Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Chủ Quyền Quốc Gia

30/08/200900:00:00(Xem: 3239)

Thời sự nước Úc: Chủ quyền Quốc Gia - Hoàng Đ.Thư

Trong thời gian gần đây nhà cầm quyền Trung cộng đã bày tỏ thái độ thị oai dằn mặt chính phủ Úc qua nhiều vụ, từ bắt nhốt Stern Hu đến việc phản đối Úc đã cấp chiếu khán cho lãnh tụ người Hồi ở Tân Cương sang viếng Úc, và thậm chí đã bí mật giật giây phá hoại buổi trình chiếu cuốn phim nói về cuộc đời của bà tại Melbourne Film Festival. Trước những sự kiện này, chính phủ Rudd đã chứng tỏ được tài ngoại giáo tuy mềm mỏng nhưng cương quyết của mình, trong lúc phe đối lập liên đảng lại có thái độ bất xứng, lúc lật qua, khi lật lại, lúc nói tới, khi nói lui, rõ ràng là chẳng hề quan tâm đến sĩ diện quốc gia mà chỉ mong thủ lợi chính trị nhỏ nhoi. Sau đây, để thấy rõ hơn nội vụ, xin mời qúy độc giả theo dõi bản lược dịch bài nhận xét thâm thúy của ông Greg Sheridan, chủ biên đặc trách các vấn đề ngoại giao của nhật báo The Australian được đăng tải hôm thứ Bảy 22/8/09 vừa qua, tựa đề “Speak truth to power” – Nói Sự Thật Đối Với Quyền Lực”

*

Trung Hoa ngày hôm nay là một quốc gia hai mặt như nhân vật Janus của huyền thoại La Mã (Janus có hai mặt nhìn về hai hướng đối nghịch với nhau, một mặt nhìn về tương lai, một mặt chỉ biết có quá khứ - LND). Chính vì thế mà hiện nay mối quan hệ của Úc và Trung Hoa đang gặp khủng hoảng. Trung Hoa ngày nay là một quốc gia đang có sự mâu thuẫn về quyền lợi.
Trên bình diện quốc tế, chưa bao giờ nước này lại có quyền thế và tự tin hơn bây giờ. Giới lãnh đạo của Trung Hoa cảm thấy phong cách lãnh đạo của mình đã được minh chứng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và ngày càng trở nên lớn lối, kiêu căng hơn. Trung Hoa hiện giờ là một trong những đầu tàu chính cho sự phát triển của Á Châu và sự phát triển của Á Châu là một trong những đầu tàu cho sự phát triển của thế giới.
Thế nhưng đối nội, thì nhà cầm quyền Trung Cộng lại như một kẻ bị bệnh tâm thần, bị kinh phong vì các cơn sốt (febrile, neurotic). Bất kỳ một dấu hiệu nào của sự bất đồng chính kiến đều mang đến một phản ứng quá đáng cho chế độ. Một cuộc bạo loạn ở Urumqi đã buộc chủ tịch nhà nước Hồ Cẩm Đào phải bỏ dở cuộc họp thượng đỉnh của G8. Bất kỳ một sự chỉ trích nào dành cho nhà cầm quyền Trung cộng đều bị cho là một sự tấn công thẳng vào dân tộc Trung Hoa. Các phản ứng thái quá đối với Tân Cương và Tây Tạng, đã biến dân chúng của các khu vực này thành những kẻ quá khích. Việc Trung Cộng liên tục lên án Đức Đạt Lai Lạt Ma và bà Rebiya Kadeer, lãnh tụ người Hồi lưu vong, như những tên khủng bố đã biến họ thành siêu minh tinh trên toàn cõi địa cầu.
Năm 2007, bà Susan Shirk, một công chức cao cấp thuộc bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thời tổng thống Bill Clinton, đã phát hành một quyển sách thật quan trọng với tựa đề “Một Siêu Cường Nhạy Cảm: Làm sao mà nền chính trị dễ vỡ của Trung Hoa sẽ làm trật đường rầy sự thăng tiến trong hòa bình của nó”. Bà Shirk đã miêu tả thật rõ việc nhà cầm quyền Trung Cộng đã khuyến khích bành trường một sự ái quốc nóng bỏng gần như thiêu đốt mang nhiều tính kỳ thị chủng tộc mà họ khó bề kiểm soát toàn bộ và họ lo ngại cuối cùng sẽ lật đổ họ.
Sự mâu thuẫn này hiện đang mang đến nhiều khó khăn cho Trung Hoa khi giao tiếp với các quốc gia khác. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đưa ra áp lực vô cùng mạnh mẽ để Nhật Bổn không cho bà Kadeer viếng thăm. Nhật Bổn kháng cự lại Bắc Kinh. Ngược lại, Nam Phi lại phục tùng trong việc khước từ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Năm ngoái, Trung Hoa bãi bỏ cuộc họp thượng đỉnh với Liên Hiệp Âu Châu (Euroepean Union) vì tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tất cả những điều này là bằng chứng hùng hồn cho nhận xét của ông Bruce Jacobs, một chuyên gia về Trung Hoa của đại học Monash. Ông phân tích: “Lý do mà chúng ta hiện đang có rắc rối với Trung Hoa thuần túy chỉ liên hệ đến Trung Hoa mà thôi. Chuyện ấy hoàn toàn không mắc mớ gì đến chúng ta cả”.
Tuy vậy, tuần vừa qua quả thật là một tuần lễ đáng nhớ trong mối quan hệ Úc-Hoa với nhiều sự việc đáng kể. Trước hết, ông Stephen Smith, tổng trưởng ngoại giao, một người luôn luôn bình tĩnh, lúc nào cũng cân nhắc cẩn thận, đã công khai bày tỏ sự tự hào đã đối kháng lại trước áp lực của nhà cầm quyền Trung Cộng. Kế đến là việc thủ tướng Rudd cố chứng tỏ sự bình tĩnh. Sau đó là việc một hợp đồng bán hơi đốt cho Trung Hoa trị giá 50 tỷ Úc Kim được ký kết. Sự ký kết hợp đồng này chứng tỏ rằng nhà cầm quyền Trung cộng hoàn toàn không để cảm tính xen vào chuyện mua bán tài nguyên và những tranh cãi về chính trị không nhất thiết phải tạo ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ thương mại.
Và trong tuần qua thì phe đối lập, qua chính những lời tuyên bố của bà Julie Bishop, phát ngôn nhân về ngoại giao kiêm phó lãnh tụ đảng Tự Do liên bang, đã chối bỏ một cách thật ngoạn mục những nguyên tắc căn bản của chính sách ngoại giao cũng như của lương tri và qua đó, đã đánh mất hoàn toàn cái quyền được cử tri xem là khả dĩ có thể lèo lái quốc gia.
Trước hết, hãy cùng nhau nhắc nhớ lại về tầm vóc và bản tính rời rạc của những khó khăn rắc rối ấy. Trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh đầu tiên với tư cách Thủ Tướng, ông Rudd đã chỉ trích, một cách rất nhã nhặn, kỷ lục về nhân quyền của Trung Hoa, đặc biệt là ở Tây Tạng.
Bản bạch thư của bộ quốc phòng chỉ trích sự thiếu minh bạch của Trung Cộng trong việc bành trướng quân sự của Trung Hoa và qua đó nêu lên nhu cầu phát triển sức mạnh của hải quân Úc.
Ủy Ban Xét Duyệt Đầu Tư Từ Ngoại Quốc (Foreign Investment Review Board - FIRB) nghiên cứu, suy xét thật lâu dự án của một công ty quốc doanh của Trung cộng là Chinalco muốn mua cổ phần của công ty khai thác khoáng sản Úc Rio trị giá $25 tỷ Úc Kim. Trong thời gian chờ đợi suy xét thì dự án này sụp đổ vì những lý do thương mại. Thế nhưng, sự bực bội lớn nhất của Bắc Kinh là chuyện họ nghĩ rằng họ đã phải trả quá nhiều tiền để mua quặng sắt. Quan điểm của Trung Hoa trong chuyện này quả thật là bệnh hoạn và phi lý khi họ muốn trả ít tiền hơn Nam Hàn hoặc Nhật Bổn.
Kế đến thì nhà cầm quyền Bắc Kinh bắt giam nhân vật hạng nhì của công ty Rio ở Trung Hoa là Stern Hu, một người công dân Úc gốc Hoa. Sự kiện này mang đến nhiều sự chỉ trích từ Úc.
Tuy nhiên, sự kiện nổi bật nhất, lớn nhất vẫn là quyết định của Canberra trong việc cấp chiếu khán cho bà Kadeer.


Trong tất cả những sự kiện nói trên, người ta không thể nào chê trách những hành động, phản ứng của chính phủ Rudd cả.
Liệu những người chỉ trích cho rằng chính phủ Rudd không được quyền chỉ định giá cả của quặng sắt" Hay chính phủ liên bang phải tiếm quyền của FIRB để bảo đảm rằng dự án của Chinalco được chấp thuận ngay tức khắc" Hay chính phủ và quần chúng Úc không nên có những phản ứng công khai về việc ông Stern Hu bị bắt giam" Hoặc không một thủ tướng nào của Úc nên nhắc đến vấn đề nhân quyền một cách công khai" Hay Canberra phải khước từ không cấp chiếu khán cho bà Kaderr theo yêu cầu của Trung Cộng"
Tổng Trưởng Ngoại Giao Stephen Smith đã giải quyết vấn đề về bà Kadeer qua một loạt những sự can thiệp thật mạnh mẽ từ quốc hội. Ông tuyên bố với quốc hội: “Chính phủ Trung Hoa, qua nhiều cấp, kể cả tổng trưởng ngoại giao Yang Jiechi, đã đưa ra những đề nghị thật mạnh mẽ với Úc về chuyến viếng thăm của bà Rebiya Kadeer, họ cho rằng chúng ta nên ngăn cản chuyến viếng thăm của bà. Tôi đã lắng nghe và suy xét về những đề nghị này và tôi đã đi đến kết luận rằng không có một lý do, một căn bản nào để khước từ không cho bà nhập cảnh Úc”. Trong một dịp khác, ông tuyên bố: “Chúng tôi thấu hiểu, tôn trọng và thừa nhận quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi trân quý quyền của những người đến quốc gia của chúng tôi và tuyên bố những điều mà có thể chúng tôi không đồng ý với họ”.
Nhưng có lẽ nhận xét đáng ghi nhận nhất của ông, vì ông đã nói thẳng thắn nhất, là: “Tôi nhớ mang máng rằng ngài lãnh tụ đối lập trước đây đã từng bảo chính phủ rằng chúng tôi phải can đảm đề kháng lại với nhà cầm quyền Trung Hoa. Chúng tôi đã làm thế trong vấn đề bà Rebiya Kadeer".
Phản ứng của phe đối lập, qua bà Bishop, quả thật là tệ lậu, đáng chê trách. Nó đầy dẫy những sự tự mâu thuẫn, thiếu nguyên tắc, vô luân, vượt quá cả sự đạo đức giả cùng nhu cầu khẩn cấp cần có khi tranh luận trong quốc hội và vô cùng xuẩn ngốc. Bà Bishop từng là  một phát ngôn nhân kinh tế thiếu bản lãnh và bây giờ thì bà là một phát ngôn nhân ngoại giao thiếu khả năng. Thế nhưng, phản ứng của bà về Trung Hoa là một thí dụ điển hình cho một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn trong nội bộ phe đối lập. Đảng Tự Do bây giờ không còn là một đảng phái với lý thuyết rõ rệt nữa mà là một tập hợp ô hợp của những cựu tổng trưởng thất nghiệp đang cần có công chức suy nghĩ  giùm họ.
Bản thông cáo báo chí của bà Bishop ngày 19/8/09 quả thật là một trong những bản thông cáo báo chí ngu xuẩn nhất của bất kỳ một phát ngôn nhân đối lập về ngoại giao nào từ xưa đến nay. Bản báo chí chỉ trích ông Rudd như sau: “Ông thủ tướng đã đặc biệt xúc phạm Trung Hoa một cách không cần thiết ngay từ buổi đầu tiên với quyết định lên lớp Trung Hoa về nhân quyền trong một bài diễn văn trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ông, hơn là dùng cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Úc và Trung Hoa mà chính phủ Howard đã thiết lập từ năm 1997. Chuyện này lại càng bị phức tạp hóa thêm bởi quyết định của ông trong việc ngấm ngầm đe dọa Trung Hoa qua giới truyền thông về việc bắt giam Stern Hu. Gần đây nhất, chính phủ Rudd đã thất bại trong chuyện làm việc một cách xây dựng hơn với Trung Hoa về việc người Hồi tranh đấu khi cho bà Rebiya Kadeer đến viếng thăm Úc”.
Qua bản thông cáo báo chí này đảng Tự Do đã chính thức chối bỏ tất cả những giá trị của chủ thuyết tự do (liberalism). Không một người nào còn tí mảy may tôn trọng quyền tự do cá nhân lại có thể công tâm dồn phiếu cho đảng Tự Do khi đọc lời tuyên bố trên.
Có phải bà Bishop thực sự tin rằng không một nhà lãnh đạo nào của Úc có quyền nêu lên vấn đề nhân quyền một cách công khai với Trung Hoa chăng" Nếu quốc gia duy nhất đủ sức mạnh để nêu vấn đề nhân quyền một cách công khai là Hoa Kỳ thì quả thật, toàn bộ hệ thống chính trị quốc tế đã quá man rợ. Cái công thức của bà Bishop rõ ràng đã khiến cho Úc mâu thuẫn với những người bạn thân thiết của chúng ta là Nhật Bổn và Âu Châu. Thêm vào đó, các quốc gia Á Châu, chẳng hạn như ASEAN dưới sự lãnh đạo của Nam Dương, ngày càng mạnh dạn lên tiếng chỉ trích những vi phạm trầm trọng về nhân quyền ở các quốc gia Á Châu khác, thí dụ như Miến Điện.
Chỉ có đảng Tự Do ở Úc là đã hoàn toàn chối bỏ nhân quyền. Công việc ngoại giao là phải luôn luôn giữ vững lập trường rằng nhân quyền là mối quan tâm quan trọng trong lúc vẫn tiếp tục tiến hành những công việc khác. Sự hiện hữu của một cuộc đàm phán giữa các viên chức về nhân quyền không xóa bỏ hẳn trách nhiệm của những nhà lãnh đạo trong việc duy trì những giá trị căn bản về nhân bản cũng như về chính trị.
Hơn thế nữa, có phải bà Bishop thực sự đề nghị rằng một thủ tướng Úc không nên nhắc nhớ nhà cầm quyền Trung Hoa rằng toàn thể thế giới đang nhìn ngó vào cách họ đối xử với ông Stern Hu chăng" Còn cách dùng từ lắt léo của bà Bishop trong vấn đề chiếu khán của bà Kadeer cũng là một sự ma nớp để tránh không phải nói trắng rằng nếu là bà thì bà đã khước từ không cấp chiếu khán. Đấy là cách duy nhất mà người ta có thể diễn dịch từ ngữ của bà.
Trước đây, khi ông Howard gặp rắc rối với Bắc Kinh vì đã tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma thì lãnh tụ Lao động lúc bấy giờ là ông Kim Beazley đã chỉ trích phong cách mà ông Howard đã thực hành trong mối quan hệ với Trung Hoa nhưng ông cũng đồng thời công khai yểm trợ quyết định tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Việc đảng Tự Do hiện nay không thể phân biệt được một vấn đề luân lý cơ bản như thế cho thấy họ sẽ phải ngồi ở ghế đối lập trong một thời gian thật dài.
Giọng nói bình tĩnh nhất vẫn là của ông Rudd. Ông nói: “Mối quan hệ Úc - Hoa lúc nào cũng đầy dẫy thử thách và nó sẽ vẫn như thế trong một thời gian thật dài trong tương lai. Tôi cũng muốn nói rằng Trung Hoa có nhiều chú ý đến Úc”.
Mối quan hệ ngoại giao Úc - Hoa có gặp khủng hoảng, nhưng chính phủ Rudd không bị khủng hoảng. Thay vì vậy, họ đã bảo vệ được những quyền lợi cốt lõi của Úc, đã không làm thiệt hại đến những giá trị cốt lõi của Úc, vẫn tiếp tục cho thấy sự mong muốn có được một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Hoa, vẫn tiếp tục giám thị những hợp đồng thương mại giá trị khổng lồ và khắc phục được một cuộc khủng hoảng mà Bắc Kinh dàn dựng nên.
Cho đến giờ, rõ ràng chính phủ Kevin Rudd đã vượt trội chính phủ Howard. Nhưng, ít nhất là trong phần đối nội, họ chỉ phải đương đầu với một phe đối lập yếu ớt hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.