Hôm nay,  

Trang Văn Nghệ Á Châu: Toàn Độ Nghiên Khuôn Mặt Quốc Tế Của Nền Điện Ảnh Xứ Hàn

09/06/200900:00:00(Xem: 16690)

Trang Văn Nghệ Á Châu: Toàn Độ Nghiên Khuôn Mặt Quốc Tế Của Nền Điện Ảnh Xứ Hàn
Nhuỵ Nhã
LGT: Trong những thập niên gần đây, văn nghệ Á Châu ngày càng khởi sắc trên phương diện điện ảnh, thời trang, tài tử... với những đóng góp quan trọng của Hồng Kông, Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan... Nhiều bộ phim hay, nhiều tài tử nổi tiếng của Á Châu đã chinh phục con tim khối óc của hàng tỷ người không những tại Á Châu, mà còn cả các quốc gia tại các châu lục khác của thế giới. Để có thể cống hiến quý độc giả phần nào những sắc thái mới lạ, những đường nét quyến rũ, những hình ảnh độc đáo, của văn nghệ Á Châu, Sàigòn Times hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả các bài viết của Nhuỵ Nhã, một cây viết khả ái, dễ thương, có nhiều cơ duyên đặc biệt với nền văn hóa Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn, Hồng Kông....
* * *
Trong tháng Năm vừa qua, kỳ Liên Hoan Phim Điện Ảnh Quốc Tế Cannes (Festival International Du Film De Cannes) lần thứ 62, hay còn được gọi là “Giải Thưởng Điện Ảnh Quốc Tế Cành Cọ Vàng”, đã trở thành một sự kiện nổi bật thu hút sự chú ý của giới hâm mộ nền nghệ thuật thứ Bảy. Bởi lẽ, đây là một trong ba kỳ Liên Hoan Phim Điện Ảnh mang giá trị nghệ thuật với tầm mức uy tín cao nhất thế giới gồm: “Cannes Film Festival”, “Berlin International Film Festival”, “Venice Film Festival”. Trong đó, “Giải Thưởng Điện Ảnh Quốc Tế Cành Cọ Vàng” do chính phủ Pháp thành lập từ năm 1946 được tổ chức vào mỗi dịp tháng Năm hàng năm tại thành phố Cannes, một vị trí địa lý nằm dọc theo vùng bờ biển Côte d’Azur ở miền Nam nước Pháp.
“Giải Thưởng Điện Ảnh Quốc Tế Cành Cọ Vàng” năm 2009 bắt đầu từ ngày 13/5 cho đến ngày 24/5 với nội dung thưởng thức cũng như thảo luận ý kiến về những tác phẩm được đề cử, đã đem vinh quang đến cho đạo diễn người Áo là ông Michael Haneke qua bộ phim đoạt “Giải Cành Cọ Vàng” mang tựa đề “The White Ribbon” (Des Weibe Band). Kế đến, tài tử Christoph Waltz của Đức được tuyển chọn là “nam diễn viên xuất sắc” trong tác phẩm nói về Thế Chiến Thứ Hai là “Inglourios Basterds” và giải thưởng “nữ diễn viên xuất sắc” đã thuộc về nữ danh ca kiêm diễn viên mang hai dòng máu Anh-Pháp là Charlotte Gainsbourg với bộ phim “Antichrist”.
“Giải Thưởng Điện Ảnh Quốc Tế Cành Cọ Vàng” lần này đã gợi lại những hồi ức vẫn còn khắc sâu trong lòng giới hâm mộ điện ảnh xứ Hàn về thành tích vẻ vang của nữ diễn viên Toàn Độ Nghiên (Jeon Do Yeon), một ngôi sao kỳ cựu từng đoạt giải “nữ diễn viên xuất sắc” tại kỳ Liên Hoan Phim Điện Ảnh Quốc Tế Cannes lần thứ 60, tức cách đây đúng hai năm. Với tư cách là một nữ diễn viên Đại Hàn lần đầu tiên làm rạng danh nền điện ảnh xứ sở Kim Chi tại “Cannes Film Festival” sau khi trúng giải “Cành Cọ Vàng” năm 2007, Toàn Độ Nghiên còn được ông Bộ Trưởng Văn Hóa & Du Lịch Đại Hàn đương thời trao tặng huân chương danh dự vào ngày 29/6/2007, trong ý nghĩa vinh danh tài năng diễn xuất và ghi nhận những công lao đóng góp của cô cho nền điện ảnh quốc gia. Đồng thời, bộ phim đưa Toàn Độ Nghiên bước lên sân khấu nhận giải “Cành Cọ Vàng “ là “Secret Sunshine” đã trở thành một tác phẩm đi đôi với tên tuổi và sự nghiệp của cô.
“Secret Sunshine” có tên gốc bằng tiếng Đại Hàn là “Miryang” (Mật Dương) do nhà đạo diễn nổi tiếng Lý Thương Đông (Lee Chang Dong) biên soạn kịch bản và dàn dựng từ đầu năm 2007. Ông Lý Thương Đông vốn là một khuôn mặt tiêu biểu của nền điện ảnh hiện đại xứ Hàn, chuyên thực hiện thể loại phim tâm lý tình cảm với nghệ thuật diễn tả nội tâm và phản ảnh bộ mặt xã hội hiện thực rất sâu sắc. Do đó, ông còn được xem là nhà đạo diễn thiên tài hiếm có của xứ sở Kim Chi qua thành tích đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như: “Asian Film Award”, “Golden Lion”, Palme D’Or” v.v… Ngoài ra, đạo diễn Lý Thương Đông cũng từng đảm nhiệm chức vụ Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa & Du Lịch từ năm 2003 đến năm 2004, tức trong thời kỳ cố tổng thống Lô Vũ Huyễn (Roo Moo Huyn) nắm chính quyền.
Tác phẩm “Secret Sunshine” nói về những nỗ lực tìm lại ánh sáng cuộc đời của một góa phụ tên Chân Nhã (Shin Ah, do Toàn Độ Nghiên thủ diễn), sau khi cô trải qua những nỗi bất hạnh bị mất chồng và mất luôn cả đứa con trai duy nhất. Trước đó, Chân Nhã đã từng đau khổ và chịu đựng những ngày tháng cô đơn buồn tủi trong cuộc sống hôn nhân do người chồng ngoại tình. Với tấm lòng vị tha và bản tính kiên nhẫn, Chân Nhã luôn làm tròn bổn phận người vợ và không bao giờ lên tiếng than van hoặc trách móc sự vô tình lãnh đạm của chồng. Ngược lại, cô hằng mong đợi một ngày nào đó chồng cô sẽ hối cải để trở về với mái ấm gia đình. Thế nhưng, sau một tai nạn giao thông, chồng cô đã vĩnh viễn ra đi. Sự kiện này đưa Chân Nhã đi đến quyết định rời bỏ kinh đô Hán Thành để tìm cuộc sống mới tại một thị trấn hẻo lánh là vùng Mật Dương. Cô cố gắng thích nghi với hoàn cảnh “mẹ góa con côi” tại vùng đất mới để tránh sự dị nghị của dư luận. Đôi khi cô lại phô trương cuộc sống khá giả cho mọi người thấy với tâm lý không muốn cho mọi người chung quang tỏ lòng xót thương. Tuy nhiên, cũng chính vì cung cách sinh hoạt hòa đồng, thân thiện với mọi người chung quanh nên cô mất cảnh giác và bị một người hàng xóm bắt cóc con trai cô để đòi một số tiền chuộc khổng lồ. Lúc này, Chân Nhã không biết  xoay sở thế nào vì từ trước đến nay ai cũng nghĩ cô là người giàu sang, lắm của. Kết quả, vì không có đủ tiền chuộc giao đúng hẹn, con trai cô đã bị kẻ gian hạ sát. Cuối cùng, sau khi lướt qua những cơn sóng gió của nghịch cảnh, Chân Nhã đã nhìn ra được lẽ sống mới: chấp nhận hiện thực và sống chân thật với chính mình.
Qua hình ảnh của nhân vật Chân Nhã, nữ tài tử Toàn Độ Nghiên đã chinh phục cảm tình khán giả quốc tế bằng những nét mặt diễn tả tâm trạng đau khổ, bi thương của một người phụ nữ đã khô héo lệ sầu sau những biến cố trọng đại của cuộc đời. Đặc biệt, diễn biến tâm lý của nhân vật Chân Nhã ở từng bố cục câu chuyện cũng được Toàn Độ Nghiên thể hiện thật xuất sắc qua từng ánh mắt, nụ cười v.v…Theo nhận xét của đạo diễn Lý Thương Đông thì chính những kỹ thuật diễn xuất bộc lộ nội tâm rất sinh động này đã góp phần quan trọng giúp cho Toàn Độ Nghiên thắng giải “Cành Cọ Vàng” năm 2007.


Toàn Độ Nghiên sinh ngày 11/2/1973 tại thủ đô Hán Thành và là một ngôi sao lớn của màn bạc và truyền hình Đại Hàn, nổi danh cùng thời với những khuôn mặt gạo cội khác như Lý Anh Ái (Lee Young Ae), Thôi Chí Vũ (Chi Ji Woo), Thôi Chân Thật (Choi Sil Jin) v.v…Tuy là một nữ tài tử sớm bước chân vào thế giới của nghệ thuật diễn xuất từ năm 1990 trong bộ phim truyền hình đầu tiên “Our Paradise”, nhưng mãi đến năm 1997 Toàn Độ Nghiên mới thực sự được khán giả biết đến qua cuốn phim điện ảnh ăn khách nhất tại xứ Hàn vào cùng năm là “The Contact”.
Vốn xuất thân trong một gia đình trung lưu và yêu thích môn kịch nghệ từ thưở bé nên sau khi hoàn thành chương trình Trung Học Phổ Thông, Toàn Độ Nghiên đã có ý hướng muốn trở thành một diễn viên điện ảnh mặc dù gia đình cô phản đối mạnh mẽ. Đặc biệt hơn, tuy chưa từng trải qua một khóa huấn luyện hoặc đào tạo về kỹ thuật diễn xuất nhưng có thể khẳng định rằng Toàn Độ Nghiên là một trong những nữ diễn viên thành công nhất trong lĩnh vực điện ảnh của xứ Hàn. Bởi lẽ, trong suốt quá trình 19 năm hoạt động văn nghệ từ năm 1990 cho đến nay. tên tuổi của Toàn Độ Nghiên luôn gắn liền với hầu hết các giải thưởng điện ảnh hàng đầu của Đại Hàn sau khi cô đạt danh hiệu “Tân Nữ Diễn Viên Xuất Sắc” của giải Đại Chung (Grand Bell) và giải Rồng Xanh (Blue Dragon) vào năm 1997 qua cuốn phim “The Contact”.
Vì vậy, nếu đề cập đến Toàn Độ Nghiên, chắc giới ái mộ không thể quên những thành tích lẫy lừng của cô như:
- Năm 1999, đoạt danh hiệu “nữ diễn viên xuất sắc” của giải “Nghệ Thuật Bách Tưởng” (Baeksang), danh hiệu “nữ diễn viên được ái mộ nhất của giải “Rồng Xanh” qua bộ phim “A Promise”.
- Năm 2000, đoạt danh hiệu “nữ diễn viên xuất sắc” của giải “Pusan Film Critics Award”, qua bộ phim “Happy End, đồng thời đoạt cùng danh hiệu của giải “Nghệ Thuật Bách Tưởng” qua bộ phim “The Harmonium In My Memory”.
- Năm 2001, đoạt danh hiệu “nữ diễn viên xuất sắc” của giải “Nghệ Thuật Bách Tưởng” (Baeksang) qua bộ phim “I Wish I Had A Wife”.
- Năm 2002, đoạt danh hiệu “nữ diễn viên được ái mộ nhất trong năm” của giải “Rồng Xanh”, đồng thời đoạt danh hiệu “nữ diễn viên xuất sắc” do đài SBS trao tặng qua bộ phim truyền hình “Shoot For the Starts”
- Năm 2004 , đoạt danh hiệu “nữ diễn viên xuất sắc” của giải “Korean Film Awards” qua bộ phim “My Mother, The Mermaid”
- Năm 2005, đoạt danh hiệu “nữ diễn viên xuất sắc” của giải “Nghệ Thuật Xuân Sử” (Chunsa Film Art Awards) qua bộ phim “You Are My Sunshine”.
- Năm 2006, đoạt danh hiệu “nữ diễn viên xuất sắc” của giải “Đại Chung” qua bộ phim “You Are My Sunshine”.
Tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến mức độ ăn khách lạ lùng của Toàn Độ Nghiên, đa số khán giả và giới bình luận văn nghệ đều đi đến nhận xét chung: “Nét đặc hữu của Toàn Độ Nghiên mà ta không thể tìm thấy ở bất cứ một diễn viên Đại Hàn nào là tuy không mang nét đẹp quyến rũ mãnh liệt hoặc nổi bật trong các vai diễn gây ấn tượng bất ngờ, nhưng cô lại tạo được sự thu hút vì tài năng diễn xuất đa dạng. Nói một cách khác, Toàn Độ Nghiên đã làm người xem say mê vì nghệ thuật nhập vai xuất thần ở bất cứ một nhân vật nào, và điều này thu hút sự quan tâm của khán giả nhiều hơn là nội dung cốt chuyện của phim ”.
Thật vậy, trải qua 7 năm thử thách mà trong đó thời gian đóng các vai phụ dài nhất là 5 năm tại các phim trường truyền hình, Toàn Độ Nghiên đã đến với điện ảnh một cách bất ngờ tựa như một cơ duyên đặc biệt dành cho nữ diễn viên này. Sau đó, cô lần lượt tỏa sáng qua từng vai diễn: một thôn nữ dịu dàng đầy nữ tính trong “The Harmonium In My Memory”, một người vợ ngoại tình qua “Happy End”, một nhân viên ngân hàng cô đơn và rung động trước chàng giáo viên hiền lành trong “I Wish I Had A Wife”, một nạn nhân của những phong tục phân biệt đối xử với phụ nữ thời phong kiến trong “Untold Scandal” v.v…
Do đó, đa số các tác phẩm điện ảnh do Toàn Độ Nghiên thủ diễn vai chính tuy đều mang tính nghệ thuật, chủ yếu chọn lọc đối tượng khán giả yêu chuộng thể loại phim tâm lý và kèm theo những thông điệp mang chiều sâu hướng nội, nhưng số doanh thu tại các rạp ciné luôn đạt mức cao kỷ lục. Vì lẽ này, so với các nữ diễn viên tạo được tiếng vang khắp vùng châu Á như Lý Anh Ái, Thôi Chí Vũ hoặc Thôi Chân Thật v.v…danh tiếng của Toàn Độ Nghiên chỉ nổi bật ở quốc nội. Tuy nhiên, sau khi đoạt giải “Cành Cọ Vàng” năm 2007, Toàn Độ Nghiên đã trở thành một khuôn mặt quốc tế đại diện cho xứ Hàn và được tạp chí “Variety” của Hoa Kỳ liệt vào danh sách “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất thế giới”. Đây là một bước thành tựu ngoạn mục đối với Toàn Độ Nghiên vì cho đến nay trong giới tài tử của Đại Hàn vẫn chưa có ngôi sao nào có được niềm vinh dự to lớn này.
Mặc dù đã tiến đến đỉnh cao của sự nghiệp khi được nhìn nhận là một nữ tài tử gạo cội và sáng giá nhất Đại Hàn nhưng Toàn Độ Nghiên vẫn không hứng thú đối với việc tham gia các tác phẩm điện ảnh ngoại quốc. Điển hình là cô đã từ chối không ít lời mời cộng tác của các đạo diễn nước ngoài. Về chi tiết này, cô từng cho biết: “Tôi chưa từng nghĩ đến việc đóng một bộ phim mà không có lời đối thoại bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi luôn mang niềm tự hào là được diễn xuất trên đất nước Đại Hàn và nhất là được gửi gấm tâm tư của nhân vật đến khán giả bằng chính ngôn ngữ của mình. Tóm lại, tôi luôn mong được cống hiến thật nhiều cho nền điện ảnh xứ Hàn và tôi không nghĩ rằng hào quang của Hollywood sẽ giúp tôi nổi tiếng”.
Vào ngày 11/3/07, Toàn Độ Nghiên bước lên xe hoa cùng chú rể là một thương gia họ Khang trong một tiệc cưới linh đình với sự hiện diện của các thân hữu và hơn 300 phóng viên săn tin. Tuy đã lập gia đình, nhưng Toàn Độ Nghiên vẫn tiếp tục con đường diễn xuất và hiện nay cô là một trong số ít nữ tài tử có mức thu nhập từ nguồn quảng cáo thời trang và đóng phim cao nhất Đại Hàn. Điều này, chứng tỏ sức thu hút của Toàn Độ Nghiên chẳng những không sút giảm sau khi cô thành hôn mà còn gia tăng hơn so với năm 2007 là thời điểm đưa tên tuổi của cô lên hàng diễn viên hàng quốc tế.
Trong năm 2008 vừa qua, cuốn phim mới nhất do Toàn Độ Nghiên thủ diễn mang tựa đề “Emons Furniture” cũng là một tác phẩm tạo nhiều âm vang trên thương trường điện ảnh của xứ Hàn, mặc dù không được xếp vào danh sách các bộ phim nhận giải thưởng dịp cuối năm.
Tóm lại, tấm gương thành công của Toàn Độ Nghiên đã chứng minh cho ta thấy rõ một định luật của thế giới điện ảnh: “đối với các nữ diễn viên trong ngành điện ảnh, tài năng diễn xuất mới thước đo chân giá trị của nghệ thuật chứ không phải sắc đẹp”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.