Hôm nay,  

Thánh Chiến Hết Linh

25/02/201000:00:00(Xem: 7094)

Thánh Chiến Hết Linh

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Những tổ chức tôn giáo đem quân đi tác chiến thường dùng danh từ Thánh chiến (Holy war) để nêu cao ý nghĩa thần thánh cho cuộc chiến họ phát động. Từ ngữ này đã có từ Thế kỷ 11, Hồi giáo gọi đó là Jihad khi họ đánh chiếm thành phố Jerusalem. Đối lại Công giáo La Mã, gọi là Crusade với ý nghĩa Thập tự chinh, để lấy lại thành phố này. Jerusalem từ thời xa xưa cho đến nay đã có những di tích của Thiên chúa giáo bắt nguồn từ Do thái giáo. Về phía Hồi giáo sau khi xuất hiện vào Thế kỷ 7,đã mang quân chiếm thành phố này, khiến các cuộc thánh chiến đã xẩy ra từng đợt nhiều lần trong 4 thế kỷ liên tiếp.
Hãy nhìn lại vài nét lịch sử về mối liên hệ giữa hai tôn giáo này. Ky-tô giáo xuất hiện từ Thế kỷ 1 với sự tích chúa Ky-tô, con của Thiên chúa giáng sinh tại Nazareth, thuộc vùng Galilee, hiện là miền Bắc nước Israel của dân tộc Do thái. Ky-tô giáo, nay được gọi là Công giáo, đã bắt đầu từ đây. Hồi giáo thành hình 7 thế kỷ sau đó, do Mohammad sáng lập ở Mecca, nay thuộc Saudi Arabia. Các tín đồ Hồi giáo tin rằng Mohammad cũng là một đấng Tiên tri, kế tiếp các tiên tri Adam, Abraham, Moses. Nếu Do thái giáo thờ Abraham và Issac, Hồi giáo lại thờ Abraham và Ishmael, người con đầu nhưng sinh ra bởi bà vợ nhỏ Hagar gốc Ai Cập. Trong Thánh Kinh Koran của Hồi giáo, tên của Abraham được nói đến trong 25 chương trong 114 chương của kinh này.
Đến Thế kỷ 11, tình hình thế giới đã đổi thay, xã hội các nước Âu châu tiến hóa rất nhanh và mạnh hơn xã hội các nước ở Trung Đông nơi xuất phát Hồi giáo. Đặc biệt Công giáo La Mã thành hình từ Thế kỷ 1 với sự tích chúa Ky-tô giáng trần đã lan tràn rất mạnh ở Trung Đông trước khi đạo Hồi thành hình. Đến thế kỷ 13, các cuộc thánh chiến chấm dứt vì khi nền văn minh của các nước Âu châu tràn vào Trung Đông, xã hội loài người đã tiến bộ rất nhiều.
Tới thời nay Thế kỷ 20, quân đội Liên Sô tấn công và chiếm Afghanistan vào cuối thập niên 70, những người Hồi giáo nổi lên đánh du kích để chống chế độ Cộng sản trong suốt 10 năm. Đây là lúc từ ngữ Jihad được xuất hiện trở lại và đến năm 1987-89, quân Liên Sô phải bỏ chạy về nước, các toán du kích Taliban lên cầm quyền. Đến năm 2001, sau khi tổ chức khủng bố al-Qaida của Osama bin Laden cướp phi cơ đánh vào New York, quân đội Mỹ và đồng minh NATO tấn công chiếm Afghanistan. Cuộc chiến kéo dài đến ngày nay.
Từ Thế kỷ 11 đến nay 1,000 năm đã trôi qua, từ ngữ Thánh chiến (Jihad hay Crusade) đã hết linh, bởi vì trí tuệ của loài người đã tiến bộ rất nhiều. Trước hết đây không phải là chiến tranh tôn giáo, vì bất cứ tôn giáo nào cũng lấy từ bi bác ái làm đầu. Ngày nay chỉ có những nhóm tổ chức vì lý do chính trị đã lợi dụng tôn giáo gây chiến tranh với với một chiến thuật tàn bạo quái đản chưa từng thấy trong lịch sử loài người là thủ đoạn "đánh bom tự sát" của bọn al-Qaida do bin Laden cầm đầu.


Trước nạn khủng bố đánh bom tự sát quân Mỹ và NATO (nói chung là quân đồng minh do Mỹ chỉ huy) phải làm gì" Quân đồng minh tham chiến không nhân danh tôn giáo mà chỉ nhằm tiêu diệt một mầm mống di họa đến cả thế giới là bọn khủng bố jihad. Hiểm họa không phải nhỏ, vì trên Thế giới ngày nay Hồi giáo có 1.5 tỷ tín đồ, sống ở hơn 150 nước trên Thế giới. Nếu chủ thuyết jihad được nhiều người Hồi tán trợ, khối Tây Âu sẽ đứng trước một sự đụng độ khốc liệt về văn hóa với máu và nước mắt không biết đến bao giờ mới hết. Tuy nhiên với tình hình ở Iraq, Afghanistan và Pakistan từ năm 2009, người ta đã thấy hiện tượng gió đã đổi chiều của những người đạo Hồi ôn hòa ra mặt chống lại bọn khủng bố trong mối đạo của họ, và rất có thể còn nhiều người khác cũng chống nhưng vì lý do an ninh không dám bộc lộ ra ngoài.
Với biến chuyển âm thầm đó, người ta không còn lo ngại sẽ có trường hợp một nước Hồi giáo lớn, có nhiều nguồn tài nguyên lọt vào tay bọn al-Qaida hay một tổ chức nào mang tên khác dưới sự lãnh đạo của Osama bin Laden và đồng bọn. Một số nước lớn Hồi giáo ở Trung Đông kể cả ở Nam và Đông Nam Á đã ổn định được chế độ và xã hội của họ, cô lập được bọn chủ trương cực đoan. Đây không phải là những nước tự do dân chủ theo kiểu Tây phương, nhưng các lực lượng thế quyền hiện đại đã làm chủ được đất nước của họ, được cả khối Hồi giáo trên thế giới hoan nghênh. Thành ra mối quan tâm của Thế giới nói chung giờ đây chỉ còn nhắm vào các nhóm nhỏ Thánh chiến cuồng tín sống rời rạc trên thế giới.
Trước tình hình đó, chúng tôi thiết nghĩ Mỹ và Đồng minh cần phải thay đổi cả chiến lược lẫn chiến thuật trên những chiến trường chống khủng bố. Về chiến lược, ưu tiên là cần phải bảo vệ người dân ở những nơi đang có chiến tranh. Để đạt được sự bảo vệ đó, dù có phải hy sinh những chiến thắng ngay trước mắt ở trận tiền, các tư lệnh quân đội đồng minh cũng phải chấp nhận và thi hành.
Trong khung cảnh chiến lược đó, về mặt chiến thuật các vị chỉ huy cần phải quên đi nguyên lý căn bản là giết cho thật nhiều bọn ôm bom tự sát và những kẻ ghi tên trong danh sách đi học nghề khủng bố. Trước hết, kẻ đã đeo bom tự sát hiển nhiên chỉ là những thây ma biết đi, vậy giết chúng có ích gì" Nếu đã biết có kẻ tình nghi ôm bom tự sát đi lẫn trong đám đông, việc tốt nhất là phải kín đáo làm cho nghi can rời khỏi đám đông trước khi bom có thể nổ.
Tóm lại chiến tranh chống bọn khủng bố không nhằm tấn công thể xác mà nhằm vào phần hồn của chúng, để làm thức tỉnh lương tri con người những kẻ đó. Cố nhiên đây không phải là một trận đánh quân sự chớp nhoáng mà là một trận tâm lý chiến kéo dài trong thời gian. Thời gian này chắc chắn không dài quá lâu vì nhũng biến cố gần đây nhất, trong đó có cả những phát minh khoa học kỹ thuật kỳ diệu trong 10 năm qua, cho thấy trí tuệ của loài người đã tiến bằng những bước khổng lồ vô cùng kỳ diệu, gạt bỏ hẳn những thói mê tin dị đoan, u mê ám chướng của con người một ngàn năm trước còn lưu cữu ít nhiều cho đến ngày nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.