Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

04/10/200900:00:00(Xem: 3891)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Tôi nhìn anh chị nói tiếp:
- Không nói những nước anh đã đến, mà tất cả các nước CS hay XHCN cũng sẽ đều như thế, và sẽ như thế mãi mãi. Những nước ấy chả có bác Hồ. Và như Liên Xô, Trung Quốc thì đừng hòng. Đế quốc nào bao vây kinh tế, nếu không nói là chính những nước ấy đang đe dọa, o- ép nhiều nước khác. Những lúc thanh vắng, ngồi một mình, anh chị hãy chịu khó suy nghĩ mọi sự việc, bằng chính bộ óc độc lập của mình. Tôi tin anh chị sẽ nhìn rõ nhiều vấn đề, của thời đại chúng ta.
Khi thì trò chuyện, khi thì gửi hồn vào những chuyện không đâu, để rồi con tầu Thống Nhất đã đi mấy ngày đêm, tôi cũng không hay, cho tới khi tầu ngừng ở ga Bình Triệu. Khi đó đã 11 giờ đêm, tôi và anh chị Thanh vội vàng lấy địa chỉ của nhau.
Lúc này mới đẻ ra một trở ngại: Phía tôi, địa chỉ của bố mẹ không biết có còn như xưa không" Phía anh chị Thanh, mới vào, chưa nhận công tác. Tôi đành đưa cho anh chị Thanh hai địa chỉ ngày xưa, của bố mẹ tôi và của vợ chồng người em gái, nếu có duyên thì sẽ tìm gặp lại nhau.
Tôi và anh chị Thanh cũng không biết tại sao xe hỏa cuối năm 1980 chỉ ngừng ở Bình Triệu, mà không vào thành phố Sàigòn" Anh chị Thanh, cháu nhỏ và tôi đã chia tay nhau ở ga Bình Triệu. Phần tôi, vai vẫn khoác cái tay nải cũ, dép râu và bộ quần áo tù mầu xám. Tôi có hai bộ quần áo tù, một sọc, một xám. Bộ xám thì có dấu hắc ín, chữ "Cải Tạo" to tướng trước và sau lưng.
Trên tầu bước xuống đường nhựa, đèn điện đêm sáng trưng. Tôi ngơ ngác nhìn xa lộ rộng thênh thang. Tôi không xác định được phương hướng, phía trái hay phía phải về Sài Gòn" Một chàng trai Hà Nội, một chàng trai Sài Gòn và còn là một điệp viên nữa, thế mà lại "ngố rừng" như vậy, thật là chuyện cười đáng buồn. Tôi định hỏi thăm, nhưng lòng cũng hơi ngượng ngùng, nên miệng khó mở ra. Giữa hàng chục phút "ngắc ngư con tầu đi", có một cậu xích lô còn trẻ, chừng 16 -17 tuổi quành xe lại hỏi:
- Chú đi bộ à, chú có đi xe không"
Tôi đã có chủ trương là sẽ dùng đôi chân lang thang, đi những bước đầu tiên trên Thành Đô xưa cũ của tôi, nhưng thái độ ngộ nghĩnh của cậu xích lô, làm tôi đổi ý. Tiền bạc không có bao nhiêu trong túi, nên tôi phải hỏi:
- Từ đây về đường Bắc Hải, khu Ông Tạ thì cậu lấy bao nhiêu"
Đã không trả lời trực tiếp, cậu ta còn ríu rít hỏi lại:
- Chú mới ở trại cải tạo ra ư" Hơn một năm trước, ba cháu cũng được tha ra!
Tôi biết cậu đã nhìn rõ cái áo tù của tôi. Mặc thái độ đon đả của cậu này, tôi vịn tay vào thành xe, dịu dàng nhắc lại câu tôi đã hỏi. Cậu ta nhẩy xuống xe, vừa kéo ngay lại chiếc đệm xe, tay đập đập như phủi bụi, vừa như thúc giục:
- Chú cứ lên xe ngồi đi, rồi chú cháu mình nói chuyện.
Đường khuya, phố vắng, cái phút ban đầu gặp lại Thành Đô yêu dấu, thương nhớ đã êm ái, ấp ủ trong lòng tôi gần hai chục năm, hôm nay mới nhìn thấy mặt. Sài Gòn ơi! Người là viên ngọc qúy trong lòng tôi! Giọng cậu xích - lô đã làm ngắt quãng dòng tư tưởng của tôi:
- Ba cháu bị cải tạo hai năm, còn chú chắc phải ba năm, nên bây giờ mới được tha ra"
Cái giọng nhè nhẹ reng rẻng của miền Nam; chất phác ngọt ngào như trái dừa nước của Bến Tre, Định Tường. Một nguồn hứng cảm đã bừng dậy trong lòng, tôi khoắng tay, ý muốn ngừng xe lại:
- Chú cháu mình hãy hút một điếu thuốc, cho hồn mình lang thang đã!
Nhanh nhẩu, tôi lấy bao thuốc Trường Sơn đập điếu thuốc cho ló khỏi bao, đưa lại phiá cậu. Cậu bé tên Dân, nhẩy xuống rút điếu thuốc rồi bật diêm cho cả cậu và tôi. Cậu bé ngửa cổ thở khói, rồi hỏi ngay.
- Thuốc gì mà cái "gu" lạ thế"
Tôi không ngờ khi ấy cộng sản chưa đưa thuốc này vào miền Nam, nên tôi ôn tồn giải thích:
- Thuốc Trường Sơn là loại phổ biến ở Hà Nội, cũng như ở cả miền Bắc lâu rồi!
Dân mở to mắt hỏi ngay:
- Vậy chú ở ngoài Bắc vào ư"
Tôi đành phải nói sơ sơ vài nét để cậu bé này đỡ băn khoăn, tò mò. Xe đang đạp ngon trớn, chuyện trò rôm rả, từ xa có mấy người quần áo xam xám đeo băng đỏ, dựng hai khẩu CKC ngồi, nằm chắn ngang ngay mặt đường. Gần đến nơi, cậu Dân đã phải ngừng xe lại.
Bốn, năm cậu đồng phục xanh xám, băng đỏ tiến lại, sau một lúc trao đổi, và nhất là sau khi các cậu băng đỏ xem giấy ra tù của tôi, một cậu là tổ trưởng cái tổ Thanh Niên Xung Phong đó, đã vồn vã:
- Trời ơi! Sao chú ở tù lâu thế! Mười hai giờ tất cả thành phố đều giới nghiêm, chúng cháu có để cho chú đi, vào tới trong kia chú cũng không đi được. Chú hãy đến chỗ chúng cháu uống nước, hút thuốc, nói chuyện cho chúng cháu nghe, rồi 3 giờ cháu sẽ để chú đi sớm nhất!
Nhìn lên, đây là đường Hồng Thập Tự, tôi quay ra nói với cậu Dân, và hỏi hết bao nhiêu tiền, vì cậu còn phải trả tiền mướn xe để chạy. Cậu nhất định không lấy tiền, và nói một câu vẫn còn hằn trong lòng tôi, từ buổi đầu hôm ấy:
- Dù cháu có đưa chú tới nhà, cháu cũng không lấy tiền, huống chi đang giữa đường. Cháu đạp xe cho chú, cũng như đạp xe cho ba cháu!
Tôi không thốt ra lời, vì xúc động. Tôi lấy một bao Trường Sơn mới (tôi có một "tút", mua theo anh chị Thanh ở Vinh để làm qùa) rồi ôm lấy cháu Dân:
- Rồi đây, dù chú cháu mình không gặp lại, nhưng chú sẽ ghi hình ảnh buổi hôm nay, chú cháu mình gặp nhau!
Ngồi vây quanh lấy tôi, bốn năm cậu thanh niên xung phong say xưa tò mò nghe bao nhiêu chuyện, mà trước đây chưa bao giờ nghe. Thuốc lào, thuốc lá, thậm chí cả bánh kẹo các cậu ấy nồng hậu mời mọc, để cuối cùng chớm 3 giờ sáng với những cái bắt tay, những cái ôm chân thành lưu luyến, chúng tôi từ giã nhau.
Một mình tôi sải bước về phía Hòa Hưng. Vừa đi, đầu óc tôi lảng vảng về các cậu thanh niên xung phong, vừa qua. Ngay ở miền Bắc, những thanh niên đã được thâm ý dầy công trồng người, của lão "cáo" mà tôi tiếp xúc còn thiện mến, huống chi ở miền Nam. Tôi vẫn tin tưởng: Mình có sự thật là chân lý, biết ứng dụng nhuần nhuyễn với kinh nghiệm bản thân, thì thường hơn hẳn.


Nhìn đường phố trong ánh đèn đêm, tuy là "đường xưa, lối cũ" nhưng tôi vẫn cảm thấy một cái gì là lạ trong lòng. Nó không còn trọn vẹn cái thân thương, gần gũi tôi vẫn ấp ủ trong tâm tưởng bấy lâu. Gần 4 giờ, tôi đã đi qua nghĩa địa Đô Thành, với cái định vị trong đầu thì đây phải là đường Bắc Hải, nhưng sao đã thay đổi hết rồi.
Tôi nhớ ngày xưa, hầu hết các nhà trên con đường này đều lợp tôn, nhà gỗ. Hồi ấy một bên là tường xây của nghĩa địa, một bên là những ngôi nhà sàn, phía nửa sau nhà trên nước, nhưng bây giờ thì cả hai dẫy phố, nhà cửa hai ba tầng lầu. Chân cứ bước dần vào phía Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa và xứ Nam Hòa, mà lòng ngẩn ngơ như đi vào xứ lạ. Không còn một hình ảnh nào, để tôi nhận ra "cảnh cũ người xưa."
Tôi đã nhìn thấy ngôi nhà thờ Nam Hòa, xưa làm bằng gỗ, lợp tôn, nhưng bây giờ là một nhà thờ tân kỳ, kiểu mới. Tuy không có đồng hồ, nhưng qua dáng trời và ước định thời gian, tôi đoán có thể khoảng 4:15 hay 4:30 sáng. Tiếng chuông sớm của nhà thờ thánh thót vào khung trời đêm Nam Hoà, cũng làm rung rinh hổn hển lòng tôi sắp gặp lại đấng sinh thành. Chợ Nam Hòa, xưa là những căn lều bốn cọc trống trải, giờ đây là những gian hàng xây ngăn nắp. Tôi còn đương ngơ ngác, ngỡ ngàng, thì thoáng có tiếng người nói chuyện từ một hẻm, rồi bóng dáng của ba người mặc áo dài trắng đi ra, đoán là những người đi lễ sớm, tôi tiến ra đón đường lễ phép:
- Xin vui lòng chỉ nhà của cụ Phúc (bố mẹ tôi) ở phía nào dùm"
Cả ba người phụ nữ đều kéo nhau chạy về phía nhà thờ! Tôi bàng hoàng, không hiểu vì sao. Hay cụ Phúc không còn, hay không có ở đây" Xác định vị trí các ngõ, đường ngày xưa, tôi quyết định vào một đường hẻm. Trong tâm tưởng của tôi, ngôi nhà của bố mẹ tôi tường xây, lợp tôn. Trước nhà có một cây trứng cá, mà thỉnh thoảng tôi còn hái qủa chín ăn và cho em Lý và em Thu ngày ấy.
Tất cả nhà cửa, phố, đường đều đã đổi thay. Nhưng với óc định vị của nghề nghiệp, tôi xác định được một ngôi nhà. Đó là ngôi nhà hai tầng lầu. Cái ngõ ngày xưa đất cát đỏ, giờ đây là ciment bê tông, xe tắc xi đi vào được. Tôi lần bước tiến đến ngôi nhà cửa đóng, nhòm vào tối sáng lờ mờ, không thể nhìn rõ vật dụng. Thoáng thấy căn nhà ba lầu trước cửa, trong bóng "cửa chớp" có bóng người tóc quăn vì ánh đèn mới bật, chiếu ra, tôi tiến sang, nhã nhặn:
- Thưa, cho tôi hỏi thăm một chút ạ!
Bóng tóc xoăn biến mất tiêu!
Đành trở lại ngôi nhà, tôi xác đoán là ngôi nhà của bố mẹ. Trời sáng dần, nhìn vào một lần nữa. Một chiếc ghế bành trong bộ ghế ngày xưa đã phòi bông gòn ra ngoài, chiếc giường gỗ của bố ngày ấy, bỏ màn nhưng không có người. Đúng rồi, ngay cái mùi quen thuộc thương yêu ruột thịt của bố mẹ, đã tràn cả ra ngoài cửa sổ. Tôi đoán, có thể là các người đi lễ sớm! Tôi quay lại, thoáng thấy những bóng người trên ban công ở các nhà đối diện chạy vào trong nhà, rồi những bóng người thập thò trong các cửa sổ những nhà phía trước cửa. Trời càng sáng rõ. Trầm ngâm, tôi nhìn xuống đôi dép râu, rồi chiếc quần, tôi chợt hiểu. Chính vì cái dáng dấp và quần áo, không giống ai của tôi (trong giai đoạn cuối năm 1980), đã làm người ta tránh xa. Bây giờ thì mấy ban công đối diện, họ bảo nhau bước ra nhìn xuống tôi, thì thào bàn tán.
Cũng đúng khi ấy, thì lễ sớm nhà thờ tan. Từ xa, phía nhà thờ, có một cụ già tóc bạc phơ, với dáng gầy gầy, cao cao, đôi mắt lờ đờ, đang chống gậy lần bước tiến về. Mắt tôi tự nhiên mờ đi, niềm xúc động ứ lên làm run rẩy cả người, tôi tiến đến cầm vào tay người, miệng tôi thều thào:
- Thầy!......
Thầy tôi ngơ ngác. Tôi nghẹn ngào nói lại:
- Thầy ơi! Con đây!
Tay thầy tôi run run để lên vai tôi, giọng hổn hển:
- Con là.... người, hay... là ma"
Nước mắt tôi đã chảy xuống má, cả hai tay tôi cầm nhẹ vào tay chống gậy của thầy. Trong niềm xúc động ứ tràn, miệng tôi nói ngập ngọng trong cái mằn mặn của nước mắt:
- Con là người đây... Thầy ạ!
Miệng thầy tôi nói thều thào không thành tiếng. Thầy tôi rời tay khỏi vai tôi, run run móc trong túi, rút ra một chiếc chìa khóa đen và dài. Tay tôi đỡ chiếc chìa khóa, nhưng mắt tôi nhìn những bóng người phía sau thầy tôi, đang túa ra từ phiá nhà thờ:
- Mẹ đâu... hở thầy"
Tôi đỡ tay, dẫn người đến cửa. Thầy tôi hơi ngoái đầu lại phía nhà thờ, giọng hãy còn thều thào, hổn hển:
- Mẹ mày.... về... sau....!
Tôi đút chiếc chìa vào lỗ, tay run hay vì nước mắt mà mãi không được. Một ông đã đỡ chiếc chià khóa mở hộ. Lúc này hàng chục người vây chung quanh, cả những người hàng xóm thập thò trên ban công từ sớm cũng kéo xuống, vào đầy nhà từ trong đến ngoài. Tôi vội vàng vắt chiếc màn lên rồi đỡ thầy tôi ngồi xuống giường. Thầy tôi cứ lảm nhảm điều gì tôi không nghe rõ, dần dần tôi đã nghe ra:
- Nhà... hết... gạo rồi!
Nước mắt của tôi càng trào ra, vì tôi biết thầy tôi đã lẩn thẩn rồi! Để thầy tôi ngồi đấy, tôi chen ra phía ngoài để ngóng mẹ tôi. Vừa ra khỏi cửa, giữa đám đông người, tôi đã nhìn thấy một cô gái chừng 15 - 16 mặc áo dài trắng, đang dẫn một bà cụ lòa cả hai mắt, lần từng bước. Mẹ của tôi đấy ư! Một tiếng kêu rên trong đáy lòng! Tôi chạy bổ đến, hai tay ôm lấy mẹ! Tôi không nói thành lời:
- Mẹ ơi!
Một tay người cầm nhẹ cánh tay tôi, một tay xoa xoa lên đầu tôi, hai giòng nước mắt từ đôi mắt lòa chảy xuống má. Trong lúc tôi dẫn đưa người vào trong nhà, người hỏi tôi rõ ràng:
- Có phải thằng Bình thật không"
Tôi chợt hiểu, chắc rằng trước đây trong những lúc kêu gào khóc thương tôi, đã có nhiều người đến nhận là tôi, để giúp mẹ tôi, một cụ già mù lòa quay quắt thương nhớ người con. Mẹ tôi đã bị lừa nhiều lần rồi!
Tôi đã ôm chặt lấy mẹ tôi! Rên rỉ nói trong nước mắt:
- Con là Bình đây... mẹ ơi!
Mẹ tôi rờ cả hai tay sờ cổ, sờ mặt tôi, rồi khụyu xuống! Tôi bế vội, nhấc bổng mẹ tôi, mọi người tránh ra để tôi đưa người vào chiếc giường phía gian trong, có những tiếng hối hả:
- Ai có dầu nóng không" Bà cụ ngất rồi!...
Người đầy nhà, nhưng tôi chả còn nhìn thấy ai. Tôi đặt mẹ tôi ngay ngắn, đắp nhẹ chiếc chăn ngang bụng người. Một bà giúp tôi xoa bóp và gọi tên người. Hai, ba, người nữa đưa dầu nóng, giữa những tiếng gọi tên người và tên thánh:
- Cụ Anna Nguyễn thị X!
Một giọng hách dịch dồ lên:
- Anh nào là Đặng Chí Bình"
Tôi đang ngồi gục đầu ủ rũ trên giường, bên cạnh mẹ tôi, ngửng lên là một tên công an áo vàng, đeo súng ngắn chừng 27- 28 tuổi. Tôi đứng hẳn lên, giọng còn xúc động trả lời "Tôi đây". Tên CA quắc mắt gằn giọng:
- Anh cho tôi xem giấy tờ!
Mọi người trong nhà đều nhớn nhác nhìn tôi lo sợ. Tôi mở cái ví con rách của một cậu tù hình sự đã cho ở trại tù T 52 Hà Sơn Bình ba năm trước, rút tờ giấy ra trại đưa cho y. Khệnh khạng y cầm tờ giấy ra trại do Bộ Nội Vụ cấp, mở ra đọc, trước sự lấm lét lo lắng của hàng chục người trong nhà. Thầy tôi lúc ấy ở gian ngoài lại chống gậy lần bước vào, giọng đã khàn khàn:
- Nhà hết gạo... rồi!
Tôi hiểu, thấy tôi về mà không có gạo để nấu cơm cho tôi ăn! Tôi cố ngăn mà nước mắt của tôi cứ trào ra! Hình như mấy chục năm khổ đau, cùm kẹp, nước mắt tôi không hề chảy, tích tụ lại cho ngày hôm nay. Chính tôi cũng ngạc nhiên, sao mà tôi nhiều nước mắt như thế!
Nét mặt của tên CA đọc giấy, tỏ ra không hiểu đầy đủ, y khoát tay, nói như ra lệnh:
- Anh theo tôi ra phường!
Nhìn mẹ còn đang nằm ngất, không biết ra sao, nhìn mọi người âu lo cho hoàn cảnh gia đình tôi, tôi thấy một luồng hơi nóng ran truyền lên đầu tôi! Một vài giây ngập ngừng, tôi bước xuống đất. Mấy người cũng hẩy tay tôi ra phía cửa, bảo tôi:
- Anh cứ đi đi!
Nhìn mọi người rồi nhìn mẹ tôi còn nằm yên trên giường, tôi nói tha thiết:
- Xin bà con giúp đỡ.
Đi qua, tôi đặt tay vào cánh tay thầy tôi, cố nói to cho mọi người và tên CA cùng nghe:
- Thầy ở nhà, con về ngay!
Đi qua những con đường ngoắt ngoéo ra phường, liếc tên CA phía sau, lòng tôi nghĩ: "Lại có một tên đeo súng đi theo hầu". Chừng 400 mét ra tới phường, nhìn tấm biển đỏ treo trước cửa, thì ra là Phường 6 thuộc quận Tân Bình.
Bước qua mấy bàn giấy, đến một chiếc bàn có một tên Trung úy chừng 35- 40 đang hách dịch ngồi, tên CA theo tôi đưa trình miếng giấy ra trại của tôi. Tên Trung úy cắm cúi đọc rồi ngẩng lên, chỉ tay một chiếc ghế trước bàn, ra oai:
- Anh ngồi đó!
Lưỡng lự một hai giây, tôi ngồi nhìn thẳng y. Để "bắt mạch" món hàng buổi đầu, y nghiêm giọng:
- Từ Thanh Hóa về đây chỉ 3-4 ngày, hôm nay đã 7 ngày, vậy còn 3 ngày nữa anh đi đâu"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.