Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

01/09/200800:00:00(Xem: 3467)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

Lòng tôi đang dâng lên một mối thẫn thờ hoang mang, xen nhiều nỗi ấm ức không hiểu được. Đói khát, khốn cùng, thương đau tràn lối mà mọi người vẫn hăng say, thi đua làm việc quên mình là vì sao" Tôi mới mờ cảm nhận thấy cái khả năng của cộng sản: Phỉnh phờ, dụ dỗ, khích lệ, nhử mồi bằng những từ mỵ dân như cách mạng, yêu nước, yêu nhân dân, công bằng, ấm no, hạnh phúc ngày mai... Kết hợp nhuần nhuyễn với súng, dao và cái dạ dầy đã gây ra bao áp lực ngầm, để mọi người tù dù không còn cả muốn sống nữa mà vẫn phải bóc xương, bóc tuỷ ra làm hết sức của mình. Thật là đáng ghê sợ cho những tên cáo già trong bộ chính trị của lũ cộng đỏ.
Hôm nay làm việc trong trại nên tôi có điều kiện chạy chỗ này, chỗ kia đây đó để nhìn các toán làm việc. Riêng toán 5 là toán rau xanh do anh Xuân Tảo làm toán trưởng. Do anh Đồng, tôi đã biết anh là một nhà tư sản ở Hải Phòng. Người anh cũng mập mạp như anh Lân, cũng nước da mai mái khô cằn, chừng 45 tuổi. Anh ăn nói nhã nhặn, điềm đạm, nên tôi cũng muốn có dịp làm quen với anh. Toán của anh có trách nhiệm nhặt cỏ và dọn lá cây khô phía trong hàng rào cấm, dọc theo chung quanh hàng rào trại.

Đến đây tôi đã có khái niệm về hình thể phân trại E. Trại hình chữ nhật, nằm quay về phía Đông Nam. Chiều dài chừng 150 mét, rộng chừng 80 mét. Hàng rào làm bằng những cây nứa, cao 8, 9 mét. Nứa được chôn sâu xuống đất 40 phân, gồm 2 lượt, kên sát vào nhau. Lượt ngoài chôn nghiêng 10 độ phía này, lượt trong nghiêng 10 độ phía kia. Ghép liền, kên chặt bằng 3 lượt đà tre nằm ngang với lạt và dây rừng. Trong cũng như ngoài cứ 4 mét lại chôn một cái cọc gỗ to, vót nhọn đầu, đường kính từ 15 đến 20 phân, cao 2 mét. Nó to và chắc chắn như một chiếc cột buộc ghì chặt vào hàng rào. Như vậy, hàng rào dầy đến 15, 16 phân, kín mít không còn một khe hở. Tuy chỉ bằng gỗ và tre nứa nhưng thật là kiên cố, vững chãi, vừa ngăn tù trốn trại, vừa chống với gió bão hàng năm của đất trời.

Phía bên trong, dọc theo hàng rào chính, cách hàng rào chính một mét là hàng rào cấm. Hàng rào này chỉ cao chừng 1 mét 20. Bốn góc trại có 4 chòi gác bằng gỗ, lợp nứa, cao 9, 10 mét, cao hơn cả hàng rào chính, để công an vũ trang ngồi gác, có thể quan sát hết phía trong đến bên ngoài trại.

Riêng cổng trại ra vào là một chiếc cổng to 2 tầng, cũng lợp bằng những tấm phên nứa. Tầng trên, công an vũ trang ngồi gác cổng, trên đó treo một chiếc vỏ quả bom 50 kg dùng làm kẻng. Tên bộ đội gác ở cổng này, ngoài nhiệm vụ gác cổng, phải chú ý giờ giấc để đánh kẻng trong những giờ đã quy định.

Nhân số toàn phân trại E lúc này khoảng 310 người. Hầu hết là chính trị phạm với những thành phần: Khoảng hơn hai chục người là biệt kích, gián điệp, người nhái (biệt hải) từ trong Nam ra ngoài Bắc hoạt động. Chừng trên dưới 10 người là dân tộc thiểu số Mường, Mán, Mèo, Thổ, Nùng, Thái... bị cộng sản ghép chung cho cái tội làm "thổ phỉ". Số còn lại là linh tinh gồm đảng phái, tu sĩ, tư sản, quân cán tập kết, vượt tuyến... bị ghép chung một tội là phản cách mạng, phản tuyên truyền.
Khoảng 11 giờ 30, tên Cẩn trực trại vào kiểm tra khắp nơi, xem xét từng phần việc được giao phó cho từng toán trong buổi "lao động xã hội chủ nghĩa", để lấy điểm thi đua.

Mười sáu: Điệp Vụ C47

Buổi trưa nay, sau khi cơm nước xong, tuy không mưa nhưng vẫn không có mặt trời. Vẫn thỉnh thoảng có những đợt gió mạnh rào rào chui vào trong trại nên đã có nhiều người đi nằm đắp chăn. Hàng tuần lễ nay có gió mùa Đông Bắc nên tôi không tắm được, thấy ngứa ngáy, khó chịu. Tôi rủ Toàn xách gầu xuống dưới giếng, dù không tắm được thì cũng phải lau người.

Hai anh em dùng chiếc khăn vải nhúng nước, rồi cứ mặc quần áo, cho khăn ướt vào lau trong người. Thế mà hàm răng anh nào cũng đập vào nhau cành cạch. Còn quần áo, tuy cũng thấy dơ bẩn nhưng xin cho miễn, đợi có dịp nào cũng vào ngày Chủ Nhật mà trời lại nắng hãy hay. Hơn nữa, tôi với Vân đã hẹn nhau trong lúc lao động, chiều nay sẽ ra hội trường nói chuyện. Khi tôi trở về buồng, tuy mới khoảng 2 giờ chiều nhưng nhiều người hãy còn nằm im trong chăn. Thấy Vân vẫn ngồi khoác chăn cuộn thuốc lá, tôi nói như đuà:

- Sao, Vân không tắm à"

Ngửng lên, ánh mắt của Vân như cười, nhỏ nhẹ:

- Tháng trước mình đã tắm rồi.

Nói xong, Vân vừa đưa tôi điếu thuốc vừa hỏi lại:


- Bây giờ Bình có ngủ không" Nếu không, mình ra hội trường nói chuyện cho thoải mái he"

Tuy tôi chỉ gật đầu, nhưng Vân cũng hiểu là tôi gật đầu cho ý sau, chứ không phải ý trước trong câu hỏi của Vân. Vì thế, Vân vội thu dọn lỉnh kỉnh những đồ nghề cuộn thuốc lá vào trong chiếc túi vải, mang theo ra hội trường.

Hội trường cũng có một vài chỗ 2 hoặc 3 người cũng đang ngồi trò chuyện. Vân và tôi tìm đến một chiếc bàn trong góc. Vân vừa mở túi lấy những đồ nghề ra tiếp tục cuộn thuốc, vừa ngập ngừng, dè dặt hỏi tôi:

- Bình là Công giáo à"

Nhìn Vân đăm đăm, tôi khẽ gật đầu nhưng mắt tôi như muốn hỏi lại "có sao không"" Nhưng Vân vẫn không có thái độ gì khác, vẫn cắm cúi cuộn thuốc. Sau vài câu chuyện không đâu, Vân nhìn tôi, ra dáng băn khoăn:

- Bình biết về tôi ra sao, và vì sao Bình lại biết"

Dù rằng đã trao đổi, chuyện trò với Vân trong mấy ngày qua chưa nhiều, chưa đủ, rồi lại qua lời Toàn dặn dò phải coi chừng P.T. Vân, nhưng qua từng điệu bộ, dáng đi, cách nhìn, cách nói của Vân thể hiện trong khi chuyện trò, tôi vẫn cảm thấy Vân là người chân thành, dù anh vẫn còn ít nhiều dè dặt. Vả lại quan điểm của tôi, mình muốn người ta đối xử với mình ra sao thì trước hết, mình hãy đối xử với người ta như vậy. Vì vậy tôi đã chân thành nói thật nói hết những gì tôi biết, tôi nghĩ về anh...

Từ một ngày Chủ Nhật 24 tháng  6 năm 1962, tôi bị bắt vào Hỏa Lò, nhìn thấy Vân ngồi ở gốc cây bàng. Rồi khi còn ở trong Nam, một buổi nghe đài miền Bắc ở Vũng Tàu, cho tới khi ra Hà Nội mua và đọc cuốn C47. Cũng như thời gian ở xà lim II, một buổi tối nghe Vân đọc lời kêu gọi anh em trong binh chủng không quân hãy lái máy vào vùng giải phóng.v.v... Tóm lại, tôi đã nói hết những sự việc tôi đã biết về Vân.
Khi nghe tôi kể chuyện lại, ánh mắt của Vân đã giảm hẳn sự dè dặt, dọ dẫm, nhường cho sự gần gũi, thân mật, tin tưởng hơn. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng, sự thật bao giờ cũng có hồn, sẽ có sức truyền cảm mạnhđến người nghe. Chỉ cần nói lên sự thật, dù cách nói của mình có kém có lúng túng, không diễn đạt hết được ý, nhưng rồi người nghe cũng tin mình.

Vân rất ngạc nhiên và băn khoăn không biết được rằng điệp vụ C47 của anh đã xuất bản thành sách. Anh băn khoăn vì không biết cộng sản đã nói gì về anh. Thấy Vân nóng  nảy muốn biết một vài khía cạnh nói về Vân trong nội dung tập sách, nhất là khi Vân nghe tôi nói, "hầu như cuốn sách đã tường thuật lại đầy đủ về phiên tòa và nội dung vụ án mà còn có nhiều tấm ảnh tài liệu. Thậm chí chúng chụp cả bản khai cung của từng người như Vân, Phạm Văn Đăng (thợ máy), Đinh Như Khoa (gián điệp).v.v..."

Một phần, cả tập sách điệp vụ C47 dầy gần 300 trang với bao nhiêu sự việc, lại nhằm trong mục đích tuyên truyền, làm sao tôi nhớ hết và kể hết được. Phần khác, trong lòng tôi cũng nôn nóng: Tôi đã nghe đài cộng sản nói về Vân. Tôi cũng đã đọc sách của cộng sản nói về điệp vụ C47 của Phan Thành Vân. Bây giờ do điều kiện và hoàn cảnh, đưa tôi gặp lại P.T. Vân. Vậy tôi muốn biết những tình tiết thực tế của sự việc, để so với những điều tôi đã đọc trên sách.

Vì vậy tôi đề nghị với Vân: Hãy kể lại sơ lược sự việc từ đầu, diễn tiến ra sao. Tuỳ theo đấy tôi sẽ có những câu hỏi, hoặc cho Vân biết là trong sách đã có những sự khác biệt nào, khi cùng nói về một sự việc.


Tay Vân đang quấn thuốc, như ngập ngừng, rời rạc. Mắt Vân lắng đọng, đăm chiêu. Hẳn là Vân đang lần giở lại những trang đời nhiều mây gió, chồng chất những dáng hình, sự kiện trong hố sâu ngóc ngách của tâm tưởng. Anh hơi ngửng đầu lên. Mắt anh rõi nhìn về những ngọn nứa già đang lắc lư phía bên ngoài trại. Giọng anh chậm rãi đều đều...

Ngay từ hồi niên thiếu cắp sách tới trường, tôi đã say mê đờ đẫn, nhìn theo những chiếc máy bay ì ầm, vi vút trên nền trời quê hương. Tôi đã có những ước mơ như một hoài bão: Sau này tôi sẽ tập trung mọi nỗ lực để thực hiện bằng được mục đích trở thành một phi công cho thỏa chí ngao du hồ hải.

Cuối cùng sau bao nhiêu những cố gắng miệt mài, tôi đã được tuyển mộ đi học lớp phi công ở Marrakech. Tôi tốt nghiệp trở về nước với những lời ngợi khen là một phi công ưu tú của các huấn luyện viên người Pháp trong trường. Lúc này thực sự tôi chẳng hề có một chính kiến, dù chỉ là khái niệm về chính trị, đối với quê hương dân tộc. Ngoài những giờ bay nhiệm vụ, cũng như tập tành, huấn luyện, tôi vẫn buông lỏng tâm hồn, đắm chìm vào những thú rong chơi, lả lướt với hương sắc của cuộc đời. Thậm chí, với những bối cảnh đẩy đưa cho mãi tới khi tình nghuyện nhận lái chuyến bay định mệnh này, tôi vẫn chưa ý thức được đầy đủ về cộng sản, cũng như mức độ nguy hiểm thực sự của chuyến bay. Một chuyến bay, một công tác đầy nguy hiểm, cam go, có thể một đi rồi sẽ... không trở về.

Tâm tư tôi vẫn bảng lảng, lơ là nhìn chuyến đi như nhìn một khẩu hiệu, một tấm bảng ghi một chỗ "nguy hiểm chết người". Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy đôi phút ớn lạnh, rùng rợn như đang nhìn thấy một người giết một người. Lòng vẫn mơ hồ lãng đãng, người bị giết đó không phải là mình. Rồi cứ tiến bước trên con đường mình đã chọn.

Tuy vậy, khi chuyến bay vượt qua vĩ tuyến 17, bắt đầu xâm nhập vào bầu trời của miền Bắc, dù còn ở ngoài khơi biển Đông, cả 9 người chúng tôi trên chuyến bay đều bắt đầu căng thẳng thần kinh. Thỉnh thoảng người này liếc nhìn đôi mắt lo lắng của người kia, chứ không ai nói với ai một lời. Đôi lúc, thân chiếc C47 rung giật lên. Dù đó chỉ là hiện tượng bình thường của những chuyến bay đêm, cũng làm cho bầu không khí ngột ngạt, nặng nề thêm. Tôi nhìn nét mặt đăm chiêu của anh Tiêu Huỳnh Yên, điều hành viên, đang ngồi giữa tôi và anh Thích, phi công phụ. Rồi tôi ngoái lại, nhìn Đăng, cơ khí viên cũng đang ngồi trên đống ba lô dụng cụ quân trang. Tay anh đang chống cằm dáng mỏi mệt, dựa lưng vào thành chiếc cửa thông lên buồng máy. Đăng cũng đang nhìn tôi chầm chập thì anh Yên cao giọng nhắc nhở: "Sắp đến điểm chuẩn, quẹo trái, chếch 40 độ vào hướng đất liền".
Tôi nhớ rõ, khi máy bay vào sau nội địa, ở độ cao ba ngàn thước, chỉ chừng 20 phút thôi. Bầu trời như bức màn đen, không một mảnh trăng sao, lúc đó khoảng 1 giờ 20 đêm. Đột nhiên, tôi thấy nháng lên như ánh chớp màu da cam, ngay trước mặt. May bay rung mạnh, không hề nghe thấy tiếng nổ hay bất cứ một âm thanh gì, mắt tôi còn thoáng thấy anh Yên và anh Thích ôm chầm lấy nhau. Rồi tôi không còn biết gì nữa.

Mãi khi thấy lạnh run, tôi mở mắt ra, nhưng chung quanh vẫn đen kịt. Người tưởng như vỡ nát ra, tôi không còn cử động được chân tay nữa. Hồn lãng đãng lửng lơ, tôi tưởng tôi đã chết rồi hay đang... chết. Sau đó một lúc, tôi mới thấy đau nhừ khắp cả người, chỗ nào cũng đau. Tay chân tôi vẫn chưa hề cử động được. Tôi đã mở mắt ra nhiều lần, nhưng vẫn không nhìn thấy gì. Đầu tôi như có ai đang cầm chiếc gậy đập vào đầu đều đều.

Nói tới đây, Vân ngừng lại. Tôi nghĩ là Vân muốn lấy hơi, vì nói đã hơi dài. Nhưng khi tôi nhìn con mắt của Vân trắng bạch ra lơ láo như hãy còn toát ra nỗi kinh hoàng, hãi hùng của giây phút rùng rợn gần 7 năm xưa, tôi không dám lên tiếng, tôn trọng cái phút xuất hồn của Vân. Tôi vẫn im lặng, đưa mắt nhìn mấy bông bách hợp đang đong đưa chờ Vân tiếp tục.

Một lúc, rồi anh lại thẫn thờ nói tiếp, giọng nao nao, da diết...

Tôi mê man, trong đầu như có một khoảng rỗng im lìm. Chẳng còn một ý niệm gì về thời gian, không gian, rồi tôi lại không biết gì nữa. Tôi cũng chẳng biết như vậy bao lâu. Mãi khi tai tôi chợt nghe văng vẳng trong gió lao xao, loáng thoáng có tiếng người. Chợt lờ mờ có ý niệm về chiếc C47 tôi đang lái đã bị bắn và tôi đã rơi xuống đất. Tôi lại mở choàng mắt, lúc này đã nhìn thấy lơ mơ khung cảnh đồng ruộng. Đầu đau nhức như có người lấy dao nạo vào óc tôi. Tai tôi đã nghe rõ tiếng người hò hét xa xa. Một ý thức bừng dậy thành phản xạ của sự sống còn, ập đến như một đòn bẩy giúp tôi nhấc được đôi tay. Mắt tôi đã nhìn thấy mờ mờ màu đỏ loang của máu nhầy nhụa lẫn vào đất bùn. Cả một nửa người tôi đã ngập sâu dưới bùn. Tai vẫn nghe tiếng léo nhéo, quát tháo vẳng vào trong gió. Cố vùng vẫy, kéo người lên khỏi đám xình lầy, nhưng tôi bất lực. Tôi tưởng phải nằm chịu trận, phó mặc cho cuộc đời. Nhưng rồi, đột nhiên như có một nguồn sức mạnh ở đâu đến trợ giúp, tôi đã ngoi và rút cả người lên mặt ruộng. Mắt tôi đã nhìn thấy những đám cói lưa thưa và tôi hiểu đây là một cánh đồng cói. Những tiếng quát càng lúc càng gần, lẫn lộn của đàn ông, phụ nữ:

- Chỗ này có một cánh tay!

- Chỗ này có một chiếc giầy!

- Có đứa còn sống. Các đồng chí cẩn thận!

Tôi run người lên, nhìn về phía trái có một đám cói rậm, mọc cao cách xa tôi chừng hơn 10 mét. Tôi cố nhoài, cố lên, rồi tôi cũng chui được vào đám cói rậm rạp ấy. Những tiếng người hò hét như đã gần bên tôi. Phần vì khắp người tôi đau như dần, phần khác, quá khiếp sợ, óc tôi tê đi. Vả lại, còn bao nhiêu sức cuối cùng, vì sự sống còn tôi đã dùng hết để bò vào tới đây. Cho nên khi đã nghe thấy cả những bước chân lội bì bõm, tôi cũng đành nằm im bất động, không còn một hơi sức nào để tự bảo vệ nữa. Cho đến lúc họ đã quát tháo ầm ầm ngay bên tai mà tôi vẫn nằm như một xác chết. Họ hò nhau, túm lấy chân tôi, kéo ra khỏi lùm cói rậm.
Lúc này, trời đã sáng rõ. Bao nhiêu là người, đàn ông, đàn bà, lố nhố vây quanh tôi. Súng ống, gậy gộc, dáo mác trên tay, họ hầm hè như muốn nhai xương, ăn thịt tôi. Đau đớn, sức tàn, sợ hãi, tôi lại nhắm mắt lại. Những tiếng quát, tiếng chửi vẫn tràn ngập, ngoáy vào tai tôi:

- Nó hãy còn sống!

- Đập chết nó đi!

- Nó là biệt kính của Mỹ Diệm!

Bỗng có một tiếng quát to, dõng dạc như ra lệnh:

- Không ai được đánh chết nó. Hãy lấy cáng khiêng nó về cơ quan!...

Nghe Vân kể đến đây, tôi thấy mặt Vân vừa tỏ ra mệt mỏi, vừa buồn rười rượi. Hơn nữa, trời lúc đó cũng đã chiều gần tàn, sắp đến giờ cơm, nên tôi khẽ đặt tay vào vai Vân, nói nhè nhẹ:

- Xin cảm ơn Vân, lòng tôi cũng đầy xúc động, cảm thông với những giây phút kinh hoàng gần 7 năm xưa mà Vân đã trải qua. Có một điều tôi muốn nói nữa, có lẽ đó là những hình ảnh hãi hùng, khiếp đảm lớn nhất, đã hằn sâu vào tâm hồn của Vân, nên Vân vẫn còn nhớ đầy đủ những chi tiết tỉ mỉ đáng ngưỡng mộ.

Vân nhìn tôi đầy thiện cảm, ánh lên màu tin tưởng. Tuy mắt Vân vẫn còn vướng vít một nỗi buồn mênh mông. Vân nhếch môi cười gượng gạo, nói nhát gừng:

- Những phút đầu và những ngày đầu thì vẫn cứ như trong óc, nhưng những ngày tháng sau thì tôi chẳng có nhớ gì ả, ngoài những việc chính.

Phía buồng II đã có một số các anh, các bác đem cân và bát, đĩa, ra hè. Quay lại, tôi bảo Vân:

- Chắc cũng sắp kẻng cơm rồi. Ăn cơm xong, tối nay mình sẽ kể chuyện tiếp.

- Không được! Không tiện, để dịp khác. Còn nhiều ngày.

Vân vừa lắc đầu, vừa nói, vừa đứng dậy mang túi thuốc lá về buồng.

Tối đến, sau khi điểm danh xong, cửa buồng đã khoá, tiếng loa lại léo nhéo, nhỏ to như mọi khi. Tôi đã hiểu, một tuần chỉ có mỗi ngày Chủ nhật là không sinh hoạt buổi tối mà thôi. Tôi có ý định chờ cán bộ trực trại vào điểm xong sẽ hỏi tiếp Vân một số điều vì câu chuyện lúc chiều với Vân còn đang dang dở. Nhưng đã thấy Vân chuẩn bị đi nằm. Có thể câu chuyện lúc chiều đã gợi lại cho Vân nhiều nỗi niềm ngược xuôi, vơi đầy của cuộc đời. Vả lại, tôi chợt nhớ, ngay buổi chiều, khi còn ở hội trường Vân đã nói trước, không muốn nói những chuyện như vậy ở trong buồng.

Mười Bảy: Phỉnh Phờ Dụ Dỗ

Đã từ mấy ngày nay, tôi vẫn nhớ một cậu có nét măt trẻ măng, nhìn tôi bằng ánh mắt tràn đầy thiện cảm. Chính một lần cậu ta đã nhắc nhở tôi phải coi chừng Toàn. Qua Châu, tôi biết cậu ta cũng ở trong Nam và cùng ở trong toán biệt kích của Shè Khừu Sáng. Hiện nay, cậu ta ở toán 3 (xẻ), nằm trong góc, sàn trên phía trước. Tôi cũng hơi ngập ngừng khi định trèo lên thăm hỏi, chuyện trò với cậu ta. Chỉ vì, ngay ở toán mộc, còn nhiều người, tôi chưa dám tiếp xúc, huống chi cậu ta lại ở toán 3. Nhưng vì bản tính thích tìm hiểu những điều mới lạ, lại cùng một buồng thăm hỏi nhau thì có sao đâu. Nghĩ thế, tôi đã trèo lên sàn chỗ cậu ta. Thấy tôi nhô đầu lên, cậu ta vừa ngỡ ngàng, ngạc nhiên, lại vừa vừa mừng, vồn vã ân cần tiếp chuyện tôi.

Khi biết tên cậu là Hùng, Hoàng Mạnh Hùng, tôi chợt liên tưởng tới anh Hoàng Hùng, tiểu đoàn phó, "một chiến sĩ Điện Biên" năm xưa, đã dẫn đại đội của mình, cắm lá cờ đầu tiên lên nóc hầm của tướng De Castrie. Tôi đã nằm với anh ở buồng số 2, xà lim II của "khách sạn" Hilton Hà Nội. Một thoáng chạnh lòng, ngậm ngùi nghĩ đến anh. Chẳng biết anh còn sống hay đã chết, trong cái đêm oan nghiệt của đời anh.

Tôi còn đang ngỡ ngàng khi biết Hoàng Mạnh Hùng là người Thổ, dân tộc thiểu số, mới có 23 tuổi đời mà đã bị bắt 3 năm rồi, thì đã thấy Shè Khừu Sáng từ sàn dưới trèo lên. Sau khi ngồi yên chỗ, Sáng nói như thì thầm:

- Khi biết anh cũng ở trong Nam ra, chúng em đã nhiều lần muốn đến thăm anh mà chưa dám.

Tôi cứ nhìn con mắt của cậu Sáng. Con mắt trái hoằm sâu vào, một dòng nước nhờn trắng đục như rỉ, sùi ra một cục. Mặt cậu thật hiền hòa, toát ra nét chất phác của tuổi đời 26. Rồi tôi lại nhìn Hùng, nước da trắng trẻo, mặt như còn hơi sữa. Lòng tôi dâng lên niềm dạt dào mến thương các cậu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.