Hôm nay,  

Vở Tuồng Biển Đông

11/11/200700:00:00(Xem: 4976)

Chỉ vài ngày sau khi các tướng Mỹ nói trong một hội nghị quân sự ở Hawaii với 24 vị Bộ Trưởng Quốc Phòng vùng Châu Á Thái Bình Dương rằng Hoa Kỳ quan ngại về các hoạt động củng cố quân sự của Trung Quốc (nước không chịu tham dự hội nghị), thì Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan (nước duy nhất trong vùng không được mời vào hội nghị) Lee Tien-yu sau khi thăm đảo Taiping trong  khu quần đảo Trường Sa tuyên bố rằng Đài Loan cần phải xây dựng một phi trường trên đảo Taiping. Có liên hệ nhân quả nào không giữa các diễn tiến này" Và tại sao cần phi trường giữa Trường Sa"

Báo Taipei Times trên số ngày 8-11-2007 có bản tin nhan đề "Minister backs building airport on Taiping Island" (Bộ Trưởng Ung Hộ Việc Xây Phi Trường trên Đảo Taiping) ghi nhận rằng Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan Lee Tien-yu nói hôm Thứ Tư là cần phải xây một phi trường trên đảo Taiping sau khi xác nhận rằng ông đã tới thăm đảo này tuần trước. Taiping là một đảo do Đài Loan kiểm soát, thuộc vùng quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc, Mã Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam đều có quân đóng ở các vùng khác nhau. Taiping là đảo lớn nhất ở Trường Sa, ở 1,600 km phía tây nam thị trấn Kaohsiung. Còn Trường Sa có khoảng hơn 100 đảo vây quanh bởi các ngư trường nhiều cá và các túi dầu dưới lòng đáy biển.

Chỗ này cần mở một ngoặc nhỏ, rằng như thế nghĩa là trong khi các Bộ Trưởng Quốc Phòng của 24 quốc gia vùng Châu Á Thái Bình Dương dự hội nghị quân sự 3 ngày kể từ Thứ Sáu 2-11-2007 tại Honolulu theo lời mời của Đô Đốc Timothy Keating, Tư Lệnh Quân Lực Mỹ Vùng Châu Á Thái Bình Dương, thì Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan biểu diễn một màn bay ra giữa Trường Sa mà hội nghị với trăng sao.

Bộ Trưởng Lee nói, qua mô tả của phóng viên Jimmy Chuang, "Các nước láng giềng tất cả đều đã xây  xong các phi trường của họ. Chúng ta sẽ ân hận trong tương lai gần nếu chúng ta không xây phi trường riêng cho chúng ta tức khắc." Ong Lee tuyên bố như thế tại quốc hội Đài Loan khi phóng viên phỏng vấn.

Thế là thấy rõ ông Bộ Trưởng Đài Loan nói kiểu mập mờ. Kiểu như nói là Đài Loan cần có xe vì ai cũng có xe cả, nhưng không chịu nói rõ các xe dị biệt nhau vì có xe tăng, xe hơi, xe gắn máy và xe đạp… Phi trường của Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn  -- tên tiếng Anh đảo này là Large Spratly -- chỉ nhỏ khoảng 600 mét thôi,  chỉ xài được cho phi cơ nhỏ loại 2 động cơ ATR-72 (theo một bản tin Reuters ngày 15-5-2004).

Nhưng Bộ Trưởng Lee thì nói là Đài Loan tính xây phi trường với phi đạo  dài 1,198m và rộng 7m, sẽ an toàn cho loại vận tải cơ khổng lồ như C-130 Hercules, loại chở được 3 xe bọc sắt Humvee. Nghĩa là phi trường Đài Loan sẽ lớn gấp đôi sân bay Việt Nam ở Trường Sa.

Trong khi Hà Nội đã nói là phi trường chỉ dùng cho phục vụ du lịch thôi, thì báo Taipei Times ghi lời Bộ Trưởng Lee rằng phi trường ở Taiping là vì an ninh quốc gia. Thêm nữa, trong khi CSVN chỉ khiêm tốn nói chuyện kiếm tiền du khách ở Trường Sa Lớn, thì Đài Loan nói thẳng chuyện cứu thương, nghĩa là chuyện máu đổ thịt rơi. Nghĩa là không còn là chuyện xe hai bánh vi vu đi chơi nữa, mà là xe tăng với xe bọc sắt thôi.

Lee nói, "Bên cạnh vấn đề an ninh quốc gia, phi trường và phi đạo sẽ cải thiện giao thông giữa đảo này và Đài Loan. Thêm nữa, nếu có nhân sự bị thương trên đảo, phi trường sẽ giúp rút ngắn thời gian đưa tới một bệnh viện."

Bản tin trên báo Taipei Times không nói rằng trong thời điểm mà 24 Bộ Trưởng Quốc Phòng vùng Châu Á họp ở Honolulu với Đô Đốc Mỹ Timothy Keating, trong khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan Lee Tien-yu thăm vùng Trường Sa, thì Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Cao Gangchuan đang bận rộn ở đâu. Người ta chỉ biết sau hội nghị quân sự Honolulu một ngày, thì  Gangchuan đón Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates ở Bắc Kinh, với lời hứa quân đội Trung Quốc sẽ mở đường dây nóng với quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, cũng khi gặp Robert Gates, Tướng Cao Gangchuan lập lại và nhấn mạnh với Mỹ rằng Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực khi cần thiết để thống nhất Đài Loan vào Hoa Lục. Có lẽ đoán được lời hăm dọa đó do Bắc Kinh sắp lập lại với Mỹ, nên Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan mới ra Taiping và bàn kế hoạch xây phi trường rộng lớn thêm. Bộ Trưởng Lee Tien-yu không bàn chuyện dùng phi trường phục vụ du lịch như Việt Nam, mà đã nói thẳng là vì an ninh quốc gia.

Như thế cũng có nghĩa là, hội nghị quân sự 24 Bộ Trưởng Quốc Phòng Châu Á ở Honolulu thực sự không phải là nơi diễn vở ca nhạc kịch chính yếu, mà chỉ là nơi cho 24 Bộ Trưởng này ngồi đóng vai khán giả để xem màn hồ quảng long hổ tranh hùng của 2 diễn viên Trung Quốc và Đài Loan ngoài Biển Đông. Tưởng là tới Honolulu để nói, nhưng thực ra chỉ là để nhìn và nghe. Vấn đề bây giờ chỉ còn là: Bao giờ thì tới màn chót"

Hãy chờ xem, đúng là đang tới màn Đaì Loan xin gia nhập Liên Hiệp Quốc. Và 19 dân biểu Mỹ chiều Thứ Năm 8-11-2007 đã trình dự luật yêu cầu Mỹ phải giúp cho nước bạn Đaì Loan, nơi có 23 triệu dân yêu chuộng hòa bình và dân chủ, gia nhập Liên Hiệp Quốc vì nứơc này và dân này xứng đáng như thế. Điều này hiển nhiên là sẽ chọc giận Trung Quốc.

Nếu Đaì Loan vào được Liên Hiệp Quốc, tất nhiên sẽ được bảo vệ bởi Hiến Chương LHQ giưã các nứơc thành viên, thì làm sao mà Trung Quốc có thể “giành quyền sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan về đất mẹ Trung Quốc,” như Tướng Cao Gangchuan đã hăm he với Robert Gates"

Bởi thế, vở tuồng này thấy rõ sẽ nhiều sóng gió. Chỉ hy vọng rằng Việt Nam sẽ không bị văng miểng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.