Hôm nay,  

Câu Chuyện Thể Thao: Wushu – Tiền Đạo

22/12/200800:00:00(Xem: 4030)

Câu Chuyện Thể Thao: Wushu – Tiền Đạo

Qua những bộ môn này, các tuyển thủ sẽ biểu diễn phần kỹ thuật thi triển bài quyền hoặc múa khí giới và thi đấu với đối phương, để được chấm điểm. Về khí giớI thì có 4 hình thức chính: kiếm thuật, đao thuật, thương thuật và côn thuật.
Theo cách định nghĩa tổng quát, võ thuật là một môn kỹ thuật được hệ thống hóa và tập hợp những hình thức dùng chân, tay, binh khí v.v…để thi đấu với nhau, vì thế nó còn được gọi là Đấu Thuật, tức những kỹ thuật thi đấu. Qua ý nghĩa này, từ ngữ Võ Thuật cũng được hiểu theo cách biểu hiện vắn tắt của dụng ngữ Võ Học hay Võ Đạo
Tùy theo sự hình thành văn hóa của từng khu vực địa lý và từng quốc gia, tuy võ thuật được phát triển và phân loại khác nhau, nhưng nó vẫn mang đặc tính chung là nhằm mục đích rèn luyện kỹ năng võ học, duy trì sức khỏe, tự vệ khi bị tấn công v.v… Ngoài ra, cũng có những loại võ thuật khác được cải biến thành bộ môn thi đấu ở hình thức thể thao như môn Karatedo (Không Thủ Đạo) và Judo (Nhu Đạo) của Nhật Bản hay môn Teakwondo (Đài Quyền Đạo) của Đại Hàn, Kick Boxing (Cước Quyền Anh) của Thái Lan v.v…
Khi đề cập đến lịch sử khởi nguồn của môn “Wushu” người ta thường liên tưởng đến những đặc tính của võ thuật Trung Hoa với các môn phái chuyên về quyền pháp hoặc cước pháp hay binh khí rất đa dạng và chia ra nhiều chi nhánh khác nhau. Vì theo phát âm của tiếng Trung Quốc, võ thuật được đọc là “Wushu”, nên từ ngữ này đã trở thành tên gọi của môn thể thao Wushu, và Nhật ngữ thì gọi là “Thái Cực Quyền Pháp”. Trong khi đó, tại nước Trung Hoa Dân Quốc tức Đài Loan thì gọi võ thuật là “Quốc Thuật”, còn tại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây thì dùng thuật ngữ “Công Phu” để diễn tả võ thuật.
Theo ông Matsuda Ryuchi, một nhà nghiên cứu võ thuật Trung Quốc rất nổi tiếng tại Nhật Bản thì khởi nguyên của võ thuật Trung Hoa bắt nguồn từ các động tác thi đấu, tác chiến như là những hình thức tranh đua thể thao của những cư dân sống dọc theo sông Hoàng Hà vào thời vương triều nhà Hán (khoảng năm 220 trước Công Nguyên). Sau đó, các động tác này được chú trọng về mặt rèn luyện sức khỏe rồi dần trở thành môn võ thuật. Hiện nay, có rất nhiều các môn phái võ thuật tại Trung Hoa, và vì muốn nêu cao sự nổi bật của mình họ đã tạo ra nhiều giai thoại về những tổ sư sáng lập môn phái là những vị anh hùng hoặc những nhân vật nổi danh mang tính cách truyền thuyết của lịch sử Trung Quốc. Qua đó, nổi tiếng nhất là truyền thuyết về vị tổ sư của phái Thiếu Lâm và phái Võ Đang. Tuy trước đây các hình vẽ được phát hiện vào khoảng năm 1922 trên vách đá trong Thiên Phật Động của chùa Thiếu Lâm, miêu tả những vị sư đang biểu diễn những động tác múa chân tay được tương truyền là do những đệ tử chùa Thiếu Lâm đã vẽ lại khi luyện võ, nhưng sau đó trong quyển sách “Thể Dục Thế Giới” được phát hành tại Trung Quốc thì lại đưa ra bằng chứng cụ thể chứng thực rằng hình này do chính tay viên phó tư lệnh quân khu Nam Kinh tên Tiền Điếu thực hiện từ năm 1917 đến năm 1921.
Về truyền thuyết vị tổ sư quyền thuật Thiếu Lâm, thì tại ngọn núi Tung Sơn ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc có một ngôi tự viện tên Thiếu Lâm Tự vốn nổi danh từ ngàn xưa về Thiền Tông và tu luyện võ thuật, nhưng võ học của Thiếu Lâm được xem như do Bồ Đề Đạt Ma đến từ Thiên Trúc sáng lập. Tương truyền rằng khi đến Thiếu Lâm Tự để truyền bá Thiền Pháp thì Bồ Đề Đạt Ma nhận thấy các vị sư của chùa Thiếu Lâm yếu kém thể lực nên không thể nào rèn luyện được tinh thần vì vậy ông đã hướng dẫn họ các phương pháp tập luyện thể lực gọi là “Dịch Cân Hành” và “Tẩy Tủy Hành”. Hai phương pháp này được ghi chép thành kinh sách, nhưng sau đó quyển “Tẩy Tủy Kinh” bị thất lạc, nên môn võ thuật mệnh danh là “Thập Bát La Hán Thủ” phát triển tại chùa Thiếu Lâm chỉ dựa trên căn bản của quyển “Dịch Cân Kinh”. Thế nhưng trên thực tế, các nhà nghiên cứu võ thuật Trung Quốc cho rằng hậu thế đã dựa vào truyền thuyết Bồ Đề Đạt Ma ngồi quay mặt vào vách tường tọa thiền ở chùa Thiếu Lâm rồi suy diễn ông đã truyền thụ võ thuật tại đây.
Mặt khác, về vị tổ sư của quyền thuật Võ Đang thì cũng có giai thoại của nhân vật tên Trương Tam Phong vốn là đệ tử tu hành tại chùa Thiếu Lâm nhưng sau đó tự mình đi đến núi Võ Đang để nghiên cứu về Đạo Giáo qua các hình thức tu luyện phép Thổ Nạp, tức hô hấp và phép Đạo Dẫn tức điều dưỡng và rèn luyện tâm thân là những đặc tính cơ bản của trường phái Nội Gia Quyền Pháp gồm các môn võ thuật như Thái Cực Quyền, Hình Ý Quyền, Bát Quái Chưởng v.v…Tuy vậy, xét về đặc tính, thì võ thuật Thiếu Lâm cũng áp dụng nhiều kỹ thuật sử dụng thân thể một cách nhu nhuyễn, nên có thể nghĩ rằng vì muốn nâng cao sự tích sáng lập của môn phái mình nên giai thoại về nhân vật Trương Tam Phong vốn được xem như một bậc tiên nhân trong truyền thuyết lại được thêu dệt thêm những chi tiết như là học võ căn bản tại chùa Thiếu Lâm rồi sau đó tự sáng lập ra phái Võ Đang. Theo sự giải thích rõ ràng và có tính cách lịch sử về nguồn gốc của Võ Đang Quyền Pháp thì đây là môn võ thuật xuất phát tại một làng tên là Trần Gia Hào ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, được truyền thụ nối tiếp qua các đời con cháu của họ Trần tại đây.
Qua đó, cũng có nhiều giải thuyết cho rằng vì Trần Gia Hào cũng ở tại tỉnh Hà Nam nên có lẽ võ thuật của Thiếu Lâm Tự đã được truyền bá vào thôn làng này rồi từ đó phát triển thành trường phái võ thuật đặc thù của gia tộc họ Trần.
 Hiện nay, tại Trung Hoa người ta cho rằng có trên 400 loại võ thuật nổi danh với những đặc tính dị biệt nên không thể nào tập hợp lại để phân loại một cách hệ thống. Vì vậy dựa theo quyển “Đồ Thuyết Trung Quốc Võ Thuật Sử” của nhà nghiên cứu Matsuda Ruychi nói trên, thì có vài phương pháp phân loại võ thuật Trung Quốc một cách đại khái như sau:
Ngoại Gia Quyền và Nội Gia Quyền: Ngoại Gia Quyền là loại võ thuật sử dụng cương lực biểu hiện từ bên ngoài của thân thể qua việc rèn luyện gân cốt, thể lực như môn Thiếu Lâm Quyền. Còn Nội Gia Quyền thì ngược lại tức là loại võ thuật ứng dụng nhu lực đã được rèn luyện từ các phương pháp hô hấp, vận công như môn Võ Đang Quyền. Trên thực tế môn Thiếu Lâm Quyền ở thời sơ kỳ đúng là phải tập trung rèn luyện gân cốt, thể lực nhưng khi tiến đến mức tinh độ cao hơn thì phải tập về nội công. Ngược lại,Thái Cực Quyền cũng bao gồm nhiều chiêu thức sử dụng cương lực. Vì vậy có lẽ là qua cách phân loại của những người không thâm hiểu võ thuật và chỉ nhìn qua hình tướng bên ngoài của loại võ thuật đó rồi phân chia như trên. Hiện nay hầu như người ta cũng không đặt nặng sự phân loại này.
 Trong khi đó, nếu so với các môn võ thuật khác thì vì 3 môn phái Thái Cực Quyền, Hình Ý Quyền và Bát Quái Chưởng có sự khác biệt to lớn về phong cách của nó nên cũng có trường hợp người ta gọi một cách tổng hợp các môn võ này là Nội Gia Quyền tức là không câu nệ về cách định nghĩa cương nhu như trên.
Phái Thiếu Lâm và Phái Võ Đang: Vì có rất nhiều loại võ thuật mang truyền thuyết xuất phát từ Thiếu Lâm Tự nên các môn võ này được xem như bao gồm luôn quyền pháp Thiếu Lâm và thuộc phái Thiếu Lâm, đồng thời vì nơi tu hành nghiên cứu của nhân vật Trương Tam Phong trong truyền thuyết là tại núi Võ Đang nên Thái Cực Quyền Pháp được gọi là môn võ thuật của phái Võ Đang. Thế nhưng, ngay trên căn bản của những truyền thuyết về Bồ Đề Đạt Ma hoặc Trương Tam Phong cũng thiếu hẳn luận chứng thuyết phục nên hầu như không có giá trị nơi sự phân loại võ thuật. Và từ đó, ta cũng có thể suy luận một cách mạnh mẽ rằng có thể là do sự tương tranh đối kháng giữa những môn đồ của phái Thiếu Lâm và phái Võ Đang đã có lúc khích liệt, vì vậy phát sinh ra những cách gọi gượng ép khi bao gồm nhiều môn phái khác rồi quy nạp vào thành hệ phái của Thiếu Lâm và Võ Đương nhằm đề cao môn phái mình.
Bắc Phái và Nam Phái: Theo nghĩa hẹp thì Bắc Phái và Nam Phái dùng để nói về Bắc Phái Thiếu Lâm Quyền và Nam Phái Thiếu Lâm Quyền. Để phân biệt với Thiếu Lâm Tự ở ngọn Tung Sơn tỉnh Hà Nam thì tại miền nam Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông hay Phúc Kiến cũng có Nam Thiếu Lâm Tự. Vì vậy võ thuật có nguồn gốc xuất phát từ 2 nơi này được gọi vắn tắt là Bắc Phái và Nam Phái. Theo một số truyền thuyết thường được lồng vào những bộ truyện võ hiệp thì vào thời nhà Thanh thống trị Trung Nguyên đồng hóa Hán tộc, các tổ chức hoạt động phản Thanh phục Minh thường lấy cứ điểm ẩn núp và hoạt động là Nam Thiếu Lâm Tự nên từ đó võ thuật của Nam Phái được phát triển trong bối cảnh này. Tuy trước kia các chi tiết về Nam Thiếu Lâm Tự vẫn được xem như là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng dựa vào một số văn thư cổ và vài chứng tích được nghĩ rằng có khả năng liên quan đến Nam Thiếu Lâm Tự được phát hiện sau này tại tỉnh Phúc Kiến, nên cũng có giả thuyết cho rằng Nam Thiếu Lâm Tự thực sự đã tồn tại.
Kế đến, trên ý nghĩa rộng lớn hơn, Bắc Phái và Nam Phái không chỉ giới hạn trong phạm vi của võ thuật phái Thiếu Lâm mà còn được dùng để ám chỉ đến võ thuật của 2 miền Nam Bắc Trung Hoa. Biên giới Nam Bắc này được phân ra từ con sông Trường Giang, và từ đó đã có câu “Nam Quyền Bắc Cước” nhằm phân rõ đặc tính võ thuật của miền Nam ưa chuộng quyền thuật còn miền Bắc thì sở trường về cước thuật.

*

Về môn phái thì võ thuật Trung Hoa cũng có rất nhiều hệ nhánh và tùy theo từng phái mang những nét đặc trưng, phong cách có tính cách truyền thống riêng biệt nên không thể nào khẳng định được sự hơn kém về võ thuật giữa các môn phái với nhau. Vì vậy, trên hình thức thi đấu, biểu diễn bài quyền của những loại võ thuật này thường gặp trở ngại trong việc chấm điểm và người ta đã thống nhất trong cùng một cách biểu diễn kỹ năng ở những động tác chính của những bài quyền. Qua đó, môn “Wushu” có hình thức biểu diễn chuyên dụng đặc biệt khi thi đấu gọi bằng danh từ chuyên môn là “Sáo Lộ”.


Các môn võ thuật được qui định thống nhất về cách biểu diễn khi thi đấu được gọi chung là “Chế Định Quyền Pháp” để phân biệt với những môn võ thuật mang tính cách truyền thống gọi là “Truyền Thống Quyền Pháp”. Vì được qui định rõ ràng nơi một số động tác nhất định khi thi đấu hoặc biểu diễn nên các môn võ thuộc “Chế Định Quyền Pháp” chỉ chú trọng lối biểu diễn những đường nét tinh hoa, ngoạn mục để nhấn mạnh mức độ khó khăn của bài quyền khác hẳn với tính thực dụng của những môn võ thuật thuộc “Truyền Thống Quyền Pháp”.
Các môn võ thuật thuộc loại Chế Định Quyền Pháp như Trường Quyền, Thái Cực Quyền, Nam Quyền được xem như là đại biểu cho nền võ thuật của Bắc Phái Ngoại Gia Quyền - Nội Gia Quyền và Nam phái.
Từ đó, người ta cũng có thể phân loại các môn võ thuật thuộc hệ phái “Truyền Thống Quyền Pháp” như sau:
Bắc phái Ngoại Gia Quyền gồm : Thiếu Lâm Quyền Pháp, Tra Quyền, Phiên Tử Quyền, Bát Cực Quyền, Đường Lang Quyền, Ưng Trảo Quyền.
Bắc phái Nội Gia Quyền gồm: Thái Cực Quyền, Bát Quái Chưởng, Hình Ý Quyền.
Nam phái hay Nam Quyền gồm: Hồng Gia Quyền, Vịnh Xuân Quyền, Bạch Hạc Quyền, Thái Mạc Quyền, Thái Lý Phật Quyền, Vô Ảnh Quyền.
Về chi tiết của những môn quyền pháp này thì có lược sử và những đặc tính như sau:
Thiếu Lâm Quyền: Là môn võ thuật được truyền bá tại núi Tung Sơn tỉnh Hà Nam, Trung Hoa, hoặc được bao gồm chung các nhánh võ thuật khác xuất xứ từ nơi này và lưu truyền sang các vùng khác. Đây cũng là môn võ thuật có lịch sử phát triển từ lâu đời với tầm ảnh hưởng rộng lớn đến các môn phái khác nên cũng có giả thuyết cho rằng: “Võ Thuật Thiếu Lâm là nguồn gốc của võ thuật thiên hạ”. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có những chứng cớ xác thực nào để chứng minh lập luận này cho dù ở mức tương đối hoặc có tính cách lịch sử.
Hiện nay, tại Hội Quán Thể Dục Tinh Võ ở Thượng Hải, các môn sinh theo học môn Thiếu Lâm Quyền được truyền thụ theo phương pháp ở từng thời kỳ. Thời sơ cấp học về cách đứng tấn rèn luyện tư thế vững vàng cho đôi chân, sau đó mới bước vào khóa học chính thức gọi là Thiếu Lâm Ngũ Chiến Quyền gồm Đại Chiến, Thoát Chiến, Đoản Chiến, Thập Tự Chiến và Hợp Chiến. Đến cấp cao hơn thì học về La Hán Quyền Pháp.
Thiếu Lâm Quyền còn được gọi là Thiếu Lâm Tự Quyền Pháp trong ngụ ý bao gồm hết những môn võ thuật khác. Thế nhưng theo ông Nakano Michio biệt hiệu là So Do Shin (Tôn Đạo Thần), vốn là một võ sư kiêm tư tưởng gia lừng danh của Nhật Bản suốt một đời nghiên cứu và cống hiến cho võ học đã nhận định rằng: “Những môn võ thuật được sáng tạo tại Nhật Bản như Nhu Đạo, Hiệp Khí Đạo v.v…luôn đặt trên nền tảng của võ thuật đặc trưng của Nhật Bản khác biệt hẳn với Thiếu Lâm Tự Quyền Pháp của Trung Hoa”.
Tra Quyền: Xuất phát tại huyện Úy tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc và được truyền bá trong những tín đồ Hồi Giáo, đồng thời cũng là môn quyền thuật tiêu biểu cho loại Trường Quyền với những động tác đánh ra trong phạm vi rộng do thường sử dụng đôi chân cho cước pháp và nhào lộn rất nhanh nhẹn được khai triển từ Nhất Lộ Tra Quyền đến Thập Lộ Tra Quyền. Hiện nay. Tra Quyền cũng chia ra làm nhiều nhánh phái và truyền thụ rộng rãi ra bên ngoài chứ không giới hạn trong những giáo đồ Hồi Giáo như trước đây.
Phiên Tử Quyền: Đặc tính của môn võ thuật này là ứng dụng tốc độ của song quyền để ra chiêu theo khẩu quyết “miên mật, dầy đặc như mưa rơi vừa bảo vệ kín thân thể mình vừa tấn công đối phương liên tiếp như thế chẻ tre”. Tuy đặt căn bản chủ thể là quyền pháp nhưng gần đây môn võ này còn được phối hợp với cước pháp, tức là những đòn chân gọi là Trạc Cước nên nó có danh xưng chung là Trạc Cước Phiên Tử Quyền.
Bát Cực Quyền: Được xem là môn võ thịnh hành tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc và từ xưa kia chỉ được truyền bá cho những tín đồ Hồi Giáo, sau đó lưu truyền đến dân Hán tộc và phát triển theo những đặc tính riêng biệt của tộc Hồi và tộc Hán. Đặc trưng của Bát Cực Quyền là tuy cấu tạo bởi những động tác đơn giản dựa trên 4 yếu quyết “Hoại”, “Hàn”, “Đột”, “Kích”, nhưng rất lợi hại trong thế trận cận chiến và hiện nay cũng chia ra làm nhiều chi hệ như Mạnh Thôn, Vũ Đàn, Nam Kinh, Đông Bắc, Tây Bắc v.v…
Đường Lang Quyền: Do nhân vật tên Vương Lãng nhìn thấy động tác của con bọ ngựa rồi liên tưởng đến quyền cước và sáng tạo thành võ thuật. Từ khoảng đời nhà Thanh, môn võ này được lưu truyền tại tỉnh Sơn Đông và sau đó cũng chia làm nhiều hệ phái như Thất Tinh, Mai Hoa, Thái Cực, Lục Hợp, Bát Bộ v.v… và được phân bố trên các vùng địa phương của Trung Quốc. Đường Lang Quyền dựa trên ý niệm “thấy kẽ hở của địch thì tấn công” và có nhiều thủ pháp phức tạp đòi hỏi sự luyện tập gian khổ, đồng thời cũng kết hợp với cước pháp tạo thành những chiêu thức “Thượng Hạ Liên Hoàn” rất ngoạn mục và không kém phần tốc độ nhanh nhẹn.
Thái Cực Quyền: Được lưu truyền từ dòng họ Trần ở thôn Trần Gia Hào, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và hiện nay có rất nhiều hệ phái. Trong đó có 5 môn phái nổi danh nhất gọi là Ngũ Đại Thái Cực Quyền lấy danh xưng theo họ của các vị tổ sư sáng lập gồm Trần gia, Dương gia, Ngô gia, Võ gia và Tôn gia. Trong 5 phái này, Dương gia là môn phái được ưa chuộng, có nhiều môn sinh theo học bởi đặc điểm quyền thức mềm mại, uyển chuyển. Ngược lại, quyền thuật của Trần gia phái thì bao gồm nhiều động tác mãnh liệt của Thiếu Lâm Quyền. Nhưng trên căn bản tổng quát thì những môn phái này đều có phương pháp tập luyện đa phần chú trọng về hô hấp và những bài quyền nhu nhuyễn, có khuynh hướng chuyển sang hình thức tập luyện của môn dưỡng sinh với những yếu tố làm tăng cường sức khoẻ. Qua đó, Dương gia phái cũng đơn giản hóa bớt một số động tác rồi sáng chế ra bài quyền Nhị Thập Thức Thái Cực Quyền được truyền bá rộng rãi qua hình thức rèn luyện sức khoẻ.
Bát Quái Chưởng: Đúng như tên gọi, môn võ thuật này không sử dụng song quyền mà chỉ ứng dụng lòng bàn tay phối hợp cùng những động tác di chuyển bao vây chung quanh đối phương. Vì sử dụng nội lực của chưởng pháp để phát huy uy lực nên Bát Quát Chưởng là một môn võ thuật rất khó tập luyện, hơn nữa còn được đánh giá là môn võ công lợi hại âm hiểm khó lường.
Hình Ý Quyền: Dựa trên ý niệm của thuyết Âm Dương Ngũ Hành, Hình Ý Quyền là môn võ thuật được chia làm 5 loại căn bản gọi là Ngũ Hành Quyền gồm: Kim Hành Phách Quyền, Mộc Hành Băng Quyền, Thủy Hành Tán Quyền, Hỏa Hành Pháp Quyền và Mộc Hành Hoành Quyền. Qua sự ứng dụng này, Hình Ý Quyền còn dựa trên đặc tính tượng hình của 12 loại động vật và được sáng chế thành Thập Nhị Hình Quyền gồm: Long, Hổ, Hầu, Mã, Mảnh, Kê, Điêu, Yến, Xà, Điểu, Ưng, Hùng. Môn võ thuật này tuy được ưa chuộng vì những động tác quyền cước đều phản ảnh điệu bộ và đặc tính của những loại động vật rất thú vị, nhưng nó đòi hỏi quá trình luyện tập rất lâu dài và sự tập trung quan sát cao độ.
Hồng Gia Quyền: Là môn võ thuật tiêu biểu của trường phái Nam Quyền và là một chi nhánh nổi tiếng của Nam Quyền Quảng Đông với công phu quyền thuật nhậm lẹ, gọn gàng chuyên nhắm vào những yếu huyệt đối phương để tấn công. Hồng Gia Quyền được xem là môn võ hầu như hoàn chỉnh cả 2 mặt công thủ do rút tỉa những sở trường sở đoản và tập hợp được nhiều chiêu thức của các môn võ học khác. Một trong những võ sư lừng danh của Hồng Gia Quyền chính là nhân vật Hoàng Phi Hồng đời nhà Thanh thường được truyền thuyết hóa trong các tiểu thuyết võ hiệp và điện ảnh Hồng Kông, Trung Hoa.
Thái Mạc Quyền: Thái Mạc Quyền có nguồn gốc xuất phát từ Thiếu Lâm Tự ở Phúc Kiến rồi được truyền đến các vùng Triều Sán, Hải Lục Phong, Hồng Kông v.v… Về tính đặc trưng thì cũng giống như hầu hết các môn võ thuật của Nam Quyền với các khẩu quyết : “Dĩ Hình Vi Quyền, Dĩ Ý Vi Thần, Dĩ Khí Thôi Lực, Quán Xuyên Phát Kình, Bộ Pháp Ổn Cố, Quyền Thế Khích Liệt”. Đặc biệt hơn, khi phát lực thì cần sức tập trung tổng hợp từ tay, thân, eo v.v.. với những động tác ra quyền rất phong phú, đẹp mắt và chủ yếu sở trường về cận chiến.
Người sáng lập môn võ thuật này là nhân vật tên Lưu Sĩ Trung, đã tổng hợp tinh hoa của 5 đại phái Nam Quyền Thiếu Lâm Tự gồm: Hồng gia, Lưu gia, Thái gia, Lý gia, Mạc gia cùng các phái của Chu gia, Phan gia và phái Thái Cực, Lục Hợp, đồng thời pha trộn thêm Thiếu Lâm Nội Gia Tâm Pháp của võ sư Trương Văn Vĩnh vốn là một kỳ nhân võ học ở Giang Tây, rồi hình thành môn Thái Mạc Quyền.
Vịnh Xuân Quyền: Đây cũng là môn võ thuật nổi tiếng mà cố tài tử Lý Tiểu Long đã từng luyện tập và phát huy uy lực rất dũng mảnh với hiệu quả tiếp chiến với nhiều đối thủ trong cùng lúc và những đòn quyền cước xuất chiêu nhanh như sấm sét. Vịnh Xuân Quyền còn nổi danh qua các phương thức luyện tập bằng những dụng cụ đơn giản nhưng đầy hiệu quả thực dụng do song quyền và song cước phối hợp rất đồng bộ.
Bạch Hạc Quyền: Bạch Hạc Quyền cũng được xem như có nhiều điểm căn bản tương đồng cùng Vịnh Xuân Quyền ở lối xuất thủ nhanh nhẹn, nhưng lại thêm phần dựa vào cử động của loại chim Hạc nhất là đôi cánh để hình thành môn võ thuật này. Hiện nay, Bạch Hạc Quyền phân làm 4 môn phái tùy theo đặc tính cử động của chim Hạc và có danh xưng 3 chữ đầu là Bạch Hạc Môn kèm theo tên gọi: Minh Hạc Quyền, Túc Hạc Quyền, Thực Hạ Quyền và Phi Hạc Quyền.
Tóm lại, “Wushu” là một môn thể thao kiêm võ học bao gồm nhiều lĩnh vực như rèn luyện kỹ năng thi đấu, tăng cường sức khoẻ, tu dưỡng tinh thần qua một hệ triết lý thích hợp với môn phái và luôn được ứng dụng trong các loại phim hành động, quyền cước v.v…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.