Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

26/12/200700:00:00(Xem: 3218)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Hàng tuần nay, ruột sót như cào. Không có một tí rau nào, chỉ ăn cơm với muối. Nhưng muối cũng không đủ. Vậy mà mỗi bữa cơm, tôi vẫn gắng ăn dè ra, thường để giành được mươi hạt muối! Từ đó cho đến bữa cơm kế, 24 tiếng, cứ khoảng hai tiếng tôi lại lấy một hạt muối cho vào mồm. Những lúc đó, một mâu thuẫn đã xảy ra, trong nội tại sự việc: một đằng muốn hạt muối ngấm tỏa ra nhiều mùi thơm ngon; đàng khác lại muốn đừng tan nhanh quá. Mâu thuẫn này luôn luôn không thể giải quyết được. Được phía này thì mất phía kia.
Anh hình sự quả là cũng quái. Đúng lúc một tên cán bộ nào đó ở phía trên đi qua, hỏi tên Kế cái gì đó, Kế vừa ngửng lên chỉ trỏ nói chuyện, ở dưới này, anh hình sự tươi mặt nhìn tôi khẽ nói:
- Anh có biết anh em tù ở trên ca ngợi hành động can trường của anh lắm. Họ còn biết anh từ miền Nam ra hoạt động ở Hà Nội nữa. Chúng em có người được đi dọn rửa phân buồng ấy về nói là anh đánh nó phọt cứt ra.
Vừa lúc ấy tên Kế hết nói chuyện, và lại cúi đưa mắt nhìn xuống dưới, tôi không thể nói được lời cám ơn anh em có nhã ý với mình. Tuy vậy, tự trong lòng, tôi cũng thấy dâng lên nhè nhẹ một niềm an ủi, thêm nguồn sống phấn khởi, nhưng lại cũng xen lẫn một chút bâng khuâng man mác buồn. Sự việc thất bại. Bây giờ, tôi đang sống dở, chết dở ở nhà mồ này, và sau này, chắc chắn trong hồ sơ có vết “trốn tù”, “ddánh cán bộ”. Như thế, chẳng bao giờ tôi được “hưởng” sự rộng rãi cả. Nếu hôm ấy, tôi thành công! Chúng chỉ còn biết một tù nhân đã bí mật biến mất, trước bao nhiêu hàng rào canh phòng. Nhưng thôi, nghĩ làm gì những chuyện “nồi canh đã bể” ấy, chỉ càng thêm buồn, thêm tiếc!.....

Năm mươi hai: Cái Chết Của Một Người Tù Linh Mục"

Lúc này, trời đã lành lạnh, một vài hơi heo may đã lò dò về sớm. Không có quần áo thay, dù vậy, tôi vẫn cởi bộ quần áo ra vò mạnh cho đỡ tanh, thối. Cúi vào vòi nước, tôi xoa, cào mấy cái cho bong ít vảy ghét. Cả cái bắp đùi của tôi bây giờ chỉ vừa một chít tay với 3 đốt ngón tay. Hai cái xương phía ngoài đấu gối, trông như hai cái đầu con bọ ngựa ngọ nguậy, ngúc ngắc, lúc tôi đứng lên ngồi xuống. Tôi gãi hai mông đít, chả thấy những đầu xương nhọn hoắt. Bao nhiêu công việc, tôi phải làm vội vàng, vì chỉ có 15 phút. Nhưng, có lẽ tên Kế thấy tôi "nỗ lực" với cuộc sống, cho nên đã để cho tôi hơn 20 phút.
Sau khi tôi dùng tay, ăn và húp hết bát canh, còn nắm cơm, tôi mang vào, chờ họ cùm xong mới ăn, vì hết giờ rồi. Cùm, xích xong, và khi cửa buồng sập xuống, những bước chân của y đi dần vào phía trong. Tôi cũng cố gắng lắng nghe qua những âm thanh để có thể phán đoán chút gì, về người phía bên trong được không. Có tiếng mở khóa và kéo cửa lên, nhưng đợi mãi, không nghe tiếng chân ra ngoài đổ bô và rửa ráy. Im lìm một lúc, rồi nghe tiếng sập cửa và khóa, những tiếng bước chân sền sệt nhỏ dần lên phía cửa “cát xô”. Đã quá nhiều lần tôi gọi buồng phía trong rồi, nhưng không hiểu tại sao người trong ấy, không lên tiếng trả lời. Hôm nay, tôi cũng chả muốn gọi nữa!
Tôi thấy lạnh run lên, dù tôi đã cố sức vắt khô quần áo, nhưng tôi vẫn run. Thật chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Lần sau, thà chịu bẩn, chịu cứt đái, chứ chả dám giặt nữa. Phải ăn cơm ngay, để có chút “ca lô ri” chống lạnh, tôi run lắm rồi!
Trong ánh sáng mờ mờ của căn hầm, khi tôi bẻ nắm cơm ra, mũi tôi thoáng ngửi một mùi đặc biệt, làm nước miếng của tôi rào rào chảy ra đầy mồm. Tôi nhìn ở giữa nắm cơm: một mầu nâu nâu, đen đen, trăng trắng. Thì ra một miếng thịt heo vuông mỗi bề độ 3 phân, dầy độ 5 ly. Ôi chao! Sao tôi lại có cái diễm phúc thần tiên như thế này"
Tôi đã biết, ở trong Hỏa Lò, thịt là cả một vấn đề. Một năm, cũng chỉ 3, 4 bữa là cùng, mỗi bữa chỉ được 2 miếng con con bằng hai đốt ngón tay. Hỏa Lò là trại giam của Thủ Đô Hà Nội, bộ mặt của cả nước, có nhiều khách quốc tế, và các “vị lãnh đạo tối cao của xã hội chủ nghĩa" tới lui, mới được hưởng cái “ddặc ân” đó. Vậy hôm nay là ngày gì đâu mà Hỏa Lò có thịt!" Vậy, đây chỉ là của cán bộ, và do tài ba nhập nhằng thế nào đấy của anh bếp tù hình sự, để gọi là một chút giúp đỡ cho người họ có thiện cảm.
Tôi hơi lặng người đi vì xúc động, trước một việc làm cao cả của một người có tâm hồn, lấy nghĩa khí để xử thế, đôi khi tiền không mua được. Thực vậy, nếu vì lý do nào đó bị phát giác, không những mất “nồi cơm”, nghĩa là mất chân béo bở ở nhà bếp, phải trở về buồng giam, để tiếp tục những ngày đói triền miên ở trong tù. Hồ sơ còn bị ghi vết xấu, sau này đi trại nào, cũng khó lòng có cơ hội nhận lãnh những “chân” béo bở nữa. Ngoài ra, có khi còn bị kỷ luật, bị cùm ở trại chung. Phải nói, đây là một việc làm tôi suốt đời, không quên.
Chỉ vì miếng thịt, dù tôi chưa ăn, chỉ mới ăn cơm, tôi đã quên bẵng đi mọi việc chung quanh. Người hết lạnh lúc nào, ngừng run lúc nào, tôi cũng không hay. Ngay bộ quần áo, cũng đã khô ráo rồi!
Bây giờ tôi nằm xuống, cầm miếng thịt hà hít cho nó sướng cái đã, rồi tôi bắt đầu nhẹ cắn một miếng. Tôi bảo đảm, tất cả các tế bào trong cơ thể của tôi đều như đứng bật dậy, cùng nhún nhẩy, đong đưa để đón nhận hương vị của miếng thịt. Tôi vừa nhai, vừa nghe tiếng róc rách, của những giòng nước thơm thơm, ngầy ngậy từ từ chảy ngấm vào con tì, con vị của mình. Đầu óc tôi cứ lâng lâng, miên man bâng khuâng! Xin cảm tạ đấng Tạo Hóa! Tại sao lại có lòng ưu ái đối với thế nhân đến như vậy" Ngài đã ban cho con người một thứ vưu vật tuyệt vời, mà không phải ai cũng được hưởng hết cái giá trị của nó.
Những ngày hôm sau, tôi nhìn nắm cơm, tuy trông bề ngoài cũng như mọi khi, nhưng khi bẻ ăn, thấy rắn chắc khác thường. Phải nói, lượng cơm gần như gấp rưỡi, nhưng được nắm lại thật chặt để trông vẫn như thường. Cũng vì vậy, cơ thể tôi có thêm sức để chịu đựng. Trước dây, tôi chỉ mừng là có được một người tù thông cảm với hoàn cảnh của mình, nên đã tận tình giúp đỡ. Nhưng một đêm, tôi chợt nhận thấy, ý nghĩa của vấn đề còn to lớn hơn. Ở đây, người giúp đỡ tôi, anh ấy nói có nhiều người khác biết. Vậy, đây là quần chúng! Không bị tuyên truyền, không bị lừa lọc, bịp bợm. Bằng thực tiễn và thời gian, quần chúng đã tự hiểu, và tự nguyện giúp đỡ một người bị bọn cường quyền hành hạ. Như thế, việc tôi làm, đường tôi đi, càng ngày càng được sự thương yêu, đùm bọc của quần chúng. Điều đó là một cứu cánh quyết định, giúp tôi vượt qua nhiều gian khổ, trên đường đi tới sau này.
Dần dần, tôi càng ít nghe thấy những tiếng rọt rẹt của xích sắt, phía bên trong hơn. Cả những tiếng rên và tiềng rầm rì như tiếng tụng kinh, đã quen thuộc lâu ngày.
Đến ngày thứ Bảy tuần đó, sau khi nhận cơm và nước, tôi quen lệ như mọi lần, chờ nghe điệp khúc của điệu nhạc “cho tù ăn” trỗi lên. Tôi chỉ nghe đến “khúc” kéo cửa sắt lên, rồi ngừng bặt, ngắt quãng, thay vào đó là tiếng bước chân hấp tấp của anh tù hình sự đi trở ra. Qua khỏi chuồng của tôi, một giọng nói to lẫn trong tiếng thở hổn hển:
- Báo cáo cán bộ, buồng phía trong đã chết tự bao giờ rồi!
Tiếng bước chân dồn dập đi vào phía trong. Một lúc, rồi tiếng sền sệt chạy trở ra và nhỏ dần về phía cửa “cát xô”.
Qua sự phán đoán của tôi, anh hình sự vẫn còn đang đứng đợi chờ trên bực hầm. Đây là trường hợp hi hữu, bất ngờ. Tôi đã có chủ định từ mấy hôm nay, vì vậy gặp dịp không thể bỏ lỡ, tôi vờ ho lên một tiếng, rồi kêu bâng qươ:
- Đau bụng quá trời ơi!
Tiếng bước chân đi nhanh xuống, giọng nhỏ nhẹ hỏi:
- Anh làm sao đấy"!...
Chủ động, ý của tôi là cố tìm cách để biết tên anh tù hình sự, và về người ở buồng phía trong. Vì vậy, tôi hỏi ngay, giọng như thì thào:
- Tôi mong muốn được biết tên bạn"
- Em tên Minh. Còn anh"
- Đặng Chí Bình. Người vừa chết ở phía trong, Minh có biết là ai không"
- Ông ấy là linh mục.
Tôi thoáng giật mình, hỏi gấp:
- Tên gì"
- Em không biết!
- Linh mục có điếc, hay câm không"
- Không câm, không điếc,nhưng không nói với ai từ ngày bị bắt, nên họ mới cho vào “cát xô”.
- Lâu chưa".....
Giữa lúc đó, có tiếng người xa xa, anh Minh lẹ chân chạy ngay lên phía trên bậc hầm.
Bốn, năm người đi qua chuồng của tôi. Tiếng rút chốt cùm. Tiếng mở khóa xích sắt rủng rẻng. Lịch kịch một lúc, rồi những tiếng bước chân nặng chịch vì phải khênh, kéo một thân người ngang qua chuồng tôi.
Một mùi thịt người chết lâu ngày nồng nặc. Mùi đó quạt vào mũi làm tôi bỗng chợt nhớ lại một hình ảnh của quá khứ, ở nghĩa địa Đô Thành, Sài Gòn, ngày 13-14 tháng 11 năm 1960 – Ngày binh biến 11/11/1960 của miền Nam. Hôm đó, tôi theo giòng người vào nhà xác trong nghĩa địa Đô Thành, vừa để thỏa tính tò mò, vừa để xem, biết đâu, lại chả có người quen, mình biết để về báo cho gia đình họ hay. Bao nhiêu dẫy xác chết. Có những xác phình to tướng như xác người ngoại quốc. Có cái lòi ruột, cái mất đầu, có cái chỉ còn chiếc cẳng chân dính toòng teng một cục thịt lầy nhầy mấy đoạn ruột. Đặc biệt, một mùi khăn khẳn, tanh tanh, ngai ngái từ những chỗ thịt đã thối nồng nặc bao trùm cả một vùng chung quanh. Người nào vào, cũng có chiếc khăn bịt mũi, vậy mà vẫn vang lên đây đó tiếng nôn ọe, lẫn với tiếng gào, khóc của thân nhân, khi đã nhìn thấy xác của người nhà. Thậm chí, tôi đã rời xa nghĩa địa hàng nửa cây số, thế mà vẫn còn ngửi thấy cái mùi đặc biệt đó. Rồi hôm nay, mũi tôi lại ngửi thấy mùi thịt người chết lâu ngày này, khiến tôi nhớ đến những cảnh đời trong một thời gian khác, ở một không gian khác của Tổ Quốc Việt Nam nhiều nghiệt ngã cay đắng, đó là miền Nam thân yêu, mãi tít xa vời vợi.


Nghe qua âm thanh, tôi hiểu chúng đã khiêng người chết lên trên, rồi cửa “cát xô” đã đóng, mà sao mùi xú uế của tử khí còn nồng nặc căn hầm.
Chừng nửa giờ sau, cửa “cát xô” lại mở. Nghe tiếng bước chân, tôi biết có hai người đi xuống. Rồi một người đi trở lên. Một lúc, tôi nghe tiếng quét dọn, rồi tiếng phì phì nôn ọe. Tôi hiểu đó là tiếng của anh nhà bếp hình sự. Tiếng mở vòi nước chảy ồ ồ, tiếng xối nước ào ào. Đột nhiên, giọng anh Minh nói như thầm thì:
- Mọi khi, họ để vào nhà xác, đêm mới mang đi chôn. Hôm nay, phải đem đi ngay rồi, vì thối quá!
- Chết từ bao giờ mà mùi kinh thế!
- Mới đêm qua. Nhưng, vì cái chân ông ta bị lở loét thối và có bọ nửa tháng nay rồi. Hàng ngày giòi bọ, bò lổm nhổm ra cả ngoài nền này.
Thảo nào, cái mũi tôi đã không lầm khi ngửi thấy mùi thịt chết nhiều ngày. Thấy anh nói có vẻ tự nhiên như không có cán bộ, dù vậy, tôi vẫn chưa yên tâm nên hỏi:
- Cán bộ đâu"
- Không chịu nổi hôi thối, ông ta trèo lên cửa “cát xô” rồi.
- Minh họ gì"
- Lê, Lê Hoàng Minh!
- Ông Linh mục bị bắt từ bao giờ"
- Em không rõ, chỉ biết vào “cát xô” hai tháng nay.
- Ông ta chừng bao nhiêu tuổi"
- Khoảng 40, 45. Ông ấy bị chết vì cái chân gần đứt rơi ra ở trong cùm, trông thấy cả ống xương chân trắng hếu, rất nhiều giòi bọ.
Đột nhiên, một giọng miền Nam quát vang lên từ phía cửa “cát xô”:
- Xong chưa" Làm gì lâu thế!"...
Tiếng anh Minh vội vàng:
- Báo cáo, xong ngay đây ạ!
Vừa báo cáo, anh vừa hấp tấp đi lên.
Cửa “cát xô” đóng rồi, lòng tôi vẫn vơi đầy với vị Linh mục nào đó. Tại sao người không nói chuyện với tôi" Nếu tôi biết từ trước người là Linh mục, tôi đã có cách để nói chuyện với người. Biết đâu, vừa biết rỏ về người, may ra cổ vũ tinh thần cho người, người lại…. chưa chết. Tôi hiểu, có những nhân vật lỗi lạc về nhiều khía cạnh trong cuộc đời, nhưng khi gặp thế cùng, lại quên đi những điều sơ đẳng nhất.
Đêm hôm đó, tôi tự dưng thấy rợn người mấy lần, vì dưới nhà mồ, bây giờ còn mỗi mình tôi. Thỉnh thoảng, nghe những tiếng lịch kịch phía bên trong, tôi cũng thấy nổi gai ốc lên. Nhất là, mùi khăn khẳn vẫn chưa tan hết dưới hầm. Nhưng, chợt một ý nghĩ dấy lên trong đầu làm tôi yên lòng, bớt thấp thỏm khi nghe những âm thanh lạ trong đêm trường: "Dứt khoát chẳng làm quái gì có ma! Bởi vì rất dễ hiểu, nếu có ma thực, những lũ cộng sản đã bị bóp cổ chết hết rồi, còn đâu!” Biết bao nhiêu chiến sĩ Quốc Gia, biết bao nhiêu những đồng bào vô tội trong cải cách ruộng đất, trong các nhà tù hiện nay bị lũ cộng sản tàn sát, giết hại; lòng căm hờn dâng cao như núi. Nếu chết đi thành ma, lũ cộng làm sao còn! Cũng như, bao nhiêu kẻ ác trên cõi đời này làm sao yên hưởng xa hoa trên đống xương, và máu của người khác "
Do những suy nghĩ như vậy, tôi không cón cảm thấy rờn rợn, nổi da gà khi nghe thấy những tiếng xọc xạch ở phía trong, lúc đêm khuya nữa. Chắc đấy chỉ là một con chuột nào đó, đi kiếm ăn đêm".....
Năm mươi ba: Những Tấm Lòng  Tù!
Vì hàng ngày đôi chân thường không cử động được, cứ phải nằm yên một chỗ, ba tuần lễ nay, không lần nào tôi đứng lên được ngay, mỗi lần khi được mở cùm để ra đổ bô và tắm rửa. Tôi thường phải vịn tay vào tường đá, đứng lên ngồi xuống vài lần, rồi mới đứng lên và đi được. Cho nên, nếu không muốn trở thành một phế nhân, để càng phải chịu thêm nhiều cay đắng nữa của cuộc đời, tôi không còn cách nào khác là phải phấn đấu đến phút cuối cùng, dù ngày mai có phải chết.
Mỗi ngày ba lần, tôi dùng tay xoa nắn, chà sát, đấm bóp hai chân. Chân không tự cử động được thì phải dùng tay giúp vậy; nhưng cũng rất khó khăn, hạn chế, vì cố gắng lắm, hai tay cũng chỉ với tới quá đầu gối một chút mà thôi. Vì thế, ngày cũng như đêm, từ đầu gối trở xuống, nếu ngứa, tôi đã kiếm được một cuống chổi thanh hao, dài chừng 40 phân, để giải quyết. Tôi dùng que chổi này chọc, lách vào trong cùm, gãi chỗ nào ngứa. Có tay, mà nhiều khi như không có vậy!
Tôi nằm, miên man nghĩ ngợi, thật là may, hồng phúc cơ duyên thế nào tôi lại gặp được anh Minh đã hết lòng giúp đỡ. Mỗi ngày được thêm gần nửa suất cơm như vậy, chẳng khác nào như được tiếp máu. Tuy về vật chất nó chỉ đáp ứng nhỏ mọn; nhưng về tinh thần, lại là cả một sự tiếp cứu lớn lao. Nó đã nâng tinh thần của tôi lên cao, để khỏi bị chìm nghỉm trong “lò nấu xác” của lũ quỷ đỏ thèm khát thịt người.
Trong “cát xô”, tôi không thể nằm thẳng chân thực hiện phương pháp vận công “A”, tôi vẫn thường làm ở xà lim, tôi đổi lại thành ngồi. Mỗi ngày, tôi làm ba lần: sáng, trưa và tối. Nhiều lúc, ngồi tham thiền nhập định xong, tôi nhìn hai cái chân trong cùm, hai cái tay trong xích mà buồn cười. Chẳng biết những vị cao nhân trong võ lâm lúc ngồi điều khí vận công, mà chân tay bị xích, có tập luyện được không" Tôi chưa được đọc thấy một tác phẩm nào có nhân vật bị cùm xích, mà tập được võ công cả. Vì bị cùm và xích, làm sao tập theo được những thế võ trong bí kíp!".....
Hôm nay là ngày thứ 34 ở “cát xô”. Dù tôi đã nỗ lực phấn đấu hết sức mình để tồn tại; dù được sự hà hơi tiếp sức của anh Minh; đến nay, hai cái chân tôi đã phù to lên. Phù này khác với cước vì lạnh trước đây. Phù bây giờ một phần là do thiếu chất dinh dưỡng lâu ngày; nhưng, phần chính là do hai cái chân không cử động được, hầu như ngày nào cũng như ngày nào, cứ đặt yên một chỗ. Nhìn đôi bàn chân sưng phù, tôi thật nản lòng. Bao nhiêu công tập luyện từ hôm vào nhà hầm, đều trôi cuốn theo giòng nước lũ. Một điều khác làm tôi nản hơn là, người đưa cơm hôm nay lạ, không phải là anh Minh nữa; mà là một anh hình sự khác, có đôi mắt ngờ nghệch chậm chạp.
Tôi băn khoăn nóng ruột, muốn hỏi người đưa cơm này về anh Minh. Nhưng, phần vì thái độ của anh như vô tình, lơ đãng và lạnh lùng như một cái máy cử động vậy. Phần khác, những tên công an thường theo sát, đứng ngay bên cạnh, nhìn và sai anh hình sự làm, nên tôi không làm sao thực hiện được ý định đó. Có thể vì anh hình sự này mới, công an phải chỉ bảo và thử thách. Cũng có thể vì “cát xô” bây giờ chỉ có mình tôi. Tôi lại cố gắng giữ gìn vệ sinh, cho nên cái “cát xô” đã bớt hôi thối, (những lúc tắm rửa, tôi miệt mài năn nỉ, xin thêm từng xô nước để dội chỗ nằm). Tên cán bộ nào cũng vào đứng sát chuồng của tôi, khi cho ăn cơm. Không còn cảnh bịt mồm, nhổ nước bọt như mọi khi.
Ngẫm chuyện đời, tôi thấy là bất kể chuyện gì, việc gì cũng đều có hai mặt mâu thuẫn, đối kháng nhau: Lợi và hại. Chỉ có tỷ lệ, mức độ chênh lệch nhiều hay ít. Sự việc lợi nhất, cũng có cái hại của nó. Ngược lại, điều xấu tệ hại nhất, cũng có cái lợi của nó. Tôi cố giữ gìn vệ sinh cho nhà hầm đỡ hôi thối, như vậy là lợi cho sức khỏe, rất đáng làm; nhưng, bị điều bất lợi như đã trình bầy ở trên. Vì thế, nếu xét một việc mà chưa thấy những mặt mâu thuẫn, là vì ta chưa mổ xẻ, phân tích kỹ mà thôi.
Bây giờ, nắm cơm hàng ngày lại nhỏ như trước, khi chưa có sự giúp đỡ của anh Minh. Nghĩa là chỉ còn được khoảng 2 bát cơm con.
Tôi đợi mãi, rồi cũng tới ngày thứ Hai, ngày tắm rửa. Hôm nay lại là ngày lão Kim già trực. Từ sau ngày tôi đánh lừa y để tự tử, hễ nhìn thấy tôi đâu, là lão lại quắc mắt lên giận dữ. Câu chuyện đã 5, 6 tháng rồi, và cũng đã 3, 4 tháng nay tôi không gặp lão. Vì vậy, khi lão cúi đầu vào quát bảo, tôi đưa tay cho lão mở khóa xích. Nhìn thấy tôi, mắt lão chớp chớp sau gọng kính trắng, vẻ hơi ngỡ ngàng. Tôi hiểu là lão còn căm ghét tôi nhiều, cho nên tôi cố tránh không nhìn lão. Tôi phải bò ra, vì hai chân không thể đứng lên nổi nữa. Tôi cố tập đứng lên, ngồi xuống vài lần như mọi khi, nhưng vừa buốt vừa run rẩy, lại phải ngồi bệt xuống. Trong khi tên hình sự đưa cơm đang ngồi ghệ ở một bậc đá, gần cửa “cát xô” chờ tôi đổ bô và tắm rửa, đột nhiên, lão già Kim hỏi tôi:
- Anh ở “cát xô” bao nhiêu ngày rồi"
- Báo cáo “cụ” (ai cũng gọi lão như vậy, vì lão đã trên 60 tuổi rồi), hôm nay là ngày thứ 42 ạ!
Tôi trả lời trong hơi thở hổn hển vì mệt. Qua thái độ và cách lão hỏi tôi, tôi cảm nhận hình như lão không ghét tôi nhiều lắm! Nhìn tôi bò ra phía vòi nước một cách vất vả, vì phải mang theo cái bô phân và nước tiểu. Tự nhiên, lão mắng tôi một câu:
- Anh như con thú ấy, có chịu nằm yên đâu!
Tôi chẳng buồn nói năng chi, vì đang phải nghiến răng chịu đựng cái rát, buốt khi bàn chân lết trên nền đá. Tôi cứ phải nhắc cái bô đặt một chỗ với sức vươn tối đa, rồi lại bò, cứ như vậy cho đến chỗ cống đổ phân. Tôi chỉ rửa ráy qua loa, rồi lại hì hục bò về chuồng như mọi khi. Tôi ngồi húp và ăn bát canh rau muống trước, còn nắm cơm sẽ mang vào trong buồng mới ăn. Nguyên tắc, một tuần chỉ được mở cùm, để đổ bô và tắm rửa trong 15 phút, thế mà hôm nay, lão Kim để cho đến 30 phút.
Từ đấy, tôi càng thấy bản chất của một con người, hầu như không thể thay đổi được, cũng vẫn có thể thay đổi. Có chăng, chỉ là sự che đậy bên ngoài, vì một lý do nào đó của cuộc sống mà thôi.
Lúc khóa, xích tay tôi lão lại hỏi nữa:
- Lúc đưa anh vào “cát xô”, cán bộ có tuyên bố bao nhiêu ngày không"
- Báo cáo cụ, không!
Vì không có dịp thuận tiện nào, nên điều cứ thắc mắc trong lòng tôi là, tôi muốn hỏi anh bếp mới về anh Minh giờ ra sao, đã không thực hiện được.
Bốn ngày sau, vào một buổi sáng thứ Sáu, tôi đang nằm băn khoăn về hai cái chân mình (tôi không còn cách nào để phấn đấu luyện tập nữa), đành chịu cho đôi chân mình đi đến chỗ có thể bị liệt. Nắm cơm quá ít, chỉ đủ để ăn không chết, chứ không còn sức để cử động tay chân. Tôi thấy, nếu trước đây không được anh Minh giúp đỡ, tôi đã nằm liệt lâu rồi, và chưa biết những chuyện đau buồn gì đã xảy ra. Bỗng, tôi nghe tiếng lẻng xẻng của chìa khóa, tiếng lịch kịch của cánh cửa hầm “cát xô” mở. Tôi ngạc nhiên, mở mắt ra nghe ngóng. Bây giờ mới khoảng 8 rưỡi, 9 giờ, đâu đã phải giờ cho ăn cơm" Hay lại có một đồng cảnh nữa mới vào" Tôi muốn bò dậy để xem chuyện gì" Nhưng, không ngờ là sức tôi bây giờ không đủ để ngồi dậy nữa!
Tiếng chìa khóa mở chuồng của tôi. Rồi cửa được kéo lên. Tên Đại, cán bộ văn thư (làm ở văn phòng) nhìn tôi, rồi quát:
- Bò dậy! Đưa tay ra đây để mở xích!
Tôi cố chống tay, mấy lần vẫn không bò dậy được. Chỉ vì hai sợi dây xích không đủ dài để chống hai tay xuống nền. Mọi khi, tôi thường phải dùng thêm sức kéo của tay, rồi lấy thế ngồi lên. Bây giờ, người tôi rã rượi, như không còn một tí hơi sức nào.
Thấy tôi xoay sở, cố gắng nhưng không thể ngồi dậy được, tên Đại đành phải cúi đầu vào để mở hai cái khóa ở đầu dây xích. Rồi, y ra ngoài rút chốt cùm.
Hai tay được tự do, không phải mang sức nặng của sợi dây xích, tôi chống tay bò dậy, thế mà cũng phải mấy lần mới ngồi lên được. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng 12 sắp đến năm nay 2019, là tháng cuối cùng trước khi Hiệp Ước Thành Đô được áp dụng. Năm tới, 2020, Việt Nam sẽ chánh thức do Nhà cầm quyền Tàu Cộng kiểm soát …... Con đường đấu tranh để Việt Nam thoát khỏi quỷ đạo Cộng Sản Tàu e rằng bế tắc!
Lời Tòa Soạn: Họa sĩ Duy Thanh vừa từ trần vào giờ 9:30 PM, đêm Chủ Nhật 24/11/2019 tại bệnh viện General Hospital San Francisco, tại thành phố San Francisco, California.
Trong khi nhiều người Trung Quốc nhờ công dân Việt Nam đứng tên lập công ty, bơm tiền mua nhà đất ào ạt tại các thành phố du lịch ven biển, xem như đầu tư bất động sản và xây khu nghỉ dưỡng… một số công ty khác lặng lẽ thâu tóm, mua lại nhiều công ty Việt Nam để nắm chặt cổ họng nền kinh tế Việt…
Tội phạm Trung Quốc đóng giả cảnh sát, công tố viên để lừa đảo trực tuyến chuyển hướng sang Đông Nam Á khi bị trấn áp tại quê nhà.
COPENHAGEN - Đan Mạch nhận trọng trách dẫn đầu kế hoạch huấn luyện không tác chiến tại Iraq từ cuối năm 2020.
Theo báo cáo mới nhất của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), các hãng sản xuất xe hơi Mỹ trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của tin tặc trong năm 2018.
Tăng sĩ Phật Giáo Thiền Tông Gregory Filson đang đạp xe xuyên qua nước Mỹ trong một nỗ lực nối kết với đất mẹ và nâng cao ý thức về bệnh Alzheimer’s.
Cảnh Sát Tiểu Bang Massachussetts trở thành đơn vị đầu tiên thử nghiệm Spot, một loại robot chó, được chế tạo bởi Boston Dynamics, để tham gia các đơn vị tháo dỡ bom.
Giá nhà tại 20 thành phố Hoa Kỳ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 9, cho thấy tín hiệu rằng giá trị nhà đang ổn định ở mức cao, và nhu cầu nhà ở vẫn cao. Đây là đợt tăng giá đầu tiên kể từ năm 2018.
Ronna McDaniel – Chủ Tịch Uy Ban Quốc Gia Đảng Cộng Hòa (RNC)- đã tuyên bố hôm 26/11 rằng: hành động đầu tiên của tỉ phú Michael Bloomberg khi chính thức tuyên bố tranh cử ửng viên tổng thống đảng Dân Chủ không khác nào cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.