Hôm nay,  

Thời Sự Úc Châu: J.brogden – Kiếm Củi 3 Năm Thiêu Một Giờ!

05/09/200500:00:00(Xem: 5401)
Ngay sau khi gây xôn xao dư luận nước Úc bằng những lời tuyên bố vô trách nhiệm, cùng những hành động được coi là thiếu tư cách, dân biểu John Brogden đã đột ngột đi đến quyết định từ chức lãnh tụ đảng Tự Do NSW vào hôm Thứ Hai, 29/8. Giữa lúc mọi người còn đang bàng hoàng, chính giới còn đang băn khoăn không biết ai sẽ thay thế chức lãnh tụ đảng đối lập tại tiểu bang NSW, dân biểu John Brodgen lại tiếp tục tạo rúng động dư luận bằng hành động toan tính tự tử vào lúc 10 giờ 30 phút tối Thứ Ba, 30/8. Theo nguồn tin của cảnh sát, cảnh sát đã tìm thấy dân biểu John Brogden khi ông đang nằm “bất tỉnh” ngay trong văn phòng cử tri của ông ở đường Pittwater Road vùng Mona Vale. Ngay sau đó, ông đã được xe cứu thương chở gấp vô bệnh viện Royal North Shore Hospital. Nguồn tin tại bệnh viện cho biết, dân biểu John Brogden đã dùng dao tự tử, nhưng vết thương không đến nỗi nghiêm trọng, và nếu mọi chuyên trôi chảy, hy vọng ông sẽ được xuất viện trong thời gian ngắn.
Được biết, bà Lucy, vợ của dân biểu John Brogden, sau khi mất liên lạc với chồng, và mọi cố gắng tìm kiếm chồng đều không thành công, đã gọi điện thoại báo cho cảnh sát biết. Nhờ vậy, cảnh sát đã tận lực tìm kiếm và kịp thời cứu chữa ngay khi phát hiện ra ông trong văn phòng cử tri. Ngay khi ông John Brogden được đưa tới bệnh viện, bà Lucy cũng đã có mặt để chăm sóc, an ủi và động viên ông. Ngoài ra, các dân biểu đồng viện của đảng Tự Do cũng đã đến thăm ông, trong đó có ông Barry O'Farrell và ông Peter Debnam là những người có thể thay thế ông trong cương vị lãnh đảo đảng Tự Do.
Mặc dù đảng Tự Do NSW đang trong giai đoạn khủng hoảng về uy tín cũng như nhân sự, và bất mãn trước những ngôn ngữ và hành động thiếu tư cách của ông John Brogden, nhưng đứng trước hành động tự tử sau khi từ chức lãnh tụ đảng của ông, đông đảo mọi người đều cố gắng đoàn kết, an ủi ông với hy vọng ông sẽ tiếp tục trung thành với đảng Tự Do trong tư cách một dân biểu. Sau đây là bài thời sự và tin tức quanh những ngôn ngữ và hành động được mô tả là mất tư cách của ông John Brogden.

*

Khi cựu thủ hiến Bob Carr từ giã chính trường thì gần như tất cả các tay bình luận gia chính trị ở Úc đều cho rằng lãnh tụ đối lập John Brogden có nhiều cơ hội đưa liên đảng Tự Do-Quốc Gia đến thắng lợi trong kỳ tổng tuyển cử tiểu bang NSW vào năm 2007 tới đây. Không ai ngờ được, chỉ vài tuần sau đó, chính ông Brogden lại từ giã giấc mộng trở thành thủ hiến và lủi thủi trở lại hàng ghế dành cho dân biểu "bạch đinh" (backbencher). Như vậy là tất cả những hoài vọng của một chính trị gia được mọi người hót lia hót lịa là "đầy triển vọng" nay bỗng tiêu tan thành mây khói chỉ vì... vài ly bia và sự thiếu chín chắn cần có của một chính trị gia!
Theo ký giả Andrew Clennell của nhật báo Sydney Morning Herald thì vài ngày sau khi cựu thủ hiến Carr giã từ chính trường, trong một buổi tiệc do Hiệp Hội Quán Nhậu (Australian Hotels Association) tổ chức tại khách sạn Hilton, ông John Brogden cùng một số bạn bè và người quen - kể cả một nhóm thiếu phụ trẻ đẹp và một số ký giả - đứng nhâm nhi bia tại Oyster Bar trong khách sạn. Ông Brogden cho biết ông “đang ở trên đỉnh cao của thế giới” và mạnh miệng tuyên bố: “Tôi sẽ là thủ hiến kế tiếp của NSW”. Thế rồi, một người nào đó trong đám hỏi ông: “Còn Bob Carr thì sao, ông ta sẽ làm gì"” Ông Brogden trả lời: “Tôi cóc thèm biết. Hắn có thể gởi trả mụ vợ cưới theo đơn đặt hàng (mail-order bride) của hắn về cố hương của mụ bằng ghe”.
Sau đó, khi cả nhóm kéo nhau xuống Marble Bar ở tầng dưới thì ông Brogden thò tay véo mông nữ ký giả Justine Ferrari của tuần báo Sunday Telegraph, một người đã từng quen biết với ông khá lâu, cũng hiện diện trong nhóm. Sau đó, ông ve vãn nữ ký giả Angela Cumming của tuần báo Sun Herald một cách thật khả ố.
Trong bài viết của nữ ký giả Angela Cumming trên Sydney Morning Herald số thứ Ba 30/8/05 thì cũng cùng trong đêm đó, cô tiến đến gần chỗ ông Brogden đang đứng để hỏi ông về cơ hội thắng cử của liên đảng trong kỳ tổng tuyển cử năm 2007, thế nhưng, cô chỉ vừa mở miệng nói đôi câu thì ông đã đưa tay ra chận lời cô. Cô viết: “Ông ta lòn tay qua ôm lưng tôi, nghiêng người vào và nói Chuyện đó như vậy là đủ rồi. Bây giờ cô có rảnh không" Tôi sững sờ và ngay cả người bạn đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Tôi vội vàng nói nhanh “Không, tôi đã có bạn trai rồi, cám ơn nhiều”.


John Brogden tưởng rằng câu nói mang nặng mùi kỳ thị chủng tộc và đầy tính sỉ nhục đối với bà Helena Carr, phu nhân cựu thủ hiến Bob Carr, cùng những hành vi sỗ sàng nói trên với hai nữ ký giả sẽ không bao giờ lọt ra ngoài, bởi vì trong giới ký giả thường có luật bất thành văn: để được tiếp cận với chính khách, đặc biệt là hàng ngũ lãnh đạo, thì có những chuyện xảy ra trong vòng riêng tư, họ sẽ không bao giờ tường thuật, tiết lộ cho quần chúng hoặc những bạn đồng nghiệp khác biết được. Thế nhưng, những sự kiện nói trên xảy ra tại một buổi tiệc không mang tính cá nhân riêng tư, mà trước mặt quá nhiều người khác.
Vì thế, mặc dầu những người trong cuộc không tiết lộ nó ra nhưng trong giới chính trị gia cũng như giới truyền thông thì ngay ngày hôm sau là đã có nhiều tin đồn xì xầm về hành vi bất xứng của ông Brogden, nhất là việc ông lăng mạ bà Helena Carr bởi vì bà là một người được cả hai phe chính phủ và đối lập cũng như công chúng nể trọng vì tài năng và tư cách của bà.
Trong cột báo thường xuyên trên tờ Sun Herald ngày Chủ Nhật 7/8/05, hai ngày sau khi sự việc xảy ra, nữ bỉnh bút Miranda Devine viết nhẹ nhàng “J. Bro thư giãn hơi quá bồng bột trước mặt rất nhiều ký giả” vài ngày trước đó. Ông phải chuyên chú vào công việc cũng như phải có kỷ luật hơn. Và tiếng xầm xì tiếp tục trong suốt nhiều tuần lễ sau đó.
Theo ký giả Glenn Milne, chủ biên chính trị của tuần báo Sunday Telegraph, thì cho đến ngày thứ Bảy 27/8, ông Brogden vẫn còn phủ nhận về tính trung thực của những sự kiện vừa nêu, và tuyên bố: “Đảng Lao động đang cố tạo ra chuyện này trong suốt 3 tuần qua. Đấy là một sự tấn công cá nhân tôi, một hành động (của những kẻ) tuyệt vọng. Họ lẽ ra phải chuyên chú vào những vấn đề thực sự như y tế, giao thông và tội ác ở NSW”.
Thế nhưng, đến sáng sớm ngày hôm sau, Thứ Hai 29/8, thì tất cả các nhật báo tiểu bang đều cho chạy tin trang nhất về sự hối lỗi của John Brogden. Ông cũng xuất hiện trên một vài chương trình truyền thanh trực thoại để bày tỏ lòng hối hận của ông. Ông cho biết ông sẽ để cho bạn đồng liêu đồng đảng định đoạt số phận, nhưng ông cũng cho biết thêm rằng ông vẫn được sự ủng hộ của họ để giữ chức lãnh tụ. Đến trưa cùng ngày thì ông tuyên bố từ chức lãnh tụ đối lập và ngỏ lời xin lỗi bà Helena Carr.
Nhiều người cho rằng John Brogden đã quyết định đúng đắn khi từ chức mặc dù bạn đồng viện đồng đảng vẫn còn tín nhiệm ông (theo lời tuyên bố của ông tại buổi họp báo cuối cùng của sự nghiệp lãnh tụ của ông). Nhưng thật ra, ông không còn một sự lựa chọn nào khác.
Chuyện mấy anh đàn ông ở lứa tuổi 30-40 tụ tập nhậu nhẹt thư giãn, chửi đời, chửi người xả hơi, đùa bỡn, giỡn cợt, ve gái là chuyện thường tình trong mọi xã hội, ở mọi từng lớp. Thế nhưng, trong khoảng một thập niên trở lại đây, trong xã hội Úc đã có nhiều thay đổi. Những người được xem là “người của công chúng” - thí dụ như các tay thể thao gia nổi tiếng - hoặc những người cầm cân nẩy mực trong xã hội, đều được dân chúng kỳ vọng là có tư cách đạo đức cao hơn người thường, và không được có quyền có những hành vi như thế. Và những hành vi sỗ sàng như thế lại càng không được chấp nhận ở những người muốn nắm quyền lèo lái định mệnh của cả một tiểu bang. Không một người đàn ông nào, đừng nói chi đến chính trị gia, lại không biết rằng việc có thái độ sàm sỡ, rờ mó phụ nữ như ông Brogden đã làm là một hành vi không ai có thể chấp nhận được trong xã hội hôm nay. Hơn thế nữa, truyền thống của Úc không cho phép các chính trị gia tấn công sỉ nhục người phối ngẫu của đối phương hoặc đời tư của đối phương.
Nếu John Brogden tiếp tục nắm chức lãnh tụ thì cử tri sẽ đặt nhiều nghi vấn về đạo đức và hạnh kiểm của tất cả mọi dân biểu khác trong liên đảng Tự Do Quốc Gia: nếu lãnh tụ của họ là một người như thế, thì họ là loại người gì" Và nếu họ chấp nhận tiếp tục ủng hộ ông sau khi ông đã có hành vi bất xứng, mang nặng tính kỳ thị chủng tộc và giới tính như thế, thì chính sách xã hội của họ như thế nào"
Chẳng những thế, chính phủ Lao động sẽ không bỏ lỡ cơ hội để biến ông thành một trong những đề tài chính của kỳ tổng tuyển cử tới đây, và thay vì rảnh rang để tấn công chính phủ về những sự thất bại trong các vấn đề hệ trọng như y tế, giao thông, giáo dục.v.v.. thì phe đối lập phải lo đỡ đạn cho lãnh tụ của họ, cho những hành động thiếu suy nghĩ, thiếu chín chắn của ông.
Chính vì vậy mà John Brogden phải ra đi. Chính vì những hành động thiếu chín chắn, thiếu suy nghĩ của John Brogden mà liên đảng đối lập buộc lòng phải thay ngựa giữa giòng, để thủ hiến Iemma có dịp tuyên bố: “Sự từ chức của John Brogden đã đưa đảng Tự Do NSW vào tình trạng y hệt như tình trạng khi ông ta lên nắm quyền: không lãnh tụ, không định hướng, chia rẽ trầm trọng và hoàn toàn không có một viễn kiến gì cho dân chúng của NSW cả”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.