Hôm nay,  

Tin Vợ Vẫn Hơn

09/08/200900:00:00(Xem: 3097)

Tin Vợ Vẫn Hơn – Mõ Sàigòn

Đức Khổng Tử, một hôm ngồi lai rai ở Quảng đình trường, nhìn đám đệ tử bao vòng mấy lượt, bèn vểnh râu lên. Cao hứng nói:
- Thiên hạ ngày nay không biết đã mai một bao nhiêu là anh tài. Thiên tử, quân vương, thường chỉ nhìn thấy ba cái thằng nịnh thần trước mặt, mà hoàn toàn không biết, hoặc không hiểu, ở gầm trời này, đâu đâu cũng có anh hùng, đâu đâu cũng có nhân tài. Thiệt tiếc lắm thay!
Rồi đưa tay bốc một miếng thịt rừng bỏ vào miệng, đoạn tà tà nói tiếp:
- Từ trước đến nay. Loại người hiền chết không đáng số. Kẻ thông minh không được trọng dụng nhiều vô kể, đâu chỉ học trò của ta. Thế nhưng, các ngươi cũng nên hiểu rằng. Nai, Mễn sống nơi rừng sâu núi thẳm, mặc dù chẳng mấy ai ngửi được mùi… thịt thơm của nó, nhưng mà cứ tỏa hương. Con người cũng vậy. Có tu dưỡng, có nhân đức, thì cho dù công danh lận đận, hoặc mánh chạy chưa vô, thì càng phải cố công chịu đựng nhiều hơn nữa. Chớ đừng vì sự cùng khốn, hoặc chán nản nhất thời, mà thay đổi khí tiết, thì trước là đắc tội với sư môn, sau với mẹ cha cũng có phần không đúng.
Lúc ấy, bất chợt có Tử Tiện bước ra, vòng tay mà thưa rằng:
- Thưa thầy! Trong trường hợp con chịu được, mà vợ con không nhẫn nhục nỗi, thì phải làm sao"
Khổng Tử ú ớ một chút, rồi uể oải đáp:
- Thà chịu bất hạnh với niềm hy vọng mong manh, vẫn hơn chia tay mà sống đời đơn lẽ. Trong tất cả mọi trường hợp, phải nhủ lòng rằng: Không chiều theo ý vợ. Còn là quân tử được hay sao"
Ngày nọ, Khổng Tử đến đất Tề, được thầy Tử Cống ra ngoài xa đón tiếp, rước vào sân đình, thời thấy hải sản bày tràn ra trước mắt, bèn rúng động tâm can. Thảng thốt nói:
- Mồi phong phú, thì rượu phải… bao la, mới không uổng công của người lo đánh bắt.
Tử Cống mĩm cười, thưa:
- Đồ biển, mà đi với rượu thuốc Minh Mạng, thì cho dẫu cố đè nén tâm tư, cũng hồn phi phách tán.
Rồi ngồi xuống mà nhậu. Được đâu vài tuần. Chợt Tử Cống thưa:
- Cống mệt vì học, khốn về đạo. Nay muốn nghỉ để thờ vua. Có đặng hay chăng"
Khổng Tử tròn mắt đáp:
- Mệt vì học, khốn vì đạo, là nghĩa làm sao"
Cống đưa tay gãi đầu, rồi cẩn trọng đáp:
- Học, nghĩa là chịu nghe lời dạy bảo rồi bắt chước, thì không phải lúc nào cũng làm được. Tỉ như mình để ý một người. Chẳng may người ấy đi tìm chữ trăm năm, thì mình không thể chúc hạnh phúc mà lòng không đau đớn. Còn đạo là điều lễ nghĩa, phải ráng sức mà theo, thì cũng không thể theo hoài theo mãi được. Tỉ như người ta giựt hụi của mình, mà mình vẫn im ru, thì có khác chi bảo người ta cứ đi luôn đừng bao giờ trả lại!
Rồi chăm chăm nhìn thầy. Chợt Khổng Tử lúc lắc nói:
- Phàm làm tôi thờ vua, thì sớm tối phải kính cẩn, tận tụy theo hầu. Thậm chí có lúc phải gãi đầu cho vua ngủ. Trách nhiệm nặng nề là vậy. Ta chỉ sợ ngươi chu toàn đã khó. Nghỉ được hay sao"
Cống thấy đắng nghét cả miệng. Nặng nhọc nói:
- Vậy xin nghỉ để thờ song thân. Có đặng hay chăng"
Khổng Tử xua tay đáp:
- Lòng con hiếu thờ cha mẹ thật là vô cùng, nên khó mà giữ cho tròn vẹn mãi mãi, mà giả như lòng hiếu thảo của ngươi cảm hóa được nhiều người, nhưng không cảm hóa được vợ ngươi, thì làm sao mà nghỉ"
Cống bỗng cảm như… cả hồn thương đau, bèn vớt vát nói:
- Vậy xin nghỉ để vui chơi với vợ con. Có đặng hay chăng"
Khổng Tử với tay chiêu liền hớp rượu, rồi mau chóng nói:
- Đạo làm chồng là không được cãi vợ. Đã vậy phải cố biểu dương để thiên hạ và anh em trông vào mà bắt chước. Công việc nặng nề như vậy. Lẽ nào nghỉ mệt mà coi đặng hay sao"
Cống hỏi tới đâu trớt quớt tới đó, bèn chán nản nói:
- Vậy xin nghỉ để lai rai với bè bạn, cho tình thêm gắn bó.
Khổng Tử xua tay đáp:
- Nghĩa bè bạn, thì phải giúp đỡ nhau, mà một khi muốn giúp nhau thì phải có tiền trước đã. Nghỉ thế nào được"
Cống buông xuôi nói:
- Thôi thì xin nghỉ để làm ruộng vậy.
Khổng Tử cười to đáp:
- Công việc nhà nông phải cấy cày gặt hái, một nắng hai sương, chân lấm tay bùn, mà ngươi thì nắng không ưa mưa không chịu, Nghỉ được hay sao"
Cống đưa hai tay lên trời. Khổ sở nói:
- Như thế thì Cống này không lúc nào được nghỉ ư"
Khổng Tử chơi lẹ miếng mồi, dzô ào hớp rượu, rồi ung dung nói:
- Có chứ! Lúc nào ngắm thấy cái huyệt đạo. Trông thấy cái mồ xây chắc chắn. Ngó thấy người đi đưa cách biệt hẳn mình, thì lúc ấy mới là nghỉ được vậy.
Cống như thoát ra được bức màn u tối. Mừng rỡ la to:


- Như thế cái chết chẳng là hay lắm ru" Người quân tử đến bây giờ mới được nghỉ. Kẻ tiểu nhân đến bây giờ mới chịu thôi, thì cái chết thiệt là hay lắm lắm!
Khổng Tử thấy Cống đã hiểu được ý mình, bèn khoan khoái nói:
- Học tập một môn học. Nghiên cứu một đạo lý, sẽ càng đi càng thấy dài, càng lên càng thấy cao. Nếu nghỉ thì làm sao đi tới" Tôi đối với vua. Con với cha mẹ, vợ chồng ăn ở với nhau, đều có bổn phận làm sao cho của ăn đầy đủ, gia đạo yên vui. Nếu không tận tâm tận lực, ra sức dựng xây, thì sự rối loạn sẽ nằm ngay trước mắt. Hiểu được như thế, thì chẳng những không dám nghỉ, mà còn phải cầu xin Cậu Bà, cho đặng sống lâu, để cúc cung với vợ cho có đầu có cuối. Còn làm ruộng, thương mại, hay bất cứ một ngành nghề nào, nếu chểnh mảng không chu đáo, thì chẳng những hổng có ăn, mà còn bị khách quan chê cười cho nữa…
Rồi rót rượu tràn ly, ực cho một phát mà nói rằng:
- Muốn sống đời hữu ích, thì phải tận tâm tận lực. Không bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, bởi nghỉ là dừng lại. Người ta hơn nhau ở chỗ cố ra sức mà tiến. Tiến đến chừng nào nghỉ thở thì thôi. Chớ không thể đang phây phây mà im lìm như… chết!
Lúc ấy, có Khổng Miệt là cháu của Khổng Tử, khều tay Tử Tiện mà nói rằng:
- Tử Cống nói vậy mà nghe được hay sao"
Tử Tiện trố mắt hỏi:
- Chuyện gì "
Miệt đáp :
- Cống nói : « Như thế cái chết chẳng là cái hay à" Người quân tử bây giờ mới được nghỉ. Kẻ tiểu nhân bây giờ mới chịu thôi. Cái chết thật là hay vậy ». Mẹ nó ! Quân tử mần thấy ông bà ông vãi, còn tiểu nhân chẳng mần mà có đặng cái ăn, thì lẽ hơn thua đã bày ra trước mắt. Lại nữa, quân tử thì phải sống thanh liêm, làm gương cho bá tánh, lại còn giúp người hoạn nạn, nên khi về đoàn tụ với tổ tiên. Tiền đâu mà xây mồ xây mả " Còn tiểu nhân thích xài đồ chùa, thấy có lợi mới chơi, thành thử kim ngân không mần răng đếm xiết. Lúc sống thì cao lương mỹ vị, xe pháo ì xèo, đến lúc thác đi lại mả đẹp mồ yên, cúng hoài cúng tới. Thử hỏi : Quân tử suốt đời thua thiệt, đến chết vẫn còn thua, thì sung sướng chi mà thành người quân tử "
Tiện nghe vậy, liền đưa tay bịt miệng Khổng Miệt lại, rồi ghé vội vào tai. Nhỏ giọng nói :
- Tiểu nhân nằm trong… quân tử. Có hiểu hay chưa "
Tối ấy Cống về nhà, bất chợt thấy vợ là Hàn thị xớn xác chạy ra. Hấp tấp nói:
- Chàng có độ mà về sớm, là cớ làm sao"
Cống hứng chí đáp:
- Tham lam thì tạo cho mình nhiều lỗi lầm. Tức giận thì sinh bao điều chuyện khó khăn. Còn vội vàng thì tránh đâu cho khỏi phần thất bại. Ta nay được thầy khai mở, hướng dẫn lối đi, nên mới phê phê là vì duyên cớ đó.
Hàn thị ngoẹo đầu đi một chút, rồi hỏi rằng:
- Giữa thầy với vợ. Ai khai mở nhiều hơn"
Cống hoảng hốt đáp:
- Thầy hướng dẫn nhiều ngày. Vợ hướng dẫn cả đời. Cần chi so sánh"
Rồi đem chuyện hỏi thầy ra mà kể. Lúc kể xong, mới khoan khoái nói:
- Nếu không có thầy, thì thế gian không biết sẽ loạn đến chừng mô đây nữa!
Hàn thị bỗng ngửa mặt cười cho một tràng, rồi ngúc ngoắc nói:
- Thầy nói chuyện huề vốn, mà chàng khen ào như vậy, thiệt khiến cho thiếp phải nổi lên điều thắc mắc.
Cống ngơ ngác nói:
- Thầy là Vạn thế sư biểu. Uy danh đến tột cùng, mà nàng lại cho thầy không bảnh, là cớ làm sao"
Hàn thị từ tốn đáp:
- Xe mới còn phải bảo hành. Hà huống con người. Lẽ nào… cày hoài mà chịu được hay sao" Con người ta, có lúc làm cũng có lúc nghỉ. Lúc tận tụy với người lúc nghĩ đến bản thân. Lúc vui thú tiêu dao lúc chung trà ly rượu. Chớ lúc sinh ra cho đến ngày đứt bóng, mà chỉ có làm thì sống nữa mần chi" Bởi chỉ có cong lưng không biết đàng hưởng thụ. Mà giả như chàng không có thời gian ngơi nghỉ, thì sức lực đâu mà tranh đoạt với đời" Đó là chưa nói thiếp đang hồi xuân sắc - mà chàng lo mần không để ý thiếp gần bên - thì cái họa tiêu tan sẽ trăm phần đó vậy. Thế tại sao chàng không lui gót" Ngơi nghỉ ít ngày cho khỏe mạnh tấm thân, rồi sau có chạy ngược chạy xuôi cũng yên lòng đó vậy. Chớ cứ bang bang theo thầy cho tới bến, thì trước là mang cái họa vào thân, sau bạc tóc răng long không bao giờ thấy đặng…
Cống nghe vợ thuyết cho một hồi. Chưa biết trả lời sao. Chợt Hàn thị ào lên nói tiếp:
- Được lòng thầy mà mất lòng… vợ, thì coi như chẳng thu được cái gì hết cả. Có phải vậy chăng"
Cống cảm như có một luồng khí lạnh chạy dọc theo xương sống, bèn hấp tấp đáp: "Thầy có thể lầm lẫn, nhưng vợ không thể sai. Thiệt là đúng lắm!"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.