Hôm nay,  

Phát Triển Và Dân Chủ Có Đồng Hành Không?

05/09/200500:00:00(Xem: 5011)

Điều được nhìn nhận chung là cởi mở kinh tế theo đường lối thị trường để phát triển sẽ kéo theo cởi mở chính trị và đất nước sẽ được dân chủ hóa.Tuy nhiên thực tế có khi không phải vậy. Lấy trường hợp Việt Nam: cuối thập niên 1980 trước sự sụp đổ của hệ thống cộng sản trên toàn thế giới và nền kinh tế Việt Nam đang kiệt quệ, đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới, áp dụng kinh tế thị trường để sống còn, nhưng cho đến giờ này sau 19 năm đổi mới chế độ chính trị tại Việt Nam vẫn chưa dân chủ hóa được bao nhiêu. Trung quốc đổi mới sớm hơn, đến nay đã được 25 năm và đang đưa Trung quốc vào ngưỡng cửa của một siêu cường, thế nhưng Trung quốc không thấy tiến gần hơn đến một chế độ dân chủ.
Tại sao sự phát triển kinh tế không nhất thiết đưa đến dân chủ" Để trả lời câu hỏi này hai giáo sư Bruce Bueno de Mesquita (khoa trưởng Khoa Chính trị học đại học New York University và là thành viên của nhóm nghiên cứu thuộc viện Hoover và George W. Downs, giáo sư chính trị học kiêm khoa trưởng khoa Khoa học Nhân văn cũng tại đại học New York University viết trong bài "Development and Democracy" đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng Chín và tháng Mười năm 2005 lập luận rằng một quốc gia không thể tiến tới dân chủ khi người cầm quyền (độc tài) biết cách cho cởi mở ở chỗ nào để không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và không cho cởi mở ở những khâu căn bản nào đối lập có thể khai dụng để thành lập và xây dựng một lực lượng đối lập có thể tranh giành quyền hành với nhà độc tài thúc đẩy tiến đến một thể chế dân chủ.
Cái nhìn của hai giáo sư Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs có thể giúp giải thích tại sao sau 19 năm cởi mở kinh tế, đối lập Việt Nam vẫn chưa tổ chức được. Ngoài việc bít tất cả các cửa ngõ dẫn vào dân chủ như quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do thông tin (qua internet), người cầm quyền còn có mọi phương tiện trong tay để mua chuộc nơi nào cần mua chuộc. Thí dụ nắm quyền nhà đất trong tay, chính quyền có thể cung cấp một ngôi nhà thật đẹp để bịt miệng một cán bộ có công với đảng nay trở thành đối lập như trường hợp tướng Trần Văn Trà với Câu lạc bộ kháng chiến trong thập niên 1990. Nắm quyền cho ở hay đi, chính quyền có thể cấp một chiếu khán xuất ngoại để làm cho ngòi bút một nhà văn chống đảng trở nên nhẹ nhàng hơn như trường hợp nhà văn Bùi Ngọc Tấn (so sánh hai cuốn "Chuyện kể năm 2000" in đầu năm 2000 và cuốn "Viết về Bè Bạn" in năm 2005 của Bùi Ngọc Tấn). Phối hợp với một nước bạn có cùng quyền lợi chiến lược như Hoa Kỳ chính quyền Hà Nội có thể để cho đối lập công khai xuất hiện trong một thế bị kềm chế nào đó (như khi để họ đến dự buổi tiếp tân nhân ngày lễ độc lập của Hoa Kỳ tại tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Sàigòn). Đối lập xuất hiện nhưng đối lập phải giải quyết những vấn đề nội bộ đôi khi không đơn giản (như chúng ta đã thấy qua trao đổi giữa tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và nhà văn Hoàng Tiến) và quan trọng hơn là từ đây đối lập không phải chỉ đương đầu với nhà cầm quyền Hà Nội mà còn phải đương đầu hay thỏa hiệp với những đòi hỏi của Hoa Kỳ. Có thể với sự thỏa thuận của Hà Nội, Hoa Kỳ vừa là cái dù vừa là cái thắng của đối lập Việt Nam.
Sau khi tham dự cuộc tiếp tân có tính lịch sử tại Sàigòn trong tháng 7 năm 2005 và nhất là sau khi ông Hoàng Minh Chính được phép đến Hoa Kỳ chữa bệnh đã chính thức đại điện cho Phong trào Dân chủ Việt Nam mới thành lập do giáo sư Trần Khuê làm chủ tịch, phát biểu (qua điện thoại viễn liên vì lý do sức khỏe) trước đại hội lần thứ 7 của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tại Little Sàigòn hôm 2 tháng 9, năm 2005 đối lập Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới.
Bài nghiên cứu của hai giáo sư Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs mà tôi lược dịch những điểm chính sau đây cho chúng ta thấy Hà Nội có nhiều phương tiện vật chất và cơ mưu để trói tay hoạt động của đối lập.
Biết vậy để tìm cách đối phó và tồn tại. Nếu không đối lập sẽ như một tảng băng xinh đẹp phút chốc tan biến dưới ánh mặt trời chói chang.
*
Development and Democracy (by Bruce Bueno de Mesquito & George W. Downs)
Foreign Affairs - September/October 2005
Hai mươi lăm năm trước khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cởi mở kinh tế tại Trung quốc, tây phương tiên đoán rằng trước sau Trung quốc cũng phải cởi mở chính trị. Người ta tin rằng cởi mở kinh tế tất sẽ dẫn đến cởi mở chính trị và do đó đất nước sẽ được dân chủ hóa, và điều này sẽ đúng ở bất cứ nơi nào chứ không riêng gì Trung quốc. Lập luận này dựa trên căn bản là sự phát triển kinh tế sẽ sinh ra một tầng lớp trung lưu có óc kinh doanh và có kiến thức. Tầng lớp này trước sau cũng đòi quyền quản lý số phận của mình và chính quyền nào - dù là một chính quyền độc tài - cũng phải nhượng bộ.
Người ta dựa vào sự kiện là trên thế giới hiện nay những nước giàu nhất đều là những nước dân chủ để biện minh cho lập luận trên. Tuy nhiên, lịch sử đang diễn ra cho thấy vấn đề không đơn giản như vậy. Hình như cái gạnh nối giữa phát triển kinh tế và dân chủ không phải là điều tất yếu. Nhiều chế độ độc tài trên thế giới cho thấy rằng họ có thể làm cho đất nước phát triển kinh tế nhưng vẫn dìm được dân chủ. Hai thí dụ dễ thấy nhất là Trung quốc và Liên bang Nga. Trong 25 năm qua kinh tế Trung quốc phát triển vượt bực nhưng dân chủ vẫn dậm chân tại chỗ. Tại Liên bang Nga gần đây kinh tế khởi sắc nhưng đồng thời bàn tay của Kremlin thắt chặt hơn đối với các thế lực chính trị khác.
Như vậy tại các nước độc tài sự phát triển kinh tế chẳng những không giúp thúc đẩy đến dân chủ mà đôi khi còn làm cho chính quyền vững mạnh thêm. Ông Triệu Tử Dương, thủ tướng Trung quốc trong thập niên 1980 có nói: "Dân chủ là điều mà một chế độ xã hội không thể tránh được" Nhưng trong nửa thế kỷ qua có quá nhiều thí dụ trên thế giới cho thấy người cầm quyền các chế độ độc tài có nhiều cách để làm chậm bước của dân chủ để bám lấy quyền hành.
Động lực nào làm cho dân chủ không song hành với phát triển" Đó là do sự ứng xử khôn khéo của những nhà độc tài.
Những người chủ trương thuyết "phát triển ắt đưa đến dân chủ" tin rằng kinh tế phát triển làm lợi tức đầu người tăng và khi đầy đủ vật chất người ta có khuynh hướng đòi hỏi quyền chính trị. Nhưng họ quên rằng nhà độc tài có khả năng và phương tiện để trì hoãn sự đòi hỏi này, và càng ngày họ càng tỏ ra xuất sắc về biệt tài bóp chết dân chủ.
Nhà độc tài nhìn phát triển kinh tế như một cây dao hai lưỡi. Một mặt nó giúp củng cố chế độ vì nó giúp chính phủ thu thuế nhiều hơn và cho nhà độc tài nhiều phương tiện để đương đầu với một số vấn đề (thí dụ như suy thoái kinh tế hay thiên tai). Trong ngắn hạn sự phát triển kinh tế làm cho người dân thấy chính quyền cũng được việc và không thấy nhu cầu đòi hỏi thay đổi chế độ.
Mặt khác sự phát triển kinh tế giúp cho các lực lượng đối lập có phương tiện ra đời và tối hậu tranh chấp quyền hành chính trị với chính phủ, vì sự phát triển kinh tế làm cho nhiều cá nhân có thì giờ, có sự hiểu biết và tiền bạc để làm chính trị và thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá.


Cho đến lúc này, các nhà hoạch định chính sách tây phương và các chuyên viên về phát triển vẫn tin vào lý thuyết của ông Seymour Martin Lipset rằng dân chủ sẽ theo gót của sự phát triển và các nhà độc tài không có cách gì chận đứng sự song hành này. Nhưng ít ai để ý đến ghi chú của ông Lipset rằng tiến trình này không phải là một tiến trình tất yếu. Nó đã đúng tại Tây âu vì nhờ hoàn cảnh đặc biệt tại đó.
Những người theo thuyết của ông Lipset cũng quên rằng các nhà độc tài không ngồi yên nhìn thời cuộc, trái lại họ biết đặt ra những quy luật và những định chế chính trị có lợi cho họ (thí dụ như đảng Cộng sảnViệt Nam ghi điều 4 vào bản Hiến pháp *). Và họ đã chứng tỏ có khả năng đương đầu với gió dân chủ trong khi vẫn làm cho kinh tế phát triển.
Để giải thích bằng cách nào các nhà độc tài dìm các trào lưu dân chủ chúng ta cần hiểu thế nào là "phối hợp chiến lược" (strategic coordination). Phối hợp chiến lược, một danh từ trong khoa Khoa học Chính trị (political science) là một số hoạt động đối lập phải làm để tranh thủ quyền hành chính trị. Thí dụ như phổ biến thông tin, tuyển mộ và tổ chức nhân sự, chọn người lãnh đạo và hoạch định đường lối.
Trong một nước đang phát triển, thành thị được mở mang, kỹ thuật và hạ tầng kiến trúc vững chắc, giáo dục được cải tiến giúp cho sự thông tin và tuyển mộ được dễ dàng. Biết vậy các nhà độc tài sẽ bóp chẹt sự "phối hợp chiến lược" của đối lập, thế nào để những biện pháp này không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế.
Hãy xét một vài trường hợp trong ba năm qua. Trung quốc thỉnh thoảng cho chận các bản tin bằng Anh ngữ của Google và mới đây áp lực hãng Microsoft chận các danh từ như "freedom" và "democracy" trong các software dùng bởi những người chơi blog để trao đổi ý tưởng với nhau. Trước đây Trung quốc đã dùng trăm phương nghìn cách để hạn chế việc xử dụng internet đến độ thành lập một đội công an có khả năng chuyên môn lo việc chận các cổng internet từ nước ngoài. Tại Liên bang Nga tổng thống Valdimir Putin cho kiểm soát chặt chẽ các đài truyền hình. Năm 2003 ông cho bắt nhốt nhà doanh nhân Mikkhail Khodorkosky, người từng công khai chỉ trích ông.
Tháng 12 năm 2004, tổng thống Hugo Chavez của Venezuela vận động thông qua luật cấm báo chí và truyền hình phổ biến các hành động chống chính phủ có tính bạo hành và các biện pháp đàn áp của chính phủ. Luật này cũng cho phép chính phủ đóng cửa các cơ sở truyền thông vi phạm các luật lệ rất mơ hồ. Trong khi đó chính quyền Việt Nam kiểm soát chặt chẽ các tổ chức tôn giáo không chịu nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ và gán cho quý vị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo này có ý đồ gây xáo trộn.
Đó là những lĩnh vực trấn áp nhà độc tài biết sẽ làm cho đối lập khó tổ chức và phối hợp hành động với nhau nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế. Trong khi đó nhà cầm quyền đầu tư rộng rãi vào những lĩnh vực giúp phát triển kinh tế (mà đối lập không khai thác được gì) như chuyên chở công cọng, dịch vụ y tế, giáo dục cấp trung, và quốc phòng.
Nhìn lại chúng ta thấy có một thời kỳ các chính quyền độc tài đã kềm hãm mọi hoạt động để cho đối lập bó tay và nhận ra rằng kinh tế quốc gia bị suy sụp. Đó là trường hợp xẩy ra tại hầu hết các nước Á châu và Phi châu cho đến thập niên 1980 (trong đó có Việt Nam *) và vẫn còn duy trì tại hai nước Miến Điện và Zimbabwe. Gần đây Liên bang Nga, Trung quốc và Việt Nam đã thay đổi chính sách đối với đối lập và chỉ chèn ép ở mặt nào không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Trên nguyên tắc có bốn lĩnh vực tối cần cho hoạt động của đối lập là quyền chính trị, nhân quyền theo nghĩa rộng, tự do báo chí và giáo dục cao cấp là bị các chính quyền độc tài chèn ép gắt gao nhất, nhất là quyền tự do báo chí.
Quyền chính trị bao gồm quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội và quyền biểu tình ôn hòa. Nhân quyền theo nghĩa rộng gồm quyền không bị bắt bớ trái phép, quyền ra tòa nếu bị bắt giữ, quyền không bị kỳ thị vì lý do tôn giáo, chủng tộc, giới tính, quyền không bị xâm phạm thể xác và quyền đi lại. Những quyền này giúp đối lập bảo vệ nhân sự và lực lượng khi bị đàn áp. Quyền tự do báo chí giúp đối lập thông tin, tổ chức và gây phong trào. Sau cùng quyền được hấp thụ giáo dục cao cấp giúp đối lập đào tạo nhân tài.
Một cuộc nghiên cứu (của hai tác giả *) trong thời gian từ 1970 đến 1999 cho thấy các chính quyền độc tài, do hiểu biết sự vận dụng của đối lập, đã thẳng tay tước bỏ quyền chính trị, nhân quyền theo nghĩa rộng, và bịt miệng báo chí, trong khi đầu tư rộng rãi vào các mặt giáo dục trung cấp, giao thông và y tế. Cho nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy hai chính quyền độc tài nhất trên thế giới hiện nay là Cuba và Bắc Hàn thì tại Cuba có một hệ thống y tế công cọng gần như hoàn hảo, trong khi tại Bắc Hàn 95% dân đều biết đọc biết viết.
Cái thực tế "phát triển chưa chắc dẫn tới dân chủ" giúp những nhà hoạch định chính sách tại Hoa Kỳ và các nước dân chủ tiên tiến rút ra ba hệ luận.
Thứ nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các nước đang mở mang không phải là cách tốt nhất để thực hiện dân chủ. Các nhà độc tài hiểu rằng phát triển kinh tế có thể đe dọa chế độ của họ nhưng họ cũng biết họ có nhiều phương cách để trì hoãn sự đe dọa một cách hiệu quả. Họ không cho đối lập những phương tiện để hoạt động như tước bỏ quyền chính trị, nhân quyền, quyền tự do báo chí để làm mất tinh thần của đối lập, đồng thời ban bố nhiều quyền lợi cho giới doanh thương và các tướng lãnh để giới này ủng hộ chế độ.
Hệ luận thứ hai là các nhà hoạch định chính sách nên biết muốn thúc đẩy dân chủ qua viện trợ cần đòi hỏi cái gì nơi người nhận viện trợ. Thí dụ như Ngân Hàng Thế Giới khi cho vay một món tiền với điều kiện quốc gia vay tiền phải đầu tư vào các kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở, y tế và giáo dục trung cấp với tin tưởng rằng tiền cho vay đó giúp phát triển kinh tế, từ đó dẫn đến dân chủ là sai lầm. Nói chung chính sách ngoại viện như đang được áp dụng chỉ làm cho nhà độc tài vững mạnh hơn. Cho nên các khoản tiền cho vay dù cho dự án nào cũng cần kèm theo những điều kiện như bảo đảm quyền chính trị, nhân quyền và quyền tự do báo chí, và giáo dục cao cấp cho người dân.
Hệ luận thứ ba liên quan đến tình hình Trung đông. Người ta thường cho rằng cuộc bầu cử đầu năm nay tại Iraq, Syria rút quân ra khỏi Liban, các cuộc bầu cử sắp tới tại Liban, Saudi Arabia và Ai Cập là những dấu hiệu dân chủ đang ló dạng tại đó. Tuy nhiên cần thực tế một chút. Các chế độ độc tài ngự trị tại Saudi Arabia, Ai Cập và Leban suốt 50 năm qua vẫn còn đó. Muốn đo lường dân chủ tại đó cần đặt các câu hỏi sau và trả lời một cách nghiêm chỉnh: Truyền thông được kiểm soát như thế nào" Người dân có quyền biểu tình bày tỏ ý kiến phản đối chính phủ không" Những điều đó mới thật là con đường dẫn tới dân chủ, chứ nếu chỉ có bầu cử kiểu "đảng cử dân bầu" thì đó chưa phải là dân chủ.
Chừng nào người dân chưa có quyền chính trị, chưa được hưởng nhân quyền một cách rộng rãi, chưa có tự do báo chí, chừng đó Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu, các nước giàu có khác và các cơ sở tài chánh thế giới cần tiếp tục gây áp lực./.

Trần Bình Nam (lược dịch)
Sept. 3, 2005
(*) chú thích của người dịch
BinhNam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.