Trong cuộc tranh luận giữa thủ tướng Howard và lãnh tụ đối lập Kevin Rudd hôm Chủ Nhật 21/10/07 vừa qua, mặc dầu ông John Howard lép vế hẳn hoi trong mắt số khán giả cử tri trung bình của đài số 9, nhưng một điểm khiến người hằng quan tâm không thể không nhận thấy được. Đó là việc cử tri có vẻ tin tưởng lời tuyên bố của thủ tướng Howard về vấn đề 70% nội các của đảng Lao động là cựu viên chức hoặc lãnh đạo nghiệp đoàn trong lúc chỉ có vỏn vẹn 15% lực lượng lao động thợ thuyền nhân viên làm việc cho các hãng xưởng công ty thương nghiệp tư nhân là thành viên của phong trào nghiệp đoàn.
Mặc dù ông Rudd đã phản pháo lại bằng sự so sánh là 70% nội các của chính phủ liên đảng là luật sư hoặc viên chức đang Tự Do, thế nhưng dường như cử tri có lẽ tin theo lối suy luận ngầm của ông Howard rằng khi giới viên chức công đoàn lên nắm chính quyền thì nền kinh tế của Úc sẽ có nguy cơ trì trệ suy thoái vì giới viên chức công đoàn sẽ đưa ra nhiều biện pháp khe khắt cho doanh nghiệp và kỹ nghệ.
Vậy thì sự thật ra sao" Người dân Úc có nên e dè sợ sệt công đoàn, nghiệp đoàn như những con ngáo ộp mà chính phủ Howard miêu tả hay không"
Tưởng cũng nên nhắc lai, Thứ Tư 17/10 vừa qua, đảng Tự Do đã tung ra một quảng cáo vận động bầu cử mới, nêu rõ chi tiết về chức vụ cùng nghiệp đoàn mà một số phát ngôn viên đối lập từng nắm giữ, cũng với mục đích hù doạ cử tri rằng đầu phiếu cho lao động đồng nghĩa với giao việc lèo lái quốc gia cho phong trào nghiệp đoàn. Tổng trưởng kinh tế Peter Costello tuyên bố rằng nếu đắc cử thì chính phủ Lao động của ông Rudd sẽ là “chính phủ bị nghiệp đoàn khuynh đảo nhiều nhất mà người dân Úc từng thấy” (the most union-dominated government that Australians have ever seen). Ông Costello khẳng định rằng “DDấy là sự thật. Người ta cần biết được trước khi bỏ phiếu”. Ông Howard cũng đồng ý và nhấn mạnh rằng cái quảng cáo ấy ”không phải tiêu cực, không dơ bẩn, không có gì là (tấn công) cá nhân cả. Nó rất chính xác”.
Sự thật thì lời tuyên bố của ông Costello đáng tin như lời của thằng Cuội vậy.
Hãy thử nhìn lại lịch sử Úc. Thủ tướng John Curtin được quảng đại quần chúng công nhận là vị thủ tướng vĩ đại nhất nước Úc vì phong cách mà ông cùng chính phủ Lao động của ông đã đối phó với sự khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử Úc về an ninh quốc gia năm 1941-1942. Chính phủ của ông Curtin có 19 bộ trưởng. Hầu hết những bộ trưởng này – chắc chắn là hơn 70% - có liên hệ mật thiết với phong trào nghiệp đoàn. Toàn thể nội các đều là thành viên của công đoàn. Chính ông Curtin, và tổng trưởng kinh tế của ông (sau này cũng trở hành thủ tướng) là ông Ben Chifley, và một số tổng trưởng khác đều là những người lãnh đạo phong trào nghiệp đoàn trong suốt nhiều năm trước đó. Và quan trọng nhất là cử tri Úc lúc bấy giờ ủng hộ chính phủ của ông Curtin. Trong kỳ tổng tuyển cử năm 1943, chính phủ của ông đã tái đắc cử với chiến thắng huy hoàng nhất trong lịch sử đảng Lao động về tỷ lệ ghế mà đảng thắng được.
Cái mà ông Costello gọi là “sự thật phũ phàng” (awful truth), không chính xác, thiếu trung thực bởi vì chính phủ của ông Rudd chắc chắn không phải là “chính phủ bị nghiệp đoàn khuynh đảo nhiều nhất mà người dân Úc từng thấy”. Thế nhưng, có lẽ sự thật phũ phàng mà chính phủ Howard cần phải nhận thức được là chính phủ của ông Curtin thuở đó đã lèo lái quốc gia thật khéo léo và một chính phủ “khuynh đảo” bởi giới nghiệp đoàn được cử tri ưa chuộng hết mực.
Và chính phủ của ông Curtin không phai là thí dụ duy nhất. Xuyên suốt lịch sử Úc còn nhiều thí dụ khác nữa, nhưng chỉ cần nhìn lại thập niên 80-90 thì sẽ thấy một thí dụ khác rõ rệt hơn nữa.
Cử tri Úc đã chứng minh rằng họ sẵn sàng tín nhiệm chính phủ do ông Bob Hawke lãnh đạo. Và có lẽ, trong lịch sử cận đại của Úc thì chẳng có một viên chức nghiệp đoàn nào lừng lẫy hơn, nổi danh hơn ông Hawke cả. Và trong cương vị lãnh đạo quốc gia ông đã chứng tỏ khả năng lèo lái kinh tế nước Úc trong suốt nhiều nhiệm kỳ liên tiếp. Từ dạo ấy cho đến bây giờ, những người như ông John Howard vẫn thường xuyên tấn công, chỉ trích rằng tổng liên đoàn lao công ACTU quá gần gũi và thân mật với chính phủ Hawke, thân mật và gần gũi đến độ họ gần như là một thành viên của nội các và áp đặt nhiều chính sách lên nội các ấy. Thế nhưng người dân Úc vẫn tiếp tục tín nhiệm chính phủ của ông Hawke.