Hôm nay,  

Phố Nắng: Đau - 5 W Hay 5 T

05/08/200800:00:00(Xem: 2568)
Trong tuần qua, trên Saigon Times có đăng một bài viết của BS Nguyễn Ý Đức nói về bệnh "Gai Cột Sống". Bài viết rất hay, rất chi tiết, song có thể có những câu, những chữ thật quan trọng mà người đọc không để ý, lại để ý những chữ hay những câu khác. Lấy thí dụ như một câu quan trọng mà BS Nguyễn Ý Đức viết là "Đa số người trên 60 tuổi, thường có những chồi xương này mà không biết và chỉ tình cờ tìm ra khi chụp hình X-quang cơ thể trong khi chẩn đoán một bệnh nào khác". Câu này có thể được hiểu là đa số trường hợp gai xương sống (hay chồi xương) KHÔNG làm cho người bệnh bị đau. Tuy nhiên, đại đa số người bị đau lưng, khi được chụp quang tuyến X và được bác sĩ cho biết là có gai xương sống thì nghĩ rằng chính vì gai xương sống mà làm cho mình bị đau. Từ ý nghĩ này, người bệnh mang một tâm lý là xương sống mình có gai (nghe rất ghê gớm) và lo sợ, nhiều khi đau ít mà vẫn thấy như nhiều. Rồi từ đó về sau, mỗi khi đau lưng thì bệnh nhân luôn luôn cho là vì bị gai xương sống, quên đi cái ý chính ở bên trên, đó là "đa số trường hợp đau xương sống không làm cho bệnh nhân đau". Nguy hiểm hơn nữa là bệnh đau lưng của bệnh nhân có thể do một nguyên nhân khác, nguy hiểm hơn, như bị ung thư, hay đau thận, hay bị động mạch lựu (có thể vỡ và chết lập tức) và hướng dẫn BS định bệnh sai lầm bằng cách nói với BS là "tôi bị đau lưng vì gai xương sống". Trên thực tế, số người bị đau lưng vì gai xương sống chỉ chiếm 10%, và con số này gia giảm tùy theo tuổi tác. Đại đa số, 72% người ta bị đau lưng từ các khớp giữa các đốt xương sống, chứ không phải vì gai xương sống.

Điểm hay của các bài viết về y tế là làm cho người đọc mở mang kiến thức, nhưng bên cạnh đó, điểm thất lợi là làm cho người đọc có một định kiến. Một hôm, có thanh niên bước vào phòng mạch bảo chúng tôi "Anh làm ơn đo đường (lượng đường trong máu) dùm tôi". Với một yêu cầu như vậy, nếu chỉ muốn thỏa mãn bệnh nhân và để cho cuộc khám bệnh kết thúc nhanh chóng, BS có thể chỉ cần đo lượng đường, và trong đại đa số trường hợp, nó sẽ là bình thường. Nhưng trên thực tế, ắt phải có một nguyên nhân nào đó khiến bệnh nhân nghĩ mình bị tiểu đường, nên mới yêu cầu "đo đường". Chúng tôi bèn hỏi "Tại sao anh muốn đo đường"" Bệnh nhân trả lời "Tại vì tôi hay bị tê tay". Bệnh nhân này đã đọc đâu đó, thấy tê tay, tê chân là triệu chứng của bệnh tiểu đường, nhưng kỳ thật, người này bị một chứng bệnh gọi là "carpal tunnel syndrome", tức là dây thần kinh cảm giác của bàn tay bị ép ở chỗ cổ tay.

Nếu chỉ đo đường cho bệnh nhân, dù lượng đường có cao, thấp hay bình thường, thì bệnh tê tay của anh ta đã không hề được chữa trị. Đó là cái tai hại của việc có định kiến khi đọc một bài viết y khoa và tai hại nhất là việc tự định bệnh. Nếu bệnh nhân chỉ nói cho BS nghe triệu chứng, thì BS bắt buộc phải hỏi thêm để định cho đúng bệnh, còn bệnh nhân tự định bệnh và yêu cầu BS làm theo ý mình thì cơ hội đinh bệnh sai, chữa bệnh lầm rất cao. Đây không phải là một trường hợp cá biệt, mà việc tự định bệnh, việc yêu cầu BS làm theo ý mình như xin chụp hình phổi, xin siêu âm, soi ruột, thử máu, xin trụ sinh... xảy ra hàng ngày, xảy ra đến trên 50% bệnh nhân đồng hương của chúng ta.

Một bệnh nhân khác khi vào phòng mạch, yêu cầu chúng tôi cho chụp hình phổi. Khi hỏi bệnh thì bệnh nhân khai đau ngực và những lời khai bệnh sau đó chỉ thị ra là bệnh nhân này bị đau tim, nguyên nhân là do sự tắt nghẽn mạch máu của bắp thịt trái tim. Chụp hình phổi không hề giúp việc khám phá ra căn nguyên của bệnh đau tim này. Một bệnh nhân khác thì yêu cầu BS cho siêu âm nhũ hoa, cũng vì đau ở ngực, vì có người bạn bị ung thư vú. Một bệnh nhân khác thì đòi thử bệnh lao, cũng vì bị đau ở vùng ngực. Thí dụ thì còn nhiều lắm, nhưng điều chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là trên 90% những yêu cầu này đều không hề giúp ích cho việc định bệnh chính xác. Nếu chẳng may bệnh nhân gặp nhằm một BS đang bận rộn hay mệt mỏi, BS có thể chỉ chìu ý bệnh nhân mà không có truy tầm nguyên nhân chính xác, thì có trên 90% cơ hội bệnh nhân không được trị bệnh một cách chính xác.

Một người bệnh thường đến BS vì bị một triệu chứng nào đó, chóng mặt, mệt mỏi, tê tay, khó ngủ vân vân, nhưng đại đa số là đến vì bị đau, đau đầu, đau bụng, đau răng, đau mặt, đau ngực, đau lưng, đau chân, bất cứ chỗ nào trong người chúng ta cũng có thể bị đau. Như trên vừa trình bày, đau ở vùng ngực có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh lý có thể từ bắp thịt hay khớp xương lồng ngực, từ nhũ hoa, từ tim, từ phổi, từ thực quản, từ xương sống hay thậm chí từ tâm lý. Như vậy, nếu một người bị đau ở vùng ngực thì làm sao BS biết được người này bị bệnh gì" Làm thế nào để bệnh nhân giúp BS định bệnh một cách chính xác" Chủ ý của bài viết hôm nay là giúp bệnh nhân để bệnh nhân giúp BS định bệnh một cách chính xác khi triệu chứng chính là ĐAU.

Chúng ta hãy xét thử sơ về chuyện đau ngực xem sao. Đau rát rát, nóng nóng, nhiều khi chuyền ra sau lưng, nhất là khi nằm xuống vào ban đêm, khi ăn ớt, thì có lẽ là bị loét hay viêm thực quản. Đau tức tức, khó thở, như ai đó đè trên ngực, cơn đau chuyền ra cánh tay, vai hay cổ, đặc biệt là khi vận động nhiều, và hết đau sau khi nghỉ ngơi một lúc thì có thể là bị đau tim. Khi rờ vô ngực mà thấy đau nhức nhối ở một điểm nào đó, thở sâu cũng đau thì có thể là đau khớp xương sườn. Đau nhũ hoa, đặc biệt là có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt thì có thể là do phản ứng của cơ thể với kích thích tố. Đau như phỏng trên da thì có thể là bị bệnh giời leo (hay giời bò), một loại bệnh do siêu vi khuẩn tạo ra. Đau khi ho hay thở mạnh thì có thể do bắp thịt, viêm cuống phổi, do máu đóng cục trong phổi.v.v...

Những thí dụ trên chỉ là rất sơ lược về đau vùng ngực, nhưng nói đến đây thì có lẽ bạn đọc đã bắt đầu thấy rối trí, bảo rằng làm sao mà nhớ cho hết. Đó là chỉ mới nói đau ngực và chỉ nói sơ sơ thôi. Còn đau bụng, đau đầu, đau mặt.... mỗi loại đau có hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm nguyên nhân. Nhưng xin độc giả chớ lo, vì bác sĩ là những người được huấn luyện để nhớ những cái rắc rối này cho người bệnh. Việc bệnh nhân cần phải làm KHÔNG PHẢI LÀ TỰ ĐỊNH BỆNH, mà là khai bệnh cho hay, cho chính xác.

Khai bệnh thế nào là hay, là giúp đỡ BS trong việc định bệnh nhiều nhất" Thông thường, khi được hỏi bao lâu bị một lần, bệnh nhân trả lời, "nó đau hoài hà BS". "Hoài", "đau hoài" là như thế nào" Bảy ngày một tuần, 24 trên 24 giờ một ngày" Mỗi ngày đau một lần, mỗi lần đau 1 tiếng" Mỗi ngày đau 10 lần, mỗi lần nó nhói lên khoảng 3 giây" Chữ "hoài" thật không đủ rõ ràng cho BS định bệnh. Khi được hỏi bắt đầu từ lúc nào thì bị đau, bệnh nhân thường trả lời "đau lâu lắm rồi". Lâu lắm là bao lâu, 20 năm, 1 năm, 2 tuần lễ" Những cách khai bệnh như "nó đau hoài hà", "đau lâu rồi", không giúp được BS nhiều. Thậm chí, nhiều bệnh nhân sợ BS xem thường bệnh trạng của mình, khai cho nặng thêm, có bệnh nhân lại sợ mình bị bệnh nặng, nên khai cho nhẹ bớt.

Vậy, về triệu chứng ĐAU, muốn khai bệnh cho hay, ta phải làm sao"

Bệnh nhân cần để ý và ghi nhớ năm chữ W, mà chắc đại đa số độc giả đều biết, dù đây là tiếng Anh, vì nó rất đơn giản. Đó là Where, When, hoW, Why và What. Nếu như độc giả không biết chữ tiếng Anh nào cả, thì có thể nhớ bằng cách khác: năm chữ T. Đó là Tại đâu (Where), Thời điểm (When), Thế nào (hoW), Tại sao (Why), Triệu chứng khác (What else).

Where, Tại đâu: đau ở chỗ nào, đau chuyền đi đâu (thí dụ như đau lưng, cơn đau chuyền xuống chân).

When, Thời điểm: bắt đầu đau từ lúc nào, bao lâu thì bị đau một lần, mỗi lần đau thì đau bao lâu (thí dụ như bắt đầu 2 tuần trước, mỗi ngày đau 2 hay 3 lần, mỗi lần đau khoảng 20 phút).

hoW, Thế nào: đau như thế nào (thí dụ như đau nhói, nhức nhức, rát rát, ê ê, quặn thắt).

Why, Tại sao: tại sao đau hay cái gì làm cho mình đau (thí dụ như đói bụng, vận động, đi tiểu), tại sao hết (bớt) đau hay cái gì làm cho mình hết (bớt) đau (thí dụ như nghỉ ngơi, ăn, đi cầu, uống thuốc nào đó).

What (else), Triệu chứng khác: có những triệu chứng nào khác ngoài việc bị đau hay không (thí dụ như buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, sổ mũi, ho, tiêu chảy, bón).

Tóm lại, ta nên đọc bài viết y khoa để mở mang kiến thức chứ không nên đọc để tự định bệnh. Thay vì chúng ta cố gắng đọc bài viết y khoa để tự định bệnh, hãy để cho BS làm việc này. Sau khi được BS định bệnh rồi, đọc thêm về căn bệnh của mình thì tốt. Để giúp cho BS định bệnh chính xác, việc một bệnh nhân cần làm chỉ là để ý 5 dòng trên, 5 chữ W (tiếng Anh), hay 5 chữ T (tiếng Việt). Chỉ cần để ý bao nhiêu đó, chúng ta có thể an tâm là việc định bệnh và chữa trị sẽ dễ dàng và chính xác hơn gấp 10 lần việc tự mình định bệnh. Ghi nhớ 5 chữ T (hay W) này dễ dàng hơn ghi nhớ hàng trăm, hàng ngàn bài học về bệnh rất nhiều. Xin độc giả thử gấp tờ báo lại và thử xem mình có nhớ hết 5 chữ T (hay W) này không.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.