Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Giáo Dục Sinh Lý Tại Các Trường Học Úc

25/01/200900:00:00(Xem: 3488)

Thời sự nước Úc: Giáo dục sinh lý tại các trường học Úc - Hoàng Đ.Thư

Trong một xã hội tràn ngập những hình ảnh gợi dục, từ đủ các loại quảng cáo cho đến các đoạn phim nhạc đến những hình khiêu dâm trắng trợn qua mạng internet như xã hội Úc hiện nay, thì quả là một sự ngạc nhiên khi biết được rằng việc giảng dậy tính dục cho giới trẻ - về tính dục, về những vấn đề y tế liên quan đến tính dục, về sinh dục, và về tình dục - lại là một vấn đề khá tế nhị, khả dĩ khiến người ta cảm thấy khó chịu và tạo nên rất nhiều sự tranh cãi.
Nhiều người cho rằng đấy là một sai lầm phát nguồn từ hảo ý: trẻ em ngày nay dường như bị tính dục hóa quá sớm, được khuyến khích ăn vận hở hang như một sự thách thức, khích dục ngay khi chưa đến tuổi thiếu niên cho nên các bậc phụ huynh cũng như nhiều người lớn cho rằng trẻ em và thiếu niên không nên được giáo dục một cách chính thức về những chuyện như khẩu dâm, những chứng bệnh về đường sinh dục, cách ngừa thai v.v.
Hơn thế nữa, những vấn đề liên quan đến tình dục cũng thường bị ảnh hưởng bởi cái nhìn về luân lý và tôn giáo, liên hệ mật thiết với những việc mà người ta tin là phải hoặc quấy, và vì thế, người ta thường có nhiều quan điểm khác nhau về những chuyện như tình dục ngoài hôn nhân, sự lẳng lơ, ngoại tình, đồng tính luyến ái v.v. và vì thế, người ta nghĩ rằng giáo dục tính dục trong lớp học có thể chuyên chở những chuyện mà chính họ đã chối bỏ, cho là sai quấy. Và theo những người này thì tình dục và tính dục là những chuyện riêng tư.
Nhưng có không ít người cho rằng giáo dục tính dục là một chuyện tốt, có nhiều giá trị đáng làm, đặc biệt là khi chuyện này được dạy dỗ bằng một phong thái thật bình thản, trung thực và khoa học. Thế nhưng, hiện nay, ở Úc không có một sự đồng nhất về giáo dục tính dục tại học đường, chẳng những có sự khác biệt giữa các tiểu bang, mà thậm chí, ngay cùng một tiểu bang cũng có nhiều sự chênh lệch giữa các trường. Sự tùy tiện, tùy hứng này đã khiến cho giới chuyên khoa về y tế tính dục thường xuyên than phiền, đặc biệt là khi mức độ bị lây lan những bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục đã gia tăng đáng kể. Thí dụ điển hình là tỷ lệ thiếu niên trong lứa tuổi 15-19 mắc bệnh Chlamydia đã gia tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Hơn thế nữa, con số thiếu nữ mang thai ngoài ý muốn cũng không hề thuyên giảm, ở mức độ 16% các thiếu nữ từ 16-19 tuổi. Các chứng bệnh hoa liễu mồng gà (gonorrhea & syphillis) cũng gia tăng đáng kể. Một cuộc nghiên cứu trong năm qua của tổ chức Marie Stopes International cho thấy ở Úc 31% thiếu niên nam nữ có hoạt động thường xuyên về tình dục nhưng khoảng 1/3 số này không hề biết rằng họ có thể bị lây bệnh qua việc khẩu dâm.
Chính vì thế mà gần đây, Hiệp Hội y Sỹ Úc (Australain Mediacl Association - AMA), trong dịp đưa ra đề nghị đóng góp ý kiến cho ngân sách của chính phủ tiểu bang Victoria, đã kêu gọi chính phủ Victoria phải áp dụng chính sách đồng nhất về giáo dục tính dục ở tiểu bang, khởi sự với chuyện biến môn giáo dục tính dục (sex education) trở thành một môn học cưỡng bách (mandatory) với giáo trình được soạn thảo thật kỹ càng, rõ rệt, chính xác – không dùng ẩn dụ - phải thích hợp với từng lứa tuổi và phải được dạy cho học sinh rất lâu trước khi chúng bắt đầu có sinh hoạt tình dục. AMA đề nghị rằng giáo dục tính dục phải được bắt đầu khi các em lên 10 tuổi. Đề nghị này đã tạo ra một luồng sóng tranh cãi trong suốt hơn một tuần qua ở Victoria.
Sau đây, xin mời qúy độc giả theo dõi bài viết tựa đề “Sounds good, but does sex ed actually work"” của nữ ký giả Jill Stark, được đăng tải trên tuần báo The Sunday Age ngày 18 tháng Giêng năm 2009 vừa qua.
Giáo sư môn Human Reproduction của đại học Melbourne, Roger Short trong một chuyến công du qua Hòa Lan đã hỏi người bạn đồng nghiệp địa phương một câu hỏi. Ông thuật lại: “Tôi hỏi bà ta “Chị có thể cho tôi biết tại sao ở Úc chúng tôi lại có tỷ lệ thiếu nữ mang thai ngoài ý muốn cao gấp 5 lần Hoa Lan hay không"” Bà ta trả lời “Đơn giản thôi, ở Úc, các anh chỉ mải mê lo lắng với những tội lỗi liên quan đến tình dục trong khi chúng tôi liên hoan về niềm vui của tình dục”. Và đấy chính là sự khác biệt quan trọng”.
Theo giáo sư Short thì kinh nghiệm của Hoa Lan – nơi mà trẻ em 9 tuổi được cho xem những hình vẽ dạy cách thủ dâm và nữ sinh có thể xin thuốc ngừa thai từ y tá của trường – đã chứng minh rằng dạy dỗ trẻ em về sinh dục và tính dục từ khi còn nhỏ quả thật rất hiệu quả.
Và Hiệp Hội y Sỹ Úc (Australian Medical Association – AMA) cũng tin như thế. Trong đơn đề nghị với chính phủ tiểu bang (Victoria) về ngân sách tiểu bang cũng đề nghị cưỡng bách giáo dục tính dục thật táo tợn (explicti sex education) cho trẻ em từ 10 tuổi trở lên với biện luận rằng những chương trình như thế sẽ làm giảm thiểu tỷ lệ thiếu nữ mang thai ngoài ý muốn và giảm thiểu tỷ lệ lây lan bệnh truyền nhiễm về đường sinh dục.
Thế nhưng đề nghị này, vốn đã được tuần báo The Sunday Age tiết lộ hôm Chúa Nhật 11/1 vừa qua, đã tạo nên một sự tranh cãi, chẳng những về đạo đức nghề nghiệp (ethics) mà còn về hiệu quả thật sự của những chương trình như thế.
Nhà đạo đức học Công Giáo (Catholic ethicist) Nicholas Tonti Filippini miêu tả dự án này là “một sự lạm dụng tình dục trẻ em” và hứa hẹn sẽ gọi cảnh sát ngay lập tức nếu bất kỳ  giáo viên nào dám thảo luận về sự giao cấu với các con của ông ở tuổi thơ ngây nhỏ bé như thế. Ông cho biết có rất ít bằng chứng vững chãi để chứng minh rằng giáo dục tính dục giúp giảm thiểu tỷ lệ thiếu nữ mang thai ngoài ý muốn, hoặc tỷ lệ phá thai hay tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục (sexually transmitted infections – STI). Ông cho rằng những nguyên nhân khác có nhiều ảnh hưởng hơn, chẳng hạn như giai cấp xã hội, kinh tế, khả năng học hỏi và sự tham gia vào những hoạt động của nhà thờ hay những tổ chức thanh thiếu niên khác.
Và quả thật một số chuyên gia cho rằng sự thành công của Hòa Lan – một quốc gia có tỷ lệ thiếu nữ mang thai ngoài ý muốn cũng như tỷ lệ phá thai thấp nhất thế giới – có thể bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ ly dị thấp, với ít mẹ đơn chiếc và nhiều bà mẹ không đi làm để ở nhà nuôi con.


Giáo sư Tonti Filippini quả thật rất chính xác khi cho rằng không có bằng chứng rõ rệt về hiệu quả của giáo dục tính dục. Một cuộc tái duyệt các thành quả nghiên cứu trên thế giới của tổ chức Y Tế Thế Giới (World Health Organisation - WHO), với hơn 40 cuộc nghiên cứu định giá những chương trình giáo dục như thế xuyên suốt từ khoảng giữa thập niên 1970 đến giữa thập niên 1990 cho thấy 25 chương trình không hề mang đến sự khác biệt nào cả trong khi 17 chương trình đã khiến cho việc tham gia vào các hoạt động tình dục được dời lại lâu hơn, giảm thiểu con số bạn tình của thiếu niên và đồng thời giảm thiểu tỷ lệ thiếu nữ mang thai ngoài ý muốn cùng tỷ lệ mắc bệnh đường sinh dục.
Một cuộc khảo cứu được đăng tải trên tạp chí chuyên đề khoa học hàng đầu thế giới là The Lancet cũng cho thấy một kết quả không khác mấy về hiệu quả của những chương trình ở Anh.
Những cuộc thử nghiệm có tầm vóc lớn trong vấn đề ghi nhận thái độ và sinh hoạt tình dục của thiếu niên cùng mối liên hệ giữa những sinh hoạt này và chương trình giáo dục tính dục thật ra rất khó được tiến hành vì những vấn đề đạo đức nghề nghiệp và vì sự khó khăn trong việc tổ chức, và vì thế phần lớn những bằng chứng đều chỉ là những sự nhận xét mà thôi.
Ngay cả những người biện minh thật mạnh mẽ cho việc giáo dục tính dục – chẳng hạn như giáo sư Short, vốn muốn cho phép nữ sinh được quyền xin thuốc ngừa thai tại trường học – cũng thừa nhận đấy là một lãnh vực còn trong tình trạng tranh tối tranh sáng, chưa rõ rệt. Ông nói: “Nếu chúng ta thực sự muốn những bằng chứng thật chắc nịch vốn dĩ có thể chứng minh rằng việc thực thi chương trình giáo dục tính dục đã có một ảnh hưởng đáng kể thì quả thật là một sự khó khăn để trưng ra những bằng chứng ấy. Úc còn hơi lạc hậu bởi vì chúng ta chưa hề có được chương trình giáo dục tính dục thật tốt trong học đường và chúng ta chưa hề có được những sự can thiệp có kiểm soát vốn được quan sát cẩn thật”
Tuy hiếm có những bằng chứng cụ thể vững chắc, nhưng rõ ràng là rất nhiều thiếu niên nam nữ hoàn toàn không có được những thông tin khả tín về tình dục. Một cuộc thăm dò hơn 1000 thiếu niên nam nữ ở Úc trong năm qua cho thấy 31% có hoạt động thường xuyên về tình dục nhưng khoảng 1/3 không hề biết rằng họ có thể bị lây bệnh qua việc khẩu dâm. 1/10 những người được thăm dò cho biết họ không hề trải qua chương trình giáo dục tính dục ở nhà trường.
Bà Jill Michelson, giám đốc hoạt độngcủa Marie Stopes International, một tổ chức từ thiện chuyên cung cấp những dịch vụ cố vấn về sinh lý cũng như về thai nghén cho phụ nữ, cho biết con số này quả là một sự lên án hùng hồn về tình trạng thiếu sót những chương trình giáo dục sinh lý ở Úc. Tổ chức Marie Stopes đã vận động với chính phủ liên bang để biến giáo dục sinh lý trở thành một môn học cưỡng bách trên toàn nước Úc. Bà nói: “Có chuyện gì đó rất sai về hệ thống của chúng ta hiện nay. Ở Hòa Lan, thiếu niên bắt đầu hoạt động tình dục trễ hơn ở Úc đến một hoặc hai năm. Mức tuổi trung bình bắt đầu sinh hoạt tình dục ở Úc là 16 tuổi, trong khi ở bên ấy là giữa 17 và 18 tuổi. Họ có một chương trình giáo dục y tế sinh dục tính dục toàn diện mà chúng ta phải tin rằng đã là một sự khác biệt quan trọng”.
Giáo sư Anne Mitchell, thành viên sáng lập của Australian Research Centre in Sex, Health and Society (Trung Tâm Nghiên Cứu Tính Dục, Y Tế và Xã hội) tại đại học La Trobe, cho biết giáo dục tính dục không phải là một viên đạn nhiệm mầu, nhưng đồng thời bà cũng cho rằng hiện nay những chuyện mà nước Úc đang thực thi quả thật không có hiệu nghiệm gì cả.
Hiện nay, kỹ thuật tân tiến đã có thể giúp cho trẻ em tiếp nhận được cả một kho tin liệu về tình dục và tính dục với một cái bấm tay nhẹ nhàng qua máy computer và vì thế, bà cho rằng việc giới trẻ có nên được giáo dục về tính dục ở học đường hay không đã trở thành một nghi điểm. Theo bà thì thử thách bây giờ là việc bảo đảm rằng những dữ liệu mà các em nhận được phải đến từ một nguồn khả tín và chính xác, tốt hơn là một trang web kích dâm. Bà nói: “Chúng ta biết rằng chúng ta không thể nào làm ngơ trước một vấn đề y tế khi rất nhiều người trẻ tuổi không có ngay cả một kiến thức căn bản nhất về những căn bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục (STI). Chúng cần phải hiểu được vì sao chúng cần sử dụng bao cao su an toàn. Con số mắc STI ngày càng gia tăng, lũ trẻ ngày càng có nhiều sinh hoạt thiếu đạo đức và thậm chí đầy bạo động trong tình dục. Toàn bộ những sự việc này sẽ bùng nổ mà chúng ta lại cứ rúc đầu vào cát, không chịu thừa nhận những sự thực đó”.
Một điều mà không ai tranh cãi là sự thất bại của việc khuyến khích giới trẻ “chỉ từ chối” (just say no). Ở Hoa Kỳ nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy những thiếu niên ghi danh theo những chương trình khuyến khích giữ gìn sự trong trắng (abstinence program) lại dễ mang thai ngoài ý muốn và dễ bị lây các bệnh, STI hơn là những cô cậu đã từng theo học những khóa giáo dục sinh lý tính dục.
Giáo sư Mitchell cho rằng một chương trình giáo dục sinh lý tính dục sẽ thất bại nều nó chỉ chuyên chú về những hoạt động mang tính máy móc về sinh dục mà thôi. Bà cho rằng những chương trình này phải dạy cho các em về những phương diện tình cảm, tâm lý trong một mối quan hệ, kể cả những vấn đề như áp lực từ bạn bè cùng trang lứa (peer pressure) và việc thúc giục ép buộc tình dục (sexual coercion).
Giáo sư Tonti Filippini, phân khoa trưởng phân khoa đạo đức sinh học (bioethics) tại John Paul II Institute for Marriage and Family, cũng đồng ý. Ông nói: “Một thiểu số chương trình giáo dục tính dục sinh lý vốn khiến cho người ta thay đổi thái độ là những chương trình có tin liệu toàn diện và dựa trên căn bản giá trị đạo đức”.
Giáo sự Short cho biết một cuộc nghiên cứu do một sinh viên y khoa thực hiện dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ông đã khám phá rằng các thiếu nữ ở Victoria miêu tả chương trình giáo dục sinh lý mà họ đã trải qua là một trò hề. Ông nói: “Giới thiếu niên Úc cho rằng trong chương trình giáo dục tính dục, thay vì nói với chúng tôi về cơ thể học (anatomy) tại sao người ta không mang một bà mẹ đơn chiếc 13 tuổi đến nói cho chúng tôi biết về sự cơ cực khi phải nuôi con một mình vì cha đứa bé đã lẩn đi mất biệt và cô ta bị cha mẹ tống cổ ra khỏi nhà" Đấy là việc mà chúng ta cần nghĩ đến khi hoạch định chương trình giáo dục sinh lý, bởi vì đấy là những chuyện sẽ có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống của những người trẻ tuổi này”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.