Hôm nay,  

Trang Phạm Phong Dinh: Giòng Đời Cát Bụi

11/06/200700:00:00(Xem: 2322)

Thằng bé đứng nép vào cái bóng của cây cột đèn đường tần ngần nhìn vào những con người đang nằm xếp lớp như những con cá hộp trên cái bậc thềm xi măng dài dưới mái hiên của một tòa cao ốc lớn, lòng thầm hỏi liệu có nên chui vào tìm một chỗ ngả lưng không, vì nó đã cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ lắm rồi. Đôi mí mắt của thằng nhỏ nặng chình chịch như treo đá, trong giây phút này, nó chỉ ước ao được một mảnh xi măng nhỏ vừa đủ đặt cái tấm thân gầy gò của nó xuống, nằm nghiêng cũng được, thì nó sẽ đánh một giấc ngon ơi là ngon cho đến mãi tận sáng, dẫu trời đất có giông gió mưa bão đến thế nào thì nó cũng mặc. Hạnh phúc là ở đây, dưới cái mái hiên kín đáo và rất ấm áp này, chứ còn tìm ở đâu xa nữa.
Từ một cái làng nhỏ nghèo nàn ở mãi tận ngoài tỉnh Quảng Ninh miền Bắc nước Việt, thằng bé vừa cuốc bộ vừa quá giang xe xin về Hà Nội trên một quãng đường mấy trăm cây số. Đến được thủ đô thì hai bàn chân của nó đã sưng rộp lên, bụi đất bám vào những đường nứt rướm máu ở gót đau rát đến nổ đom đóm mắt. Thằng bé lê lết ra được đến bên bờ một cái hồ ngồi thả hai chân ngâm vào giòng nước xanh biếc, nó nhăn mặt rên rỉ vì lạnh. Rửa sạch được cát bụi dơ bẩn bám vào chân, nó phải trả một cái giá nào đó, vì hai bàn chân lạnh cóng, làn da đen mốc trên mu bàn chân co rút lại như người ta vắt nước một chiếc áo, càng làm những đường nứt nhức buốt thấu đến tận xương. Thằng nhỏ lóm cóm bước trên mười ngón chân đi trên bãi cỏ xanh, vì sợ vấy bẩn nữa, đến ngồi lên một cái băng ghế, đặt cái gói vải có cái quai nó đang mang trên vai xuống. Đó là cái hành trang nhỏ bé thật tội nghiệp của mẹ may cho.
Tài sản vào Nam tìm sống của thằng bé chỉ có dăm ba mảnh quần áo tồi tàn như những cái giẻ rách, và một đôi dép cũ mòn, mà nó đã chắt chiu giấu kín tận đáy hành trang. Buổi sáng còn lạnh hơi sương, bà mẹ tiễn đứa con trai nhỏ ra đi. Chỉ mới ngoài bốn mươi mà đôi má của bà đã hóp vào như một cái hốc nhỏ, làm cho xương mặt nhô lên cao như hai cái gò, làn da mặt nhăn nheo teo tóp vì nắng gió khắc nghiệt của miền biển, cái môi trên co rút lên không đủ che cho đôi hàm răng, khiến chúng trông có vẻ dô ra phía trước, gần giống như một cái bàn nạo. Những đường nhăn ngấn sâu vào cái trán hẹp, cùng hai cái rãnh sầu muộn chạy vòng hai bên mép của bà mẹ, đã biến bà thành một người già cũng phải đến năm mươi.
Khoác cái gói nhỏ lên lưng đứa con, bà mẹ ôm chặt lấy nó vào lòng khóc nức nở, những giọt nước mắt của bà rơi lả chả lên đôi má xanh tái của thằng bé:
-Ôi, khổ thân con tôi, nó bé bỏng như thế này. Ôi, con ơi, con đi mà ruột mẹ như đứt từng đoạn. Con tha lỗi cho mẹ, mẹ nghèo quá, mẹ không nuôi nổi con, giời ơi, con tôi có tội tình gì, hu hu...
Bà mẹ khoác lên cái thân thể bé tí của thằng nhỏ một chiếc áo veste dài, khóc rưng rức:
-Mẹ chỉ còn có mỗi cái áo này cho con. Ba con mất đã lâu, nhưng mẹ cố giữ cái kỷ vật này cho con.
Đứa con của bà đã mười ba, mười bốn tuổi rồi, mà nó còi cọc thấp bé trông như một đứa trẻ chín, mười tuổi, nên dẫu bà mẹ đã khâu cái vạt áo lên đến hai tấc, mà chiếc veste vẫn phủ xuống tận gối thằng nhỏ, chỉ còn có hai cái ống chân khẳng khiu như hai khúc tre thò ra. Thằng bé nép đầu vào lòng mẹ hít thở lần cuối cùng cái hơi hướm của tình mẫu tử ngai ngái tỏa ra từ chiếc áo the trắng đã ngã màu vàng ố, cùng mùi da khen khét nắng, nồng đậm mùi muối của người quanh năm quần quật dưới nắng gió miền biển nghèo. Nó ôm chặt lấy mẹ, hãi hùng nghĩ đến giây phút chia tay để dấn thân trên con đường thiên lý mờ mịt, biết có còn khi nào trở về quê cũ với mẹ nữa không. Mẹ có còn sống đến ngày con vinh quang trở về, hay là mẹ đã trở thành nắm xương mục nằm câm nín dưới đáy mộ sâu. Nghĩ đến đấy, thằng bé khóc nấc lên. Nó không ngại con đường gai chông đang chờ đón phía trước, mà chỉ cảm thương rồi đây, khi nó đã đi rồi, sớm hôm mẹ biết nhờ cậy ai quăng lưới bắt cá, mò ốc, hái rau mang về cho mẹ. Nhiều đêm giông gió, bên ngoài sấm chớp rền trời, mưa đổ ầm ầm như người ta cầm chĩnh mà trút, dưới mái cái chòi lá xiêu xẹo, thằng bé nằm co ro trong chiếc màn vá chằng vá đụp lắng nghe những tràng ho sù sụ như xé nát tim phổi của mẹ vọng vào. Bên ánh đèn dầu nhợt nhạt tim đã lụn gần đến đáy, giữa đêm khuya, mẹ hãy còn ngồi cặm cụi đan sọt cho kịp bán buổi chợ sớm mai. Thằng nhỏ vén màn nhảy ra ngồi xuống bên mẹ thỏ thẻ:
-Mẹ để con tiếp một tay, mẹ nhé. Mẹ vào nghỉ đi.
Bà mẹ xoa đầu con:
-Thôi khỏi con à, mẹ cũng sắp xong rồi, con vào ngủ đi, mai sớm còn phụ bác Tuần ra biển.
Thằng nhỏ đành trở vào dệt nốt giấc ngủ dở dang, bởi nó không thể ngủ gà gật trên biển trong khi bác Tuần đang lưới cá. Bác nhận cho nó đi theo, trả công cho chút cá là đã phúc đức ba đời nhà nó lắm rồi, làm việc chểnh mãng quá , biết đâu bác Tuần gọi một trong số hàng tá thằng trẻ con đói rách khác thay vào, thì nó biết ăn nói làm sao với mẹ. Một hôm, nhân đánh được khá nhiều cá, bác Tuần thả cho chiếc thuyền nhỏ như một chiếc lá tre trôi lững lờ trên sóng biển, bác lấy cái điếu cày ra, nhét một nhúm thuốc lá đen đậm vào, móc cái bật lửa cũ đốt một mảnh giấy dài châm lên nhúm thuốc, rồi lim dim rít vào một hơi dài. Khói thuốc xuyên qua chất nước nâu sẫm trong cái bình điếu làm nó sủi bọt òng ọc, rồi tuồn vào cái lá phổi nằm trong cái ngực lép kẹp của bác Tuần. Ông già cắn chặt răng giữ lấy cái luồng khói mê ly ấy trong thân thể, nó xông lên óc như một mũi dùi lửa, làm bác ngã vật ra, hai cái bắp chân dài ốm như tre của bác duỗi cứng đờ trong một trạng thái ngất ngây. Thằng bé đăm đăm theo dõi cái khoảnh khắc khoái lạc ấy của bác Tuần bằng con mắt tò mò, nửa kinh tởm, nửa kích thích, cho đến khi ông già mở bừng mắt ra. Bắt gặp cái nhìn của thằng nhỏ rơi lên cái điếu cày, bác Tuần khoát tay:
-Mày còn nhỏ lắm, không thử được đâu. Mà cũng không nên vướng vào cái của nợ này làm gì.
Thằng bé hỏi lại:
-Biết thế mà sao cháu thấy bác thích thú dữ vậy"
Ông già tuồn cái ống thuốc vào cái hộp gỗ dưới đầu thuyền:
-Đi biển lạnh, hút cho nó ấm.
Thằng bé vẫn không tha, nó hỏi khó:
-Thế tại sao cháu cũng lạnh mà cháu đâu cần hút thuốc như bác.
Ông già ấp úng:
-Mày cứ hỏi xàm, hút thuốc cũng có cái thú... đê mê của nó, chứ không có thì tao hút làm gì. Cuộc đời những người nghèo như bác với mày ở cái xứ chó ăn phẩn gà ăn đá này còn có cái gì gọi là có ý nghĩa nữa, ngoài mỗi cái điếu thuốc lào này.
Bác Tuần xếp lưới lại bảo thằng nhỏ:
-Hôm nay bác cháu ta trúng khá, được một bữa cơm trắng không độn đây, thôi mình về.
Hai bác cháu, người đầu thuyền, kẻ cuối thuyền hì hục chèo vào bờ. Nói là đi biển cho có nói, chứ tình thực thì cái thuyền chài bé tẻo teo như một cái nắm tay này chỉ có thể ra khỏi bờ chừng một vài trăm thước là đã nguy nan lắm rồi, thấy chóng mặt lắm rồi, vì sóng biển cứ hung hăng vỗ vào mạn, như muốn hất úp chiếc thuyền xuống đáy nước. Bác Tuần nhìn cái lưng còng của thằng bé theo từng nhịp chèo, bỗng bác hỏi nó:
-Này thằng Lực, bọn trẻ như mày chúng kéo vào Nam hết rồi, mày còn nấn ná ở đây làm gì hở"
Lực giật mình nhìn lên:
-Bác nói gì cháu nghe không rõ, ai vào Nam"
-Hừ, tao hỏi mày có định vào Nam làm ăn với người ta không, chịu chết đói ở đây à"
Thằng bé rầu rầu:
-Cháu cũng muốn lắm mà mẹ cháu yếu quá, cháu đi không đành.
-Bác nghe nói trong Nam người ta làm chơi ăn thiệt, bác già yếu rồi, chứ còn trai trẻ như bọn này thì bác cũng thử xem sao, coi con tạo xoay vần đến đâu.
Lực đã bỏ học từ lớp một, chữ nghĩa trả hết cho thầy với cô, bác Tuần ăn nói ví von bóng bẩy quá, nó chỉ hiểu lõm bõm. Nghe bác Tuần bảo trong Nam người ta làm chơi ăn thiệt, trong lòng thằng nhỏ bỗng dậy lên một nỗi háo hức, cái nhiệt huyết bồng bột của một người thiếu niên như được đánh thức, thúc giục nó ra đi. Nhưng Lực vẫn ngần ngại, vì nó dốt đặc từ đầu đến chân, vào đó chỉ mỗi nước ăn mày thôi.
-Bác nói thì cháu nghe, vào trong ấy cháu biết làm gì cho ra tiền"
-Ôi dào, khối tiền. Mày cứ xin một chân bán báo, bán bánh mì, cùng lắm mày cứ đi đánh giày cho tao. Ái chà, bác nghe nói du khách mí lị Việt kiều về thăm quê rùng rùng cứ như là đi chợ ấy, mày tha hồ mà đánh mỏi cả tay cũng không đẩy ra hết. Việt kiều người ta giàu lắm, mày khéo đánh cho bóng giày vào là người ta thưởng cho nhiều tiền, mày gởi cho mẹ mày, bà tha hồ mà sướng nhé.
Thằng bé im lặng suy nghĩ, đôi cánh tay khẳng khiu của nó mãi miết ôm mái chèo quạt nước như một cái máy. Một lúc sau, nó ngần ngừ nói:
-Chắc cháu không đi, mẹ cháu yếu lắm rồi.
Nó nghe bác Tuần thở dài, bác nói nhỏ:
-Mày cứ đi, tao... trông bà ấy... hộ cho...
Thằng nhỏ ngơ ngác ngẩng lên lắc đầu không hiểu. Cái tuổi mười ba non nớt, đầu óc nó chưa nghĩ ra được những uẩn khúc éo le giữa một người đàn ông góa vợ như bác Tuần và một người góa chồng như mẹ nó. Chưa từng trông thấy cái miền đất thiên đàng miền Nam ra sao, nhưng nghe bác Tuần say sưa diễn tả cứ như là bác vừa mới từ trong ấy vinh quy bái tổ về, Lực cũng đê mê ngây ngất theo. Tối hôm đó nó thủ thỉ lựa lời xin mẹ cho vào Nam. Bà mẹ chỉ sụt sùi ôm con vào lòng không biết phải trả lời làm sao. Mẹ hình dung đến một phương trời xa lạ, mà đứa con bà hãy còn thơ dại lắm, như một con nai tơ lạc lõng giữa một khu rừng đầy thú dữ. Cho con đi, chẳng khác nào nộp con vào miệng bầy sói người. Mấy ngày sau, tình cờ Lực trông thấy mẹ đứng bên cạnh chiếc thuyền nhỏ của bác Tuần nằm trên bãi cát trò chuyện với ông già, nó nghĩ hẳn là đang nói về nó. Đến đêm, mẹ gọi Lực đến rưng rưng nước mắt:
-Mẹ có hỏi bác Tuần, thì bác có cho mẹ cái địa chỉ của cô cháu họ bác trong đó, con có vào Nam thì tìm cô nhờ cậy cô ít nhiều, bác Tuần có viết mấy hàng gởi gấm đây.
Người đàn bà khốn khổ chìa cho thằng con một tờ giấy nham nhở, có mấy hàng chữ nguệch ngoạc như gà bới, hẳn là của bác Tuần rồi. Lực đón lấy đưa đến gần ánh đèn cố đọc, nhưng không hiểu gì hết, vì nó đã quên hết chữ nghĩa. Bà mẹ tìm được mấy mảnh vải cũ, xỏ chỉ vào kim, suốt đêm cặm cụi, tẩn mẩn luồn từng mối. Cho đến khi hình thành được cái bao hành trang, thì gà nhà bên hàng xóm cũng đã đập cánh gáy báo sáng rền rĩ. Mẹ trao cho đứa con một cái gói giấy mỏng:
-Con giữ lấy cái này cẩn thận, mẹ vay tạm của bác Tuần, vào đấy còn phải ăn dài ngày, coi chừng trộm cắp nó lấy mất thì khổ.
Lực nghẹn ngào đón lấy cái gói giấy, những ngón tay cảm nhận được một xấp giấy tiền, chắc là không nhiều, nhưng mà là cả một biển mồ hôi nước mắt của mẹ qua hàng trăm đêm đan sọt mới có được ngần nầy. Rồi giây phút ly biệt cũng đến, Lực tự gỡ ra khỏi vòng tay quyến luyến của mẹ, nó nắm chặt lấy bàn tay gầy trơ xương của bà rơm rớm nước mắt, cái đầu óc non trẻ của nó muốn nói rất nhiều lời thiết tha, nhưng nó chỉ ấp úng được có mấy câu:
-Mẹ nhớ ngủ sớm và đừng làm lụng quá, con sẽ cố gửi thư về cho mẹ... Con sẽ... gửi tiền về cho mẹ...
Không còn can đảm nhìn lên gương mặt đầm đìa những giọt lệ trên đôi má hóp của mẹ, Lực cắn răng quay người bước đi, được mấy bước, nghe tiếng mẹ gào khóc thảm thiết, Lực co giò bỏ chạy như một người điên. Thằng bé chạy đã xa, mà lạ chưa, tiếng khóc nỉ non của mẹ nó vẫn văng vẳng đuổi theo bên tai. Bất chợt Lực dừng chân quay đầu nhìn lại. Ôi, trời ơi, ruột gan Lực đứt rời từng mảnh, nó trông thấy một cái chấm đen còn đứng trên bờ cát đưa tay che mắt nhìn theo...

*

Thằng bé trịnh trọng mang đôi dép cũ vào, cái đệm cao su tuy đã mòn nhiều nhưng vẫn làm giảm được cơn đau thốn ở gót chân. Nó cố giữ đôi dép nguyên vẹn chờ đến khoảnh khắc đặt chân lên thủ đô, để mang đi giữa phố phường với người ta. Trong con người tiềm tàng cái bản năng thiên phú dị thường, luôn thích ứng được với mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất để tồn tại. Lực chỉ mới mười ba tuổi, nhưng đột nhiên bị cuốn vào con nước xoáy của cái xã hội xa lạ chung quanh, nó buộc phải tự nghĩ ra những cái cách của riêng nó để vượt thoát và sinh tồn. Bước đầu tiên của cuộc hành trình, Lực hỏi thăm người qua đường tìm đường ra ga tàu hỏa. Phố phường Hà Nội nhộn nhịp quá, từng đoàn xe gắn máy bóng loáng phóng ầm ĩ trên đường, xe cộ đan như lưới, những khu chợ khổng lồ chen đặc người là người. Lực ngẩn ngơ ngắm những cô gái đẹp xinh trong những loại quần áo nhiều màu sắc sặc sỡ, bên cạnh những con người đội nón lá, áo rách vá vai gò lưng kéo những chiếc xe bò ọp ẹp sềnh sệch chất đầy phân thối kinh người.
Nhưng Lực không có thì giờ để thưởng thức hết mọi nét đẹp hay bẩn, hoặc ngửi mùi thơm hay thối của Hà Nội. Dĩ nhiên thằng bé đâu có đủ tiền mua vé lên tàu khách. Nó ăn tạm một khúc sắn luộc của mẹ gói cho, uống nước máy cho thật no bụng, tìm một chỗ kín ẩn náu. Chờ đến đêm khuya, thằng bé phóng lên một cái toa chở hàng mà nó thấy người ta đang tất bật lên xuống, chắc con tàu sắp chuyển bánh. Cái thân thể còm nhom của Lực trong trường hợp này hóa ra lại vô cùng thích hợp cho cuộc đi tàu miễn phí, không làm mẻ một tí ti nào vào cái gói tiền nhỏ xíu của nó. Khi nhân viên tàu hỏa rọi đèn kiểm tra từng chỗ khớp nối của những toa tàu, vì bọn người đi lậu thường trốn ở đấy, thì Lực chui xuống gầm toa đánh đòng đưa giấu thân vào những cái hốc tối đen, thánh cũng không trông thấy, nói gì đến bọn phàm phu mắt thịt. Thế là Lực đã tự dạy lấy cho chính nó bài học sinh tồn đầu tiên trên nẻo đường vạn dặm. Cứ đi tàu lậu từng chặng đường, cuối cùng thằng bé miền biển Quảng Ninh đã thấy mình đặt chân lên đất phương Nam...
Thành phố Sài Gòn thật kỳ lạ, dường như là một thành phố không ngủ thì phải. Xe cộ cứ chạy ầm ầm trên đường như điên, vùn vụt đến chóng cả mặt, muốn qua bên kia đường nhưng Lực không biết phải làm sao. Nó sợ hãi đứng trên lề nhìn dòng xe dài ngoằn ngoèo, liên miên bất tận, thầm mong một chỗ đứt nối để xông qua, nhưng làm gì có chuyện may mắn như thế. Dẫu sao cái bản năng sinh tồn trong người Lực đã dạy cho nó thêm một bài học về sự đi đường ở Sài Gòn. Một người đàn ông vừa đặt bước chân xuống đường để băng qua, Lực bèn bám theo ngay. Nó học hỏi rất nhanh kỹ thuật né xe cộ của ông ta, luồn lách uốn éo như một con rắn. Thật kỳ quái và tài tình, giữa hàng ngàn chiếc xe gắn máy, xe đạp, xe ô tô như thế mà người đàn ông và thằng nhỏ đã xuyên qua được đến lề bên kia an toàn không trầy một mảnh da nào. Người ta vẫn tất bật như những con kiến hối hả tha mồi. Giữa khuya mà trên những hè phố, ở những chỗ ngã ba ngã tư, người ta họp chợ đêm buôn bán vẫn nhộn nhịp không kém mấy chợ ngày.
Hàng quán thức ăn đầy nghẹt thực khách, mùi chiên xào bốc thơm lừng, khiến thằng nhỏ đứng bên ngoài nhìn vào thèm nhỏ dãi, mà thực sự nước bọt của nó đã tràn ra hai bên mép rồi. Lực trông thấy nhiều đứa bé năm, bảy tuổi cũng có, mà trạc độ tuổi nó cũng nhiều, mỗi đứa máng lên ngực một cái lon bằng một sợi dây. Bọn chúng cứ đứng tha thẩn bên những cái bàn ăn, đôi mắt nhìn trừng trừng vào những cái miệng bóng mỡ của người ta đang sì soạt trên những bát phở hay mì, hay bất cứ thứ quái quỉ nào Lực không biết gọi tên là gì. Khi cái bát vừa được bỏ xuống, người thực khách chỉ mới chớm mông lên rút cái bóp để gọi trả tiền, thì một đứa trẻ nhanh nhất đã lao tới vồ lấy cái bát, nếu cái chất thức ăn bầy nhầy gớm ghiếc ấy còn khá thì nó trút vào cái lon, không may chỉ có tí nước với vài cọng rau, thì nó lè lưỡi liếm lấy sạch sẽ, đôi mắt sáng bừng lên một ánh sáng mà Lực không biết phải nghĩ như thế nào, sung sướng thì phải. Cái hoạt cảnh nhặt thức ăn thừa ấy diễn ra tưng bừng trong mọi hàng quán, càng kích thích cái dạ dày đã bào bọt lắm rồi của thằng bé. Lắm lúc Lực cũng muốn gia nhập vào cái thế giới kinh khủng đó, vì nó đói quá sau cuộc hành trình dài mấy ngàn cây số ăn uống dè sẻn, nhưng bọn ranh con Sài Gòn tinh lắm, Lực vừa dợm bước chân vào thì chúng đã ném cho nó những tia mắt hăm dọa. Này, đừng có mà ấm ớ trong cái giang san của bọn tao nhé, có đói thì cút sang phố khác. Lực đành đứng bên ngoài, vừa nhỏ dãi vừa hít vào đáy dạ dày thật đầy mùi hương thức ăn, tự đánh lừa mình.
Lẽ ra Lực không vào đến trung tâm thành phố vào lúc nửa khuya như thế này, bởi nó phải nhảy xe buýt rất nhiều chuyến. Từ nhà ga xe lửa Bình Triệu, Lực leo lên một chiếc xe buýt, nó lẩn ngay vào đám người lớn đứng đầy nghẹt trên lối đi, mắt lấm lét trông chừng anh soát vé. Trong lúc người soát vé lơ đễnh nhìn sang một người khách, thì thằng nhỏ đã khòm người chui tọt thoát ra phía trước. Nhưng khi có một đám khách mới lên đứng ở đầu xe, anh thanh niên đi ngược trở lại xé vé và thu tiền, Lực toan giở trò cũ, thì bị anh chàng nắm lấy xoắn tai tống xuống đường. Lực lại đứng ở cái bảng chờ chuyến xe buýt kế tiếp. Cái chu kỳ lên xe, lẩn trốn rồi bị mời xuống lập đi lập lại nhiều lần, khi Lực đến được Sài Gòn thì đêm đã khuya lắm rồi. Một đứa bé bị ném vào đời khá sớm như Lực có quá nhiều bài học cần phải nghiền ngẫm.
Giờ đây, thằng bé đứng nhìn cái hành lang tối chạy giữa hai tòa nhà cao vợi với ánh mắt thèm thuồng, vì trông kín đáo và ấm áp quá. Ánh đèn từ trên cây cột thép hắt vào, tuy mờ nhạt, nhưng cũng đủ soi tỏ cho Lực thấy ở khoảng trong gần tận cùng là nơi dành cho bọn người lớn thì phải, với đàn ông, đàn bà và bọn trẻ nhỏ, có lẽ là những gia đình. Dần ra ngoài cùng, đa số là bọn thiếu niên trạc tuổi Lực. Cái đầu óc thông minh của Lực đã nhanh chóng đi đến một kết luận tiên khởi, rằng, những đứa ma mới như nó, chắc là phải nằm ngoài cùng. Tại sao" Càng nằm bên trong càng an toàn, không lo bọn cắp vặt và móc túi trong lúc ngủ mê, nằm ngoài phải chấp nhận bị thiệt thòi mọi bề. Nghĩ ra được một chân lý như thế, không còn quá lo sợ bọn người hè phố nữa, Lực bậm môi rón rén bước vào dưới mái hiên, nó trông thấy một thằng nhỏ đang ôm một đứa bé gái nhỏ hơn, chắc là hai anh em, ngủ như chết, chiếc chiếu cũ nát vẫn còn thò ra một ít. Thật là buồn ngủ mà gặp chiếu manh, người xưa nói thật đúng làm sao.
Lực nhẹ nhàng ngồi lên trên góc chiếu, ngã người len lén ghé lưng nằm nghiêng nhưng tránh không chạm phải thằng bé kia, đặt cái bao hành lý xuống làm cái gối đầu. Trước khi chìm vào giấc ngủ, Lực cẩn thận nhét cái gói tiền vào túi trong của cái quần cụt ở cái phía mông ép lên nền hành lang, nếu có gã móc túi nào lật nó ra mò mẫm, thì Lực sẽ tỉnh dậy ngay. Chỉ vài giây sau, Lực đã ngáy say sưa như người ta kéo ống bể lò rèn. Lực nằm mơ. Trong cơn mộng tuyệt đẹp, nó thấy đang ngồi bên một cái bàn ê hề thức ăn, một chiếc khăn trắng tinh trải trên đùi chuẩn bị thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn, thật giống cái quang cảnh mà nó vừa nhìn thấy trước đấy trong những những hàng quán. Tô phở trước mặt bốc khói nghi ngút, với những lát hành sống màu tím nhạt nằm khoanh tròn mời gọi, bên cạnh, một cái dĩa sứ to tướng chất đầy rau tươi xanh và một nhúm giá sống mướt rượt. Lực hân hoan cầm đũa lên, bàn tay trái nhúng cái thìa vào chất nước trong vắt trên mặt trôi lờ lững một lớp váng mỡ mỏng vàng óng. Thằng bé đưa cái thìa lên môi, nhắm mắt tận hưởng cái hương vị thiêng liêng của nước phở, thì bỗng dưng từ đâu có một thằng bé rách rưới chẳng nói năng gì, chạy vào đá vào mông nó cái cái cực mạnh đau thấu trời xanh, làm Lực hét lên oai oái:
-Ấy... ấy... đau... mày làm gì kỳ thế"
Lực còn muốn phân bua, thì thằng bé lạ đạp thêm một cái nữa, Lực ngã nằm dài lên nền xi măng, nó kêu ối lên và mở choàng mắt ra. Một khuôn mặt lem luốc với đôi mắt mở to trợn trừng tức giận cúi xuống nhìn Lực, thằng bé lồm cồm ngồi dậy, để thảng thốt nhận ra chính là đứa trẻ nằm bên nó. Thằng nhỏ nắm lấy cổ áo Lực hỏi gằn:
-Mầy... tính móc túi hả"
Lực ú ớ:
-Tôi... tôi... đâu có...
Thằng bé càng lắc dữ:
-Không có sao mày mò vô người tao"
Lực đưa hai tay ra phân bua:
-Tôi... không có móc túi, tôi... ngủ mà.
Thằng bé người Nam nhìn thằng nhỏ người Bắc từ đầu đến chân, như để ước lượng sự khả tín của nó:
-Mầy nằm ngủ trên chiếu của tao, mầy đi chỗ khác ngủ đi!
Đứa bé gái đã ngồi dậy nép sau lưng anh nó, đôi mắt to đen láy nhìn thằng bé lạ chằm chằm, đột nhiên nó xen vào:
-Thôi kệ nó anh Hai, khuya rồi, cho nó ngủ rồi mai nó đi, em buồn ngủ quá hà.
Thằng anh Hai buông Lực ra dịu giọng:
-Mầy... thằng Bắc kỳ hả, mầy vô đây lâu chưa"
-Vâng em Bắc kỳ, em từ Quảng Ninh mới vào tới anh ạ...
Thằng anh Hai nhại giọng, nó đã học được từ những thằng bạn người Bắc:
-Em mới vào tới cơ à"
-Vâng ạ, xin anh cho em ghé lưng một đêm, rồi mai em đi, em không làm phiền anh với chị nữa.
Con bé rụt rè hỏi, giọng Nam rặt:
-Anh có đói hôn"
Lực gãi đầu nuốt nước miếng:
-Cám ơn chị, em... không đói.
Thằng anh Hai nhìn cái bụng lép xẹp của thằng nhỏ Quảng Ninh lắc đầu:
-Đứa nào mới vô đến cũng nói giống y chang như mầy.
-Dạ, đói thì có đói thật đấy nhưng em chịu được anh ạ, quen rồi.
Cô bé đã tỉnh hẳn ngủ, nó lê đến gần Lực tò mò:
-Nghe nói ngoài đó mấy anh ăn khoai độn cơm hả"
Lực bối rối nhìn sang nơi khác nói nhỏ:
-Dạ, lắm khi cũng chẳng có gì mà ăn!
Lực quay nhìn khuôn mặt gầy của cô bé, dưới ánh đèn sáng trắng dọi xuống, đôi mắt con nhỏ đen thẫm trông thật hồn nhiên và ngây thơ biết ngần nào. Con bé quay sang nhìn anh Hai như dò hỏi. Thằng anh thở ra, nó móc trong cái túi vải kaki gối đầu ra một khúc bánh mì cũ cứng ngắc đưa cho Lực:
-Mày ăn đi!
Lực rụt tay giấu sau lưng rưng rưng nước mắt:
-Dạ... em không dám ạ, cái đó là phần của anh, em... không đói...
Thằng nhỏ Nam kỳ tốt bụng ấn khúc bánh mì vào tay thằng bé Bắc kỳ:
-Mầy ăn đi, tụi tao còn có món khác.
Lực run run đón nhận tấm ân tình của hai anh em cô bé:
-Anh chị tốt với em quá.
Lực chợt nhớ đến lời của bác Tuần, bác... thánh thật, trong Nam người ta làm chơi ăn thật, còn nó chưa làm gì đã có... ăn rồi. Cảm động quá, Lực nắm chặt lấy khúc bánh trong tay, con bé cười khúc khích:
-Anh ăn đi, còn mắc cở gì nữa, anh tên gì vậy hả"
-Dạ chị cứ gọi em là thằng Lực.
Thằng nhỏ cắn một mẫu bánh mì. Khúc bánh đã cũ và cứng, thế mà Lực thấy tê tái cả lưỡi. Ôi, lần đầu tiên nếm bánh mì Sài Gòn, nó dòn tan và thơm tho làm sao. Ở cái thôn miền biển đìu hiu quạnh quẽ ngoài đó, quanh năm nó hiếm có dịp nào được thưởng thức một món xa xỉ đến như thế này.
Con bé nhanh nhẩu:
-Em tên Lành, còn anh Hai tên Hiền.
Thằng Hiền càu nhàu:
-Mầy nhiều chuyện quá, mai nó đi mất tiêu rồi, đâu cần biết tên nhau làm gì.
Con Lành muốn phân trần với anh, thì một thằng bé nằm bên trong trở mình càu nhàu:
-Ngủ đi tụi bây, nửa đêm làm gì lục đục hoài ai mà ngủ được.
Hai anh em Hiền nhìn nhau cười, hai đứa nằm xuống tiếp nối giấc ngủ dang dở, bỏ mặc Lực ngồi nhấm nháp khúc bánh mì trong bóng tối... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.