Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

19/10/200900:00:00(Xem: 4518)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Tên Quỳnh từ ghế trên quay xuống lịch thiệp:
- Thưa.... anh công tác ngành gì"
Tôi không nghĩ là y lại hỏi chuyện tôi. Ngước lên nhìn y, tôi thấy y có bộ mặt cũng sáng sủa, và đôi mắt thật sáng. Để khỏi lôi thôi trong chuyến đi, tôi trả lời một cách bất đắc dĩ:
- À, tôi công tác.... làng nhàng, trong ngành báo chí!
Tôi nói như thế, phần vì biết giọng tiếng Bắc của tôi rất đậm, và ngành báo chí thì ít lề thói, chuyên môn. Hơn nữa, tôi cũng hiểu biết một chút về ngành này ở miền Bắc. Không ngờ tên Quỳnh lại càng tỏ ra săn đón. Y rót trà, thuốc lá đầu lọc mời tôi một cách trang trọng. Chắc y suy đoán, một người nói tiếng Bắc "rặt" tương đối đứng đắn thì cũng phải có cỡ, nhất là dưới chế độ cộng sản, như người cỡ của Đảng không chừng. Phần tôi, tôi chẳng có gì và cũng chẳng có một chủ trương gì, tôi chỉ cần chuyến đi này, đừng ai đụng chạm đến tôi là vui rồi. Mới về miền Nam ngày thứ ba đã ra Cấp chơi, không phải là một chuyện thú vị sao"
Xe đi qua chợ Thủ Đức, nhà cửa san sát khác hẳn ngày xưa, vẫn cái mùi nem chua của Thủ Đức phảng phất giàn trải trong không gian. Một vài cụm mây trắng nằm xếp lớp, trải dài phiá trời Đông. Ánh dương lấp ló trong màn mây dầy, đôi khi quắc mắt thò mặt ra như giận dữ, nhìn chiếc xe mầu xanh xậm đang bò trên quốc lộ I.
Xa xa nhìn sang phía phải, ngọn Châu Thới xưa, vẫn đội trên đầu ngôi chùa cũ năm ấy, như nhắc nhở tôi một quãng đời niên thiếu đã qua rồi. Những ngọn dừa ngả dài, ngúc ngắc, như muốn dụi đầu thầm thì chuyện lứa đôi với "sóng nước Đồng Nai", ưỡn ẹo nằm dài cạnh thành phố Biên Hòa. Hai con cuốc đen nhánh, dài cổ ra, cánh khỏa vội vàng từ dưới lòng sông, như cố đuổi theo chiếc xe của chúng tôi, đã rẽ ra phía Vũng Tầu. Một câu nói không thốt thành lời, êm ả vấn vít trong đầu tôi: "Quê hương tôi, nơi nào cũng đẹp!"
Cái mùi nhằng nhặng mằn mặn của khí trời, làm mọi người đều ngoái cổ nhìn ra. Kia rồi! Trời cao lồng lộng, biển rộng mênh mông, sóng réo rì rào. Xe đỗ dưới một lùm cây, hồng hộc lên rồi khò khè... tắt thở. Một bãi cát trắng phau nằm tênh hênh dưới ánh mặt trời đúng Ngọ. Bên ngoài từng đợt sóng, trắng đầu đang lần lượt rủ nhau từ ngoài khơi chạy vào bờ. Trông xa xa như muôn ngàn bàn tay đang vẫy gọi, mời đoàn người trong xe, hãy mau mau xuống đây tâm tình, chuyện trò, chúng tôi đã chờ các ngài lâu rồi!
Tiếng nhí nhéo, rồi một giọng cười ré lên như chiếc mobylette rồ ga, phía cuối xe. Có hai cô tóc dài và một bà tóc quăn cũng đi theo, chẳng hiểu là công nhân hay là thân nhân của đoàn" Đúng là phiên phiến cho qua, chúng ta chủ nghĩa xã hội, mỗi người tự xoay xở, thay quần áo ngay trên xe, rồi đều túa ra mép nước.
Đã lâu ngày nhớ nước.... nhớ biển, tôi chỉ đánh cái quần cộc theo đoàn người nhào xuống nước. Có thể lâu ngày, dư âm sót lại của một thời "vang bóng", và cũng do "ca lo ri" bồi dưỡng hàng tuần nay, tôi xông ra, vẫy vùng với lớp sóng bạc đầu, "sải" ra ngoài khơi. Cuối cùng có ba bốn người theo nhau ra khơi, trong đó có tên Quỳnh (Trung úy Hải quân) trưởng đoàn.
Bơi biển khác với bơi sông hay bơi hồ. Bơi sông, bơi hồ, khi mệt thì cố sang bờ bên kia! Biển phải biết dự trù trước, để bơi trở vào, nếu không có kinh nghiệm, nhiều khi có chuyện buồn xẩy ra.
Về cuối chỉ còn lại ba người, ra khơi chừng khoảng năm, sáu trăm mét rồi đều quay vào vì sóng hơi lớn. Nhiều người nằm dài, phơi mình trên bãi cát. Tôi đang nằm ngửa, dõi mắt theo một cánh chim trời, lạc lõng chống với gió ngược, lướt mình ra phía ngoài khơi xa thẳm. Phải rồi, phía chân trời bên ấy, bên kia đại dương, mới thực sự là khung trời của tự do! Một tia ước mơ như một sợi chỉ đang luồn lách trong tâm tư, thì bóng của anh chàng Quỳnh tiến đến. Y nói còn trong hơi thở chưa, được bình thường:
- Trông anh ốm nhom, mà anh bơi khoẻ he!
Ngồi dậy, hơi thở vẫn chưa đều, tôi cười vả lả:
- Tôi sinh ra nơi đồng chua, nước mặn, quen rồi!
Tất cả đều lần lượt trở ra xe, theo quy định 1:30 chiều sẽ có một bữa cơm ở quán "Mười Lảnh" phía Bãi Sau, do qũy của cơ quan đài thọ.
Một chiếc quán bình thường ở Bãi Sau, nhưng rất rộng rãi, ngay sát gần biển. Tôi và chú Tuất tìm một chiếc bàn con khuất nẻo, cạnh một chậu cảnh hoa nhài, để gửi hồn về Thăng Long xa xôi. Tâm hồn của con người nghĩ cũng lạ, khi ở ngoài Bắc thì ngày đêm cứ hướng lòng mình về Thành Đô của phương Nam. Về Sài Gòn với cha mẹ anh em rồi, lại thấy nhớ nhung xứ "ngàn năm văn vật". Tuy có mấy món ăn đặc biệt, nhưng cũng chỉ có bia hơi, hạn chế mỗi người chỉ một ly.
Vừa lúc chú Tuất chạy sang bàn bên, anh chàng Quỳnh từ một bàn phía trong, cầm một ly bia tiến đến chỗ tôi ngồi, y vồn vã:
- Anh cụng với em một hơi!
Thấy tên này có vẻ mến tôi, có hơi men, tôi nổi hứng lên cơn, cụng ly, uống một hơi. Tôi nghiêm giọng, bất ngờ:
- Mấy tuổi Đảng rồi"
Y nhìn tôi, ngập ngừng vài giây, rồi trang trọng nói nhè nhẹ:
- Em mới được vinh hạnh tuyên thệ tháng 6/1978.
Y nói rồi ngồi yên, hơi cúi đầu, cái làn "vi ba" giác quan thứ sáu của hai người gặp nhau cũng kỳ diệu. Y xưng em ngọt sớt, tôi cứ lên "cương" vô thưởng, vô phạt:
- Hãy nhớ một điều của tôi: Luôn luôn coi Đảng như một tôn giáo, là thần, là thánh. Mọi Đảng viên bắt buộc phải tin ở những nguyên lý và những tín điều, không được phép hoài nghi.
Vẫn còn nhìn xuống ly bia cầm tay, y khe khẽ:
- Thưa anh, em sẽ nhớ!
Chú Tuất trở về thì tên Quỳnh hơi cúi đầu chào tôi, chậm chạp trở về bàn. Thái độ của tên Quỳnh làm cho nhiều người cũng có vẻ nể tôi, riêng chú Tuất cũng ngạc nhiên, ghé gần tôi nói nhỏ:
 Anh làm gì, ông Quỳnh có vẻ trọng, thích anh thế"
Vì chỉ muốn giải quyết buổi đi chơi hôm nay "bình yên", tôi căn dặn chú Tuất:
- Chú nhớ, chú còn gặp Quỳnh nhiều, đã giới thiệu tôi là anh họ từ Bắc vào. Nếu Quỳnh có hỏi thì nói anh ấy đã về Bắc và luôn nói là không rõ, không nói thêm một cái gì khác về tôi.
Hai mươi: Năm năm, mất quyền "công dân"
Sáng thứ Hai, tôi lên Phường 6 theo lời của tên Mậu. Y yêu cầu tôi phải lên Thành phố trình diện ngay buổi sáng nay. Sau khi hỏi kỹ về nơi chốn, và cách thức, tôi đạp xe đến đường Trần Hưng Đạo


Nhìn từ xa, trong một góc sân của CA Thành, tôi thấy hơn một chục người, người mái tóc còn xanh, nhiều người đã muối tiêu, hoặc tiêu nhiều hơn muối. Qua dáng dấp đứng ngồi, nét mặt, tôi đã thấy cũng là dạng như tôi hôm nay. Thấy tôi đạp xe vào sân, còn đang ngơ ngác, một anh nhanh nhẩu, có lòng giúp người:
- Vào nộp giấy ở trong trước, rồi chờ!
Hơi cúi đầu, cười tỏ ra cám ơn, tôi tiến vào trong. Trên một chiếc bàn giấy có hơn một chục tờ giấy, tôi đoán là cũng giống của tôi "giấy ra trại". Sau khi tôi xếp giấy lên bàn, liếc qua một khung cửa rộng, tôi thấy một gian lớn, với nhiều hàng ghế dài, đã có sáu bảy người ngồi. Để tâm hồn được lắng đọng suy tư, tôi xuống phía cuối, ngồi một mình. Gần 9 giờ, các anh ngoài sân cũng lần lượt kéo vào các hàng ghế, ngồi chờ. Trên dưới ba chục người, những người ngồi gần nhau, châu đầu thì thầm chuyện trò.
9 giờ, một tên đeo lon Thượng úy từ phía trong tiến đến chiếc bàn có chồng "Giấy ra trại" lật xem từng tờ một lúc. Y ngẩng lên nhìn khắp lượt, cao giọng:
- Anh nào là ĐCB"
Hơi bất ngờ, tôi đứng dậy, nhiều anh em cũng thấy lạ, quay lại nhìn tôi. Tên Thượng úy vẫy tay:
- Anh lên đây tôi gặp!
Lách ghế, tôi tiến lên gần bàn y, đứng lại. Mặt y tươi lên làm tôi ngạc nhiên. Y nói tiếng Bắc "sệt":
- Không ngờ, tôi lại gặp anh!
Hơi choáng hồn, tôi nghiêm trang chờ đợi. Y niềm nở, cứ như quen biết cũ:
- Anh không nhớ, và biết tôi đâu, vì vụ án của anh ngày ấy, tôi chỉ là một Hạ sĩ chạy giấy tờ.
Tôi tươi hẳn mặt, nhìn y. Lúc đầu y gọi tên tôi, giọng Bắc, tôi đã không ưa, vì mang một định kiến, những tên "ăn cướp" nắm hết những cơ quan chủ chốt, còn người miền Nam chỉ là tượng trưng làm "vỏ bọc" tuyên truyền. Bây giờ, tôi có phần nào thiện cảm, vì y tỏ ra chân thành.
Tôi là người y làm việc đầu tiên, mà không một ai thắc mắc. Ở giai đoạn ấy, chế độ ấy cũng chả một ai dám thắc mắc, kể cả tôi. Nội dung buổi đó là:
- Ngay chiều hôm ấy, tôi phải về trình diện "Phòng Quản Lý Những Người Học Tập Được Về" của quận Tân Bình.
- Đầu mỗi tháng phải lên trình diện CA thành.
- Đầu mỗi tuần phải ra trình diện CA phường.
- Phải có một cuốn vở, ghi rõ hàng ngày: Sáng làm gì, gặp những ai; chiều cũng thế. 7:00 chiều phải đưa cho CA khu vực ký tên mỗi ngày (Vợ tôi sang Mỹ sau, đã mang theo hai cuốn vở này). Tôi được một đặc ân: Sau khi tên Thượng Úy đọc kỹ giấy hộ khẩu của bố mẹ tôi. Mắt y đăm chiêu nhìn tôi, như một sự cảm thông chia sẻ:
 - Xét hoàn cảnh, bố anh 76 tuổi, đã lẩn thẩn. Mẹ anh 73 tuổi, đã bị loà cả hai mắt 16 năm rồi. Đảng và nhà nước chiếu cố cho anh, được tạm trú ở nhà bố mẹ 3 tháng. Cứ ba tháng, anh phải đem tờ hộ khẩu này đến "Phòng quản lý NNHTĐV" xin gia hạn.
Thật cũng lạ đời! Tôi là con trai cả, cũng là người con trai duy nhất của bố mẹ tôi. Mà lại được phép tạm trú ở nhà bố mẹ của mình chỉ ba tháng" Tôi định thắc mắc hỏi cho rõ, nhưng tôi chợt nhớ, 18 năm ròng rã tù đầy. Đã hiểu, người dân của chế độ này, sống trong một cái khuôn, chỉ biết cúi đầu nghe đảng: Đảng đã phán, đã bảo, thì không bao giờ sai cả. Mọi người phải coi như một tín điều của một tôn giáo. Đạo Phật thì có Niết Bàn, đạo Công Giáo thì có Thiên Đàng. Không được băn khoăn thắc mắc, hoài nghi. Nên tôi cố nuốt những niềm u-uất xuống tận đáy lòng.
Nhưng có lẽ y nhìn nét mặt trầm buồn của tôi. Y đã chỉ vào giấy tha của tôi: Án phạt 18 năm, mất quyền công dân trong năm năm. Về một phía tôi thấy mình còn bị o- ép, thắt buộc chặt hơn ngày ở trong tù.
Như thế bản án của tôi không phải 18 năm, mà là 23 năm. Tôi sẽ không tiếc công sức, đem tâm trí, khả năng của mình để quyết tâm chuyển đổi. Tôi cầm tờ giấy tha tù, chậm chạp đi ra. Có mấy anh hất đầu, vẫy tay làm hiệu, các anh muốn hỏi tôi điều gì, tôi chỉ cười, gật đầu như chào, rồi ra chỗ chiếc xe đạp.
Gò lưng, tôi đạp về đường "Cách Mạng Tháng Tám". Cảnh phố phường ngang, dọc của Sàigòn là đây! Nhìn Thành Đô kính yêu và thương nhớ của tôi, nhưng, giờ đây tôi thấy xa lạ. Cái gì cũng xa lạ, như ở một nước khác, tôi đang đi nhờ trên đường. Cũng chợ Bến Thành, cũng đường Lê Văn Duyệt của Sàigòn, của miền Nam trước đây.
 Có đau cũng không dám khóc... Có vui cũng không dám cười! Tư tưởng của tôi chợt loáng về hai ý thơ trào phúng của cụ Uy Viễn tướng công: Khi vui... muốn khóc... Buồn tênh... lại cười... Nếu cụ sống lại thời nay... Chắc chắn cụ ở trong nhà tù CS.
Cái tâm trạng của tôi xa lạ, như 18 năm xưa ở Hànội, khi ấy tôi ở nhà trọ khu Ngã Tư Sở. Ở Sàigòn hôm nay cũng thế! Nhìn những con chim sẻ đậu trên mái nhà, những hàng me ngoài đường phố, tôi có cảm tưởng như chúng cũng đã bị tiêm nhiễm cái chất độc CS. Chúng cũng ngày đêm, rình rập soi mói, nhòm ngó lẫn nhau. Cuộc sống của chúng cũng không còn có thể yên lành.
Tôi có một người bạn thân là Nguyễn Hữu Lợi: Đầu 1955, tôi chạy khỏi Bình Xuyên lên khu định cư Hố Nai Biên Hòa, tôi và Lợi biết và quen nhau từ đấy (xin xem Thép Đen I). Do những sự kiện và thời gian, chúng tôi càng ngày càng thương mến nhau. Để rồi, Lợi trở thành người bạn thân thương nhất của đời tôi. Khi tôi nhận một nhiệm vụ ra Bắc, không nói với bố mẹ, nhưng tôi đã nói sơ qua cho Lợi. Vì thế Lợi là người bạn duy nhất, biết tôi ra Bắc.
Những tháng năm quằn quại trong nhà tù CS, tôi đã nhớ đến người bạn này nhiều lần. Bây giờ trở về, ngoài những chuyện bắt buộc tôi phải làm trước, tôi phải tìm mọi cách để biết về Lợi. Giữa bao nhiêu biến thiên của miền Nam, Lợi còn hay mất, hay như thế nào" Tôi hiểu LợI là một người có ý chí, lập trường, chống ai thì có phần hơi qúa khích. Khi tôi ra đi, nó đang là Tỉnh Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, tỉnh Phước Thành (chiến khu D của CS).
Bố mẹ của Lợi còn lại Hà Nội, Lợi di cư vào Nam cùng với gia đình một bà bác. Do liên đới, tôi đã quen và thân với Nguyễn Vĩnh Lý, là con bà bác ấy và cũng là anh họ của Lợi. Lý và tôi cùng vào lớp tình báo ở số 2 Jean Jacques Rousseau (Thép Đen I). Vì cùng ở Sài Gòn đi học, nên Lý và tôi vẫn thường xuyên gặp nhau ở nhà Lý, tại khu Đa Kao, Phú Nhuận Sài Gòn. Do đấy, tôi phải đến nhà Lý mới biết tin về Nguyễn Hữu Lợi được.
Sáng ngày hôm sau, lọc cọc đạp xe đến vùng Tân Định, tâm trạng của tôi cũng bồi hồi xúc động không ít. Tất cả mọi tình huống không thể đoán trước được. Cứ theo định vị trong đầu, ngoằn ngoèo vài ngõ hẻm. Vùng này chẳng khác xưa bao nhiêu, không như những vùng khác.
Tôi đã đến một ngôi nhà, có lưới thép chống ruồi, muỗi. Một bà cụ già đang chậm chạp đu đưa, trên một chiếc võng. Tôi hồi hộp ngó nghiêng để định hình. Rõ ràng bộ mặt hiền, đôn hậu mẹ của Lý. Tôi mở móc cửa, bước vào đến bên bà cụ. Thấy động bà cụ ngồi lên, nhìn tôi đăm đăm. Tôi biết bà cụ chưa nhận ra tôi, phần vì gầy ốm, phần vì đã không còn là một cậu thanh niên tươi trẻ ngày xưa. Không thể kìm hãm được lòng mình, tôi ngồi xuống đặt nhẹ một tay vào tay bà cụ, nghẹn ngào:
- Cụ còn nhớ con không"
Bà cụ lại mở càng to mắt hơn, rồì như chợt nhận ra, vì nước mắt cụ đã chạy vòng, cụ nói thều thào:
- Anh Bình!
Rồi nước mắt của cụ đã tràn xuống má, cụ bóp nhẹ tay tôi. Tôi hỏi trong nỗi lắng lo:
- Thằng Lý bây giờ ở đâu, cụ"
Nước mắt bà cụ lại dàn ra nữa, cụ không nói ra lời, cái miệng của cụ méo xẹo đi, tay của cụ chỉ xuống nền nhà. Người tôi như đang đu võng, tôi hỏi dồn dập:
- Thằng Lý làm sao hả cụ"
Bà cụ nấc lên, rồi cố gắng nói trong cuống họng:
- Nó chết 6 năm rồi!
Tôi định hỏi, nó chết vì sao thì tiếng chân người trên gác đi xuống, qua tấm màn " sáo" tôi đã nhìn ra chị Thọ. Mắt của chị sững lại nhìn tôi chằm chằm, giọng của chị vẫn còn trong suốt như xưa.
- Cậu Bình hãy còn sống ư"
Rồi chị rút khăn ra lau mắt, còn tôi cũng không thốt ra lời!
Sau những phút hàn huyên của những tháng năm dài xa cách, tôi được biết sơ lược: Bà cụ Lý có sáu người con, ba người con trai và ba người con gái, chị Thọ là cả. Nguyễn Vĩnh Lý, đã chết từ 1974.  Nguyễn Đức Lập, đã vào trường Sĩ quan Thủ Đức và đã chết trận, để lại vợ và hai con. Nguyễn Thành Phong, người em út cũng đã chết do vượt biên đường bộ sang Căm - Pu - Chia, (cuối 1976).
Tôi bàng hoàng, bao nhiêu người đã chết, cả cậu em trai của tôi. Còn tôi, tôi đã đi vào chỗ " thập tử nhất sinh " lại sống trở về, đúng là lẽ đời thật huyền diệu!
Tôi vội hỏi đến Nguyễn Hữu Lợi. Được biết Lợi hiện nay khá giả, đã có bốn con, đang ở phía bên Cầu Kinh, Gia Định. Tôi và chị Thọ hẹn nhau, sáng mai chị sẽ dẫn tôi sang nhà Lợi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.