Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Vai Trò Nghiệp Đoàn Trong Nền Kinh Tế Úc

30/10/200700:00:00(Xem: 1705)

Trong cuộc tranh luận giữa thủ tướng Howard và lãnh tụ đối lập Kevin Rudd hôm Chủ Nhật 21/10/07 vừa qua, mặc dầu ông John Howard lép vế hẳn hoi trong mắt số khán giả cử tri trung bình của đài số 9, nhưng một điểm khiến người hằng quan tâm không thể không nhận thấy được. Đó là việc cử tri có vẻ tin tưởng lời tuyên bố của thủ tướng Howard về vấn đề 70% nội các của đảng Lao động là cựu viên chức hoặc lãnh đạo nghiệp đoàn trong lúc chỉ có vỏn vẹn 15% lực lượng lao động thợ thuyền nhân viên làm việc cho các hãng xưởng công ty thương nghiệp tư nhân là thành viên của phong trào nghiệp đoàn.
Mặc dù ông Rudd đã phản pháo lại bằng sự so sánh là 70% nội các của chính phủ liên đảng là luật sư hoặc viên chức đang Tự Do, thế nhưng dường như cử tri có lẽ tin theo lối suy luận ngầm của ông Howard rằng khi giới viên chức công đoàn lên nắm chính quyền thì nền kinh tế của Úc sẽ có nguy cơ trì trệ suy thoái vì giới viên chức công đoàn sẽ đưa ra nhiều biện pháp khe khắt cho doanh nghiệp và kỹ nghệ.
Vậy thì sự thật ra sao" Người dân Úc có nên e dè sợ sệt công đoàn, nghiệp đoàn như những con ngáo ộp mà chính phủ Howard miêu tả hay không"
Tưởng cũng nên nhắc lai, Thứ Tư 17/10 vừa qua, đảng Tự Do đã tung ra một quảng cáo vận động bầu cử mới, nêu rõ chi tiết về chức vụ cùng nghiệp đoàn mà một số phát ngôn viên đối lập từng nắm giữ, cũng với mục đích hù doạ cử tri rằng đầu phiếu cho lao động đồng nghĩa với giao việc lèo lái quốc gia cho phong trào nghiệp đoàn. Tổng trưởng kinh tế Peter Costello tuyên bố rằng nếu đắc cử thì chính phủ Lao động của ông Rudd sẽ là “chính phủ bị nghiệp đoàn khuynh đảo nhiều nhất mà người dân Úc từng thấy” (the most union-dominated government that Australians have ever seen). Ông Costello khẳng định rằng “DDấy là sự thật. Người ta cần biết được trước khi bỏ phiếu”. Ông Howard cũng đồng ý và nhấn mạnh rằng cái quảng cáo ấy ”không phải tiêu cực, không dơ bẩn, không có gì là (tấn công) cá nhân cả. Nó rất chính xác”.
Sự thật thì lời tuyên bố của ông Costello đáng tin như lời của thằng Cuội vậy.
Hãy thử nhìn lại lịch sử Úc. Thủ tướng John Curtin được quảng đại quần chúng công nhận là vị thủ tướng vĩ đại nhất nước Úc vì phong cách mà ông cùng chính phủ Lao động của ông đã đối phó với sự khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử Úc về an ninh quốc gia năm 1941-1942. Chính phủ của ông Curtin có 19 bộ trưởng. Hầu hết những bộ trưởng này – chắc chắn là hơn 70% - có liên hệ mật thiết với phong trào nghiệp đoàn. Toàn thể nội các đều là thành viên của công đoàn. Chính ông Curtin, và tổng trưởng kinh tế của ông (sau này cũng trở hành thủ tướng) là ông Ben Chifley, và một số tổng trưởng khác đều là những người lãnh đạo phong trào nghiệp đoàn trong suốt nhiều năm trước đó. Và quan trọng nhất là cử tri Úc lúc bấy giờ ủng hộ chính phủ của ông Curtin. Trong kỳ tổng tuyển cử năm 1943, chính phủ của ông đã tái đắc cử với chiến thắng huy hoàng nhất trong lịch sử đảng Lao động về tỷ lệ ghế mà đảng thắng được.
Cái mà ông Costello gọi là “sự thật phũ phàng” (awful truth), không chính xác, thiếu trung thực bởi vì chính phủ của ông Rudd chắc chắn không phải là “chính phủ bị nghiệp đoàn khuynh đảo nhiều nhất mà người dân Úc từng thấy”. Thế nhưng, có lẽ sự thật phũ phàng mà chính phủ Howard cần phải nhận thức được là chính phủ của ông Curtin thuở đó đã lèo lái quốc gia thật khéo léo và một chính phủ “khuynh đảo” bởi giới nghiệp đoàn được cử tri ưa chuộng hết mực.
Và chính phủ của ông Curtin không phai là thí dụ duy nhất. Xuyên suốt lịch sử Úc còn nhiều thí dụ khác nữa, nhưng chỉ cần nhìn lại thập niên 80-90 thì sẽ thấy một thí dụ khác rõ rệt hơn nữa.
Cử tri Úc đã chứng minh rằng họ sẵn sàng tín nhiệm chính phủ do ông Bob Hawke lãnh đạo. Và có lẽ, trong lịch sử cận đại của Úc thì chẳng có một viên chức nghiệp đoàn nào lừng lẫy hơn, nổi danh hơn ông Hawke cả. Và trong cương vị lãnh đạo quốc gia ông đã chứng tỏ khả năng lèo lái kinh tế nước Úc trong suốt nhiều nhiệm kỳ liên tiếp. Từ dạo ấy cho đến bây giờ, những người như ông John Howard vẫn thường xuyên tấn công, chỉ trích rằng tổng liên đoàn lao công ACTU quá gần gũi và thân mật với chính phủ Hawke, thân mật và gần gũi đến độ họ gần như là một thành viên của nội các và áp đặt nhiều chính sách lên nội các ấy. Thế nhưng người dân Úc vẫn  tiếp tục tín nhiệm chính phủ của ông Hawke.


Như ông Hawke tuyên bố trong thơi gian gần đây, chính phủ Lao động của ông đã gặt hái được nhiều lợi ích từ mối quan hệ chặt chẽ với phong trào nghiệp đoàn. Mối quan hệ này đã giúp cho chính phủ Lao động trong thập niên 80 hoạch định được nhiều chính sách kinh tế và xã hội thật hữu hiệu và cấp tiến, tạo được nhiều sáng kiến đặt nền móng giúp cho sự phát triển nền kinh tế thịnh vượng cho đến bây giờ.
Như ông Kevin Rudd đã nêu rõ trong cuộc tranh luận với John Howard hôm Chủ Nhật vừa qua, chính phủ Lao Động do ông Bob Hawke, cựu chủ tịch tổng liên đoàn lao công ACTU, chẳng những đã không đưa ra chính sách kinh tế và quan hệ lao tư khả dĩ gây thiệt hại cho kỹ nghệ, cho thương nghiệp, mà trái lại, đã vạch đường, mở hướng cho nhiều cải tổ vốn dĩ giúp cho kinh tế của Úc thích hợp với nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Và chính phủ của ông Hawke là một minh chứng hùng hồn đập tan lối biện luận của ông Costello hôm thứ Tư vừa qua là một chính phủ có sự tham dự của thành viên phong trào nghiệp đoàn sẽ tự động là một chính phủ chống kỹ nghệ, chống thương nghiệp.
Cũng xin nhắc lại ở đây rằng phong trào nghiệp đoàn luôn luôn có sự hiện diện mạnh mẽ trong đảng Lao động, từ xưa đến nay. Bởi vì một lý do thật đơn giản: đảng Lao động được thành lập hơn 100 năm về trước bởi chính những người  công nhân trong phong trào nghiệp đoàn, để đại diện cho quyền lợi của công nhân thợ thuyền trên chính trường. Chính phủ lúc bấy giờ bị khuynh đảo bởi giới chủ nhân, đưa ra nhiều chính sách mang tính đàn áp, đè nén giới công nhân thợ thuyền làm việc ăn lương, và những chính sách này có cùng một căn bản suy nghĩ như Work Choices của chính phủ Howard hiện nay: mang nhiều lợi nhuận về cho giới chủ nhân trong lúc tước bỏ quyền lợi của công nhân thợ thuyền.
Chúng ta cần nhớ là tất cả mọi quyền lợi mà giới làm việc ăn lương – công nhân, thợ thuyền, viên chức văn phòng, công chức, giáo chức.v.v – có được ngày hôm nay, chẳng hạn như làm việc 40 giờ một tuần, tiền giờ phụ trội, ngày nghỉ bệnh, nghỉ thường niên.v.v, không phải bỗng nhiên mà có. Mỗi một quyền lợi này chỉ được giới chủ nhân công nhận, rồi sau đó được biến thành luật lệ qua sự tranh đấu không ngừng nghỉ của phong trào nghiệp đoàn trong qúa khứ mà thôi.
Hiện nay, ở Úc, các nghiệp đoàn, công đoàn trực tiếp đại diện 1,7 triệu thành viên và đại đa số các thành viên này ưa thích những tổ chức mà họ trả lệ phí hàng năm để làm thành viên. Ngoài ra, theo giáo sư Murray Goot thuộc đại học Macquarie, thì còn có thêm hai nhóm người khác nữa trong lực lượng lao động (workforce) Úc: những người muốn gia nhập nghiệp đoàn nếu họ có thể được tự do chọn lựa, và những người có cảm tình với phong trào nghiệp đoàn.
Bản đúc kết cuộc nghiên cứu của ông, tựa đề “Australian@Work”, cho thấy có khoảng 820,000 người làm việc ăn lương hiên không phải là thành viên nghiệp đoàn đang mong muốn được gia nhập nếu có cơ hội. Số người có cảm tình với nghiệp đoàn lại càng đông hơn nữa, có thể là đa số người dân Úc. Những người có cảm tình với nghiệp đoàn là những người tin rằng nếu không có sự hiện diện của nghiệp đoàn từ khoảng hơn một thế kỷ vừa qua thì có lẽ cho đên bây giờ giới làm việc ăn lương, công nhân thợ thuyền vẫn còn phải khứng chịu điều kiện làm việc khắc nghiệt với đồng lương chết đói như ở các quốc gia lạc hậu, chậm phát triển.
Chính vì thế mà mặc dù một mặt hù doạ cử tri Úc để tạo ấn tượng rằng phong trào nghiệp đoàn và giới viên chức nghiệp đoàn là một thứ ngáo ộp sẽ làm trì trệ sự phát triển của kinh tế Úc, rằng một chính phủ có sự tham dự của nhiều cựu thành viên nghiệp đoàn nghiễm nhiên sẽ là một chính phủ chống thương nghiệp, chống kỹ nghệ, mặt khác, ông Howard lại khẳng định rằng “Các nghiệp đoàn luôn luôn nắm giữ một vai trò chính đáng và đúng đắn trong xã hội của chúng ta. Chúng tôi không chống nghiệp đoàn…” (Unions have a legitimate and proper role in our society. We arenot anti-union…”). Câu khẳng định này đã được tuyền bố hôm thứ Năm 18/10 vừa qua, khi ông Howard phải bào chữa và thanh minh về chính sách của chính phủ đối với phong trào nghiệp đoàn sau khi tổng trưởng quan hệ lao tư Joe Hockey tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Chris Uhlman trên đài phát thanh ABC rằng vai trò của nghiệp đoàn  “hầu như đã chấm dứt rồi” (essentially it is over).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.