Hôm nay,  

Mặt Trận Tư Tưởng

16/09/200500:00:00(Xem: 5437)
- Thế kỷ này còn rất trẻ, mới lên năm. Cuộc chiến tư tưởng chống khủng bố Hồi giáo còn trẻ hơn nữa, mới được hai ngày.
Trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc trong phiên khoáng đại ngày hôm Thứ Tư 14, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã có một bài diễn văn quan trọng.
Bài diễn văn dài hơn 3.000 chữ, đọc gần nửa tiếng, rất đáng chú ý không ở phần đầu, khi Tổng thống Mỹ phải cám ơn 115 quốc gia và gần một tá tổ chức quốc tế đã đề nghị giúp đỡ Hoa Kỳ sau vụ Katrina, mà ở phần cuối, khi ông nói về tư tưởng và dân chủ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Ai cũng có thể đồng ý với ông là không thể thắng khủng bố chỉ bằng phương tiện quân sự mà phải chiến thắng trên trận tuyến tư tưởng. Vấn đề là chính quyền của ông và cả xã hội Hoa Kỳ, trước tiên là truyền thông và chính giới Mỹ, quan niệm thế nào về mặt trận tư tưởng ấy" Và nếu có hiểu ra kích thước vấn đề thì có thể kiên trì đấu tranh trong một thế hệ hay không"
Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là quốc gia rất trẻ, có may mắn là được địa dư bảo vệ nhờ hai đại dương, và được sáng lập bởi những nhân vật xuất chúng, khi họ đề cao tự do và thượng đế, đồng thời giới hạn quyền lực của nhà nước bằng luật pháp công minh. Những yếu tố đặc thù ấy khiến Hoa Kỳ có hai thế kỷ yên bình để phát triển cực nhanh trên một lục địa phì nhiêu bát ngát, trở thành tụ điểm thu hút di dân trên toàn cầu.
Ưu điểm ấy cũng khiến dân Mỹ hồn nhiên tin tưởng vào những giá trị tinh thần của mình mà lầm tưởng rằng mọi quốc gia hay dân tộc trên thế giới đều muốn được như Hoa Kỳ.
Niềm tin ấy là nhược điểm tai hại trong cuộc chiến chống xu hướng cực đoan và vô nhân đạo nhất của Hồi giáo, nhân danh "Thánh chiến" và Thượng đế mà mở ra phong trào khủng bố.
Y như trong nửa thế kỷ Chiến tranh lạnh, suốt ba năm đầu của cuộc chiến chống khủng bố nhân danh Thánh chiến, hệ thống thông tin và tuyên truyền Mỹ cứ cố đề cao tinh thần tự do và bao dung của xã hội Mỹ (hay của "Thế giới Tự do" như tên một tạp chí tuyên truyền của Mỹ thời xưa). Người ta còn trưng bày hình ảnh sinh hoạt thoải mái của dân Hồi giáo trong xã hội Mỹ, tưởng rằng điều ấy có sức thuyết phục rất cao đối với quân khủng bố, hay ít nhất là đối với quần chúng Hồi giáo nói chung. Người Mỹ muốn chứng minh rằng nước Mỹ không kỳ thị, dân Mỹ cởi mở đón nhận người Hồi giáo - hay bất cứ sắc dân nào khác - và tôn trọng tín ngưỡng hay văn hóa của họ.
Đấy là một nhược điểm chết người mà nhiều giới chức ngoại giao Mỹ không hiểu, và dường như truyền thông Mỹ vẫn chưa hiểu vì chỉ quan tâm đến những gì xảy ra trong xã hội Mỹ.
Vấn đề then chốt là trong quốc gia hay xã hội họ đang sinh sống, những người bị áp bức phải có ý thức và nỗ lực đấu tranh ngay ở tại chỗ để tự giải phóng khỏi ách độc tài hay ngu dân của chính trị hay tôn giáo.
Xuyên qua hệ thống thông tin chính thức do chính quyền (Hành pháp và Quốc hội) tài trợ, lối tuyên truyền của Mỹ gây phản tác dụng: hãy cố vượt biên đến Mỹ là sẽ có tất cả, tự do tín ngưỡng, dân chủ chính trị và phồn vinh kinh tế. Nếu chưa vượt biên được thì hãy làm cho xã hội mình cũng cởi mở tự do như xã hội Mỹ!
Vì vậy, các phần tử khôn ngoan trong xã hội bị đàn áp mới gặp sự chọn lựa: hợp tác với tội ác hay tìm đường đi Mỹ, hoặc cho con em sang Mỹ… Những người còn lại thì chỉ thở dài nhìn qua Hoa Kỳ với câu "bên kia sông là ánh mặt trời". Đấy là lý do vì sao Hoa Kỳ yểm trợ các nước mà vẫn không được cảm tình của thiên hạ. Đối với quân khủng bố, hay bọn độc tài, lối tuyên truyền ấy tạo lợi thế rất lớn cho họ vì tạo ra chủ nghĩa phục Mỹ và tinh thần ghét Mỹ.
Chúng ta phải đặt ngược lại vấn đề: trong trận chiến tư tưởng này, đâu là chiến trường và ai là chiến hữu"
Người Mỹ lầm tưởng rằng đây là trận chiến giữa Hồi giáo cực đoan và các giá trị tinh thần của nền dân chủ Tây phương mà Hoa Kỳ là lãnh đạo hay đại diện.
Đây là một sai lầm vì bệnh chủ quan, suy bụng ta ra bụng người, vì cái thói lý luận từ trường hợp của mình ra chuyện thiên hạ. Trong trận chiến này, Hoa Kỳ và Tây phương chỉ nằm ở vùng ngoại vi. Chiến trường là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa hai xu hướng Hồi giáo, một là xu hướng ôn hòa, có thể là cách tân, đổi mới, hai là một thiểu số cực đoan, cuồng tín và hiếu sát.
Tất nhiên, Hoa Kỳ và các nước dân chủ muốn giúp đỡ xu hướng ôn hòa và đổi mới, nhưng, cái giá phải trả, hay hệ quả phải gỡ cho ra, là xu hướng ấy sẽ bị đối phương kết án là phản đạo, phản quốc, tay sai của Mỹ, trước sự hoài nghi hay cả tin của quần chúng.
Từ khi Hoa Kỳ mở cuộc chiến, hầu hết các nước Hồi giáo ôn hòa đều kín đáo hay công khai hợp tác với Mỹ để diệt trừ khủng bố. Đây là một thắng lợi ngoại giao với cái giá phải trả mà dân Mỹ và cả truyền thông, nhất là truyền thông, lại nhìn không ra: quần chúng Hồi giáo ở dưới e sợ quân khủng bố nhưng không tin và không phục chính quyền của mình vì sự hợp tác ấy! Nhất là khi sự hợp tác ấy lại bị chính giới và truyền thông Mỹ miệt thị, coi thường!
Đối tượng tranh thủ vì vậy không phải là các lãnh tụ, quốc vương hay trưởng lão đang lãnh đạo các nước Hồi giáo, mà là người dân Hồi giáo chân chất ở bên dưới.
Một tiền lệ đã từng xảy ra và nay vẫn còn là thời sự: Hoa Kỳ viện trợ rất nhiều cho các nước Trung Nam Mỹ mà vẫn bị nghi ngờ, thù ghét mỗi khi can thiệp vào châu lục này, dù với thiện chí. Trong khi loại lãnh tụ độc tài và gian xảo như Fidel Castro của Cuba hay Hugo Chavez của Venezuela lại vẫn được quần chúng của họ tha thứ vì là "anh hùng chống Mỹ".
Vấn đề ở đây không phải là người dân các nước trên thế giới ưa thích độc tài hay khủng bố, vấn đề là họ không muốn có cảm giác như bị sai khiến, bị mua chuộc hay bị kiểm soát. Khi không còn gì cả, từ tài sản đến quyền tự do, người ta thường tự an ủi là dù sao vẫn còn bản sắc dân tộc, hay tự chủ dân tộc. Hoa Kỳ càng can thiệp, từ trên xuống, để tìm sự cộng tác của các chính quyền và càng quảng bá nếp sống Mỹ thì càng khiến quần chúng bên dưới tủi thân, khó chịu. Yếu tố tâm lý này là điều gì đó vẫn còn xa lạ với nhiều người Mỹ. Cho nên họ không hiểu vì sao thiện chí của họ vẫn bị nghi ngờ, hoặc chối từ.
Vấn đề ấy lại càng nghiêm trọng hơn khi ta trở lại vai trò của truyền thông, của những nơi tạo ra dư luận. Truyền thông Mỹ có tự do nhất thế giới nhưng lại thuộc loại kém văn hóa hay nghèo tâm lý đến bất ngờ. Sau đây là ba thí dụ gần và xa nhưng rất thời sự.

Thứ nhất, trong vụ Katrina vừa qua, mọi người đều biết là đa số nạn nhân là người da đen, nhưng không do chánh sách kỳ thị màu da của xã hội hay chính quyền sở tại (New Orleans hay tiểu bang Louisiana). Giới chính trị có thể khai thác chuyện ấy vì mục tiêu chính trị cục bộ của họ, nhưng truyền thông Mỹ lại không trình bày sự việc cho chính xác, họ chạy theo tin và đăng tải những lời phát biểu và bình luận thiên lệch mà giật gân đối với dư luận Mỹ.
Nhưng, từ Trung Đông hay Đông Nam Á nhìn qua, người dân Hồi giáo có ấn tượng gì"
Họ nghĩ rằng ngay tại Mỹ, dân da đen còn bị bóc lột, bị khai thác, bị bỏ rơi, nói gì đến thân phận Hồi giáo của họ, ở những nơi xa xăm ngoài nước Mỹ! Đâm ra, lời đề cao quyền tự do và cơ hội thăng tiến trong xã hội Mỹ chỉ là tuyên truyền láo khoét! Binh lính Mỹ đang mất mạng để bình định và phát huy dân chủ cho các nước Hồi giáo, nhưng lại bị đồng bào mình đâm sau lưng, với sự khuếch đại của truyền thông. Đó là thí dụ thứ nhất.
Thí dụ thứ hai là trong cuộc tranh luận về quyền tự do dân sự và vai trò của tôn giáo trong chính trị, phe hữu của Mỹ nhấn mạnh đến Thiên Chúa và kỷ cương, phe tả thì đòi quyền tự do cá nhân chống lại mọi ràng buộc tư tưởng, kể cả tôn giáo. Cuộc tranh luận rất lành mạnh này được thế giới Hồi giáo bên ngoài phán đoán ra sao" Phe khủng bố thì cho rằng chính quyền Bush là công cụ của Thiên Chúa giáo, Hoa Kỳ là đầu sỏ của "Thập tự quân" (như al-Zarqawi nhắc tới ngày 14 vừa qua. Ngược lại dân Hồi giáo nói chung thì thấy nước Mỹ quá tự do phóng túng, tự do phá thai và đồng tính và chẳng còn kỷ cương gì hết! Phe nào cũng tìm thấy ngay trong truyền thông Mỹ những lý lẽ bênh vực lập luận của mình. Những lập trường cực đoan trong cả hai phe tả hữu của Mỹ không hề tiêu biểu cho xã hội này, nhưng chiếm một vị trí quan trọng trên màn ảnh và trang báo Mỹ. Trận chiến tư tưởng của ông Bush bị chọc thủng từ sau lưng vì lối loan tin như vậy.
Thí dụ thứ ba, sát sườn với chuyện khủng bố, là lời tuyên bố hôm 14 của lãnh tụ khủng bố al-Qaeda tại Iraq là Abu Musab al-Zarqawi. Sau một loạt hành vi khủng bố đẫm máu tại Iraq khiến 152 người chết, 500 người bị thương, al-Zarqawi tung ra băng ghi âm tuyên chiến với cộng đồng sắc tộc Shia.
Truyền thông Mỹ lập tức loan tin theo tinh thần là al-Zarqawi đã thống hợp được các khuynh hướng Sunni để trực diện khai chiến với dân Shia trên toàn lãnh thổ Iraq. Sự thật có khi chẳng đơn giản và đen tối như vậy, mà người ta không nhìn ra.
Tại Iraq, bạo động vẫn xảy ra trong khu vực sinh hoạt của tộc Sunni, xuất phát từ ba phe là 1) tàn dư của chế độ Saddam Hussien, 2) xu hướng dân tộc, chống Mỹ can thiệp vào Iraq, 3) các nhóm khủng bố ngoại nhập tự xưng Thánh chiến, do al-Zarqawi điều động. Nếu hai phe đầu ưa dùng phương pháp quân sự thì phe Thánh chiến lại sở trường lối đánh bom tự sát.
Tình hình tại chỗ trong ba tháng qua cho thấy sự rời rạc của hai phe đầu tiên, đi cùng những tính toán của các lãnh tụ Sunni, xem có nên hợp tác và mặc cả với hai sắc tộc còn lại về bản Hiến pháp và tương lai Iraq hay không. Còn lại, chỉ có phe khủng bố ra tay, ngày một ít hơn: suốt ba tháng qua, khủng bố đã 39 lần đánh bom tự sát trong tháng Bảy, 22 lần trong tháng Tám và chỉ có hai lần, rất khốc hại, trong hai tuần đầu của tháng Chín.
Từ việc kiểm điểm này, những kết luận có thể nêu ra là 1) khối Sunni không thống nhất chống Mỹ và chính quyền lâm thời tại Baghdad, 2) phe khủng bố Thánh chiến do al-Zarqawi chỉ huy còn tung hoành với nhịp độ thấp hơn, 3) nhưng với cường độ sát hại cao hơn vì chọn mục tiêu kỹ lưỡng hơn.
Nếu kết hợp điều ấy với tin tức dồn dập về chiến dịch tảo thanh của Liên quân và chính quyền Iraq tại hậu cứ Tall Afar của khủng bố, khiến gần 200 đặc công đã bị loại khỏi vòng chiến, ta có thể kết luận tiếp là al-Zarqawi đang bị đẩy vào thế thủ. Nghĩa là ngược với ấn tượng do truyền thông loan tải là al-Zarqawi thống hợp nỗ lực đấu tranh của cộng đồng Sunni.
Và quan trọng nhất, khi tay khủng bố này hăm dọa các lãnh tụ Sunni là không nên hợp tác với Mỹ, rồi tuyên chiến với dân Shia và đặc công khủng bố của y còn tấn công các văn phòng của Giáo sĩ Muqtada al-Sadr người Shia, giết hại năm người, làm 14 người bị thương, thì ta phải kết luận khác: al-Zarqawi đang tự cô lập trong cộng đồng Sunni, hậu cứ hoạt động cuối cùng của y, và gây căm phẫn cho cộng đồng Shia. Vì sự an toàn của mình, cộng đồng Shia càng hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền và càng bớt chống Mỹ.
Trong trận chiến về tư tưởng, khủng bố "Thánh chiến" đang lui vào thế thủ và mất dần quần chúng. Điều ấy mới giải thích vì sao al-Zarqawi phải tập trung phương tiện, ra tay ít hơn nhưng giết hại nhiều hơn.
Tin tức của truyền thông đại chúng Mỹ không cho ta kết luận ấy! Trong cuộc chiến nhằm tranh thủ quần chúng mà đối phương lại mất quần chúng và tự cô lập thì mình không thể nói là thua được.
Hãy nghĩ rộng ra trận chiến giữa Hoa Kỳ và al-Qaeda: Osama bin Laden muốn huy động thế giới Hồi giáo nổi lên chống Mỹ và lật đổ các chính quyền Hồi giáo ôn hòa. Bốn năm sau, mạng lưới này không tấn công nổi vào lãnh thổ Mỹ và ngay tại vùng đất Mỹ đang gặp khó khăn nhất là Iraq, al-Qaeda đang lui vào thế thủ. Truyền thông Mỹ chỉ loan tin là Baghdad bị đánh bom hai ngày liên tục mà không trình bày nội vụ cho rõ ràng mạch lạc hơn.
Như vậy, làm sao họ có thể hiểu được nội dung thông điệp của Bush: đây là một trận chiến về tư tưởng.
Nhìn về dài thì trên mặt trận tư tưởng này, phe khủng bố cuồng tín có những lý luận rất nghèo nàn và phải hỗ trợ bằng hành động sát nhân. Phe ôn hòa có ưu thế hơn, khi đề nghị hoặc bị ép phải tiến hành những cải cách có lợi cho người dân, cho phụ nữ, miễn là tránh khỏi nhược điểm chết người là bị đồng hóa với "tay sai của Mỹ". Trong tương quan ấy, phe ôn hòa không phải là không có lợi thế.
Chính quyền Hoa Kỳ có thể đã hiểu ra điều ấy khi ông Bush chỉ định một cố vấn thân tín nhất, một phụ nữ, vào vai trò Thứ trưởng Ngoại giao thực chất là đặc trách về thông tin tuyên truyền. Nhưng, cuộc chiến về tư tưởng này mới chỉ mở màn, bà Karen Hughes mới tuyên thệ nhậm chức mươi hôm trước, trong khi truyền thông và chính giới Mỹ thì vẫn nhìn theo nếp cũ, với những sai lầm cũ.
Thí dụ như khi Thủ tướng tân cử của Iraq qua Mỹ năm ngoái cũng nhân Đại hội đồng Liên hiệp quốc thì đã bị phe Nghị sĩ John Kerry gọi là "tay sai của Mỹ", y hệt như lý luận của quân khủng bố. Thành thử, trận chiến tư tưởng mà ông Bush nói đến có khi sẽ phải khởi sự ngay ở nhà, trong xã hội Mỹ.
May ra, một thế hệ nữa, thế giới mới hết khó chịu về nước Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.