Hôm nay,  

Liên Quân Việt Mỹ Trấn Giữ Phía Nam Sông Bến Hải

10/09/200500:00:00(Xem: 26638)
- LTS: Tiếp theo loạt bài Tưởng niệm 30-4, VB giới thiệu đến bạn đọc những tài liệu đặc biệt liên quan đến các sự kiện quân sự, chính trị giưã VNCH và Hoa Kỳ, đã được Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại Hoa Kỳ giải mật và chuyển giao cho Văn Khố Quốc gia Hoa Kỳ.

* Kế hoạch phòng thủ của Liên quân Hoa Kỳ-VNCH tại khu Phi Quân Sự giữa năm 1966:
Chiến trường ở phía Nam sông Bến Hải bắt đầu sôi động từ tháng 6 năm 1966 khi CSBV công khai tung quân vượt vĩ tuyến 17 xâm nhập vào khu vực Phi Quân Sự (viết tắt theo tiếng Anh là DMZ) mà Hiệp định Genève (20-7-1954) đã xác lập đó là vùng phi chiến. Để đối phó với tình thế, bộ Tổng tham mưu QL.VNCH và bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam đã lập kế hoạch phòng thủ tự vệ tại phía Nam vĩ tuyến 17. Tiếp đến, vào thượng tuần tháng 7/1966, tin tức tình báo ghi nhận các cuộc chuyển quân của khoảng 2 trung đoàn CSBV vào phía Tây Nam Bến Hải.
Trước cuộc diện mới của tình hình chiến sự, ngày 12 tháng 7/1966, Đại tướng Westmoreland cùng với đại diện của Bộ Tổng tham mưu QL.VNCH ra Đà Nẵng để họp bàn cùng với Trung tướng Walt, Tư lệnh Lực lượng 3 Thủy bộ/Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn 1/Vùng 1 chiến thuật. Tại cuộc họp, Đại tướng Westmoreland ra lệnh cho Trung tướng Walt là trong trường hợp cần thiết thì phải đưa một sư đoàn Thủy quân Lục chiến (TQLC) tăng cường cho tỉnh Quảng Trị, ông hứa sẽ sử dụng Lực lượng Đổ bộ Đặc biệt ứng trực ngoài khơi để sẵn sàng tiếp cứu. Tướng Westmoreland cũng hứa sẽ điều động Không quân chiến lược (B-52) oanh tạc theo ưu tiên một. Về phía Quân đoàn 1, Tướng Lãm được Bộ Tổng Tham Mưu hứa sẽ tăng cường thêm 5 tiểu đoàn thuộc lực lượng trừ bị.

* Cuộc hành quân của 11 tiểu đoàn Việt-Mỹ tại khu giới tuyến:
Giữa tháng 7/1966, 1 tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ được điều động ra khu vực này để tổ chức hành quân thám sát. Trong khi khai triển các đại đội hoạt động trong khu vực trách nhiệm, tiểu đoàn TQLC đã đụng độ ác liệt với 1 đơn vị CSBV. Qua trận giao tranh này, tin tức tình báo ghi nhận CQ đã tập trung một lực lượng đáng kể tại phía Tây Nam Bến Hải. Sau khi phối kiểm và ước định lực lượng đối phương, ngày 16/7/66, Liên quân Việt Mỹ đã khởi động cuộc hành quân hỗn hợp mang tên là Lam Sơn 289 (VNCH)-Hastings (HK) với nỗ lực chính gồm có 5 tiểu đoàn bộ chiến VNCH, 5 tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ và 1 tiểu đoàn thuộc Lực lượng Đổ bộ Đặc biệt. (Tài liệu của Trung tâm Quân sử Hoa Kỳ và các bản tin chiến sự của Tổng cục Chính trị QL/VNCH không ghi rõ danh hiệu các đơn vị Việt-Mỹ tham chiến). Đây là cuộc hành quân lớn nhất từ trước đến giờ tại chiến trường Quảng Trị.
Theo kế hoạch, 11 tiểu đoàn đã khai triển đội hình dọc theo phía Nam sông Bến Hải, đồng loạt tấn công vào cụm tuyến kháng cự của các tiểu đoàn CSBV. Vào thời gian này, do Hoa Thịnh Đốn không cho phép Lực lượng Hoa Kỳ tại VN sử dụng hải pháo bắn vào khu Phi Quân Sự, nên sự yểm trợ của Hải quân Hoa Kỳ chỉ giới hạn trong các hoạt động hải vận và cung cấp các phi vụ xuất phát từ các tàu lớn ở ngoài khơi. Trận chiến đã diễn ra rất ác liệt trong ngày đầu tiên khi 3 tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ đụng độ với 1 trung đoàn CSBV, Không quân đã xạ kích liên tục để yểm trợ cho TQLC tấn công. Pháo của CQ đã pháo dữ dội vào đội hình của TQLC nhưng sau đó Không quân đã dập tắt, khóa các họng đại bác của đối phương. Kết quả trong ngày hành quân đầu tiên, liên quân Việt-Mỹ đã loại ngoài vòng chiến 140 CSBV.
Từ 18 đến 20/7/1966, Chiến dịch Hastings-Lam Sơn 289 tiếp diễn ra ở mức độ khốc liệt, trong ba ngày này, có thêm 202 CSBV bị hạ sát tại trận địa, nâng số tổn thất của CSBV lên đến 342. Ngày 21 tháng 7/1967, CSBV đã cho điều động sư đoàn 324 B và lữ đoàn Giới tuyến vượt sông Bến Hải xâm nhập vào phía Tây Quảng Trị. Lữ đoàn Giới tuyến CSBV đóng tại Vĩnh Linh-một phủ (tương đương với quận) ở cực Bắc của tỉnh Quảng Trị trước hiệp định Genève, được lệnh tăng viện toàn bộ cho lực lượng CSBV tại phía Nam Bến Hải.
Trở lại với chiến dịch nói trên, được sự yểm trợ rất mạnh của Không quân, từ ngày 21 đến 30/7/1966, Liên quân Việt-Mỹ đã lần lượt đánh bật các tiểu đoàn CSBV ra khỏi các vị trí cố thủ. Để tiêu diệt cường lực của địch, trong hai ngày 30 tháng 6/1966, B 52 đã dội bom dọc theo Bến Hải, trên một chiều dài 13 km. Sau 19 ngày liên tục truy kích CQ, Liên quân Việt-Mỹ kết thúc cuộc hành quân Lam Sơn 289-Hastings vào chiều ngày 3 tháng 8/1966 với kết quả: 883 CQ bị hạ, 15 bị bắt, 228 vũ khí cá nhân và 28 súng cộng đồng bị tịch thu. Phía tổn thất của liên quân Việt-Mỹ được ghi nhận là rất nhẹ.

* Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và Sư đoàn 1 Bộ binh VNCH tại phòng tuyến phía Nam Bến Hải:


Sau khi cuộc hành quân kết thúc, để ngăn chận CQ hoạt động tại khu vực giới tuyến, sau khi thảo luận với Tướng Lãm, Trung tướng Walt đã để lại 3 tiểu đoàn TQLC đóng quân tại khu vực phía Nam Bến Hải. Thượng tuần tháng 9/1966, ba tiểu đoàn này bung rộng các đại đội hoạt động tuần tra và đã phát giác có nhiều đơn vị CQ đang xâm nhập vào các xã thuộc quận Trung Lương (quận giới tuyến). Để chận đứng các đợt xâm nhập của đối phương, tướng Walt cho tăng cường thêm lực lượng TQLC để rải quân từ giữa Cửa Việt và Khu Phi Quân Sự. Đến cuối tháng 9/1966, lực lượng Liên quân Việt Mỹ gồm có 7 tiểu đoàn TQLC và 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh VNCH.
Cũng trong tháng 9/1966, vào ngày 14, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ phối hợp với Sư đoàn 1 Bộ binh tổ chức cuộc hành quân mang tên Prairie nhằm tảo thanh CSBV quanh khu vực giới tuyến. Một ngày sau, Bộ Tư lệnh Lực lượng 3 đặc nhiệm Thủy bộ lại tổ chức tiếp khởi động cuộc hành quân thứ hai mang tên Deck House Quage đổ bộ 12 ngàn TQLC vào phía Nam Bến Hải từ hướng Cửa Việt. Cuộc hành quân này nhằm tiếp ứng cho các đơn vị đang tham dự cuộc hành quân Prairie. Với một lực lượng hùng hậu được điều động trong hai cuộc hành quân cách nhau 1 ngày, Liên quân Việt-Mỹ đã buộc CQ phải rút lui về phía Tây Bến Hải. Trong cuộc lui binh này, nhiều đơn vị CSBV đã bị các tiểu đoàn Việt-Mỹ rượt theo không cho địch quân kịp củng cố đội hình. Sau hơn 2 tuần nỗ lực truy kích địch, các đơn vị bộ chiến VNCH và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã hạ tại chỗ hơn 1 ngàn CSBV.

* Đại tướng Westmoreland và kế hoạch chận địch từ Bến Hải đến Khe Sanh:
Trong những lần ra thăm Trung tướng Walt tại Đà Nẵng và các đơn vị TQLC Hoa Kỳ hoạt động tại Quảng Trị, Đại tướng Westmoreland đã ghi nhận như sau: "Tôi nhận thấy TQLC có lòng tự tin rất mạnh, thật đáng kính phục, nhưng họ lại đánh giá thấp địch quân. Nhân một cuộc duyệt xét kế hoạch hành quân trong tháng 9 mà tôi đã chỉ thị cho Tướng Walt thực hiện, tôi mới hiểu tại sao như vậy, nhất là họ đánh giá thấp cuộc tấn công của địch vào căn cứ của Lực lượng Dặc biệt tại Khe Sanh (trong năm 1966)."
Cũng cần ghi nhận rằng trước khi CSBV tung 4 sư đoàn chủ lực tổng tấn công vào Khe Sanh trong suốt 3 tháng đầu của năm 1968 (Mậu Thân), thì ngay từ tháng 10/ 1966, Đại tướng Westmoreland đã từng lưu ý Trung tướng Walt và bộ tham mưu TQLC về tình hình biên giới Việt-Lào. Đại tướng Westmoreland khẳng định với Tướng Walt rằng Khe Sanh chắc chắn sẽ là mục tiêu mà CQ nhắm đến trong vòng 6 tháng đến. Đúng như Đại tướng Westmoreland dự đoán, ngày 24 tháng 4/1967, CQ đã tập trung 2 trung đoàn tấn công vào các tiền đồn của phòng tuyến Khe Sanh. Trận chiến kéo dài đến tháng 13 tháng 5/1967 mới kết thúc, và hơn 8 tháng sau, CQ đã tung một lực lượng gấp 6 lần để mở cuộc tấn công quy mô vào Khe Sanh.
Sau khi lưu ý Trung tướng Walt, Đại tướng Westmoreland chỉ thị cho Bộ tư lệnh Lực lượng 3 Thủy bộ/TQLC tái nghiên cứu khả năng của địch và chỉ thị cho đơn vị Ong Biển của Hải quân HK đến Khe Sanh để giúp quân trú phòng mở rộng phi trường để phi cơ C-130 có thể lên xuống trong mọi thời tiết. Vị tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Hoa Kỳ ra lệnh kế hoạch thực hiện phải chạy đua theo thời gian vì thời tiết khắc nghiệt sắp đến tại khu vực này và CQ đang chuẩn bị tấn công. Khi công tác xây dựng phi đạo Khe Sanh đang diễn ra, thoạt đầu, Đại tướng Westmoreland lấy làm lạ là CQ không tìm cách cản trở, nhưng sau đó ông suy luận ra rằng "địch nắm chắc thế nào phi trường cũng vào tay mình nên không cần ngăn chận".
Trước những diễn biến của tình hình chiến trường giới tuyến và khu vực phía Tây Bắc Quảng Trị, Đại tướng Wesmoreland nhận thấy trách nhiệm ngăn chận CSBV xâm nhập đang đè nặng trên vai các đơn vị Việt-Mỹ đang hoạt động tại phía Nam Bến Hải, ông liền tìm cách cho tăng cường lực lượng và bố trí một số đơn vị Pháo binh tầm xa của Lục quân Hoa Kỳ. Tướng Westmoreland phân tích rằng địa thế ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị nằm trong tầm tác xạ của pháo binh CSBV từ bên kia sông Bến Hải bắn sang, do đó ông thấy cần phải có một số căn cứ hỏa lực với các khẩu pháo tầm xa để đối phó. Trước tiên ông ra lệnh điều động pháo đội 175 ly gần Sài Gòn và 1 tiểu đoàn pháo binh Hoa Kỳ trang bị loại đại bác tầm xa vừa mới đến Việt Nam, được đưa hết ra Quảng Trị. Các khẩu đại bác này có tầm bắn xa 32 km, nên nếu đặt tại Đông Hà thì có thể bắn qua vùng Phi Quân Sự và có thể lên đến gần Khe Sanh được. Ngoài ra ông còn tăng cường một tiểu đoàn pháo binh 105 mm không giật để làm lực lượng pháo binh an ninh diện địa. Tất cả cho kế hoạch giữ vững cụm phòng tuyến từ Nam Bến Hải bọc lên biên giới Việt-Lào.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.