Hôm nay,  

Mặt Trận A-Phú-Hãn

20/09/200700:00:00(Xem: 4238)

Quân đội Mỹ đang phải chiến đấu ở hai mặt trận. Bấy lâu nay dư luận mải quan tâm đến những khó khăn Mỹ gặp phải trong cuộc chiến tranh ở Iraq nên hầu như quên lãng cuộc chiến tranh ở A-Phú-Hãn (Afghanistan). Hiện nay cuộc chiến này đã trở nên gay go và có những hậu quả còn nguy hiểm hơn cuộc chiến ở Iraq. Năm 2001, quân Mỹ và đồng minh NATO đã mở cuộc chiến tấn công A-Phú-Hãn để truy lùng bọn khủng bố al-Qaida do Osama bin Laden cầm đầu, diệt tan chế độ Taliban, khiến bin Laden và bọn thủ hạ phải chạy trốn lên vùng núi tiếp giáp với Pakistan (Hồi Quốc). Sau cuộc chiến này, Mỹ giúp thiết lập chính quyền dân sự của Tổng Thống Karzai. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời đó Donald Rumsfeld tuyên bố đây là "một thành công lớn", dân chúng A-Phú- Hãn sống trong tự do và cuộc sống đã được cải thiện trong các thành phố.

Sự lạc quan đó hơi sớm, ngày nay tình thế đã khác hẳn. Sau khi TT Bush ra lệnh đánh vào Iraq năm 2003, bọn Taliban đã lặng lẽ khôi phục lại hàng ngũ ở Afghanistan với sự trợ giúp của al- Qaida. Từ năm 2005 chúng đã công khai mở cuộc chiến nóng chống Mỹ để lần lần chiếm lại đất, gặm nhấm từng làng, từng bộ lạc, từng tỉnh ở một nước địa hình rất hiểm trở, gồm núi non rừng rậm, trừ một vùng ở phía Nam bằng phẳng. Đến nay cả thành phố Kandaha ở phía Nam cũng lọt vào trong tay chúng, bị áp đặt sống trở lại theo chế độ cực đoan của đạo Hồi đã in sâu vào các bộ lạc, chủng tộc A-Phú-Hãn từ thế kỷ 12. Trong khi đó Osama bin Laden vẫn sống tự do ở miền núi biên giới phía Bắc Hồi Quốc để thỉnh thoảng dùng video hô hào Thánh chiến chống Mỹ trên khắp thế giới. Mới đây tháng 7 năm 2007, dư luận quốc tế chú ý đến A-Phú-Hãn nhiều hơn khi bọn Taliban bắt cóc 23 người gốc Nam Hàn đến làm việc thiện nhân danh Thiên chúa giáo. Những cuộc điều đình trong bóng tối đã diễn ra giữa Nam Hàn và Taliban. Hai tuần trước 21 con tin đã được phóng thích, 2 người đã bị Taliban giết ngay từ đầu cuộc bắt cóc. Không rõ Nam Hàn đã phải trả bao nhiêu tiền chuộc mạng. 

Hôm thứ ba tuần này, các giới chức A-Phú-Hãn loan tin Mỹ đã dùng Không lực đánh trúng một cuộc họp của các lãnh tụ Taliban, giết chết 12 người, trong đó có một tên đã cầm đầu bọn bắt cóc 23 người Nam Hàn. Ngoài ra Cảnh sát A-Phú Hãn cũng loan tin từ mấy ngày trước đã giết được một số tên Taliban đã tham gia vụ bắt cóc. Những tin đầy phấn khởi đó vừa loan ra, bỗng có tin chính quyền Karzai của A-Phú-Hãn sắp mở đàm phán với Taliban. Ngay sau đó phát ngôn nhân Hamidzada của TT Karzai nói chính phủ A-Phú-Hãn đã mạnh mẽ bác bỏ bất cứ điều kiện nào về cuộc hòa đàm với Taliban, sau khi bọn Thánh chiến Hồi giáo đòi quân đội Mỹ và NATO phải rút hết khỏi A-Phú-Hãn. Cho đến nay, ông Karzai cũng có đề nghị hòa giải với Taliban, nhưng ông đã nói rõ "không nói chuyện với các tay cầm đầu nổi loạn đã liên minh với al-Qaida hiện đang bị Mỹ truy lùng". Hamidzada nói các cuộc thương thuyết là nhằm vào "những người Taliban của A-Phú-Hãn, không phải những kẻ phục vụ cho những người bên ngoài hay ngoại quốc", câu nói này ám chỉ bọn al-Qaida hay Pakistan, nước có những phần tử Hồi giáo cực đoan đã ủng hộ Taliban từ bên ngoài. TT Karzai đề nghị như vậy là có dụng ý muốn tách rời bọn Taliban ra khỏi bọn khủng bố al-Qaida. Bọn Taliban chiếm được chính quyền năm 1996 là nhờ al-Qaida, đến nay khôi phục lại được hàng ngũ cũng nhờ al-Qaida. Taliban tách rời khỏi al-Qaida là chỉ có chết, vì chủ soái Osama bin Laden cùng bộ chỉ huy vẫn có mặt tại Bắc Pakistan, sát biên giới A-Phú Hãn. Taliban đang ở thế mạnh vì ở những vùng do bọn này kiểm soát, dân chúng được phép trồng nha phiến, vốn là nguồn lợi tức của các bộ tộc nghèo khổ từ xưa đến nay. Các bộ tộc đó ủng hộ Taliban, bọn này trở thành buôn lậu ma-túy quốc tế và tiền lời được chuyển qua Bắc Pakistan cho bin Laden dùng để mở rộng hệ thống khủng bố trên khắp thế giới.

Ngay ở Pakistan tức Hồi Quốc cũng có chuyện gay go đáng ngại vì nhóm Hồi giáo cực đoan đang lấn áp ở đây. Tuần này có tin Tổng Thống Pervez Musharraf, vốn là một tướng lãnh, sẽ phải từ bỏ vai trò lãnh đạo quân đội để tái tranh cử chức vụ Tổng Thống vào ngày 15 tháng 10 sắp tới, tức là một tháng trước khi ông hết nhiệm kỳ hiện nay. Tám năm trước đây, tướng Musharraf đã thực hiện một cuộc đảo chính và lên nắm quyền hành tuyệt đối nên được coi là chính quyền quân sự. Các lãnh tụ chính đảng dân sự đều phải lưu vong ra nước ngoài. Musharraf đã hợp tác với Mỹ từ thời TT Clinton và được Mỹ ủng hộ trong cuộc tranh chấp với Ấn Độ về vụ lãnh thổ Kashmir. Cũng dưới thời Musharraf, Hồi Quốc đã chế tạo được bom nguyên tử và tích trữ được một số bom và phi đạn mang đầu đạn nguyên tử.

Tại Pakistan Hồi giáo cũng có hai hệ phái, Sun-ni chiếm 77%, Shi-a là thiểu số chỉ có 20%. Từ lâu hai hệ phái này đã có sự tranh chấp ở quy mô nhỏ. Nhưng từ khi Mushsarraf đóng vai trò trung lập khi Mỹ tấn công nước Hồi giáo A-Phú-Hãn, cả hai phe Hồi giáo cực đoan ở Hồi Quốc đều gia tăng hoạt động chống chính phủ. Nhất là từ khi Mushsarraf tìm một thế hòa với Ấn Độ về vụ tranh chấp Kashmir, sự chống đối của Hồi giáo đã trở thành những vụ đánh bom làm chết nhiều người. Phe khủng bố al-Qaida đã lợi dụng tình thế đó gây ra sự chém giết đẫm máu giữa người Sun-ni và Shi-a ở Hồi Quốc. Mỹ vẫn là đồng minh của Musharraf, nhưng vì chủ trương cần phải xây dựng dân chủ trên khắp thế giới để diệt trừ khủng bố, TT Bush vẫn thúc ép Musharraf phải từ bỏ vai trò một ông tướng điều khiển quân đội để chỉ giữ vai trò một ông Tổng Thống dân sự. Khó mà tiên đoán tương lai của một chính quyền dân chủ ở một nước Hồi giáo sẽ như thế nào. Nếu rồi đây lại có một ông tướng đảo chính và ông tướng đó là người theo hệ Hồi giáo cực đoan của bin Laden, cả một kho vũ khí nguyên tử sẽ lọt vào tay khủng bố. Đây là trường hợp có chữ "nếu" ở đầu, nhưng chỉ cần nghĩ đến như vậy cũng đủ thấy lạnh mình cho tương lai nền hòa bình thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.