Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

01/10/200700:00:00(Xem: 2462)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

..."Tôi ngày càng chán chường, nên có những hành động tiêu cực, chểnh mảng trong học tập cũng như trong công tác. Mãi đầu 1958, tôi xin chuyển ngành mới được về công tác ở Bộ Tài Chính, làm phó phòng điều hành. Năm 1959, tôi lấy em gái một người bạn hiện nay là Tiểu đoàn trưởng. Ngay ở Bộ Tài Chính, hiện tượng đối xử phân biệt với tôi cũng vẫn thế. Bởi vậy, tôi đi làm là phải đi làm, nhưng làm sao hăng hái tích cực được nữa.
"Trong số những bạn bè quen biết thời gian công tác ở Hà Nội, có một anh là sinh viên Văn Khoa năm thứ hai, thời trước 1954. Sau bị đuổi khỏi trường, ngày ngày lang thang cùng mấy người bạn làm sơn mài, mà vẫn đói rách không đủ ăn. Trong quá trình quan hệ, dọ dẫm, thử thách, khi hiểu về nhau, chúng tôi đã có lần nhen nhúm tư tưởng đi Nam. Chúng tôi tìm hiểu, nghe ngóng một thời gian, thấy rằng từ ngày cụ Ngô Đình Diệm về nước, Sài Gòn đã đổi khác. Cả cuộc đời cụ đã lo cho nước, cho dân. Cụ đem ấm no hạnh phúc lại cho người dân thực sự, vì vậy dân tin, dân yêu. Mọi người dân miền Bắc, khi Cộng Sản đến tuyên truyền đã không còn nghe theo lời chúng nữa. Vấn đề đã làm cho Bộ Chính Trị Trung Ương đảng điên đầu. Dân chúng thường thầm thì bàn tán, ít nhiều mang trong lòng niềm hy vọng hướng về Nam. Do đó, chúng tôi hoạch định một đường hướng, rồi quyết tâm ra đi, bỏ cả vợ con lại, khi nào về giải phóng hãy hay.
"Từ đó, tôi lại tỏ ra tích cực rong công tác. Đồng chí Bộ Trưởng là bộ đội cũng chuyển ngành, có sự đồng cảm nên rất thương và tin tưởng tôi. Tôi thường được giữ một số giấy phép cấp cho cán bộ hàng tháng đi công tác, có đóng dấu và chữ ký sẵn của Bộ Trưởng. Tôi lấy 3 cái, điền tên của anh bạn và tôi vào công tác ở Vĩnh Linh, để giải quyết một số vấn đề về tài chính. Chúng tôi hẹn ngày, giờ ra đi. Khi tới Vinh, anh bạn còn vào gặp một người yêu ở đấy. Trong lúc từ giã yêu thương, thế nào đó, anh đã thổ lộ mọi chuyện với người yêu. Cô này lại là công an mật, nên khi chúng tôi lên xe vào Vĩnh Linh, công an đến xét hỏi giấy tờ và bắt về đây….."
Những ngày không đi cung, những buổi tối nằm không, tôi thường gợi chuyện anh. Anh cũng mến tôi, nên anh đã kể lại cho tôi nghe bao nhiêu trận đánh ly kỳ. Bao nhiêu câu chuyện ngộ nghĩnh của một số Tướng, Tá trong bối cảnh phức tạp của vùng núi rừng chiến khu Việt Bắc.
Anh Hùng, thường ngày vẫn đi cung liên tục, đôi khi cũng có ngày không gọi. Anh rất thích nghe chuyện miền Nam. Anh tỉ mẩn hỏi giá từng ký gạo, cân thịt bò, cho đến rau cỏ và những sinh hoạt thông thường của xã hội miền Nam. Tôi chỉ cần trung thực kể lại cho anh nghe những điều gì tôi biết. Nhiều cái anh không thể tưởng tượng được. Nhưng sự thật bao giờ cũng có hồn, có giá trị nội tại của sự việc. Vì thế, ngồi nghe tôi nói, anh càng tỏ chán chường ghê sợ đời sống lầm than, cơ cực như con vật của đồng bào miền Bắc. Tôi thường kể cho anh nghe một vài nét diễn tiến chính, của xã hội từ ngày cụ Ngô Đình Diệm về nước. Tuy vậy, tôi chưa dám nói những điều gì sâu sắc của cá nhân mình, cũng như của chế độ miền Nam. Tôi định rằng, chưa vội, hãy dần dần tùy theo điều kiện. Mục đích, giúp anh nhận chân rõ được bản chất, của từng sự việc và phần nào thực trạng, của đất nước.
Những lúc anh đi cung, anh thường để diêm và thuốc lào mời tôi hút tự do. Bấy giờ, mỗi ngày tôi hút 3 điếu, và cũng chính do anh Hùng mà tôi đã biết, hút thuốc lào từ đó. Mấy bữa nay đi cung về, hình như có nhiều điều suy nghĩ căng thẳng, anh ít nói hẳn đi. Tối, anh thường mắc mùng đi ngủ sớm, kêu nhức đầu. Tôi hiểu anh đang gặp khó khăn, sự việc của anh có điều căng thẳng. Do ý thức tế nhị chưa muốn đi sâu vào sự việc của anh, tôi tính mai kia dần dần sẽ lựa lời thăm hỏi, để nhân đó phần nào góp ý giúp anh chăng.
Anh vào đây đã được ngót một tháng rồi, vợ con anh vẫn chưa được gặp. Chiều nay, cũng như mọi khi, tôi đang ngồi buồn bâng khuâng suy nghĩ, chờ anh đi cung về, để biết diễn tiến cung kẹo của anh. Bát cơm của anh tôi đã lấy vào, vẫn lạnh lẽo chơ vơ trên cái cùm ở cuối sàn anh. Cửa mở, anh Hùng đi cung về, tôi thấy anh lách cửa vào, mặt đỏ dừ, hai môi mím chặt. Tôi chưa kịp hiểu và có thái độ gì, đã thấy tên Tư mặt hầm hầm rút chốt cùm. Y bảo Hùng chuyển bát cơm từ chỗ cái cùm lên phía đầu nằm, rồi y nhấc nửa cái cùm lên, trong khi Hùng mặt tím bầm, ngồi ghệ ở sàn. Tên Tư quát:
- Bỏ chân vào!
Hùng lừ lừ nhấc một chân cho vào. Tên Tư quát tiếp:
- Bỏ cả chân kia nữa!
Mặt Hùng lại biến sang đỏ. Tôi hiểu anh bị một áp lực nào đó, kìm hãm ghê lắm. Không nói năng gì, anh bỏ nốt chân kia.
Tôi chưa hiểu nguyên nhân nào khiến tên Tư có vẻ căm hận Hùng. Y nhấc cao chân, rồi đạp mạnh vào nửa cái cùm trên, cho dập mạnh xuống. Sắt trên sắt dưới dập mạnh vào nhau, đồng thời người của Hùng cũng giật lên một cái. Tôi nhìn chỗ cùm, thấy một giòng máu đang rỉ chảy từ trên cùm xuống sàn. Tôi hiểu rằng, khi Hùng cho chân vào, chân đã to, anh lại vô ý để bắp chân nằm bè ra mép lỗ. Vì vậy, khi hai nửa cùm dập lại, thì bắp chân anh bị dập đứt. Tên Tư, coi như không thấy, ra chốt cùm rồi đóng khóa cửa lại.
Hùng không nói một lời, mắt nhắm nghiền, nằm ngửa, mặt lại tím bầm.
Tôi suy nghĩ, tội vượt tuyến đâu đến nỗi cùm như vậy! Có thể, do sự phẫn uất của một người đã hiến dâng cả một đời cho chế độ, bây giờ lại bị đối xử không ra gì, nên anh Hùng đã thể hiện thái độ căm phẫn nào đó đối với chúng chăng" Tôi cũng không ngờ sự việc, đã trả lời cho câu hỏi của anh, khi mới vào xà lim này, về “cái cùm của thực dân Pháp”, lại quá đầy đủ như vậy. Giòng máu từ chân anh đã đọng lại, nhưng anh vẫn nằm yên. Tôi thấy không đành lòng, bước xuống để một tay lên vai anh:
- Anh Hùng! Hãy cố gắng gượng ngồi dậy, ăn tí cơm đã!
Anh chỉ lắc đầu, không nói một lời, thái độ tỏ vẻ đừng quấy rầy anh. Tôi hiểu, anh lớn tuổi hơn tôi nhiều, anh đang có những suy nghĩ quyết liệt của đời anh. Tôi phải tôn trọng những phút riêng tư thiêng liêng ấy, thong thả sẽ nói chuyện với anh sau. Tôi về chỗ mình, cũng buồn, nghĩ thương cho một đời của anh. Bao nhiêu công lao sinh tử, để rồi bây giờ là đây"
Cửa con xoạch mở! Mặt tên Tư. Y đóng cửa con lại, mở cửa lớn. Đứng ở giữa cửa, y quát to:
- Anh có ăn cơm không"
Hùng vẫn cứ nghiến răng, nhắm mắt nằm yên. Tên Tư, quay sang tôi gằn giọng:
- Mang bát cơm ra ngoài!
Tôi thấy rất ngại ngần, nhưng mình là tên tù, tôi đành chậm chạp cầm bát cơm đưa ra. Y đóng cửa đến “xầm” một cái.
Tiếng chiếc loa lại léo nhéo vang lên, hết giờ làm việc. Tôi về sàn ngồi, lòng cũng không yên. Ngồi mãi, rồi tôi cũng nằm xuống nhắm mắt, nghĩ ngợi miên man. Đến chừng 6 giờ chiều, giọng ồm ồm của anh Hùng bỗng vang lên:
- Bình! Hãy mắc giúp tôi cái màn!
Tôi ngồi dậy, quay sang anh. Anh nói mà mắt vẫn nhắm nghiền. Tôi lục cái màn của anh trên đầu sàn, tìm mấy cái lỗ ở trên tường loay hoay mắc màn cho anh. Tôi hơi lúng túng, hơn một năm ở xà lim, vì không có màn nên cũng chẳng để ý. Tường không có đinh, chỉ có những lỗ nhỏ. Những người trước đã khoét lỗ vào tường, lấy sợi dây nhỏ, thắt nút thành một cục rồi nhét vào lỗ và lấy cơm phết chặt, khô đi rất cứng, chắc. Còn đầu sợi dây, bẻ một đoạn chổi thanh hao chừng 2, 3 phân buộc lại, thành cái khuy để mắc màn. Mãi tôi mới mắc xong màn cho anh. Tôi cũng hất đuôi màn, che hết cả chân anh.
Mọi khi cũng giờ này, trước khi đi ngủ, tôi bắn một điếu thuốc lào cho say sưa rồi đi nằm. Nhưng bữa nay, anh đang trong tình trạng như thế, tôi cũng chẳng còn lòng dạ nào để say sưa. Ngồi mãi một mình cũng buồn, mới 8 giờ tối. Tôi cũng chuẩn bị những thủ tục che muỗi của tôi để đi ngủ.
Tôi nằm, nhưng không sao ngủ được. Tôi nghĩ đến chân anh Hùng to, tuy người anh khỏe, nhưng làm sao nằm ngửa mãi được. Tôi hiểu rằng, anh cũng không bị cùm lâu đâu, nhiều lắm cũng chỉ một tuần. Chân anh quá to, anh sẽ khó xoay sở để ỉa đái dễ dàng như tôi được. Hơn nữa, tôi biết anh cũng không thể chịu đựng được lâu. Tôi cứ nằm trằn trọc vơi đầy bao nổi niềm về cuộc đời, về đất nước. Thân anh Hùng đã vậy, thân mình cũng tái tê trăm ngả thương đau. Tiếng loa tắt ngấm đã lâu, có lẽ cũng hơn 11 giờ rồi.
Tôi bỗng nghe tiếng khìn khịt, như tiếng một con gà bị cắt tiết. Tôi vội nằm xoay người lại, liếc sang màn anh Hùng. Dưới ánh đèn 40 watts ở giữa trần, tôi cố căng mắt nhìn qua lần vải thưa của chiếc màn, đã ngả mầu vàng của anh. Tôi thấy mờ mờ một mầu đỏ xậm lan to dần chỗ ngực, trên lần vải áo “may ô” anh vẫn mặc. Tôi hiểu, anh qua phẫn uất và chán chường cảnh đời lầm than, khổ đau của anh, nên anh tự tử. Tôi cho rằng, có thể anh có một cái đinh, thọc mạnh vào mạch máu; hoặc, anh ghé răng cắn những mạch máu ở cổ tay. Chứ trong xà lim, lấy cái gì ra để tự tử được!


Tôi cũng suy nghĩ, dù sao trước đây, trong những năm tháng miệt mài hăng say lập công với Cộng Sản, ít ra anh Hùng cũng đã làm ngã gục nhiều người lính chiến, mang trong mình dòng máu Quốc Gia chống Cộng Sản. Vậy, cần để anh thấm thía những sai lầm anh đã làm, để anh thấm đậm hơn “chính nghĩa bịp bợm” của cái gọi là “cách mạng nhân dân” mà anh đã từng phục vụ. Từ ý nghĩ đó, tôi vẫn nằm yên như ngủ say.
Nhưng, những tiếng phì phì như tắc nghẹn của anh, đã làm tôi lại phải mở mắt liếc sang. Giòng máu đỏ đã loang ra đến ngoài màn, chảy xuống nền nhà thành một vũng. Tôi không thể nằm được nữa rồi. Ngồi bật dậy, tôi bước chân xuống đất, chồm sang bên sàn anh. Tôi nhấc màn lên. Máu đỏ lòm, ướt đẫm chiếc áo may ô và một khoảng chiếc chăn bộ đội. Mắt anh vẫn nhắm nghiền, mặt anh xám ngoét. Tôi xúc động, lay lay tay anh:
- Anh Hùng! Tại sao anh làm thế" Anh không được chết, người đáng chết là tôi đây này. Anh còn phải sống vì trách nhiệm với vợ anh, con anh, và cần sống để nhìn rõ được nhiều sự thật, mà trước đây mơ hồ.
Anh vẫn nằm im, không nói gì với tôi cả. Không làm sao được nữa, tôi vội đứng lên sàn, ngửa mặt ra ngoài phía cửa sổ, gào to:
- Báo cáo cán bộ, buồng 2 có người tự tử!
Im lặng. Bên ngoài chỉ có tiếng gió rì rào của đêm thâu. Tôi lại gào lên lần nữa. Vẫn im lặng. Lần này, tôi cho miệng ra sát cửa sổ. Mới mở miệng hô “Báo Cáo…” Chưa hết câu, cửa con đã xoạch mở. Giọng một người lạ:- Cái gì"
Chắc gì y đã nhìn thấy vũng máu còn đỏ xậm dưới nền nhà, dù vậy tôi vẫn nói và chỉ tay sang phía màn anh Hùng:
- Anh này tự tử…
Tiếng chìa khóa lẻng xẻng mở cửa. Một người lạ mặt mặc thường phục, tôi chưa thấy bao giờ, khẩu súng ngắn đeo trễ một bên hông. Y vào, nhấc cái màn, rồi y nhìn xuống hai cái chân ở trong cùm cũng có máu đã đen xậm. Y vội vàng ra, đóng cửa lại. Khoảng 5 phút . Hôm nay, tôi mới lại thấy mặt tên Thế, cái tên khốn nạn đã đánh tôi khi tôi mới vào xà lim năm ngoái. Y còn đang mặc quần đùi, cởi trần.
Chúng rút cùm, nhấc hai chân anh Hùng ra, và giật cái màn xuống. Ngoài cửa đã có cái băng ca bằng gỗ. Tên mặc thường phục, hất chân của anh Hùng ra. Bây giờ tôi mới nhìn rõ, tay trái của anh: cổ tay và khủy tay đều rách nát, đầy máu. Trên cổ anh, ngay chỗ yết hấu, mấy cái bong bóng máu to nhỏ bám ở vết cắt vẫn phập phồng. Tên Nhiễm đã tìm thấy, giơ lên một lưỡi “lam” mỏng. Tên Nhiễm cầm hai tay anh Hùng, tên Thế hai chân, khênh ra ngoài cửa. Tới cửa, quay lại tôi Nhiễm nói:
- Tất cả những vật dụng gì của anh ấy, anh bỏ ra!
Tôi thu gọn hết, cả cái điếu con, diêm và thuốc lào. Trong lúc quá vội vàng, nên thứ gì của anh Hùng tôi cũng vơ gọn lại. Sau này, tôi tiếc cái điếu và thuốc lào mãi.
Buồng tanh ngòm! Tôi đề nghị tên Nhiễm cho tôi lấy một bô nước dội. Sau khi thấy y gật đầu, tôi chạy ra làm 3 bô nước dội lên sàn và dưới nền. Xong việc, chúng đóng cửa và khóa ngay, lúc đó đã 12 giờ đêm. Tôi lấy chổi quét nước trên sàn xuống, rồi quét nền cho nước chảy xuống một cái lỗ nhỏ dưới nền nhà, chỗ sát tường phía đầu nằm. Đêm đã khuya, vắng lặng, trong buồng vẫn sặc lên mùi tanh của máu! Từ đó, tới lúc có tiếng loa, tôi cứ thấp thỏm không làm sao ngủ được. Chẳng hiểu anh Hùng sống hay chết!
Tôi đoán rằng, trong lúc chúng khám, khi anh mới vào Hỏa Lò, anh vẫn giấu được một lưỡi “lam” chắc để cạo râu. Vì là tội vượt tuyến, đâu chúng khám kỹ như khám tôi. Tôi cứ triền miên nghĩ ngợi, hết ngả nọ đường kia, chợt nhìn đến cái vỏ ba lô anh cho tôi mượn để gối đầu, vẫn còn đây. Hồi đêm vì quá khẩn cấp và căng thẳng, tôi quên khuấy đi. Ngày mai, tôi sẽ báo cáo cán bộ để trả lại anh. Với miền Bắc, đó cũng là một tài sản quý giá. Một ý nghĩ nữa lại lóe lên trong óc tôi. Để biết rõ anh ra sao, cứ để 2, 3 ngày nữa hãy báo cáo. Như vậy, trong thời gian đó, nếu cán bộ đến hỏi cái ba lô, có nghĩa anh Hùng không sao cả, nên đã nhờ cán bộ đến lấy lại. Ngược lại, nếu mấy ngày nữa, không thấy gì, tôi báo cáo trả mà cán bộ cầm đi, anh Hùng cũng vẫn còn sống. Tuy rằng không chắc chắn lắm, nhưng như vậy cũng ang áng đoán được sự việc.
Mấy hôm au, tôi thật là thèm thuốc. Thèm thuốc, lại nhớ đến anh Hùng. Một buổi, sau khi tôi trả bát xong, lúc tên Tư sắp đóng cửa, tôi cầm cái ba lô, tiến ra trước mặt y:
- Báo cáo cán bộ! Anh Hùng, mấy hôm trước nằm ở đây, thấy tôi không có cái gì gối đầu, anh đã cho tôi mượn để gối. Đêm hôm anh ấy tự tử, vội quá tôi quên trả, xin gửi cán bộ để trả lại cho anh.
Y nhìn cái vỏ ba lô bằng vải bộ đội, cũng đã cũ, một phía túi đã rách, đoạn thủng thẳng:
- Thôi, cho anh!
Tôi lộ vẻ băn khoăn:
- Thưa ông, cái này của anh Hùng, chắc gì anh đồng ý cho tôi"
Y hất tay đuổi tôi vào, vừa đóng cửa vừa nói:
- Tôi nói cho là cho! Đừng nói nhiều!
Cửa đóng rồi, tôi vẫn đứng cầm cái ba lô ngẩn ngơ, bần thần. Như vậy, anh Hùng đã chết thật rồi ư" Vợ anh, con anh ở đâu, có biết gì không" Anh Hùng ơi! Còn bao nhiêu điều nữa tôi định nói với anh, và cũng còn bao nhiêu điều nữa tôi muốn hỏi anh. Thế mà, anh đã vội vàng bỏ hết, bỏ cả vợ dại con thơ, để ôm một mối uất hờn, oan nghiệt ra đi… Tự nhiên, tôi buông một tiếng thở dài nhè nhẹ, lê thê như lời than vãn não ruột, cho một kiếp người vô nghĩa.
Chuyện của anh Hùng làm cho tôi hàng tuần lễ, đêm nào cũng thấp thỏm ngủ không yên. Thỉnh thoảng, những lúc giật mình thức giấc, tôi lại liếc sang sàn bên. Hình ảnh anh Hùng nằm thẳng cẳng, hai mắt nhắm nghiền, hai chân trong cùm, máu me bê bết như  vừa đây…..

Ba mươi chín: Mùa Đông Thứ Hai…..

Sáng hôm nay, tên Bằng vào gọi tôi đi cung sớm. Phòng cung chỉ có tên Nhuận. Ngay khi nhìn thấy tôi, y tỏ vẻ tươi cười niềm nở. Sau khi chỉ ghế cho tôi ngồi, y săn đón hỏi:
- Hôm nay tôi gặp anh, chắc anh sẽ cho tôi biết nhiều điều mới lạ! Tôi tin là hơn nửa tháng nay, anh đã suy nghĩ kỹ để nhìn thấy vấn đề rồi. Bây giờ, tôi để anh tự do nói, anh hãy mạnh bạo nói đi! Chính anh đưa tay ra mở cửa cho anh vào tương lai đó!
Ngồi nghe y nói, tôi tỏ vẻ rất khổ tâm và đau xót. Khi y giục, tôi mới tỏ thật nỗi tuyệt vọng của mình:
- Thưa ông, lâu không được gặp các ông, tôi vẫn hy vọng rằng các ông và nhà nước đã xác minh được lòng thành khẩn cùa tôi với cách mạng. Thế nhưng, bây giờ ông lại bảo tôi mở cửa vào tương lai, thì tôi còn biết làm sao được nữa! Và như vậy, nhà nước vẫn chưa kết luận được sự việc của tôi. Đã hơn một năm rồi, tôi mòn mỏi đợi chờ.
Y không cười nữa, nghiêm giọng:
- Thôi được, chúng tôi vẫn sẵn sàng mở cửa chờ đón anh, cách mạng luôn luôn giang tay cứu vớt những con dân bị lầm đường lạc lối. Muộn còn hơn không! Bây giờ, anh hãy nói lại chi tiết, tả tỉ mỉ ngôi nhà tranh ở Cầu Cống, nơi tên Hòa đã huấn luyện anh.
Ngồi nghe y nói, trong dạ tôi cũng hơi lo. Qua tấm ảnh Phan và tôi chụp chung, chắc chắn chúng có người của chúng trong ấy. Bây giờ, tên Nhuận bắt tôi tả lại, như vậy có nghĩa là chúng có thể thẩm tra xác minh. Nhưng đã trót khai trước đây nhiều lần, tôi thường lấy nhà một người Tầu bên Chợ Lớn mà tôi quen biết. Tôi đã đến chơi mấy lần nên nhớ để tả, còn không gian là ngõ Cầu Cống, Khánh Hội; do đó, lúc này tôi chỉ việc moi óc nhớ lại toàn cảnh nhà người Tầu đó để ghi lại. Tuy vậy, trong lòng tôi cũng đầy băn khoăn lắng lo. Tôi nói, nó ngồi ghi, chỗ nào chưa sáng tỏ nó hỏi lại. Mãi gần hết giờ, nó mới cho về.
Ngay chiều đó, lại gọi nữa. Khi tôi ra tới nơi, y đưa cho tôi 5 tờ giấy, chỉ cái bàn con ở góc phòng:
- Anh hãy ngồi viết tỉ mĩ chi tiết: dụng cụ, đồ đạc…bên trong nhà, bên ngoài nhà. Đường đi từ Khánh Hội vào. Rồi một tờ, anh hãy vẽ một sơ đồ, có chú thích từ phía Sài Gòn sang qua cầu Khánh Hội, cho tới ngõ ngôi nhà đó.
Tôi cầm giấy về chỗ bàn con ngồi, óc căng ra. Phải chăng đây là khúc nút, để chúng sẽ cởi tung toàn bộ sự việc ra" Tôi đã suy nghĩ, đào sâu, xét kỹ, nhưng thấy không còn cách nào cả. Mà một khi tôi đã hiểu là không còn cách nào khác, chỉ còn một con đường duy nhất trước mặt, tôi sẽ đường hoàng dấn bước. Bản sơ đồ, thoáng trông có vẻ rõ ràng chi tiết, đường nét sáng tỏ, nhưng nếu đi vào thực tế, chỉ có mù trời. Tôi vẫn để những kẻ hở để phòng hờ sau này.
Chiều về tới xà lim, tôi thấy cửa buồng đang mở. Tên Tư đang cầm mấy miếng vải sọc ở cái quần rách của tôi. Thấy tôi về, y sừng sộ hỏi: "Những mảnh vải này, anh xé ở đâu ra""
Thấy thái độ của lão như thế, tôi hơi ngạc nhiên trình bầy:
- Thưa ông, đấy là ở một bộ quần áo cũ, trại phát cho tôi một năm trước, khi tôi mới vào. Nó đã bở, rách cả hai đầu gối, đũng quần cũng đã bục ra. Tôi phải xé từ đầu gối làm khăn mặt, còn phía trên tôi làm quần đùi, thay đổi lúc mặc trong buồng.
Vừa nói, tôi vữa cởi giải rút quần, chỉ quần trong cho y xem.
Đến đây, phản xạ cấp thời cho tôi hiểu là chúng đang tìm cớ để cùm tôi. Gần hai tháng nay rồi, hàng ngày tên Tư coi tôi, y còn lạ gì hàng ngày, tôi vẫn mặc chiếc quần đùi rách đi đổ bô, cũng như ra vào lấy cơm, sao y không hỏi. Đến hôm nay, tôi đi cung, chắc y đã được lệnh đến buồng, tìm một lý do để cùm tôi. Các mặt khác thuộc về nội quy, tôi không sai phạm. Không cón cớ gì, chỉ còn cái quần rách. Quần, vải đã cũ, ở xà lim đã hơn một năm, mùa Hè thường phải mặc đêm, mồ hôi ướt đẫm, lại không được giặt thường xuyên, như vậy, làm gì không mục!
Thế là y ghép tôi vào tội phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Y ra rút cùm, bắt tôi bỏ chân vào. Ôi thân tù, chúng làm thế nào chả phải chịu! Tôi đành phải bỏ chân vào mà lòng tái tê, héo úa.
Y xách cả mấy miếng vải hôi hám, mốc meo của tôi đi. Như thế là mới thả cùm chừng gần một tháng, giờ lại cùm.
Lại gian khổ bắt đầu. Trời đã cuối tháng 8, vào Thu, cuộc sống của tôi ở trong tù lại bắt đầu… mất "tự do”. Lại những ngày dài tăm tối với chiếc cùm oan nghiệt, heo hút, cô đơn. Cứ ngày này, qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, và tháng này qua tháng khác, bao nhiêu đau thương tủi cực chất chồng, mò mẫm lặn lội trong vũng bùn đời… lao lý.
Chiều hôm đó, sau giờ tan tầm chừng một lúc, các cán bộ đã lấy hết xe ra về. Cảnh sinh hoạt của Hỏa Lò đã vào giờ vắng lặng, chỉ còn tiếng loa léo nhéo đều đều như mọi khi. Chợt tôi nghe tiếng huyên náo, ồn ào của một tốp người, từ phía cổng Hỏa Lò đi vào phía cổng trại chung. Tiếng tên Nhiễm cao giọng:
- Sao hôm nay về muộn thế"
Rõ ràng tiếng tên Tân trả lời, giọng thổn thức:
- Báo cáo cán bộ, bây giờ tòa mới xử xong!
Giọng tên Nhiễm gằn mạnh:
- Các anh oan lắm sao, còn khóc" Các anh mang theo những cái gì vào đấy"
Một vài tiếng xụt xịt, tiếng hỉ mũi, rồi một giọng nói như rên:
- Báo cáo cán bộ, có mấy gia đình vợ con lên, cho ít quà…
- Anh là Chương à" Anh, tòa xử bao nhiêu năm"
Một giọng khàn khàn nghẹn ngào:
- Báo cáo, chung thân!
- Thế anh kia bao nhiêu năm"
Giọng ồm ồm:
- Báo cáo, 20 năm!
- Còn anh này"
Tiếng tên Tân nói trong nức nở: "Báo cáo, 15 năm!"
Tiếng tên Lê từ trên gác phía ngoài cổng, nói vọng vào:
- Đồng chí Nhiễm cho họ vào đi, rồi lên đây tôi nhờ chút việc!
Những bước chân xào xạo lẫn với những tiếng xụt xịt của hàng chục người đi qua cổng, nhỏ dần rồi mất hút. Lòng tôi vẫn còn ngỡ ngàng suy nghĩ về tên Tân, đến lời nhận định về vụ án của y: “Có thể tôi không phải ra tòa. Nếu có ra, cũng từ 2 đến 3 năm là cùng!”
Ngây thơ như thế, nên các cậu khóc là phải rồi! Chủ quan, rồi bị quật một đòn mới choáng váng như búa bổ. Âu đây cũng là một sự việc, để tôi suy ngẫm sau này.
Thấm thoát, trời lại chuyển sang Đông. Những ngón chân, ngón tay của tôi lại bắt đầu sưng nhức. Cứ mỗi độ Đông về, đời tôi càng cay đắng!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.