Hôm nay,  

Điều Tra Vụ Gaza

17/06/201000:00:00(Xem: 4216)

Điều Tra Vụ Gaza

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Đầu tuần này Nội các Israel đã chấp thuận một cuộc điều tra về vụ chặn tầu gây án mạng ở ngoài khơi Gaza. Hồi cuối tháng 5, sau khi chiến hạm của Israel ngăn chặn một đoàn 6 tầu chở hàng Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tế cho vùng Gaza do nhóm Hamas kiểm soát, bắn chết 9 người, cả thế giới đã lên án chính quyền Do thái, đòi phải bãi bỏ lệnh cấm vận Gaza vì lý do nhân đạo. Israel phản đối, tình hình thế giới căng thẳng có nguy cơ đưa đến một cuộc chiến lớn ở Trung Đông.
Cuối tuần qua một nhân vật cao cấp nhất của thế giới Á Rập là Amr Moussa đã đích thân đến thăm Gaza. Moussa là Chủ tịch Liên đoàn Á rập gồm có 22 nước. Liên đoàn này từ lâu vẫn có ác cảm với nhóm Hamas vì nhóm này chủ trương khủng bố đã chiếm Gaza từ 3 năm nay chống lại chính quyền Á rập Palestine. Moussa đến Gaza họp với lãnh tụ Hamas, rồi kêu gọi bỏ cấm vận. Việc này đã nâng cấp Hamas trên nấc thang quốc tế. Đặc biệt trong chuyến đi Gaza, Moussa còn tìm cách hòa giải giữa Hamas và chính quyền Palestine.
Ngoài ra người ta còn thấy một sự lạ khác. Đầu tuần Liên Hiệp Âu châu họp tại Luxembourg đã yêu cầu Israel bỏ lệnh cấm vận Gaza, tuyên bố sự cấm vận này "không thể nào chấp nhận được". Đồng thời các nước hội viên còn thảo luận những phương pháp để Âu châu gánh vác trọng trách giúp cho việc kiểm soát biên giới Gaza hiện rất mong manh phức tạp. Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh, tuyên bố ông hy vọng Israel sẽ sớm giải tỏa bớt lệnh cấm vận Gaza đã kéo dài 3 năm qua, để cho phép hàng hóa thương mại và vật liệu xây cất nhập vào lãnh thổ Palestine của người Á rập.
Trước đây ngay sau vụ bắn chết 9 người trên tầu Thổ Nhĩ Kỳ, Israel đã quyết liệt chống đối đề nghị mở cuộc điều tra quốc tế về vụ này, vì cho rằng Liên Hiệp Quốc và các cơ quan thế giới khác đã có thành kiến với Israel từ lâu trong lịch sử. Nhưng đầu tuần này sau khi tham khảo với đồng minh chính yếu là Mỹ, Israel đã đồng ý tự mở điều tra, đồng thời đề nghị có 2 nhà quan sát quốc tế theo dõi cuộc điều tra này. Hai nhà quan sát quốc tế là: 1)David Trimble giải Hòa bình Nobel, ở Bắc Ái Nhĩ Lan, nay là Nghị sĩ Quý tộc Nghị viện (Thượng viện) của Anh quốc, thuộc nhóm thân Israel tại Viện này. 2)Thiếu tướng Gia Nã Đại hồi hưu Ken Walkin, hiện nay đang là khách thăm viếng Chương trình Nhân quyền của Viện Đại học Luật Khoa Harvard.
Đầu tuần này, trước khi Nội các Israel biểu quyết chấp thuận việc lập Ủy ban Điều tra, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói ông tin tưởng thành phần Ủy ban do một vị Chủ tịch hồi hưu Tối cao Pháp viện lãnh đạo, sẽ làm nguội đi những lời chỉ trích nóng nẩy trên thế giới về vụ ngăn chặn tầu biển đến Gaza và cho thấy Israel đã hành động tự vệ theo đúng tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Tòa Bạch Ốc Mỹ đã ủng hộ sự chấp thuận điều tra của Israel và gọi đó là "một bước tiến quan trọng". Cho đến nay lệnh cấm vận của Israel chỉ cho Gaza nhập cảng một khoản tối thiểu gồm có hơn một chục loại thực phẩm và thuốc men, ngoài ra cấm mọi thứ hàng khác như các loại nguyên liệu, kể những đồ vật dụng để xây dựng. Còn mọi sự xuất cảng đều bị cấm.


Chính vì sự những sự cấm đoán như trên, Gaza với 1.5 triệu dân, khoảng 70% của 3,900 xưởng máy và xưởng làm khác sử dụng nhân công đã phải đóng cửa hay làm việc theo khả năng tối thiểu, hàng chục ngàn người mất việc. Các giới chức LHQ cho biết như vậy và nói nay có khoảng 80% dân Gaza được hưởng một sự tiếp trợ nào đó. Trước đó cuối tuần qua, Thủ tướng Israel Netanyahau nói mục tiêu của cuộc cấm vận là không cho Gaza nhập cảng vũ khí hay các vật liệu như xi-măng và thép để cho bọn Hamas sử dụng vào mục tiêu quân sự. Bọn Hamas cho đến nay đã bắn hàng ngàn rốc kết qua lãnh thổ Israel. Cơ quan An ninh nội bộ của Israel nói bọn Hamas hiện có lối 5,000 phi đạn rốc-kết có thể phóng xa 40 cây số đến tận Tel Aviv, thủ đô của Israel.
Việc chính phủ Israel chấp thuận mở cuộc điều tra đi cùng với một thái độ có vẻ mềm mỏng hơn của Thủ tướng Netanyahu trước áp lực quốc tế, khi ông nói sẽ giảm bớt sự kiểm soát hàng nhập cảng vào Gaza. Ông Tony Blair nói ông hy vọng sự giảm bớt sẽ bắt đầu trong vài ngày tới. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra không mấy tin tưởng về cuộc điều tra, cho rằng sẽ có thiên vị nên yêu cầu phải có quốc tế kiểm soát lại. Còn Hamas nói Israel sẽ bưng bít sự thật. Tại Mỹ, chính phủ Obama ủng hộ một lời tuyên bố của Hội đồng Bảo an kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra "mau lẹ, đáng tin cậy và trong suốt để bên ngoài nhìn thấy, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Chủ tịch Palestine là Mahmoud Abbas hiện viếng thăm Paris, nói Ủy ban Điều tra của Israel về vụ chặn tầu "không đáp ứng được những gì Hội đồng Bảo an đòi hỏi.” Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon "ghi nhận" lời loan báo của Israel về cuộc điều tra vụ chặn tầu, nhưng nói ông vẫn thúc đẩy mạnh mẽ để đi đến một cuộc điều tra quốc tế đầy đủ hơn. Phát ngôn nhân LHQ nói: "Một cuộc cứu xét rộng lớn và trong suốt về vụ Israel chặn tầu là rất quan trọng, thích hợp với ý kiến của ông Tổng Thư Ký, đồng thời đáp ứng được sự mong đợi của thế giới về một công cuộc điều tra vô tư và đáng tin cậy".
Sáng thứ ba Yuval Diskin, Giám đốc cơ quan An ninh Shin Bet của Israel tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận Gaza sẽ tạo ra hiểm họa lớn, nhưng Israel sẽ không chống việc giảm bớt cấm vận nếu tiếp tế thêm hàng hóa cho Gaza bằng cách chuyển vận qua đường bộ trên những nẻo đường Israel có thể kiểm soát được. Xét tình hình phức tạp như trên, người ta thấy vấn đề Gaza còn lâu mới giải quyết được. Cách tốt nhất có lẽ cần phải có một cuộc điều tra quy mô của Liên Hiệp Quốc mới xong.
Chúng tôi thiết nghĩ tất cả những sự việc như trên chỉ là một màn giáo đầu của một thế biến chuyển quy mô cho những năm tháng sắp tới. Bởi vì dù vấn đề tiếp tế cho Gaza được giải quyết ổn thỏa, vẫn còn một số câu hỏi lớn liên quan đến những yếu tố rất phức tạp để tạo một nền hòa bình vững chắc cho Trung Đông. Ngay trước mắt là câu hỏi mối quan hệ giữa Hamas hiện đang chiếm Gaza và chính quyền Á rập Palestine sẽ như thế nào, có thể hòa giải để thu về một mối được không" Ngoài ra còn vấn đề có thể coi như then chốt nhất cho hòa bình Trung Đông là thái độ của nước Iran. Nước này ở sát Trung Đông, có gốc dân Ba Tư (không phải Á Rập) lại thù nghịch Israel ra mặt và hăm xóa tên Israel trên bản đồ thế giới. Tổng Thống Iran Ahmadinejad chống Mỹ dữ dội vì biết Mỹ cần có Israel như một điểm tựa để tạo hòa bình cho Trung Đông. Chuyện dài Trung Đông chưa có ánh sáng ở cuối đường hầm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.