Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

19/07/200900:00:00(Xem: 2774)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Trăn trở tâm tư khắc khoải, trong lo âu lẫn chán chường cả ngày, nên tôi nằm xuống là đi ngay vào một giấc mịt mùng vô thức. Tiếng ồn ào ở trong buồng, rồi tiếng giật giọng của ai: "Chí Sơn"! Tôi bò nhổm dậy. Qua lỗ vách nứa đan, bẩy, tám tên áo vàng, quần ống cao, ống thấp. Một tên cầm một sợi thừng, đang kéo Chí Sơn bị trói giặt cánh khỉ, đi ở giữa. Hơi ngạc nhiên, ở phân trại E hoặc phân trại A trại tù Trung Ương số 1, đã mấy lần tôi nhìn thấy cảnh lũ áo vàng bắt được tù trốn, thường nằm trên mấy đòn cây rừng mang về.
Bởi khi bắt được tù trốn, chúng thường phì nỗi bực tức căm giận, vì mệt nhọc lùng xục tìm tòi, qua những cẳng chân, nắm tay hay những chiếc gậy vào người tên tù, thì còn làm sao mà đi được. Nhưng Chí Sơn chỉ bị trói dong về trại, chắc rằng chúng đã được lệnh nghiêm ngặt không được đánh, vì Sơn chỉ là đối tượng, mâu thuẫn nội bộ"
Ở trong trại, những ngày cuối tuần hay những giờ không đi lao động, anh Bưởi và Lương thấy tôi buồn ít nói, nên hay rủ tôi tới thăm uống trà, với anh này anh kia như: Kiều Duy Vĩnh (nghe nói là một Đại úy thời Liên Hiệp Pháp) hay anh Nguyễn Chí Thiện, hoặc anh Phùng Cung v.v… (những thi nhân phản kháng trong nhân văn giai phẩm). Tôi đều từ chối, tránh xa những chỗ đông người. Tuy ra vào khu có nhìn thấy nhau, nhưng chưa hề tâm sự với ai, vì giai đoạn này tôi có còn hồn đâu!
Trưa hay chiều, tôi hay lang thang một mình ra phía sau lán, ngồi vắng lặng đăm chiêu, cho hồn lửng lơ hay đi chơi đây đó! Một buổi trưa mắt tôi lững lờ, lần theo một bóng người với chiếc cần câu, phải nói là một chiếc que nứa dài hơn 1m. Bóng đó cứ loay hoay, thả câu trong một cái ao con. Phải nói là cái rãnh con, đầy bèo tấm, nước đen ngòm. Tôi đoán chiếc ao con này, (bên trong hàng rào trại) khi làm trại người ta đào lấy đất đắp, mấy cái nền của lán trại. Do năm tháng, và mưa nắng thành một rãnh nước tù, như những người tù trong trại.
Thỉnh thoảng tôi cũng thấy có tiếng động trong đám bèo tấm. Chắc chỉ là mấy con ngóe, con ễnh ương chứ không phải là cá. Cá ở đâu vào đây" Và nếu có do trời mưa, thì lấy cái gì để mà ăn, nước lại đen thẫm như vậy!
Bỗng bóng người đó giật mạnh chiếc que nứa! Rõ ràng một chú cá trê đen thẫm, như mun tung lên cao, ngọ ngoạy mấy cái rồi lại rơi tõm, xuống chiếc rãnh màu đen mất tiêu. Tôi chạy bổ đến, ra là anh Bùi Tâm Đồng, anh đang ngẩn ngơ nhìn xuống chiếc ao đen, tay mân mê chiếc lưỡi câu. Tôi háo hức vồn vã:
- Tiếc qúa! Tôi cũng tiếc cho anh!
Anh xòe tay rồi đưa cho tôi một chiếc xương hàm trên, của con cá còn dính ở lưỡi câu:
- Đây anh xem, nó đã bị xứt hàm rồi, chắc chả bao giờ còn dám cắn câu nữa.
Rồi anh nói thêm như giãi bầy:
- Tôi đã rình và chuẩn bị hơn 2 tháng nay, qua hiện tượng động tĩnh sau những trận mưa, tôi xác định chiếc rãnh này có một con cá, mà tôi còn đoán được là cá trê nữa! Tôi phải tìm thép, chặt ngạnh uốn thành một lưỡi câu, rồi tôi phải hy sinh một miếng tóp mỡ, mẹ tôi hồi tết mò mẫm lên tận đây tiếp tế. Cũng hàng tuần lễ nay, hôm nay nó mới cắn, thì chỉ được mỗi cái hàm trên của nó.
Để cho câu chuyện tôi và anh gần gũi nhau hơn, và cũng để khích lệ, tôi động viên:
- Yên chí anh Đồng ơi! Nó vẫn là một sinh vật, đói phải ăn, hãy kiên trì!
Và rồi mãi hơn một tháng sau, một trận mưa đêm thứ Bẩy, ngày Chủ nhật tôi và anh Đồng đã lại câu được chú cá trê ngày ấy. Hàm trên của chú cá đã thành sẹo, trông chú giẫy như một người bị tật méo mồm. Nhìn con cá trê gầy nhẳng, tuy không to nhưng tôi chắc nó đã già lắm rồi!
Không phải nó không biết, nó không rút kinh nghiệm, có khi nó đã tự thề hứa là không còn bao giờ cắn những cái loại vớ vẩn ấy nữa! Đã làm mình mất cả xương hàm trên, lại còn bay lên trời như pháo thăng thiên nữa. Thà đi kiếm chác con sâu, con bọ ở mé bờ, cùng lắm thì mấy cánh bèo mà sống. Nhưng..... Như tôi đã nói chữ "nhưng" ở đời, con cá cũng không thoát khỏi chữ "nhưng". Đói qúa! Chẳng có con sâu, con bọ nào cả, suốt ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác chẳng có một cái gì, ngoài những cánh bèo. Thôi thì, nếu có phải "đớp" vào là sẽ chết, thì cũng xin một lần, vì thế cậu cá trê ngày ấy lại sơi nữa. Và bây giờ chúng tôi: Anh Đồng và tôi, chạy chọt ngoại giao được tí muối với một cái lon Guigoz. Chiều nay sẽ có một bữa tơi bời hoa lá cành, với chú cá trê này.
Chúng tôi xốn xang tất bật chuẩn bị nhiều mặt; lửa đóm canh gác, bí mật chỉ có 2 người thôi. Khi cắt đôi con cá, thấy ruột nó ngắn một tị chừng 2 phân toàn đất thôi. Lá gan và tim của nó cũng tí tẹo, khác hẳn với một con cá to bằng thế, mà ở điều kiện bên ngoài. Chưa nói, khi mỗi người có một phần, bắt đầu thưởng thức thì ôi thôi! Thịt của nó như mùi con bọ xít của cây bí ngô, bí đao, nó vừa khăn khẳn lại vừa nồng nồng. Tuy thế chúng tôi cũng vui vẻ và nhăn mặt, trợn mắt chén hết!
Ngày 19/2/76, buổi sáng, tôi đang ngồi trong hàng chờ toán xuất trại như mọi khi, tên Hường trực trại đọc tên tôi ở lại, chuẩn bị công tư trang, chuyển trại.
Đã từ lâu tôi xác định, mình bây giờ như một món đồ vật, vậy tùy chúng muốn đưa đi đâu thì đi, muốn để ở đâu thì để. Không đâu xa, chúng chuyển tôi ra phân trại A.
Đây là trại chính của trại Phong Quang, trung ương số Hai Yên Bái có tên tổng giám thị là thiếu tá Nguyễn Trọng Thích trực tiếp phụ trách. Chung quanh trại có tường xây như bên trại chính phố Lu, Lào Cai. Bên trong có 7 - 8 ngôi lán tù cũng bằng tre, nứa, gỗ như trong phân trại B, tôi vừa chuyển đi.
Cũng một kiếp người
Sau mấy ngày, tôi đã biết phân trại A này có khoảng 7, 8 trăm tù, hầu hết là hình sự: tham ô, trộm cắp, giết người. Chỉ có một toán tù chính trị địa phương, duy nhất hơn 4 chục người, làm mộc và làm nhà do tên cán bộ Tý phụ trách, anh Ngô Đạo làm toán trưởng.
Lán mộc cũng là tre nứa, gỗ trống trếnh 4 gian ở ngay cạnh đường cái. Gọi là đường cái chứ cũng là đất, đôi khi có một vài chiếc xe cổ lỗ hoặc là xe bò của trại đi qua. Hàng ngày toán tù chính trị chúng tôi xuất trại ra khỏi cổng, rẽ tay phải theo đường cái chừng 200 m, là đến lán mộc thủ công. Ở lán mộc tôi được phân công trong tổ làm cửa và một vài ngày lại đóng quan tài, gọi là quan tài cho nó sang, vì bên hình sự này chết hơi nhiều (chết đói và kiết lỵ). Chúng tôi được lệnh chỉ cần rọc 4 tấm ván thô (không bào), rồi đóng đinh là xong.
Từ lán mộc, sáng, trưa, chiều, tôi vẫn nhìn thấy những toán hình sự rách rưới, gầy yếu, ghẻ lở đi qua lại. Có hôm anh Ngô Đạo toán trưởng, nhìn những đoàn tù hình sự đi qua nói chuyện với tôi. Anh chỉ tay xa xa, phía trước mặt:
- Anh Bình có biết không" Chúng nó đói qúa, trên đường đi lao động về (hai bên đường, bất cứ cành cây rừng nào chĩa ra) mấy cái nhà tư của cán bộ có mấy giậu dâm bụt và thài lài phía sát đường. Họ vặt sạch, đút ngay vào miệng nhai ngấu nghiến, về sau trên đường đi về, bất cứ cành cây rừng nào chĩa ra, họ cũng vặt lá đút vào mồm, dù bị công an võ trang dùng báng súng thúc, đánh, đá tơi bời.
Nghe anh Đạo nói chuyện, lòng tôi vặn vò như sát muối. Tôi thầm nhủ trong lòng, nỗi thương đau này của họ, có một phần do tôi gây ra!
Một sự việc buổi chiều hôm qua, vẫn còn chèn ứ chật cứng lòng tôi: Tôi đang làm việc với tổ mộc làm cửa ở lán, một số người láo nháo, rầm rì chỗ căn nhà con của cán bộ Tý, mé sau của lán mộc. Căn nhà con này trên một khu đất cao. Tò mò, tôi lách lên nhìn vào chiếc sân con, trước mặt căn nhà: À, anh Lộc Mù, đang nằm xấp dưới đất, tay chân đều xuôi thẳng! Tên cán bộ Tý đang trợn mắt nhìn anh Tuấn Nguyệt, cầm một chiếc roi tre, quát:
- Đánh mạnh vào, đúng 10 roi! Cho chừa tội ăn cắp sắn!
Trước 7, 8 người trong tổ làm nhà, anh Lộc Mù, mọi người gọi anh như thế. Mắt anh bị bệnh mắt đỏ, nên không mở to được. Anh Lộc chừng 45 tuổi, người Hà Nội cùng quen biết với ban nhạc vàng của Toán Xồm. Sau 10 roi, anh Lộc lồm cồm bò dậy. Đến lượt anh Tuấn Nguyệt, lại nằm xuống và anh Lộc lại cầm roi. Tên Tý mắt gườm gườm, gằn giọng:


 - Trước mặt tôi, các anh không đánh thật, đánh mạnh, tôi sẽ ngồi đây, bắt các anh thay nhau đánh tới khi trại về.
Tôi bàng hoàng, ngẩn người ra! Tôi nhẹ nhàng lủi xuống chỗ làm. Tôi ngồi nhắm mắt lại cho hồn lẩn trốn vào mây đen, của cuộc đời. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cảnh này trong tù! Phải rồi, trước đây còn miền Nam, còn một nửa nước nữa VC chưa chiếm được, chúng còn che giấu để bịp bợm tuyên truyền. Bây giờ, chúng đã nuốt xong miền Nam rồi, không cần phải che đậy nữa.
Tên Tý chừng 3 chục tuổi, anh Lộc 45 tuổi, anh Tuấn Nguyệt khoảng 40 tuổi đều là dân ăn chơi, của đất ngàn năm văn vật. Tôi đã quen biết các anh hơn một năm trước trong trại B, ở những buổi nhạc vàng bỏ túi, lén lút cuối tuần. Tuy đánh không đau lắm, vì có quần áo, nhưng mà nhục. Có lẽ tên cán bộ Tý mục đích, cũng chỉ muốn làm nhục là chính. Tất nhiên tôi hiểu, phải có chủ trương từ trên, thì tên Tý mới dám làm như vậy.
Ít ngày sau, một buổi tối cán bộ trực trại vừa vào điểm xong ra khóa cửa buồng, lại thấy mở khóa nữa. Tên trực trại, tên Tý cán bộ toán nói gì với anh Đạo toán trưởng. Anh Đạo quay lên sàn trên nói to:
- Anh Bình và anh Tuấn Nguyệt khẩn trương theo cán bộ ra lán, đóng 2 chiếc quan tài có bồi dưỡng 1 kí sắn luộc.
Tôi và anh Tuấn Nguyệt đều vội vàng leo xuống, theo một tên công an võ trang ra lán thủ công. Trời đã tối đen, chỉ có một ngọn điện 40 Watts treo giữa lán. Ít khi nào tù làm đêm, vì thế bóng đêm phủ căn lán gần hết. Trên đường vào lán mộc, trong bóng tối mập mờ, tôi thấy một chiếc xe ba gác trên có 2 xác người, với 4 anh tù hình sự đang ngồi gục đầu ở mé đường. Một tên công an võ trang đeo súng, miệng lập lòe điếu thuốc đứng bên cạnh, với tên Thông y tá hình sự của trại. Như vậy gồm có mười người: Hai tên công an võ trang, tên cán bộ trực trại, Tuấn Nguyệt và tôi, y tá với 4 anh hình sự, không kể 2 cái xác.
Trong bóng đêm rừng, ngọn điện chỉ khoét ra một lỗ sáng méo mó, còn đều đen ngòm. Phần vì gió lộng thêm, sương núi lại tỏa ra nhiều như mưa phùn, nên cả 4 anh hình sự và 3 tên cán bộ, đều vào trong chỗ chúng tôi làm. Tiếng rọc cưa xoèn xoẹt rù rì, vài tiếng cú rừng the thé vọng về, càng khoét sâu lòng mọi người, ai cũng câm nín. Bỗng tên trực trại ghé về phía anh y tá hình sự, giọng thắc mắc:
- Làm sao, chúng chết nhanh như thế"
Dưới ánh đèn, hai con mắt tên y tá trắng dã như mắt cú mèo, lấm lét nhìn mấy tên áo vàng, rồi lắc đầu chậm chạp:
- Thưa cán bộ, cháu cũng không biết, khi khênh ra khỏi buồng, thì chúng đã chết rồi!
Tên trực trại, thái độ có vẻ ấm ức, tò mò. Y dõng dạc ra lệnh cho 4 tên hình sự, đang ngồi như 4 con gà rù, ở mé cầu bào bên kia:
- Bốn anh ra mang một cái, vào đây cho tôi!
Nói xong, y quay lại tên y tá hình sự, nhưng nói với tôi:
- Anh hãy cho anh y tá mượn cái chàng, hay cái bướm một tí!
Tôi và Tuấn Nguyệt cũng muốn biết ra sao, nên đã đưa một cái chàng, tôi mới mài.
Tên Thông y tá đã chỉ một cái cầu bào trống bên cạnh, cho 4 tên hình sự đặt cái xác lên. Dưới ánh đèn mập mờ, tôi thấy cái xác chừng 20 tuổi quần áo rách tả tơi. Cái mặt xám đen, đặc biệt là cái bụng phình to tướng. Tên Thông cầm cái chàng, rạch mạnh cái bụng to ấy, nó phì ra thành tiếng, như chiếc lốp xe đạp bị xì hơi. Tên trực trại ra hiệu tay, cho tên Thông:
- Rạch nữa, cho rộng ra! Rạch cả cái bọc dạ dầy kia kìa!
Tôi chạy sang liếc nhìn, chỉ có một tí máu đen bên ngoài, trong dạ dầy, chỉ có vỏ sắn và lá cây, thành một màu xam xám xanh xanh.
Tôi và Tuấn Nguyệt nhìn nhau, rồi đều quay về chỗ đóng đanh ghép cho xong 2 chiếc quan tài. Vừa mệt vừa đói, tôi và Tuấn Nguyệt cũng đều không ăn được kí sắn luộc, cuộn trong chiếc lá đu đủ để đấy. Được sự đồng ý của Tuấn Nguyệt tôi mang cả gói sắn luộc, đưa cho 4 cậu hình sự, vì họ cứ liếc nhìn trộm, gói sắn từ sớm tới giờ. Chúng tôi cũng là tù đói, vậy mà thấy vậy chẳng muốn ăn. Chỉ trong một phút, cả 1 kí sắn 4 cậu chia nhau, ngốn hết chả, còn tí sơ nào!
Tôi hỏi ra, các cậu đi chôn, mỗi người chỉ có 2 lạng sắn bồi dưỡng, đã ăn ngay hơn một giờ trước rồi. Tôi và Tuấn Nguyệt vội vàng thu dọn dụng cụ, để tên vũ trang dong về trại. Trên đường vào trại tăm tối gập ghềng, tôi liên tưởng cảnh vừa qua. Tôi nhớ đến một ý thơ:
Không kèn, không trống, không ai tiễn
Chẳng khói, chẳng nhang, chẳng nguyện cầu.
Chỉ có bạn tù, khiêng lặng lẽ,
Vùi nông một lỗ, kiếp người ơi!
Chừng hơn 2 tháng sau, được lệnh của tên cán bộ Tý, anh Đạo chuyển tôi sang tổ làm nhà. Tôi ở tổ này khoảng hơn 3 tháng. Tôi nhớ vào đầu 1977, một hôm tên Thành, cán bộ giáo dục của phân trại A, gọi tôi. Gần một năm ra trại này y mới gọi. Y gợi ý và bơm cho tôi như sau: Sớm muộn Đảng và nhà nước sẽ tha cho tôi, về một công nông trường nào đấy. Nhưng có điều, nếu cho tôi ra nông trường, công trường, thì không còn thợ làm nhà, ở trong trại giam. Vì thế tôi phải có ý thức đào tạo, dạy cho các cậu bên khu hình sự án dài, biết làm nhà để thay thế các anh, các bác bên chính trị, chết hoặc được tha v.v…
Tôi hiểu, chẳng qua đây cũng chỉ là một cách khích lệ, dụ tôi dậy hết nghề, cho đám trẻ hình sự mà thôi. Hiểu như vậy, nhưng là tù, thì cứ tà tà mà làm, rồi đến đâu hay đến đó.
Ba ngày sau tên Tý dẫn đến 3 cậu chừng 19 - 20 tuổi. Ngay nơi sân sau của lán mộc, tôi đang chuẩn bị để làm một căn nhà 3 gian. Tôi chỉ biết, chịu trách nhiệm làm theo kích thước đã vẽ sẵn, còn họ dựng ở đâu thì tôi không biết. Ba cậu đều là dân ở khu Hoàn Kiếm Hà Nội. Lúc đầu các cậu tỏ ra thái độ ngang tàng, bất cần đời, nhưng sau những thăm hỏi, trao đổi tâm tình, các cậu lại tỏ ra sốt sắng, ân cần ngoan ngoãn và vui vẻ làm theo, những lời tôi chỉ dậy.
Hơn 10 năm xưa tôi đã có một số kinh nghiệm sống với biết bao nhiêu các cậu "cháu ngoan của bác Hồ" ở Hỏa Lò. Thậm chí, cả những loại là giới anh chị của các cậu nữa, nên điều hành 3 cậu này, chẳng khó khăn gì.
Cậu Nguyễn Đắc Dũng 20 tuổi, cậu Phan Hà 19 tuổi cùng một vụ ở Ngõ Huyện Hà Nội, đầu năm 1976. Cậu thứ 3 là Hoàng Văn Nô ở một vụ khác, các cậu đều mới lên trại được 5 tháng. Về vụ việc của cậu Dũng và Hà, tôi xin sơ lược như sau: Vào cái dịp Tết (âm lịch) của năm 1975 đầu 76. Có lẽ vừa cướp được miền Nam béo bở, VC hơi lơ là vấn đề quản lý xã hội ở miền Bắc nói chung, và Hà Nội nói riêng. Nhóm Ngõ Huyện gồm 5 cậu Dũng, Xuân, Hà, Kỷ, và Thái. Các cậu lêu lổng không chịu học hành, và cũng không theo một cái khuôn khổ của Đảng, là gia nhập đoàn thiếu nhi, hay đoàn thanh niên CS.
Một đêm 2 cậu Dũng và Thái, đi chơi la cà ra khu bờ sông gần nhà Bác Cổ. Trong bóng đêm 2 cậu thoáng thấy một cô gái đang ngồi ủ rủ ở một bậc hè, của một ngôi nhà trên đường phố. Nháy nhau 2 cậu đều quay xe đạp trở lại, vì đoán là " bò lạc" các cậu vẫn thỉnh thoảng vớ được. Được biết cô này tên là Hồng, 16 tuổi lên Hà Nội để chăm sóc bố bị bệnh lao xương, nằm ở Việt Đức.
Thấy Hà Nội phố phường có nhiều cửa hàng, cửa hiệu, cô cứ đi, rồi bị lạc không biết đường về, nhà thương. Cô đã đi mỏi cả chân, lại còn bị đói từ sáng, chưa ăn uống gì.
Hai cậu dụ Hồng đi ăn phở, cô Hồng lên xe cho Dũng đèo đi. Hai cậu đưa Hồng ra phía sau, đầu nhà thờ lớn rồi đè Hồng ra làm bậy, vừa đói, vừa không chăn chiếu, ở ngay sàn gạch. Sau khi 2 cậu làm xong, bỏ mặc Hồng nằm đó khóc, các cậu về nhà vì đã 11giờ đêm rồi.
Nhưng nằm không yên, nghĩ đến mấy thằng bạn ở Hàng Trống và Hàng Gai, các cậu đã xách xe đến tìm. Cậu này gọi cậu kia thay nhau tất cả 5 cậu. Riêng cậu Dũng và Thái, gần sáng còn trở lại làm thêm lần nữa. Tuy các cậu đã dặn kỹ Hồng, không được nói với ai, nhưng có lẽ phần vì đói, phần vì đau, nhục, nên cô đã bò về phía Hàng Trống, rồi đến được đồn cảnh sát thì bị ngất.
Lần lượt các cậu đều bị bắt, sáu tháng sau đem các cậu ra tòa xử: 3 cậu Dũng, Hà, Thái, mỗi cậu 20 năm; hai cậu Kỷ và Xuân mỗi cậu 18 năm vì các cậu đã từ chối không muốn đi, nhưng Hà, Thái, Dũng cứ lôi kéo. Cái điều đáng trách nhất của các cậu, là cô Hồng đã đói từ sáng, mà không cậu nào kiếm cái gì, cho cô đó ăn. Tôi có hỏi thì Dũng, Hà đều nói trong niềm xúc cảm, đau đớn ra mặt:
- Khi ấy chúng em cũng đói, mà không đứa nào có tiền cả!
Gần một thế kỷ tù, trong một vụ án vẩn vơ không tên tuổi. Năm cuộc đời hay cả sáu cuộc đời sẽ đi vào khổ đau, tàn lụi. Nghe chuyện các cậu tôi hiểu, cái chính là các cậu gặp lúc không may nữa. Chính trị cũng như hình sự, CS hay lấy một sự việc trị đến nơi đến chốn, trị nặng gấp đôi gấp ba. Vì chúng muốn trị người chưa, vi phạm hoặc mới vi phạm, không dám vi phạm nữa. Có thể đám anh chị Ngõ Huyện (khu nhà thờ lớn Hà Nội) làm nhiều chuyện đã từ lâu, nhưng CA không tìm bắt được. Bây giờ vớ được một vố chúng xử làm gương, cho giới bụi đời, anh chị Hà Nội"
Làm nhà với các cậu còn trẻ, cái khó nhất là chữ Nho: Tiền hậu, thượng, hạ v.v… Tôi thay vào bằng chữ in và số La Mã. Các cậu đều học lớp 7, lớp 8 (hệ 10 năm) nên tôi áp dụng công thức, của tam giác vuông góc Pithagore, cho các cậu tìm đường chéo v.v… Có thể do sự thông minh của các cậu, hoặc do sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa: nghề nghiệp, kiến thức, lý tình của người hướng dẫn. Chỉ ba tháng sau, các cậu không những đã xàm được các xà thượng, hạ, đúng qui cách kỹ thuật, mà còn có thể đứng làm vì trưởng. Như vậy có thể tạm gọi là một thợ làm nhà, được rồi.
Một buổi chiều tôi theo toán đi làm về; ra khỏi lán mộc, toán rẽ trái để về trại. Từ xa (200 m) trước cửa căn nhà trực trại, đối diện với cổng trại. Có 6 - 7 cán bộ áo vàng lố nhố, tôi thoáng thấy một bóng người cao cao, đúng là hung thần Hoàng Thanh.
Tôi hơi choáng khi bất chợt nhìn thấy y, nhưng lòng cũng một chút vui vui, gặp lại một người quen biết đã lâu không gặp. Dù sao 7, 8 năm xưa, một lần tôi và y đã có một buổi ở phân trại E phố Lu, đàm đạo về một số loài hoa của quê hương. Có thể y đã quên tôi rồi, một người tù trong hàng chục ngàn người tù khác. Tôi nhìn đi nơi khác, khi toán đi qua mặt y. Nhưng y đã tiến ra sát mé đường, gần hàng toán mộc đang đi. Tôi quay lại nhìn y, và hơi gật đầu miệng nói nho nhỏ: "Chào ông!" Cổ áo y thường không đeo lon, mắt y sáng lên rồi vồn vã:
- Anh có khỏe không" Cắt tóc và cạo cái râu đi! Trông yếm thế qúa! (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.