Hôm nay,  

Nguyễn Thị Hoài Thanh: 1 Mảnh Đời Cô Quạnh, 1 Trái Tim Chan Hòa Yêu Thương

10/10/200700:00:00(Xem: 8438)

Khi cùng Uyên Thao, người chủ trương tủ sách Tiếng Quê Hương, đọc bản thảo tập hồi ký "Viết Về Bè Bạn" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn từ trong nước gửi ra trước khi layout và gửi đi in, tôi đã ngừng lại rất lâu ở đoản văn "Một Mơ Ước Về Kiếp Sau". Trong đoản văn này, nhà văn họ Bùi vẽ lại dưới mắt người đọc hình ảnh Nguyễn Thị Hoài Thanh, người đàn bà và cũng là một nhà thơ họa hiếm đã tìm đến giúp đỡ gia đình ông sau khi ông được chế độ phóng thích khỏi nhà tù.

Không phải tò mò vì những lời đồn thổi của những cán bộ nhà nước và dư luận địa phương rằng Nguyễn Thị Hoài Thanh là em ruột cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Không phải sau khi biết đích xác bà là em gái của nhà văn và cũng là khoa học gia Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, người tôi vốn có cảm tình từ những năm giữa thập niên 50, khi say mê theo dõi "Đời Phi Công" của ông đăng trên báo chí Sàigòn thuở ấy. Cũng không phải vì cảnh sống nhếch nhác, tối tăm với quá nhiều đau thương tủi nhục của người đàn bà xuất thân trong một gia đình trung lưu, nền nếp bỗng dưng "gặp cơn gió bụi", vì miếng cơm manh áo, phải cúi đầu chấp nhận cảnh đời bất hạnh của một kẻ mạt cùng xã hội, nhắm mắt bưng tai trước trò đời điên đảo, bạc đen cùng những eo sèo nhân thế!

Tôi ngừng lại đoản văn kể trên trong tập hồi ký của Bùi Ngọc Tấn để nghe lòng rưng rưng, dạt dào thương cảm khi đọc những con chữ khắc họa lại mảnh đời cô quạnh nhưng chất chứa một trái tim chan hòa yêu thương của người thơ nữ này.

Sau khi tác phẩm "Viết Về Bè Bạn" được Tiếng Quê Hương ấn hành đầu năm 2005, nhiều độc giả đã biết tới danh tính nhà thơ và lai lịch của bà Rồi qua Bùi Ngọc Tấn, tủ sách TQH lại nhận được một số thi phẩm khác trực tiếp từ tác giả gửi qua.

Và thêm một lần nữa, tiếng thơ của Nguyễn Thị Hoài Thanh lại vang dội trong tôi như một thôi thúc, một nhắc nhở, một gọi mời cấp bách phải viết -viết bất cứ điều gì chợt đến về người thơ.

Căn cứ vào phần ghi chú cuối một số bài, những thi phẩm chúng tôi có trong tay gom chung trong thi tập mang tên Hoa Phượng được viết từ năm 1959 đến những năm cuối thế kỷ 20, trong đó phần lớn được sáng tác thời gian Nguyễn Thị Hoài Thanh sống ở thành phố cảng Hải Phòng. Theo bà Nguyễn Thị Thêu, một người bạn thuở thiếu thời của nhà thơ khi hai người còn học chung với nhau ở hai trường trung học Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu) và Nguyễn Khuyến (Nam Định), thì Hoài Thanh bắt đầu làm thơ rất sớm. Ngay từ năm 1952, thời gian lưu học những năm đầu trung học ở Bùi Chu, bà đã viết bài Camen Tu Viện. Trong đoản văn "Một Mơ Ước Về Kiếp Sau", nhà văn họ Bùi còn cho hay là nhà thơ nữ này đã tập tễnh ghép chữ gieo vần từ khi mới qua lứa tuổi lên mười, dù những bài thơ của bà lúc ấy chưa hề xuất hiện trên báo.

Xuyên qua thi tập Hoa Phượng, người ta đọc được nỗi cô đơn phủ kín cuộc đời tác giả, từ những năm còn là một thiếu phụ "màu mỡ" -tiếng của Nguyễn Thị Hoài Thanh khi tâm sự với tác giả "Viết Về Bè Bạn" để mô tả về mình lúc ở tuổi xấp xỉ ba mươi- cho đến khi trở thành bà ngoại, đã bước qua tuổi lục tuần. Thơ của bà trải dài một tâm trạng cô đơn, sầu lắng.

Sống giữa một xã hội thiếu vắng tình người, dường như bà không có bạn, chỉ có những chủ nhân ông quen hạch xách, ra lệnh hay lân la lợi dụng, tán tỉnh thuở bà còn xuân sắc hoặc tàn nhẫn quay lưng khi bà thất thế sa cơ, lúc mái đầu đã điểm bạc. Điều này không lạ nếu Hoài Thanh ra đời và lớn lên vào đầu thế kỷ trước, thịnh thời cho những hoạt cảnh bất công, tăm tối của một xã hội được thống trị bởi thực dân phong kiến với quan niệm lỗi thời "trọng nam khinh nữ" được vẽ lại đậm nét trong những tác phẩm thời danh của các nhà văn Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố. Đàng này Nguyễn Thị Hoài Thanh sống vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, giữa lòng một xã hội từng được mệnh danh là "ấm no, hạnh phúc". "vạn lần tự do, triệu lần dân chủ" của những "đỉnh cao trí tuệ loài người"!

Trong tình huống ấy làm sao một tâm hồn đơn sơ, trong suốt và nhạy cảm như Nguyễn Thị Hoài Thanh có thể tìm ra được một người bạn, xứng đáng gọi là bạn -một mẫu người tri kỷ" Và như thế, trong những lúc cô đơn, xót thân tủi phận, người thơ chỉ còn biết nói chuyện với chú mèo, bày tỏ cùng chú về niềm mơ ước viển vông là sẽ có ngày một người bạn nào đó bất chợt đến thăm:

"Mèo ơi! Mèo có biết,

Có người, sắp đến thăm ta

Người sẽ đi vào nhà

Một sớm mưa hay một trưa nắng sáng"

Hay một chiều lãng đãng nhiều mây

Người sẽ đến

một ngày …"

(Nói Với Mèo - 1977)

Nhưng làm sao vơi bớt được nỗi sầu cô quạnh khi giữa người và vật có một khoảng cách khó tìm ra được mối tương thông, giao cảm:

"Buổi sáng tôi gặp chú bò đi trên phố

Tôi chào chú, chú chẳng nhìn tôi

Có lẽ chú tưởng tôi là gốc cây

Với tâm hồn gỗ

Hay ngỡ tôi là cột điện

Mang trái tim bằng sỏi trộn xi-măng…"

(Buổi Sáng Chú Bò - 1979)

Ngoài tình huống cô đơn, không bạn bè, không thân thích, ý tưởng hàm ẩn trong thơ cũng hé mở cho người đọc thấy được tâm trạng lạc lõng, thê lương, chán ngán của người thơ trước bối cảnh xã hội chung quanh. Đấy là một xã hội được làm nên bằng những con người không phải là người, những con người không có trái tim mà chỉ là hiện thân của những cỗ máy, những gốc cây, cột điện với tâm hồn gỗ, chứa đựng những trái tim bằng sỏi trộn xin măng!

Ở tuổi thanh xuân, với tâm hồn đa cảm, đa tình lại là người con gái đa tài với một nhan sắc "màu mỡ" thêm vào cặp mắt to, đen, thăm thẳm của "Đôi Mắt Người Sơn Tây", không ai nghi ngờ khi nghĩ rằng Nguyễn Thị Hoài Thanh không thiếu người yêu. Nhưng, những cuộc tình ấy ra sao" May mắn, hạnh phúc hay khổ đau, bất hạnh" Hình thành và kết cuộc như thế nào" Không ai biết. Có điều, qua lời, ý và âm hưởng trong thơ, người đọc mơ hồ cảm thấy tình yêu của bà cũng mang dáng dấp của những cuộc tình gẫy đổ, trái ngang, hoặc đơn phương, vô vọng để trong những lúc một mình đối bóng, chỉ biết nói lời yêu thương cùng gió, cùng mây, cùng con mèo giữa những đêm đen của một cuộc đời vốn nhiều bóng tối.

"Tôi yêu anh tôi kể với đám mây

Gió thổi mây bay đi

Tôi kể với cơn mưa

Mưa thành suối ra sông gặp biển

Tôi kể với con mèo

Mèo bò ra sân tìm nắng

Tôi yêu anh

Chẳng biết tìm ai mà nói

Đêm đêm tôi đợi

Giấc mơ về

tôi đợi đêm đêm…"

(Tôi Yêu Anh - 1982)

Đợi mãi, đợi hoài nhưng người yêu chẳng tới.

Một người yêu tưởng tượng không hề có thực trong cuộc đời của một thiếu phụ mà chuyện gối chăn đã hơn một lần gẫy đổ" Một người yêu chợt đến rồi chợt đi, không hẹn ngày trở lại"

Cái hiện thực trước mắt là buổi chiều dừng bước ở Di Linh với "lòng thung, thác nước", với "thung lũng sương mờ…", Và, với "con đường cỏ dại…", để cho những hồn ma kỷ niệm vỗ cánh tìm về trong nỗi nhớ nhung da diết của người thơ.

"Ta đến Di Linh khi chiều đổ

Gió se vàng giãi nắng hồng mờ tỏ

Hình như thu chỉ có ở đây thôi

Người yêu xưa giờ mãi tận phương trời

Có biết chiều nay ta nhớ người da diết…"

(Di Linh)

"Người đã bỏ đi mà ta vẫn đợi

Như sen trong hồ khát hạ để hồi xuân

Ta đợi người ban trưa

nắng cũng tần ngần

Ngóng dấu chân người trên đường cỏ dại

Ta đợi người lúc tối

Nếu trăng quên về thì đom đóm sẽ giăng hàng

Soi lối người qua

Nhưng…

ta ngẩn ngơ nhìn con đường xa

Người ở đâu"

 …biết tìm ai mà hỏi"

Ta hỏi cỏ

cỏ đâu có lỗi

ở bên đường

lặng lẽ

mà xanh

(Đường Cỏ Dại)

Và trong những đêm buồn ôm ấp nỗi sầu cô quạnh, nghe tiếng côn trùng rỉ rả, đối cảnh sinh tình, người thơ không khỏi trạnh lòng:

"Gió đi ngang bãi trống,

Nhặt mùi hương ngây ngây

Côn trùng là hàng xóm

Ru hoài cho đêm say…"

(Đêm Ven Biển)

Những bài thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh viết vào năm 1999 ở Hải Phòng, khi người thơ đã trở thành bà ngoại, đã trải qua bao tháng năm vất vả truân chuyên, nhưng vẫn gợi lên trong tâm tư người đọc một mối sầu đơn lẻ. Trong một dịp trở về thành phố biển, một mình một bóng, hồn da diết nhớ tới Liên Chi, người cháu nhỏ phương xa, Nguyễn Thị Hoài Thanh đã trút bỏ tất cả tâm tình của bà vào những vần thơ lục bát ngọt ngào như âm vang những vần ca dao trong lời ru của mẹ, nhưng đâu đó vẫn phảng phất dư vị của một mảnh đời đã trải qua quá nhiều truân chuyên, cay đắng:

"Bà về thành phố hôm nay,

Nhớ Chi, nhớ lắm những ngày ấm êm

Xoan chiều ngả bóng bên thềm

Hoa rơi lấm tấm gió chen vào nhà

Nhớ hôm mía để phần bà

Nhai thì không được cười xòa lệ rơi

Nhớ Chi, nhớ lắm cháu ơi!

Những đêm quạnh, những ngày côi thị thành

Đêm nằm trái phải loanh quanh

Trở mình ôm cháu tay mình lại tay…"

(Cháu Liên Chi - 1999)

Cũng với những tháng ngày tẻ nhạt của Hải Phòng, không thân nhân, không bằng hữu, không cả đứa cháu ngoại tên Liên Chi, Nguyễn Thị Hoài Thanh nhớ tới mẹ già vào ngày sinh nhật của chính mình khi đã bước qua ngưỡng cửa của tuổi lục tuần. Vẫn chỉ là nỗi nhớ đơn côi quyện vào tâm trạng sầu đau, héo hắt mang âm vang tiếng khóc lúc chào đời mà tuồng như những giòng mước mắt trinh nguyên thuở ấy vẫn còn tiếp tục đổ xuống trên đôi má nhăn nheo của một bà già trên sáu chục.

"Mẹ ơi! Mẹ sinh con vào lúc đã vợi chiều

Là cái giờ chim chưa về tổ

Nắng trên cành chưa nỡ rời cây

Tiếng con khóc chào đời sao vẫn quẩn đâu đây

Ngoài sáu chục năm, đến giờ… ôi chẳng tạnh"

Nguyễn Khuyến, nhà thơ lớn làng Yên Đổ khóc Dương Khuê vào lúc tuổi đã xế chiều. Thế nên:

"Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!"

Với tác giả Hoa Phượng thì khác. Giòng lệ nóng từ khi cất tiếng khóc chào đời, hơn sáu thập niên sau vẫn còn tiếp tục tuôn trào như những cơn mưa tưới mãi tưới hoài trong lòng già…"chẳng tạnh".

Bởi vì những eo sèo nhân thế" Bởi vì những cuộc tình giang dở" Bởi vì những gánh nặng của 60 năm cuộc đời dâu bể" Bởi vì chiến tranh" Bởi vì phải đối diện từng ngày, từng giờ với những khuôn mặt gỗ đá của những con người lòng lang dạ thú, với trái tim vô cảm" Bởi vì những cảnh chia lìa đầy những khổ đau, bất hạnh"

Có thể là tất cả. Nhưng hiện thực là trong khi mòn gót chân, đỏ con mắt bước đi gần hết cuộc đời, vẫn không tìm ra một bến đậu, một trạm dừng chân!

Con đã đi cuối trời cơn ấm lạnh

Con đã đi cay đắng những mùa đau

Nắng cũ chiều hay ngày mới mưa mau

Vẫn chẳng thấy đâu một mái nhà cho con nghỉ lại!

"…"

Đến hôm nay mình con làm sinh nhật

Con chọn cái giờ chim chưa về tổ

Nắng trên cành nắng ở chon von

Con mượn mặt trời làm nến thắp nguồn cơn…"

(Sinh Nhật - 1999)

Nguồn cơn không ở đâu xa. Nó sừng sững dựng lên trong trái tim mẫn cảm của người thơ. Nó trải dài từ thân phận bị người đời coi như con mụ "Hến" sống khuất lấp, bèo bọt cạnh lũ "Nghêu, Sò" luôn chờ chực, rình mò để lợi dụng…tới cảnh đời lọ lem, nhếch nhác, không giống ai của một mụ nhà quê đầu tóc rối bù khó nhọc đẩy xe than rao bán từng nhà. Đoản văn "Một Ước Mơ Về Kiếp Sau" trích trong "Viết Về Bè Bạn" của Bùi Ngọc Tấn đăng trong tập này là một minh họa sắc nét soi đường cho người đọc cảm thông hơn với tâm trạng đơn côi, thê thiết của người thơ.

Cảnh đời oan trái, lỡ dở không chỉ ngừng lại nơi Nguyễn Thị Hoài Thanh. Như một thứ dịch di truyền, nó còn rơi rớt tới người con gái của bà, người con gái bị chồng tình phụ, một người chồng vì một căn duyên nào đó, một thứ bệnh kinh niên của một thời đại nhiều oan nghiệt (!), đã cạn kiệt tình thương, tối ngày ngả nghiêng bên quán rượu. Gửi lại con thơ cho mẹ, một buổi sớm, người con gái ấy giã từ quê hương miền bắc để ra đi tìm kế sống ở miền nam xa xôi cách trở.

"Bố mẹ chia tay từ đó

Về đây cháu ở với bà

Hai gian chông chênh đầy gió

Sớm chiều bà cháu vào ra

Đêm gối tay bà, cháu hỏi

Mẹ sao đi mãi, đi đâu"

Thương cháu lựa lời bà nói

Thương bà cháu vuốt tay đau

Cha cháu giờ này ở quán

Mắt ngầu be rượu chênh chao

Tình thương cạn kiệt dáy cốc

Tình thương ráo khô đầu môi

Mẹ cháu miền nam xa lắc

Bóng bà bóng cháu nương nhau

Miền nam có thương thì đợi

Tuổi bà mới ngoại năm mươi

(Cháu Liên Chi - 1990)

*  *  *

Lẩn khuất bên trong và đàng sau tâm trạng xót xa, sầu lắng của một mảnh đời hắt hiu, cô quạnh trên đây, người đọc vẫn thấy lấp lánh trong vườn thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh một trái tim rộng mở, một tâm tình bao dung, yêu thương chan hòa như những cánh hoa rực rỡ nở tung giữa sa mạc của một cuộc đời đầy chông gai, sóng gió.

Trước hết là tình mẫu tử, một thứ tình được sánh ví với biển rộng sông dài, triền miên, bát ngát, bất tận "như nước trong nguồn chảy ra".

Giống như hầu hết những bà mẹ Việt Nam khác, Hoài Thanh rất mực thương yêu con. Cho dẫu gặp nhiều đớn đau bất hạnh trên bước đường tình duyên, mỗi đứa con của bà sinh ra là một viên ngọc, hơn thế là một ân huệ Trời cho.

Vào những tháng ngày cay nghiệt phải bỏ con dấn thân lam lũ, đầu tắt mặt tối đi tìm miếng cơm manh áo, bà không khỏi âu lo, nghĩ tới cảnh đêm trường gió lạnh, để rồi chỉ biết trao gửi tất cả tấm lòng yêu thương của biển vào những vần thơ lãng đãng.

"Rồi mai đây mẹ đi vắng ít ngày

Các con ơi, đêm mùa thu gió lạnh

Ngủ nhớ đắp tấm vỏ chăn cho ấm

Cửa sổ mở ra cho thoáng gió nghe con

Biết bao lo âu lòng mẹ ngày đêm

Từ khi các con còn là giọt sương trong lòng mẹ…"

Từ mối tình mẫu tử thiêng liêng, Nguyễn Thị Hoài Thanh đẩy xa trí tưởng tượng để cho hồn thơ bay bổng, cất cánh tìm về những chân trời viễn mộng. Thoáng chốc người thơ nghĩ tới những đứa cháu ra đời khi mình đã lìa dương thế.

Sóng vỗ lớp sau như lớp trước. Vẫn chỉ là tình yêu, một tình yêu không biên cương, không hạn kỳ, không có tuổi.

"Nếu mẹ ra đi khi chưa kịp làm bà

Thì đêm đêm mẹ vẫn ru những đứa cháu ra đời trong giấc mộng

Tình thương lớn không thể đo bằng năm tháng

Vòng tay mẹ rộng dài như đất nước chở che

(…)

Đừng khóc con ơi! Mẹ ra đi như đêm tối

Bước lặng thầm như thể bóng đêm thôi

Mẹ lại về trong tiếng chim rơi

Trong làn khói cơm thơm lửa reo bếp nhỏ

Trong yêu thương tuồng như lúc nào cũng tiềm ẩn, pha trộn cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả đau thương lẫn hạnh phúc Vì thế trong đoạn kết bài thơ "Trò Truyện Với Con" của Hoài Thanh, chúng ta đọc được những câu sau đây.

"Không có gia tài để lại cho con,

Chỉ có nước mắt rơi ngày vui chưa trọn

Và thơ buồn đi suốt những đêm đau

Dù vậy trong niềm đau xa cách vẫn le lói một ánh lửa hi vọng, một ước hẹn cho cuộc trùng phùng mai hậu.

Rồi mai đây các con sớm tối có đi đâu

Lúc trở về mẹ vẫn từ xa trông ngóng…"

(Trò Truyện Với Con - 1973)

Những bài viết về đứa cháu ngoại tên Liên Chi, về người anh đang tung cách chim bằng nơi vòm trời Michigan, Mỹ Quốc, về người em trai đã nghỉ yên bên kia Chợ Cầu Rào… cũng gói ghém một tấm tình yêu thương trời biển của người thơ dành cho con cho cháu, cho anh em Vượt xa hơn, tình yêu thương ấy còn được trao gửi tới Hải Phòng, thành phố biển đã cưu mang, nâng đỡ bà ngay cả trong những giai đoạn đen tối, bi thảm nhất của cuộc đời. Từ Cầu Xi Măng, Cầu Treo Tam Bạc, Cầu Lạc Long, chợ Sắt tới đồi Kỳ Sơn, Sông Cấm… đã được Nguyễn Thị Hoài Thanh nhắc lại trong thơ bà với tất cả tâm tình mến thương gắn bó khi viết về Hải Phòng, một thành phố còn lưu giữ trong bà biết bao kỷ niệm. Vì thế:

"Thành phố này mỗi bận đi xa tôi cất kỹ

Trong trái tim ở chỗ nghẹn ngào

Có lẽ nào tôi một lần ích kỷ

Ngày trở về

bóng đã ngả chênh chao!"

(Thành Phố Này - 1998)

"Tôi ở Hải Phòng

Dù mai sau tôi sẽ chẳng còn

Thì hoa phượng khắp nẻo đường vẫn cháy lên trông ngóng

Thành phố hôm nay cất mình gió lộng

Tôi xin làm gió

đời đời ôm thành phố hát ca"

(Tôi Ở Hải Phòng - 1979)

Nhịp đập yêu thương trong trái tim của Nguyễn Thị Hoài Thanh tuồng như vô giới hạn. Nó vượt qua tình mẫu tử, tình anh em, tình quê hương để tràn lan tới thiên nhiên, tới muôn loài vạn vật.

Một buổi sáng, những tiếng động khô khốc của những móng chân chú bò khua trên đường phố đẩy trí tưởng tượng phong phú của người thơ tới cảnh máu đổ thịt rơi ở một lò sát sinh nào đó. Và trong một giây thảng thốt hồn thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh bật lên những tiếng nức nở nghẹn ngào:

"Tôi thương móng chân của chú dẫm trên hè

Thương đôi tai phải nghe tiếng động phố phường

Đâu phải tiếng hát cỏ xanh

Chú bò ơi! Chú đi như tù binh

Đi về đâu" Đến lò sát sinh hay ra đồng ruộng"

Đi về đâu" Tới ngã ba đường tôi với chú chia tay…"

Và, với trái tim nhân hậu, người thơ mở ra trước mắt chú bò đáng thương một cánh đồng cỏ xanh tươi, quê hương và nguồn sống của chú để quên đi cái ám ảnh hãi hùng gợi lên từ nhịp móng chân khua trên hè phố dẫn vào tử lộ.

"Đi về đâu" Tôi biết rồi đấy nhé

Buổi sáng hôm nay thực là vui vẻ

Chúng ta cùng đi về nơi đồng cỏ của mình."

(Buổi Sáng Chú Bò - 1973)

"Chúng ta cùng đi về nơi đồng cỏ của mình".

"Đồng cỏ", bến hẹn, tương lai và sự sống của loài ăn cỏ. Theo nghĩa biểu tượng hàm ẩn trong ý tưởng người thơ, "đồng cỏ" cũng là ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người giữa một bối cảnh xã hội băng rữa, phi nhân. Do đó, hình như trong thẳm sâu của tiềm thức, khi nhìn chú bò, nghĩ tới những gì đang chờ đợi chú ở lò sát sinh, Nguyễn Thị Hoài Thanh không khỏi nghĩ tới thân phận của con người, của chính mình để thả hồn tới một chân trời mơ ước. Mơ ước cho chú bò. Và cũng là mơ ước của bản thân mình, một người đàn bà đã đi suốt cả cuộc đời, giống như con đò nổi trôi trên giòng nước, mãi hoài vẫn chưa tìm ra bến đậu!

Con người ấy với giòng thơ ấy toát ra một tấm lòng nhân ái bao la. Nó là nguyên động lực thúc đẩy bà một buổi sớm tìm tới Căn Gác Nghèo của tác giả "Viết Về Bè Bạn" và cũng là tác giả "Chuyện Kể Năm Hai Ngàn" với cả một tấm lòng muốn chia cơm sẻ áo, chia sẻ tình người. Nó là sự đáp trả tiếng gọi của con tim. Là bảo chứng của thái độ can đảm dám vượt lên trên sự sợ hãi vốn là căn bệnh kinh niên của xã hội đương thời và còn kéo miết tới ngày nay, những năm đầu của thiên niên thứ ba.

Theo nhà văn họ Bùi, dù đã được phóng thích ra khỏi nhà tù, nhưng ông vẫn còn là đối tượng cho ống ngắm của công an nhà nước. Không ai, kể cả những bạn bè thân thiết một thời với ông, dám để cho hình tướng của mình nằm trong vòng ống ngắm. Vì thế họ không dám đến gần ông, nói chi đến chuyện ủi an, nâng đỡ. Trong tình huống ấy, Nguyễn Thị Hoài thanh bỗng hiện ra để thoắt chốc trở thành người ơn của gia đình, vợ con ông. Người đàn bà có trái tim nhân hậu chan hòa yêu thương ấy không chỉ mang đến những nâng đỡ vật chất mà còn là điểm tựa, là niềm an ủi tinh thần cho ông, cho những người thân của ông trong những tháng ngày cay nghiệt ấy.

Không chỉ riêng với nhà văn họ Bùi mà tuồng như với rất nhiều người -nếu không là tất cả- khi gặp tác giả Hoa Phượng đều cảm nhận một tình người bao la tỏa rộng. Bài "Người Đàn Bà Làm Thơ Trên Giường Bệnh" của Hoàng Khôi viết tặng Hoài Thanh đầu năm 2004 hé mở cho người đọc thấy rõ điều này.

"Chị mang về đây hạt nắng Di Linh

Những vết thương đau

- cây đời muôn thuở

Trên giường bệnh thơ tung cánh mở

Khi tình người dễ đâu tìm kiếm

Thì ở đây tấp nập dồn về

Thời gian xanh một thuở đam mê

Quá khứ, Tương lai chìm trong Hiện tại

Trên giường bệnh -Thơ là nguồn lãi…"

Rất cô đọng, Hoàng Khôi đã nói lên những cảm nghiệm của ông khi tiếp cận với Nguyễn Thị Hoài Thanh trong những ngày bệnh hoạn của bà.

Nguồn thơ của tác giả Hoa Phượng vẫn tiếp tục tuôn trào, dù với tuổi già, bệnh hoạn. Nó mang cái lung linh, cháy sáng của những "hạt nắng Di Linh" để cho "tình người", một thứ hàng xa xỉ trong bối cảnh xã hội chung quanh, vẫn "tấp nập dồn về".

Về đâu" Về đây. Về đó. Về tất cả những nơi thiếu vắng tình thương.

Những ngày hè nắng cháy ở nam Cali 2006

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.