Hôm nay,  

Tâm Tình Hạnh Phúc – Thảo Hiền Phụ Trách

07/03/201000:00:00(Xem: 2657)

Tâm Tình Hạnh Phúc – Thảo Hiền phụ trách

Bình thường, cuộc sống của mỗi người, mỗi đôi trai gái yêu nhau, cũng như mỗi gia đình, đều có những khó khăn trắc trở về tình cảm, mà người trong cuộc, vì cứ để lý lẽ của con tim làm mờ cả lý trí, nên dễ chìm đắm trong tối tăm, sa lầy trong đau khổ. Do đó, việc tìm đến các cố vấn tâm lý, các chuyên viên hôn nhân, hoặc viết thư cho báo chí, tâm sự với bạn bè... để tâm tình và tìm sự giải đáp, ngày càng phổ biến trong các xã hội văn minh. Đặc biệt hơn, tại hải ngoại, do dị biệt về văn hóa, phong tục, tập quán,... đời sống của người Việt càng dễ gặp phải những chuyện khó khăn trong tình cảm và hạnh phúc gia đình. Vì vậy, nhu cầu tâm sự để tìm sự đồng cảm và cách giải quyết cho những éo le tình cảm, đối với người Việt lại càng lớn lao hơn. Nhận thức được nhu cầu quan trọng này, và để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo độc giả, kể từ số báo tuần này, Thảo Hiền sẽ phụ trách mục "Tâm Tình Hạnh Phúc", để mọi người cùng theo dõi những tâm sự éo le, những chuyện vui buồn của bạn đọc; và cùng với Thảo Hiền, các bạn sẽ tâm tình an ủi, đóng góp ý kiến, để giúp người trong cuộc phần nào sáng suốt hơn, bình tĩnh hơn, trên con đường giải quyết những khổ đau éo le của mình. Thảo Hiền mong các bạn, nếu có niềm vui hay nỗi buồn gì, hãy viết thư cho Thảo Hiền đề cùng chia sẻ và giải quyết, trong tinh thần:

Mỗi người mỗi ngả đường đời
Kinh nghiệm chia sẻ những lời khuyên nhau
Giúp cho những bạn khổ đau
Tơ lòng tháo gỡ phần nào nhẹ vơi
Mong sao các bạn góp lời
Tâm Tình Hạnh Phúc kính mời tham gia.

Mọi thư từ xin gửi email: thaohientthp@gmail.comhoặc qua bưu điện: Thảo Hiền Tâm Tình Hạnh Phúc, PO Box 409 Bankstown NSW 1885.

*

Mẹ Kế Con Chồng

Tuần này, vì ai cũng cơm lành canh ngọt, hạnh phúc gia đình đằm thắm, nên không có ai phải tâm tình với Thảo Hiền. Như vậy là điều đáng mừng cho cuộc sống, nhưng lại đáng lo cho Thảo Hiền vì sợ... bị mất job. Nhưng dù bị mất job mà các bạn được hạnh phúc, Thảo Hiền vẫn thấy vui. Nhất là bài tâm tình vừa rồi của Thảo Hiền, "Mẹ già như chuối ba hương", đã được nhiều độc giả khen ngợi và chia sẻ. Tuần này, Thảo Hiền xin được trao đổi tâm tình cùng quý vị về một số vấn đề thường xảy ra trong cộng đồng người Việt chúng ta để thay cho phần trả lời thư tâm tình như thường lệ. Đó là câu chuyện với đề tài “Mẹ Kế Con Chồng” sau đây.
Một chị bạn gái của Thảo Hiền vừa lập gia đình với người chồng đã sống cảnh gà trống nuôi con trong 5 năm trời trước khi gặp chị. Khi vợ trước của ảnh mất, cháu gái chỉ mới 5 tuổi. Chị hỏi Thảo Hiền làm thế nào để giữ sự hài hòa trong mối liên hệ giữa mẹ kế và đứa con chồng năm nay đã 10 tuổi. Điều khổ tâm của chị là cô con gái có thái độ xa lánh chị và có ý chống đối mẹ kế một cách âm thầm. Chị làm đủ mọi cách để kết thân với cô nhỏ, nhưng coi bộ không làm tan nổi tảng băng lạnh tanh trên mặt cô bé. Chị cho biết trước khi chị kết hôn với anh, chị đã có nhiều lần gặp gỡ cháu và tất cả những cuộc họp mặt đều vui vẻ, êm thắm nhưng tại sao sau khi chị về sống chung với hai cha con, lại sinh ra chuyện này chuyện kia.
Thiết tưởng những thắc mắc của chị cũng có thể là mối bận tâm chung của những chị em bạn gái khác cùng cảnh ngộ, vì vậy bài viết sau đây sẽ bàn về nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến tâm lý của những người trong cuộc, đưa đến mối xung khắc trong liên hệ tình cảm giữa mẹ kế và con chồng.
Ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu, "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng", hoặc "Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ lót lá mà nằm". Khó mà lý giải được tại sao người cha ghẻ không bị coi là dễ ghét bằng bà mẹ ghẻ. Phải chăng vì quan niệm trọng nam khinh nữ, không những tồn tại ở các nước Á Đông do ảnh hưởng Nho giáo, mà ngay cả ở các nước Âu Tây trong nhiều thập kỷ trước, vai trò của phụ nữ cũng không được sánh ngang hàng với nam giới, nên chỉ có phụ nữ mới bị mang hình ảnh một bà mẹ ghẻ nham hiểm độc ác luôn luôn mưu mô ám hại con chồng" Những bà mẹ ghẻ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng có thực là tất cả các bà mẹ ghẻ hay dì ghẻ đều độc ác như những mụ phù thủy trong truyện cổ tích mô tả hay không" Cái tên gọi mẹ ghẻ không bao giờ dễ nghe vì định kiến có sẵn. Đã gọi là ghẻ thì không thể nào dễ thương được bởi có bao giờ ghẻ chốc hay ghẻ lở được coi là một hình ảnh đẹp hay ghẻ lạnh được khen là một niềm vui đâu, và không biết có phải vì vậy mà người mình có chữ mẹ ghẻ, nghe ghẻ lạnh vô cùng. Vì vậy Thảo Hiền sẽ thay hai chữ “mẹ ghẻ” bằng “mẹ kế”, nghe êm tai hơn.
Cô gái nào đến tuổi cập kê mà không thầm ao ước có một gia đình hạnh phúc. Và có bao giờ cô dám nghĩ sẽ có một ngày mình trở thành một trong những bà mẹ kế trong truyện cổ tích của tuổi thơ, khi tấm lụa đào phất phơ giữa chợ lỡ rơi vào tay chàng gà trống nuôi con, duyên tình với chàng thì có nhưng với con chàng lại không. Nếu lỡ sa vào hoàn cảnh làm mẹ kế, cô gái đó sẽ phải thích ứng như thế nào để nếu không được dễ thương lắm dưới mắt con chồng, cũng không đến nỗi bị gọi là mụ dì ghẻ độc ác như những mụ phù thủy trong truyện Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Tấm Cám, Cô bé Lọ Lem, Bạch Tuyết và 7 Chú Lùn, hay Tào Thị mẹ ghẻ của Nghi Xuân và Tấn Lực trong truyện Phạm Công Cúc Hoa" Nói một cách ví von thì mối liên hệ giữa mẹ kế và con chồng giống như một cuộc hôn nhân được cha mẹ đôi bên sắp đặt trước, không có tình yêu làm căn bản, không có vấn đề tìm hiểu trước xem có hợp nhau không.
Những trường hợp tái hôn sau khi ly dị hay sau một thời gian góa bụa là chuyện thường thấy trong xã hội ngày nay nhưng tình cảm xung khắc giữa con chồng và mẹ kế vẫn muôn đời là vấn đề tế nhị mà nếu không khéo giải quyết sẽ lại đưa đến cảnh mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng cho dù bà mẹ kế là người đáng thương hơn đáng ghét khi tìm đủ mọi cách gần gũi con chồng nhưng không thành công. Có lẽ người khổ tâm nhất vẫn chính là người cha khi ông bị giằng co giữa tình thương con và tình yêu dành cho người vợ mới. Vì vậy điều quan trọng người cha cần làm là chuẩn bị tinh thần và tâm lý cho đứa con về sự thay đổi sinh hoạt gia đình trong tương lai khi ông quyết định tái hôn.
Khi trước, trong nhà chỉ có 2 cha con, người cha có khuynh hướng xem con như một người lớn và đứa con hẳn nhiên nhận ra được vị thế của mình đối với cha. Dù bận bịu công việc ông cũng cố gắng dành ra nhiều thời gian chơi với con, hy sinh một số nhu cầu giải trí cá nhân. Khi mẹ kế chưa về ở chung, cả ba người cùng đi chơi, gặp nhau vài tiếng đồng hồ rồi chia tay, đứa con không cảm thấy cái nguy cơ phải chia sẻ nhiều thứ cho người đàn bà không phải là mẹ mình. Đến khi người mẹ kế bước vào sinh hoạt của hai cha con, không nhiều thì ít, nhân vật thứ ba này đem lại một số xáo trộn, thay đổi nề nếp thói quen mà trước đây chỉ có hai cha con với nhau. Những chuyện thật nhỏ nhặt cũng có thể trở thành một vấn đề lớn. Thời gian cha chơi với con chỉ còn 50% vì một nửa thời gian kia dành cho bà vợ. Đứa con cảm thấy mình bị lấy mất đi vị thế quan trọng trong nhà, không còn được bố chia sẻ những câu chuyện như trước. Hơn nữa, tình yêu dành cho mẹ ruột vẫn còn đó, dù cho mẹ kế có dễ thương đến mấy chăng nữa, đứa bé sẽ cố cưỡng lại tình cảm đối với mẹ kế vì em sợ rằng chấp nhận mẹ kế có nghĩa em là phản bội tình yêu của mẹ ruột.
Đứa con có những phản ứng và thái độ tiêu cực như không nói chuyện, không phụ dọn dẹp nhà cửa, cố tình làm ngược lại những điều mẹ kế muốn, và tệ hơn nữa, em nói “Dì không phải là mẹ, dì không có quyền lên mặt dạy dỗ”. Những lúc như thế mẹ kế sẽ phải làm gì để có được sự hợp tác của con chồng "


Nếu đứa trẻ không yêu mẹ kế thì đành phải chấp nhận, bởi vì chưa chắc bản thân người mẹ kế đã yêu thương con chồng như con ruột của mình. Đây là tình cảm tự nhiên của con người, không thể cưỡng chế mà có được. Tuy nhiên có một số quy định trong gia đình mà con cái phải tuân theo. Thí dụ giờ giấc học bài, xem TV, chơi games, đi ngủ, hoặc chia sẻ trách nhiệm với người lớn qua những công việc làm trong nhà. Trường học có kỷ luật, xã hội có kỷ cương, và trong bất cứ mọi gia đình nào cũng phải có những giao ước thoả thuận giữa cha mẹ và con cái. Con chồng có thể không yêu mẹ kế nhưng không được phép vô lễ hay thô lỗ. Ngược lại mẹ kế cũng phải có thái độ công bằng và tôn trọng con chồng. Nhưng làm thế nào để mẹ kế có được sự hợp tác của con chồng chính là nhiệm vụ của ông bố phải nói cho con hiểu ý thức trách nhiệm và biết tuân thủ các quy luật trong gia đình.
Ngoài ra để đứa trẻ hiểu là “lãnh thổ” của em không bị xâm phạm, mọi thay đổi các thói quen cần phải được nói rõ, dù là chuyện nhỏ như kê lại bàn ghế, thay màn cửa, mua kem đánh răng loại nào, sà bông tắm, sà bông gội đầu hiệu gì, nên hỏi ý kiến đứa con chồng dù đó là đứa bé 7 , 8 tuổi hay 14, 15 tuổi. Tất cả những điều này tuy nhỏ, nhưng rất cần sự đồng thuận của con chồng để chứng tỏ cho đứa trẻ thấy là mẹ kế không áp đặt bất cứ sự thay đổi nào trong những thói quen sẵn có, và vị thế quan trọng của em không bị lấy đi mất vì sự xuất hiện của nhân vật thứ ba. Hãy thử nghĩ nếu chúng ta phải thay đổi một nề nếp sinh hoạt hay một thói quen đã có sẵn, hẳn nhiên chúng ta cũng cảm thấy khó chịu, huống chi một đứa trẻ.
Bà mẹ kế sẽ giữ một vị thế như thế nào trong gia đình" Làm những công việc của một người mẹ thực thụ, như kèm bài vở ở trường, dự meeting với thày cô giáo, răn dạy con chồng, v.v... hay để cho chồng toàn quyền chủ động mọi việc như từ trước khi có sự thay đổi trong gia đình" Rồi nếu đứa nhỏ hư thì có nên nói lại với chồng để chồng dạy bảo hay mình sẽ nói chuyện trực tiếp với chúng"
Trước hết phải biết định nghĩa thế nào là hư. Ăn cắp, nói dối, trốn học, xì ke ma túy là hư hay phòng ngủ bừa bãi, tranh luận với cha mẹ để bảo vệ ý kiến, không làm đúng ý cha mẹ bị coi là hư" Có những trường hợp tế nhị mà người mẹ kế cần phải khéo léo khi “mách” với chồng. Thí dụ con không đến trường. Mẹ kế nói với cha “Nó hư quá, lại trốn học nữa rồi, anh bảo nó đi chứ "” Nói như thế là ông bố nhảy nhổm lên, chạm tự ái vì có vẻ như bà vợ đổ tội cho ông không biết dạy con để con hư hỏng. Nhưng nếu bà mẹ kế nói “Con không đi học mấy hôm nay, trường gọi điện thoại về, em lo không biết con có vấn đề gì không, anh nói chuyện với con đi ”. Nghe vậy có lẽ ông bố sẽ thấy lọt tai hơn. Trừ khi mẹ kế có con chồng còn bé dại thì bà có thể thay chồng giáo dục con, nhưng nếu đứa con đã biết suy nghĩ nên để cho chồng răn dạy. Có những chuyện nhỏ, mẹ kế không cần nói với chồng mà cũng chẳng cần nói trực tiếp với con, thí dụ như phòng riêng bừa bãi chất đầy quần áo dơ, hay em không làm bài vở v.v… Chuyện này để ông bố lo, vì dạy cho con có một ý thức trách nhiệm là bổn phận của người cha giáo dục con từ khi hai cha con sống với nhau.
Nếu con không làm công chuyện trong nhà thì nói một cách nhẹ nhàng là em chưa làm công tác đã giao cho em. Điều quan trọng là mẹ kế không bao giờ rời vị trí của mình để bước vào vị trí của mẹ ruột, trừ phi đứa con bật đèn xanh cho phép bà tiến thêm một bước. Mẹ kế không nên mong đợi được con chồng gần gũi thân thiết như đối với mẹ ruột của em, cũng không thể tranh chấp quyền hạn và tình cảm với mẹ ruột. Nên tránh hỏi han nhắc nhở đến mẹ ruột của trẻ hay bắt chước kiểu cách của mẹ ruột với mục đích làm cho trẻ gần mình hơn. Điều này đưa đến tác dụng ngược, trẻ cho rằng mẹ kế tranh giành vị trí của mẹ ruột, làm tăng thêm mối ác cảm sẵn có vì em nghĩ rằng mẹ kế là người chiếm đoạt tình yêu mà cha em dành cho em và cho mẹ ruột. Ngay cả trong liên hệ với người chồng cũng thế, lấy một người đã có một đời vợ trước, thì hai người vợ trước và sau đều ở hai vị trí khác nhau trong đời sống tình cảm của người đàn ông.
Như Thảo Hiền bàn ở trên, nếu đứa con biết là mẹ kế có những trách nhiệm, những bổn phận như thế nào với em, và ngược lại em hiểu rõ trách nhiệm và bổn phận của mình thì em sẽ không bị ngỡ ngàng hay khó chịu. Khi có sự thỏa thuận với nhau về mọi sinh hoạt trong gia đình, sẽ tránh được sự chống đối hay bất mãn từ phía con trẻ.
Vai trò của mẹ kế là cả một nghệ thuật, một vai trò khó khăn nhất với nhiều thử thách, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tế nhị, bao dung, khéo léo trong cách xử thế và thông cảm. Mẹ kế không đòi hỏi con chồng phải yêu thương mình như mẹ ruột nhưng phải có được sự kính trọng của con chồng, và cũng đừng âm thầm chịu đựng thái độ bất hợp tác. Nên tìm cơ hội để nói chuyện, lắng nghe trẻ và phân tích vấn đề một các ôn tồn nhằm tạo sự cảm thông. Khi bắt đầu làm thân, mẹ kế có thể sẽ không nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của con chồng, mình nói mình nghe, chúng không trả lời hoặc nếu có thì cũng với một thái độ lạnh lùng, xa cách. Vì vậy hãy nghĩ như thế này, chúng ta đang nói chuyện với một trẻ sơ sinh và đứa trẻ sơ sinh cần có thời gian để làm quen với khuôn mặt, nụ cười, tiếng nói của người lạ trước khi em nở nụ cười. Mẹ kế nên tạo điều kiện và cơ hội để biểu lộ cho con chồng thấy là mình có quan tâm đến em một cách thật tâm chứ không phải chỉ ngoài mặt. Sống thành thực với chính mình và với con chồng là hay nhất. Trẻ con ở mọi lứa tuổi rất nhạy cảm với sự giả dối nơi người lớn. Chúng cảm nhận được dễ dàng người nào thương yêu chúng thật lòng. Thà rằng con chồng nhìn thấy mẹ kế chưa sẵn sàng thương yêu chúng hơn là để chúng nghĩ đây là một bà phù thủy độc ác giả làm bà tiên hiền lành như hình ảnh của những bà mẹ kế trong truyện cổ tích.
Điều quan trọng là phải làm chủ được xúc cảm của mình. Nổi nóng trước những khiêu khích của con chồng là hỏng bét. Trẻ con có khuynh hướng tìm cách thử xem người lớn lùi bước đến mức độ nào trước những đòi hỏi của các em. Vì vậy người lớn cần ấn định một lằn ranh, không cho phép trẻ vượt qua một cách bình tĩnh và cương quyết.
Trong những hoàn cảnh gặp sự chống đối khá mạnh của con chồng, nhất là khi các em ở lứa tuổi vị thành niên thì phải làm sao"
Đối với con chồng ở lứa tuổi lớn khôn, thí dụ 15, 16 tuổi trở lên thì tạo sự gần gũi với con chồng sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhất là khi đứa con chồng tỏ ý không ưa mẹ kế. Tất cả mọi sự đều tương đối và có một giới hạn không thể vượt qua một sớm một chiều. Mẹ kế nên tạo cơ hội cho cả nhà thường xuyên sinh hoạt chung với nhau như đi picnic, bush walking, và nhất là tìm hiểu xem con chồng thích nghe những loại nhạc và những loại phim ảnh nào, thích ăn mặc theo kiểu thời trang nào để có thể dò đúng tần số đồng điệu với tuổi trẻ. Nếu người mẹ kế biểu lộ cho con chồng thấy được là mình quan tâm và chăm lo cho em với một tình thương yêu vô điều kiện, thì đến một lúc nào đó khi em gặp những vấn đề tâm tình cần chia sẻ với một người lớn mà em có thể tin tưởng ngoài mẹ ruột của em, có lẽ người đầu tiên em tìm đến sẽ là mẹ kế, một bà dì ghẻ đáng mến chứ không đáng ghét.
Muốn đạt được tất cả những điều trên, người mẹ kế cần trang bị cho mình một kiến thức căn bản về sự phát triển tâm lý của đứa trẻ ở mỗi tuổi, để ý quan sát những thói quen, phản ứng của trẻ để hiểu thêm về chúng trước khi đi sâu vào liên hệ giữa mẹ kế và con chồng.
Thảo Hiền giới thiệu đến quý thính giả 3 bộ phim mà Thảo Hiền đã xem, thể hiện trung thực hoàn cảnh và tâm lý của mẹ kế và những đứa con chồng, với kết cuộc mang tính nhân bản rất happy ending. Phim “Mine, Yours, Ours” (Con em, con anh, con chúng ta), phim “Stepmom” ( Mẹ kế) và phim mà Thảo Hiền tâm đắc nhất là phim “The Sound of Music”, qua đó Julie Andrews trong vai cô giáo Maria là hình ảnh một bà mẹ kế hoàn hảo nhất trên cõi đời này khi thu phục được 6 đứa con chồng bằng tấm lòng mở rộng tràn đầy tình thương yêu chân thành.
Cho dù trên thực tế vẫn còn những cảnh mẹ kế hành hạ con chồng, nhưng quả thực, những nhà làm phim Hollywood đang có nỗ lực thay đổi cái nhìn tiêu cực đối với phụ nữ trong vai trò mẹ kế từ hình ảnh những “mụ phù thủy” trở thành những “bà tiên” bao dung chinh phục được tình cảm của con chồng.
Chúc các bạn thành công nếu gặp phải vai trò mẹ kế; hoặc cố vấn cho các con, nếu các con bước vào vai trò này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.