Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.
*
(Tiếp theo...)
Lưỡng lự một hai giây, tôi ngồi nhìn thẳng y. Để "bắt mạch" món hàng buổi đầu, y nghiêm giọng:
- Từ Thanh Hóa về đây chỉ 3-4 ngày, hôm nay đã 7 ngày, vậy còn 3 ngày nữa anh đi đâu"
Tôi hơi nhếch mép. Y phải nhìn thấy cái nhếch mép của tôi. Đến những bậc thầy của y tại phòng phản gián, và chấp pháp của Hà Nội, tôi còn đối ứng được, huống chi là một tên công an phường. Điều quan trọng là phải quán thấu tình trạng, điều kiện và cái quyền có thể của mình. Trong hoàn cảnh tầu, xe Bắc Nam hiện nay, những chuyện trục trặc, trở ngại là chuyện thường xuyên, không ai định trước được, vả lại có điều khoản nào trong giấy tờ ấn định ngày, giờ phải có mặt tại nhà đâu" Nghĩ như thế, tôi nhìn thẳng vào mắt y, thủng thẳng, ôn tồn nói:
- Tôi bị trở ngại tầu dọc đường!
Tên này cũng rất nhạy cảm, tuy tôi chỉ nhã nhặn nói như vậy, nhưng y đã thấy tôi không phải là loại trộ nạt được. Sơn ăn từng mặt! Mềm nắn, rắn buông! Y dịu giọng:
- Anh được Đảng và nhà Nước tha cho về địa phương, anh phải chấp hành mọi đường lối, chính sách của địa phương. Hơn nữa, anh còn đang ở dạng quản chế!.
Lại gặp những "con vẹt" và "loài nhai lại", tôi đứng thẳng lên, nhưng vẫn rất lễ độ, ôn tồn:
- Hôm nay buổi đầu được gặp các ông, chắc rằng tôi còn được gặp ông nhiều lần nữa. Hiện giờ mẹ tôi đang bị ngất ở nhà, xin phép ông tôi về xem mẹ tôi sống, chết ra sao!
Nói rồi, tôi hơi nghiêng người như chuẩn bị trở về. Tên Trung úy, sau này tôi biết y là Mậu, trưởng CA Phường 6, cũng đứng lên dõng dạc:
- Sáng thứ Hai, anh lên đây nhận chỉ thị!
Hôm nay là thứ Sáu. Tôi quay lại tỏ ra đường hoàng, nhưng rất nhã nhặn:
- Xin cảm ơn. Tôi sẽ lên gặp ông sáng thứ Hai!
Tôi trở ra ngay, trước sáu, bảy tên CA đứng phía trong nhìn theo. Tôi rảo bước nhanh chân, gần về tới nhà thì có một cô gái tóc dợn sóng chừng ba chục tuổi, đang hối hả đi ngược chiều tôi. Cô ta đi qua, còn ngoái lại. Tôi cũng vậy. Cô đó hơi ngượng ngùng quay lại nhìn tôi ngập ngừng:
- Xin lỗi có phải anh là.......
Niềm xúc động của tôi lại cuộn lên, tôi chộp lấy tay cô và kêu lên:
- Thu à"
Nước mắt của em túa ra, miệng méo xệch. Đè nỗi thổn thức vào lòng, tôi hỏi ngay:
- Mẹ sao rồi"
Em Thu đã cầm cả hai tay tôi kéo về phía nhà, miệng còn hổn hển vì xúc động:
- Mẹ tỉnh rồi, không sao cả anh ạ! Mẹ và bà con bảo em ra phường xem anh ra sao!
Hơi yên lòng, tôi dắt tay Thu, và nhìn em. Khi tôi rời xa, em là một cô bé 13 tuổi, thế mà bây giờ... Mới nghĩ tới đấy, tôi và em đã bước vào nhà, vẫn còn bốn, năm bà và một ông trong nhà. Thầy mẹ tôi đang ngồi cạnh nhau, trên chiếc giường của mẹ tôi phía trong. Thấy tiếng tôi về, mẹ tôi quay ra, nhưng.... mẹ ơi! Mẹ đâu có nhìn thấy con! Tôi chợt nghĩ đến đứa em trai tên là Công Lý, khi tôi rời xa, em Lý 17 tuổi đang học Đệ Tam trường Hồ Ngọc Cẩn. Từ sáng tôi về chỉ thấy hai ông bà già, đã làm rối loạn lòng tôi, nên chẳng còn tâm trí nghĩ về em Xuân, em Lý và em Thu. Tôi quay lại hỏi thầy mẹ tôi, nhưng trong nhà ai cũng nghe:
- Thầy mẹ ơi! Em Lý ở đâu"
Mẹ tôi lại gục xuống gào lên:
- Nó chết rồi.... con ơi!
Như một hơi ép nén ngược lại, làm cho tôi không thở được, tôi phải để tay lên ngực và một bà đỡ cho tôi ngồi vào một chiếc ghế. Trong khi thầy tôi cứ nấc lên rồi lại kêu rồ.... rồ như vướng cái gì trong cổ họng, còn em Thu đứng dựa, gục đầu vào tường vai rung lên không nói ra lời. Tay tôi vẫn đè ở ngực, một nỗi đau như xé tim tôi, mà không hề chảy một giọt nước mắt. Thấy bố mẹ và em Thu thì nước mắt chảy ra không kịp lau, nghe tin em trai duy nhất chết lại chỉ có đau mà không có nước mắt. Có thể hạch nước mắt của tôi đã hết nước, hay nỗi đau đã dồn vào tim, vào óc" Tâm tư của tôi lại chảy ngược về em Xuân, cô em lớn sát tôi, em đã có hai con trước ngày tôi ra Bắc. Tôi đã góp phần giới thiệu để chú ấy làm công nhân, ở Công Binh Xưởng Hải Quân Ba son.
Tôi quay lại, hỏi nhỏ em Thu:
- Vợ chồng chú Tuất, cô Xuân thế nào"
Có lẽ vì còn đông các bà, nên em Thu chỉ vắn tắt:
- Anh chị ấy vẫn ở bên Lăng Cha Cả!
Thấy hai giòng nước mắt vẫn chảy ra từ hai con mắt lòa nhắm nghiền của mẹ, tôi lại trèo lên giường ngồi bên mẹ, thì thào vào tai mẹ, nũng nịu như ngày còn bé:
- Sao mẹ còn khóc nữa hở mẹ"
Mẹ tôi nấc lên liên hồi, vừa nói, vừa khóc:
- Mẹ thương... thằng Lý qúa!
Mười chín: Trở về Thành Đô
Chúa ơi! Con nhìn chỗ nào gia đình con cũng thương đau cả! Nhìn đôi mắt lòa của mẹ, lòng tôi như mềm nhão ra. Tôi muốn biết nguyên nhân vì sao mẹ tôi bị lòa, và lòa từ bao giờ, nhưng mẹ tôi đã bẻ quay hồn tôi về phía em Lý. Tôi định cất tiếng hỏi vì sao Lý em trai độc nhất thương yêu của tôi chết" Và từ bao giờ" Một số các bà kiếu từ, để cho chúng tôi trao đổi riêng tư chuyện gia đình. Họ đồng loạt chào bố mẹ tôi. Tôi đến từng bà, với đôi mắt còn ướt sũng thương đau:
- Những ngày tới cháu sẽ đến kính chào và thăm hỏi gia đình. Hôm nay cả gia đình cháu đã đón nhận lòng nhân hậu đùm bọc người hoạn nạn của qúy bà.
Tôi quay vào thì em Thu đang ngồi bóp vai cho mẹ. Thầy tôi sau khi hút điếu thuốc lào đã bỏ mùng nằm yên rồi. Tôi sà đến bên mẹ, cầm bàn tay nhăn nheo của mẹ, và khẽ hỏi em Thu vì sao mẹ bị lòa"
Từ khi tôi lớn lên biết cuộc đời, tôi đã thấy mẹ bán vải tấm từ ngoài Bắc. Trước hội nghị Genève 1954 người cũng chỉ bán vải. Người đã tần tảo ngược xuôi để nuôi bốn anh em chúng tôi, và tạo lập một gia đình. Như tôi đã trình bày trước đây, bố tôi là một võ sư về môn quyền thuật phái Thiếu Lâm, đến nay bố đã 76 tuổi rồi. Tôi đâu có ngờ một người võ sư quắc thước của 18 năm xưa, bây giờ là một cụ già chống gậy, tâm thần đã lẫn lộn. Khi tôi nhận một nhiệm vụ nhỏ bé vào đất thù, bố mẹ tôi không hề biết như tôi đã trình bày chi tiết ở Thép Đen I.
Mẹ tôi vẫn bán vải ở chợ Nam Hòa, tôi là con trai cả, đột nhiên đi đâu mất tiêu, mẹ tôi đã chảy nhiều nước mắt trong bao đêm ngày, cho đứa con hẩm hiu xấu số để rồi mấy tháng sau, mắt của người sưng lên. Theo em Thu nói, có lần mắt mẹ chảy máu, đã chạy chữa nhiều thuốc, nhiều thầy nhưng không khỏi. Ngồi nghe em Thu thuật lại nỗi niềm, tôi cầm tay mẹ và nhìn mắt mẹ.