dân Mỹ phải chi nhiều hơn. Việc sụt giá ấy là một tác dụng điều chỉnh tự nhiên của thị trường, để giảm dần mức nhập siêu của Mỹ.
Tuy nhiên, nhìn qua Thái bình dương thì khi tiền Mỹ tuột giá đến đâu, đồng Nguyên sụt đến đấy nên hàng hóa Trung Quốc vẫn rẻ và dễ bán vào Mỹ: tác dụng điều chỉnh của việc Mỹ kim sụt giá bị vô hiệu hóa bởi chánh sách hối đối Trung Quốc. Vì vậy, từ tháng Chín năm 2003, chính quyền Bush bắt đầu nêu vấn đề: chánh sách giàng giá đồng Nguyên vào Mỹ kim của Bắc Kinh là can thiệp vào thị trường để nâng đỡ hàng xuất cảng của Trung Quốc. Điều bất công này phải được chấm dứt. Suốt năm 2004, Hoa Kỳ nhiều lần nêu lại vấn đề ấy, với sự phụ họa của nhiều quốc gia khác, như Liên hiệp Âu châu và Nhật Bản.
Từ đầu năm 2005, đến lượt chính giới Mỹ trong Quốc hội nhập cuộc và đả kích chánh sách trợ cấp xuất cảng bằng đồng tiền rẻ của Bắc Kinh. Hai Nghị sĩ Schumer và Graham còn đệ nạp một dự luật đòi trừng phạt Trung Quốc bằng cách nâng quan thuế biểu thêm 27,5% đánh trên hàng nhập cảng từ Hoa lục. Về mặt chuyên môn, đề nghị ấy hàm ý là tiền Trung Quốc rẻ hơn thực tế 27,5%.
Các tổ hợp đầu tư tài chánh Mỹ kiếm tiền nhờ dịch vụ đầu tư vào Hoa lục và nhiều kinh tế gia khác lên án dự luật ấy là "bảo hộ mậu dịch", là bất công vì có ác cảm với Trung Quốc. Nôm na là họ bênh vực quan điểm của Bắc Kinh và có khi còn trình bày sự thể một cách thiên lệch, làm dư luận khó nhìn ra sự thật.
Thực ra, việc neo giá đồng bạc vào tiền Mỹ theo một hối suất cố định cũng gây vấn đề cho Trung Quốc và giới lãnh đạo kinh tế của họ cũng biết rằng sẽ có lúc phải điều chỉnh. Nhưng, nâng giá đồng Nguyên, hoặc thả nổi đồng Nguyên cho thăng trầm theo quy luật cung cầu cũng là một đòn tự sát kinh tế và nhất là chính trị, vì sẽ đánh xập hệ thống nhân hàng mục nát của Trung Quốc. Vả lại, để nguyên thì họ sẽ tìm cách điều chỉnh, rón rén điều chỉnh, chứ nếu công khai đòi hỏi thì họ càng không muốn làm. Thể diện quốc gia của một đám lãnh đạo nhiều mặc cảm không cho phép họ làm cái điều cần thiết ấy. Vì vậy, Bắc Kinh lâm thế kẹt, sửa cũng khổ mà không sửa thì chết.
Khi áp lực điều chỉnh gia tăng và Quốc hội Mỹ nhất quyết ra đòn trả đũa thì Bắc Kinh phải nhượng bộ. Tháng Chín này, Hồ Cẩm Đào sẽ họp thượng đỉnh với Tổng thống Bush. Qua tháng 10, Quốc hội sẽ nghe bộ Ngân khố báo cáo giữa năm về tình hình hối đối quốc tế và sẽ đẩy thêm áp lực trừng phạt Trung Quốc. Trong khi ấy, chính quyền Bush được Bắc Kinh kín đáo thông báo, hay hứa hẹn, là họ sẽ điều chỉnh vào thời điểm thuận tiện nhất. Nhiều người dự đốn rằng việc điều chỉnh ấy có thể sẽ được Bắc Kinh công bố vào tháng Tám.
Ngày 21 vừa qua, các đấng con trời làm nhiều người ngạc nhiên khi thông báo quyết định điều chỉnh, mà họ gọi là "thả nổi có quản lý". Dư luận truyền thông vồ lấy tin ấy và quên mất chữ "có quản lý" mà chỉ thổi lên chữ "thả nổi". Đó là một sự lầm lẫn - có dụng ý hay không thì còn tùy. Ta nên thông cảm với truyền thông Việt Nam ở trong nước khi họ nuốt cả chì lẫn chài mà loan tin theo như vậy. Dính tới Bắc Kinh là mó vào cái vảy ngược của con rồng, lôi thôi là bị lãnh đạo gây phiền hà ngay.

Nội dung quyết định về hối đối của Bắc Kinh là 1) chấm dứt việc neo giá đồng bạc vào tiền Mỹ mà định giá đồng bạc theo một "rổ" gồm nhiều ngoại tệ khác nhau; 2) thả nổi có quản lý cho trị giá đồng bạc thăng trầm lên xuống theo quy luật cung cầu; 3) ấn định lại tỷ giá đồng Nhân dận tệ, từ 8,28 ăn một Mỹ kim lên 8,11 đồng ("lên" vì chỉ cần 8,11 đồng Nguyên là đổi được một đô la Mỹ - tức là nâng giá chứ không phải phá giá như nhiều nguồn tin Hà Nội đã loan sai); và 4) giá cố định ấy được ấn định hay điều chỉnh hàng ngày theo quy luật cung cầu nhưng giá giao dịch chỉ được xê xích trong một biên độ nhất định là 0,3%, tức là cao hơn hay thấp hơn giá chính thức khoảng hai xu.
Khi đọc kỹ lại chánh sách này, người ta phải có kết luận thực tế là "bốn không":
Thứ nhất, Trung Quốc không thả nổi đồng bạc cho tự do giao dịch theo cung cầu mà chỉ nới sợi giây neo giá cho dài hơn một mẩu, dài hơn có 2,1%, từ 8,28 lên 8,11 đồng.
Thứ hai, Trung Quốc không mở rộng biên độ giao dịch mà vẫn duy trì tỷ lệ 0,3%, tức là quy luật cung cầu chỉ co giãn trong khoảng cách rất hẹp, còn thua xa biên độ giao dịch của đồng bạc Việt Nam!
Thứ ba, Trung Quốc không chấm dứt việc neo giá đồng bạc vào tiền Mỹ: nội dung của cái rổ ngoại tệ này là gì thì không được thông báo, trị giá đồng Nguyên so với các ngoại tệ khác, như đồng Yen Nhật hay Euro Âu châu, cũng chẳng được thông báo. Thực tế thì căn cứ trên lượng hàng hóa Trung Quốc mua bán với các xứ khác và phải dùng ngoại tệ để thanh tốn thì đồng Mỹ kim vẫn trực tiếp chi phối 50% luồng giao dịch (qua đồng Nhân dân tệ và đồng Đô la Hong Kong) và gián tiếp là 30% qua đồng Yen Nhật. Tổng cộng là cái giỏ ngoại tệ này vẫn chủ yếu gom đồng Mỹ kim là chính. Nhân dân tệ chưa đoạn tuyệt với Mỹ kim!
Thứ tư, tổng kết lại thì việc điều chỉnh hối đối của Bắc Kinh không là một bước đột phá mà chỉ là trò trang sức ngoài da, để làm như có thay đổi hầu tránh áp lực mậu dịch từ phía Hoa Kỳ và các nước khác mà không gây rủi ro cho cơ chế tài chánh và chính trị trong nước.
Một màn hỏa mù như vậy mà vẫn mà mắt được thiên hạ thì kẻ mù ở đây không phải là Thống đốc Chu Tiểu Xuyên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc!
Thiên hạ bị mà mắt khi đồng Yen vọt tăng, đồng Ringgit của Mã Lai Á lập tức được thả nổi và các thị trường chứng khóan Đông Á đều lên giá. Nhưng chỉ có vài ngày! Thị trường bắt đầu hiểu ra, rằng chuyện không có gì mà ầm ĩ…
Tuy nhiên, trò mạo hóa này không phải là vô hại cho Bắc Kinh. Khi nói rằng hối suất đồng Nguyên được ấn định (hàm ý điều chỉnh) mỗi chiều cho ngày giao dịch hôm sau, Trung Quốc ngỡ là sẽ lừa được chính trường và thị trường, rằng họ đã thả nổi đồng bạc và trị giá đồng Nguyên sẽ còn tăng trong tương lai, sau khi đã được nâng giá 2,1% vào tuần qua. Vì thị trường ước lượng là đồng Nguyên được định giá quá thấp khi tiền Mỹ đã sụt, có thể thấp từ 10% đến 27,5% (theo lối tính của Quốc hội Mỹ), thậm chí đến 40%, thì một vụ điều chỉnh có 2,1% tất nhiên chỉ là màn giáo đầu tuồng. Tức là đồng Nguyên sẽ còn tăng giá nay mai.
Khi kết luận như vậy, thị trường có ngay phản ứng đầu cơ: bán Mỹ kim mua đồng Nguyên với giá 8,11 để khi đồng bạc ấy lên giá, thí dụ 7,50 đồng ăn một Mỹ kim, thì lại bán ra mua về Mỹ kim và kiếm ngay khoản lời ngoạn mục là hơn 7,5% trong một thời gian ngắn. Đông Á hiện có một khối lượng tiền bạc dư dôi chừng 700 tỷ, phân nửa nằm tại Trung Quốc, để chảy vào nơi có lời hay rút khỏi nơi có rủi ro. Khối tiền nóng ấy đang tìm chỗ trũng để chảy…
Trò mạo hóa hôm 21 lập tức thổi lên phản ứng đầu cơ làm trái bóng đầu cơ địa ốc tại Hoa lục thêm căng phồng. Và có thể bể.
Vì vậy, đến cuối tuần, Thống đốc Chu Tiểu Xuyên lật đật cảnh cáo thị trường, rằng không nên đầu cơ như vậy. Qua Thứ Ba, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc còn thành thật khai báo, rằng "việc dự đốn điều chỉnh 2% chỉ là bước khởi đầu và sẽ còn điều chỉnh nữa là (một dự đốn) sai!"
Nói cách khác, Trung Quốc chưa điều chỉnh gì hết, thị trường đừng tưởng bở!
Chúng ta phải nói ra điều hiển nhiên ấy vì thị trường đã tưởng bở hôm cuối tuần và nhiều tổ hợp tài chính Mỹ còn tiên đốn là vì Trung Quốc thả nổi đồng bạc, thị trường nhà đất tại Mỹ sẽ suy sụp, trái bóng đầu cơ địa ốc sẽ bể, nhà sẽ sụt giá!
Nhưng, câu hỏi cuối cũng cần được nêu ra: "Nếu Bắc Kinh chưa điều chỉnh gì thì lề lối trợ cấp xuất cảng của họ vẫn là bất công, Trung Quốc vẫn không theo quy luật thị trường!"
Quả như vậy, sau những ngợi khen ban đầu, thiên hạ chưng hửng phát giác ra thực tế. Và Quốc hội Mỹ tất nhiên sẽ gặng hỏi chính quyền Bush: bao giờ mới có biện pháp trả đũa đây" Tức là áp lực bảo hộ mậu dịch và gay gắt phê phán Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục.
Hãy đón coi phản ứng này trong những ngày tới, cho đến năm tới, là năm tranh cử tại Mỹ và cũng là năm mà Bắc Kinh sẽ đối diện với các vấn đề của thực tế. Lúc ấy, ta sẽ thấy tiền chảy ngược từ Đông Á về Mỹ và còn thổi giá nhà cửa lên những đỉnh cao mới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.