Hôm nay,  

Thời sự nước Úc: Đối phó nguy cơ khủng bố tại Hội Nghị APEC

23/07/200700:00:00(Xem: 1792)

LND: Từ hơn một tuần qua, kể từ sau khi nhà chức trách Anh tóm bắt được một nhóm khủng bố mà thành viên hầu hết là các bác sĩ gốc Ấn độ đang làm việc tại các nhà thương ở Anh thì tại Úc, nhân viên công lực cũng mời một số bác sĩ gốc Ấn Độ đang làm việc tại một vài bệnh viện ở Queensland và Tây Úc để thẩm vấn, điều tra. Trong khi tất cả những bác sĩ khác đều được trả tự do, riêng bác sĩ Mohamed Haneef, người đã từng cùng thuê phòng trọ với tên bác sĩ khủng bố ở Anh, đã bị câu lưu suốt thời gian từ đó đến nay, và cuối tuần qua ông đã bị truy tố với tội danh "yểm trợ một tổ chức khủng bố". Việc này đã khiến cho dân Úc lại một lần nữa rúng động, lo âu về nguy cơ bọn khủng bố tổ chức tấn công nước Úc và đưa đến nhiều tranh cãi trong xã hội. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bản dịch bài phóng sự tựa đề "Alert & Alarmed" - Cảnh Giác và Báo Động - của ký giả Paul Daley, chủ bút đặc trách các vấn đề quốc gia của tạp chí The Bulletin, được đăng tải trên tạp chí đề ngày 17/7/07.

*

Xin hãy lắng nghe thật cẩn thận. Chúng ta sẽ còn được nghe thật nhiều, rất nhiều, nhiều hơn bao giờ hết về những tên khủng bố muốn ám hại chúng ta. Việc một số bác sĩ gốc Ấn độ bị câu lưu để điều tra ở Queensland và Tây Úc vì bị tình nghi có liên hệ đến những vụ khủng bố bất thành ở Anh đã làm cả nước Úc bị chấn động với sự lo ngại, sợ sệt cũng như căm ghét bọn khủng bố.

Chúng ta đã thường xuyên bị đe dọa vì những câu chuyện về bọn đặc công khủng bố đang ẩn náu ngay trong xã hội chúng ta, những kẻ mà hàng tít thật lớn của một nhật báo đã gọi chúng là "bọn nội thù". Thế nhưng, sự việc sẽ trở nên đáng sợ hơn nữa - và lại càng rối mù hơn nữa - trong không khí chính trị nóng bỏng từ giờ cho đến ngày tổng tuyển cử liên bang cuối năm nay. Cả hai chính đảng sẽ một lần nữa cố trưng bày khả năng của họ trong lãnh vực an ninh quốc gia và họ sẽ tranh cãi thật gay gắt về việc có phải sự tham chiến của Úc ở Iraq và A Phú Hãn đã biến nước Úc thành một mục tiêu lớn hơn cho bọn khủng bố tấn công hay không.
Cho đến bây giờ thì gần như mọi người đều nghĩ rằng chỉ có kinh tế mới là vấn đề then chốt quyết định kết quả của cuộc tổng tuyển cử cuối năm nay. Thế nhưng, một lần nữa - như trong năm 2001 và 2004 - hoàn cảnh lại đẩy đưa sự sợ hãi của những gì mà chúng ta không biết được (fear of the unknown) thành một nguyên tố khá quan trọng ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Chính phủ Howard vẫn thường được coi là mạnh mẽ hơn phe Lao động đối lập về vấn đề an ninh quốc gia. Vì vậy, có lẽ chính phủ Howard sẽ được nhiều lợi thế hơn từ sự căng thẳng hậu quả từ những thử thách lớn lao nhất cho cảnh sát, cho bộ Quốc Phòng cũng như các cơ quan tình báo của Úc, kể từ khi liên bang Úc Đại Lợi được thành lập (năm 1900) cho đến nay. Đấy là sự bảo vệ an ninh phòng chống khủng bố tấn công Sydney trong kỳ nhóm họp thượng đỉnh của khối APEC vào đầu tháng 9/07 tới đây.

Chính phủ liên bang đã chi ra 170 triệu Úc Kim để tăng cường biện pháp an ninh với mục tiêu chính yếu là ngăn ngừa khủng bố tấn công trong kỳ họp APEC. Trong suốt thời gian này, thành phố Sydney sẽ trở thành một thứ tiểu quốc bị cai trị theo thiết quân luật, đặc biệt trong hai ngày hội thượng đỉnh giữa các lãnh tụ quốc gia là ngày 8 và ngày 9 tháng 9.

Những mục tiêu rõ rệt - chẳng hạn như hí viện Opera House, cầu Harbour, và địa điểm chính của cuộc họp là Sydney Convention Centre tại Darling Harbour - sẽ biến thành những pháo đài kiên cố. Điều này có nghĩa mọi nỗ lực sẽ được dồn vào việc ngăn ngừa sự xâm nhập tấn công của bọn khủng bố, và nếu trong trường hợp có cuộc tấn công của quân khủng bố, thiệt hại phải được giảm thiểu.

Chúng ta hãy để ý nhìn xem những tòa kiến trúc tiêu biểu của Sydney cũng như những khu vực công cộng trong vài tuần tới thì sẽ thấy ngay. Những hàng chậu bông khổng lồ thực ra chẳng phải để tô điểm, trang trí làm đẹp thành phố không thôi. Lớp bê-tông dầy cứng bao quanh chúng được thiết kế để giảm thiểu sức chấn động của những trái bom khi phát nổ, nhằm bảo vệ 21 nhà lãnh tụ thế giới, kể cả tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và tổng thống Nga Vladimir Putin.

Không phận của một phần lớn Sydney sẽ trở thành khu vực cấm phi cơ bay ngang và các chiến đấu cơ của không quân Úc sẽ sẵn sàng chiếm lĩnh bầu trời, bắn hạ gần như tức khắc tất cả các phi cơ khả nghi. Xe cộ không giấy phép sẽ bị cấm không được vào một phần của trung tâm thương mại thành phố (city CBD). Tương tự như thế, nếu có ai lảng vảng bước vào những  khu vực quan trọng trong thành phố (cho tới bây giờ vẫn chưa được xác định rõ rệt là khu vực nào), họ sẽ phải chứng minh, họ có công việc chính đáng để vào khu vực ấy. Tất cả mọi con đường lớn dẫn đến phi trường, đến các đường hầm cũng như đến cầu Harbour, đều có thể bị khóa chặt sau một thông báo thật ngắn ngủi. Sự tắc nghẽn lưu thông cũng như mọi phiền toái cho dân chúng tại Sydney, được xem như là một cái giá phải trả không đáng kể để bảo vệ thành phố lừng danh thế giới của Úc. Nguyên tắc pháp lý, một người được coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội, sẽ được hoán chuyển, khiến giới hữu trách có quyền coi một người là nguy hiểm cho đến khi nào người đó chứng minh ngược lại.

Đấy là một trong những điều thật khó chấp nhận - nhưng lại không thể nào tránh được - về chuyện phòng chống khủng bố. Việc câu lưu và thẩm vấn các bác sĩ Ấn độ tuy có làm những nhà tranh đấu bảo vệ tự do cá nhân (libertarians) phẫn nộ, nhưng, khi cân nhắc lại, lại được coi là hợp lý, vì nếu không làm như vậy, có thể đưa đến hậu quả vô cùng tai hại. Dĩ nhiên là luật pháp hiện hành của Úc, cũng như của Hoa Kỳ và của Anh Quốc, cho phép câu lưu và thẩm vấn nghi phạm cho dù người ta chỉ tình nghi họ có sự liên hệ, cho dù rất mong manh, với những kẻ bị coi là khủng bố.



Trên cái thước đo lường từ "thấp - low" đến "cực cao - extremely high" thì sự thẩm định của cơ quan thẩm quyền liên bang về nguy cơ khủng bố tấn công APEC vẫn nằm yên ở mức "trung bình - medium". Mức này là ở trên mức "thấp" một bậc, ở dưới mức "rất có thể - highly likely" một bậc, và hai bậc ở dưới mức "extreme - cực cao" - mức báo động vốn chỉ được đưa ra sau khi một cuộc tấn công đã xảy ra và một cuộc tấn công khác có nguy cơ sắp xảy ra. Mức báo động "trung bình", vốn được thẩm định bởi Cơ Quan Thẩm Định Nguy Cơ Quốc Gia (National Threat Assessment Centre), được ban hành với sự hiểu biết ngầm rằng một vụ tấn công "có thể xảy ra" (possible). Thế nhưng, mức báo động này cũng được đi kèm với câu thòng là hiện nay không có chút tin tình báo nào cho thấy có âm mưu tấn công nào cả! Thật ra thì giới thẩm quyền về an ninh có vẻ rất lo ngại và bận rộn với viễn tượng bạo loạn vì các cuộc biểu tình chống đối sự toàn cầu hóa kinh tế hơn là lo ngại khủng bố tấn công.

Chuyện này dĩ nhiên là không phản ảnh được mối quan ngại của một số người trong hàng ngũ nhân viên công lực cũng như trong thế giới tình báo, khi họ cho rằng, bọn khủng bố có thể lợi dụng những cuộc biểu tình này. Đối với họ thì việc thẩm định nguy cơ công khai như trên thật ra chẳng vẽ được một hình ảnh toàn diện.
Những người lì lợm nhất (hardest heads) trong giới tình báo Úc là những người đã nghiên cứu thật kỹ lưỡng về đối phương và buộc mình phải suy nghĩ như đối phương hầu có thể hiểu được chúng và nhờ thế có thể tiên khởi chặn đứng được các hoạt động của chúng. Những người này đều thừa nhận một điều: mặc dù không có một dấu hiệu, một bằng chứng nào cho thấy có một âm mưu nào của bọn khủng bố nhằm tấn công APEC, thế nhưng, cuộc họp này chắc chắn đứng đầu danh sách các mục tiêu mà bọn tử đạo quá khích (radical jihadis) ao ước tấn công. Các viên chức tình báo tin rằng APEC hội họp tại Úc ngay trong năm có tổng tuyển cử lại càng khiến Úc trở thành một mục tiêu dễ bị tấn công nhất.

Trong một bài diễn văn ngày 4/7 vừa qua mà giới truyền thông gần như không nhắc đến, thủ tướng John Howard tuyên bố rằng Úc đại Lợi sẽ không khuất phục khiếp sợ trước hiểm họa khủng bố tấn công trong kỳ họp APEC tới đây hoặc trong dịp mừng Ngày Thanh Niên Thế Giới năm tới tại Sydney với sự viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Benedict. Ông Howard tuyên bố trong buổi họp với một số người ủng hộ tại Bega ở ven biển miền Nam NSW rằng: "Nếu chúng ta ngưng những chuyện mà chúng ta vẫn thường làm thì bọn khủng bố cũng như những kẻ xấu xa nguy hiểm trong xã hội chúng ta và ở những nơi khác, đã reo mừng chiến thắng. Chúng ta sẽ không nói với cả thế giới rằng "Sydney sẽ không tổ chức APEC vì e ngại có nhiều nguy hiểm sẽ xảy ra". Trái lại, chúng ta sẽ nói với mọi người trên thế giới rằng "Chúng tôi sẽ tổ chức APEC, chúng tôi sẽ chào đón các vị nguyên thủ của APEC đến với thành phố xinh đẹp lừng danh quốc tế là Sydney và chúng tôi sẽ bảo đảm đầy đủ an ninh cho quý vị". Bởi vì nếu nước Úc mà nói với thế giới rằng "chúng tôi quả thật là quá sợ sệt nên không dám tổ chức một hội nghị quốc tế" thì điều đó có nghĩa bọn khủng bố đã toàn thắng. Việc rút lui trong khiếp đảm trước sự đe dọa của bọn khủng bố là việc chúng ta đừng bao giờ nghĩ đến".

Sau hết, ông Howard lên tiếng cảnh cáo rằng khủng bố sẽ tiếp tục là một mối đe dọa trong nhiều năm tới đây. Ông nói: "Đấy là một việc khó có thể vượt qua một cách nhẹ nhàng hoặc nhanh chóng được. Nó cũng không phải là một việc có thể bị loại trừ trong một thời gian nhất định bởi vì nó là một hiểm họa mới, khác hẳn những hiểm họa trước đó và chúng ta đang đối phó với một kẻ thù mới và khác hẳn xưa".

Trong những tuần lễ dẫn đến cuộc hội nghị APEC sẽ có hơn 6,000 đại biểu bước qua các trạm khám xét của di trú và quan thuế tại phi trường Sydney. Hàng trăm nhà lãnh đạo thương nghiệp trên toàn thế giới cũng sẽ theo chân họ. Kế đến là hơn 1500 người thuộc giới truyền thông quốc tế. Rồi tiếp theo đó sẽ là 21 vị nguyên thủ quốc gia, mỗi người với cả tá cố vấn, phụ tá và nhân viên an ninh - tất cả đều theo chiếu khán chính thức. Tiếp theo đó là những kẻ ăn theo bởi vì những chương trình như thế này luôn thu hút những kẻ ngoại vi, như giới vận động (lobbyists) muốn nhào vào kiếm tí tiền cũng như hưởng ké tí hào hứng kích thích. Rõ ràng, với số lượng người khổng lồ đến từ khắp nơi trên thế giới, việc kiểm tra lý lịch tất cả những người đó quả là điều không có dễ dàng. Một nguồn tin trong nội bộ cảnh sát liên bang nói: "Chỉ cần một kẻ có tà ý lọt qua mạng lưới an ninh là đủ nguy hiểm. Vì thế, điều tra và kiểm soát lý lịch tất cả những người này quả là một cơn ác mộng cho mạng lưới an ninh Úc".

Chính phủ liên bang đã cho tiến hành nhanh hơn dự định một số kỹ thuật mới trong việc kiểm soát biên giới trước kỳ họp APEC. Hệ thống mới này sẽ liên kết các kho dữ liệu của ASIO, di trú và quan thuế để có thể có được một hình ảnh toàn diện hơn về những kẻ muốn viếng thăm nước Úc trước cao trào du khách từ APEC. Trong khi đó, càng đến gần thời điểm kỷ niệm đệ ngũ chu niên vụ khủng bố tấn công ở Bali thì nguy cơ hiểm họa cho dân Úc du lịch ngoại quốc lại càng nặng nề qua lời cảnh cáo du khách Úc không nên sang Nam Dương vì có nguồn tin tình báo cho thấy bọn khủng bố dự định tổ chức tấn công ở quốc gia này. (Còn tiếp một kỳ).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.